Đàm Trung Phán

Những bài viết …..

Category Archives: KIM VÂN KIỀU

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2017 & NĂM MỚI 2018 – GÌN VÀNG GIỮ NGỌC CHO TIẾNG VIỆT TRUYỀN THỐNG TẠI HẢI NGOẠI

 

 

 

Thân chúc Quý Vị và thân quyến một Giáng Sinh đầm ấm và một Năm Mới an vui, khỏe mạnh .

 

Xin mời đọc:

 

GÌN VÀNG GIỮ NGỌC

 

 

DIỄN-VĂN CHỦ-ĐỀ CỦA GIÁO-SƯ ĐÀM TRUNG PHÁP  TRONG LỄ KHAI-GIẢNG  KHÓA HUẤN-LUYỆN VÀ TU-NGHIỆP SƯ-PHẠM CÁC TRUNG-TÂM VIỆT-NGỮ NAM CALIFORNIA NGÀY 28-7-2017 TẠI LITTLE SAIGON.

 

Đau lòng phải giã biệt miền Nam khi cộng quân miền Bắc xâm chiếm cuối tháng 4 năm 1975, chúng ta mang theo được gì? Của cải, danh vọng, bà con thân thuộc, bạn bè thì không, nhưng chúng ta mang theo được văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam truyền thống ra hải ngoại với chúng ta. Sau hơn 40 năm tỵ nạn tại hải ngoại, chúng ta vẫn duy trì được văn hóa và ngôn ngữ đáng trân quý ấy. Các truyền thống văn hóa Việt thể hiện qua các lễ lạc như Tết Nguyên Đán, Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, Giỗ Hai Bà Trưng, Tết Trung Thu; các tập tục như quan, hôn, tang, tế, tinh thần tôn sư trọng đạo vẫn được thiết tha duy trì trong các cộng đồng Việt hải ngoại. Và tiếng Việt truyền thống – nơi  lưu giữ cái linh hồn, cái tinh hoa, cái bản sắc, cái tình tự dân tộc thắm thiết của chúng ta – vẫn còn nguyên vẹn.

 

 

Tiếng Việt chúng ta mang theo là thứ tiếng Việt đẹp đẽ, thanh lịch, trong sáng. Đó là thứ tiếng Việt của Truyện Kiều mà học giả Phạm Quỳnh hãnh diện gọi là tiếng ta. Đó cũng là thứ tiếng Việt của Tự Lực Văn Đoàn, của Vũ Hoàng Chương, của Đinh Hùng, của các hệ thống giáo dục, văn học, báo chí, chính trị, kinh tế thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975.

Điều rất đáng lo ngại là ngày nay, trong khi tiếng Việt truyền thống được chúng ta gìn vàng giữ ngọc với niềm tự hào ở hải ngoại, thì ở quê nhà nó đang bị thái hóa trầm trọng để phù hợp với lối sống vô liêm xỉ, thiếu đạo đức, mất hết tự ái dân tộc, gây ra bởi một chế độ phi nhân tàn bạo lấy súng đạn mà áp bức người dân bất hạnh.

Những đồng nghiệp tại trường Đại-Học Sư-Phạm Saigon của tôi bị kẹt lại sau 30-4-1975 kể lại chuyện đau lòng đầu tiên của họ khi “bên thắng cuộc” cho một “cán bộ giáo dục” và đoàn tùy tùng đến “tiếp quản” ngôi trường khả kính đã đào tạo nhiều ngàn giáo sư trung học đầy đủ khả năng và tư cách để phục vụ nền giáo dục nhân bản và khai phóng của Việt Nam Cộng Hòa. Lối xưng hô thô lỗ và cách đối xử kiêu căng hằn học của họ làm các cựu nhân viên giảng huấn (từ giảng viên cho đến giáo sư thực thụ) choáng váng. Tất cả bị gọi bằng “anh” hay “chị” và tất cả bị gọi là “giáo viên”. Vị giáo sư khoa trưởng bị đẩy ra khỏi văn phòng làm việc; câu châm ngôn Lương Sư Hưng Quốc sơn bằng chữ lớn trên bức tường gần cổng trường bị một lớp sơn mới quệt lên trên xóa hết tung tích.

Sau hơn 40 năm thái hóa, tiếng Việt bên quê nhà đã có thêm rất nhiều từ vựng mà chúng ta thấy thật “chướng tai” khi nghe nói và “gai mắt” khi thấy trong sách vở báo chí – với ý nghĩa chẳng trong sáng chút nào như được tuyên truyền. Từ vựng truyền thống đứng đắn chân phương bị thay thế bằng một thứ từ vựng ngô nghê, thô tục, cọc cằn, như  nhà hộ sinh trở thành “xưởng đẻ”; nữ quân nhân trở  thành “lính gái”; lạp xưởng trở thành “con sâu mỡ”.

Một số người thiện chí trong cộng đồng tỵ nạn chúng ta (như hai ông Đào Văn Bình và Trần Văn Giang) đã thu thập được khá nhiều từ vựng quái dị này và cảnh báo đồng hương hải ngoại.   Tác giả Đào Văn Bình đã cho lên Internet cuốn Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời rất hữu ích cho giáo giới chúng ta muốn bảo vệ tiếng Việt truyền thống tinh tuyền tại hải ngoại. Đó là những từ vựng, từ ngữ đã nhiễm độc mà chúng ta phải tránh, không thể truyền bá trong cộng đồng hải ngoại, nhất là trong các lớp dạy tiếng Việt truyền thống từ mẫu giáo cho đến trung học và đại học. Đây là vài từ vựng và câu nói “đổi đời” tiêu biểu tôi tìm thấy trong TĐTVĐĐ : “động vật hoang dã” (dã thú), “lao động nữ” (nữ công nhân), “động não” (suy nghĩ), “vô tư” (thản nhiên), “anh muốn khẩn trương quản lý đời em” (anh muốn cưới em ngay), và “lối chụp hình tự sướng” (cách chụp hình selfie).

Mức nhiễm độc của tiếng Việt đổi đời ngày càng đáng sợ – nó đã tràn sang cả đại tác phẩm Truyện Kiều của dân tộc Việt. Một báo động đỏ thực sự! Truyện Kiều mà học giả Phạm Quỳnh –trong ngày giỗ cụ Nguyễn Du linh đình năm 1924 tại Hà Nội – đã tôn vinh với câu nói trước anh linh tiền nhân rằng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn” đang bị phỉ báng và bức hại tại quê nhà. Khai pháo bởi ông kỹ sư cơ khí Đỗ Minh Xuân khi ông ta phổ biến cuốn sách có một tựa đề ngạo nghễ  “Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng” trong một cuộc hội thảo về Truyện Kiều tổ chức cuối năm 2012 tại khu di tích Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Trong “công trình” ấy, ông đã “sửa” khoảng 1.000 chỗ trong tổng số 3.524 câu thơ Truyện Kiều.

https://kimvankieu.wordpress.com/

     Tại sao ông kỹ sư cơ khí lại làm chuyện động trời như vậy? Đây là lý do tại sao ông quyết định sửa đại tác phẩm của thi hào Nguyễn Du: “Truyện Kiều không còn thịnh như trước, do rào cản điển tích, chữ Hán, từ cổ, từ địa phương – chữ nghĩa Truyện Kiều rườm rà, trùng lặp, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh.” Một công việc quái đản xưa nay chưa thấy như vậy mà lại được “anh hùng lao động” Vũ Khiêu – một học giả từng làm viện trưởng Viện xã hội học – khuyến khích và tán dương, với lời nói quả quyết  rằng sách này “là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều”.

 

Còn nhớ xưa kia, vua Tự Đức rất giỏi văn thơ mà chỉ dám nhuận sắc vài chỗ không đáng kể trong Truyện Kiều rồi cho in nó thành “bản kinh” phổ biến trong dân gian.  Chúng ta cùng xem vài thí dụ về nỗ lực sửa Truyện Kiều  kỳ dị, lệch lạc, ngớ ngẩn, đoán mò, làm tối ý nghĩa của ông Đỗ Minh Xuân [dựa vào bài viết sắc bén có tựa đề “Cười té ghế hay đau thắt lòng với chữ sửa Truyện Kiều” (khuyết danh tác giả) đăng tải trên Đời Sống Pháp Luật Online ngày 28-4-2014]:

  • Lạ gì bỉ sắc tư phong = “Mỗi người thứ có thứ không” [lời văn cục súc, quê mùa].
  • Thời trân thức thức sẵn bày = “Quả ngon thức thức xách tay” [một hành động thanh nhã, cao sang, dịu dàng trở thành một hành vi thô lỗ – như thể cô Kiều hái trái cây nhà mình, bỏ vào giỏ, rồi xách tay sang đưa cho Kim Trọng ăn].
  • Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch tương = “Chưa xong điều nghĩ đã chào vừng dương” [chứng tỏ sự dốt nát, đoán mò, không hiểu mạch tương nghĩa là nước mắtđã dào mạch tương nghĩa là nước mắt đã dào dạt ra].

Theo cái kiểu “sửa chữa” Truyện Kiều như hiện nay ở quê nhà thì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ không còn Truyện Kiều, dẫn đến chuyện không còn tiếng ta nữa, rồi bước kế tiếp là không còn nước ta nữa! Thi hào Nguyễn  Du và  học giả Phạm Quỳnh nơi cửu tuyền làm sao tránh khỏi  nỗi đoạn trường khi biết đến điều đau đớn này?

Bằng mọi giá, chúng ta phải biết rõ ranh giới giữa tiếng Việt truyền thống và tiếng Việt “đổi đời” tới mức thoái hóa bên quê nhà. Thứ tiếng Việt tồi tệ ấy không thể có chỗ đứng trong các lớp dạy tiếng Việt truyền thống tại hải ngoại ở mọi trình độ.

TRUYỆN KIỀU DỊCH SANG TIẾNG ANH BỞI “TIẾN SĨ GOOGLE”

Thưa Quý Vị:

Gần đây, Google đã có dịch vụ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Nhiều người đã “ngây thơ” dùng dịch vụ này. Đây không phải là “dịch là làm phản” mà còn tệ hại hơn thế nữa.

Xin tạm trình làng dịch vụ “dịch” của Google dưới đây để Quý Vị “xem chơi cho biết sự tình” :

Tiếng Việt:

Tác giả: Nguyễn Du

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Cảo thơm lần giở trước đèn,
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.
Rằng: Năm Gia-tĩnh triều Minh,
Bốn phương phẳng lặng hai kinh chữ vàng.
Có nhà viên ngoại họ Vương,
Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung.
Một trai con thứ rốt lòng,
Vương Quan là chữ nối dòng nho gia.
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.
Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành

……

 

Bản dịch của Google như sau:

By Nguyen Du

 

One hundred years in the realms,

Fateful words are hateful.

After a tumultuous,

Sightings that painful heart.

Strange thing,

The blue sky is used to cheek jealousy.

Fragrant lamp in front of the lamp,

Feng shui and green tradition.

That: Year Gia-dynasty Ming,

Four directions of flat two golden words.

There is a house outside the family Wang,

Housekeeping is usually usually average.

A son of the last child,

Wang Quan is the line connecting the line.

In the beginning,

Thuy Kieu is sister Thuy Van.

Mai core snow spirit,

Each one looks ten ten intact.

Van looks solemnly different,

Mold plump moon bouncing his strokes.

Flower laughing jade,

Cloudy lose hair color snow ceded skin color.

Kieu as sharp as salt,

Compared with the color is more.

Autumn water spring painting,

United jealous loser poor petal blue willow hon.

One twisted tilted water,

 

Than ôi!!!

ĐTP

KIM-VÂN-KIỀU GIẢO-ĐÍNH VÀ TƯỜNG-GIẢI – HỒ ĐIỆP NGÂM THƠ KIỀU

kieu gay dan cho kt

Mời Quý Vị vào link dưới đây đẻ vừa đọc/ tải xuống Truyên Kiều,  vừa nghe nghệ sĩ Hồ Điệp ngâm thơ Kiều (trước năm 1975) trong blog:

https://kimvankieu.wordpress.com/

Hồ Điệp diễn ngâm Kiều :

Tải về : download-button (Right Click at “Download” then click at “Save link as” )

 

Enjoy!

 

ĐT Phán

TRUYỆN KIỀU VÀ THÂN PHỤ CHÚNG TÔI

SONY DSC

Thưa Quý Vị:

Tối hôm qua, trong lúc cúng Giao Thừa Tị – Rồng, căn phòng đầy hương khói. Tôi nhìn ra ngoài đường, thấy những ngọn đèn vàng trong lúc tuyết rơi lất phất làm tôi nhớ lại hồi 3 anh em trai út chúng tôi đang sống với Cha già trong cảnh “gà trống nuôi con” tại Saigon. Nhớ nhất là cảnh bốn cha con chúng tôi đang sửa soạn đón giao thừa trong cái buồn man mác của cuộc đời.

Nhớ những đêm khuya, sau khi ba anh em chúng tôi đã đi ngủ rồi mà cụ vẫn còn đọc sách và ngâm nga vài câu Kiều. Tôi không nhớ hết được cả cuốn Kim-Vân-Kiều nhưng có nhiều câu đã đi vào tâm thức của tôi. Chẳng hạn như:

…”Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương cũ so tơ phím này
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về …”

Không ngờ rằng trong vòng vài năm nay, hai câu cuối này đã trở thành:

…” Trông qua hương, nến, mây bay
Thấy hiu hiu gió thì hay Bố về …”

Và hai câu :

…” Thiện căn ở tại long ta
Chữ Tâm kia mới bằng bà chữ Tài …”

đã nằm trong ký ức của tôi từ hồi mới vào Trung học. Thực ra hồi đó, tôi chưa thực sự hiểu rõ ý nghĩa của hai câu thơ đó cho lắm. Thế rồi, sau tuổi 55, tôi thường hay tự hỏi: “Thế nào là thông minh, thế nào là hiểu đời nhỉ? “ Tôi đã mạo muội viết bài “Chữ Tâm Kia Mới Bằng Ba Chữ Tài” như là để trả lời cho câu hỏi này. Cũng vì cái đề tựa này mà một số độc giả đã cho rằng tôi viết về truyện Kiều.

Xin Quý Vị vào đọc bài hai anh em chúng tôi giới thiệu về cụ Đàm Duy Tạo , thân sinh của anh chị em chúng tôi. Cụ đã tra khảo rất nhiều trước khi hiệu đính và lược giải Truyện Kiều.

Giới Thiệu Tác Giả KIM VÂN KIỀU GIẢO-ĐÍNH TƯỜNG-GIẢI Và Mời Đọc Tác Phẩm Này

Thưa quý độc giả,

Khi hai anh em chúng tôi, Đàm Trung Pháp và Đàm Trung Phán, viết những trang này chúng tôi đã quá nửa lứa tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận.” Ngoài ý nghĩa “tới lớp tuổi sáu mươi thì lẽ trời nghe đã thuận tai,” thời điểm này cũng là lúc chúng tôi đã bớt làm việc và có thì giờ suy ngẫm về cuộc đời và nhớ lại những ngày thơ ấu bên cạnh thân phụ chúng tôi.

Thân phụ chúng tôi, húy danh Đàm Duy Tạo, sinh năm Bính Thân (1896) tại làng Hương Mặc, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cụ có thi hương khoa Nhâm Tý (1912), nhưng ngay sau khi các kỳ thi chữ nho bị bãi bỏ, cụ theo học chữ Pháp một thời gian và trở thành một giáo viên tiểu học vào khoảng năm 1920. Tuy dạy học bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp, cụ suốt đời tự trau giồi chữ Hán và chữ Nôm và sống trong phong cách của một nhà nho. Cụ góa vợ hai lần và hai lần cụ sống trong cảnh “gà trống nuôi con” mà chẳng bao giờ than thân trách phận. Cụ bà thứ nhất họ Ngô, quê ở làng Cói Lộc Hà, sinh ra người anh cả chúng tôi năm 1921, rồi vài năm sau đó qua đời lúc mới 26 tuổi. Cụ bà thứ hai họ Nguyễn, quê ở làng Lim, là thân mẫu của bốn anh em trai và người chị gái lớn của chúng tôi. Thân mẫu chúng tôi mất năm 1955 tại Saigon khi mới 50 tuổi. Lúc ấy thân phụ chúng tôi đã 60 tuổi và nhất quyết ở vậy một mình nuôi dưỡng hai anh em chúng tôi và chú em út hãy còn thơ dại. Ngày quốc hận 30-4-1975, ở tuổi 80, cụ di tản qua Mỹ cùng chú em út chúng tôi là Đàm Trung Thang lúc ấy sắp hoàn tất năm chót chương trình bác sĩ y khoa tại Đại Học Saigon. Cụ mất vào mùa hè năm Mậu Thìn (1988) tại Montréal, Gia Nã Đại, thọ 93 tuổi.

Từ 1920 đến suốt thế chiến thứ hai, cụ dạy học ở Giai Lạc, Phúc Yên. Theo truyền thống “đại gia đình” đẹp đẽ thuở trước, cụ mang theo một số con cháu để cụ đích thân dạy dỗ và trông nom. Người về sau thành đạt nhất trong số môn sinh đặc biệt ấy là cố Đại Tá Cảnh Sát Quốc Gia Đàm Trung Mộc (1917-1982), người cháu ruột giỏi giang và hiếu thảo mà cụ hết mực thương yêu. (Anh Mộc chúng tôi tốt nghiệp Trường Luật Hà Nội, từng làm thẩm phán ở Bắc Giang, và giữ chức vụ Viện Trưởng Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia tại Saigon). Sau năm 1945, cụ phải ngưng dạy học để trở về Bắc Ninh trông nom ruộng vườn với thân mẫu chúng tôi. Rồi vì thời cuộc, phải tản cư nay đây mai đó, hai anh em chúng tôi không được đi học như những học trò cùng lứa tuổi ở nơi khác. May thay có bố là nhà giáo lúc nào cũng kề bên, chúng tôi được cụ dạy dỗ kỹ càng đến nơi đến chốn. Trước hết là phần “viết tập”: cụ viết bằng bút chì làm mẫu để hai anh em Pháp và Phán dùng bút mực “đồ” lên phần bút chì của cụ. Cụ nghiêm lắm, đứa nào mà “đồ” sai là cụ cho “ăn thước kẻ” vào tay ngay!

Trong khoảng 1950-1952, hai anh em chúng tôi được cụ mang theo lên tỉnh lỵ Phúc Yên theo học, khi cụ được chính phủ quốc gia tái tuyển. Trong thời gian này, chúng tôi được cụ dạy rất kỹ về môn “tính đố” để bù lại cho những thiếu hụt về học hành trong thời kỳ tản cư. Nhờ thế mà chúng tôi không gặp trở ngại gì trong những năm học kế tiếp. Có những buổi chiều tà nhớ mẹ, chúng tôi trèo lên thang gác của những căn nhà bị bỏ hoang vì chiến tranh, ngó nhìn vào những chuyến xe “ca” từ Hà Nội lên Phúc Yên với hy vọng mong manh có mẹ ngồi trong đó. Nhưng tất cả chỉ là hy vọng hão huyền mà thôi!

Rồi cụ được thuyên chuyển về Hà Nội tiếp tục dạy học. Như thường lệ, cụ dạy trường nào chúng tôi theo học trường đó. Vì các thầy dạy chúng tôi đều là đồng sự của cụ, chúng tôi không có chọn lựa nào khác là phải học hành hết sức mình! May thay, cả hai đứa đều là “học trò cưng” của các thầy. Trong những năm này, cụ bỏ nhiều thì giờ dạy chúng tôi tiếng Pháp. Cụ bắt chúng tôi chia động từ, làm phân tích câu (analyse logique) và phân tích văn phạm (analyse grammaticale), và viết chính tả (dictée). Thời gian ngắn ngủi 1952-1954 với toàn thể gia đình đoàn tụ tại Hà Nội trong một căn nhà trên đường Kim Liên bên cạnh Hồ Bảy Mẫu là thời kỳ hạnh phúc nhất cho gia đình chúng tôi.

Cuộc di cư 1954 xảy ra vào lúc gia đình chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn. Thân mẫu chúng tôi đang đau yếu, em trai út mới học lớp năm, và thân phụ chúng tôi sắp tới tuổi phải về hưu! Rồi thân mẫu chúng tôi đột ngột qua đời vào đúng đêm trung thu năm 1955, lúc ba anh em út chúng tôi mới 14, 13, và 7 tuổi. Chị Đàm Thị Đán phải đi làm xa nhà để có thêm tiền cho gia đình. Anh Đàm Trung Thao thì đã “tự lực tự cường” khi thi được học bổng để theo học ngành nông lâm súc tại Blao. Giúp bố trong cảnh “gà trống nuôi con,” Pháp và Phán phải đi chợ và nấu cơm cho gia đình gồm một cha già và ba con trai nhỏ, trú ngụ trong căn nhà khiêm tốn trong một hẻm đường Võ Di Nguy rồi đường Yên Đổ, Saigon. Nếp sống vất vả và cô đơn thời niên thiếu ấy đã khiến hai anh em ruột thân thương Pháp và Phán cũng trở thành tri âm tri kỷ từ đó đến nay.

Thân phụ chúng tôi là một thành trì kiên cố che chở, nuôi nấng, uốn nắn, và dạy dỗ ba con trai nhỏ của cụ. Lúc này cụ đã về hưu, nhưng vẫn dạy một số giờ Hán văn mỗi tuần tại trường Nữ Trung Học Gia Long và có khế ước dịch sách chữ Hán sang tiếng Việt cho Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Chiều tối, cụ ngồi đọc sách với Thang tại một bàn, trong khi Pháp và Phán lặng lẽ ngồi học bài hoặc làm bài tại một bàn bên cạnh. Cụ thường bắt chúng tôi đọc to những đoạn văn, những bài thơ bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Với chủ trương “đã học điều gì thì phải hiểu cho đến nơi đến chốn,” cụ giải thích tận tường những chỗ nào anh em chúng tôi hãy còn “lơ tơ mơ” khi cụ hỏi đến. Nào là điển tích, nào là thi pháp, nào là tại sao đoạn văn này hay, đoạn văn kia không chỉnh. Cụ thức khuya lắm, và chắc để giải khuây, cụ thường ngâm nga nho nhỏ những câu buồn não nuột trong Truyện Kiều như:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.

Rồi vài năm sau đó, cảnh nhà lại càng hiu quạnh, khi lần lượt Pháp đi Mỹ du học năm 1959 và Phán đi Úc du học năm 1961. Lúc đó ở nhà chỉ còn cụ và Thang mới 12 tuổi và vừa vào trung học. Qua những thư từ cụ viết đều đặn cho chúng tôi ở Mỹ và Úc, chúng tôi biết là sự thành công học vấn của anh em chúng tôi đã mang lại niềm vui lớn cho cụ, mặc dù cụ rất thương nhớ chúng tôi.

Và cụ thực mãn nguyện khi thấy hai anh em chúng tôi đã chọn nghề dạy học làm kế sinh nhai. Pháp về Việt Nam cùng vợ năm 1965 và dạy Anh văn tại Đại Học Saigon, và Phán cùng vợ rời Úc sang Canada lập nghiệp năm 1969 và dạy môn công chánh tại Centennial College ở Ontario. Cụ hài lòng vì hai anh em chúng tôi đã tiếp nối truyền thống dạy học của họ Đàm từ nhiều thế hệ, trong đó nhiều người được trọng vọng từ thời nhà Lê tới thời nhà Nguyễn.

Trong thời gian về hưu, ngoài ba cuốn KIẾN VĂN TIỂU LỤC Tập Nhì (của Lê Quý Đôn), KIẾN VĂN TIỂU LỤC (của Lê Quý Đôn), và KIẾN VĂN LỤC (của Võ Nguyên Hanh) mà cụ dịch sang tiếng Việt và được Bộ Quốc Gia Giáo Dục lần lượt xuất bản năm 1964, 1965 và 1969, cụ còn dịch và hiệu khảo các cuốn NAM THIÊN TRUNG NGHĨA BẢO LỤC (của Phạm Phi Kiến), LÊ TRIỀU TIẾT NGHĨA LỤC (của một tác giả khuyết danh), và BẮC HÀNH TÙNG KÝ (của Lê Quýnh). Cụ cũng hoàn tất hai cuốn sách rất ưng ý của cụ là HOA VĂN TRÍCH DỊCH TẬP (gồm thơ và văn từ Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đào Tiềm, Lương Khải Siêu, vân vân) và VIỆT HÁN CỰU VĂN TRÍCH DỊCH (gồm những thi phú chữ Hán của các bậc khoa bảng Việt Nam, đa số xuất thân từ tỉnh Bắc Ninh). Trong hai cuốn sau cùng này cụ đã dịch thơ chữ Hán sang thơ tiếng Việt qua một vài thể thơ khác nhau. Tiếc thay, các tác phẩm này chưa kịp xuất bản thì xảy ra quốc nạn 1975.

Phán đã bảo lãnh cụ sang Canada năm 1976, sau khi cụ rời Saigon cùng với Thang vào cuối tháng 4 năm 1975. Lúc này cụ đã 80 tuổi, mắt đã mờ phải dùng kính “lúp” để đọc sách báo, và rất dễ bị xúc động mỗi lần nghĩ đến các con cháu còn kẹt lại bên quê nhà khốn khổ. Để cho cụ vui, Phán nói chuyện với cụ về Truyện Kiều, và mừng thay cụ nhập cuộc hăng say! Cụ ngâm nga vài câu Kiều và tận tường giải thích các điển tích trong đó. Như một phép lạ, sau ngần ấy năm, Phán còn giữ được cuốn Truyện Thúy Kiều (do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo) mà chính cụ đã gửi sang cho Phán khi đang du học ở Úc! Phán biếu lại cụ cuốn sách ấy như một món quà vô giá, vì ở thời điểm đó làm sao kiếm ra được sách báo Việt Nam?

Trong những đêm dài lạnh lẽo tại Canada, cụ mải mê đọc đi đọc lại từng câu thơ Kiều. Rồi, để giải sầu nơi đất khách, cụ bỏ ra hơn sáu năm trời để hoàn tất một công trình văn học sâu sắc cuối đời, quá mức tưởng tượng của anh em chúng tôi. Đó là cuốn TRUYỆN KIM-VÂN-KIỀU GIẢO-ĐÍNH TƯỜNG-GIẢI, với Hương Ngạn Đào Tử Đàm Duy Tạo là đính giải giả. Cuốn sách 570 trang này đã được cụ thuê người đánh máy từng trang, và cụ viết tay từng chữ Hán và chữ Nôm vào trong các chỗ cần thiết. Như cụ viết trong phần mở đầu của cuốn sách, “Các bản Truyện Kiều ở nước Việt Nam ta bây giờ có nhiều chữ lệch lạc khác nhau, và nhiều chữ ý nghĩa mập mờ, khiến các nhà chú giải không nhất trí.” Mục đích việc giảo-đính tường-giải của cụ là so sánh các chữ, các câu khác nhau trong các bản Truyện Kiều qua những giải thích và dẫn giải rõ ràng và dễ hiểu trên căn bản chữ Hán, chữ Nôm cũng như các điển tích, phong dao, tục ngữ, để cải chính lại những sai lầm trong một số bản Truyện Kiều đã được lưu hành.

Chúng tôi đã tiếp xúc vài nhà xuất bản, nhưng họ đều đề nghị chúng tôi đánh máy lại cho “đẹp mắt” hơn. Đây là một ý kiến rất hay, nhưng cũng “bất khả thi” vì phần chua chữ Hán và chữ Nôm thì không thể kiếm ra người có khả năng. Vì vậy, để tránh nạn “tam sao thất bản,” chúng tôi mạo muội đưa bản chính của cuốn sách lên mạng lưới toàn cầu như một món quà văn học của một nhà giáo nghiêm túc nay đã khuất núi.

Công ơn trời biển của cụ đã nuôi nấng, che chở, uốn nắn, và dạy dỗ chúng tôi thành người hữu dụng để đi theo vết chân dạy học của cụ là một di sản tinh thần vô giá cụ đã để lại cho hai anh em chúng tôi.
Xin trân trọng chia xẻ cùng quý độc giả tâm sự của chúng tôi để quý vị biết thêm về thân phụ chúng tôi: Cụ Ðàm Duy Tạo.
Một lần nữa, xin kính mời quý vị vào đọc Truyện Kim-Vân-Kiều Giảo-Ðính Tường-Giải trong blog dưới đây:

KIM VÂN KIỀU GIẢO-ĐÍNH và TƯỜNG-GIẢI

Kính thư,
Đàm Trung Pháp, Giáo Sư Thực Thụ (Ngữ Học), Texas Woman’s University
Đàm Trung Phán, Giáo Sư Hồi Hưu (Công Chánh), Centennial College, Canada
Mùa Thu 2009

Đàm Trung Phán

Những bài viết .....

VIETNAMESE HISTORY AND CULTURE RESEARCH INSTITUTE

Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hoá Việt Nam - Giấy Phép Hoạt Động C4286523 và EIN84-3284370

Mây Bắc Mỹ

Just for leisure!

Miomie

Drawing - Reading - Writing

Cuộc Sống

Niềm Tin Và Hy Vọng

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Việt Nam

Việt Nam

Kiếm tiền online

Kiếm tiền tại nhà hàng ngày . các cách kiếm tiền free online

Shop Mỹ Phẩm - Nước Hoa

Số 7, Lê Văn Thịnh,Bình Trưng Đông,Quận 2,HCM,Việt Nam.

Công phu Trà Đạo

Trà Đạo là một nghệ thuật đòi hỏi ít nhiều công phu

tranlucsaigon

Trăm năm trong cõi người ta...

Nhạc Nhẽo

Âm thanh.... trong ... Tịch mịch !!!

~~~~ Thơ Thẩn ~~~~

.....Chỗ Vơ Vẩn

Nguyễn Đàm Duy Trung's Blog

Trang Thơ Nguyễn Đàm Duy Trung