Lãng Xẹt
http://www.pbase.com/tamlinh/panama_trip
Tôi đang ngồi trong balcony của căn phòng chúng tôi tại khu nghỉ mát Decameron, Panama khi bắt đầu ghi chép những dòng chữ này.
Trước mặt balcony là bãi biển và Pacific Ocean. Sáng nay tôi thức dậy sớm, lúc trời còn tờ mờ sáng trong cái làn hơi sương , và bắt đầu tập Dịch Cân Kinh, sau đó ngồi Thiền Thở. Thấy đời thanh thản lạ thường và thay vì đi tản bộ dọc theo bờ biển, tôi lấy giấy bút ra ghi chép lại chuyến viễn du miền Trung Mỹ này.
Hotel Decameron tọa lạc trên một ngọn đồi chạy dọc theo bờ biển, có tất cả 600 phòng ngủ. Từ Panama City, xe bus phải chạy khoảng 2 tiếng mới tới được Hotel, địa danh mang tên Playa Blanca Farallón, một nơi nổi tiếng về phong cảnh hữu tình và khí hậu tốt.
1.
Hai tuần lễ trước khi viễn du, Lãng Xẹt tôi bận bù đầu cho hai cái projects phải làm cho xong mà dead line lại là 2 ngày trước khi ra đi. Lại bị cái màn bắp thịt lưng bên phải đau cứng vì “stress” mỗi khi có những “dead line” mà thì giờ lại không có nhiều để làm cho xong công việc. Nhưng kỳ này, Xẹt tôi “khôn” hơn: hễ cứ sờ chỗ bắp thịt nào đau, bèn bóp và ấn mạnh chỗ đó nhiều lần rồi bỏ đi bách bộ cho quên cái dead line! Lạ lùng thay: sau khi hoàn tất công việc, cái đau của bắp thịt cũng đi luôn! Tôi sắp xếp hành lý trong niềm vui thú.
Sáng sớm ngày thứ bẩy 31/7/2004, con chúng tôi lái xe đưa Lãng Xẹt và Bà Cai ra phi trường Pearson International để “check in” và gặp 22 nhân vật khác trong cái “Mission Possible” này. Vì vấn đề cẩn mật, Xet tôi chỉ xin giới thiệu các “code names” mà thôi; các code names đi theo cặp, ai mà đi xé lẻ một mình, đựợc gọi là “Cô” hay “Cậu” : Alpha, Beta (aka Lãng Xẹt), Gamma, Delta, Epsilon, New (cũ rồi, chẳng mới gì hết đâu!), Mew ( không phải là dân Mèo Mướp, khổ lắm, đã nói rồi mà !) , Pi ( Pai = Cái bánh ngọt mà thiếu chữ e), Theta (đến từ California), Cô Ella, Cô Scarborough Fair, Doremi ( mang theo cây đàn Guitar), Language ( phiên dịch từ chữ Lãng Huýt, aka Hà Bá đến từ Montreal). Kiểm điểm lại, đúng là 24 mạng cả thấy, OK, không thiếu một mạng nào!
Lãng Xẹt tôi xin kể tiếp.
Sau khi đã làm xong tất cả các thủ tục “check in” và điền xong đơn từ để nhập cảnh Panama, các code names nữ bắt đầu trao đổi món ăn lót lòng với nhau: nào là bánh khúc, bánh bao, nào là bắp luộc và kẹo đậu phụng. Xẹt tôi ngồi rung đùi vui vẻ vì thấy mình đang sống giống y chang như lời một ông thầy tử vi tướng số đã tiên đoán cuộc đời Lãng Xẹt:
– Tôi thấy anh được các bà, các cô và thức ăn vây quanh anh rất là kỹ càng!
Hóa ra là “Thân Cư Thê” là như thế, mà có lẽ đây là cái ngôi sao sáng giá nhất
trong cái lá Tử Vi của Xẹt (không có vợ thì chỉ có màn …mì gói, chẳng nên cơm cháo gì). Thế là cả bọn hết cả lo đói bụng nếu mà hãng máy bay “quên” không cho “Mission Possible” ăn trưa! Beta Lãng Xẹt bèn lấy Digital Camera chụp vài “pô” làm kỷ niệm.
2.
Máy bay Boeing 737 đầy người, hết cả chỗ ngồi và tương đối “nhỏ con”. Chỉ có 2 cái toilets, một cái đằng trước, một cái đằng sau cho cả nam lẫn nữ và lối đi rất là hẹp. Nếu chẳng may gặp một ông tây, bà đầm nào đang đi tới, “quân ta” phải dén người vào giữa hai hàng ghế mới có thể tránh họ được. Bay được một tiếng, Beta thấy lỗ mũi bên phải bắt đầu bị tắc nghẽn, sau đó là “thò lò mũi xanh”: Welcome to my Allergy! Lý do chắc là vì hơi lạnh của hệ thống điều hòa không khí đang tới tấp tấn công hệ thống hô hấp của Lãng Xẹt . Bèn lôi Tylenol ra uống một viên để tránh cái vụ “củm cám”, cảm cúm mất vui trong “Bẩy Ngày Ngà Ngọc”! Sau 5 giờ bay, chúng tôi tới phi trường Panama City.
Phi trường này không đông đúc như các phi trường của Bắc Mỹ nên máy bay không cần phải chờ đợi khi vào phi đạo. Các thủ tục giấy tờ nhập cảnh cũng rất là mau lẹ, chẳng bù với những lần đợi chờ tại các phi trường ở Bắc Mỹ.
Hãng Du Lịch Decameron ra đón ngay tại Phi Trường với tấm bảng Decameron to chình ình. Du khách theo các tour guide đi ra 3 cái xe bus đang chờ ở ngoài Terminal. Ðiều làm tôi ngỡ ngàng là cái kính tôi đang đeo bị mờ ngay sau khi ra khỏi cái Terminal Building, trái ngược lại những lần tôi bước từ ngoài vào trong nhà ở Canada trong những tháng mùa đông (kính mắt đang lạnh sẽ làm đọng nước khi gặp hơi ấm trong môi trường ấm áp, nóng nực).
Ngồi trên xe Bus, tôi thấy thảo mộc xanh tươi mát, đúng là thảo mộc của miền nhiệt đới nhiều nắng và mưa nhiều. Tôi thấy biết bao nhiêu là cây soài hoang mọc bên đường. Tôi còn thấy nhiều cây có quả đỏ, mấy hôm sau tôi mới biết đây là những cây chôm chôm Trung Mỹ. Tôi cũng chợt thấy hai bụi hoa Antigone, loại hoa mà tôi đã thường thấy tại quê tôi thuộc xứ Bắc của một thời rất xa xôi hồi còn bé. Ngoài ra còn có các hoa và thảo mộc khác mà tôi chưa từng thấy. Rất tiếc là xe đi quá nhanh nên tôi không chụp được một tấm hình nào.
3.
Khi xe tới khách sạn lúc trời chập tối, ai nấy đều thấy thấm mệt vì xe bus không có êm như xe bus tại Bắc Mỹ. Tôi lại chưa quen với cái oi bức và “humidity” của miền nhiệt đới nên cảm thấy khó chịu trong người. Chúng tôi được nhân viên của Hotel Decameron ra đón rất ân cần. Mỗi người được mời một ly nước ổi thật là tuyệt vời, sau đó chúng tôi được chỉ dẫn lên phòng của từng người và hẹn nhau đi ăn ở đâu.
Hóa ra tại ngay phi trường, mỗi cặp chúng tôi đã được phát 3 cái “tags” để buộc vào valises. Trên cái “tag” đã ghi số phòng và các “tags” này sẽ còn là những tín hiệu để hãng du lịch Nolitour World mang thẳng hành lý của chúng tôi ra phi trường trên đường về lại Toronto để chúng tôi không phải bận tâm về hành lý.
Sau khi hành lý đã được mang đến tận phòng, tôi tắm rửa và thay quần áo cho thoải mái; cái mệt nhọc hầu như đã biến đi đâu mất rồi! Tất cả mọi người trong “Mission Possible” gặp nhau tại phòng ăn Atlantis, nơi “chuyên trị” Buffet: khách tự đi lấy đồ ăn nhưng chỗ ngồi có khăn bàn, khăn ăn bằng vải đỏ và waiters / waitresses mang nước ngọt, rượu và cà phê hay trà cho khách . Tương đối, các món ăn, đồ tráng miệng và hoa quả cũng tương tự như trong các Buffet Restaurants tại Dominican Republic, Venezuela, Bahamas nhưng về phẩm chất, tôi thấy nơi này thua các nơi “nghỉ nóng” kia. Ðặc biệt là tại các vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ mà tôi đã thăm viếng, món Fish Soup thì tuyệt trần đời, nhất là ở Venezuela, họ nấu Fish Soup với Cá biển, Chuối (Plantain), Khoai Sọ … ăn hoài mà vẫn không thấy chán. Một chút gì khá giống hương vị quê nhà!
4.
Hotel Decameron có tất cả 3 phòng ăn Buffets và 6 phòng ăn theo kiểu “à la carte” chuyên nấu đồ biển, đồ ăn Thái, đồ ăn miền Ðịa Trung Hải, đồ ăn Ý, Steak House và đồ ăn Nhật. Ngoài ra, còn có hai cái Snack Houses cho những ai đi chơi xa không về kịp để ăn Lunch hay Dinner, mở cửa từ 2 giờ trưa đến 5 giờ chiều và từ 11 giờ đêm tới 2 giờ sáng, theo thói “ăn chơi” của du khách đi nghỉ hè .
Rút từ kinh nghiệm của những lần đi chơi kỳ trước, trong 6 tối còn lại của “7 ngày ngà ngọc”, các code names đã ghi tên để mỗi đêm tất cả mọi người cùng đi ăn theo lối “à la carte”. Tới phòng ăn, các cô hostess ra chào đón chúng tôi và đưa chúng tôi ngồi vào bàn. Họ đưa thực đơn để khách chọn món ăn. Trong khi chờ đợi, khách tự ý đi lấy soup và salad. Waiters và waitresses mang nước lạnh, nước trái cây và rượu đến mời khách. Món ăn Nhật thật là dở, món Thái rất là đặc biệt và khoái khẩu, Bouillabesse của Pháp thì chẳng có gì là đặc sắc cho lắm. Giá có món Phở và Rau muống xào, chắc “quân ta” sẽ hỉ hả hơn!
Cái tiện lợi khi mua vé “package tour” là chúng tôi được bao tất cả mọi thứ nên chúng tôi chẳng phải mang theo túi tiền mỗi khi đi ăn, uống. Không gì sướng bằng khi trời đang nóng chẩy mỡ mà chạy ngay ra cái bar rượu bên cạnh hồ bơi để uống một ly nước cam hay ly bia. Thường thì tôi nốc luôn một lúc 2 ly nước cam, mới thấy giải nhiệt và xuống hồ tắm bơi tiếp.
Tắm biển ở nơi này khá nguy hiểm. Họ đã báo động là khi nào bãi biển cắm cờ đỏ, mình không nên xuống biển tắm vì sóng biển có thể cuốn người ra ngoài khơi. Một cặp suýt chết chìm vì bị sóng kéo ra khơi, may mà người Life Guard cứu họ kịp thời. Thật là hú vía. Có một lần, tôi đã bị sóng biển tại Bondi Beach ở Sydney cắm đầu tôi vào cát, may mà Xẹt tôi lấy tay tự đào cát kíu lấy mình, từ đó, tôi thấy ớn xương sườn mỗi khi thấy sóng to ập vào bờ và kéo người ra khơi “đi chơi” với sóng!
5.
Sáng sớm nay, ngày thứ năm của tuần lễ đi nghỉ hè, trời bỗng nhiên ập xuống một trận mưa hè. Tôi ngưng viết để đi ăn sáng cùng với mọi người. Vì trời mưa, một số “code names” thuê xe đi thăm viếng kênh đào Panama, một số không biết làm gì bèn rủ nhau vào “Gym” tập Thể Dục, một số về phòng đọc sách hay coi TV. Xẹt tôi “gửi” Bà Cai đi “Gym” rồi trở về phòng và ra balcony nghe mưa rơi trên lá. Phòng của chúng tôi ở lầu 3, phía trước của cửa phòng là một bụi chuối, phía sau phòng là balcony. Ngay trước balcony là một cây dừa và một cây soài rất to có rất nhiều chim.
Thảo mộc được nước mưa tắm gội trông tươi mát hẳn lên. Tôi đã từng được nghe mưa rơi lộp độp trên lá trong những chuyến đi chơi lần trước, mỗi lần tôi lại nhớ đến bài hát “Hạt mưa trên lá” của nhạc sĩ Phạm Duy. Hình ảnh cây chuối và lá chuối ướt sũng nước mưa làm tôi nhớ lại tuổi thơ ấu tại Bắc Ninh trong những ngày mưa hè. Các hình ảnh này đã vùi sâu trong ký ức; tưởng rằng đã quên nhưng thực ra quê hương tôi vẫn còn sống trong tôi . Tôi chỉ cần có một khung cảnh, một vòm trời, một cơn mưa nào đó… là tôi có thể “giở trang nhật ký “được, và tôi rất quý những giờ phút riêng tư như vậy .
Mùi nước cống, mùi sình bốc lên từ cái nhà máy lọc nước cống xông lên đến tận lầu ba nơi tôi ngồi. Tôi cảm thấy mùi này thật là đặc biệt và quen thuộc. Tôi cho rằng các mùi, vị và mầu sắc luôn luôn tiềm ẩn trong ký ức con người. Mùi sình này đã mang tôi trở về với Saigon trong hai năm Ðệ Nhị và Ðệ Nhất khi tôi đến thăm bạn tôi ở gần khu Cầu Bông, thật là khó quên trong tuổi học trò dại khờ của tôi. Mùi sình này cũng nhắc nhở tôi đến những lần đưa sinh viên tại Toronto đi thăm viếng các nhà máy lọc nước cống (Field Trip) trong môn “Nước Uống và Nước Cống” mà tôi đã từng dậy trong nhiều năm trước khi về hưu.
Trời mát hẳn xuống, thân tôi không còn phải đổ mồ hôi hột như những buổi xế trưa trong balcony. Chắc tại mưa to, gió lớn nên tiếng sóng biển nghe rất to và rõ ràng. Ngồi nghe sóng biển và nhìn từng cơn sóng dội vào bờ, tôi nhớ lại truyện “Trống Mái” mà ngày xưa tôi đã từng đọc say mê. Có khác chăng, có lẽ là phong cảnh của Việt Nam và Panama, có lẽ là khoảng thời gian cách biệt đã hơn nửa thế kỷ và có lẽ là cái “state of mind” của chính tôi giữa ngày xưa và ngày nay?
Mỗi lần được đi du lịch, tôi lại có dịp giở những “trang sách cũ” trong ký ức để kiểm điểm lại những gì tôi đã, đang và sẽ có thêm trong những “trang nhật ký” này. Tôi thích nhất những ngày mưa như hôm nay. Ngày mưa là ngày chúng tôi phải “cắm trại”: Tôi “được phép” ở lại trong phòng để ra balcony ngồi đọc sách, hít thở hay ghi chép lại những gì bỗng dưng tôi thấy được trong đầu óc. Ở đây, không còn cái ồn ào của thành phố. Thời gian như ngưng lại, tôi không còn thấy phải bận bịu với bất cứ truyện gì nữa. Tôi cũng chẳng có dịp để mà vào Internet dễ dàng như ở nhà, lý do chính thật là giản dị: Hotel chỉ có 2 cái Internet Computers chạy chậm như rùa mà lại mắc như quỷ!
Tôi lại “được miễn” xuống tắm biển hay hồ bơi vì mặc dù tôi thích bơi lội dưới trời mưa nhưng nước lại khá lạnh nên chẳng ma nào dám nhẩy xuống nước nữa.
“Lậy trời mưa xuống
Cho thân tôi sướng
Tôi không bị vướng
Vào vụ … shopping
Tôi thích một mình
Ngồi trong lặng thinh
Ngắm trời, ngắm biển”.
6.
Trời mưa còn có cái thú khác: trời mát dịu hẳn lại, chẳng bù với mấy hôm trước trời nóng chẩy mõ lại thêm cái độ ẩm rất cao (humidity) trong không khí của miền Nhiệt đới (phơi cái áo ướt ngoài balcony 3 ngày mà chưa khô). Ở Canada, ít khi nào mà tôi đổ mồ hôi hột được, trừ khi tôi tập thể dục khá lâu. Mỗi lần tôi “được chẩy mồ hôi nhễ nhại”, tự mình cảm thấy “khỏe” lắm và ban đêm ngủ rất ngon giấc.
Bắt đầu từ ngày thứ hai của “bẩy ngày nói cười nghiêng ngả”, kệ xác trời nóng và đổ mồ hôi hột, tôi vác máy hình đi chụp thảo mộc xung quanh cái Hotel này (ngày xưa là trại lính của Chính Phủ Panama và ở ngay bên cạnh nhà nghỉ mát của tướng Manuel Noriega). Tôi thấy hoa giấy mầu đỏ, mầu trắng, mầu da cam, mầu tím.
http://www.pbase.com/image/32397846
http://www.pbase.com/image/32464714
http://www.pbase.com/image/32398081
Dân xứ nóng chẳng lưu ý đến hoa giấy cho lắm nhưng những ai đã từng cảm thấy muốn chết cóng trong mùa tuyết tại Bắc Mỹ mới thấy quý các loại hoa nhiệt đới này. Phải nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa khi trồng bông giấy trong nhà thì may ra mới được thấy vài cụm hoa giấy nở.
Có những bụi hoa mầu vàng rất đẹp, tôi không biết có phải thực sự là Hoa Vông Vang của bên mình không (như trong truyện Hoa Vông Vang của nhà văn Ðỗ Tốn). Tôi vác máy hình chụp rất nhiều tấm như để ghi vội cái dịp được trở về trong ký ức với “Hoa Vông Vang” của nhà văn Ðỗ Tốn mà tôi đã từng đọc say mê hồi còn học Ðệ Ngũ, Ðệ Tứ
http://www.pbase.com/image/32398473
Có những hàng dừa không quá cao nhưng đầy quả trông rất lạ mắt
http://www.pbase.com/image/32465686
http://www.pbase.com/image/32398479
Có một lần khi xe Bus ngưng lại tại một hàng quán bên đường, tôi xuống mua dừa tươi uống (50 cents tiền Mỹ. Ở Panama, họ dùng Dollars Mỹ và Panama đang muốn “dụ” dân Mỹ và Canada tới sống trong lúc về hưu). Nước dừa ở đây uống cũng ngon như nước dừa mà Canada nhập cảng. Ở Venezuala, dân địa phương còn trèo lên cây dừa mà hái và bổ dừa cho du khách ngay tại chỗ, rẻ ề: 10 cents Mỹ mà thôi!
Xung quanh các hồ bơi, họ còn trồng nhiều cây giống như cây dừa mà quả lại giống như quả cau, đắc biệt là quả mầu đỏ, trông rất đẹp mắt, tiếc nỗi là tôi không biết tên Latin và tên Việt Nam của loại cây này:
http://www.pbase.com/image/32398480
http://www.pbase.com/image/32398481
Chúng tôi tới Panama không đúng vào lúc Mùa Soài chín, nhưng tôi thấy rất nhiều cây Soài nặng chĩu quả hãy còn xanh:
http://www.pbase.com/image/32421955
http://www.pbase.com/image/32421954
Hầu như các cây Soài ở đây không do người ta trồng, mà là các cây soài hoang mọc dại bên đường. Một hôm cả bọn đi nhặt Soài rớt xuống đất. Tôi còn đang mải chụp hình, bỗng nghe thấy tiếng của một phái nữ nói văng vẳng bên tai:
– Anh ơi, nếu anh có thương em, anh hái cho em vài trái a… Soài!
Tôi lật đật đeo máy hình vào vai cho chắc và kiếm ngay được 3 trái Soài trông rất ngon lành để đem tặng vợ. Kiếm hoài mà chẳng thấy Ba Cai đâu và sau khi định thần lại mới biết Code Name phái nữ tên Mew đang “miu miu nũng nịu ” với Bác Trai Mew! Thiệt là lãng xẹt mình cứ “tưởng bở”, Xẹt tôi bèn vội vàng ném 3 quả Soài vô tội đi chỗ khác để cho Xẹt còn rảnh tay mà đi chụp hình tiếp! Truyện “miu miu”, xin để lúc khác: Not Now, My Dear!
Soài ở đây phần lớn có dáng tròn trịa, quả nhỏ, hột lớn nhưng loại soài này ăn rất là ngọt. Tôi cũng nhặt được 2 quả soài khá to mà vẫn còn xanh, Bà Cai thái ra chấm muối ớt, phe các bác gái ăn thấy ngon như Soài tượng bên nhà, khen ầm ỹ cả xóm làng!
Nói đến Muối Ớt, tôi nhớ ngay đến cái món Me Chua Chấm Muối Ớt. Một hôm, người Tour Guide của Hetel Decameron dẫn chúng tôi tới nhà nghỉ mát của tướng Manuel Noriega nay đã điêu tàn vì trúng đạn đại bác . Nóc nhà không còn, chỉ còn chơ vơ mấy bức tường và cái cầu thang soắn ở ngay giữa nhà.
http://www.pbase.com/image/32925285
http://www.pbase.com/image/32925286
http://www.pbase.com/image/32925287
Biệt thự này nằm ở ngay trên bờ biển, bên cạnh Hotel Decameron. Xung quanh dinh cơ có nhiều loại cây, bỗng dưng Lãng tôi chú ý tới một cây đầy trái non . Khi tới gần, tôi la lên một tiếng thất thanh :
– Ui cha! Cây me!
Xẹt tôi vội vàng vịn một cành xuống, hái lấy hái để những trái me chua hãy còn xanh rờn và chứa đầy cái mũ base ball của Lãng Xẹt. Tôi “báo tin” cho “đoàn quân Mission Possibe”, thế là “quân ta” kéo tới, ai nấy hỉ hả vừa hái Me, vừa chụp hình lia lịa.
http://www.pbase.com/image/32454954
http://www.pbase.com/image/32454955
Tối hôm đó Bà Cai ngâm Me Chua với muối ớt. Tôi cắn thử một miếng, chua quá, bèn nhè ngay ra, miệng há hốc giống như Tề Thiên Ðại Thánh ăn phải mắm tôm vậy, nhưng các Bác gái khác thì chiếu cố rất ư là … tận tâm! Ðã hơn 40 năm rồi, tôi mới thấy lại cây Me, thật là một điều thú vị rất là bất ngờ.
Một lần, chúng tôi lấy xe Bus ra ngoài phố đi shopping, tôi mua được trái mận (người Bắc gọi là quả doi) mầu đỏ thẫm.
http://www.pbase.com/image/32422025
http://www.pbase.com/image/32421957
Tôi ăn thấy chát quá, bèn mang về đưa cho người dọn phòng bản xứ.
Chúng tôi cũng đi thăm một sở thú tư nhân. Gọi là sở thú cho nó “oai”, chứ thực ra đây là một cái vườn bách thảo nhỏ mới đúng nghĩa của nó. Trong những năm trồng lan, tôi vẫn ước mơ được thăm viếng các “rain forests” trong những vùng nhiệt đới để được thấy tận mắt phong lan mọc chi chít trên các cành cây, nay tôi may mắn có cái cơ hội này . Tôi lấy máy hình ra chụp lia lịa “để dành mà xem” trong những cơn ghiền của tôi sau khi đã về lại Canada.
http://www.pbase.com/image/32398806
http://www.pbase.com/image/32398804
Tôi há hốc mồm khi thấy Ðịa Lan Phaius nở hoa vừa to vừa phơi phới xuân tình :
http://www.pbase.com/image/32398947
http://www.pbase.com/image/32398943
Mười mấy năm về trước, tôi đã từng trồng Phaius trong nhà ở Canada, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa chăm lo rất tận tình cho nàng Phaius. Nàng vẫn ỳ ra, chẳng thèm nở ra cho một bông hoa nào. Cũng chỉ là vì Canada không có khí hậu nhiệt đới: cái độ nóng của nhiệt độ ngoài trời, cái độ ẩm cao, mưa rào ào ào, ban đêm lại mát dịu như tại miền này của Panama. Sau hai năm “hầu hạ” nàng mà chẳng được sơ múi gì, tôi dẹp nàng Phaius sang một bên để “chạy theo” các nàng lan khác “dễ nuôi và hay ăn, chóng lớn” hơn, dựa theo cái thuyết “liệu cơm gắp mắm” của Lãng Xẹt!
Ðiểm đặc sắc của Panama là tôi thấy nhiều cây phượng vĩ cổ thụ vĩ đại che khuất cả một khoảng vườn khá lớn. Hotel Decameron, theo lời giải thích của một tour guide, có cây Phương Vĩ đã sống khoảng 140 năm, “già” hơn cả Lãng Xẹt nhà tôi nữa, ghê thật ! Chúng tôi tới đây sau khi các cây phương cổ thụ đã hết mùa hoa, thật tiếc thay ! Lâu lâu, chúng tôi thấy lèo tèo vài chùm hoa phương từ các cây phượng không to cho lắm.
http://www.pbase.com/image/32397837
http://www.pbase.com/image/32398483
http://www.pbase.com/image/32421937
http://www.pbase.com/image/32421939
Một buổi sáng, trong lúc đi dạo bộ xung quanh cái “resort” này, tôi bỗng thấy 6 cây điệp cao chừng hơn 2 mét đang nở hoa, Lãng Xẹt tôi vỗ tay đôm đốp. Ðiệp có 3 mầu hoa: đỏ, hồng và vàng
http://www.pbase.com/image/32398950
http://www.pbase.com/image/32398954
http://www.pbase.com/image/32397854
Tôi lấy máy hình ra chụp túi bụi, mặc kệ cho muỗi và bọ đốt xưng cả hai cái cẳng, chụp hình là ta cứ thế mà chụp. Chụp xa, chụp gần, chụp đủ cả mọi kiểu và tôi cảm thấy rất vui thú trong lúc chụp hình mặc dù lâu lâu phải gãi cẳng vì ngứa. Ngày hôm sau, tôi còn thấy nhiều các cây điệp khác, khi tôi đi vào những khu vườn mà tôi mới biết ở xung quanh Hotel. Lại cái màn chụp hình tái diễn. Tôi chụp lấy chụp để mà không sợ bị “hết phim, hết pin ” như hồi còn là sinh viên vì tôi đã trang bị rất kỹ càng: tôi dự trù sẽ chụp tất cả chừng 2000 tấm hình mà vẫn không sợ bị hết Battery và Memory trong cái “Memory card” của máy hình. Thật là tuyệt vời khi tôi nhìn hoa điệp trong màn hình của TV mỗi buổi tối sau khi tôi đã “store” hình vào trong cái “Portable Digital Photo Hard drive”. Hôm sau lại tha hồ đi chụp tiếp mà không bao giờ bị hụt hẫng vì cái nạn “hết phim” như khi chụp máy hình thường!
Một hôm Bà Cai đi bộ dọc theo bờ biển, thấy một cây Thanh Trà và mang về cho tôi xem mấy quả Thanh Trà đã chín và rụng xuống bãi cỏ:
http://www.pbase.com/image/32423222
http://www.pbase.com/image/32423223
Bà Cai nở miệng cười và nói với tôi:
– Ở đây giá mà có thịt lơn nạc, em sẽ nấu canh với quả thanh trà cho anh ăn với cà pháo thì hết xẩy!
Tôi không còn nhớ là đã thấy quả Thanh Trà này ở ngoài Bắc hay trong Nam nữa . Tôi chỉ còn nhớ hồi 10, 11 tuổi, sau mỗi trận mưa, tôi thường ra đường Trần Hưng Ðạo ở Hà Nội để nhặt những quả sấu chín rơi rụng ở ngoài đường. Quả sấu chín mầu vừa xanh vừa vàng, ăn chua chua, ngọt ngọt, rất là đặc biệt. Chị tôi thường luộc mấy quả sấu xanh với rau muống và cà chua. Rau muống luộc chấm với nước mắm dầm với sấu luộc và cà chua, ăn thật là Bắc Kỳ, tôi còn nhớ ăn ngon lạ lùng. Từ ngày rời Hà Nội di cư vào Nam năm 1954, tôi chưa có dịp thấy lại cây sấu, thấm thoắt đã hơn nửa thế kỷ rồi!
Một buổi sáng sớm, khi Bà Cai và tôi đi dạo bộ trước lúc ăn sáng, tôi thấy một đám hoa, trông quen thuộc mà tôi chẳng nhớ ra là hoa gì. Tôi lấy máy hình ra chụp đại. Bà Cai nói với tôi đây là bụi hoa Tóc Tiên:
http://www.pbase.com/image/32421327
http://www.pbase.com/image/32421504
Hoa Tóc Tiên? Cả một thời thơ dại của tôi tại Bắc Ninh trở về trong trí nhớ của tôi: Bố mẹ tôi trồng tóc tiên trong vườn. Hình ảnh gian nhà, hình ảnh bố mẹ tôi (nay không còn nữa) và hình ảnh tôi hồi còn “thò lò mũi xanh” hiện ra ngay trong trí tưởng tượng của tôi. Mặc dù khóm hoa này không thực sự là hoa Tóc Tiên đi chăng nữa, nhưng cái danh từ “Tóc Tiên” cũng đã cho tôi được trở về trong những giây phút ngắn ngủi này với giai đoạn mà đại gia đình chúng tôi chưa bị chiến tranh, chưa bị di cư vào Nam, chưa bị mất mẹ, mất làng quê … làm sáo trộn cả nếp sống của chúng tôi. Một chút gì ngậm ngùi, xa vắng, bâng quơ!
7.
Tôi thường dậy sớm, ra balcony tập thể dục, ngồi Thiền và lấy giấy bút ra ghi lại đôi dòng. Tám giờ sáng, cả bọn gặp nhau ở dưới phòng ăn sáng, theo kiểu Buffet. Tôi ăn chút thịt và trứng, để có đủ protein, sau đó đi lùng trái cây mà ăn. Hầu như sáng nào cũng có dứa (trái thơm), passion fruit (hồi còn ở Saigon, tôi không thấy trái này), chôm chôm, đu đủ, dưa hấu, bưởi và cam. Tôi thường trộn nước cam với nước Passion Fruit để uống trước khi uống cà phê, vì đây là món đồ uống “tủ” của tôi trong những ngày còn đi học bên Úc.
Khi tôi đang viết đến đây, Doremi mang đàn guitar ra chơi mấy bài Classical Guitar. Tôi vừa viết, vừa nghe tiếng đàn Guitar, rất là thú vị. Phòng của Doremi ở lầu hai và khi tôi ngồi trong cái balcony này, tôi nhìn thấy Doremi đang chơi đàn Guitar. Ngoài kia sóng biển đang vỗ vào bờ và trời đang chạng vạng tối. Bầy chim về tổ đang líu lo hót trong cây soài cổ thụ ngay cạnh balcony của chúng tôi. Thật khó mà tả được cái cảm giác khoan khoái mà tôi đang có trong lúc này!
Khoảng nửa giờ nữa, “phái đoàn” chúng tôi sẽ xuống tụ tập tại một “lobby” để tán gẫu và uống nước trước khi chúng tôi đi ăn bữa cơm tối cuối cùng với nhau để rồi sáng ngày hôm sau (Aug.7, 2004) cả bọn sẽ lên xe Bus ra phi trường Panama City trở về lại Toronto .
“Phái đoàn” chúng tôi phần lớn là những “diễn viên thường niên” của Ban Sinh Hoạt Trưng Vương- Chu văn An và Thân Hữu tại Toronto. Cứ mỗi lần gặp nhau ở bất cứ nơi nào, thế nào cũng có những tiếng cười đùa, om xòm như cái chợ vậy. Chúng tôi kể cho nhau nghe đủ mọi thứ truyện, nhất là những câu truyện thời còn là học sinh và sinh viên.
Chúng tôi đã lớn lên trong thời buổi chiến tranh, có người đã từng đi tù cải tạo, có những người đã từng đi thăm nuôi chồng trong trại giam cải tạo, rồi vượt biên và lập lại cuộc đời nơi xứ lạ, quê người. Phần lớn mọi người trong “phái đoàn” chúng tôi đã có con cái thành tài và chúng đã có vợ có chồng . Giờ đây, chúng tôi gặp nhau, quen nhau (hay đã quen nhau từ Việt Nam), thân nhau trong tình bạn đồng hương, đồng môn và tự hứa sẽ để lại sau lưng những nhọc nhằn, buồn tủi … Gặp nhau để cười đùa, để kể cho nhau những truyện khôi hài, tiếu lâm và để mừng rỡ khi thấy các bạn bè của mình còn có sức khỏe để “vui đời” vì chúng tôi hầu hết đã hay đang tới cái đoạn đời “bonus” này .
Chúng tôi đã tự thuê lấy xe Van có tài xế đưa chúng tôi đi xem phong cảnh, Panama Canal, đi shopping. Những ngày “nghỉ” khác, sau khi ăn sáng xong, cả bọn rủ nhau đi bộ dọc theo bờ biển. Khi nào thấy nóng nực, nhào ra biển hay hồ bơi mà bơi lội. Bơi mệt rồi nằm dài trên ghế dưới các “túp lều lý tưởng” và lại tiếp tục việc tán gẫu
http://www.pbase.com/image/32398476
Ai thấy khỏe và không sợ cái nóng thì đi đánh Tennis. Có người còn đi cưỡi ngựa. Bà Cai và tôi sáng nay đi cưỡi ngựa cùng 3 “code names” khác.
http://www.pbase.com/image/32397843
Trong cái “resort” này, họ cho mình đi cưỡi ngựa nửa tiếng và không phải trả tiền. Một người bản xứ chăn ngựa đã giúp chúng tôi lên và xuống ngựa. Tôi đã từng cưỡi ngựa tại Venezuela nên đã biết điều khiển con ngựa. Vì “số sui”, Xẹt tôi gặp ngay con ngựa bất kham, tự dưng nó “hứng chí” phóng nước đại làm Xẹt đâm … xẹt lửa , nơm nớp lo sợ :
“Que Sera sera!”
Cũng may là người guide luôn luôn đi gần tôi và hô to tên con ngựa bất kham này và bắt nó đi chậm lại dùm tôi. Từ lúc xuống ngựa, dáng tôi đi bộ trông rất là … “khệnh khạng” như người “háng rộng” vậy. Cũng chỉ là vì cái con ngựa hay dở chứng này đã làm cho hai cái bắp thịt đùi của tôi nó cứng lại sau nhiều lần tôi giật giây cương bắt nó ngừng lại và tôi đá chân vào bụng nó để bắt nó đi tiếp! Nàng ngựa tức tôi, lâu lâu lại “thở phành phạch” vài tiếng. Tôi nghĩ bụng:
“Kẻ tuổi Ngựa và nàng Ngựa chắc không có hạp nhau; thôi thì, sau nửa tiếng ‘đi chung đường’ với Ngọ , Xẹt tôi …sẽ không dám theo Ngọ đi tiếp nữa đâu, cho nó chắc ăn, Ngọ à !”
Trong giờ ăn trưa, các bà đã chán ăn “cơm tây” nên đã mang theo bánh tráng và nước mắm để làm món gỏi cuốn Việt Nam ăn cho đỡ “nhớ nhà”! Từng bàn một, câu truyện lại vẫn nổ như pháo rang. Giờ trưa, mà ngồi trong phòng ăn với quạt trần, gió hiu hiu thổi, nhìn ra biển thật là thú vị.
Ăn lunch xong, phần lớn cả bọn chúng tôi kéo nhau ra nằm dưới “túp lều tranh lý tưởng” dọc theo bờ biển. Trừ những ngày mưa, lúc này trời rất nóng, lại thêm độ ẩm (high humidity) rất cao làm cho tôi đổ mồ hôi hột dòng dòng. Cũng may là dưới bóng mát của “túp lều lý tưởng” của Cai và của Xẹt, và nhờ gió biển thổi vào, “hai trái tim vàng” nằm trên ghế ngủ thiếp đi lúc nào không hay.Tỉnh dậy, tôi lấy sách ra đọc. Ðọc chán, nhẩy ùm xuống nước mà bơi, ôi chao là mát! Rất tiếc là máy hình và lời viết không tài nào “capture” được cái nóng nực, độ ẩm (humidity) và các làn gió hiu hiu từ biển thổi vào của vùng nhiệt đới này. Thôi thì Lãng Xẹt tôi cứ viết đại, đến đâu hay đến đó!
Chúng tôi hy vọng cứ lâu lâu lại có một lần “retreat” như vậy để cùng nhau chung vui những câu truyện, những hình ảnh và nhất là tình bạn. Ðây không phảI là “7 ngày khoái lạc” mà thực sự là một tuần lễ để chúng tôi, những dân sống trong xứ lạnh kiếm được cái “thú vị” của thân thể đổ mồ hôi hột và được sống lại trong cái khung cảnh Việt Nam thanh bình của tuổi thơ ngày xa xưa, “a country away from our beloved country” !
“Ði để mà đi, đi để mà được trở về trong ký ức … I shall return to visit … my past”, tôi nhủ thầm.
Lãng Xẹt
Aug. 2004/ July 2022
Like this:
Like Loading...