Đàm Trung Phán

Những bài viết …..

Daily Archives: 19/06/2016

THI TÀI KINH BẮC*

Tiến Sĩ Đàm Trung Pháp                                                                                                     

Professor of Linguistics Emeritus                                                                                                               

Texas Woman’s University

 

Bút giả rất hân hạnh được chia xẻ cùng quý độc giả về thi tài chữ Hán của một số khoa bảng thuở xa xưa người Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay). Trong di cảo Việt Hán Cựu Văn Trích Dịch, thân phụ chúng tôi, Cụ Đàm Duy Tạo, đã tóm lược tiểu sử của họ và diễn dịch sang thơ Việt một bài thơ chữ Hán tiêu biểu cho từng vị. Trong di cảo, các bài thơ chữ Hán được cụ viết tay rất chân phương, và trước khi dịch sang thơ Việt cụ cắt nghĩa từng câu rõ ràng, với cước chú cho những từ ngữ hay điển tích đặc biệt. Xin mời quý độc giả thưởng lãm các đoạn dưới đây được trích dẫn và nhuận sắc cho dễ đọc từ di cảo ấy.

 

Ông Chu Xa người huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ khoa Ngự Thí năm Quý Sửu (1433) đời Thuận Thiên, làm quan đến chức Ngự Sử, được cử đi sứ sang Tàu. Ông là tác giả bài thơ Chu trung vãn vọng (Đi thuyền ngắm cảnh buổi chiều) đẹp như một bức tranh sơn thủy dưới đây:

Cực mục tà dương tế

 Tàn hà mạt vãn không                                                                                    

Nhân qui sơn ổ ngoại    

Chu phiếm ngọc hồ trung  

Thủy diện song phi điểu

 Giang tâm nhất điếu ông  

Hứng quan do vị dĩ    

Vi nguyệt quải tân cung

Diễn dịch:  

Chiều hôm nhìn thẳm trời tây

Giáng tàn ửng đỏ vệt mây ngang trời

Người về khỏi xóm núi đồi

Giữa trong bầu ngọc thuyền bơi rập rờn

Đôi chim mặt nước chờn vờn

Một ông ngư phủ buông cần giữa sông

Còn đương cao hứng mải trông

Trăng non đâu đã treo cung bên trời

 

Ông Phù Thúc Hoành người làng Phù Xá, huyện Kim Hoa, phủ Thiên Phúc, tỉnh Bắc Ninh (làng này sau thuộc huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên). Ông làm Giáo Thụ dạy Kinh Dịch ở Quốc Tử Giám hồi Hồng Đức, sau thăng chức Hàn Lâm Học Sĩ. Vợ ông là Bà Ngô Chi Lan hay chữ, tài thơ được vua Lê Thánh Tông ban chức Nữ Học Sĩ và bổ vào dạy học ở trong cung. Ông là tác giả bài thơ Dã hành thi (Cuộc đi rong đồng) đầy màu sắc và âm thanh dưới đây:

Vũ quá vân sơn bích  

Lâm u khê thủy thanh

 Đoạn kiều hành khách thiểu          

 Viễn cận dã kê thanh

Diễn dịch:        

Mưa tạnh núi mây biếc

Rừng um nước suối trong

Gẫy cầu hành khách ít

Tiếng ếch kêu vang đồng

 

Ngô Chi Lan người làng Phù Lỗ lấy chồng ở làng Phù Xá (như đã nói ở đoạn trên). Vua Lê Thánh Tông khen thơ bà lời hay ý rộng, và mỗi khi phụng mệnh làm bài thơ văn nào, bà làm xong ngay. Khi vua mất rồi, bà nói: “Tôi tài vụn vặt, may được gặp đức Tiên Hoàng, nghĩa tuy là vua-tôi, nhưng tình thật là cha-con” rồi bà vừa khóc vừa đọc bài thơ viếng vua dưới đây:

Tam thập dư niên củng tử thần                        

Cửu châu tứ hải úc đồng nhân                                                                            

Đông tây thác địa dư đồ đại                                                                               

Hoàng đế khôi thiên sự nghiệp tân                                                                        

Vân ủng chân du vô xứ mịch                                                                                 

Hoa thôi thượng uyển vị thùy xuân                                                                        

Dạ lai do tác quân thiều mộng                                                                                  

Trướng vọng Kiều Sơn thức lệ cân

Diễn dịch

Ba kỷ ung dung vị thánh quân

Chín châu nhuần thấm một lòng nhân

Cõi bờ mở đất to công vũ

Hoàng đế ngang trời sáng đức văn

Mây rước xe loan mờ mịt bóng

Hoa đầy vườn thượng ngẩn ngơ xuân

Đêm mơ tiếng nhạc quân thiều nổi

Ngày ngó Non Kiều lệ đẫm khăn

 

Ông Trần Khản người huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh có bút hiệu là Vô Muộn Tẩu (Ông lão không buồn bực).  Ông làm quan ở Viện Chính Sự rồi về hưu sớm vì ông tin vào “tứ hưu” tức là bốn lúc nên nghỉ: (1) Cơm hẩm trà lạt, đủ no rồi, nên nghỉ. (2) Áo vá ngăn rét, đủ ấm rồi, nên nghỉ. (3) Mười điều được ba bốn điều vừa lòng, thế là quá rồi, nên nghỉ. (4) Không tham lam, chẳng ghen tị, tuổi già rồi, nên nghỉ. Đó cũng là những điều ông gửi gấm trong bài thơ dưới đây:

Công danh đọa tắng mạc hồi đầu                                                                           

Phú quý phù vân để dụng cầu                                                                                

Bất đố bất tham tùy phận sự                                                                                    

Tứ hưu chi ngoại cánh hưu hưu

Diễn dịch:     

Công danh chõ vỡ tiếc nhìn chi

Phú quý mây trôi hám nỗi gì

Yên phận không tham, không tỵ nạnh

Ngoài vòng bốn nghỉ, nghỉ ngơi đi

 

Ông Đàm Văn Lễ người xã Lãm Sơn, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, nổi tiếng thần đồng. Năm Kỷ Sửu (1469) đời Quang Thuận ông mới 17 tuổi mà đã thi đậu tiến sĩ. Là người chính trực, ông làm quan đến chức Thượng Thư Bộ Lễ. Khi vua Hiến Tông mất năm 1503, ông theo di chiếu lập vua Túc Tông. Khi vua Uy Mục lên ngôi năm 1505 thì giận ông đã không lập mình trước đây, giáng ông xuống làm Thừa Chính Xứ ở Quảng Nam, rồi sai người đuổi theo hạ sát ông. (Bài thơ vịnh Xuân Cung (nơi Thái-tử cư ngụ) của ông dưới đây làm nổi bật vẻ thanh nhã cao sang của một nơi lý tưởng để tu luyện tính tình cho người đạo đức thanh tao:

Đạo các phong thanh nhật chuyển trì                                                                                    

Giai tiền tĩnh khán liễu âm di                                                                                

Nhất trương cầm ngoại vô tha ngoạn                                                                      

Sổ quyển thân sao ngự chế thi

Diễn dịch:   

Gác đền mát mẻ tháng ngày dài

Lặng ngắm thềm hiên bóng liễu dời

Ngoài chiếc đàn cầm đồ thưởng ngoạn

Tay sao mấy quyển ngự thi thôi

 

Ông Phạm Khiêm Bính người làng Lãm Sơn, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh. Ông đậu tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502), làm quan đến chức Thượng Thư Bộ Hộ kiêm chức Đô Ngự Sử. Họ Mạc giáng ông xuống làm Hưu Thị Lang. Bài thơ dưới đây của ông cho người đọc thấy tâm sự của ông thật là uất hận vì nỗi sinh không gặp thời, bị lũ tiểu nhân làm hại, uổng cả tài ba, đạo học, nhưng vẫn yên vui số phận, một niềm ngay thẳng, cốt sao không xấu hổ với tiền nhân:

Ngũ bách dư niên nhất khí tài                                                                                

Thử tao bần bệnh tối kham ai                                                                               

Tiền tài bất ước niên niên khứ                                                                                

Ky sát đa tình cố cố lai                                                                                          

Đắc táng quan thiên vô quý hối                                                                             

Cát hung hữu mạnh tự an bài                                                                                

Giao du tương kiến kim tri kỷ                                                                            

Thanh nhãn tầm hương vị tổ khai

Diễn dịch

Năm trăm năm lẻ mớ tài thừa

Nghèo ốm phen này cảnh ngán chưa

Không ước bạc tiền đi mãi mãi

Có tình chấy rận bám khư khư

Hơn thua trời cả lòng hê hả

Lành dữ ta đành số đẩy đưa

Bè bạn thấy nhau người biết mấy

Về quê khỏi thẹn tổ tiên xưa

 

Ông Giáp Hải người làng Sính Kế, huyện Phượng Nhãn, tỉnh Bắc Ninh (sau thuộc về Bắc Giang). Khoa Mậu Tuất (1538) đời Đại Chính nhà Mạc ông đậu Trạng Nguyên nên thường được gọi là Giáp Trạng Nguyên.  Lúc Mao Bá Ôn phụng mệnh vua nhà Minh sang đánh họ Mạc có đưa bài thơ mang tựa đề Bình Thi (Vịnh Bèo) sang bắt ta họa lại. Vua Mạc bèn sai các danh sĩ ta mỗi người họa một bài để lựa chọn, và bài của Giáp Trạng Nguyên được gửi sang triều đình nhà Minh. Các quan Tàu đều phải chịu là hay, rồi mượn cớ nước ta có nhân tài mà lui quân! Dưới đây là bài xướng (đầy khinh bạc) của Mao Bá Ôn và bài họa (đầy hào khí) của Giáp Trạng Nguyên cũng như các phần diễn dịch đi kèm:

Xướng

Tùy điền trục thủy mạo ương châm                                                                      

Đáo để khan lai thực bất thâm                                                                           

Không hữu căn miêu không hữu diệp                                                                      

Cảm sinh chi tiết cảm sinh tâm                                                                              

Bất tri tu xứ ninh tri tán                                                                                           

Vị thức phù thời khởi thức trầm                                                                            

Đại để Hán Đường phong khí ác                                                                            

Tảo quy hồ hải tiện nan tầm

Diễn dịch:      

Theo bùn theo nước nẩy mầm

Xem ra rễ bám mặt lầm chẳng sâu

Gốc cùng lá có gì đâu

Dám sinh ngành đốt ra chiều gớm ghê

Tụ không nói, tán khác gì

Chưa hay khi nổi, biết chi lúc chìm

Hán Đường nổi gió chẳng êm

Quét về hồ bể hết tìm tăm hơi

Họa

Cẩm lân mật vật bất dung châm                                                                              

Đế diệp liên căn khởi kế thâm                                                                               

Thường dữ bạch vân tranh thủy diện                                                                      

Khẳng giao hồng nhật há ba tâm                                                                            

Thiên tằng lãng đả xuyên nan phá                                                                               

Vạn trận phong xuy cổn bất trầm                                                                            

Đa thiểu ngư long tàng dá lý                                                                                 

Thái công vô kế hạ câu tầm

Diễn dịch:      

Vẩy thêu mau chẳng lọt kim

Rễ liền gốc lá ngoài niềm sâu nông

Cùng mây tranh mặt nước trong

Vầng hồng đâu để xuống lòng ba lan

Sóng cồn muôn lớp không tan

Bão tung gió lật muôn cơn không chìm

Trong nhiều rồng cá im lìm

Cần câu ông Lã khôn tìm nơi buông

 

*Tài liệu trích dẫn và nhuận sắc từ di cảo                                                                                   

Việt Hán Cựu Văn Trích Dịch                                                                                      

của Cụ Đàm Duy Tạo (1896-1988)

Đàm Trung Phán

Những bài viết .....

VIETNAMESE HISTORY AND CULTURE RESEARCH INSTITUTE

Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hoá Việt Nam - Giấy Phép Hoạt Động C4286523 và EIN84-3284370

Mây Bắc Mỹ

Just for leisure!

Miomie

Drawing - Reading - Writing

Cuộc Sống

Niềm Tin Và Hy Vọng

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Việt Nam

Việt Nam

Kiếm tiền online

Kiếm tiền tại nhà hàng ngày . các cách kiếm tiền free online

Shop Mỹ Phẩm - Nước Hoa

Số 7, Lê Văn Thịnh,Bình Trưng Đông,Quận 2,HCM,Việt Nam.

Công phu Trà Đạo

Trà Đạo là một nghệ thuật đòi hỏi ít nhiều công phu

tranlucsaigon

Trăm năm trong cõi người ta...

Nhạc Nhẽo

Âm thanh.... trong ... Tịch mịch !!!

~~~~ Thơ Thẩn ~~~~

.....Chỗ Vơ Vẩn

Nguyễn Đàm Duy Trung's Blog

Trang Thơ Nguyễn Đàm Duy Trung