Đàm Trung Phán

Những bài viết …..

Category Archives: VĂN HỌC THẾ GIỚI QUA VIỆT NGỮ

NỖI U SẦU CỦA CHÀNG TRAI WERTHER – DIE LEIDEN DES JUNGEN WERTHERS-

ĐÀM TRUNG PHÁP                                                                                                                                       

Johann Wolfgang von Goethe (1749 -1832) là vị văn sĩ, thi sĩ, kịch tác gia, triết gia, khoa học gia lừng lẫy nhất của Đức Quốc. Trong vô số những tác phẩm quan trọng của Goethe, vở bi kịch tràng giang mang tên Faust được coi là vĩ đại nhất. Trong đó vai chính Faust là một tay đại bịp thành công to nhưng chưa thỏa mãn với đời, cho nên hắn đã bán linh hồn cho quỷ để có được kiến thức lớn lao và tận hưởng thú vui vật chất. Nhưng lạ thay, khi nói đến văn thi hào Goethe thì nhiều người dân Đức nghĩ ngay tới cuốn tiểu thuyết đầu tay do ông sáng tác khi còn là một thanh niên, mang tên Die Leiden des jungen Werthers (Nỗi u sầu của chàng trai Werther), dựa vào tâm tư thực sự của tác giả và trình bầy theo lối “biên thư” riêng tư và lôi cuốn. Tiểu thuyết theo lối viết độc đáo này được mệnh danh là “Briefroman” (Đức), “epistolary” (Anh), và thư tín tiểu thuyết 書信小說” (tạm dịch sang Hán-Việt).

Die Leiden des jungen Werthers là một thư tín tiểu thuyết tâm lý và tình cảm về một “cuộc tình tay ba” bi thảm giữa ba nhân vật Werther, Albert, Lotte – với  Werther đóng vai chính. Ba người ba tính tình hoàn  toàn khác biệt. Werther thông minh nhưng kiêu căng, nghệ sĩ tính nhưng ít hứng thú, lại đa sầu đa cảm và không hài lòng với cuộc đời. Tinh thần Werther thay đổi giữa trạng thái vui tươi quá mức và trạng thái u sầu đến tận cùng. Anh ở trong một thế giới quay cuồng sau khi gặp và mê cô Lotte ngay lần đầu. Duyên dáng, đảm đang và tử tế, Lotte đã đính hôn với Albert lớn hơn nàng cả chục tuổi. Cô có nhiều cảm tình với Werther, nhưng cô biết “điều chỉnh” xúc cảm và chỉ coi anh như một người bạn thôi. Còn Albert, vị hôn phu của Lotte, là một người đàn ông bình tĩnh, thân thiện, và có trách nhiệm – hoàn toàn trái ngược với Werther. Mới đầu Werther và Albert khá thân thiện với nhau, mãi cho đến khi sự mê say và chú ý đến Lotte của Werther đã đi tới mức quá lố như điên loạn. Mối tình say đắm “một chiều” này cuối cùng đã dẫn tới thảm kịch Werther tự tử bằng khẩu súng mà anh mượn của Albert, nói dối là để đi săn bắn giải sầu.

Ta thử đọc đôi lời than thân khóc phận mà Werther* diễn tả trong những lá thư gửi cho người bạn Wilhelm thân nhất của anh:

“Đôi khi tôi không hiểu tại sao là một người nam có thể yêu nàng hoặc được phép yêu nàng, bởi vì tôi yêu nàng trọn vẹn rồi, yêu đến nỗi tôi chẳng còn ham gì, chẳng còn biết gì, tôi chẳng có gì cả, tôi chỉ có nàng thôi!”

“Cả hàng trăm lần rồi tôi gần như sắp được ôm nàng. Trời ơi, thực là một sự hành hạ đau đớn mỗi khi thấy nàng đi qua đi tới với bao duyên dáng mà mình không dám chạm tay đến! Chạm vào nhau là cái bản năng tự nhiên nhất của loài người mà. Trẻ nít luôn đòi có trong tay mọi vật chúng nhìn thấy và thích thú, phải không? Nhưng còn tôi, thì ….”

“Trời biết đấy, tôi đã bao lần nằm trên giường với lời ước rằng tôi sẽ không thức dậy. Và trong buổi sáng, khi tôi ngắm mặt trời thêm một lần nữa, lòng tôi càng tan nát thêm!”

Ngay sau khi xuất bản năm 1774, Die Leiden des jungen Werthers đã làm rung động Âu châu và đưa Goethe lên đỉnh cao danh vọng lúc mới 24 tuổi đời. Tuyệt tác ấy là một “bestseller” tại Đức, Anh, và Pháp quốc và đã được dịch sang ngôn ngữ của hầu hết các quốc gia kế cận. Tên tuổi lớn nhất đã công khai ca ngợi cuốn sách và tác giả chính là Napoléon Bonaparte, vị hoàng đế yêu văn chương, đã đọc nó nhiều lần, ngay cả trong lúc tuần du. Nó cũng là khởi điểm cho trào lưu Sturm und Drang” (cuồng phong và thúc hối), trong đó trên hết là yếu tố  Selbstausdruck (tự ngã biểu hiện). Văn thi sĩ thả cửa thốt ra trong văn chương những cảm xúc thầm kín nhất cũng như những thành quả vinh quang nhất của mình một cách ngay thẳng và chân thành. Chủ quan tính cũng được tán thành trong giai đoạn “cuồng phong và thúc hối” này. Cái trào lưu nhấn mạnh và nâng cao những xúc cảm riêng tư này cũng chính là tiền thân của trào lưu Romantik (lãng mạn) bên Âu châu.

Goethe xa lánh và nhạt nhẽo với thành công văn chương vĩ đại này của mình khi thấy nó đã gây ra Wertherfieber (cơn sốt Werther), trong đó một số độc giả mang tâm sự đau thương tương tự đã theo gương Werther trong truyện để tự kết liễu đời mình – với cuốn sách ấy còn để trong túi! Cũng vì lẽ đó ông cũng không thiết tha gì lắm với trào lưu Sturm und Drang Romantik sau đó. Ông thất vọng vì thấy có người đã theo lối sống của Werther, một cá nhân mà ông cho thấy đã biểu hiện “tất cả những gì bệnh hoạn nhất” trong tâm trí loài người.

__________________

*Các bác sĩ tâm thần (psychiatrists) ngày nay, sau khi quan sát tâm trạng và hành vi của Werther, có lẽ sẽ kết luận chàng mắc chứng “rối loạn tâm thần lưỡng cực” (bipolar mental disorder). Tâm thần người bị chứng bệnh này luân phiên giữa “rối loạn hưng cảm” (mania disorder) và “rối loạn trầm cảm” (depression disorder), với mỗi giai đoạn rối loạn kéo dài khoảng vài tuần lễ. Trong giai đoạn hưng cảm, người bệnh thấy mình lên tinh thần, thêm nhiều nghị lực, và thích hành động sôi nổi quá mức bình thường (như lúc Werther tiếp tục mê say theo đuổi Lotte, mặc dù biết rõ nàng đã là vị hôn thê của Albert). Trái lại, giai đoạn trầm cảm chỉ mang đến cho người bệnh những u sầu, mệt mỏi, tuyệt vọng, và ý muốn rời bỏ cuộc đời (mạnh đến nỗi Albert đã tự tử).

[ĐTP2018]

DEMAIN, DÈS L’AUBE: MỘT TUYỆT TÁC CỦA VICTOR HUGO

 

ĐÀM TRUNG PHÁP

 

 

Tuyển tập Les Contemplations của Victor Hugo (1802-1885) chứa đựng 158 bài thơ ghi lại các kỷ niệm của ông về những chuyện vui buồn trong đời sống thường nhật, gồm cả nỗi đớn đau khôn lường do cái chết mang lại.  Tất cả được thi hào sáng tác trong khoảng thời gian từ 1830 đến 1855 và cho xuất bản năm 1856.

 

Trong số những bài ghi lại nỗi đớn đau vì tử biệt trong Les Contemplations, vô số độc giả trong cũng như ngoài nước Pháp đã coi bài Demain, dès l’aube như một tuyệt tác mà có người đã học thuộc lòng ngay sau lần đọc đầu tiên.

 

Victor Hugo viết bài ấy trong dịp tưởng niệm hàng năm lần thứ tư sự qua đời quá sớm của cô con gái đầu lòng Léopoldine. Tuyệt tác chỉ gồm 12 dòng thơ chia làm 3 đoạn (strophes) giản dị trong sáng nhưng đậm nét sầu thương dùng để dựng lên trong tâm trí thi hào một chuyến sắp đi thăm mộ cô con gái thương yêu nhất của ông.

 

Mời quý bạn đọc thưởng lãm bài thơ Demain, dès l’aube song hành với bản dịch hết sức cố gắng của tôi sang tiếng Việt. Khi làm công việc liều lĩnh này tôi biết mình có cơ nguy bị lên án là dám “phản bội” một tuyệt tác, như lời cảnh cáo chí lý từ lâu của dân tộc Pháp: “Traduire, c’est trahir” (Dịch, đó là phản bội).

 

Demain, dès l’aube, à l’heure où blanchit la campagne,                                    

Ngày mai, ngay lúc rạng đông, khi vùng quê bừng sáng,

 

Je partirai. Vois-tu, je sais que tu m’attends.

Cha sẽ lên đường. Con ơi, cha biết con nóng lòng chờ đợi.

 

J’irai par la forêt, j’irai par la montagne.

Cha sẽ đi qua rừng, cha sẽ đi qua núi.

 

Je ne puis demeurer loin de toi plus longtemps.

Cha không thể nào lâu hơn nữa ở xa con.

 

o o o o o

 

Je marcherai, les yeux fixés sur mes pensées,

Cha sẽ bước đi, mắt chìm sâu trong suy nghĩ,

 

Sans rien voir au dehors, sans entendre aucun bruit,

Không nhìn quanh, chẳng nghe động tĩnh chi,

 

Seul, inconnu, le dos courbé, les mains croisées,

Cô đơn, lạc lõng, lưng khòm, tay chắp,

 

Triste, et le jour pour moi sera comme la nuit.

Lòng sầu đau, với cha ngày sẽ tối như đêm.

 

o o o o o

 

Je ne regarderai ni l’or du soir qui tombe,

Cha sẽ không ngắm ánh chiều vàng rơi xuống,

 

Ni les voiles au loin descendant vers Harfleur,

Cũng như cánh buồm xa thẳm hướng Harfleur,

 

Et quand j’arriverai, je mettrai sur ta tombe

Và khi tới, cha sẽ đặt cho con trên mộ

 

Un bouquet de houx vert et de bruyère en fleur.

Chùm ô rô xanh lá và thạch thảo trổ hoa.

 

Bài thơ dẫn người đọc đi xuyên qua miền đồng quê vùng Normandie phía tây bắc nước Pháp, nhưng tác giả chưa cho biết chuyến đi sẽ dẫn tới nơi nào. Rồi lần lượt người đọc thấy tác giả thì thầm những lời âu yếm với một người nào đó đang chờ mong ông, tiếp theo là một hình ảnh đăm chiêu của ông với lưng khom và đôi tay khoanh trước ngực như đang cầu nguyện một điều gì trên đường đi hành hương đến một nơi nào chưa rõ.

 

Qua nguyên tác bằng tiếng Pháp, cho đến hết 10 dòng thơ đầu, người đọc tốt phần sẽ đoán đây là một cuộc hẹn hò của hai tình nhân, vì hai đại từ nhân xưng thân mật “je” và “tu” rất hợp cho hoàn cảnh này.

 

[Buồn thay, bản dịch của tôi đã làm mất đi lời đoán thú vị đó, chỉ vì hai đại từ nhân xưng “cha” và “con” của tiếng Việt không thể nào áp dụng cho hai tình nhân được! Mỗi dịch giả chỉ còn có nước “đổ tội” cho sự khác biệt trong cách sử dụng đại từ xưng hô giữa tiếng Pháp và tiếng Việt mà thôi!]

 

Mãi tới khi bàng hoàng với 2 dòng thơ chót, người đọc mới thấy được cuộc hẹn hò lạ thường này thiêng liêng và cận kề trái tim Victor Hugo bội phần hơn bất cứ một cuộc hò hẹn nào khác trong đời của vị đệ nhất văn thi sĩ nước Pháp.

 

Léopoldine là trưởng nữ và cũng là cô con gái yêu dấu nhất (có thể so với “con gái rượu” trong nếp sống dân Việt) của Victor Hugo. Bốn năm về trước, khi cô 19 tuổi và người chồng mới cưới đã chết đuối trong dòng sông Seine ở khúc gần thị trấn  nhỏ Villequier vì chiếc thuyền của họ bị lật. Ông bố Victor lúc ấy đang du lịch với tình nhân ở miền nam nước Pháp và chỉ được biết muộn màng về cái chết thảm của con gái khi ông ngồi xem nhật trình trong một quán cà phê!

 

Nỗi đoạn trường ấy đã được Victor Hugo thổ lộ trong bài thơ À Villequier cũng trong tuyển tập Les Contemplations. Bên mộ Léopoldine tại Villequier sát bờ sông Seine thơ mộng, nơi cô tử nạn 4 năm về trước, thi hào đã than thân với Đấng Vô Cùng:“Ô mon Dieu! cette plaie a si longtemps saigné / L’angoisse dans mon âme est toujours la plus forte / Et mon coeur est soumis, mais il n’est pas résigné” (Thượng Đế hỡi! vết thương này rướm máu đã quá lâu / Trong hồn tôi nỗi xót xa mỗi lúc chỉ thêm sâu / Và trái tim tôi chịu thua, nhưng chưa hề cam phận).

 

Demain, dès l’aube là bài thơ trữ tình chất ngất nỗi tiếc thương mà người cha Victor Hugo viết cho cô con gái yêu dấu nhất của mình đã phải lìa đời quá  trẻ. Câu kết tuyệt chiêu của bài thơ là một ước ao bất tử hóa cuộc đời tươi đẹp nhưng vắn số của ái nữ Léopoldine. Còn gì khác có thể đóng vai một ẩn dụ toàn bích hơn là chùm ô rô lá mãi xanh màu và cụm thạch thảo hoa muôn đời nở đã được người cha lẫy lừng tên tuổi âu yếm đặt trên mộ để người đời không bao giờ quên được nàng?

 

Nếu như khẳng định của thi hào Alfred de Musset (1810-1857) rằng “Les plus désespérés sont les chants les plus beaux” (Những bài ca tuyệt vọng nhất là những bài ca đẹp nhất) lúc nào cũng đáng tin cậy, thì Demain, dès l’aube của Victor Hugo là một minh chứng hùng hồn vô song.

 

ĐÀM TRUNG PHÁP

Viết cho Diễn Đàn Thế Kỷ trong một ngày

mưa dầm dề cuối năm 2016 tại

California

ONG BẦU VÀ ONG MẬT

FABLES de La FONTAINE

Dịch Giả:

Đàm Duy Tạo (1895-1988)

honey BEES-Internet

Les Frelons et les Mouches à miel

A l’oeuvre on connaît l’Artisan.
Quelques rayons de miel sans maître se trouvèrent :
Des Frelons les réclamèrent ;
Des Abeilles s’opposant,
Devant certaine Guêpe on traduisit la cause.
Il était malaisé de décider la chose.
Les témoins déposaient qu’autour de ces rayons
Des animaux ailés, bourdonnants, un peu longs,
De couleur fort tannée, et tels que les Abeilles,
Avaient longtemps paru. Mais quoi ! dans les Frelons
Ces enseignes étaient pareilles.
La Guêpe, ne sachant que dire à ces raisons,
Fit enquête nouvelle, et pour plus de lumière
Entendit une fourmilière.
Le point n’en put être éclairci.
“De grâce, à quoi bon tout ceci ?
Dit une Abeille fort prudente,
Depuis tantôt six mois que la cause est pendante,
Nous voici comme aux premiers jours.
Pendant cela le miel se gâte.
Il est temps désormais que le juge se hâte :
N’a-t-il point assez léché l’Ours ?
Sans tant de contredits, et d’interlocutoires,
Et de fatras, et de grimoires,
Travaillons, les Frelons et nous :
On verra qui sait faire, avec un suc si doux,
Des cellules si bien bâties. ”
Le refus des Frelons fit voir
Que cet art passait leur savoir ;
Et la Guêpe adjugea le miel à leurs parties.
Plût à Dieu qu’on réglât ainsi tous les procès !
Que des Turcs en cela l’on suivît la méthode !
Le simple sens commun nous tiendrait lieu de Code ;
Il ne faudrait point tant de frais ;
Au lieu qu’on nous mange, on nous gruge,
On nous mine par des longueurs ;
On fait tant, à la fin, que l’huître est pour le juge,
Les écailles pour les plaideurs.

ONG BẦU VÀ ONG MẬT

Vào công việc mới hay ai thợ.  (1)

Chắc vào đâu chứng cớ mồm không.

Ong bầu thấy mật mấy dòng.

Nhân khi vô chủ tham lòng nhận luôn.  (2)

Ong mật vội đầu đơn khiếu nại.  (3)

Việc đưa ra phân giải trước tòa.

Quan tòa bầu vẽ xét ra.  (4)

Theo lời khai chứng khó mà giải phân:  (5)

Chứng đều nhận quây quần đắp mật.

Là một đoàn Sí vật loài râu,  (6)

Mình hơi dài sắc thẫm nâu.

Khi bay tiếng cánh vù vù như ong.

Hình sắc ấy bầu chung với mật,

Tòa xét ra chứng thật chưa rành.  (7)

Truyền đem xét lại phân minh.

Dò nghe dân chúng tận tình mới hay.

Điều tra mãi qua ngày qua tháng,  (8)

Vẫn không ra đích đáng của ai.

Một chàng ong mật kêu nài,

Rằng: “Tôi xin lỗi các ngài tòa quan,  (9)

Việc xét hỏi quả toàn vớ vẩn,

Sáu tháng rồi mà vẫn không đâu.  (10)

Án chưa xét được chút nào,

Mật e sắp hỏng xử ngay xin ngài,

Việc tôi tưởng kéo dài đã đủ,

Thôi xin đừng chứng nọ cung này:  (11)

Xin cho hai bọn tôi đây,

Thi nhau lấy mật mà xây thành dòng”.

Lời từ chối của ong bầu nọ,

Tỏ ngay ra ai chủ mật kia.

Quan tòa chứng thực liền phê,  (12)

Cho ong mật lãnh mật về. Việc xong.

Xin trời giúp các ông xử kiện.

Làm như ong ở truyện trên này.

Tội theo lối Thổ phạt ngay,  (13)

Lẽ thường giản dị đủ thay luật lề:

Đã khỏi tốn tiền về giấy mực,  (14)

Lại hết nghề quay ngược bẻ xuôi.  (15)

Khỏi sinh những truyện nực cười.

Ruột sò quan nhậm, dân đôi vỏ nhìn.  (16)

 

GIẢI NGHĨA

 

  1. Thợ đây là thợ khéo, thợ nhà nghề.
  2. Vô chủ là không có ai làm chủ, nghĩa là chủ đi vắng.
  3. Đầu đơn là làm đơn đưa lên quan khiếu nại là kêu xin đòi lại.
  4. Ong bầu vẽ là thứ ong to gần bằng ong bầu, nhưng phần bụng vừa vàng vừa đen

nên gọi là ong bầu vẽ, tiếng Pháp gọi là quêpe

  1. Khai chứng là lời khai của người làm chứng ở trước Tòa Án.
  2. Sí vật là loài vật có cánh.
  3. Rành là rõ ràng. Những lời của người làm chứng khai không rành rõ vì ba điểm khai:

có cánh, mầu nâu, bay vù vù, thì ong mật và ong bầu đều giống nhau cả.

  1. Điều tra là tìm kiếm tra xét mãi cho thật rành rõ.
  2. Tòa quan là quan án xử kiện ở tòa án.
  3. Không đâu là vu vơ chẳng đâu vào đâu.
  4. Cung đây là lời khai ở Tòa Án.
  5. Phê là biên lời quyết định.
  6. Thổ là tội theo lối Thổ: họp hội đồng dân chúng mà xử kiện cho nhanh chóng xong, kẻ có tội thường bị đấnh đòn.
  1. Giấy mực đây là tiền phí tổn về sự biên chép tờ bồi xử ở Tòa Án. Tiền giấy mực này thường tốn kém lắm.
  1. Quay ngược bẻ xuôi là cách quan và nha lại làm tiền, quay ngược bẻ xuôi cho lẽ phải ra lẽ trái, lẽ trái ra lẽ phải, doa nạt hai bên mà lấy tiền.
  2. Nhậm là ăn.
  3. Câu cuối cùng: xem phụ lục “Hai người tranh nhau con sò” của Ông Nguyễn văn Vĩnh dịch .

 

THI NHÂN CAO HỨNG, THI NGỮ THẬM XƯNG

Flowers- Flowers- IMG_5452

PHIẾM LUẬN THI CA THẾ GIỚI

ĐÀM TRUNG PHÁP

 

Bỉ nhân lấy hứng khởi cho bài phiếm luận này từ cách sử dụng ngôn từ quá xá quà xa là ngông của Victor Hugo (1802-1885) trong đoạn chót bài thơ tình nồng nàn mang tên Pour Jeanne seule (Chỉ viết cho Jeanne thôi) :

Et sais-tu ce qui m’occupe

Jeanne? C’est que j’aime mieux

la moindre fleur de ta jupe

que tous les astres des cieux

 

Jeanne ơi, em có biết điều chi

đang bận lòng anh không nhỉ ?

Đó là điều anh mê đóa hoa nhỏ nhoi

trên váy em hơn tất cả tinh tú trên trời

 

Oh là là! Có ai biết cô Jeanne mặc váy dài hay váy ngắn hoặc là có bao nhiêu “đóa hoa nhỏ nhoi” như vậy trên váy cô không?  Bỉ nhân chỉ biết rằng sau khi tán tỉnh cô nàng một hồi — nào là “ vua chúa xứ này là ai anh đâu cần biết đến,” nào là “luôn luôn có một sợi dây xích nó kéo cẳng anh về hướng nhà em”, nào là “anh đang nghĩ đến em quá chừng chừng, em biết chăng” — thi hào Victor Hugo kết thúc bài thơ bằng một thứ chữ nghĩa khuếch đại, như đã trích dẫn bên trên, có lẽ ở mức quán quân hoàn cầu!

 

Ngôn từ khuếch đại (hyperbole trong Pháp và Anh ngữ) còn được gọi là ngôn ngữ thậm xưng, lộng ngôn, ngoa ngữ, ngôn từ cường điệu, vân vân …  Công dụng đặc biệt của loại ngôn từ này là để gia tăng (quá cỡ) cái mức độ hỷ, nộ, ái, ố trong một ngữ cảnh với chủ đích nhấn mạnh, gợi sự chú ý, hoặc bỡn cợt. Bài thơ thất ngôn bát cú khuyết danh tác giả dưới đây, làm toàn bằng lộng ngôn ngoa ngữ, là một thí dụ thần sầu trong tiếng Việt chúng ta :

 

Ta con ông trạng cháu ông nghè                                                                                  

Nói lớn trên trời dưới đất nghe    

 Sức khỏe Hạng vương cho một đấm

Cờ cao Đế thích chấp đôi xe

Nhảy ùm xuống biển lôi tàu lại

Chạy tót lên non cõng cọp về

Bữa nọ ghé chơi vườn thượng uyển

Trăm nàng công chúa chạy ra ve

 

Thi ca trữ tình là môi trường tuyệt hảo cho ngôn từ khuếch đại ngự trị, khi mà con tim nhà thơ bị chấn động bởi những xúc cảm vỡ nước tràn bờ.  Lúc đó thi tứ càng lộng thì thi ngữ càng ngông, như khi thi hào của Mỹ châu La-tinh Pablo Nerudakhôi nguyên Nobel văn học 1971– không chút ngại ngần mệnh danh cô bạn gái mình là “nữ hoàng” trong bài thơ La reina. Đây là lý do tại sao cô Matilde đã trở thành nữ hoàng của Pablo, qua một thi ngữ thậm xưng đến long cả trời lở cả đất :

 

Y cuando asomas

suenan todos los ríos

en my cuerpo, sacuden

el cielo las campanas

y un himno llena el mundo

 

Và khi em xuất hiện

tất cả những giòng sông náo động

trong thân anh, những hồi chuông

lay chuyển cả bầu trời

và một thánh ca ngập tràn thế giới

 

Ngoa ngữ cũng thấy trong nội dung cố tình làm cho vô lý, nghịch lý, hay ngây ngô của các câu thơ có mục đích gợi sự chú ý tối đa của người đọc. Trong bài thơ   As I walked out one evening của thi sĩ người Mỹ rất nổi tiếng W. H. Auden (1907-1973) có 8 câu mà ý nghĩa thậm vô lý, khiến ai cũng phải để ý đến mà đọc đi đọc lại vì chúng ngộ nghĩnh lạ thường:

 

I’ll love you, dear, I’ll love you

Till China and Africa meet

And the river jumps over the mountain

And the salmon sing in the street

I’ll love you till the ocean

Is folded and hung up to dry

And the seven stars go squawking

Like geese about the sky

 

Anh sẽ yêu em, anh sẽ yêu em

Đến khi nào Trung quốc chạm châu Phi

Và dòng sông nhẩy cao lên đỉnh núi

Và cá hồi ca hát dọc đường đi

Anh sẽ yêu em đến khi biển rộng

Được gấp đôi rồi phơi nắng cho khô

Bảy hành tinh cùng kêu lên quang quác

Tựa ngỗng trời đang bay lượn trên không

 

Nơi quê hương chúng ta, đệ nhất thi hào Nguyễn Du (1765-1820) trong tuyệt tác Truyện Kiều cũng sử dụng ngoa ngữ thần tình.  Ông chỉ cần dùng bốn từ đắc địa (thấm đá, rũ tầm) trong một câu thơ mà đã phóng đại gấp bội được nỗi đớn đau của cuộc chia ly nghiệt ngã sau khi Thúy Kiều tự nguyện bán mình chuộc cha:

 

Đau lòng kẻ ở người đi

Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tầm

 

Sau đó nàng Kiều rơi vào tay một số đàn ông háo sắc. Họ đều hứa sẽ bảo vệ cuộc đời nàng, nhưng khổ thay, toàn bằng ngoa ngữ khó ai tin nổi. Sở Khanh dụ nàng đi trốn, lộng ngôn đến thế này có khiếp không:

 

Nàng đà biết đến ta chăng

Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi

 

Đến như anh chàng râu quặp nổi tiếng là Thúc Sinh mà khi mê gái cũng hứa hẹn văng mạng:

 

Đường xa chớ ngại Ngô Lào

Trăm điều hãy cứ trông vào một ta

 

Nhưng chỉ ngôn từ thậm xưng của Từ Hải là khả tín, vì người hùng “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” ấy đã giữ trọn được lời thề non hẹn biển của mình với cô Kiều:

 

Một lời đã biết đến ta

Muôn chung, nghìn tứ cũng là có nhau

 

Thi nhân đời Đường bên Tàu có vẻ ít dùng ngôn ngữ thổi phồng, nhưng khi điều ấy xảy ra, nghe cũng vui tai đáo để. Giả Đảo (779-843) đi thi nhiều lần không đậu, bèn vào chùa gõ mõ tụng kinh. Ông thường làm thơ để than thân trách phận, và ông cũng là người làm thơ … chậm nhất trần gian (vì thế mà thi rớt hoài chăng) căn cứ vào câu thơ đầu với ngôn từ cường điệu của bài ngũ ngôn tứ tuyệt mang danh Tuyệt cú của ông:

 

Nhị cú tam niên đắc

Nhất ngâm song lệ lưu

Tri âm như bất thưởng

Quy ngọa cố sơn thu

 

Hai câu làm mất ba năm

Ngâm lên lệ rỏ đôi hàng vì thơ

Tri âm nếu chẳng biết cho

Trở về với núi thu xưa mà nằm

[Trần Trọng San chuyển ngữ]

 

Mức độ thương nhớ chồng đi lính thú phương xa như bà Trần Ngọc Lan (không rõ năm sinh và năm mất) thuộc thời vãn Đường bên Tàu thì khó có ai sánh được. Mùa đông đến, bà gửi áo lạnh ra biên thùy cho chồng, rồi người chinh phụ khóc cạn nước mắt, chỉ vì quá lo sợ chiếc áo không đến tay chồng !  Đó là ý nghĩa của bài Ký phu  nặng trĩu u sầu của người nữ sĩ quá thương yêu chồng thuở xa xưa :

 

Phu thú biên quan thiếp tại Ngô

Tây phong  xuy thiếp thiếp ưu phu

Nhất hàng thư tín thiên hàng lệ

Hàn đáo quân biên y đáo vô?

 

Thiếp ở đất Ngô, chồng lính thú

Gió tây thổi thiếp, thiếp lo chồng

Một hàng thư gửi ngàn hàng lệ

Lạnh đến bên chàng, áo đến không?

[Trần Trọng San chuyển ngữ]

 

Thi nhân thường thuộc nòi tình đa sầu đa cảm, cho nên họ sẽ sầu bi biết mấy khi “nàng thơ” bỗng bất chợt vuột khỏi tay mình. Người ta kể rằng khi còn tuổi đôi mươi Jakob Lenz (1751-1792) bên trời Đức quốc đã trải qua một kinh nghiệm tình cảm nghiệt ngã: cô bạn gái của anh ta bỗng dưng biệt tích! Quá khổ đau vì tìm kiếm đâu cũng chẳng ra, Jakob chỉ còn biết làm thơ để cầu khẩn nàng về. Wo bist du itzt? (Em ở đâu bây giờ?) là bài thơ chan chứa nỗi nhớ thương cô bạn gái, qua một thi ngữ khuếch đại liên hệ đến trời cao đất rộng, đến sự vắng lặng nơi thị thành lẫn đồng hoang khiến cả chim chóc cũng bay đi theo nàng hết ráo.  Dưới đây là hai đoạn trích dẫn từ bài thơ Wo bist du itzt? của người thanh niên Jakob thất tình ấy :

 

Seit du entfernt, will keine Sonne scheinen

und es vereint

der Himmel sich, dir zartlich nachzuweinen

mit deinem Freund

 

Từ buổi em đi, mặt trời vụt tắt

nhưng có mối tâm đồng tha thiết

giữa cao xanh và người bạn em đây

để nhớ thương cùng nhỏ lệ vơi đầy

 

All unsre Lust ist fort mit dir gezogen

still ueberall

ist Stadt und Feld. Dir nach ist sie geflogen

die Nachtigall

 

Mọi lạc thú cùng em khuất dạng

vắng tanh thành phố lẫn đồng hoang

theo em cũng vụt bay đi khỏi

cả chú chim nhỏ bé họa mi

 

Trong một hoàn cảnh tương tự (nhưng không quá thảm sầu như thế), thi ngữ bốc đồng của nhà thơ Nguyên Sa (1932-1998) thực khó quên, trong bài Gọi em:

 

Một buổi sáng tỉnh dậy không thấy em tôi chạy ra cửa sổ

gọi tên em rất to. Những tiếng kêu thất thanh vang trên hè phố.

Tôi bảo rằng: em phải về ngay. Nếu em là gió tôi sẽ làm trăng.

Em là trăng, tôi sẽ là mây. Nếu em là mây, tôi sẽ làm gió thổi.

Còn nếu em là chân trời xa tôi sẽ làm cánh chim bằng rong ruổi.

Em là mặt trời thì ở trên đường xích đạo tôi sẽ muôn đời

làm một kiếp hướng dương …

 

Bỉ nhân tạm ngưng viết lách tại đây, với kỳ vọng giới nam nhi chúng ta sẽ chẳng bao giờ quên yêu mến những bông hoa nhỏ nhoi trên áo quần ai đó, để khỏi phải mở toang cửa sổ ra mà gào thét tên người ấy lên cho đến hết cả hơi !

 

Tài liệu tham khảo

 

Mack, M., et al. (Eds.) (1995). The Norton anthology of world masterpieces (Volumes I & II). New York and London: W.W. Norton & Company.

 

Mathieu, G., & Stern, G. (1987).  Introduction to German poetry. New York:  Dover Publications.

 

Nguyên Sa (2000). Thơ Nguyên Sa toàn tập. Irvine, CA: Đời.

 

Pompidou, G. (1961). Anthologie de la poésie francaise.  Paris: Librairie Hachette.

 

Trần Trọng San (1993). Thơ Đường. Scarborough, Canada: Bắc Đẩu.

 

CÂU CHUYỆN VĂN HỌC

TS Đàm Trung Pháp

Professor Emeritus 

Texas Woman’s University

victor hugo 1

“… la moindre fleur de ta jupe…” (Victor Hugo)

 

Bút giả lấy hứng khởi cho câu chuyện văn học kỳ này từ cách sử dụng ngôn từ khuếch đại rất ngông của Victor Hugo (1802-1885) trong đoạn chót bài thơ Pour Jeanne seule (Viết riêng cho Jeanne) :

 

Et sais-tu ce qui m’occupe

Jeanne? C’est que j’aime mieux

la moindre fleur de ta jupe

que tous les astres des cieux

 

Jeanne ơi, em có biết điều chi

đang bận lòng anh không nhỉ ?

Đó là điều anh yêu đóa hoa nhỏ nhoi

trên váy em hơn tất cả tinh tú trên trời

 

Oh mon dieu! Có ai biết cô Jeanne mặc váy dài hay váy ngắn hoặc là có bao nhiêu “đóa hoa nhỏ nhoi” như vậy trên váy cô không?  Bút giả chỉ biết rằng sau khi tâm sự với nàng một hồi — nào là “anh chẳng cần biết gì đến vua đến chúa”,  nào là  “từ chân trời xa có một sợi dây xích nó luôn luôn kéo cẳng anh về hướng nhà em”, nào là “anh đang mê em quá chừng, em biết chăng” — thi hào Victor Hugo kết thúc bài thơ bằng một thứ chữ nghĩa khuếch đại, như đã trích dẫn bên trên, ở mức quán quân hoàn cầu!

 

Ngôn từ khuếch đại (hyperbole trong Pháp và Anh ngữ) còn được gọi là lộng ngôn, loạn ngôn, ngoa ngữ, ngôn ngữ phóng đại, bốc phét. Công dụng đặc biệt của loại ngôn từ này là để gia tăng (quá cỡ) cái mức độ  hỷ, nộ, ái, ố trong một ngữ cảnh với chủ đích nhấn mạnh, gợi sự chú ý, hoặc bỡn cợt. Bài thơ thất ngôn bát cú khuyết danh tác giả dưới đây, làm toàn bằng lộng ngôn ngoa ngữ, là một thí dụ thần sầu quỷ khốc trong tiếng Việt. Trong thí dụ này, từng đôi câu thơ lộng ngôn “đối” nhau chan chát hết sức kỳ thú :

Ta con ông trạng cháu ông nghè

Nói phét trên trời dưới đất nghe

Sức khỏe Hạng vương cho một đấm

Cờ cao Đế thích chấp đôi xe

Nhảy ùm xuống biển lôi tàu lại

Chạy tót lên non cõng cọp về

Bữa nọ ghé chơi vườn thượng uyển

Trăm nàng công chúa chạy ra ve

Thi ca trữ tình là môi trường tuyệt hảo cho ngôn từ khuếch đại ngự trị, khi mà con tim nhà thơ bị chấn động bởi những xúc cảm vỡ nước tràn bờ.  Lúc đó hình như thi ngữ càng lộng thì thi tứ càng bốc đồng, như khi Pablo Neruda  (1904-1973) không chút ngại ngần mệnh danh cô bạn gái mình là “nữ hoàng” trong bài thơ  La reina. Đây là lý do tại sao cô Matilde đã trở thành nữ hoàng của Pablo, qua một thứ lộng ngôn đến mức long trời lở đất :

Y cuando asomas

suenan todos los ríos

en my cuerpo, sacuden

el cielo las campanas

y un himno llena el mundo

 

Và khi em xuất hiện

tất cả những giòng sông náo động

trong thân anh, những hồi chuông

lay chuyển cả bầu trời

và một thánh ca ngập tràn thế giới

 

Ngoa ngữ cũng có thể thấy trong nội dung cố tình làm cho vô lý, nghịch lý, hay ngây ngô của các câu thơ có mục đích gợi sự chú ý tối đa của người đọc. Trong bài thơ  As I walked out one evening của thi sĩ người Mỹ (gốc Anh) rất nổi tiếng W. H. Auden (1907-1973) có 8 câu mà ý nghĩa thậm vô lý, khiến ai cũng phải để ý đến mà đọc đi đọc lại vì chúng ngộ nghĩnh lạ thường:

 

I’ll love you, dear, I’ll love you

Till China and Africa meet

And the river jumps over the mountain

And the salmon sing in the street

I’ll love you till the ocean

Is folded and hung up to dry

And the seven stars go squawking

Like geese about the sky

 

Anh sẽ yêu em, anh sẽ yêu em

Cho tới khi Trung Quốc chạm Châu Phi

Và dòng sông nhẩy cao lên đỉnh núi

Và cá hồi ca hát dọc đường đi

Anh sẽ yêu em đến khi biển rộng

Được gấp đôi rồi phơi nắng cho khô

Bảy hành tinh chợt kêu lên quang quác

Tựa  ngỗng trời đang bay lượn trên không

 

Nơi quê hương chúng ta, đệ nhất thi hào Nguyễn Du (1765-1820) trong tuyệt tác Truyện Kiều cũng sử dụng ngoa ngữ thần tình.  Ông chỉ cần dùng bốn từ đắc địa (thấm đá, rũ tầm) trong một câu thơ mà đã phóng đại gấp bội được nỗi đớn đau của cuộc chia ly nghiệt ngã sau khi Thúy Kiều tự nguyện bán mình chuộc cha:

 

Đau lòng kẻ ở người đi

Lệ rơi thấm đá, tơ chia rũ tầm

 

Sau đó nàng Kiều rơi vào tay một số đàn ông háo sắc. Họ đều hứa sẽ bảo vệ tương lai nàng toàn bằng lộng ngôn ngoa ngữ. Sở Khanh dụ nàng đi trốn, lộng ngôn đến thế này là cùng:

 

Nàng đà biết đến ta chăng

Bể trầm luân lấp cho bằng mới thôi

 

Đến như anh chàng râu quặp nổi tiếng là Thúc Sinh mà khi mê gái cũng hứa hẹn văng mạng:

 

Đường xa chớ ngại Ngô Lào

Trăm điều hãy cứ trông vào một ta

                                     

Nhưng chỉ đại ngôn của Từ Hải là chắc như đinh đóng cột, vì người hùng “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” đã giữ trọn được lời thề non hẹn biển của mình với cô Kiều:

 

Một lời đã biết đến ta

Muôn chung, nghìn tứ cũng là có nhau

 

Thi nhân đời Đường bên Tàu có vẻ ít dùng ngôn ngữ thổi phồng, nhưng khi điều ấy xảy ra, nghe cũng vui tai đáo để. Giả Đảo (779-843) đi thi nhiều lần không đậu, bèn vào chùa gõ mõ tụng kinh. Ông thường làm thơ để than thân trách phận, và ông cũng là người làm thơ chậm nhất trần gian –vì thế mà thi rớt hoài chăng– căn cứ vào câu thơ đầu với ngôn từ khuếch đại của bài ngũ ngôn tứ tuyệt mang danh Tuyệt cú của ông:

 

Nhị cú tam niên đắc

Nhất ngâm song lệ lưu

Tri âm như bất thưởng

Quy ngọa cố sơn thu

 

Hai câu làm mất ba năm

Ngâm lên lệ rỏ đôi hàng vì thơ

Tri âm nếu chẳng biết cho

Trở về với núi thu xưa mà nằm

[Bản dịch Trần Trọng San]

 

Mức độ thương nhớ chồng đi lính thú phương xa như nữ thi sĩ Trần Ngọc Lan (không rõ năm sinh và năm mất) thuộc đời vãn Đường thì khó có ai sánh được. Mùa đông đến, nàng gửi áo lạnh ra biên thùy cho chồng, rồi người chinh phụ khóc cạn nước mắt, chỉ vì quá lo sợ chiếc áo không đến tay chồng !  Đó là ý nghĩa của bài Ký phu  nặng trĩu u sầu của người nữ sĩ Trung quốc thuở xa xưa :

 

Phu thú biên quan thiếp tại Ngô

Tây phong  xuy thiếp thiếp ưu phu

Nhất hàng thư tín thiên hàng lệ

Hàn đáo quân biên y đáo vô?

 

Thiếp ở đất Ngô, chồng lính thú

Gió tây thổi thiếp, thiếp lo chồng

Một hàng thư gửi ngàn hàng lệ

Lạnh đến bên chàng, áo đến không?

[Bản dịch Trần Trọng San]

 

Một niềm sầu bi khắc khoải của thi nhân là nỗi nhớ mong người yêu, vì một lý do nào đó, đã không còn ở bên mình. Người ta kể rằng khi còn tuổi đôi mươi Jakob Lenz (1751-1792) bên trời Đức quốc đã trải qua một kinh nghiệm tình cảm nghiệt ngã — cô bạn gái của anh ta bỗng dưng biệt tích! Quá khổ đau vì tìm kiếm đâu cũng chẳng ra, Jakob chỉ còn biết làm thơ để cầu khẩn nàng về. Wo bist du itzt? (Em ở đâu bây giờ?) là bài thơ chan chứa nỗi nhớ thương cô bạn gái, qua một thi ngữ khuếch đại liên hệ đến trời cao đất rộng, sự vắng lặng nơi thị thành lẫn đồng hoang khiến cả chim chóc cũng bay đi theo nàng hết ráo.  Dưới đây là hai đoạn trích dẫn từ bài thơ Wo bist du itzt? của người thanh niên Jakob thất tình ấy :

 

Seit du entfernt, will keine Sonne scheinen

und es vereint

der Himmel sich, dir zartlich nachzuweinen

mit deinem Freund

 

Từ buổi em đi, mặt trời vụt tắt

và có mối đồng tâm thành thật

giữa cao xanh và người bạn em đây

nhớ thương em từng phút từng giây

 

All unsre Lust ist fort mit dir gezogen

still ueberall

ist Stadt und Feld. Dir nach ist sie geflogen

die Nachtigall

 

Mọi lạc thú cùng em vắng bóng

lặng thinh thành phố lẫn đồng hoang

theo em cũng vụt bay đi khỏi

cả chú chim nhỏ bé họa mi

 

Nguyen-Sa-4C-400Trong một hoàn cảnh tương tự, ngôn từ khuếch đại của người thi sĩ nổi danh với những bài thơ tình đẹp như mơ Nguyên Sa (1932-1998) thực khó quên, trong bài Gọi em:

 

Một buổi sáng tỉnh dậy không thấy em tôi chạy ra cửa sổ

gọi tên em rất to. Những tiếng kêu thất thanh vang trên hè phố.

Tôi bảo rằng: em phải về ngay. Nếu em là gió tôi sẽ làm trăng.

Em là trăng, tôi sẽ là mây. Nếu em là mây, tôi sẽ làm gió thổi.

Còn nếu em là chân trời xa tôi sẽ làm cánh chim bằng rong ruổi.

Em là mặt trời thì ở trên đường xích đạo tôi sẽ muôn đời

làm một kiếp hướng dương …

 

Bút giả thân chào tạm biệt, với hy vọng giới nam nhi sẽ thành tâm yêu mến những bông hoa nhỏ nhoi trên áo quần ai đó, để khỏi phải mở toang cửa sổ ra mà gào thét tên nàng cho đến hết cả hơi.

 

 

Tài liệu tham khảo

 

Mack, M., et al. (Eds.) (1995). The Norton anthology of world masterpieces (Volumes I & II). New York and London: W.W. Norton & Company.

Mathieu, G., & Stern, G. (1987).  Introduction to German poetry. New York:  Dover Publications.

Nguyên Sa (2000). Thơ Nguyên Sa toàn tập. Irvine, CA: Đời.

Pompidou, G. (1961). Anthologie de la poésie francaise.  Paris: Librairie Hachette.

Trần Trọng San (1993). Thơ Đường. Scarborough, Canada: Bắc Đẩu.

Truyện ngắn“Con mèo trong mưa” và lý thuyết “Băng đảo” (Iceberg theory) của Ernest Hemingway

THI VĂN THẾ GIỚI                                                                               

SƯU TẦM VÀ DỊCH THUẬT

 

Hemingway-x-ernest-hemingway-timeline-745x483

“CON MÈO TRONG MƯA”

TS Đàm Trung Pháp

Professor Emeritus

Texas Woman’s University

                                                                         

Chỉ có mỗi hai người Mỹ ở lại khách sạn. Họ chẳng quen một ai trong số những người họ gặp trên cầu thang trên đường ra vô phòng họ. Phòng họ trên lầu hai, ngó ra biển. Cũng ngó ra công viên và đài kỷ niệm chiến tranh. Có những cây cọ lớn và những ghế dài trong công viên. Khi thời tiết tốt bao giờ cũng có một hoạ sĩ với chiếc giá vẽ. Các hoạ sĩ thích hình dáng những cây cọ và những màu sắc tươi sáng của những khách sạn hướng ra các công viên và biển cả. Nhiều người dân Ý từ phương xa ghé đến để xem đài kỷ niệm chiến tranh được làm bằng đồng sáng loáng trong mưa. Trời đang mưa, nước mưa tí tách rớt xuống từ các lá cọ và đọng thành từng vũng trên các đường lát sỏi. Sóng biển nhấp nhô trong làn mưa rơi, rạt vào trong bãi rồi lại kéo ra khơi.  Những xe hơi đã rời khỏi công viên. Bên kia công viên, trước quán cà phê có một người hầu bàn ngó ra hướng công viên vắng lặng.

Người vợ Mỹ ngó qua cửa sổ. Bên ngoài, ngay dưới cửa sổ, một con mèo đang nằm co quắp dưới một chiếc bàn, cố gắng thu mình thật nhỏ để không bị ướt nước mưa.

‘Em đi xuống bắt con mèo nhe,’ người vợ nói.

‘Để anh làm cho,’ người chồng đang nằm trong giường trả lời vợ.

‘Không, em làm lấy. Tội nghiệp con mèo đang tránh mưa dưới chiếc bàn.’

Người chồng tiếp tục đọc sách, nằm nghển cổ trên hai chiếc gối trên giường.

‘Coi chừng bị ướt đấy,’ anh ta nói với vợ.

Người vợ đi xuống cầu thang và người chủ khách sạn vội đứng dậy cúi đàu chào nàng khi nàng đi qua văn phòng. Bàn giấy của ông ta nằm ở phía bên kia của văn phòng. Ông ta đã già và rất cao.

‘Trời đang mưa,’ nàng nói bằng tiếng Ý.  Nàng thích ông ta.

‘Dạ, dạ, thưa bà, thời tiết xấu lắm.’

Người chủ khách sạn đứng đằng sau bàn giấy trong văn phòng. Người vợ Mỹ thích ông ta, cũng như thái độ nghiêm trang khi ông ta nghe những lời than phiền của khách trọ. Nàng thích phẩm cách ông ta. Nàng thích phong thái ông ta muốn phục vụ nàng. Nàng thích bộ mặt già nua, nặng nề và hai bàn tay lớn ông ta.

Vì thích ông ta, nàng mở cửa để ngó ra ngoài. Trời mưa nặng hạt hơn. Một người đàn ông choàng áo mưa đang đi từ phía công viên trống vắng về phía quán cà phê. Con mèo chắc đang nằm ở phía bên phải. Có lẽ nàng nên đi dọc bờ tường để còn được mái nhà che khỏi ướt, nàng tự nhủ. Và ngay lúc đó một cô làm công tại khách sạn đã mở dù che mưa cho nàng.

‘Bà không nên bị ướt,’ cô làm công vừa tươi cười vừa nói. Dĩ nhiên chính ông chủ khách sạn đã sai cô ta ra giúp nàng.

Được cô làm công che dù, người vợ Mỹ đi dọc con đường lát sỏi cho đến khi tới chỗ dưới khung cửa sổ.  Chiếc bàn vẫn còn đó, nhưng con mèo chẳng thấy đâu. Nàng chợt lộ vẻ thất vọng. Cô làm công ngó nàng và hỏi:

‘Bà mất vật gì chăng?’

‘Lúc nãy có con mèo ở đây,’ thiếu phụ Mỹ trả lời.

‘Một con mèo à?’

‘Phải, một con mèo nhỏ.’

‘Một con mèo,’ cô làm công vang tiếng cười. ‘Một con mèo trong mưa ?’

‘Phải, nàng đáp, ‘con mèo dưới chiếc bàn.’ Nàng nói tiếp: ‘Trời đất ơi, tôi muốn có nó quá. Tôi thèm có một con mèo con!’

‘Thôi xin bà đi vô, kẻo ướt.’

‘Đành vậy chứ sao bây giờ,’ nàng trả lời cô làm công.

Họ đi ngược lại con đường lát sỏi và nàng mở cửa trở vào khách sạn. Cô làm công còn đứng bên ngoài để đóng chiếc dù lại. Khi người thiếu phụ Mỹ đi qua văn phòng, ông chủ khách sạn lại cúi đàu chào nàng. Nàng thấy ray rứt trong lòng. Ông chủ khách sạn làm cho nàng cảm thấy mình vừa nhỏ bé vừa quan trọng sao đó. Bỗng chốc nàng cảm thấy nàng quan trọng tuyệt vời. Nàng leo cầu thang, mở cửa phòng. George vẫn nằm trên giường đọc sách.

‘Có bắt được con mèo ấy không?’ người chồng hỏi, đặt cuốn sách xuống.

‘Nó đi đâu mất tiêu rồi!’

‘Không biết nó đi đâu nhỉ.’

Nàng ngồi xuống giường, nói:

‘Thèm nó quá. Không biết tại sao thèm nó thế. Em thực muốn có con mèo con tội nghiệp đó. Một con mèo con trong mưa thì có gì vui thú ?’

George lại tiếp tục đọc sách.

Nàng đi về phía bàn trang sức, ngồi trước tấm gương, tay cầm chiếc gương nhỏ. Nàng ngắm nghía profile của mình từ hai phía. Rồi nàng quan sát phía sau đàu và gáy.

‘Anh có nghĩ là em nên để tóc mọc dài ra không,’ nàng hỏi, trong khi quan sát profile mình một lần nữa.

George ngước lên nhìn phía sau gáy vợ, tóc cắt ngắn như con trai.

‘Anh thích kiểu tóc em đang để.’

‘Em chán kiểu này rồi,’ nàng đáp. ‘Chán trông giống con trai lắm rồi!’

George đổi vị trí nằm trong giường. Từ khi vợ bắt đàu nói, chàng nhìn vợ chăm chú.

‘Em trông xinh thấy mồ ấy mà,’ chàng nói.

Nàng đặt chiếc gương xuống bàn trang sức, đi ra phía cửa sổ ngó ra ngoài đường. Màn đêm đang kéo xuống.

‘Em muốn kéo hết tóc ra phía sau và cột thành một túm lớn để có thể sờ thấy,’ nàng nói. ‘Ước chi có con mèo ngồi trong lòng để mà vuốt ve, để mà nghe nó rù rì nhỉ!’

‘Thiệt hả ?’ George lên tiếng, vẫn nằm trên giường.

‘Em cũng muốn được ngồi ăn với thìa nĩa bằng bạc riêng của mình, với bạch lạp. Và em muốn bây giờ là mùa xuân, muốn chải tóc bồng bềnh, muốn có con mèo, muốn quần áo mới.’

‘Thôi, ngậm miệng lại đi, và kiếm  cái gì mà đọc,’ George trả lời. Chàng tiếp tục đọc.

Cô vợ vẫn ngó qua cửa sổ. Trời đã tối mịt và mưa vẫn còn rơi trên các lá cọ.

‘Ít nhất phải có con mèo. Em muốn có con mèo ngay bây giờ. Nếu không được để tóc dài, không có gì vui, phải có con mèo!’

George chẳng còn nghe lời than của vợ nữa. Chàng còn mải đọc sách. Cô vợ vẫn ngó qua cửa sổ và thấy ánh đèn rọi sáng công viên.

Có tiếng gõ cửa.

‘Mời vào,’ George lên tiếng, mắt rời khỏi cuốn sách.

Cô làm công xuất hiện trước cửa phòng. Cô ta ôm chặt một con mèo trong lòng.

‘Xin lỗi ông bà,’ cô giải thích, ‘ông chủ tôi sai tôi mang con mèo này cho bà nhà.’

****

Lý thuyết “Băng Đảo” (Iceberg theory) áp dụng vào truyện ngắn “Con Mèo Trong Mưa” của Ernest Hemingway

 

Ernest Hemingway (1899-1961) lãnh giải Nobel văn chương năm 1954 và được biết đến nhiều nhất qua các tác phẩm The Sun Also Rises (1926), A Farewell to Arms (1929), For Whom the Bell Tolls (1940), và The Old Man and the Sea (1952).

Văn phong độc đáo của Hemingway là giản dị tối đa (tránh những câu văn dài lòng thòng chứa đựng nhiều mệnh đề phức tạp), trực tiếp (như nói thẳng với người đọc), không trang điểm (ít dùng tĩnh từ và trạng từ để làm huê dạng câu văn). Lối viết ngắn gọn đi thẳng vào vấn đề của Hemingway có thể là do ảnh hưởng của những năm ông hành nghề ký giả ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Văn phong này phát sinh từ lý thuyết Băng đảo (Iceberg theory) của ông, theo đó thì phần nổi ở trên mặt nước (đỉnh băng đảo) là nơi chứa đựng những dòng chữ viết và phần chìm (đáy băng đảo) — lớn hơn nhưng bị nước che khuất — là nơi ẩn náu của các hàm ý nảy sinh từ các biểu tượng trong phần nổi. Theo Hemingway thì người viết có thể lờ đi bất cứ điều gì khi họ biết là họ cố tình không viết nó ra với chủ ý phần bỏ qua sẽ làm câu chuyện mạnh mẽ hơn và cho độc giả cảm thấy đã lãnh hội thêm một điều gì đó có ý nghĩa sâu xa hơn những điều biểu hiện trong truyện.

Lý thuyết Băng đảo đề cập trên đây chính là lý do tại sao truyện ngắn rất tiêu biểu Hemingway tựa đề Cat in the rain thoạt thấy thì có vẻ nông cạn (lối viết bỏ lửng, cốt truyện đơn giản, dàn nhân vật sơ sài), nhưng thực ra tuyệt tác này đầy ắp những hàm ý sâu xa khi ta đọc kỹ nó. Tác giả truyện ngắn này dùng nhiều biểu tượng đắc địa, như được giải thích dưới đây.

Ngay tựa đề câu chuyện đã là một biểu tượng sắc nét: Ở đâu đi nữa thì một con mèo ướt nhoẹt nước mưa nằm co ro một xó đều vẽ lên một hoàn cảnh “tội nghiệp quá” rồi. Trong đoạn mở đầu Hemingway dùng thời tiết xấu với trời mưa không ngớt làm biểu tượng cho một mối liên hệ vợ chồng đang tan rã khó lòng hàn gắn.  Sự thiếu trưởng thành của người vợ được ám chỉ qua sự kiện nàng không có tên gọi mà chỉ được nhắc đến là “người vợ Mỹ” và nàng hành động như một đứa con nít (muốn đích thân đi bắt con mèo ướt nước mưa, muốn được ngồi ăn với thìa nĩa bằng bạc và bạch lạp). Con mèo đóng vai biểu tượng kiệt xuất cho một đứa con mà người vợ ước ao được ôm ấp trong lòng. Cuối cùng, con mèo ấy được cô làm công mang đến cho nàng như một món quà đặc biệt từ ông chủ khách sạn, người mà nàng mới quen mà đã dành cho nhiều thiện cảm. Món quà ấy chuyên chở cái hàm ý quan trọng nhất trong truyện để làm kết luận: Nếu bao giờ nàng ta có một trẻ thơ để ôm ấp trong lòng thì hạnh phúc ấy chỉ có thể xảy ra với một người đàn ông khác.

 

THI CA THẾ GIỚI sưu tầm – dịch thuật

 WORDPRESS-DSC07787_X

Trong cánh rừng thưa

Guido Cavalcanti

 

Tâm tình người viết: Trong số những ngôn ngữ đã làm quen, tôi thích lối phát âm tiếng Ý nhất vì nghe nó thực là êm tai.  Tiếng Ý sử dụng năm mẫu âm căn bản A, I, U, E, O.  Ba âm đầu phát âm như tiếng Việt, hai âm sau cùng tựa như “ê” và “ô” vậy. Các âm I và E êm ái xuất hiện khá nhiều ở vị trí sau cùng của các danh từ và tính từ số nhiều. Thêm vào đó là một số kết hợp  dễ nghe của một số tử âm và mẫu âm, như khi tử âm S nằm giữa hai mẫu âm thì nó phát âm như âm “d” trong chữ “du dương”, tử âm C khi đi với I và E thì đọc như “chi” và “chê”, các âm tiết GIA và GIO được phát âm như “gia” và “giô”’, và CH tiếng Ý phát âm như “k” tiếng Việt. Như vậy, khi diễn tả ý nghĩ “Trong vườn hoa văn chương Ý có nhiều thi nhân trữ tình” thì người Ý sẽ như “hát” lên câu nói dịu dàng Nel giardino letterario d’Italia ci sono molti poeti lirici.”  Hãy tưởng tượng niềm hạnh phúc của một thi nhân tốt số khi được một giai nhân người Ý cho nghe lời âu yếm giữa một bối cảnh  thiên nhiên huy hoàng —như cô mục tử không tên đã ban cho nhà thơ Guido Cavalcanti trong bài dã ca (pastorale) In un boschetto (Trong cánh rừng thưa) mà những tiểu đoạn nên thơ nhất được dịch thuật dưới đây.

***************

forest-loversGuido Cavalcanti (1260-1300) là bạn thơ tâm đắc nhất của đại thi hào Dante nước Ý. Ngang ngửa thi tài với Dante, Cavalcanti là thủ lãnh trường phái Dolce stil nuovo (Lối viết mới ngọt ngào) mà chủ đích là để tán dương phụ nữ. Tán dương phái đẹp đâu có gì mới mẻ, nhưng cái mới ngọt ngào của trường phái Cavalcanti là niềm tin rằng tình yêu chỉ có thể phát sinh trong những trái tim hào hiệp cao nhã và phái đẹp chính là những thiên thần giáng thế để cứu độ các đấng mày râu! Như vậy, tình yêu hiến cho phụ nữ cũng là tình yêu dâng lên Thượng Đế. Cavalcanti nổi danh với nhiều thơ về triết lý cao siêu, nhưng những tác phẩm được mến chuộng nhất của  ông lại là những bài thơ ngắn nhiều nhạc tính dễ trở thành những bài dã ca (pastorali) trong đó lý luận khô khan biến mất, để chỉ còn lại những tình ý cá nhân chứa chan xúc cảm. Bài dã ca khét tiếng In un boschetto (Trong cánh rừng thưa) là một tuyệt chiêu nói về cuộc gặp gỡ như mơ giữa thi nhân và một nữ mục tử trong một cánh rừng thưa. Yếu tố thành khẩn và bộc trực trong cảm nghĩ của cô mục tử làm người đọc khó quên được nàng. Nàng đẹp long lanh hơn cả tinh tú trên trời:

 

WORD PRESS-123

In un boschetto trova pastorella

Piu che la stella  — bella al mi parere

 

Trong cánh rừng thưa  gặp cô mục tử

Hơn cả sao trời – nàng đẹp như mơ

 

Tóc vàng óng ả, da thịt hồng tươi, đôi mắt long lanh tình ái, nàng đang chăm sóc đàn cừu non. Mà gợi cảm thay:

 

E, scalza, di rugiada era bagnata

Cantava come fosse innamorata

 

Và đi chân không, đẫm ướt sương mai

Nàng hát ca như say hương tình ái

 

Thi nhân choáng váng, chào nàng làm quen và muốn biết có ai đi cùng với nàng không ? Dịu dàng nàng thưa:

 

Che sola sola per lo bosco gia

Chỉ mình em thôi đơn độc băng rừng

 

Như thể đã quen thi nhân từ lâu, nàng thỏ thẻ cho biết mỗi khi nghe tiếng chim ca nàng lại thầm ước có được người yêu. Dịp may tới rồi, thi nhân tự nhủ, vì nàng còn lẻ bóng mà chim chóc lại đang ca hát tưng bừng. Chàng bèn thử lửa:

 

Merzè le chiesi sol che di baciare

E d’abbracciare – le fosse’ n volere

 

Tôi chỉ xin ân huệ được hôn nàng

Và ôm ấp– nếu như nàng kỳ vọng

 

Nắm tay thi nhân, nàng cho biết trái tim đã trao chàng đó. Tay đan tay, họ đi dưới những cành cây tươi tốt, quanh chân họ hoa sắc muôn màu. Nàng chẳng còn là mục tử tầm thường nữa đâu:

 

E tanto vi sentio gioia e dolzore

Che dio d’amore – parmevi vedere

 

Và nơi ấy cho tôi  bao thống khoái

Thần tình yêu – chính đích thị nàng rồi

 

Người dân Ý yêu In un boschetto của Cavalcanti vì chính vị thủ lãnh Lối viết mới ngọt ngào, với chủ đích tán dương phụ nữ trong thi ca, đã thần thánh hóa diệu kỳ một nữ mục tử sống hạnh phúc giữa lòng thiên nhiên, chẳng cần chút  cao sang nào cả!

 

TS Đàm Trung Pháp

Professor Emeritus

Texas Woman’s University

 

 

VĂN CHƯƠNG LÀM MỀM LÒNG NGƯỜI: CHUYỆN CHÀNG VÀ NÀNG

LOVERS- YY-18988237315_-TEXT

Lãng Xẹt

Thưa Quý Vị và bạn hữu yêu văn thơ bốn phương:

Hôm nay, Lãng Xẹt tôi vào đây gửi bài viết bài này đến Quý Vị, hy vọng mang lại đến Quý Vị những nụ cười, những cái lãng đãng của cuộc đời …
Lãng Xẹt nhà tôi là người anh em “song sinh” của cái nhà ông Giáo Già thích ra khỏi nhà để viết về đề tài tâm linh. Tuy rằng chúng tôi là “song sinh”, nhưng tính tình và tuổi tác lại chẳng giống nhau cái gì hết. Ông ta 73, và tôi nay mới 37 (thì tôi đã nói là chúng tôi “trái cựa” nhau mà). Tại sao Xẹt tôi lại mới 37 cái tuổi đời? Xin thưa rằng/răng thừa… : 37 là số đảo ngược của 73 . Ngoài ra, theo phương trình toán học

37 = 35 + 2

mà một ông Thầy Bói đã đoán quẻ về tâm tính của Lãng Xẹt nhà tôi như sau: “Tuổi này rất hạp cho việc đọc thơ, văn loại … 35 của đôi lứa ( = 2, Nam và Nữ!)

Nhân lúc ông Giáo Già song sinh của Xẹt còn đang “bôn ba” từ cõi Dương đến cõi Âm (from minus infinity to plus infinity – nói theo danh từ toán học) để lấy đề tài viết về tâm linh, Lãng nhà tôi bỗng đâu nhìn thấy đề tài Thơ và Tình Yêu từ tiếng Tây Ban Nha (xin nói rõ không phải Tây Bán Nhà, Tây Ba Lô đâu nhá) trong blog

“Poesía …eres tú” (Gustavo Bécquer, 1871) Phiếm luận văn chương

Xẹt thấy đời mình đang lãng đãng, mất hút trong những lời thơ tình nóng bỏng của các “chàng” thi sĩ đáng tuổi cha, tuổi ông của mình nhưng mà các cụ thi sĩ đó mà làm thơ tình thì… ôi chao là mùi mẫn. Thế là chàng Lãng bèn gọi điện thoại ngay sang cho anh Đàm Trung Pháp, vừa để xin phép vừa để “vấn kế” cho Lãng nhà tôi “Việt Nam hóa” những vần thơ mà anh tôi đã dịch thực chân phương và sát nghĩa với nguyên tác Tây ban nha ngữ.

Tiện đây, cũng xin có đôi lời tâm sự cùng Quý vị. Ngày xưa, gã Xẹt này đã từng chu du trong nhiều Phố Rùm (forum), thấy chỗ nào thiên hạ “thở tha/thả thơ”, bèn…xẹt ngay vào xem. Khi thấy những cảnh “đoạn trường tân thanh”, Xẹt nhà tôi tự nhiên cảm thấy như thấy mình đang “nhập vai” lúc nào không hay! Cũng chỉ tại vì cái “nick” Lãng Xẹt nó “vận ngay” vào cái thân Cánh Phản/Phán Cảnh này mà thôi!

Lãng Xẹt muốn cho thêm chút mắm, chút muối, chút đường, chút tiêu, chút ớt, chút bột…vào những vần thơ dịch của anh Pháp. Mục đích là để xào nấu những vần thơ đó sang thể tự do với những âm điệu Việt Nam để mà nghe cho nó thêm mùi mẫn, lâm ly, ai oán, thống thiết…

Mới đầu Xẹt tôi chỉ sợ anh Pháp tính tình nghiêm nghị sẽ “say no”. Ngờ đâu anh Pháp lại cười vang và “bật đèn xanh” cho Xẹt liền:” LX cứ việc xào nấu thử và đưa lên mạng xem các netters phản ứng ra sao.”

“Được lời như cởi tấm lòng”, ngay sáng ngày hôm sau, Xẹt ngửa tay xin “chính phủ tại gia” một nắm xôi lạc, một quả táo, một chai nước suối rồi đạp xe ra cái park gần nhà. Xẹt nhắm mắt lại, đếm hơi thở một hồi cho người nó khỏe, tâm nó tĩnh. Sau đó, chàng họ Lãng bắt đầu vào việc “đóng vai và nhập vai” các cụ thi sĩ đa tình Tây Ban Nha để mà “xào nấu lại vần thơ” theo chủ đề “Văn Thơ Làm Mềm Lòng Người” của bài viết này. Đặc biệt là ở dưới mỗi bài thơ, Quý Vị sẽ thấy “Lời Bàn của Mao Tôn Lãng Xẹt” nữa!

Công việc “bếp núc” ở ngoài park của đầu bếp thơ văn Lãng Xẹt đã xong, Xẹt ngồi ăn xôi lạc (xôi đậu phụng) để nhớ lại hồi còn trẻ, còn được sống nguyên vẹn cùng bố mẹ và anh chị em tại Hà Nội hơn 60 năm về trước.

Lãng đãng buồn, rồi đạp xe về nhà. Cũng xin mở một cái ngoặc kép: Xẹt nhà tôi phải trốn vợ ra park để mà “làm bếp” mấy vần thơ tình ái này vì e rằng Sếp mà thấy Lãng tôi còn làm thơ tình ỉ ôi thì đời nhà Lãng sẽ … xẹt ra lửa, bị bỏ đói meo liền, chỉ vì cái tội “tình ngay / lý gian! Dám chống ”nhà nước”!

Sau khi đánh máy xong những vần thơ vừa mới “nhào nặn” theo kiểu Việt Nam, ngày hôm sau, Xẹt tôi lại đạp xe ra cái park này. Ôi chao là thú vị: được ngồi trong bóng mát trên ghế gỗ công viên vắng lặng, nghe nhạc Việt Nam qua cái máy MP3. Thế là Lãng Xẹt lại bắt đầu viết tiếp những giòng chữ này.

Rất mong quý vị, quý bạn hữu vào thăm  hí trường này để đọc những bài thơ tình nóng bỏng của các thi sĩ Tây Ban Nha và cũng mong Quý vị sẽ có hứng để mà “thở tha/thả thơ” cho vui vẻ cuộc đời trong cái hý trường mộng ảo này.

Xin mời đọc:

“Poesía …eres tú” (Gustavo Bécquer, 1871) Phiếm luận văn chương

Câu chuyện văn học
Đàm Trung Pháp

NÀNG THƠ… LÀ CHÍNH EM ĐẤY!

****
THU CA LÚC XUÂN THÌ
Rubén Darío

Juventud, divino tesoro
Ya te vas para no volver
Cuando quiero llorar, no lloro
Y a veces lloro sin querer

Tuổi thanh xuân, kho tàng thượng đế
Mãi ra đi mà chẳng trở về
Lúc muốn khóc, ta đâu khóc nổi
Nhưng nhiều khi, ta bất chợt lệ rơi

Thưa Quý Netters :

Lời Bàn của Mao Tôn Lãng Xẹt bắt đầu vang vọng từ hậu trường mộng ảo (virtual amphitheatre) lan ra, đèn bắt đầu mờ mờ, ảo ảo!

[LỜI BÀN CỦA MAO TÔN LÃNG XẸT (LBCMTLX): 
Bài thơ trên cũng là lời tâm sự của người “song sinh” Giáo Già của LX: có trẻ, có già, có sinh và có tử, vĩnh biệt tuổi thanh xuân – Chuyện nhỏ mà thôi, thi sĩ ơi, please stop crying! ]

***

NÀNG THƠ… CHÍNH LÀ EM ĐẤY!
Gustavo Bécquer

Por una mirada, un mundo
Por una sonrisa, un cielo
Por un beso … yo no sé
Que te diera por un beso

Một thế giới cho từng ánh mắt
Một trời xanh cho mỗi lúc em cười
Mỗi nụ hôn… anh mê say suy đoán
Biết tặng gì cho mỗi lúc em hôn

[LBCMTLX:
Nàng bắt đầu mới biết yêu, bắt đầu mới biết hôn (tiếng Anh là “kissers-in- training”), tha hồ mà tập sự – Tấm màn hí trường đang bắt đầu mở từ từ –  Vở tuồng này không cần Em Xi, Xi Em gì hết!]

***
NỮ HOÀNG
Pablo Neruda

Y cuando asomas
suenan todos los ríos
en mi cuerpo, sacuden
el cielo las campanas
y un himno llena el mundo

Và khi em xuất hiện
khiến cho những giòng sông náo động
trong hồn anh, những hồi chuông
vang chuyển cả bầu trời
bài thánh ca tràn ngập cả càn khôn.

[LBCMTLX:
Chàng thi sĩ đa tình bắt đầu yêu say đắm, yêu mê mẩn đến độ chàng đâm ra biết nịnh đầm, biết tôn thờ nàng trong chốn càn khôn]

***
KHI MẶT TRỜI SƯỞI ẤM
Luis Miguel

Cuando calienta el sol
Aquí en la playa
Siento tu cuerpo vibrar
Cerca de mi
Es tu palpitar
Es tu cara
Es tu pelo
Son tus besos
Me estremezco, oh
Cuando calienta el sol

Khi mặt trời sưởi ấm
Trên bãi biển này đây
Em đi, thân em nhún nhẩy
Sát bên anh
Là tim em đập mạnh
Là mặt em
Là tóc em
Là những nụ em hôn
Anh rùng mình, ơi hỡi càn khôn
Mặt trời đang lên sưởi ấm quanh ta.

[LBCMTLX:
Tình yêu lãng mạn, trong giới hạn (“under control”), hiện thực, chưa đến độ leo thang (escalating) nhưng cả chàng và nàng đêù thấy lòng mình ấm êm chi lạ (vì tình yêu hay vì ánh nắng mặt trời?)]

***
XIN CHÚT ÂN TÌNH
Antonio de Trueba

Si tú a la ventana
Te dignas salir
Si tú una mirada
Me das desde allí

Xin em rời gót sen
Ra tựa bên song cửa
Xin em hãy ngước nhìn lên
Hãy nhìn anh từ thưở mới yêu em

[LBCMTLX:
Tình yêu mới chớm nở, tựa như kiểu “Anh theo Ngọ về” hay cái thuở anh chàng Romeo mới biết yêu Juliet mà quên béng luôn cả mối thù truyền kiếp giữa hai gia đình của chàng và nàng! “Love now, pay later!” ]

***
ĐÔI CHÚT TÌNH EM
Oscar Gomez

Por un poco de tu amor
Por un trozo de tu vida
La mía entera yo te la daría a ti

Xin cho đôi chút tình em
Và mảnh nhỏ cuộc đời êm ấm
Anh hứa cùng em: trọn đời mãi mãi yêu em!

[LBCMTLX:
Nhẹ nhàng, bình dị, êm ái và trung thủy (hay chỉ là lời hứa lúc ban đầu)? Keep going, Mate !]

***

ADELITA
Jorge Negrete

Si Adelita se fuera con otro
La seguiría la huella sin cesar
En aeroplanos y buques de guerra
Y por tierra hasta en tren militar

Nếu Adelita cặp kè tên ấy
Gót nàng ta bám sát chẳng thôi đâu
Ta theo em: bằng máy bay hay bằng tàu chiến
Trên bộ trình, ta theo bằng xe lửa lục quân.

[LBCMTLX:
Một loại “yêu hết thuốc chữa” của chàng dành cho nàng đến độ ngạt thở: “macho/possessive”. May là chàng chưa dọa dùng bom nguyên tử để dội bom nàng cũng như người tình địch của chàng thi sĩ đang “điên tiết vịt” – Xin đề cử ngài thi sĩ này nhẩy vào vòng chiến uýnh nhau với Islam state !]

***

MỐI TÌNH ĐẮNG CAY
Thơ khuyết danh tác giả

Aunque no me quieras
Tengo el consuelo
De saber que sabes
Que yo te quiero

Dù em chẳng có yêu tôi
Tôi đây cố giữ ít nhiều niềm tin
Vì em đã biết tôi nhìn
Tôi ôm hình bóng, tôi tìm dáng em.

[LBCMTLX:
Tuy si tình nhưng chàng cũng đã biết mình, biết người, bỏ chạy nhưng vẫn ôm lấy bóng hình nàng trong tim (bỏ người mà giữ lấy bóng, khôn thiệt) ! – Good self assessment! Good strategic planning !]

***
ĐẢO ĐIÊN VÌ TÌNH
Alberto Dominguez

Mujer, si puedes con Dios hablar
Pregúntale si yo alguna vez
Te he dejado de adorar
Y al mar, espejo de mi corazón
Las veces que me ha visto llorar
La perfidia de tu amor

Em yêu, khi được thưa cùng Thượng Đế
Hãy hỏi Ngài xem anh có bao giờ
Dám chểnh mảng tôn thờ em nhỉ
Hãy hỏi biển xanh cho tim em thấu rõ
Đã bao lần anh đã lã chã lệ rơi
Đời đảo điên, chỉ vì anh yêu em quá đó mà thôi

Te he buscado dondequiera
Yo no te puedo hallar
Y tú, quién sabe por dónde andarás
Quién sabe qué aventuras tendrás
Qué lejos estás de mí

Anh tìm kiếm em khắp nơi, khắp chốn
Mà chẳng hề thấy bóng dáng em đâu
Tìm em, có ai biết em đang ở phương nào
Tháng tháng, ngày ngày, em đi những nơi nao
Anh chỉ biết, anh đã xa em hàng trăm, hàng ngàn dặm

[LBCMTLX:
Thi sĩ si tình hết thuốc chữa, các bác sĩ tâm thần cũng chỉ bó tay? Tuy chàng bị đảo điên vì tình nhưng mà lời thơ thống thiết biết bao. Thật tội nghiệp cho cả chàng và nàng . Nàng đã đi trốn chàng hay là vì nàng thích đi mạo hiểm đó đây? Còn chàng thì vò võ đi kiếm nàng khắp bốn phương trời ! Help, help!]

***
EM: CHỈ MÌNH EM THÔI!
Felipe Leal

Mira como ando, mujer
Por tu querer
Borracho y apasionado
No más por tu amor
Tú, sólo tú
Has llenado de luto mi vida
Abriendo una herida en mi corazón
Tú, sólo tú
Eres causa de todo mi llanto
De mi desencanto y de mi desesperación

Này em hỡi, hãy nhìn anh thất thểu
Chỉ vì yêu em
Anh say sưa, thành điên, thành dại
Anh đã ra sao: chỉ vì quá yêu em đó
Chỉ vì em, chỉ vì mình em đấy mà thôi
Chịu khổ đau, đời anh bị chôn vùi, đời ngập khổ đau
Anh đã tự gây ra vết thương hành hạ trái tim này
Em, chỉ tại vì một mình em đó
Tại vì em mà đời anh lã chã lệ rơi
Vì chán chường, vì tuyệt vọng, hay vì quá u mê

[LBCMTLX:
Than ôi cho mối tình si: say mê, điên dại, chôn vùi, chết chìm trong biển lệ của chính mình…! Yêu đến điên, đến cuồng thật là nguy hiểm, hết thuốc chữa rồi! Calm down and meditate, my hopelessly love-sick poet! ]

***

XIN HÃY HÔN TÔI
Consuelo Velazquez

Bésame, bésame mucho
Como si fuera esta noche la última vez
Quiero tenerte muy cerca
Mirarme en tus ojos
Y verte junto a mí
Qué tengo miedo perderte
Perderte otra vez

Hãy hôn anh, hôn anh cho nó bõ
Như thể đêm nay là buổi tối cuối cùng
Anh muốn em thật gần anh đó
Soi hình anh trong ánh mắt em yêu
Để thấy chúng mình đang quấn quít bên nhau
Ôi anh sợ, sợ mất em nhiều biết mấy
Sợ mất em lần nữa những ngày, những tháng sau này

[LBCMTLX:
Ôi chao là say đắm, ôi chao là đắm say! E rằng sau này sẽ có ngày “yêu cho lắm, cắn cho đau” mất thôi. Cứ từ từ một tí cái đã nào: đi đâu mà vội mà vàng! Thi sĩ nên học chàng Kim Trọng và Thúy Kiều khi Kim Kiều tái ngộ, thi sĩ ơi !]

 

Người Yêu Thơ phóng tác

 

***

Màn từ từ khép lại, đèn bắt đầu sáng lên, khán giả vội vàng dấu đi những kleenex ướt nhoèn.
Thay  lời Em Xi, Lãng Xẹt Yêu Thơ xin Quý vị một tràng pháo tay cho vở tuồng “Văn Thơ Làm Mềm Lòng Người” đến đây đã chấm dứt.

Thank you, Thank you very much!

***

Lãng Xẹt

Tháng Sáu , 2015

 

“Poesía …eres tú” (Gustavo Bécquer, 1871) Phiếm luận văn chương

LOVERS - 5-TEXT

Đàm Trung Pháp

Ai trên đời mà không âm thầm tiếc nuối tuổi trẻ qua mau, nhưng đã mấy ai để lệ rơi tầm tã trong những lúc bất thần khóc than cho tuổi thanh xuân ra đi không trở lại như nhà thơ Rubén Darío (1867-1916) người nước Nicaragua? Darío ví tuổi xanh như một “kho tàng thượng đế” mà sự mất đi là cả một tiếc thương vô hạn nằm sâu trong tiềm thức. Chẳng thế mà bốn câu tuyệt bút phát xuất từ một nỗi lòng sót sa của ông được nhắc đi nhắc lại năm lần trong bài “Canción de otonõ en primavera” (Thu ca lúc xuân thì) đã làm bao thế hệ độc giả mủi lòng vì mức độ thiết tha của chúng:

 

Juventud, divino tesoro

Ya te vas para no volver

Cuando quiero llorar, no lloro

Y a veces lloro sin querer

 

Tuổi thanh xuân, kho tàng thượng đế

Đã ra đi không thể trở về

Lúc muốn khóc, ta không khóc nổi

Nhưng nhiều khi bất chợt lệ rơi

 

Tuổi thanh xuân thường đồng nghĩa với mộng mơ. Người ta kể rằng thời còn trẻ Gustavo Bécquer (1836-1870), người nước Tây ban nha, có một cô bạn gái rất xinh mê chàng như điếu đổ. Một hôm nàng âu yếm nhìn Gustavo đang ngồi trong vườn làm thơ, rồi bất thần lên tiếng hỏi  “Anh ơi, thơ là cái chi chi mà anh mê nó thế hả anh?” Có ai đâu ngờ câu trả lời chẳng cần suy nghĩ của Gustavo “Poesía … eres tú” (Thơ … chính là em) đã trở thành cách định nghĩa thần tình nhất cho tình yêu  từ đó đến nay! Nhà thơ tài hoa nhưng mệnh yểu cũng đã chẳng để lỡ cơ hội cho tiếng lòng đang thổn thức rót thêm những lời đường mật vào tai cô bạn gái mà chàng vừa xác nhận là nguồn thơ lai láng cho mình:

 

Por una mirada, un mundo

Por una sonrisa, un cielo

Por un beso … yo no sé

Que te diera por un beso

 

Một thế giới cho từng ánh mắt

Một trời xanh mỗi lúc em cười

Mỗi nụ hôn… anh còn suy đoán

Biết tặng gì mỗi lượt em hôn

 

Tuyển tập những bài thơ mang danh “Rimas y leyendas” (Những vần thơ và truyện thần kỳ) –mà từ đó bốn câu trên được trích dẫn– đã được in thành sách năm 1871, tức là một năm sau khi Bécquer qua đời. Kể từ đó đến nay tập thơ dễ thương ấy vẫn còn là những bài thơ tình trinh nguyên được giới trẻ trong thế giới Tây ban nha ngữ ôm ấp.

 

Gần đây hơn, giải quán quân về đam mê phải được trao cho Pablo Neruda (1904-1973) người nước Chí lợi. Vị thi bá từng đoạt giải Nobel văn chương đã chẳng chút ngại ngùng nào khi chính thức mệnh danh cô bạn gái của mình là Nữ hoàng ! Neruda đã cho phổ biến thi tập “Los versos del capitán” (Những vần thơ người thuyền trưởng) để ghi khắc thời gian đắm say trong vòng tay cô Matilde Urrutia. Yêu đến nỗi thi nhân viết cả thơ tặng nàng ngay trên khăn lau miệng trong tiệm ăn! Đoạn chót bài thơ tình làm rung chuyển cả trời lẫn đất mang tên “La reina” (Nữ hoàng) dưới đây là một bằng chứng hùng hồn giải thích tại sao Matilda xứng đáng là nữ hoàng của Pablo:

 

Y cuando asomas

suenan todos los ríos

en mi cuerpo, sacuden

el cielo las campanas

y un himno llena el mundo

 

Và khi em xuất hiện

tất cả những giòng sông náo động

trong thân anh, những hồi chuông

lay chuyển cả bầu trời

và một thánh ca ngập tràn thế giới

 

Nếu được trở lại trần gian hôm nay, hai thi sĩ Bécquer và Neruda sẽ choáng váng sau khi được nghe “Cuando calienta el sol” (Khi ánh dương sưởi ấm) là một bài ca hiện đại sống động được nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ. Sáng tác nổi danh như cồn ấy của Luis Miguel (sinh năm 1970 tại Puerto Rico) tả chân mối liên hệ tình ái ngày nay bằng một lối viết táo bạo khiêu khích hơn nhiều so với thời thượng của hai ông Bécquer và Neruda:

 

Cuando calienta el sol

Aquí en la playa

Siento tu cuerpo vibrar

Cerca de mi

Es tu palpitar

Es tu cara

Es tu pelo

Son tus besos

Me estremezco, oh

Cuando calienta el sol

 

Khi ánh dương sưởi ấm

Trên bãi biển này đây

Sát mình anh

Toàn thân em kích động

Tim em phập phồng

Là mặt em

Là tóc em

Là những nụ em hôn

Anh rùng mình, hỡi càn khôn

Khi ánh dương sưởi ấm

 

Nếu Gustavo Bécquer đã chinh phục được người yêu thì Antonio de Trueba (1819-1889), người Tây ban nha, còn đang … trong vòng dụ dỗ. Người đẹp của Trueba là một nàng nước da bánh mật, có đôi mắt đẹp mê hồn đến nỗi nếu thiếu đôi mắt ấy trong đời thì thi nhân chỉ còn nước chết ! Thế cho nên sau khi đã thú thật cùng nàng, Antonio khẩn khoản xin nàng một ân huệ nho nhỏ để chàng còn có thể tồn tại trên đời. Ân huệ ấy chỉ gồm có hai điều, cả hai bắt đầu bằng liên từ (chỉ điều kiện) nếu nghe còn có vẻ xa vời, nhưng Antonio vẫn xin nàng ban cho:

 

Si tú a la ventana

Te dignas salir

Si tú una mirada

Me das desde allí

 

Nếu em rời gót sen

Ra tựa bên cửa sổ

Nếu em một cái nhìn

Ban cho anh từ đó

 

Khi bị trái tim thôi thúc, đấng mày râu dù có anh hùng, có “macho” (đầy ắp nam tính) đến mấy, cũng có thể trở thành hành khất tình yêu, hạ mình rất thấp để xin “un poco de tu amor” (một chút tình em) và sẵn sàng đáp lại ngàn lần như thế. Mời nghe lời van xin tình yêu thành khẩn đam mê cùng với lời hứa đền bù lấy từ bài hát “Por un poco de tu amor” do Oscar Gomez và Albert Hammond đồng sáng tác năm 1978. Ca sĩ lừng danh thế giới Julio Iglesias của nước Tây ban nha đã thăng hoa bài ca thành một top hit:

 

Por un poco de tu amor

Por un trozo de tu vida

La mía entera yo te la daría a ti

 

Đáp đền cho một chút tình em

Và mảnh nhỏ cuộc đời êm ấm

Anh hứa đời trọn vẹn dâng em

 

Năn nỉ mãi không được, chàng hành khất tình yêu sẽ có lúc trở thành bực bội. Có khi chàng còn dọa dẫm nữa là đằng khác, nếu ta căn cứ vào bài hát uy nghiêm “Adelita” do ông sĩ quan quân đội kiêm nhạc sĩ Jorge Negrete (1911-1953) người  xứ Mễ tây cơ sáng tác. Người hùng đóng vai hành khất trong bài ca này không những chỉ là nhạc sĩ mà còn là một sĩ quan cao cấp có thể sử dụng phương tiện di chuyển của hải, lục, không quân bất cứ lúc nào. Ông đang buồn vì cô Adelita kháu khỉnh, mà ông đang mê mệt, chưa yêu lại ông. Ông còn nghi là nàng dám yêu kẻ khác lắm. Ông rất chân thành và giản dị, đã hứa với Adelita rằng nếu nàng yêu ông thì ông sẽ mua ngay cho nàng một bộ đồ bằng lụa mỏng và dẫn nàng đi rước đèn ngay trong … trại lính của ông ! Còn như nếu mà nàng bỏ ông để đi yêu kẻ khác thì nàng hãy coi chừng, vì tay ông dài khủng khiếp:

 

Si Adelita se fuera con otro

La seguiría la huella sin cesar

En aeroplanos y buques de guerra

Y por tierra hasta en tren militar

 

Nếu Li-ta cặp kè tay ấy

Gót nàng ta bám sát không thôi

Bằng máy bay hay bằng tàu chiến

Trên bộ bằng xe lửa lục quân

 

Chưa biết chắc được người mà mình mê rồi có chịu đáp lại tấm lòng mình không (như trường hợp ông quan võ si tình và cô Adelita nêu trên) đã là khổ rồi, nhưng có lẽ còn đỡ khổ hơn là bị ruồng bỏ ngay từ dầu. Như trường hợp một chàng trai vừa gửi lá thư đầu tiên cho người trong mộng thì lá thư xấu số vô duyên ấy đã bị cô ta xé nát rồi cho gió cuốn bay đi ! Tuy đau lắm, nhưng chàng vẫn giữ thái độ một người quân tử biết tha thứ kẻ khác, rồi viết cho mình bốn câu thơ để tự an ủi, trích từ trong một bài thơ tình khuyết danh tác giả:

 

Aunque no me quieras

Tengo el consuelo

De saber que sabes

Que yo te quiero

 

Dù em chẳng yêu tôi

Tôi còn điều an ủi

Vì em biết tôi đây

Sẽ còn yêu em mãi

 

Bị coi thường hay bị ruồng bỏ trong lãnh vực tình ái đã là khổ rồi, nhưng có người yêu điên đảo có khi còn khổ nhiều hơn nữa! Thi nhạc sĩ người Mễ tây cơ Alberto Dominguez (1911-1975) sáng tác bài ca bất hủ“Perfidia” (Đảo điên) kể chuyện về cuộc tình bất hạnh của một đấng mày râu. Vị này thở than về một người đàn bà đã làm cho đời ông khốn đốn. Ông mang cả Thượng Đế, cả biển sâu ra làm nhân chứng cho mối tình thành khẩn, những lần than khóc, những chuyến đi tìm kiếm vô vọng của ông, tất cả chỉ vì sự đảo điên của cô ta:

 

Mujer, si puedes con Dios hablar

Pregúntale si yo alguna vez

Te he dejado de adorar

Y al mar, espejo de mi corazón

Las veces que me ha visto llorar

La perfidia de tu amor

 

Em, khi được thưa cùng Thượng Đế

Hỏi Ngài xem anh có bao giờ

Dám chểnh mảng tôn thờ em thế

Hay hỏi biển thấu tim anh rõ

Đã bao lần thấy lệ anh rơi

Vì đảo điên tình ái em thôi

 

Te he buscado dondequiera

Yo no te puedo hallar

Y tú, quién sabe por dónde andarás

Quién sabe qué aventuras tendrás

Qué lejos estás de mí

 

Đã tìm em bốn bể năm châu

Mà chẳng hề thấy bóng em đâu

Còn em, ai biết ở phương nào

Tháng ngày qua mạo hiểm ra sao

Khi chúng ta còn bao cách trở

 

Nếu chàng trai tuyệt vọng nêu trên chỉ khóc than và lang thang đi tìm người yêu phụ bạc, thì nhân vật chính trong một bài thi nhạc nữa mang tên “Tú, sólo tú” (Em, chỉ mình em thôi) do Felipe Leal (không rõ năm sinh và mất) người Mễ tây cơ sáng tác, đã trở nên bệ rạc, rượu chè be bét vì người yêu đã bỏ chàng rồi :

 

Mira como ando, mujer

Por tu querer

Borracho y apasionado

No más por tu amor

Tú, sólo tú

Has llenado de luto mi vida

Abriendo una herida en mi corazón

Tú, sólo tú

Eres causa de todo mi llanto

De mi desencanto y de mi desesperación

 

Này em, hãy trông anh thất thểu

Chót quá yêu em

Thành bệ rạc say sưa

Tất cả vì em

Và chỉ mình em thôi

Lấy khổ đau lấp kín đời anh

Gây vết thương trong trái tim này

Em, chỉ một mình em thôi

Là nguyên nhân cho anh đổ lệ

Cho chán chường tuyệt vọng u mê

 

Những van xin thống thiết như trong hai bài ca “Perfidia”“Tú, sólo tú” vừa kể đôi khi cũng có hiệu quả. Và lúc “Kim Kiều tái ngộ” thì hạnh phúc lứa đôi sẽ gấp bội gia tăng, như ta thấy trong bài ca khét tiếng hoàn cầu “Bésame mucho” (Hãy hôn anh cho bõ) do nữ nhạc sĩ kiêm minh tinh điện ảnh có sắc đẹp mê hồn của Mễ tây cơ Consuelo Velazquez (1924-2005) sáng tác khi nàng mới 16 tuổi và chưa bao giờ hôn ai hoặc được ai hôn cả. Trí tưởng tượng của cô Consuelo thực ở mức thượng thừa! Đến đây bút giả  mạn phép xin được sử dụng những lời lẽ nồng nàn từ bài ca ấy để chấm dứt phiếm luận về thi ca của một ngôn ngữ diệu huyền mà trong đó “poesía … eres tú” (thơ … chính là em) và “el amor lo hace todo” (tình yêu làm ra hết mọi chuyện):

 

Bésame, bésame mucho

Como si fuera esta noche la última vez

Quiero tenerte muy cerca

Mirarme en tus ojos

Y verte junto a mí

Qué tengo miedo perderte

Perderte otra vez

 

Hãy hôn anh, hôn anh cho bõ

Như thể đêm nay lượt cuối cùng

Anh muốn em thật gần anh đó

Để soi hình trong cặp mắt em

Và thấy em quấn quít bên anh

Ôi anh sợ mất em biết mấy

Sợ mất em lần nữa sau này

 

ĐÀM TRUNG PHÁP

 

ĐẠI THI HÀO LÝ BẠCH TRONG TÂM TƯ NGƯỜI ÂU-MỸ

Li Bai, also known as Li Bo, of the High Tang period, 701-762.  He was one of the two leading figures of Chinese poetry.

Li Bai, also known as Li Bo, of the High Tang period, 701-762.
He was one of the two leading figures of Chinese poetry.

Đàm Trung Pháp

Vì lý do thực tế, những đoạn trích dẫn thi ca Lý Bạch trong bài viết này sẽ được ghi theo lối phát âm Hán Việt quen thuộc của chúng ta, thay vì bằng phương thức “pinyin” (phanh âm) để ghi âm quan thoại. Đây cũng là một điều lợi, vì lối phát âm Hán Việt vốn gần gũi với lối phát âm chữ Hán đời Đường. Để thêm hứng thú cho độc giả, xen kẽ vào giữa các bài hoặc đoạn thi ca trích dẫn của Lý Bạch và phần  chuyển sang tiếng Anh là những bài hoặc đoạn chuyển sang tiếng Việt của các dịch giả lừng danh. Người Âu-Mỹ thường chỉ đọc thơ Trung Quốc qua các bản dịch sang ngôn ngữ của họ.

Xin mời đọc:

Trong số các thi hào Trung Quốc, có lẽ Lý Bạch (701-762) đời nhà Đường là người được các dịch giả Anh-Mỹ chiếu cố đến nhiều nhất. Lý do chính của sự thiên tư này rất có thể là vì thơ họ Lý không mang nặng bản chất uyên bác với nhiều điển tích lòng thòng phức tạp. Thực vậy, “giản dị” và “dễ cảm thông” là hai đặc trưng nổi bật nhất trong thơ Lý Bạch, theo nhận định của giáo sư James Hargett, hiện dạy văn chương Á châu tại State University of New York . Trong bài “The Poetry of Li Bo” trong cuốn Great Literature of the Eastern World (Ian McGreal hiệu đính, Harper Collins xuất bản năm 1996), Hargett trích bài tuyệt cú “Tĩnh Dạ Tứ”, do Arthur Cooper bên Anh Quốc chuyển ngữ năm 1973, để chứng minh nhận định ấy:

 

Sàng tiền khán nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.

Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương.

 

Đầu giường chợt thấy bóng trăng,

Mập mờ trên đất, ngỡ rằng sương sa.

Ngửng đầu trông vẻ gương nga,

Cúi đầu luống những nhớ nhà băn khoăn.

(Dịch giả Trần Trọng Kim)

 

Before my bed there is bright moonlight

So that it seems like frost on the ground:

Lifting my head I watch the bright moon,

Lowering my head I dream that I’m home.

 

Hai đặc trưng dễ mến ấy cộng thêm những ý niệm cận kề với con tim nhân loại (như khi cô đơn, ta hiểu thế nào là yên tĩnh; đôi khi ta ân hận đã xa nhà và những người thân yêu; và thế giới đổi thay, tiền tài danh vọng có nghĩa gì đâu, tại sao không tận hưởng ngày xuân nhỉ) đã khiến Hargett và nhiều người khác bên trời Âu-Mỹ mến mộ thơ Lý Bạch. Giáo sư  Stephen Owen hiện dạy văn chương Trung Quốc tại Harvard và đã dịch nhiều thơ Tàu sang Anh ngữ rất chuộng bài “Tương Tiến Tửu” của họ Lý mà trong đó luận đề “carpe diem” (tương đương với “xuân bất tái lai”) vốn không xa lạ gì với người phương tây, được ngợi ca tuyệt vời. Trong một tuyển tập đồ sộ các tuyệt tác phẩm văn học hoàn cầu đang được dùng trong nhiều đại học Hoa Kỳ mang danh The Norton Anthology of World Materpieces (Volume I, do Maynard Mack hiệu đính, Norton xuất bản năm 1995), Owen đã dịch đoạn đầu của bài thơ theo thể nhạc phủ hào phóng và tráng lệ ấy (“Bring in the Wine”) như sau:

 

Quân bất kiến

Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai,

Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.

Quân bất kiến

Cao đường minh kính bi bạch phát,

Triêu như thanh ty mộ thành tuyết.

Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,

Mạc sử kim tôn không đối nguyệt ….

 

Thấy chăng ai:

Nước sông Hoàng xuống tự trời kia,

Chảy mau ra biển, chẳng quay về.

Thấy chăng ai:

Gương sáng nhà cao, thương tóc bạc,

Sớm tựa tơ xanh, chiều thành tuyết.

Ở đời đắc ý cứ vui chơi,

Chớ để chén vàng trơ dưới nguyệt …

(Dịch giả Trần Trọng San)

 

Look there!

The waters of the Yellow River,

coming down from Heaven,

rush in their flow to the sea,

never turn back again.

Look there!

Bright in the mirrors of mighty halls

a grieving for white hair,

this morning blue-black strands of silk,

now turned to snow with evening.

For satisfaction in this life

taste pleasure to the limit,

And never let a goblet of gold

face the bright moon empty ….

 

Một bài nhạc phủ nữa rất được phương tây ngợi ca là bài “Thục Đạo Nan” trong đó Lý Bạch dùng ngôn từ khuếch đại và giọng văn khẩn trương để dựng lên một cảnh trí cực kỳ sinh động khiến người đọc phải choáng váng, theo nhận định của Hargett. Quả thực, trong cảnh trí ấy – với những con đường cheo leo nguy hiểm chỉ có chim mới bay qua nổi, đất lở, núi xụp, thác chảy, ban mai phải lánh cọp dữ, buổi chiều phải tránh rắn dài – người đọc không thể không đồng ý với thi bá họ Lý rằng:

 

Y hu hy, nguy hồ, cao tai,

Thục đạo chi nan, nan ư thướng thanh thiên !

 

Nay xét lại cho kỹ, Lý Bạch chẳng ngoa chút nào, vì con đường từ Trường An (Changan) kinh đô văn vật đời Đường, nay gọi Tây An (Xian) thuộc tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), sang đất Thục nay là tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan), phải vượt dẫy núi Tần Lĩnh (Qinling) hiểm trở. Ngày nay muốn vào thủ phủ của Tứ  Xuyên là Thành Đô (Chengdu), du khách phải vượt đoạn đường chông gai dài hơn 400 dặm với trên 300 đường hầm xuyên núi và gần 1000 cây cầu cheo leo !  Cô ký giả Shirley Sun trong cuốn Journey into China (do National Geographic Society xuất bản năm 1982)   đã dịch dùm du khách tây phương hai câu thơ lẫy lừng nêu trên của Lý Bạch như thế này:

 

Eheu! How dangerous, how high!

It would be easier to climb to Heaven

Than walk the Sichuan Road!

 

Kể từ khi dịch giả Arthur Waley cho ra đời cuốn sách One Hundred and Seventy Chinese Poems vào năm 1918 tại Luân Đôn, phương tây bắt đầu chú ý đến những đại danh như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Mạnh Hạo Nhiên, Bạch Cư Dị. Những bài thơ dịch xuất sắc của Waley đã ảnh hưởng đến một số thi nhân Âu-Mỹ, nhất là hai tên tuổi lớn William Butler Yeats và Ezra Pound. Gần đây hơn, năm 1987, dịch giả Greg Whincup người Gia Nã Đại đã cho ra mắt cuốn The Heart of Chinese Poetry (nhà xuất bản Anchor Books), trong đó có 10 bài thơ Lý Bạch. Trong lời nói đầu của cuốn sách chứa đựng 57 bài thơ dịch, Whincup thiết tha tâm sự: “Thi ca được coi là nữ hoàng của nghệ thuật cổ truyền Trung Hoa, và những thi nhân tài hoa nhất mọi thời đại đều vang rền tên tuổi. Vì chúng ta là thành phần của cùng một nhân loại, văn hóa Trung Hoa cũng là văn hóa chúng ta. Trái tim thi ca Trung Hoa cũng đập trong lòng chúng ta nữa ….”

 

Người phương tây muốn học chữ Hán qua thi ca chắc chắn sẽ hài lòng với cuốn sách của Whincup. Ngoài các bài dịch sang Anh ngữ rất chỉnh, cuốn sách còn cho các bài thơ ấy hiện lên bằng chữ Hán phồn thể, cộng với lối phát âm quan thoại (theo ký hiệu phiên âm của Đại học Yale), và nhất là những lời chú giải khá hấp dẫn của dịch giả. Mười bài thơ họ Lý được Whincup cho vào tuyển tập là các bài “Sơn Trung Vấn Đáp”, “Tống Hữu Nhân”, “Tặng Mạnh Hạo Nhiên”, “Tống Mạnh Hạo Nhiên Chi Quảng Lăng”, “Hoành Giang Từ”, “Tự Khiển”, “Tảo Phát Bạch Đế Thành”, “Xuân Tứ”, “Ngọc Giai Oán”, và “Thính Thục Tăng Tuấn Đàn Cầm.”

Theo Whincup, Lý Bạch là người tài hoa trác tuyệt nhất trong các thi nhân Trung Quốc, có thể ví như một thần linh, một động lực của thiên nhiên không chấp nhận một bó buộc nào của nhân sinh mà chỉ thích làm thơ, uống rượu, vui với trăng sao và bè bạn. Whincup đã khéo lựa những bài tuyệt tác của Lý Bạch để minh chứng cho nhận định của mình về thi ca vị thần thơ ấy. Dưới con mắt Whincup, bài ngũ ngôn bát cú “Tống Hữu Nhân” thực kiệt xuất về cả hình thức lẫn nội dung:

 

Thanh sơn hoành bắc quách,

Bạch thủy nhiễu đông thành.

Thử địa nhất vi biệt,

Cô bồng vạn lý chinh.

Phù vân du tử ý,

Lạc nhật cố nhân tình.

Huy thủ tự tư khứ,

Tiêu tiêu ban mã minh.

 

Chạy dài cõi Bắc non xanh

Thành Đông nước chảy quanh thành trắng phau.

Nước non này chỗ đưa nhau

Một xa muôn dặm biết đâu cánh bồng.

Chia phôi khác cả mối lòng

Người như mây nổi, kẻ trông bóng tà,

Vẫy tay thôi đã rời xa

Nhớ nhau tiếng ngựa nghe mà buồn teo!

(Dịch giả Tản Đà)

 

Green mountains

Lie across the northern outskirts

Of the city.

White water

Winds around the eastern

City wall.

Once we make our parting

Here in this place,

Like a solitary tumbleweed

You will go

Ten thousand miles.

Floating clouds

Are the thoughts of the wanderer.

Setting sun

Is the mood of his old friend.

With a wave of the hand

Now you go from here.

Your horse gives a whinny

As it departs.

 

Yếu tố cân đối song hành (parallelism), vốn hiếm thấy trong thi ca tây phương, làm cho bài thơ rực sáng, chẳng hạn mỗi chữ trong câu 1 có một chữ đối ứng hoàn mỹ trong câu 2:

 

Thanh (Green) // Bạch (White)

Sơn (Mountains) // Thủy (Water)

Hoành (Lie across) // Nhiễu (Winds around)

Bắc (Northern) // Đông (Eastern)

Quách (Outskirts) // Thành (City wall)

 

Những hình ảnh chất ngất cảm xúc đối ứng nhau trong câu 5 và 6 (Phù vân // Lạc nhật) chính là trái tim của bài thơ, và hai câu chót dẫn người đọc chơi vơi đến phút chia tay.

 

Giáo sư Stephen Owen trong cuốn sách An Anthology of Chinese Literature: Beginning to 1911 (do chính ông hiệu đính và dịch thuật, Norton xuất bản năm 1996) đã nhận định Lý Bạch như “một nghệ sĩ với những cử chỉ và khoa trương lớn hơn cả đời sống” (“a performer whose gestures and claims were larger than life”). Những nền văn minh lớn thường được xây dựng trên sự tiết chế của người dân, và do đó, như thể để  được đền bù, họ dễ bị thu hút bởi những bậc tài danh đứng ngoài vòng kiềm tỏa của quy ước xã hội. Theo Owen, cái cử chỉ “đứng ngoài vòng”  rất ngông ấy của họ Lý, phản ánh trong thơ như một chân dung tự họa, đã khiến thơ Lý Bạch càng thêm hấp dẫn. Điển hình là bài “Nguyệt Hạ Độc Chước” (“Drinking Alone by Moonlight”) mà Owen chuyển ngữ dưới đây:

 

Hoa gian nhất hồ tửu,

Độc chước vô tương thân.

Cử bôi yêu minh nguyệt,

Đối ảnh thành tam nhân.

Nguyệt ký bất giải ẩm,

Ảnh đồ tùy ngã thân.

Tạm bạn nguyệt tương ảnh,

Hành lạc tu cập xuân.

Ngã ca nguyệt bồi hồi,

Ngã vũ ảnh linh loạn.

Tinh thời đồng giao hoan,

Túy hậu các phân tán.

Vĩnh kết vô tình du,

Tương kỳ mạc Vân Hán.

 

Trong hoa rượu ngọt một bầu,

Một mình chuốc chén có đâu bạn bè.

Mời trăng cất chén kè nhè,

Thân ta, bóng ấy, trăng kia, ba người.

Trăng thì tiếp rượu không nguôi,

Bóng ta theo mãi không rời thân ta.

Bạn cùng trăng bóng vẩn vơ,

Vui chơi khuây khỏa để chờ ngày xuân.

Ta ca trăng cũng băn khoăn,

Khi ta nhảy múa, bóng lăn lộn hoài.

Cùng nhau khi tỉnh vui cười,

Say rồi nghiêng ngửa, mọi nơi rạc rời.

Vô tình giao kết chơi bời,

Hẹn nhau ở chỗ xa khơi cõi trời.

(Dịch giả Trần Trọng Kim)

 

Here among flowers one flask of wine,

with no close friends, I pour it alone.

I lift cup to bright moon, beg its company,

then facing my shadow, we became three.

The moon has never known how to drink;

my shadow does nothing but follow me.

But with moon and shadow as companions the while,

this joy I find must catch spring while it’s here.

I sing, and the moon just lingers on;

I dance, and my shadow flails wildly.

When still sober we share friendship and pleasure,

then, utterly drunk, each goes his own way –

Let us join to roam beyond human cares

and plan to meet far in the river of stars.

 

Và rồi sau cùng, cả đến cái chết ôm trăng của Lý Trích Tiên, tuy huyễn hoặc, nhưng cũng nên thơ làm sao trong tâm tư người phương tây!  Quả vậy, theo lời giáo sư James Hargett, một Lý Bạch lịch sử và một Lý Bạch huyền sử sẽ muôn đời là một, và điều này chỉ làm gia tăng mức hấp dẫn cho vị thi thánh ấy mà thôi.

 

ĐÀM TRUNG PHÁP

Đàm Trung Phán

Những bài viết .....

VIETNAMESE HISTORY AND CULTURE RESEARCH INSTITUTE

Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hoá Việt Nam - Giấy Phép Hoạt Động C4286523 và EIN84-3284370

Mây Bắc Mỹ

Just for leisure!

Miomie

Drawing - Reading - Writing

Cuộc Sống

Niềm Tin Và Hy Vọng

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Việt Nam

Việt Nam

Kiếm tiền online

Kiếm tiền tại nhà hàng ngày . các cách kiếm tiền free online

Shop Mỹ Phẩm - Nước Hoa

Số 7, Lê Văn Thịnh,Bình Trưng Đông,Quận 2,HCM,Việt Nam.

Công phu Trà Đạo

Trà Đạo là một nghệ thuật đòi hỏi ít nhiều công phu

tranlucsaigon

Trăm năm trong cõi người ta...

Nhạc Nhẽo

Âm thanh.... trong ... Tịch mịch !!!

~~~~ Thơ Thẩn ~~~~

.....Chỗ Vơ Vẩn

Nguyễn Đàm Duy Trung's Blog

Trang Thơ Nguyễn Đàm Duy Trung