Đàm Trung Phán

Những bài viết …..

Category Archives: GIÁO DỤC- EDUCATION

KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI

Hương Ngạn Đào Tử ĐÀM DUY TẠO

trước tác năm 1986

(Thứ nam) Đàm Trung Pháp

hiệu đính và phổ biến năm 2020

 

TIỂU SỬ CỤ HƯƠNG NGẠN  ĐÀO TỬ ĐÀM DUY TẠO

Cụ Đàm Duy Tạo sinh năm Bính Thân (1896) tại làng Hương Mặc, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cụ mất năm Mậu Thìn (1988) tại thành phố Montréal, Gia Nã Đại, hưởng thọ 92 tuổi.

Cụ có thi hương khoa Nhâm Tý (1912), nhưng ngay sau khi các kỳ thi chữ nho bị bãi bỏ, cụ theo học chữ Pháp một thời gian và trở thành một nhà giáo tiểu học vào khoảng năm 1920. Tuy dạy học bằng chữ quốc ngữ và chữ Pháp, cụ vẫn suốt đời tự trau giồi chữ Hán và chữ Nôm và sống trong phong cách của một nhà nho.

Từ 1920 đến suốt thế chiến thứ hai, cụ dạy học ở Phúc Yên. Sau năm 1945, vì tình hình chính trị bất an, cụ xin tạm ngưng dạy học để trở về Bắc Ninh trông nom ruộng vườn, cho đến tận năm 1950 khi cụ được chính phủ quốc gia tái tuyển để tiếp tục dạy học tại Phúc Yên (1950-1952) rồi Hà Nội (1952-1954). Cùng gia đình di cư vào Sài Gòn sau hiệp định Genève, cụ tiếp tục dạy học đến năm 1957 thì về hưu. Sau đó cụ được khế ước dạy Hán văn tại Trung Học Gia Long và dịch sách chữ Hán sang tiếng Việt cho Trung Tâm Học Liệu thuộc Bộ Giáo Dục. Trong thời gian về hưu, ngoài ba cuốn sách Kiến Văn Tiểu Lục (Lê Quý Đôn), Kiến Văn Tiểu Lục [Tập Nhì] (Lê Quý Đôn), và Kiến Văn Lục (Võ Nguyên Hanh) mà cụ dịch sang tiếng Việt và được Bộ Giáo Dục lần lượt xuất bản năm 1964, 1965 và 1969, cụ còn dịch và hiệu khảo các cuốn Nam Thiên Trung Nghĩa Bảo Lục  (Phạm Phi Kiến), Lê TriềuTiết Nghĩa Lục (khuyết danh tác giả), và Bắc Hành Tùng Ký(Lê Quýnh). Cụ cũng hoàn tất hai cuốn sách rất ưng ý của cụ là Hoa Văn Trích Dịch Tập(gồm thơ và văn từ Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Đào Tiềm, Lương Khải Siêu, vân vân)và Việt Hán Cựu Văn Trích Dịch (gồm những thi phú chữ Hán của các bậc khoa bảng Việt Nam, đa số xuất thân từ tỉnh Bắc Ninh). Trong hai cuốn sau cùng này cụ đã dịch thơ chữ Hán sang thơ tiếng Việt qua một vài thể thơ khác nhau. Tiếc thay, các tác phẩm này chưa kịp xuất bản thì xảy ra quốc nạn 1975. Đó cũng là năm cụ di cư sang Gia Nã Đại để tỵ nạn cộng sản.

Trong những ngày đầu buồn tẻ tại Toronto và Montréal cụ mải mê đọc lại từng câu thơ trong cuốn Truyện Thúy Kiều (do hai cụ Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo). Cuốn sách ấy chính cụ đã gửi làm quà cho một thứ nam Đàm Trung Phán của cụ lúc đó đang du học Úc Đai Lợi, nay được “tặng lại” cho cụ! Để giải sầu, cụ bỏ ra nhiều thì giờ để hoàn tất vào năm 1986 (lúc cụ 90 tuổi) một công trình văn học sâu sắc cuối đời, quá mức tưởng tượng của các con cháu cụ. Đó là cuốn di cảo 579 trang tựa đề KIM VÂN KIỀU ĐÍNH GIẢI của Hương Ngạn Đào Tử Đàm Duy Tạo. Lý do sự ra đời của di cảo này được cụ thổ lộ trong phần mở đầu cuốn sách: “Các bản Truyện Kiều ở nước Việt Nam ta bây giờ có nhiều chữ lệch lạc khác nhau, và nhiều chữ ý nghĩa mập mờ, khiến các nhà chú giải không nhất trí.” Phương pháp đính giải của cụ là so sánh các chữ, các câu khác nhau trong các bản Truyện Kiều qua những giải thích và dẫn giải rõ ràng và dễ hiểu trên căn bản chữ Hán, chữ Nôm cũng như các điển tích, phong dao, tục ngữ, để cải chính lại những sai lầm trong một số bản Truyện Kiều đã được lưu hành từ trước đến nay – hoàn toàn nhờ vào trí nhớ phi thường của một nhà nho đã trên 80 tuổi.

ĐÀM TRUNG PHÁP

 

MẤY LỜI PHI LỘ TRƯỚC KHI ĐÍNH CHÍNH   VÀ CHÚ GIẢI TRUYỆN KIỀU

Truyện Kim Vân Kiều hay Đoạn Trường Tân Thanh là một tác phẩm văn chương rất quý, không những là của riêng nước Việt Nam ta, mà còn là của chung cả thế giới nữa. Người ngoại quốc đã cho Truyện Kiều là một quyển truyện hay vào bực nhất nhì trong kho văn chương hoàn cầu. Một nhà văn sĩ nước Pháp, ông René Crayssac, đã thán phục Truyện Kiều là hay tột bực về đủ phương diện: lời văn êm đẹp, ý tứ thâm thúy, tả tâm tình người nào đúng người ấy, tả việc nào, cảnh nào đều thật khéo thật rõ để người đọc như được mục kích, và ông đã chịu khó mất công ba năm trời chuyển ngữ quyển truyện quý nước Việt Nam này ra thể thơ Pháp văn thành một tập thơ dày vài trăm tờ. Ông nói ông cố dịch ra Pháp văn cho người nước Pháp được thưởng thức cái hay cái đẹp vô giá của văn chương Việt Nam. Hiện nay Truyện Kiều càng ngày càng được người ngoại quốc hoan nghinh, hết thảy các nước văn minh tân tiến đều đua nhau sưu tầm khảo cứu Truyện Kiều để dịch ra tiếng nước mình.

Giá trị quyển Truyện Kiều cao quý như vậy, nhưng tiếc thay các bản Truyện Kiều lưu hành ở nước Việt Nam ta bây giờ có nhiều chữ lệch lạc khác nhau, và nhiều chữ ý nghĩa mập mờ, khiến các nhà chú giải không nhất trí. Đó là một điều có thể làm giảm mất một đôi phần giá trị cao quý Truyện Kiều. Xét ra Truyện Kiều có những chỗ ý nghĩa mập mờ đó là vì các nhà chú giải không chịu suy nghĩ trước sau xa gần cho ra nghĩa thật xác đáng, chỉ giảng giải gượng ghịu cho xong lần. Còn về phần chữ hay câu ở các bản lệch lạc khác nhau vì các lẽ sau này:

(1) Vì mất các bản chính và các bản mới ấn hành lần đầu cũng không còn. Rồi đến cả các phường bản, thợ nhà in theo các bản in lần đầu mà khắc lại tuy có đôi chữ hoặc khắc sai nét, hoặc in nhòe nhoẹt, nhưng ta còn dấu vết để suy xét được chữ chính đáng, thì nay cũng lại đều hết cả. Hiện giờ chỉ còn những bản Kiều nôm do các nhà văn sĩ đã cậy mình tài giỏi, tự theo ý mình mà đổi bừa bãi những chữ in sai in nhòe nói trên. Nhưng các ông đã nhận lầm đổi bậy các chữ đó ra những chữ vu vơ vô nghĩa, rồi ông thì giải gượng cho xong lần, ông thì lại đổi luôn cả một vài chữ khác cho ăn nghĩa với những chữ đó. Thế là các ông đó đã phạm một lỗi lầm lớn là làm hỏng mất một câu nguyên văn rất hay thành một câu rất dở. Thí dụ như câu 247 tả Kim Trọng tương tư Kiều thâu đêm mất ngủ: “Sầu giong [𩢦] càng khắc [刻] càng chầy [迡]” nghĩa là: chàng không biết hãm mối sầu lại, nén nó xuống cho khuây đi để ngủ, lại cứ giong con ngựa sầu đó cho nó chạy đuổi theo bóng Kiều mãi, thành ra mất ngủ, thấy đêm càng dài thêm mãi. Câu này lấy ý ở câu thơ của Ngô Tử Kinh [愁 逐 漏 声長 = sầu trục lậu thanh trường = sầu đuổi tiếng đồng hồ dài dài]. Câu nguyên văn ý nghĩa thật hay đẹp như thế mà chỉ vì các ông không biết câu thơ cổ đó, lại không hiểu nghĩa chữ “giong [𩢦]” là gì, nên các ông xuất bản truyện Kiều, ông thì đổi câu này thành: “Sầu đông [冬] càng khắc càng chầy”. Ông thì đổi thành “Sầu đông [冬] càng khắc càng đầy.” Có ông lại đổi thành “Sầu đong [𣁲] càng lắc càng đầy”. Ôi câu nguyên văn lời thanh ý đẹp như thế, mà các ông đổi ra những câu ý nông cạn, lời thô quê như thế, thật là đáng tiếc!

(2) Vì các văn sĩ ta xưa không bao giờ chú thích tác phẩm của mình. Ta có thể nói được là tác giả thu nhặt những lời hay ý đẹp trong nhiều sách Nho như Kinh Thi, Kinh Lễ, Thơ Đường, Thơ Tống, Tình Sử, Liêu Trai, truyện thần tiên, kinh nhà Phật, vân vân, cả đến phương ngôn, tục ngữ, ca dao của ta nữa, để khéo chấp nối mà viết thành quyển Đoạn Trường Tân Thanh, đúng như lời tác giả nói khiêm: “Lời quê chắp-nhặt dông dài” ở câu kết truyện. Bởi nguồn tích Truyện Kiều mông mênh man mác trong giới văn Tàu, văn ta như vậy, nên phải có những bực văn nhân học lực đã sâu rộng, lại phải lăn lộn tiếp xúc nhiều với dân quê ta, mới có thể chú giải đầy đủ được Truyện Kiều, đại khái như các cụ Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh. Nhưng tiếc thay các bực thâm nho này lại cho việc chú giải Truyện Kiều là một việc không cần, chớ các cụ có biết đâu rằng Truyện Kiều sẽ là cái hồn thiêng quý của nền văn chương Việt Nam khiến người Âu Mỹ bây giờ phải kính nể văn hóa nước ta.

Giảng giải những điển cố lấy ở cổ thư thì các vị thâm nho tuy đã học nhiều lại sẵn sách kê cứu, nhưng vẫn chưa đủ, vì còn có thêm những điển cố lấy ở phong dao tục ngữ ta mà chỉ có những vị thâm nho nào đã từng sống nhiều ở thôn quê mới biết. Nên nhiều câu tác giả lấy điển ở ca dao, tục ngữ ta, mà ít nhà chú thích Truyện Kiều nào nói đến. Thí dụ như câu 1025 Kiều bảo Tú Bà “Sợ khi ong bướm đãi đằng” sau khi nàng nghe mụ dỗ dành nàng rằng sẽ tìm nơi xứng đáng mà gả chồng cho nàng. Câu Kiều nói này nghĩa là: “Tôi sợ bà nói đấy rồi lại quên lời ngay, chỉ nói đãi bôi lừa nhau một lúc cho xong lần thôi.” Chữ ong bướm đây lấy điển ở câu ca dao “Nói lời thì giữ lấy lời / đừng như con bướm đậu rồi lại bay.” Chữ “đãi đằng” thì lấy điển ở câu: “Yêu nhau bảo thật nhau cùng / đậu ngâm ra giá đãi đùng nhau chi.” (“Đãi đùng” dùng thay cho “đãi đằng” cho hợp vần). Nghe nàng nói thế, thì mụ trả lời và thề ngay: “Phải điều lòng lại dối lòng mà chơi / mai sau ở chẳng như lời / trên đầu có bóng mặt giời rạng soi” thì biết lời nàng nói và lời mụ đáp lại đều ý thật rõ thật hay, thật khẩn thiết với nhau. Trong cuốn Truyện Thúy Kiều của hai ông Kim và Kỷ xuất bản, họ giải nghĩa chữ “đãi đằng” là “lôi thôi” là lầm, vì câu “Sợ khi ong bướm nó lôi thôi” không khẩn thiết gì với câu mụ nói và thể ở dưới.

Lại như câu 1363 “Đường xa chớ ngại Ngô Lào,” tác giả lấy điển ở câu phong dao “Chơi cho nước Tấn sang Hồ / nước Tề sang Sở / nước Ngô sang Lào,” mà không thấy nhà chú thích Truyện Kiều nào nhắc đến.

Và như câu 2940 “Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha” lấy điển ở câu ca dao “Một liều, hai ba bốn cũng liều / năm sáu sông cũng lội / bảy, tám, chín, mười đèo cũng pha.” Chữ “pha” đây nghĩa là xông vào nơi bụi rậm gai góc, nhưng ở nhiều bản Kiều nhà xuất bản đổi lầm ra chữ “qua”, thành kém ý nghĩa mạo hiểm. Chữ “đèo” đổi ra “ngàn” để hợp vần.

(3) Vì sao đi chép lại mãi, chữ nọ lầm ra chữ kia, người sau đọc đến những câu có chữ lầm đó, thấy lời văn không chạy, ý nghĩa tối tăm, mà suy xét không ra các chữ sai lầm đó, bèn lại đổi chữ khác cho liền nghĩa vu vơ với chữ lầm trước, thế là làm mất cả lời hay ý đẹp của cả câu nguyên văn trước. Ta hãy lấy hai câu: “Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh / rụng rời đọt [稡] đọt liễu [柳], tan tành cội [檜] mai [梅]” làm thí dụ. Chữ đọt liễu là cái trồi liễu mẫm mạp non tươi mới trỗi lên từ gốc cây, tượng trưng Thúy Kiều, Thúy Vân; cội mai là cái gốc già cứng cây mai tượng trưng Vương Bà. Ý hai câu này nói: “Lũ sai nha nó thét lác làm hai cô gái trẻ và Vương Bà sợ hãi tan hồn bạt vía”. Câu tả cảnh này lời thật hay đẹp, ý thật đúng rõ như vậy. Thế mà chỉ vỉ chữ “đọt [稡] liễu” thợ in khắc lầm ra “giọt [湥] liễu”, để cho mọi người tưởng lầm “giọt liễu là những tua giải áo thắt lưng rũ xuống của đàn bà con gái, rồi mới đổi chữ “cội mai [檜 梅]” ra làm “gối mai [檜 梅]” để đối với “giọt liễu” cho chỉnh, lấy nghĩa chữ “gối mai là do chữ mai trẩm dịch ra”, nói sự vui vẻ đoàn tụ ở trong nhà. Đổi thế đã là vô nghĩa, nhưng chưa vô nghĩa bằng có bản đã đổi “gối mai” ra “gói may [𦁼]” lại đổi luôn cả “giọt liễu” ra “khung dệt” nữa, để đối với “gói may” cho chỉnh hơn! Ôi, câu “Rụng rời đọt liễu, tan tành cội mai” nguyên văn thật ý hay lời đẹp tuyệt diệu như thế, mà chỉ vì một chữ “đọt [稡]” làm ra “giọt [湥], bị thay đổi dần mãi thành ra “Rã rời khung dệt, tan tành gói may” – sao mà lời văn thô, ý nghĩa dở được đến như thế?

Lại như câu Kim Trọng nói: “Bấy lâu đáy bể mò kim / là theo vàng đá, phải tìm trăng hoa?” nghĩa là: Ta sở dĩ cố đi dò thăm tìm nàng bấy lâu, là vì ta theo lời thề nặng với nàng, chớ đâu phải là vì ta mến sắc đẹp của nàng. Chữ “theo [蹺]” in lầm ra “nhiều [饒]” thật là vô nghĩa, vậy mà không ai để ý đến, cho nên hết thảy các bản Kiều Nôm, Kiều quốc ngữ đều in là “nhiều”!

(4) Vì nhiều chỗ trong bản Kiều nôm cũ khắc vụng in nhòe, người sau nhận không rõ, mới đoán bừa ra thành những câu vô nghĩa rồi giải gượng cho xuôi, cho xong lần, để những câu đoán lầm đó lưu truyền mãi mãi ở trong Truyện Kiều. Cũng có nhà xuất bản, biết là sai, có sửa lại, in lại, nhưng vì không biết điển cố, cũng lại sửa bừa – vô nghĩa vẫn hoàn vô nghĩa! Thí dụ như câu 1507 Kiều khuyên Thúc Sinh phải vể nói rõ việc mình làm lẽ cho Hoạn Thư biết, chớ không giấu mãi được đâu: “Dễ mà bọc giẻ giấu kim / làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng?” Câu 6 chữ này lấy điển ở câu ca dao vợ cả đe chồng chớ thầm vụng với gái: “Này này tớ bảo cho hay / giấu kim bọc rẻ có ngày thò ra!” Điển này dùng vào lời Kiều khuyên đây thật hay, thật xác đáng. Thế mà vì chữ nôm câu sáu chữ này [𥚯  𦓡  襆 綵 闘 金]  rậm nét khó khắc, nên các bản Kiều nôm cổ đều in nhòe nhoẹt rất khó nhận; người xuất bản suy nhận không ra, mới đoán lầm mà khắc lại câu này thành [易 𤍶 𧞣 𧺀 𦟹 金] Dễ lòe yếm thắm trôn kim”, và cho là điển ở câu tục ngữ “Dễ lòe được yếm thắm, chớ không lòe được trôn kim”, và giảng câu tục ngữ này là: Cái người ta không để ý đến, thì dẫu một người mặc cái yếm đỏ thắm đi qua người ta cũng không thấy, nhưng cái người ta đã để ý đến, thì dẫu nhỏ như cái lỗ ở trôn kim người ta cũng nhìn rõ ràng. Có lẽ các ông xuất bản này đã khéo bịa ra câu tục ngữ này để làm bằng cứ giải nghĩa cái câu Kiều mập mờ vô nghĩa đó. Rồi lại có ông xuất bản thấy câu “Dễ lòe yếm thắm trôn kim” vô nghĩa đó, lại đổi ra thành một câu nghĩa đã vô lý hơn, lời lại quá thô bỉ: [𥚯 𦓡 押 耽 掄 金] Dễ mà ép sẫm luồn kim!

(5) Vì chữ nôm không có quy tắc nhât định để cho hình chữ nhất trí và tiếng đọc nhất trí. Đã 1 tiếng có thể viết thành ra 2, 3 lối, ví dụ tiếng “lời” có thể viết là [唎] hay là [𠳒]; lại một chữ có thể đọc được là 2, 3 tiếng, tùy theo nghĩa dùng từng chỗ, thí dụ chữ [𠃅] có hai tiếng đọc là “mé” hay là “mái”. Câu “Hàn gia ở [𠃅] mé tây thiên” thì phải đọc là “mé” mới đúng nghĩa, vì mả Đạm Tiên ở mé bên bờ phía tây cánh đồng; và trong câu “[𠃅] Mái tây để lạnh hương nguyền” thì phải là “mái” mới đúng, vì chữ Mái tây dịch chữ Tây sương ra, Tây sương là mái nhà phía tây. Chữ “mái tây để lạnh hương nguyền” thì các bản truyện đều dịch đúng, nhưng chữ “Hàn gia ở mé tây thiên” thì các bản Kiều quốc ngữ đều dịch lầm ra “mái tây thiên” thật là sai nghĩa. Bởi sự không nhất trí của chữ nôm như thế, một chữ có thể đọc ra 2, 3 tiếng, đã gây nhiều sự khó khăn cho người phiên âm nôm ra chữ quốc ngữ. Nếu người phiên âm một cuốn truyện viết bằng chữ nôm ra chữ quốc ngữ mà không đủ khả năng để hiểu thật nghĩa lý câu chuyện, hoặc không chịu khó suy nghĩ cho ra ý nghĩa xác đáng của từng chữ trong câu truyện, thì phiên âm dễ sai lầm lắm. Thí dụ như chữ “nén” trong câu 1390 “Nén lòng e ấp tính bài phân ly”, thì chữ nén nôm viết [𥗨] (gồm[石] thạch là đá tỏ ý nặng ở bên chữ [曩] nẵng hợp với tiếng “nặng” hay tiếng “nén” của tiếng Việt ta). Chữ [𥗨] trong câu Kiều này phải phiên âm là “nén” thì mới đúng ý nghĩa vì Thúc Ông lúc mới thấy Thúc, Kiều tốt đôi, trước còn e ấp dùng dằng không nỡ bắt con phải bỏ Kiều, nhưng sau ông thấy con đã phá sản quá nhiều vì Kiều, nên ông mới đành nén lòng e ấp ấy xuống, mà bắt Thúc sinh phải đuổi Kiều đi. Câu này thật hay, tả rõ được nỗi phân vân trong lòng Thúc Ông, vừa có lòng nhân từ cha mẹ thương con, vừa có óc ông già buôn bán tiếc của. Thế mà hết thảy các bản truyện Kiều quốc ngữ kể cả hai cuốn của ông Trần Trọng Kim và của ông Nguyễn Khắc Hiếu đều phiên âm lầm ra là “Nặng lòng e ấp tính bài phân ly” thành ra vu vơ nghĩa. Ông Hiếu thì chịu là: không hiểu chữ e ấp nghĩa là gì ở đây; ông Kim thì giải nghĩa gượng chữ e ấp là e lệ, sợ hãi và nặng lòng e ấp là nói Thúc Ông sợ nỗi con đã có vợ rồi mà lại chơi bời, lấy gái giang hồ, vậy ông mới tính bài bắt phải bỏ ra (Lời giải số 5 ở trang 126 cuốn Truyện Thúy Kiều in lần thứ 8, nhà in Tân Việt).

Lại còn một nỗi khó khăn hơn nữa cho người phiên dịch Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm ra chữ quốc ngữ. Đó là vì các bản Kiều Nôm cũ thường có nhiều chữ hoặc bị sao chép sai, hoặc bị khắc in sai, cần phải suy nghĩ khảo sát, tốn công mới biết được, mà muốn khảo sát cải chính những chữ sao khắc sai lầm này ra chữ chính xác, thì một là phải thông thạo chữ nôm, hai là phải biết cách viết thảo chữ Hán và chữ nôm, ba là phải nghĩ kỹ lấy ý nghĩa của mấy câu trước sau chữ sai lầm thành vô nghĩa đó. Có đủ ba điều kiện tối cần ấy thì mới có thể đem những chữ sai lầm ấy ra mà phân tích mà suy đoán, tìm lấy mọi lẽ biến chuyển thế nào mà lại có được một chữ vô nghĩa như vậy, rồi lại lấy chữ vô nghĩa này làm hình thức bằng chứng mà đoán ngược lại lấy chữ chính xác nguyên văn. Dưới đây tôi xin kể vài chữ thật hay đã bị người sao chép sai lầm thành ra chữ vô nghĩa, vì hai chữ gần giống nhau:

(1) Chữ “ủm [黯]” lầm ra “điểm [點]” ở câu 367. “Một tường tuyết ủm [黯] sương che” tả cảnh Kim Kiều nhìn ngóng nhau mãi mà chẳng thấy nhau như bị tuyết sương phủ kín. Có bản Kiều in lầm ra là “Một tường tuyết điểm [點] sương che”. Rồi có mấy nhà xuất bản sau thấy chữ “điểm” vô nghĩa, mới đổi bừa ra là “Một tường tuyết chở sương che” hay là “Một tường tuyết đón sương che”. Chữ “đón” cũng gần vô nghĩa như chữ “điểm”, cả chữ “trở” cũng gần vô nghĩa như vậy; người ta chỉ nói “cách trở” hay “ngăn trở” mới có nghĩa, chớ không bao giờ nói riêng lẻ một chữ “trở” bao giờ; và người ta cũng chỉ nói “che chở” chớ không bao giờ nói “trở che” hay “che trở.”

Chữ “điểm[點]” tuy vô nghĩa thật, nhưng còn giữ chút “di tích” nguyên văn cho ta lấy nó làm bằng cứ mà suy đoán ra chữ “ủm [黯]” là nguyên văn, vì [黯] Hán văn là “ảm,” chữ nôm mượn làm “ủm.”

(2) Chữ “lựa [攄]” lầm ra “lừa [驢]” ở câu 3072. “Khuôn thiêng lựa [攄] lọc đã đành có nơi” là lời Thúy Vân khuyên Kiều lại lấy Kim Trọng, ý nói: Trước kia Kiều đã hẹn lấy chàng, rồi gặp gia biến phải bỏ ra đi, nay bỗng lại được gặp nhau, đó thật là ông trời đã lựa chọn kỹ càng hai người lấy nhau thật xứng đáng, nên nay lại cho được kết duyên. Chữ lựa lọc nghĩa là kén lựa rất tinh tế. câu này lời thật hay, ý thật đúng như vậy, thế mà vì lỗi người chép lầm hay người khắc in sai “lựa [攄]” ra “lừa [驢]” rồi lại người phiên âm không biết nghĩa cứ theo chữ lầm mà dịch bừa ra “Khuôn thiêng lừa lọc …” thành vô nghĩa; lại có bản dám đổi hẳn ra là “Khuôn thiêng lừa đảo…” nữa thật đã quá vô nghĩa, lại quá hỗn sược với cả trời nữa!

(3) Chữ “lờ [濾]” chép lầm ra là “làn [瀾]” ở câu: “Lờ [濾] thu thủy, nhợt xuân sơn [曀 春 山] / hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.” Hai câu lục bát này dùng bốn chữ so sánh: lờ, nhợt, ghen, hờn, để tả vẻ đẹp của Kiều: vẻ trong sáng đôi mắt thì làm lờ được màu trong hồ nước lặng mùa thu; vẻ đẹp tươi của đôi lông mày thì làm nhợt được vẻ tươi đẹp mặt cỏ núi mùa xuân; màu thắm hồng đôi má làm cho hoa thua phải ghen, màu xanh rờn lông mày làm cho liễu phải hờn tức. Hai câu lục bát này ý thật hay, vẻ đẹp thanh tú của nàng hơn cả bên cảnh thanh tú của trời đất, lời thật luyện và đăng đối tề chỉnh, liên tiếp với nhau. Hai vế câu sáu chữ này dịch từ câu chữ Hán                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                  [眼 光 秋 氺 眉 淡 春 山 = nhãn quang thu thủy mi đạm xuân sơn = mắt sáng hơn là nước mùa thu, lông mày làm nhợt được màu núi mùa xuân]; câu nguyên văn diễn: lờ thu thủy, nhợt xuân sơn, là rất đúng. Rồi lại thêm một người tái bản sau nữa đổi luôn cả chữ nhợt [曀] ra làm nét [涅] thành ra câu này là “làn thu thủy, nét xuân sơn” nghe êm tai, nên mọi người nghe quen tai, cho là phải, nhưng suy nghĩ cho kỹ thì thật là lệch lạc vô nghĩa, đã không thành câu, lại thiếu ý tả vẻ đẹp, mà lại không lưu loát liền mạch với câu 8 chữ dưới. Còn chứng cớ chữ “lờ” rất đúng là bản Kiều nôm Cụ Nghè Vũ Trinh [武 桢] xuất bản còn để nguyên chữ nhợt [曀] để đối với chữ lờ viết sai ra “làn.”

Đàm Duy Tạo

 

CHƯƠNG 02

MỤC ĐÍCH VÀ CÁCH THỨC  CỦA SỰ ĐÍNH GIẢI

Chính vì 5 lẽ nêu lên trong Chương 01 của cuốn sách này mà Truyện Kiều đã bị người sau hiểu lầm khá nhiều; tôi rất e sợ cho giá trị vô song của viên ngọc văn chương này có thể bị tổn thương nhiều vì những hiểu lầm đó, nhất là đối với tầm mắt tinh tế của các nhà khảo cứu cổ văn ở Âu-Mỹ đang ngưỡng mộ Truyện Kiều và tìm hiểu thêm cái hay, cái đẹp trong đó. Bởi vậy tôi phải đành liều không quản học lực nông cạn, tư tưởng suy quẩn, không sợ tiếng chê cười, mà mạo muội cố công tìm cách xóa bớt những hiểu lầm ấy đi, cho người khảo cứu được bớt mọi điều thắc mắc và việc tìm hiểu được dễ dàng hơn, và cho người thưởng thức truyện Kiều được dễ hiểu thấu hơn ý nghĩa của những câu văn “hàng hàng gấm thêu” này đẹp như thế nào.

Tôi sở dĩ làm tạm được việc này là nhờ còn được một quyển Truyện Thúy Kiều do hai ông Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ xuất bản (trong đó có nêu qua một số chữ và câu di động ở các bản khác) và may tôi còn nhớ được ít điều đã khảo cứu được khi trước, mặc dù ở nơi trơ trụi sách vở này. Công việc đính giải [訂解] như thế nào, nghĩa là việc so sánh các chữ, các câu khác nhau để tìm lấy một chữ hay một câu chính đáng nhất mà cải chính lại chữ hay câu sai lầm như thế nào. Tôi xin kể đại khái như sau đây:

Khi gặp những trường hợp mà mỗi bản in một chữ, hay một câu khác nhau, thì phải suy xét, cân nhắc rõ kỹ mà lựa lấy chữ nào đúng ý đúng nghĩa nhất ở trong câu, hay một câu nào hợp tình hợp ý nhất ở trong đoạn. Sự suy xét này cũng hơi khó vì các bản Kiều đều thường được chữ nọ, sai chữ kia, không chắc cứ nhất định vào một bản nào được. Nhà xuất bản nào mà chẳng khoe rằng bản của mình là theo đúng bản cổ! Thí dụ chữ “ngẫm” hay “ngắm” ở câu 147 “Trông người lai ngẫm đến ta” ở bản ông Kim thì để là “Trông người lại ngắm đến ta.” Tôi cho là “ngẫm” đúng hơn “ngắm” nhiều, vì Kiều thấy tướng Kim Trọng tốt quá – “chẳng sân ngọc bội, cũng phường kim môn”– thì nàng lại nghĩ đến tướng nàng có người thầy tướng đoán xấu quá – “nghìn thu bạc mệnh, một đời tài hoa” – mà nàng lo rằng không biết có kết duyên với chàng được chăng? Chữ “ngẫm” nó khẩn thiết một mạch với chữ “nghĩ” chữ “nhớ” ở hai câu 411 và 413 trên và ý lo âu ở câu 416 dưới: “Một dày một mỏng biết là có nên”. Còn chữ “ngắm” thì đã không ăn nghĩa gì nỗi lo của nàng, lại không hợp với chỗ này, vì nàng có ngắm lại tướng nàng lúc này đâu. Bởi vậy chữ “ngắm” kém phần thâm thúy, không bằng chữ “ngẫm.”

Cả cách lựa chọn các câu, tôi cũng cố ý cân nhắc cẩn thận như vậy để kén lấy câu thật đúng lý đúng chỗ như vậy. Trường hợp một chữ nôm sao chép lầm hay khắc in sai thành ra vô nghĩa, mà người sau suy nhận không ra, bèn đổi ra chữ khác không sát với nghĩa trong câu, hoặc sửa đổi bừa mấy chữ khác, thành câu đó không ăn nghĩa với đoạn đó. Gặp những trường hợp này, tôi phải nhận cho rõ ý nghĩa bao quát của cả đoạn, rồi nhận xét xem những chữ nào đáng chú ý nhất trong các câu dị đồng đó là đem ra phân tích suy nghĩ lấy mọi hình thức biến chuyển từ sự sai nọ đến sự sai kia, mà tìm thấy chữ ý hay nghĩa đúng với cả câu lẫn lộn đó. Thí dụ như chữ “đọt [稡]” trong câu 582 thợ in khắc lầm ra “giọt [湥]”: “Rã rời đọt liễu, tan tành cội mai”; và chữ “lựa [攄]” lầm ra “lừa [驢]” trong câu 3072: “Khuôn thiêng lựa lọc đã đành có nơi”.

Vì chữ nôm có nhiều chữ đọc được thành 2, 3 tiếng Việt, nếu người phiên dịch Truyện Kiều nôm ra quốc ngữ mà không để ý suy nghĩ cẩn thận thì dịch dễ sai lầm. Bởi vậy các bản Truyện Kiều quốc ngữ thường lắm chữ sai. Thí dụ: chữ [脱]có thể đọc là “thoát”, là “thoắt”, là “thoạt”. Trong câu “Thoắt [脱] mua về, thoắt [脱] bán đi” ông Trần Trọng Kim dịch [脱] là “thoắt” thì thật đúng; nhưng trong câu “Thoạt [脱] trông nhờn nhợt màu da” và trong câu “Thoạt [脱] trông nàng đã biết tình” mà ông dịch là: “Thoắt [脱] trông nhờn nhợt màu da” và “Thoắt [脱] trông nàng đã biết tình” thì thật là lầm lẫn.

Có nhiều chữ nôm do tiếng chữ Hán chuyển sang tiếng Việt, tuy đọc hơi khác nhau, thường người ta vẫn lẫn lộn. Thí dụ như chữ [膠] giao là chất dính, ta nói keo sơn gắn bó để chỉ đôi bạn thâm giao, tức là câu chữ Hán nói [膠 漆 之 固 = giao tất chi cố = gắn chữ bền như keo sơn]. Ta nói “keo loan” tức là [鵉 膠 = loan giao = keo nấu bằng xương chim phượng]. Chỉ khác là: khi nói tiếng Hán chữ giao ở dưới: Loan giao, nhưng khi nói tiếng Việt thì chữ keo ở trên: Keo loan. Vậy câu “Keo loan chắp mối tơ thừa cậy em” được cuốn truyện Thúy Kiều dịch “Giao loan chắp mối tơ thừa cậy em” là sai ngữ pháp.

Chữ [惜] tích Hán chuyển ra tiếng Việt là “tiếc” trang 90; chữ này có bản Kiều để là: “Nào người tích lục tham hồng là ai.” Lại có bản đề là: “Nào người tiếc lục tham hồng là ai”. Đành rằng đều không sai cả, nhưng tôi thiết tưởng để chữ “tích lục” hơn là để chữ “tiếc lục” vì hai chữ “tích lục” đều thuần túy là chữ Hán cả, nghe thuận tai hơn.

Lại như chữ “trầm” tức là do chữ “[沈] trầm Hán” chuyển ra, nhưng trong câu 2963 “Nàng đà gieo ngọc chìm châu” mà trong cuốn truyện Thúy Kiều để là “Nàng đà gieo ngọc trầm châu” thì đã sai văn pháp, chữ trầm châu là hai chữ Hán, đi với chữ gieo ngọc là hai chữ Việt đã không luyện, mà nghĩa lại mập mờ để lẫn với hai chữ “[沈 舟]” trầm châu là đánh chìm thuyền xuống mà chết.

Nói tóm lại: Truyện Kiều nghĩa lý rộng sâu, lời văn ngắn gọn đã rất khó hiểu rõ, khó giảng giải, lại các bản nôm cũ thì người sao chép lầm dần, thợ khắc in sai vụng, các bản quốc ngữ thì người dịch không chịu khó suy nghĩ đích đáng, phiên âm bừa bãi để xuất bản và phổ biến. Thế là Truyện Kiều đã giảm mất đôi phần hay đẹp, nhât là đối với các nhà khảo cứu ngoại quốc. Bởi vậy tôi phải ngậm lời biểu lộ, trước khi không quản tài hèn ra công giảo đính và chú giải. Dưới đây tôi xin trình bày những cách thức chú giải để giúp độc giả được dễ hiểu và dễ nhớ Truyện Kiều hơn:

Tổng số 3254 câu thơ trong Truyện Kiều được chia làm 25 chương và chú giải riêng chương nào ngay dưới chương ấy để dễ tra khảo. Mỗi chương có 6 phần sau đây:

1 – Phần chính văn.

2 – Phần đính chính và xác định.

3 – Phần chú giải và dẫn điển.

4 – Phần diễn giải ra văn xuôi.

5 – Phần nêu ra những chữ hay câu có ý móc nối hay có ý thở than hoặc mỉa mai đời.

6 – Đôi khi có thêm phần mấy lời nhận xét phanh phui thâm ý tác giả ký thác tâm tình.

Phần chính văn

Phần chính văn có ghi rõ số từng hai câu lục bát và có đánh dấu những câu có chữ đính chính và những chữ sẽ chú giải ở ngay dưới phần chính văn. Phần chính văn viết rõ ràng cẩn thận vào trong khung kẻ riêng để dễ tìm dễ đọc. Trên mỗi phần chính văn, tôi có đề thêm 3 câu 4 chữ đối, tóm tắt đại khái sự tích trong đoạn để độc giả dễ nhận và dễ tìm dễ nhớ.

Phần đính chính và xác định

Trong phần này tôi sẽ nêu rõ những chữ sai theo hình chữ nôm để làm bằng cứ mà suy xét mọi lẽ biến chuyển sai dần ra chữ vô nghĩa, rồi suy xét ngược lại thấy chữ hình dáng tương tự mà nghĩa hay ý hợp để đính chính lại, chớ không khi nào dám tự ý đột ngột đổi hẳn ra chữ khác, trừ khi gặp những chữ tôi đã đích xác trông thấy trong một vài bản Kiều nôm cũ xưa. Thí dụ như câu 367 “Một tường tuyết ủm [黯] sương che”: Tôi theo chữ điểm [點] suy ra được chữ ủm [黯], chứ tôi không đột ngột sửa đổi bừa bãi ra chữ khác như: “tuyết trở sương che” hay “tuyết đón sương che” như các bản khác. Lại như câu 1181, bản Kiều nôm của ông Vũ Trinh thì in là: “Phỉnh người giẩy xuống giếng thơi”; bản Kiều ông Kim thì in là: “Đem người giẩy xuống giếng thơi”; lại có bản in là: “Lừa người giẩy xuống giếng khơi”. Tôi nghĩ chữ phỉnh [𠶏] nôm (gồm có chữ khẩu [] miệng bên cạnh chữ bỉnh [秉] tán tỉnh) là đúng lắm, vì sát nghĩa với câu dưới: “Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay” và ở trên thì sát nghĩa với câu Sở Khanh phỉnh tán lấy lòng Kiều: “Giá đành dưới nguyệt trong mây / hoa sao hoa khéo đọa đầy mấy hoa”. Nhưng có lẽ vì người phiên âm đầu tiên không hiểu ý nghĩa chữ phỉnh là hay là đúng, mà lại cũng không biết tiếng phỉnh nên mới dịch bừa là “đem”, là “lừa” cho xong lần. Ai cũng thấy chữ “đem” thì thật không sát nghĩa chút nào với câu dưới “Nói rồi…”, mà chữ “lừa” cũng chẳng sát nghĩa chút nào với lời Sở Khanh phỉnh phờ Kiều ở trên. Bởi vậy tôi mới xác định chữ “phỉnh” là đích đáng. Thêm một thí dụ nữa về hiểu lầm là câu 250, chỗ tả Kim Trọng mơ tưởng Kiều. Trong khi bản truyện Thúy Kiều của ông Kim Kỷ viết “Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao” rất vô nghĩa, các bản viết “Bóng hồng liệu nẻo đi về chiêm bao” thì rất đúng và rất hay: Trên thì liền nghĩa với câu “Mây tần khóa kín song the” (ý nói chàng mê tưởng Kiều quá mà chàng nghĩ rằng có lẽ tối nay nàng cũng nhớ tưởng mình quá mà đành ngủ đi để may ra hồn mộng được đi lại với chàng) dưới thì liền ý với câu “Mành tương phân phất gió đàn” ý nói: (chàng tưởng thế nào nàng cũng mơ đến chàng, nên khi chàng thấy gió thổi qua bức mành ống tre kêu như gẩy đàn, chàng cho là hồn nàng đến thật, nên chàng như ngửi thấy mùi thơm của nàng, và nước trà chàng uống ngon hơn, như hồn nàng mời lại chàng uống). Ý câu Truyện Kiều này hay như thế, mà lại viết lầm ra dở như thế thật đáng tiếc!

Phần chú giải và dẫn điển

Chú giải Truyện Kiều là một sự khó khăn vô cùng, vì tác giả thu lượm điển cố rất rộng ở các sách kinh, sử, văn chương nho, lại cả ở những phong dao, tục ngữ và sự tích Việt ta nữa. Tôi thấy có lẽ chưa Truyện Kiều nào đã từng chú giải được đầy đủ và không sai lầm, mặc dù các nhà chú giải là cử nhân, tiến sĩ thâm nho. Còn các nhà sản xuất bản truyện Kiều gần đây thì đều sao chép lại những lời chú giải ở các bản Truyện Kiều cũ mà thêm bớt sửa chữa ít nhiều vậy thôi.Trong lúc tuổi già trí quẫn, lại tay trắng không chút tài liệu nào, ngoài quyển truyện Thúy Kiều, ở nơi đất khách này tôi chỉ có thể một phần gần như chép lại những câu chú giải ở trong cuốn truyện Thúy Kiều mà tôi sữa chữa lại những chỗ sai lầm, một phần tôi  thêm vào hoặc những điều tôi đã khảo cứu được hay nhớ được ở các bản Kiều cũ, hoặc những điển cố ở phong dao tục ngữ ta. Tôi rất chú trọng đến việc giải thích những tiếng cổ của ta và những tiếng ta không hay nói đến nên nhiều người Việt ta không hiểu nghĩa, chẳng hạn như những tiếng: thửa = của ai, thốt = nói, rén chường = rón rén trình thưa, dắng = tiếng ho hắng ra hiệu. Tôi biết tuy tôi đã cố hết sức làm việc này nhưng thật chẳng thấm thía vào đâu vì tài cùng sức kiệt.

Phần diễn giải ra văn xuôi

Tôi thiết tưởng việc diễn lại Truyện Kiều ra lời văn xuôi để giúp độc giả hiểu thêm ý nghĩa từng câu Truyện Kiều là một công cuộc rất cần. Thế mà sao tôi chưa thấy ai để ý đến sự làm việc này? Tôi e rằng nếu giờ đây tôi giấu dốt không ra công khởi xướng phác diễn ra lần đầu thì sau này không ai làm việc này nữa. Vậy tôi mong rằng những bậc cao minh có tâm tới nền văn chương Việt phủ chính dần dần những phần tôi diễn dịch này cho hoàn hảo mãi lên, trước là để giúp người mình dễ thưởng thức Truyện Kiều hơn, sau là để giúp người ngoại quốc khảo cứu Truyện Kiều hiểu thấu rõ ràng hơn. Tôi biết rằng những lời tôi diễn giải từng câu trong Truyện Kiều ra văn xuôi này không được gọn gàng chải chuốt lắm. Đó là vì: phần thì phải vừa diễn vừa như giảng giải nghĩa từng chữ trong câu, phần lại phải thêm những liên từ, giới từ và những chi tiết lặt vặt mà tác giả phải gọt bỏ trong câu văn vần. Bắt buộc phải thêm những chữ đó vào thì mới thật rõ nghĩa, và các câu diễn giải mới lưu thoát liền nhau. Tôi đánh dấu số từng 2 câu ở phần chính văn để độc giả dễ đối chiếu. Thường thì tôi diễn giải 2 câu lục bát liền nhau, nhưng cũng có khi diễn 3 hoặc 4 câu liền nhau.

Những câu hay chữ có ý móc nối hay thở than mỉa mai

Trong Truyện Kiều, những câu hô ứng móc nối đoạn nọ với đoạn kia thường tả hai tình cảm may rủi trái ngược nhau để làm nổi bật lên tình cảnh đoạn sau. Điều này khiến độc giả phải ngạc nhiên thở than cảm động về sự thay đổi bất kì. Như câu tả lòng Kiều trước khi đi hội Đạp thanh thì thật bình tĩnh thản nhiên vô tình: “Êm đềm trướng rủ màn che / tường đông ong bướm đi về mặc ai” có sự hô ứng móc nối với câu “Bóng tà như giục cơm buồn / khách đà lên ngựa người còn nghé theo” tả lòng Kiều ngẩn ngơ vì tình sau khi đi hội Đạp thanh. Lại như câu “Sư càng nể mặt, nàng càng vững chân.” Đọc đến câu này, ta những tưởng Kiều được yên thân ở Chiêu Ẩn Am mãi mãi với Giác Duyên. Nhưng đọc sang đoạn sau ta lại thấy ngay những câu tả tình thế trái ngược ngay lại Giác Duyên thì ta suy ra rằng nàng chẳng được yên thân nữa: “Giác Duyên nghe nói rụng rời … Lánh xa trước liệu tìm đường” và gửi nàng đi sang nhà họ Bạc. Những câu chuyển tiếp đoạn trước xuống đoạn sau, tác giả đặt rất nhiều tài tình, thường chỉ có 2 câu lục bát, mà trên thì kết liễu rất gọn việc đoạn trên, dưới thì mở màn và báo điềm sự sẽ xảy ra ở đoạn dưới, mà thường lại còn tả đúng mùa nào cảnh ấy, thí dụ như 2 câu: “Sen tàn cúc lại nở hoa / sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” tả Thúc Sinh tưởng Kiều chết thật thương nhớ suốt một năm, mới trở về Vô Tích ở với Hoạn Thư. Chỉ 14 chữ mà khiến ta thấy đầy đủ mọi chi tiết, với sự chuyển tiếp như sau: Hai chữ “sen tàn” đã ý nói cuộc tình duyên đằm thắm như hoa sen với Kiều thế là tàn tạ kết liễu, lại ứng với câu “càng lồng màu sen” ở câu tả lúc mới lấy được nàng. Chữ “cúc” tượng trưng cuộc tình duyên nhạt nhẽo nhưng đứng đắn như hoa cúc với Hoạn Thư. Nhóm chữ “lại nở hoa” báo điềm sẽ lại đoàn tụ hòa hợp với Hoạn Thư. Nhóm chữ “sầu dài ngày ngắn” ý nói chàng sầu thương Kiều quá, thoáng cái đã qua một năm. Chữ “sen” chỉ mùa hè, chữ “cúc” chỉ mùa thu, cộng thêm chữ “đông” và chữ “xuân” thì 4 mùa đó chỉ rõ một năm. Có 14 chữ mà tả đầy đủ rõ ràng bấy nhiêu chi tiết bằng lời văn hay đẹp chải chuốt như vậy, nếu không phải là bậc thiên tài siêu việt về văn chương thì đặt sao nổi! Trong truyện Kiều tác giả thường khéo dùng những lời rất sâu sắc như câu “kiếm lời mà ăn,” ở câu “Bảo rằng đi dạo lấy người / đem về rước khách kiếm lời mà ăn,” để mỉa mai những hạng mụ dầu, ma cô ăn ngon cái lời bẩn thỉu đó. Và như những câu: “cũng trong nha dịch lại là từ tâm,” để mỉa mai bọn nha dịch, trừ Chung lão, thì đều tham ác cả. Lại như chữ “Dạy rằng hương lửa ba sinh / dây loan xin nối cầm lành cho ai” để mỉa mai những hạng Hồ Tôn Hiến cậy oai quyền to mà làm những việc xàm bậy, quên cả danh diện. Tưởng là quan lớn “dạy” gì, nào ngờ quan lớn xin làm chồng kế mụ vợ tướng giặc! Trong Truyện Kiều có nhiều chữ nhiều câu tác giả như có ý đặt ra để thở than cho mọi nỗi hư hỏng, mọi cảnh khốn cực cơ đời, đại khái như những câu: (a) “Điếc tai lân tuất phũ tay tồi tàn” than thở cho những kẻ tham ác bất nhân, mất hết lương tâm; (b) “Tờ hoa đã ký, cân vàng mới trao” mỉa mai thói chắc lép trong nghề buôn bán; (c) “Lễ tân đã đặt, tụng kỳ cũng xong” mỉa mai sự tham nhũng trong quan trường; và (d) “Vương sư ròm đã tỏ tường thật hư” mỉa mai những cuộc hành binh giả đạo đức, ngoài thì đường hoàng danh nghĩa vương giả, mà trong chỉ lén lút như trộm cắp rình mò.

Thâm ý tác giả ký thác tâm tình

Thí dụ như hai câu thở than thảm thê đau đớn dưới đây:

1) Trót lòng trinh bạch từ sau xin chừa – Ôi trinh bạch là cái đức tính cao quý nhất của đàn bà con gái xưa nay, thế mà vì tình thế bị võ lực uy hiếp tàn tệ quá mà phải kêu van trót dại mà đã giữ thân trinh bạch, từ nay xin chừa không dám trinh bạch nữa! Ai đọc đến câu nàng Kiều van lạy Tú Bà này mà chẳng thương khóc cho nàng?

2) Thương thay cũng một kiếp người, hại thay mang lấy sắc tài làm chi? – Ôi “sắc tài” là hai cái thứ của trời ban rất quý cho người đời. Thế mà ở trong tình thế bị “mệnh ghét” này, tác giả phải thở than cho Thúy Kiều và chính cho cả bao người “tài phong mệnh sắc” như tác giả nữa là câu hỏi tại sao lại mang mãi “sắc tài” để cho hại thân đời như thế? 

Những chữ thở than cay đắng cho mỗi đời như vậy, chẳng mấy đoạn trong truyện Kiều là không có ít nhiều. Vậy xin nêu ra để chứng tỏ Truyện Kiều đúng là một tập Đoạn Trường Tân Thanh.

 

CHƯƠNG 03

 

CUỘC ĐỜI TÁC GIẢ TRUYỆN KIỀU

 

Tên tuổi quê quán

Tác giả Truyện Kiều họ Nguyễn [阮] tên húy là Du [攸], tên tự là Tố Như [素 如], tên hiệu là Thanh Hiên [清 軒], và biệt hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ [鴻 山 獵 户] (Phường Săn Núi Hồng). Quê ông ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Vì quê ông ở làng Tiên Điền nên mọi người cũng thường gọi ông là Tiên Điền Tiên Sinh để tỏ lòng kính trọng. Quê ngoại ông Du ở làng Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh [1]. Sinh mẫu ông, bà Trần Thị Thấn [陳 氏 殯], là con gái một họ thế phiệt ở làng Ông Mặc, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Họ Trần nổi tiếng là một họ văn học trung nghĩa, trai gái đều rất đẹp, con gái thường được tuyển vào làm cung phi vương phủ. Bà Thấn [2] lấy lẽ ông Tham tụng (ngang hàng Thủ tướng đời nay) Nguyễn Nghiễm. Ông Du sinh năm Ất Dậu (1766) tức là năm thứ 26 niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Hiển Tông nhà Hậu Lê và mất năm Canh Thìn (1820) tức là năm đầu niên hiệu Minh Mệnh triều Nguyễn, thọ 54 tuổi.

Gia thế

Ông Du là dòng dõi một nhà trâm anh, văn chương nổi tiếng xưa nay trong nước. Cụ thủy tổ phát tích đầu tiên khoa bảng lẫy lừng họ Nguyễn Tiên Điền là Trạng nguyên Nguyễn Thuyến [阮 倩] người làng Canh Hoạch [3] xứ Bắc. Ông Thuyến đỗ Trạng nguyên hồi đầu nhà Mạc đồng thời với ông Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông kém ông Khiêm mấy tuổi, nhưng lại đỗ trước ông Khiêm một khoa. Hai ông rất thân nhau và đều có ý ân hận là không may sinh vào thời ngụy Mạc. Khi nhà Lê Trung Hưng ở Thanh Hóa, hai ông tuy đã đều làm quan to với tước Hầu triều Mạc, nhưng đều muốn bỏ triều ngụy Mạc để vào Thanh Hóa phục vụ triều Lê chính thống. Trong một bài thơ ông Khiêm họa lại thơ ông Thuyến, tỏ ý cho ông Thuyến biết: Thế nào nhà Lê cũng lên, nhà Mạc cũng xuống; việc ông định làm là việc rất phải và nên làm ngay kẻo lỡ; tôi cũng muốn làm mà chưa được [4]. Ông Thuyến được lời đồng ý của ông Khiêm, liền đem gia đình vào Trung quy thuận; họ Nguyễn Tiên Điền bắt đầu vào miền Trung từ đó. Ông Thuyến đi rồi, ông Khiêm bị vua Mạc giữ làm Quân sư trong cuộc Tây chinh thành ra không đi được. Ông Thuyến vào Trung, được Lê triều rất trọng dụng, nhưng đến đời cháu không biết vì việc gì mà phải tru di, may được một người trốn thoát lẩn ra bắc với Mạc triều. Khi Mạc bại vong, gia đình họ Nguyễn lại tránh vào Trung và lập nghiệp ở làng Tiên Điền và truyền kế học hành đỗ đạt được sáu, bảy đời. Đời anh em ông Huệ [僡], ông Nghiễm [嚴] là hồi họ Nguyễn Tiên Điền thịnh đạt nhất. Ông Huệ đã đỗ sĩ vọng lại đỗ tiến sĩ khoa Quý Sửu (1733), nhưng vinh quy rồi mất ngay; vua rất thương tiếc và truy phong Quốc thần. Ông Nghiễm năm 21 tuổi đỗ Hoàng giáp khoa Tân Hợi (1731) làm quan đến chức Tham tụng, Thượng thư đại tư đồ, được phong tước Xuân quận công khi về trí sĩ. Nhưng sau đó lại khởi phục làm Đốc tướng trong 10 năm. Ông làm quan trải 3 đời vua Thuần Tông, Ý Tông, Hiển Tông, tại chức gần 50 năm. Con trai cả ông là ông Nguyễn Khản [侃] cũng đỗ tiến sĩ và làm đến Tham tụng, Thượng thư. Con thứ hai là ông Nguyễn Điều [條] thi hội đỗ tam trường, rồi đổi sang nghề võ, làm Trấn thủ ở Hưng hóa, được phong tước Điều nhạc hầu. Con thứ ba là Nguyễn Dao [瑤] đỗ cử nhân, làm Hồng lô tự thừa. Ông Du tác giả Truyện Kiều là con ông Nghiễm và bà trắc thất Trần Thị Thấn. Họ có 4 con trai là Trụ [宙], Nễ [你], Du [攸], Ức [億]. Ông Trụ và ông Nễ đều đỗ cử nhân. Xét trong một họ mà đồng thời có nhiều nhân vật tài cao chức trọng chung vui chung buồn với nước như thế, thật là ít có họ nào sánh kịp vậy.

Niềm riêng tác giả ẩn trong Truyện Kiều

Mấy câu tả tài hoa nhân phẩm Kim Trọng ở trong Truyện Kiều thì thật đúng là tác giả đã tự tả tài phẩm đáng quý của mình.

Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh

Nên phú hậu, bực tài danh

Văn chương nếp đất, thông minh tính trời

Phong tư tài mạo tột vời

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa

Tác giả đã là dòng dõi trâm anh khoa bảng, sẵn văn chương nếp đất, sẵn thông minh tính trời, lại gặp hồi gia đình thịnh đạt – cha, anh, chú, bác đều thanh giá lừng lẫy, văn đã không ai bằng, võ cũng chẳng kém ai. Tác giả thật đã dụng tâm khéo tả đúng với gia thế, và tài hoa cùng tính tình của mình.  Các thi sĩ nổi tiếng xưa nay phải có thiên tài đặc biệt đã vậy, nhưng lại phải được tình cảm éo le, bước đường chật vật nó điêu luyện, nó kích thích thì mới nẩy ra được văn phẩm tuyệt tác. Ở Tàu xưa thì bài “Quy khứ lai từ” của ông Đào Tiềm, “Đằng vương các tự” của ông Vương Bột, bài “Thục đạo nan” của ông Lý Bạch, 8 bài thơ “Thu hứng” của ông Đỗ Phủ, bài “Tỳ bà hành” của ông Bạch Cư Dị, 2 bài “Xích Bích phú” của ông Tô Đông Pha đều là những tuyệt tác.

Ở nước Việt ta thì có những tuyệt tác như bài “Tự tình khúc” của ông Cao Bá Nhạ, các bài hát nói  của ông Nguyễn Công Trứ và ông Cao Bá Quát, lại còn nhiều bài thơ chữ Hán vô giá của các trung nghĩa thế cùng than thở, như bài “Thuật hoài” của ông Đặng Dung. Những bài thơ văn tuyệt phẩm này đều là sản phẩm trong bước gian nan của các thi sĩ. Tác giả Nguyễn Du cũng vậy, có gặp cảnh long đong, nước phá nhà tan nó điêu luyện kích thích thì mới viết được quyển Đoạn Trường Tân Thanh – một cuốn văn thơ tuyệt tác, hiện nay lưu hành khắp thế gian, văn sĩ bốn phương đều phải phục là hay vào bậc nhất trong kho văn chương thế giới. 

Tài tình và mệnh vận

Tác giả lúc nhỏ thông minh dĩnh ngộ, lớn lên văn tài siêu việt khác người, tính tình hào hoa khoáng đạt. Nói đến “cậu Bảy” (vì ông Du con thứ 7 ông Nghiễm) thì ai cũng phải yêu quý, chịu là bậc phong lưu công tử đệ nhất ở kinh đô Thăng Long. Tiếng phong nhã của cậu Bảy này còn truyền tụng đến mấy mươi năm về sau. Trong thời kỳ trẻ trung vui tươi đầy hy vọng tốt đẹp này, được vui hãy cứ vui kẻo uổng tuổi thanh xuân, cậu Bảy đâu đã cần gì vội nghĩ đến cuộc tranh khôi đoạt giáp, vì sẵn tài hoa, sẵn nếp đất cậu coi như nắm vững trong tay rồi, tội gì sớm buộc vào vòng công danh vội. Nhưng tài mệnh ghét nhau. Năm 19 tuổi, ông vừa bước chân vào đường khoa cử tiến thân, đỗ tam trường khoa Quý Mão (1783) thì ngay năm sau Giáp Thìn (1784) bọn kiêu binh tam phủ vào phá nhà ông Tham tụng Nguyển Khản là nhà tác giả. Ông Khản chạy thoát rồi mang cả gia đình họ Nguyễn lên Sơn Tây với ông Trấn thủ Nguyễn Điều. Sau khi hai ông Khản, Điều định họp quân các trấn lại đón chúa ra, để trừ binh kiêu binh tam phủ, nhưng cơ mưu tiết lộ, việc cứu chúa dẹp loạn không xong. Thế là gia đình tác giả đương thịnh hóa tan, bỏ Thăng Long về ẩn quê miền Trung.

Tác giả thật đã dụng tâm ngầm tả việc Kiêu binh phá nhà họ Nguyễn làm tác giả vỡ mộng đẹp công danh của mình – vừa mới bắt đầu năm trước – bằng đoạn trong Truyện Kiều tả lũ sai nha đầu trâu mặt ngựa, nách thước tay dao vào phá nhà họ Vương, làm cho Thúy Kiều tan duyên đẹp với Kim Trọng vừa mới đính kết đêm qua.

Còn thời kỳ tuổi trẻ tươi vui, và cái cuộc vỡ giấc mộng vàng thì tác giả ngụ ý nói bóng ở trong mấy câu tả tiếng đàn Kiều gảy:

Khúc đâu đầm ấm dương hòa

Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh ?

Khúc đâu êm ái xuân tình

Ấy hồn Thục Đế hay hình Đỗ Quyên ?

Qua 4 câu thơ trên, tác giả ví hồi tuổi trẻ của mình thật đầm ấm thảnh thơi như lúc ông Trang Sinh mơ thành bướm bay lượn trên hoa không chút lo âu, và thật êm ái xuân tình như lòng ông Thục Đế trong hồi làm vua lúc thái bình, tha hồ hưởng lạc thú. Còn cuộc vỡ mộng đẹp thì tác giả ví mình như ông Trang Sinh lúc tỉnh dậy ngơ ngẩn thấy mình vẫn là kẻ trăm lo nghìn chán về cuộc đời, chẳng khác gì Thục Đế thác sinh thành Đỗ Quyên thảm sầu nhớ nước, suốt đêm ngày kêu “quốc quốc.”

Khí anh hùng hồi Tây Sơn

Trong hồi nhà Tây Sơn nổi lên, Trịnh bại Lê vong, ông Du đã mấy phen dấy binh lo toan sự khôi phục nhưng đều không thành công, bèn bỏ về quê, ẩn nơi rừng núi, việc đời gác bỏ ngoài tai, lấy săn bắn làm vui, tự hiệu là Hồng Sơn Liệp Hộ. Trong dẫy 99 ngọn núi Hồng Lĩnh, không chỗ nào ông không để chân đến. Trong thời Tây Sơn, cũng có vài cựu thần nhà Lê nổi lên để lo sự khôi phục Lê triều, nhưng khi thất bại đều phải lẩn quất âm thầm ở nơi làng quê sống đời nghèo khổ, như ông nghè Trần Danh Án [陳 名 案] ở Bắc Ninh, trốn tránh mãi ở vùng Từ Sơn, mặt mày gầy xọm. Chỉ có riêng ông Nguyễn Du là đi săn bắn, lẩn quất nhưng vẫn có màu phong lưu công tử.

Lòng trung nghĩa với nhà Lê hồi Nguyễn triều

Hồng Sơn Liệp Hộ đã quyết định gác bỏ công danh, vui cảnh núi rừng để giữ trọn niềm trung nghĩa với nhà Lê. Nhưng khi vua Gia Long nhà Nguyễn diệt được Tây Sơn, thống nhất được sơn hà, và chiêu dụ những trung thần nghĩa sĩ của nhà Lê, ông Du không thể từ chối, nên đành phải ra làm quan với Nguyễn triều cho gia đình được an toàn. Nỗi khổ tâm ông phải ra làm quan với Nguyễn triều, ông đã ngầm tỏ ở trong lời Kiều dở van dở trách Kim Trọng khi tái ngộ :

Chữ trinh còn một chút này,

Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan !

Cái sự ông bất đắc dĩ phải nén lòng trung với nhà Lê xuống mà làm tôi cho nhà Nguyễn này, đã khiến ông mất lòng thành với nhà Nguyễn. Vì thế cho nên đã được trọng dụng mà ông chỉ làm trọn chức phận, không nói năng điều gì ngoài trách nhiệm. Thái độ ấy rõ rệt đến nỗi vua Gia Long đã có lần quở ông “Triều đình dùng tài, cứ ai hiền tài thì dùng, không phân biệt nam hay bắc. Ngươi đã lên đến hàng á khanh thì hễ biết việc gì hay thì phải nói lên chứ, nhưng sao lại cứ rụt rè, e sợ, chỉ vâng vâng dạ dạ cho xong lần như thế ?” 

Cứ theo lẽ nông nổi bên ngoài mà nói, thì lời vua quở ông là đích đáng. Nhưng nếu chiếu theo cái khổ tâm “Từ Thứ quy Tào” của ông mà xét cho sâu sắc đúng tình lý, thì lời quở này thật oan ức, chẳng thấu tình cho ông chút nào. Vì cái thâm tâm “cầm vững chút chữ trung còn lại” với Lê triều cũ, lúc này ông đâu dám tỏ chút nào cho ai biết, nên ông đành ngậm oan vâng lời vua quở mà mang mối uất hận suốt đời. Ông chỉ dám ngầm tỏ cho thiên hạ đời sau biết trong hai câu ông tả tiếng đàn Kiều gảy khi gặp lại Kim Trọng :

Trong sao châu rỏ doành quyên

Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông!

Ta có thể hiểu ý nghĩa hai câu thơ trên như sau:

[Người ngoài vô tình thì nghe tiếng đàn trong trẻo tròn trĩnh như hạt ngọc rơi xuống mặt nước khu bể trong veo dưới ánh trăng sáng đẹp, nhưng có biết đâu dưới đáy bể  bọn nhân ngư vẫn khóc, lệ châu rơi lã chã ] [Người ngoài vô tình thì nghe tiếng đàn có giọng tươi vui như bãi cỏ xuân mặt núi Lam Điền xanh rờn dưới ánh nắng ấm áp, nhưng có biết đâu dưới mặt đất núi có những hạt ngọc non mới đông bị khí nóng nắng ấm làn tan thành khói bốc lên].

Hai câu thơ tả tiếng đàn đó là phương tiện tác giả Truyện Kiều dùng để cho người đời hiểu là chớ thấy ông được Nguyễn triều trọng dụng mà lầm tưởng ông được vinh hiển tươi vui – thực ra, ông chỉ gượng vẻ tươi vui ở bề ngoài, nhưng trong bụng vẫn tủi cực khóc thầm.

Hoạn lộ miễn cưỡng của tác giả Truyện Kiều

Năm 1802 (Gia Long thứ nhất) ông được bổ làm Tri huyện huyện Phù Dực thuộc tỉnh Thái Bình. Ít lâu sau thăng làm Tri phủ phủ Thường Tín thuộc tỉnh Hà Đông rồi ông cáo bệnh xin về hưu. Năm 1806 (Gia Long thứ năm) được triệu về Kinh lãnh chức Đông các học sĩ [東 閣 學 士] (lúc ông 42 tuổi). Năm 1809 (Gia Long thứ tám) được bổ ra làm Cai bạ [該 簿] tỉnh Quảng Bình (lúc ông 45 tuổi). Năm 1813 (Gia Long thứ mười hai) được thăng lên chức Cần chánh điện học sĩ [勤 正 殿 學 士] và sung chức chánh sứ sang cống Trung Hoa (lúc ông 49 tuổi). Đi sứ về, ông được thăng Lễ bộ hữu tham tri [礼 部 右 參 知] và được nghỉ (không biết bao lâu). Năm 1820 (Minh Mệnh thứ nhất) lại có chỉ sai ông đi sứ sang Tàu, nhưng chưa kịp đi thì ông bị bênh mất, thọ 54 tuổi.

CHÚ THÍCH

[1] Làng Hoa Thiều nguyên trước là nửa phía nam làng Ông Mặc (tên nôm là làng Me) thuộc tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cuối đời Hậu Lê mới chia làng Ông Mặc ra làm hai, thành làng Hương Mặc và làng Hoa Thiều. Làng Hương Mặc vẫn gọi là làng Me, làng Hoa Thiều tên nôm gọi là làng Mấc, tức là tiếng Mặc gọi trạnh ra. Bởi nguyên là một phần làng Ông Mặc, tổ tiên họ Trần là tiến sĩ Trần Ngạn Húc [陳 岸 旭] và tiến sĩ Trần Phi Nhỡn [陳 丕 眼] đều là người làng Ông Mặc. Chính tôi (Đàm Duy Tạo, người làng Me) biết họ Trần làng Mấc này rõ lắm. Con trai, con gái họ này hiện nay vẫn còn nhiều người rất đẹp.

[2] Chữ Thấn [殯], tên sinh mẫu ông Nguyễn Du, thật đáng ngờ là chữ Tần [嬪] lầm ra. Chữ Tần nghĩa là một bực vợ lẽ các vị vua chúa, nghĩa rất hay; còn chữ Thấn nghĩa rất dở, là cái áo quan có người chết chưa chôn. Tôi tin con gái nhà sang trọng không ai đặt tên quái gở như thế.

[3] Canh Hoạch xứ Bắc là một làng có rất nhiều người thi đỗ tiến sĩ.

[4] Hồi còn ở quê nhà, tôi có chép được một tập 100 bài thơ chữ Hán của ông Trạng Trình, trong đó có bài họa thơ ông Thuyến này. Tiếc thay tôi quên hết nguyên văn, chỉ nhớ đại ý nói: “Đêm sắp hết, mặt trăng sắp lặn, đàn chim ngủ ở cành cũ đã dậy gọi chào vầng đông. Ông muốn đón cảnh bình minh thì dậy sớm kẻo muộn; thế là tôi lại thua ông một bước dài nữa.”

 

CHƯƠNG 04

                                                                                                            

CÂU 1 ĐẾN CÂU 6

“Mệnh ghét trai tài, trời ghen gái sắc”

1. Trăm năm trong cõi người ta, [1]

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. [2]

3. Trải qua một cuộc bể dâu, [3]

Những điều trông thấy đà đau đớn lòng.

5. Lạ gì bỉ sắc tư phong, [4]

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. [5]

Đính chính và xác định  

Câu 4: Chữ “đà” ở câu này, nhiều bản in là “mà”;chỉ có vài bản in là “đà.” Xét ra chữ “đà” có lẽ đúng hơn, vì nó tiếp nghĩa với chữ “một cuộc” ở câu trên, làm cho lời than đau đớn thêm, thấm thía sâu rộng; mới trải có một cuộc bể dâu, mà những điều trông thấy “đà” làm cho tác giả đau đớn lòng, thì từ xưa đến nay, lại từ nay về sau, còn có bao nhiêu cuộc bể dâu nữa? Nêu để chữ “mà” thì hai câu lục bát này không khẩn thiết với nhau.

Chú giải và dẫn điển

[1] Trăm năm có nhiều nghĩa. Chữ trăm năm ở đây thì nghĩa là quãng thời gian lâu dài của một đời người do câu chữ nho [人 生 百 嵗 為 期 = nhân sinh bách tuế vi kỳ = đời sống của người lấy trăm năm làm kỳ hạn]. Ta chúc các cụ già sống lâu trăm tuổi, tức là chúc các cụ được sống đầy đủ cuộc đời trời định. Tác giả dùng chữ trăm năm để chỉ chính đời tác giả.

[2] Tài mệnh ghét nhau lấy ý từ câu chữ Hán [古 来 才 命 两 相 妨 = cổ lai tài mệnh lưỡng tương phương = xưa nay phần tài hoa và phần số mệnh, hai bên nó vẫn làm hại lẫn nhau ở trong đời người].

[3] Cuộc bể dâu cũng gọi là cuộc tang thương, nghĩa là cuộc biến đổi to lớn ở đời như ruộng dâu (tang điền [桑 田]) biến thành biển rộng (thương hải [滄 海]) hay biển rộng biến thành ruộng dâu. Trong truyện thần tiên, bà tiên Ma Cô [蔴 姑] cónói “Từ khi ta được vào hội tiên đến giờ ta đã thấy ba lần biển Đông hóa ra ruộng dâu rồi. Dạo vừa rồi ta đi dự hội ở đảo Bồng lai ta thấy nước biển trong và nông bằng nửa lần hồi trước, có lẽ lại sắp hóa thành ruộng dâu chăng?” Cuộc bể dâu nói đây là cuộc chính biến cuối Lê sang Nguyễn.

[4] Bỉ sắc tư phong [彼 嗇 斯 豐] = Phần kia thiếu thốn; phần này đầy đủ. Sách chữ Hán có câu [豐 于 才 嗇 于 遇 = phong vu tài sắc vu ngộ = đầy đủ về phần tài hoa thì thiếu kém về phần gặp gỡ may mắn].

[5] Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen lấy ý từ câu chữ Hán [造 物 妬 紅 顔 = tạo vật đố hồng nhan = thợ trời ghen với gái má hồng].

Diễn ra văn xuôi

Câu 1 và 2 = Trong một đời người thường gọi trăm năm, ta được sống ở trên cõi người ta này, ta thấy người có tài thì thường số mệnh xấu, cùng khổ suốt đời. Điều này khiến ta khéo nghĩ vẩn vơ, tin rằng người xưa vẫn nói “chữ tài và chữ mệnh ghét nhau” là rất đúng và lòng ta thường uất hận vì những lẽ bất công đó.

Câu 3 và 4 = Ấy bởi cái lẽ tài mệnh ghét nhau như thế nên mới trải qua một cuộc vận nước biến đổi to lớn như ruộng dâu hóa biển cả này mà những điều ta trông thấy đã khiến lòng ta đớn đau vô cùng.

Câu 5 và 6 = Nhưng thôi, mình tuy kém phần vận mệnh may mắn kia, thì đã được đầy đủ phần tài hoa đáng quý này rồi. Luật bù trừ, trời đất xưa nay vẫn thế.

Nhận xét về đoạn mở đầu này

Xét trong đoạn này, tuy ngắn gọn chỉ có 6 câu nhưng ý tứ thật đầy đủ dồi dào, thật bao la tha thiết, vừa than thở cho chính mình tác giả tài cao mệnh yểu (câu 1 và 2), vừa than thở cho khách anh hùng xưa nay cũng gặp bước không may như mình trong buổi loạn lạc (câu 3 và 4) vừa than thở cho một hồng nhan bị ông xanh ghen ghét đày đọa mà mình sắp kể truyện lại vừa để tự an ủi mình và vừa để làm mối chuyển tiếp vào truyện chính. Đọc 6 câu mở đầu này rồi, càng ngẫm nghĩ ta càng thấy cái thiên tài cao siêu phi thường của Tố Như tiên sinh.

Những chữ hay câu có ý móc nối

Nhóm chữ “những điều trông thấy” đọc qua thì thấy chỉ có ý nghĩa bình dân là [“vận khứ anh hùng ẩm hận đa” = vận trời đã bỏ, khách anh hùng phải nuốt hận nhiều], nhưng đâu phải chỉ nói có thế? Chúng còn nói cả đến điều [“thời lai đồ điếu thành công dị” = gặp thời, kẻ câu cá, kẻ hàng thịt cũng làm nên công danh rất dễ nữa]. Những bọn vô tài hữu mệnh mà tác giả than thở kín đáo đó là ai? Xin độc giả cũng nghĩ mà hiểu ngầm như tác giả nói ngầm.

CÂU 7 ĐẾN CÂU 38

“Trang trọng khác vời, phong lưu rất mực”

7. Cảo thơm lần giở trước đèn, [1]
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh. [2, 3]

9. Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng. [4]
11. Có nhà viên ngoại họ Vương, [5]
Gia tư nghỉ cũng thường thường bực trung. [6, 7]
13. Một trai con thứ rốt lòng, [8]
Vương Quan là tự, nối dòng nho gia. [9]
15. Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
17. Mai cốt cách, tuyết tinh thần, [10]
Mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười.
19. Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang. [11]
21. Hoa cười ngọc thốt đoan trang, [12]
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
23. Kiều càng sắc sảo, mặn mà,
So bề tài, sắc, lại là phần hơn.
25. Lờ thu thủy, nhợt xuân sơn, [13]
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh. [14]
27. Một, hai nghiêng nước nghiêng thành, [15]
Sắc rành đòi một, tài rành họa hai.
29. Thông minh vốn sẵn tư trời,
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.
31. Cung thương làu bậc ngũ âm, [16]
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

33.Khúc nhà tay lựa nên chương, [17]
Một thiên bạc mệnh, lại càng não nhân. [18]
35. Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh sấp xỉ tới tuần cập kê [19]
37. Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai. [20]

Đính chính và xác định

Câu 18: Nhóm chữ “mỗi người mỗi vẻ” ở câu này nhiều bản Kiều quốc ngữ in lầm ra “mỗi người một vẻ”; lại có bản in lầm là “một người một vẻ.” Tất cả đều nghe không êm thuận tự nhiên bằng “mỗi người mỗi vẻ” để đi với “mười phân vẹn mười”, vì 2 chữ mỗi đi với 2 chữ mười nghe lưu loát tự nhiên hơn.

Câu 25: Lờ thu thủy, nhợt xuân sơn” là diễn theo ý nghĩa câu chữ Hán [眼 光 秋 氺 眉 淡 春 山] = nhỡn quang thu thủy mi đạm xuân sơn = mắt trong sáng hơn nước trong lặng mùa thu, lông mày tươi đẹp hơn núi cỏ xanh tươi mùa xuân. Hai câu lục bát này tả vẻ đẹp của Kiều bằng 4 cách so sánh: (1) mắt thì trong sáng làm lờ được nước mùa thu, (2) lông mày thì tươi đẹp làm nhợt được vẻ tươi đẹp núi mùa xuân đầy cỏ non xanh tươi, (3) đôi má hồng thì làm hoa phải ghen vì thua màu đỏ thắm, và (4) đôi lông mày thì làm cho liễu phải hờn vì kém màu xanh đẹp. Nghĩa rõ ràng là thế, mà các bản Kiều quốc ngữ và phần nhiều các bản Kiều nôm đều in lầm ra thành “Làn thu thủy, nét xuân sơn [瀾 秋 氺 涅 春 山]”! 

Câu 28: “Sắc rành đòi một, tài rành họa hai” các bản quốc ngữ đều in là “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai” nghe thật tối nghĩa. Vậy xin xác định là “Sắc rành đòi một tài rành họa hai” cho rõ nghĩa hơn. Trong bản Kiều chữ Nôm, có nhiều chữ [火+亭] rành khắc lầm ra [停] đành như thế.

Chú giải và dẫn điển

[1] Cảo thơm =Cảo là quyển vở do chínhtay người chép. Các cụ nhà nho xưa vẫn gập lá cây trạch lan vào trong sách quý để trừ mọt. Trạch lan cũng gọi là cây mần tưới là loại thảo thân có từng đốt, mỗi đốt có hai lá mọc đối nhau, hình giống lá đào có mùi thơm dịu, ăn được; về mùa đông thì các cụ đeo ở trong túi áo trừ bọ chét, về mùa hè thì nấu tắm trừ ghẻ lở. Cây mần tưới chữ Hán gọi là vân 芸, nên sách có để lá mần tưới thì gọi là vân cảo [芸 槁].

[2] Phong Tình Lục [風 情 録] = Tên cuốn truyện ông Nguyễn Du đi sứ Tàu mua được. Ông thấy Vương Thúy Kiều tả ở trong truyện cũng tài cao số kém gặp cảnh long đong thất chí như ông, nên ông mới mang về diễn ra thành truyện Đoạn Trường Tân Thanh để ký thác tâm sự đau buồn của mình. Người sau cho là ông dịch ở “Thanh Tâm Tài Nhân” ra là lầm. Tôi sẽ có lời kể rõ chuyện tưởng lầm này ở sau đoạn cuối quyển Truyện Kiều tôi chú giải này.

[3] Sử xanh = Người xưa lúc chưa biết làm giấy, lấy mũi dùi nhọn viết chữ vào những thanh cột tre còn lượt tinh xanh, rồi khoan lỗ một đầu xâu lại thành sách. Những sách truyện bằng thanh tre xanh đó người ta gọi là thanh sử [青 史] (sử xanh). Chữ sách [册] trong chữ nho tượng hình sách thanh tre đó.

[4] Hai kinh = Vua Thành Tổ nhà Minh nguyên là con thứ vua Minh Thái Tổ, phong vương ở Yên Kinh sau cướp ngôi vua của cháu ở Nam Kinh, mới gọi Yên Kinh là Bắc Kinh. Bởi vậy nhà Minh có hai kinh đô.

[5] Viên ngoại = Về đời nhà Tống đến đời nhà Minh bên Tàu, những người nhà giàu đứng đắn đều gọi là viên ngoại, chứ không phải là một chức viên ngoại, lang trung ở các bộ.

[6] Gia tư [家 資] = Tất cả vốn liếng tài sản của gia đình.

[7] Nghỉ = Một đại danh từ cổ của ta, tương đương với nó, hắn, ông ấy, cô ấy, vân vân. Trong truyện xưa có câu nói về cô Mỵ Châu “nghỉ ngây, nghỉ dại, nghỉ tin người” (= cô ấy ngây, cô ấy dại, cô ấy tin Trọng Thủy).

[8] Rốt = Người con cuối cùng, cùng với nghĩa chữ út.

[9] Tự = Tên chính thức đặt cho một người, nhất là cho con gái, đã cáo với tổ tiên; nhiều bản quốc ngữ dịch là chữ. Theo tục lệ Tàu trước kia, cha mẹ không đặt tên con sẵn cho con gái lúc nhỏ. Lúc sắp lấy chồng, hai họ mới bàn nhau đặt tên cho cô dâu, để tránh trùng tên với các cụ bên nhà rể. Do đó, con gái chưa có chồng gọi là vị tự [未 字] (= chưa có tên chính thức).

[10] Mai cốt cách [梅 骨 骼] = Hình dáng người có vẻ thanh tao lịch sự như cành hoa mai – Tuyết tinh thần [雪 精 神] = Vẻ mặt tỏ ra có tinh thần sáng sủa và nghiêm trang như tuyết.

[11] Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang lấy điển trong sách tướng: Mặt như mặt trăng đầy, lông mày đậm và ngang như con tằm nằm là tướng tốt có lòng phúc hậu, con cháu đông đúc đề huề.

[12] Thốt = Nói. Ta có câu: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Ngọc thốt = Nói toàn những lời đứng đắn đáng quý.

[13] Lờ thu thủy = Lòng mắt trong sáng hơn mặt nước trong lặng mùa thu như lờ đục đi. Nhợt xuân sơn = Lông mày có vẻ tươi đẹp hơn mặt núi có cỏ xanh rờn về mùa xuân, so sánh với nhau thì vẻ tươi núi mùa xuân trông như nhợt bớt đi.

[14] Liễu hờn kém xanh = Đời nhà Đường con gái thường bôi lông mày bằng sáp xanh. Hai câu 25 và 26 dùng 4 cách so sánh để tả sắc đẹp của Kiều: mắt thì trong sáng hơn thu thủy, lông mày thì tươi đẹp hơn xuân sơn. Sắc má thì đỏ đẹp hơn hoa, sắc lông mày thì xanh đẹp hơn lá liễu.

[15] Một hai nghiêng nước nghiêng thành lấy điển từ câu hát của Lý Diên Niên đời Hán Vũ Đế để tả vẻ đẹp em gái chàng cho vua nghe [北 方 有 佳 人 絶 世 而 獨 立] = bắc phương hữu giai nhân, tuyệt thế nhi độc lập = phương bắc có người đẹp tuyệt trần, đứng riêng một mình. [一 顧 傾 人 城 再 顧 傾 人 國] = nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc = nhìn một cái làm nghiêng một thành, nhìn hai cái làm nghiêng cả nước người.

[16] Cung, thương, giốc, trủy, vũ = Năm âm về ca nhạc xét theo giọng đục, trong, cao, thấp. Cung là âm đục thấp nhất, thương âm đục thấp thứ hai, giốc âm trung bình giữa trong đục cao thấp, trủy âm trong cao bực nhì, vũ âm trong cao nhất. Trong câu lục-bát “Trong như tiếng hạc bay qua / đục như nước suối mới sa nửa vời” thì trong là âm vũ, đục là âm cung.

[17] Chương [章] = Bài hát. Trương [張] = Cây đàn.

[18] Một thiên bạc mnh = Tên bản đàn Kiều đặt ra để tả nổi xấu số khổ sở của người đàn bà, con gái.

[19] Cập kê = Đến tuổi sắp lấy chồng.  [筓] = Trâm cài búi tóc. Kinh Lễ nói con gái năm 15 tuổi thì búi tóc gọn lên mà cài cái kê vào, do đó tuổi ấy là tuổi cập kê.

[20] Tường đông ong bướm đi về mặc ai lấy điển từ câu Mạnh Tử [踰 東 隣 而 摟 其 処 女 = du đông lân nhi lâu kỳ xử nữ = trèo sang hàng xóm bên đông mà lôi con gái chưa chồng người ta đi]. Đây ý nói Kiều không để ý đến cậu con trai nào ngấp nghé cả.

Diễn ra văn xuôi

Câu 7, 8 = Ngồi trước đèn giở lần lần những chập sách thơm phức những mùi lá trạch lan ra xem, ta thấy có quyển Phong Tình Lục chép truyện sau đây.

Câu 9, 10 = Truyện chép rằng: Trong đời Gia Tĩnh (1522 – 1566) triều nhà Minh, bốn phương yên ổn và hai kinh Nam, Bắc đều vững vàng không có giặc giã đe dọa.

Câu 11, 12 = Hồi đó ở Bắc Kinh có nhà ông viên ngoại họ Vương, tài sản ông ta cũng vào hạng trung bình.

Câu 13, 14 = Ông có một trai là út đặt tên là Vương Quan và sẽ là người con nối nghiệp học hành nhà sau này.

Câu 15, 16 = Hai con sinh trước là hai cô gái rất trắng đẹp như tiên trên cung trăng; chị tên là Thúy Kiều; em tên là Thúy Vân.

Câu 17, 18 = Hai cô này đều có hình dáng thanh tao như hoa mai và tinh thần trong sáng nghiêm trang như tuyết. Tuy mỗi cô có một vẻ khác nhau, cô nào cũng mười phần đẹp hoàn toàn cả mười.

Câu 19, 20 = Nàng Vân xem ra có vẻ đứng đắn cẩn thận, rất mực khác đời; khuôn mặt thì đầy đặn kín đáo như mặt trăng rằm; đôi lông mày thì nở nang gọn gàng như con tằm nằm.

Câu 21, 22 = Vẻ mặt nàng cười trông tươi đẹp như hoa, giọng nàng nói đã hay, lại thốt ra những lời đứng đắn đáng quý như vàng ngọc; màu tóc nàng đen mượt so với mây, mây phải thua; mà da nàng trắng mịn so với tuyết, tuyết phải nhường.

Câu 23, 24 = Còn nàng Kiều tinh thần trông lại càng sắc sảo, vẻ đẹp trông lại càng mặn mà ưa mắt. So với nàng Vân, thì Kiều hơn về tài sắc.

Câu 25, 26 = Vẻ trong sáng của đôi mắt nàng so với nước mùa thu thì nươc mùa thu phải lờ đục hơn; đôi lông mày tươi đẹp của nàng so với mặt núi mùa xuân xanh rờn những cỏ, thì màu núi mùa xuân phải nhợt đi; sắc tươi thắm mặt nàng so với hoa thì hoa phải thua mà sinh lòng ghen; màu xanh đẹp của lông mày nàng so với liễu thì liễu phải kém mà sinh lòng hờn tức.

Câu 27, 28 = Nàng thật đúng là bực giai nhân tột bực – liếc mắt ngó một cái làm nghiêng đổ một thành người ta; lại liếc mắt ngó cái nữa là làm nghiêng đổ cả nước người ta. Về phần nhan sắc, thì rành rành là chỉ có nàng là nhất, về phần tài hoa thì rành rành là họa may mới được một người bằng nàng nữa là hai.

Câu 29, 30 = Nàng lại sẵn được trời cho tư chất thông minh – thi, họa, ca ngâm, tài hoa đủ nghề.

Câu 31, 32 = Nàng rất giỏi về âm nhạc – các cung các bậc trong âm lục nàng đều lầu thuộc cả, nhất là ngón tài riêng về đánh đàn hồ cầm thì thật ăn đứt không ai theo kịp.

Câu 33, 34 = Chính tay nàng làm ra một bản đàn gọi là “Thiên bạc mệnh” mà khi gảy lên lại càng khiến người ngồi nghe phải sầu não ruột gan.

Câu 35, 36 = Nàng thật là một trang gái tài mạo phong nhã vào bậc nhất trong bọn quần hồng, và xuân xanh đã đến tuổi quấn tóc cài trâm (15, 16 tuổi).

Câu 37, 38 = Hàng ngày nàng vẫn vui ở nơi kín đáo trong nhà trướng rũ màn che, thật êm đềm lặng lẽ không để ý gì đến những kẻ ngấp nghé dòm ngó.

Những câu hay chữ có ý móc nối

Trong truyện Kiều, lắm câu mới đọc thì thấy như là thừa, chỉ đặt cho đủ câu, cho liền vần. Nghĩ vậy là lầm, vì chính những câu đó thường là câu quan hệ, đặt để móc nối những việc về sau. Những câu rất tầm thường trong đoạn này như: “Bốn phương phẳng lặng…”, “Gia tư … bực trung” đều dụng ý móc nối ấy cả. Câu trên thì móc nối xa với câu Kiều khuyên Từ Hải: “Ngẫm từ khởi sự binh đao / đống xương vô định đã cao bằng đầu” cho biết rằng Từ Hải đã bắt đầu làm mất cảnh thái bình ấy. Câu dưới: “Gia tư … bực trung” thì móc nối với sự Viên ông bị tống tiền vì có tài sản.

Những câu tả tướng tốt về Thúy Vân như: “hoa cười ngọc thốt” và “khuôn trăng đầy đặn” gợi trước cho ta biết hạnh phúc của nàng. Những câu tả tướng “anh hoa phát tiết ra ngoài” của Kiều như: mắt trong, lông mày tươi, nét mắt liếc nhìn quyến rũ, để gợi cho ta biết cuộc đời giang hồ của nàng. Những câu tả tài hoa của Kiều như “pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm” và “cung thương làu bực ngũ âm” thì móc nối với biết bao nhiêu cuộc đề thơ và gẩy đàn của nàng về sau.

Câu “Êm đềm trướng rủ màn che” thì dùng ý để móc nối với ý ngược lại của cuộc “bộ hành chơi xuân” cho mãi đến lúc “bóng chiều như giục cơn buồn”. Ý câu “Tường đông ông bướm đi về mặc ai” cũng dùng để móc nối ngược lại với câu “Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo” và với câu tưởng nhớ đến Kim Trọng “Người đâu gặp gỡ làm chi / trăm năm biết có duyên gì hay không?”

CHƯƠNG 05

CÂU 39 ĐẾN CÂU 132

“Vui hội đạp thanh, viếng mồ vô chủ”

39. Ngày xuân con én đưa thoi, [1]
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi. [2]
41. Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trang điểm một vài bông hoa. [3]
43. Thanh minh trong tiết tháng ba, [4]
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh. [5]
45. Gần xa nô nức yến anh, [6]
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
47. Dập dìu tài tử, giai nhân,
Ngựa xe như nước, áo quần như chen. [7, 8]
49. Ngổn ngang gò đống kéo lên, [9]
Thoi vàng bỏ rác tro tiền dấy bay.
51. Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
53. Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
55. Nao nao dòng nước uốn quanh, [10]
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang. [11]
57. Sè sè nấm đất bên đàng, [12]
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
59. Rằng: “Sao trong tiết thanh minh,
 Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?”
61. Vương Quan mới dẫn gần xa:
“Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi.
63. Nổi danh tài sắc một thì,
Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh. [13]
65.  Phận hồng nhan có mong manh,
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương. [14]
67. Có người khách ở viễn phương,
Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi.
69. Thuyền tình vừa ghé tới nơi, [15]
Thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ.
71. Buồng không lạnh ngắt như tờ, [16]
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.
73. Khóc than khôn xiết sự tình,
Khéo vô duyên ấy là mình với ta.
75.  Đã không duyên trước chăng mà,
Thì chi chút ước gọi là duyên sau.
77. Sắm xanh nếp tử xe châu, [17]
Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa.
79. Trải bao thỏ lặn ác tà, [18]
 Ấy mồ vô chủ, ai mà viếng thăm!”
81. Lòng đâu sẵn mối thương tâm,
Thoạt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa. [19]
83. “Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
85. Phũ phàng chi bấy hoá công,
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.
87. Sống làm vợ sấp người ta, [20]
Hại thay thác xuống làm ma không chồng.
89. Nào người phượng chạ loan chung,
Nào người tích lục tham hồng là ai? [21]
91. Đã không kẻ đoái người hoài,

Sẵn đây ta thắp một vài nén hương.
93. Gọi là gặp gỡ giữa đường,
Họa là người dưới suối vàng biết cho.” [22]
95.  Lầm rầm khấn khứa nhỏ to,
Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra. [23]
97. Một vùng cỏ áy bóng tà, [24]
Gió hiu hiu thổi một vài bông lau.
99. Rút trâm sẵn giắt mái đầu,

Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần.
101. Lại càng mê mẩn tâm thần
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra. [25]
103. Lại càng ủ dột nét hoa, [26]
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài. [27]
105. Vân rằng: “Chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt khóc người bâng quơ.” [28]
107. Rằng: “Hồng nhan tự nghìn xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?
109. Nỗi niềm tưởng đến mà đau,
Thấy người nằm đó biết sau thế nào?”
111. Quan rằng: “Chị nói hay sao,
Một lời là một vận vào khó nghe.
113. Ở đây âm khí nặng nề,

Bóng chiều đã ngả dậm về còn xa.”
115.  Kiều rằng: “Những đấng tài hoa,
Thác là thể phách, còn là tinh anh, [29]
117. Dễ hay tình lại gặp tình,
Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ.”
119. Một lời nói chửa kịp thưa,
Phút đâu ngọn gió cuốn cờ đến ngay. [30]
121. Ào ào trút lộc rung cây, [31]

Ở trong dường có hương bay ít nhiều.
123. Đè chừng ngọn gió lần theo,
Dấu giày từng bước in rêu rành rành.
125. Mắt nhìn ai nấy đều kinh,
Nàng rằng: “Này thực tinh thành chẳng xa.
127. Hữu tình ta lại gặp ta,
Chớ nề u hiển mới là chị em.” [32]
129. Đã lòng hiển hiện cho xem,

Tạ lòng nàng lại nối thêm vài lời.
131. Lòng thơ lai láng bồi hồi,
Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.

Đính chính và xác định

Câu 42: Động từ “trang điểm” ở câu này, các bản quốc ngữ đều in là “trắng điểm.” Đó là theo một bản in nôm của một nhân vật theo tây học sửa lầm chữ trang [装] ra chữ trắng (chữ nôm này viết bằng cách gắn thêm chữ bạch [白] trên nóc chữ trang [壯]) cho khắc xuất bản, rồi lại được một ông văn sĩ tây nào đó khen chữ “trắng điểm” thật hay (sự việc này xảy ra trong khoảng 1900-1912). Thế rồi các nhà xuất bản Kiều quốc ngữ, không nghĩ phải trái, cứ ùa theo lời khen của nhà văn sĩ tây mà in câu này thành “Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.” Cũng nên nhắc đến một giai thoại về Tể tướng Bùi Độ đời nhà Đường. Ông Độ có khu vườn cỏ rộng mênh mông tít thẳm, về mùa xuân cỏ non xanh rì phẳng một lượt, khách xem khen mãi. Ông chỉ lũ dê trắng và bảo khách: “Vườn này đẹp thế là nhờ các chú này trang điểm cho khu vườn đẹp thêm.” Chữ “trắng điểm” nghe thật ngô nghê không đúng với lời văn tiếng Việt; vả lại nói “hoa lê” là đã đủ ý trắng rồi, cần gì phải nói trắng nữa cho thừa? Các bản cũ dùng ý hoa lê trang điểm cho cảnh vườn, ý mới hay.

Câu 48: Nhóm chữ áo quần như chen lấy điển ở câu chữ nho tả cảnh xem hội: [士 女 櫛 比 = sĩ nữ chất tị = con trai con gái chen nhau như răng lược]. Chữ áo hàm ý con trai, và chữ quần hàm ý con gái. Có bản in là “áo quần như nen” thật là gượng gạo và vô nghĩa.

Câu 50: “Thoi vàng bỏ rác, tro tiền dấy bay” = Nhóm đi tảo mộ nào cũng mang theo những bó vàng mã cuốn thành thỏi xổ tung ra rác cả đường để cúng những cô hồn, ma quỷ. Họ cũng đốt những tập giấy in tiền cúng trước mồ tổ tiên, gây ra những tro tàn bốc lên bay theo gió. Bốn chữ “tro tiền dấy bay” nghĩa là thế (dấy = bốc lên). Ngổn ngang gò đống kéo lên / thoi vàng bỏ rác, tro tiền dấy bay” lấy ý ở bài thơ thanh minh của thi sĩ Cao Cúc Khanh: [南 北 山 頭 多 墓 田 =nam, bắc sơn đầu đa mộ điền = ở đầu núi bắc và nam có nhiều khu ruộng đầy mồ mả] – [清 明 祭 掃 各 紛 然 = thanh minh tế tảo các phân nhiên = đến ngày lễ thanh minh, mọi người nhộn nhịp đến tảo mộ cúng tế một lượt] [紙 灰 飛 作 白 蝴 蝶 =chỉ hôi phi tác bạch hồ điệp =

tro tiền giấy theo gió bay lên trông giống như đàn bướm trắng] – [淚 血 染 成 紅 杜 鵑 = lệ huyết nhiễm thành hồng đỗ quyên = những giọt nước mắt như máu rỏ xuống nhuộm thành màu đỏ hoa đỗ quyên]. Vì chữ bỏ [𠬕] (= chữ khứ [去] ghép vào với chữ bổ [補]) hình thù khó khắc và in nhòe, có bản đổi thành [捕] (= chữ thủ [扌] ghép vào với chữ bố [甫]) cho dễ khắc. Nhưng người phiên âm đầu tiên không luận ra chữ [扌] (thủ) bên chữ [甫] (bố) là gì, mới đọc lầm ra bõ, cho rằng vàng thỏi ở làng Bõ (?) làm, rồi lại đổi chữ dấy [𧽈] (= chữ khởi [起] ghép vào với chữ duệ [曳]) thành chữ giấy [絏] để đối với chữ bõ cho chỉnh, rõ thật vô nghĩa đến nực cười.

Câu 76: Thì chi chút ước gọi là duyên sau = Kiếp này đã vô duyên với nhau, thì xin chôn cất tử tế để làm duyên ước hẹn kiếp sau. Có bản in là “chút đỉnh” e rằng ý nghĩa không được thiết thực như “chút ước.”

Câu 78: Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa = Chôn thành một ngôi mộ tử tế ở bên con đường cái lớn lúc nào cũng xe ngựa rầm rộ tung bụi đỏ lên, rồi trồng hoa cỏ trang điểm cho đẹp, rồi từ biệt nhờ khách qua đường trông nom. Câu này tả cảnh thật là thê thảm – một nấm mồ hoang nằm ngay giữa đám bụi hồng mà quanh năm chẳng ai thèm ngó đến. Thế mà nhiều bản in đổi chữ ‘bụi hồng” ra “vùi nông” nói là theo hai chữ “thiển thổ [淺土]” ở cuốn Thanh Tâm Tài Nhân. Đổi thế là có hai điều lầm: (1) Thiển thổ là đất nông, chôn tạm, không có long mạch, chứ đâu phải “vùi nông”; (2) Người khách đã sắm nếp tử xe châu chôn cất long trọng, hẹn ước kiếp sau, thì sao lại vùi nông cho xong một cách khinh bạc như vậy?

Câu 82: Chữ thoát [脱] có ba âm: thoát, thoắt, thoạt. Chữ đó thấy ở câu 82 phải phiên âm là thoạt mới đúng nghĩa = thoạt mới nghe, Kiều đã thương tâm rồi.  Phiên âm nó là thoắt thì thật lầm.

Câu 87: Sống làm vợ sấp người ta – Chữ “sấp” ở câu này nghĩa là gái thanh lâu lúc sống, bất cứ ai đến đều phải làm vợ người ta cả. Nhiều bản nôm viết chữ này là [插] (Hán = sáp, nôm = sấp), chứ không viết là [泣] (Hán = khấp, nôm = khắp). Để chữ “khắp” thật là sai, vì làm vợ khắp cả mọi người thế nào được.

Câu 92: Sẵn đây ta thắp một vài nén hương – Chữ “thắp” trong câu này cả các bản nôm hay quốc ngữ đều in không giống nhau: hoặc là “thắp”, là “kiếm”, hay là “đắp.” Nay xin xác nhận “thắp” là đúng, vì “đắp” thì vô nghĩa hẳn đi rồi. Còn “kiếm” thì tuy có nghĩa, nhưng đã sẵn đây rồi, thì e kiếm là thừa.  

Câu 102: Lại càng đứng sững tần ngần chẳng ra – Chữ “đứng sững” nhiều bản quốc ngữ in là “đứng lặng”, không đúng nghĩa bằng bản nôm của cụ nghè Vũ Trinh in là đứng “sững [爽]”. Hơn nữa, đứng sững là như đứng mê đi vì thương cảm quá; còn đứng lặng chỉ là đứng im thôi, đầu óc vẫn tỉnh. Chữ “đứng sững” mới thật khẩn thiết với chữ “tần ngần.”

Câu 120: Những bản in ngọn gió cuốn cờ đúng hơn những bản in trận gió cuốn cờ vì đây chỉ là một luồng gió lốc coi như hồn ma hiện ra, chứ không phải là một trận gió có nhiều cơn liên tiếp.

Chú giải và dẫn điển

[1] Con én đưa thoi = Ngày mùa xuân qua lại như cái thoi dệt vải làm hình hai con én qua lại mau chóng ở trên khung cửi khi người ta dệt vải.

[2] Thiều quang = Ánh sáng non đẹp của mùa xuân. “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” = Ba tháng mùa xuân (90 ngày mùa xuân) đã qua mất hơn 60 ngày rồi, tức là trời đã sang tháng ba được mấy ngày.

[3] Cành lê trang điểm một vài bông hoa = Các cành lê đã nở ít hoa trang điểm cho bãi cỏ xanh thêm đẹp. Xem lời đính chính câu 42 ở trên.

[4] Thanh minh = Âm lịch chia mỗi năm ra làm 12 tiết và 12 khí. Tháng giêng bắt đầu từ ngày lập xuân gọi là tiết, giữa là ngày vũ thủy gọi là khí. Tháng hai bắt đầu từ ngày kinh chập gọi là tiết, giữa là ngày xuân phân gọi là khí. Tháng ba bắt đầu từ ngày thanh minh gọi là tiết, giữa là ngày cốc vũ gọi là khí.

[5] Tảo mộ [掃墓] = Ngày lễ đi thăm mồ mả tổ tiên, đắp điếm sửa sang lại cho sạch sẽ rồi cúng lễ. Đạp thanh [踏青] = Ngày đi dạo hội cỏ xanh đẹp. Xưa có bà công chúa có một khu vườn hoa rất rộng đẹp. Bà cho đắp mồ mả tượng trưng ở trên các gò đống trong vườn, rồi cứ đến ngày tỵ sau tiết thanh minh, thì mở hội tảo mộ đạp thanh cho dân chúng vào xem. Hội đạp thanh, tảo mộ bắt đầu hợp nhất từ đó.

[6] Yến anh = Hai thứ chim nhỏ hay bay thành đàn. Đây là biểu tượng cho những nhóm thanh niên thanh nữ đi chơi hội.

[7, 8] “Ngựa xe như nước áo quần như chen” lấy ý ở câu chữ nho [車 如 流 水 士 女 櫛 比 = xa như lưu thủy, sĩ nữ chất tị = xe ngựa nối đuôi nhau đi như dòng nước chảy, con trai con gái chen nhau như răng lược]. Áo hàm ý con trai; quần hàm ý con gái. Chữ nho gọi học trò là [青 襟 = thanh khâm = áo xanh].

[9] “Gò đống kéo lên” = Lũ lượt kéo nhau lên các gò đống để tảo mộ.

[10] “Nao nao dòng nước uốn quanh” = Dòng nước lượn cong cong nên thơ.

[11] Ghềnh = Mũi đất dôi ra lòng ngòi nước.

[12] Sè sè = Thấp lè tè ở mặt đất.

[13] Chữ yến anh này khác nghĩa với chữ “yến anh” ở câu 45 trên. Yến anh đây là biểu tượng cho những nhóm trai gái đi hội đông như đàn chim yến chim anh. Còn yến anh ở câu 45 hàm ý bọn khách làng chơi.

[14] Cành thiên hương = Biểu tượng của người con gái đẹp như cành hoa thơm trên trời. Tình sử có câu [天 香 一 枝 = thiên hương nhất chi = một cành hoa thơm đẹp trên trời].

[15] Câu 69 và 70 lấy ý từ Đường thi [一片 情 舟 初 到 岸, 瓶 沈 花 折 已 多 時 = nhất phiến tình chu sơ đáo ngạn, bình trầm hoa triết dĩ đa thời = một chiếc thuyền tình mới tới bờ, bình chìm hoa gãy đã lâu rồi].

[16] Lạnh ngắt như tờ = Vắng lặng khiến khách phải rùng mình. “Tờ” đây là tờ tranh vẽ, tả cảnh buồng Đạm Tiên sau khi nàng chết thì vắng ngắt và im lặng như bức tranh. Các bản quốc ngữ không hiểu chữ tờ này, giảng nghĩa lầm là như mặt tờ giấy – người ta chỉ nói phẳng như tờ giấy, không ai nói lặng hay lạnh như tờ giấy.

[17] Nếp tử = Bộ áo quan bằng gỗ tử (cũng gọi là gỗ giổi), một thứ gỗ quý làm áo quan rất tốt. Xa châu = Linh xa (xe rước hồn) chung quanh có diềm đẹp kết bằng ngọc trai. Câu này lấy điển ở trong Tình sử, kể chuyện một một ông vương tước làm ma cho một người vợ lẽ đẹp chết trẻ, có câu [梓 匣 珠 車, 尽 一 時 之 富 貴 = tử hạp châu xa, tận nhất thì chi phú quý = hòm bằng gỗ tử, xe có diềm ngọc trai, hết sức vẻ giàu sang một thời].

[18] Thỏ lặn ác tà = Mặt trăng lặn, mặt trời tà.

[19] Châu sa = Nước mắt đổ xuống thành giọt.

[20] Sấp = Xem phần đính chính câu 87 ở trên.

[21] Người tích lục tham hồng = Người tiếc vẻ đẹp mặt hoa mày liễu của nàng mà chưa được tiếp xúc với nàng.

[22] Suối vàng = Âm phủ. Theo sách Tả truyện, vua Trịnh Trang Công giận mẹ muốn giết mình để lập em lên thay bèn bắt mẹ ở riêng một nơi và thề với mẹ rằng [不 及 黃 泉 無 相 見 也 =bất cập hoàng tuyền vô tương kiến dã = chưa đến suối vàng không gặp nhau nữa].

[23] Đặt cỏ = Một tục lệ xưa của người Tàu là phúng điếu người quá cố bằng một bó cỏ để kết thành hình súc vật và đốt cho vong hồn người ấy.

[24] Cỏ áy = Cỏ mọc cằn cỗi ở trên đất khô kiệt.

[25] Đứng sững = Xem lời xác định câu 102 ở trên.

[26] Nét hoa = Vẻ mặt đẹp con gái.

[27] Sầu tuôn đứt nối = Chưa hết nỗi sầu này mà đã nghĩ tới mối sầu kia.

[28] Bâng quơ = Không có họ hàng tình nghĩa gì với mình.

[29] Thể phách = Thân thể và phần phách (vía) chủ trương về thất tình : mừng, giận, thương, vui, yêu, ghét, ham muốn. Phần hồn là phần tinh anh chủ trương về đạo đức. Khi chết thì thân thể về đất; phách xuống âm ty; hồn nếu tốt thì được lên trời, nếu không tốt thì phảng phất ở thế gian.

[30] Ngọn gió cuốn cờ = Luồng gió lốc vừa xoáy vừa đi. Các truyện ma quỷ xưa coi hiện tượng thời tiết này là hồn người chết hiện lên. Chữ nho gọi hiện tượng này là [捲 旗 風 = quyển kỳ phong = gió cuốn cờ].

[31] Lộc = Cành lá mới nẩy ra còn non mềm.

[32] U [幽 = tối tăm, thuộc về âm, hồn ma]. Hiển [顯 = sáng sủa, thuộc về dương, người còn sống].

Diễn ra văn xuôi

Câu 39 và 40 = Ngày mùa xuân đi nhanh như cái thoi dệt vải hình chim én đưa đi đưa lại ở trên khung cửi. Chín chục ngày ánh sáng trong đẹp đó, hồi ấy đã qua mất hơn 60 ngày rồi.

Câu 41 và 42 = Ngoài đồng cỏ mọc xanh rờn một màu trông như đến tận chân trời. Lại có thêm một vài hoa lê mới nở trên các cành trang điểm cho cánh đồng cỏ thêm đẹp.

Câu 43 và 44 = Trong tiết thanh minh đầu tháng ba này có hội đạp thanh và lễ tảo mộ cùng mở vào một ngày.

Câu 45 và 46 = Mọi người gần xa nô nức kéo đi từng đoàn, như đàn chim yến anh. Ba chị em Kiều cũng sắm sửa đi bộ vui chơi hội này.

Câu 47 và 48 = Trai thanh gái tú dập dìu một lượt rất đông ; ngựa xe liên tiếp đi như dòng nước chảy ; trai áo xanh, gái quần hồng chen nhau mà đi.

Câu 49 và 50 = Mọi người lũ lượt kéo nhau ngổn ngang lên các gò đống để làm lễ tảo mộ. Những thoi vàng mã cúng ma quỷ cô hồn tung ra rác cả mọi nơi ; những tro giấy vàng, giấy tiền đốt cúng tổ tiên theo gió bốc lên phấp phới. Xem lời đính chính câu 50 ở trên.

Câu 51 và 52 = Lúc bóng nắng đã xế về tây rồi, chị em Kiều mới đan tay nhau cùng trở bước ra về có vẻ tiếc thẩn thơ.

Câu 53 và 54 = Chị em bước lần lần theo con đường trên bờ một con ngòi nhỏ, vừa đi vừa ngắm phong cảnh nơi này.

Câu 55 và 56 = Nào là dòng nước chảy uốn cong cong, nào là một chiếc cầu nho nhỏ ở cuối ghềnh đất nọ bắc ngang qua trên mặt nước.

Câu 57 và 58 = Bỗng trông thấy một nấm mồ thấp lè tè ở bên đường, cỏ trên mộ cằn cỗi, nửa vàng nửa xanh trông thật đìu hiu buồn bã.

Câu 59 và 60 = Kiều chỉ nấm mồ và hỏi : Hôm nay là tiết thanh minh tảo mộ, mà sao ngôi mả này hương khói vắng tanh chẳng ai ngó đến ?

Câu 61 và 62 = Vương Quan mới kể lai lịch gần xa của ngôi mả này cho chị nghe : Đạm Tiên là một ca nhi xưa.

Câu 63 và 64 = Nàng đã từng nổi tiếng lẫy lừng một thời là tài sắc bậc nhất. Ngoài cửa nhà nàng lúc nào cũng xôn xao nhộn nhịp, thiếu gì là khách hào hoa.

Câu 65 và 66 = Nhưng kiếp hồng nhan nàng sao mà mong manh quá ! Đang lúc cành hoa mởn mơ thơm nức những mùi hương trời, thì thoắt đâu bỗng gẫy ngang chừng !

Câu 67 và 68 = Có người khách phương xa nghe tiếng nàng lừng lẫy cũng nao nức lòng, không quản xa xôi, cố công tìm đến gặp.

Câu 69 và 70 = Nhưng khi người khách chứa chan tình mơ ước này vừa ghé đến bến, thì cành hoa đã gẫy, bình ngọc đã tan từ bao giờ rồi.  

Câu 71 và 72 = Người khách vào thì thấy cảnh buồng nàng vắng vẻ lạnh ngắt như bức tranh vẽ và trước sân thì trên những dấu xe ngựa rêu đã mọc lờ mờ xanh một lượt.  

Câu 73 và 74 = Ông ta khóc than kể hết sự tình thương tiếc và nói : Sao ta với nàng lại vô duyên đến thế này ? Không được thấy mặt một lần, không được nói với nhau một lời !

Câu 75 và 76 =Kiếp này đã không có chút duyên nào với nàng, thì nay ta xin làm ma chay chôn cất nàng tử tế để hẹn ước với nàng làm duyên kiếp sau vậy !

Câu 77 và 78 = Hẹn với vong linh nàng thế, rồi ông ta mới sắm sửa lễ tống táng cho nàng linh đình sang trọng vào bậc nhất – quan tài làm bằng gỗ tử là thứ gỗ quý vua chúa vẫn dùng, linh xa chung quanh diềm kết ngọc trai, rồi táng nàng thành một ngôi mộ ở bên con đường lúc nào xe ngựa cũng đi lại, bụi hồng tung bốc.

Câu 79 và 80 = Thế là từ đó đến nay – đã biết bao nhiêu ngày đêm nắng dãi trăng soi – còn ai thăm viếng ngôi mồ vô chủ này nữa đâu ?

Câu 81 và 82 = Lòng Kiều đâu sẵn mối thương xót thế ! Thoạt nghe lời em trai kể, nàng trào nước mắt đầm đìa khóc ngay.

Câu 83 và 84 = Nàng nói : Đau đớn thay phận đàn bà ! Lời người xưa nói “ hồng nhan bạc mệnh ” thật là lời chung cho cả bọn đàn bà, cái kiếp bạc mệnh đó nó có tha cho ai đâu !

Câu 85 và 86 = Sao ông thợ trời nỡ lòng phũ phàng thế nhỉ ? Ông nỡ nào làm cho cái tuổi xanh người ta phải đau đớn mỏi mòn, đôi má hồng lộng lẫy người ta phải nhem nhuốc phôi pha đến thế ?

Câu 87 và 88 = Lúc sống thì ông bắt người ta phải làm vợ bất cứ ai, mà hại thay, lúc chết thì ông lại bắt người ta làm kiếp ma không chồng để hồn không có nơi nương tựa !

Câu 89 và 90 = Trời đã quá phũ phàng với nàng, lại quá tệ bạc với nàng ! Nào những kẻ trước kia thì đằm thắm chung chạ chăn loan gối phượng với nàng, nào những kẻ đã từng được nàng tiếp đón, kẻ thì lúc ra về còn ngẩn ngơ tiếc nhớ mãi đôi lông mày xanh tươi lá liễu của nàng, kẻ thì dốn ngồi say sưa ngắm đôi má hồng đẹp hoa đào của nàng – tất cả đâu rồi, không một ai nhớ đến nấm mồ nàng nữa ?

Câu 91 và 92 = Đã không ai đoái hoài đến nàng nữa, thì sẵn có hương đây ta thắp một vài nén cúng nàng.

Câu 93 và 94 = Gọi là tỏ tình gặp gỡ nhau nơi giữa đường, may ra nàng ở dưới suối vàng thấu cho lòng ta chăng !

Câu 95 và 96 = Hương thắp xong, Kiều lầm dầm khấn khứa mấy lời, rồi ngồi xuống đặt mớ cỏ làm lễ viếng trước mộ.

Câu 97 và 98 = Cúng xong, nàng đứng ngắm cảnh quanh mộ thật buồn – một vùng cỏ cây cằn cỗi dưới bóng nắng xế tà, một vài bông lau phất phơ trước ngọn gió thổi hắt hiu.  

Câu 99 và 100 = Cám cảnh quá, Kiều rút cây trâm cài trên đầu xuống mà vạch vào da một cây gần mồ, đề một bài thơ cảm vịnh.

Câu 101 và 102 = Đề thơ xong, tâm thần thêm mê mẩn, Kiều đứng tần ngần mãi chẳng biết nghĩ ra sao nữa.

Câu 103 và 104 = Chỉ thấy nét mặt như hoa của nàng lại càng ủ ê, nước mắt giọt ngắn giọt dài rơi xuống, như thể mối sầu trong lòng tuôn ra mãi.

Câu 105 và 106 = Thúy Vân thấy vậy bảo chị : Chị rõ thật là đáng nực cười ! Sao mà khéo thừa nước mắt đi khóc người bâng quơ, chẳng có họ hàng thân tình gì với mình như vậy ?

Câu 107 và 108 = Kiều đáp : Từ xưa đến nay, kiếp hồng nhan thường vẫn bạc mệnh như thế. Câu nói “ hồng nhan bạc mệnh ” là câu nói chung cho cả khách má hồng, chẳng chừa ai cả !

Câu 109 và 110 = Nghĩ đến nông nỗi ấy mà chị rất đau lòng. Thấy người nằm dưới nấm mộ quạnh hiu này mà chị rất lo buồn, biết sau này mình sẽ ra sao ?

Câu 111 và 112 = Vương Quan nói :  Sao chị nói năng kỳ vậy ? Càng nói càng vận mãi sự quái gở vào mình đấy !  

Câu 113 và 114 = Thôi chúng ta không nên ở chỗ nặng nề những khí âm u này nữa, về đi thôi ! Trời đã xế chiều rồi, mà đường về thì còn xa !

Câu 115 và 116 = Kiều nói :Những bậc tài hoa thì chỉ chết có phần thể và phách, chứ phần tinh anh là hồn thì còn mãi mãi.

Câu 117 và 118 = Dễ đã mấy khi hai người đồng tình như ta với nàng mà lại gặp nhau ! Ta hãy chờ coi, thế nào cũng sẽ thấy linh hồn nàng hiển hiện cho ta xem bây giờ !

Câu 119 và 120 = Lời Kiều nói chưa ai kịp đáp, thì bỗng thấy một luồng gió lốc như ngọn cờ xoáy đến ngay.

Câu 121 và 122 = Ngọn gió quay ào ào, làm cây cối rung động, làm rơi những lá lộc non xuống, và trong luồng gió như thoang thoảng có mùi thơm.

Câu 123 và 124 = Nhìn theo vết ngọn gió đến đâu thì thấy có vết giầy từng bước in trên mặt đất rõ ràng.

Câu 125 và 126 = Ai nhìn thấy cũng xanh mặt sợ hãi. Kiều nói : Rõ thật lòng thành của ta đã thấu cảm được vong linh nàng rồi đó, có sai đâu !

Câu 127 và 128 = Rồi nàng nói với hồn Đạm Tiên : Chúng ta là đôi bạn hữu tình với nhau, chị đã không nề khách âm phủ, kẻ dương gian mà hiện lên cho nhau biết, thế mới thật là chỗ bạn thân tình chị em !

Câu 129 và 130 = Rồi để đáp tạ tấm lòng của người từ âm phủ, Kiều lại khấn thêm mấy lời nữa.

Câu 131 và 132 = Cao hứng làm thơ của nàng lúc bấy giờ tràn đầy lai láng, không thể nào cầm hãm được nữa. Nàng lại vạch gốc cây đề một bài cổ thi nữa (mặc dù thấy hai em không thích).

Những câu có ý móc nối

Đoạn này chứa đựng nhiều câu báo trước những điều bất hạnh của Kiều :

Những câu Kiều trách trời phũ phàng với đàn bà (“ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha”, “sống làm vợ sấp người ta) báo trước hai lần ở thanh lâu.

Những câu Kiều trách người (lúc người ta sống thì “phượng chạ, loan chung, tiếc lục, tham hồng”; lúc người ta chết thì bỏ mồ mả hương khói vắng tanh”) báo trước những cuộc bị bao kẻ bội bạc lừa đảo.

Câu “Nỗi niềm tưởng đến mà đau / thấy người nằm đó biết sau thế nào” báo trước những cuộc đau thương (tự vẫn không chết, mấy trận đòn làm mất hết nhân cách, và đành nát ngọc tan vàng dưới sông Tiền Đường).

Sự cúng khấn mả Đạm Tiên móc nối với câu Đạm Tiên nói trong giấc mộng Mấy lòng hạ cố đến nhau.” Sự đề hai bài thơ móc nối với câu Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng và với sự Đạm Tiên đưa cho Kiều thêm 10 đầu đề thơ đoạn trường để “câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời.”

Những câu tả cái cầu và ngọn tiểu khê cùng nấm mồ bên đường móc nối với câu Đạm Tiên tả nhà mình “Hàn gia ở mé tây thiên / dưới dòng nước chảy bên trên có cầu.”

Câu Kiều nói với hồn Đạm Tiên “Hữu tình ta lại gặp ta / chớ nề u hiển mới là chị em” móc nối với câu Đạm Tiên trong mộng “Âu đành quả kiếp nhân duyên / cũng người một hội một thuyền đâu xa.”

Những lời tả Kiều đau thương tha thiết cho phận đàn bà móc nối với sự nàng thấy Kim Trọng có phúc tướng, liền ước mong lấy làm chồng để cứu khỏi kiếp bạc mệnh, chứ không phải là do tính tình lẳng lơ.

CHƯƠNG 06                                                                                                       

CÂU 133 ĐẾN CÂU 242

“Tơ duyên kỳ ngộ, giấc mộng đoạn trường”

133. Dùng dằng nửa ở nửa về,
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần.
135. Trông chừng thấy một văn nhân,
Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng. [1, 2]
137. Đề huề lưng túi gió trăng, [3]
Sau chân theo một vài thằng con con.
139. Tuyết in sắc ngựa câu giòn, [4]
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời. [5]
141. Nẻo xa mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình.
142. Hài văn lần bước dặm xanh, [6]
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao. [7]
145. Chàng Vương quen mặt ra chào,
Hai Kiều e lệ núp vào dưới hoa. [8]
147. Nguyên người quanh quất đâu xa,
Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh. [9]
149. Nền phú hậu, bậc tài danh, [10, 11]
Văn chương nết đất, thông minh tính trời. [12]
151. Phong tư tài mạo tót vời, [13]
Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa. [14, 15]
153. Chung quanh vẫn đất nước nhà,
Với Vương Quan trước vẫn là đồng thân. [16]
155. Vẫn nghe thơm nức hương lân, [17]
Một nền Đồng Tước khoá xuân hai Kiều. [18]
157. Nước non cách mấy buồng thêu, [19]
Những là trộm nhớ thầm yêu chuốc mòng. [20]
159. May thay giải cấu tương phùng, [21]
Gặp tuần đố lá thoả lòng tìm hoa. [22]
161. Bóng hồng nhác thấy nẻo xa, [23]
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai. [24]
163. Người quốc sắc, kẻ thiên tài, [25, 26]
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e.
165. Chập chờn cơn tỉnh cơn mê.
Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn.
167. Bóng tà như giục cơn buồn,
Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo.
169. Dưới cầu nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
171. Kiều từ trở gót trướng hoa,
Mặt trời gác núi chiêng già thu không. [27]
173. Mảnh trăng chênh chếch dòm song, [28]
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân.
175. Hải đường lả ngọn đông lân, [29]
Giọt sương trĩu nặng cành xuân la đà.
177. Một mình lặng ngắm bóng nga, [30]
Rộn đường gần với nỗi xa bời bời:
179. Người mà đến thế thì thôi, [31]
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi!
181. Người đâu gặp gỡ làm chi, [32]
Trăm năm biết có duyên gì hay không? [33]
183. Ngổn ngang trăm mối bên lòng,
Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình. [34]
185. Chênh chênh bóng nguyệt xế mành,
Tựa nương bên triện một mình thiu thiu. [35]
187. Thoắt đâu thấy một tiểu kiều, [36]
Có chiều thanh vận, có chiều thanh tân. [37]
189. Sương in mặt, tuyết pha thân, [38]
Sen vàng lững đững như gần như xa.
191. Rước mừng đon hỏi dò la:

“Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây?” [39]

193. Thưa rằng: “Thanh khí xưa nay, [40]

Mới cùng nhau lúc ban ngày đã quên.
195. Hàn gia ở mé tây thiên, [41, 42]
Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu.
197. Mấy lòng hạ cố đến nhau, [43]
Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng. [44, 45]
199. Vâng trình hội chủ xem tường, [46]
Mà sao trong sổ Đoạn Trường có tên. [47]
201. Âu đành quả kiếp nhân duyên, [48]
Cũng người một hội, một thuyền đâu xa! [49]
203. Này mười bài mới mới ra, [49a]
Câu thần lại mượn bút hoa vẽ vời.”  [50, 51]

205. Kiều vâng lĩnh ý đề bài,
Tay tiên một vẫy đủ mười khúc ngâm. [52]
207. Xem thơ nức nở khen thầm:

“Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường [53]
209. Ví đem vào tập Đoạn Trường [54]
Thì lèo giải nhất chi nhường cho ai.” [55]

211. Thềm hoa khách đã giở hài,
Nàng còn nắm lại một hai tự tình.
213. Gió đâu sịch bức mành mành,
Tỉnh ra mới biết rằng mình chiêm bao.
215. Trông theo nào thấy đâu nào
Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây.
217. Một mình lường lự canh chầy, [56]

Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.
219. Hoa trôi bèo dạt đã rành, [57]
Biết duyên mình, biết phận mình thế thôi!
221. Nỗi riêng lớp lớp sóng dồi, [58]
Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn.
223. Giọng kiều rên rỉ trướng loan, [59]
Nhà Huyên chợt tỉnh hỏi: “Cơn cớ gì? [60]

225. Cớ sao trằn trọc canh khuya,

“Màu hoa lê hãy dầm dề giọt mưa?” [61]

227. Thưa rằng: “Chút phận ngây thơ,

Dưỡng sinh đôi nợ tóc tơ chưa đền. [62]
229. Buổi ngày chơi mả Đạm Tiên,
Nhắp đi thoắt thấy ứng liền chiêm bao.
231. Đoạn trường là số thế nào,
Bài ra thế ấy, vịnh vào thế kia.
233. Cứ trong mộng triệu mà suy, [63]
Phận con thôi có ra gì mai sau!”
235. Dạy rằng: “Mộng ảo cứ đâu, [64]

Bỗng không mua não chuốc sầu nghĩ nao.”
237. Vâng lời khuyên giải thấp cao

Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch tương

239. Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng
Nách tường bông liễu bay ngang trước mành.
241. Hiên tà gác bóng chênh chênh,
Nỗi riêng, riêng trạnh tấc riêng một mình.

 Đính chính và xác định

Câu 150: Văn chương nếp đất, thông minh tính trời Chữ nếp trong câu này nghĩa là lề thói đã quen như tờ giấy đã gấp thành nếp sẵn, lúc gập lại rất dễ. Chữ đất đây là mồ mả tổ tiên táng vào được ngôi đất tốt, khiến con cháu được phát đạt. Văn chương nếp đất = Kim Trọng được nền nếp sẵn sàng của mồ mả tổ tiên phát về văn chương, nên chàng học giỏi. Nhiều bản quốc ngữ in thành “văn chương nét đất” là lầm và vô nghĩa. Chữ nếp câu này liền với chữ nền câu trên “Nền phú hậu, bậc tài danh.”

Câu 169: Dưới cầu nước chảy trong veo / bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha lấy hai chữ cầu làm cốt vừa để tả cảnh chiều buồn, vừa ngầm tả cảnh Kiều nghé theo mãi cho đến khi Kim Trọng đã qua cầu và đi khuất bóng rồi, mà nàng vẫn còn vẩn vơ nghĩ: thế là vắng chàng rồi, chỉ còn trơ chiếc cầu không trên dòng nước trong veo, không còn bóng chàng cưỡi ngựa qua cầu nữa, và chỉ còn ngọn liễu phất phơ thướt tha như đưa chàng đi. Những bản đổi chữ “dưới cầu” ra “dưới dòng” thật là lầm, đã làm mất cả ý nghĩa tế nhị thâm trầm đó, và còn có thể biến nó thành vô nghĩa nữa.  

Câu 172: Mặt trời gác núi chiêng già thu không lấy điển từ câu thơ của một thi sĩ đời Đường gửi cho bạn tơ lòng mong nhớ [何 時 最 是 思 君 处, 日 入 斜 窗 晚 寺 鐘 = hà thì tối thị tư quân xứ, nhật nhập tà song vãn tự chung = nhớ anh nhất ấy lúc nào, nắng xiên cửa sổ, chuông chiều chùa vang]. Chiêng già = Chuông chùa đánh lúc chiều tối để niệm Phật và gọi các cô hồn về chùa nương bóng Phật. Câu này cũng như câu trên vừa tả cảnh buồn, vừa ngẫm tả tình nhớ của Kiều. Những bản in “… chiêng đà thu không” đã bỏ mất cái ý tế nhị âm thầm nhớ chàng Kim. Vậy cần phải đính chính lại là “Mặt trời gác núi, chiêng già thu không.”

Câu 176: Giọt sương trĩu nặng cành xuân la đà = Hạt sương bám dần vào thành những giọt nước ở dưới lá làm cành cây nặng trĩu xuống. Có bản quốc ngữ in là “gieo nặng” thành ra vô nghĩa. Chữ nôm trĩu (thủ [扌]+ liễu []) có bản nôm in sai là [招] (Hán = triệu, nôm = gieo).

Câu 190: Hai chữ lững đững ở câu này chữ nôm viết là [浪 蕩] “lãng đãng” nhưng tôi nghĩ chỉ có “lững đững” là vừa hợp tiếng vừa hợp lý hơn, vì lững đững là dở như có, dở như không, gần không ra gần, xa không ra xa, đúng như hồn ma hiện.

Câu 191: Rước mừng đon hỏi dò la – Chữ đon đây nghĩa là đon đả tỏ tình thân quý. Nhiều bản quốc ngữ in sai ra đón là thừa, vì đã ra rước mừng rồi còn đón làm gì nữa. Bản nôm viết chữ đon [敦] thì đúng hơn.

Câu 195: Hàn gia ở tây thiên – Chữ nôm mé (viết = hán [厂]+ mãi [買]) ở câu này các bản quốc ngữ đều dịch lầm ra mái thật vô nghĩa. Thiên là bờ ruộng; ở mé tây thiên là ở bên bờ ruộng phía tây.

Câu 210: Thì lèo giải nhất chi nhường cho ai – Chữ lèo đây là giải băng vải hay giấy treo ở trên giải thưởng, ghi là phần thưởng hạng mấy. Trước khi ai muốn tranh phần thưởng nào thì trình diện với ban giám khảo, rồi chắp hai tay sẽ vuốt cái lèo giải ấy mà ra thi. Bởi vậy ta gọi phần thưởng là giải thưởng, và có câu “tranh lèo giật giải.” Chữ lèo hết thảy các bản Kiều quốc ngữ đều dịch là treo, nghĩa rất không trôi chảy, vì thế là không nhường cho ai sự treo giải nhất, chứ không phải nhường giải nhất. Có sự lầm vậy là vì chữ lèo nôm [繚] (= mịch [糸]+ liêu [尞]), rồi sau khắc lầm ra treo nôm [撩] (= thủ [扌] + liêu [尞]). Người dịch đầu tiên không nghĩ ra, dịch bừa là treo, rồi người sau cứ theo lầm mãi.

Câu 231: Đoạn trường là sổ thế nào – Chữ sổ ở câu này ứng với sổ đoạn trường ở câu lời Đạm Tiên nói ở trên: Mà xem trong sổ đoạn trường có tên. Hết thảy các bản Kiều quốc ngữ đều dịch ra số, thật không khẩn thiết với lời báo mộng.

Câu 235: Dạy rằng mộng ảo cứ đâu – Chữ mộng ảo câu này có bản viết là mộng triệu. Mộng triệu là điềm báo lúc mê ngủ, chứ không có nghĩa hão huyền chẳng đáng tin như mộng ảo. Tôi nghĩ mộng ảo đúng vào nghĩa câu này hơn là mộng triệu.

Câu 240: Nách tường bông liễu bay ngang trước mành – Nhiều bản Kiều quốc ngữ e chữ mành không vần với chữ nghiêng ở câu sau nên đổi bừa ra là “Nách tường bông liễu bay sang láng giềng” thật là vô nghĩa, mất cả vẻ đẹp vẻ hay của câu này. Họ không hiểu các vần anh, inh, ênh vẫn có vần với iêng.

Chú thích và dẫn điển

[1] Lỏng buông tay khấu = Tay khấu là tay cầm cương ngựa. Khi cưỡi ngựa, tay cầm cương co đầu ngựa cao lên thì nó chạy, buông lỏng chùng cương cho đầu ngựa hạ xuống thì nó đi chậm. Vậy, lỏng buông tay khấu = Tay cầm dây cương buông thật dài ra cho ngựa đi bước một rất thong thả.

[2] Dặm băng = đường phẳng rộng rãi dễ đi.

[3 Lưng túi gió trăng = phong lưu đi dạo phong cảnh có mang túi thơ đi theo, để ngâm vịnh được bài thơ nào thì chép đựng vào túi đó.

[4] Tuyết in sắc ngựa câu dòn = ngựa non chàng cưỡi đẹp, sắc trắng ngần như tuyết. Ngựa câu = ngựa khỏe đang sức lớn chạy nhanh. Dòn = tươi đẹp.

[5] Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời = màu áo nhuộm sắc lam non nhợt, ta cũng gọi là màu thiên thanh hay màu hồ thủy.

[6] Hài văn = giày có thêu hoa đẹp đẽ lịch sự.

[7] Một vùng như thể cây quỳnh cành dao diễn tả hình ảnh người đàn ông đẹp, lấy từ điển tích [王 衍 如 琼 林 玉 樹 = Vương Diễn như quỳnh lâm ngọc thụ = Vương Diễn đẹp như cây ngọc dao ở trong rừng ngọc quỳnh].

[8] Hai Kiều = Hai cô gái đẹp, tức là Kiều và Vân. (Xem lời giải số 18 ở dưới).

[9] Nhà trâm anh = Dòng dõi làm quan. Các quan lúc trước khi mặc triều phục vẫn gài cái trâm ở búi tóc để giữ mũ cho ngay, và buộc đôi giải mũ (chữ Hán là anh [纓]) rũ xuống sau lưng.

[10] Nền phú hậu = Giàu có và lòng tử tế trung hậu.

[11] Bực tài danh = Nổi danh tiếng là hạng người có tài hoa.

[12] Nếp đất – Xem lời đính chính câu 150 bên trên.

[13] Phong tư [丰姿] = vẻ mặt đẹp đẽ đầy đặn. Tài mạo [才貌] = mặt mũi linh lợi, khôi ngô, trông biết ngay là người tài giỏi.

[14] Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa = Tính tình bên trong thì rất vui vẻ, nhã nhặn, và cách ăn ở bên ngoài thì trông rất hào hoa, lịch sự.

[15] Hào hoa = Cư xử hào phóng, lịch sự.

16/ Song thân [窗親] = Bạn học chung buồng học với nhau, khác với song thân [双親] là hai bố mẹ.

[17] Hương lân [鄕鄰] = Làng kế bên.

[18] Một nền đồng tước khóa xuân hai Kiều mượn ý câu cuối cùng của bài thơ Đỗ Mục vịnh trận Xích Bích để nói nhà họ Vương có hai cô con gái đẹp chưa chồng. Bài thơ đó như sau:

• [折 戟 沈/沉 沙 鉄 未 銷 = triết kích trầm sa thiết vị tiêu = ngọn giáo gẫy chìm ở các sông mũi sắt chưa tiêu hết] • [私 將 磨 洗 認 前朝 = tư tương ma tẩy nhận tiền triều = ta đem lên mài rửa để xem về triều đại nào]• [東 風 不 與 周 郎 便 = đông phong bất dữ chu lang tiện = nếu trận Xích Bích gió đông không giúp phương tiện cho Chu Du] • [銅 雀 春 深 鎖 二 嬌 = Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều = thì hai cô gái họ Kiều sẽ bị khóa xuân ở nền Đồng Tước].

[19] Buồng thêu = Buồng đàn bà, con gái ngồi thêu dệt. Nước non cách mấy buồng thêu lấy điển từ câu trong sách cổ [相 親 咫 尺 而 渺 若 山 河 = tương thân chỉ xích nhi diểu nhược sơn hà = gần nhau chỉ một gang một thước, mà hóa cách xa nhau như cách núi cách sông].

[20] Trộm dấu thầm yêu chốc mòng Dấu = Yêu một cách sâu xa êm đềm. Trộm dấu = Đem lòng mơ ước ngầm không dám nói với ai. Chốc mòng = Ao ước mơ mòng (nhiều bản quốc ngữ dịch chữ chốc mòng [祝蒙] này là chuốc mòng và giảng nghĩa gượng là bao lâu nay hoặc biết bao nhiêu).

[21] Giải cấu tương phùng lấy điển từ Kinh Thi [邂 遘 相 逢 適 我 願 兮 = giải cấu tương phùng, thích ngã nguyện hề = tình cờ gặp nhau, thật thỏa lòng ước nguyện của ta].

[22] Đố lá = Trong những dịp dạo cảnh xuân, thường có những cuộc đố lá với nhau. Mỗi người mang một cái túi, gặp thứ cây cỏ nào cũng sẽ hái một nhúm lá bỏ vào túi. Cốt phải hái cho nhanh, kẻo tiếng hiệu gọi về hái không kịp. Khi về đấu nhau, ai được nhiều thứ hơn người kia thì thắng cuộc.

[23] Bóng hồng là bởi nhóm chữ [美 人 紅 影 = mỹ nhân hồng ảnh = bóng dáng đẹp của đàn bà con gái].

[24] Xuân lan thu cúc Vua Hậu Chủ nhà Trần bị nhà Tùy bắt, vua nhà Tùy hỏi: “Hai người ái phi của nhà ngươi ai đẹp hơn ai?” Hậu Chủ thưa: [春 蘭 秋 菊 皆 一 時 之 秀 也 = xuân lan thu cúc, giai nhất thì chi tú dã = hoa lan mùa xuân, hoa cúc mùa thu đều là thứ hoa đẹp nhất một mùa]. Ý nói mỗi người đẹp nhất một vẻ, không thể nào phân bì hơn kém được.

[25] Quốc sắc = Người con gái đẹp nổi tiếng trong nước.

[26] Thiên tài = Người có tài hoa trời cho hơn hẳn mọi người.

[27] Chiêng già = Tiếng chuông chùa. Thu không = Đánh lúc hết ngày. Ở các vòm lính canh lúc chập tối đánh trống báo hết ngày gọi là trống thu không; đánh báo hết đêm gọi là trống tan canh.

[28] Gương nga = Mặt trăng.

[29] Hải đường lả ngọn đông lân = Mặt trăng buổi chiều tối hôm Thanh minh, đầu tháng ba, đứng ở phía tây, nên bóng ngọn cây hải đường trông như lả về phía đông. Câu này còn dùng ý tả ngầm: thế là lòng Kiều đã ngả về đông lân rồi, không còn tường đông ong bướm đi về mặc ai nữa. Nhiều câu tác giả tả cảnh thường ngầm ý tả tình như vậy thật là thiên tài.

[30] Tố nga = Mặt trăng.

[31] Người mà đến thế thì thôi Người mà = Đạm Tiên.

[32] Người đâu gặp gỡ làm chi Người đâu = Kim Trọng.

[33] Trăm năm = Duyên vợ chồng.

[34] Câu tuyệt diệu = câu văn thơ hay tột bực, lấy điển ở bốn chữ [絶 妙 好 辞 = tuyệt diệu hảo từ = lời hay rất mực]. Điển tích như sau: Tào Tháo đọc một tấm bia, thấy có lời Sái Ung [蔡邕] phê 8 chữ [黄 絹 幼 婦 外 孫 齏 臼] : • [黄 絹] = hoàng quyên = lụa vàng • [幼 婦] = ấu phụ = con gái nhỏ • [外孫] = ngoại tôn = cháu ngoại • [齏 臼] = tê cửu = cối giã gừng ớt]. Tháo không hiểu nghĩa mới hỏi nàng Sái Văn Cơ [蔡文姬] “Câu cha nàng phê thế nghĩa là gì?” Văn Cơ không biết, Dương Tu thưa: “Đó là bốn chữ tuyệt diệu hảo từ [絶 妙 好 辞], và chàng giảng cho Tháo nghe: • lụa vàng là ti sắc [絲 色] (sắc tơ tằm) hợp thành chữ [絶] (tuyệt = rất) • Con gái nhỏ là thiếu nữ [少 女] hợp thành chữ [妙] (diệu = thần diệu) • Cháu ngoại là [女 子] (con của con gái) hợp thành chữ [好] (hảo = hay) • Cối giã gừng là thụ tân [受 辛] (chịu cay) hợp thành [辤] (từ = lời). Tháo giật mình và chịu Dương Tu là thông minh, tài đoán.

[35] Triện = Chắn song cửa sổ đóng thành hình chữ triện (hoặc như chữ thọ hình tròn, chữ phúc hình vuông).

[36] Tiểu Kiều = Người con gái trẻ, lấy điển từ các chữ đại Kiều [大喬] và tiểu Kiều [小喬] là hai cô họ Kiều. Xem lời giải [18] bên trên.

[37] Phong vận = Có vẻ tài hoa phong nhã. Thanh tân = Có vẻ trong trắng như con gái chưa chồng.

[38] Sương in mặt, tuyết pha thân = Người trong trắng đẹp, nhưng có vẻ lạnh lùng như sương như tuyết. Lấy 6 chữ này để tả vẻ đẹp của người con gái ma thì quá đúng.

[39] Đào nguyên = Nguồn đào. Truyện kể đời nhà Tấn (205-420) có người ngư phủ ngược thuyền lên mãi vào một con suối hai bờ toàn những cây đào hoa nở rất đẹp. Mến cảnh, ngư phủ vượt mãi lên vào một khu động phong cảnh rất đẹp, dân cư rất vui vẻ thái bình, tranh nhau đón tiếp ông ta. Họ kể cho nghe là tổ tiên họ tránh loạn nhà Tần (221-206 trước tây lịch) vào ở đó. Họ rất thích thú khi được ngư phủ kể cho nghe chuyện ở ngoài Tần mất, Hán lên, Hán mất, Tấn lên. Ngư phủ về thăm nhà, rồi muốn mang gia đình lên ở thì không tìm được lối lên nguồn đào nữa. Người sau dùng chữ đào nguyên để nói cảnh tiên.

[40] Thanh khí = Cùng chung một khí chất. Kinh dịch viết [同声相應同氣相求= đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu = hai tiếng nhạc cùng một âm luật thì vang ứng với nhau, hai vật cùng một khí chất thì tìm hút nhau]. Đây nói vì Kiều chung một tâm tình với Đạm Tiên nên họ cảm mến nhau.

[41] Hàn gia [寒家] = Nhà rét lạnh = lời nói khiêm tốn kêu nhà mình là nhà nghèo ở không được ấm áp. Nhưng ở đây hàn gia rõ hợp với cảnh một ngôi mộ quanh năm lạnh lùng chẳng ai hương khói thăm cúng.

[42] Tây thiên [西阡] Bốn bờ ruộng thì hai bờ đầu nam đầu bắc gọi là thiên [阡], hai bờ đầu đông đầu tây gọi là mạch [陌]. Câu này chỉ có 6 chữ mà tả rõ được mả nàng ở một mé bên bờ phía tây đầu nam đầu bắc.

[43] Mấy lòng hạ cố đến nhau = Tấmlòng quý hóa biết bao nhiêu mà cúi xuống đoái nhìn đến tôi !

[44] Mấy lời hạ tứ = Mấy bài thơ ban xuống cho tôi. Hai chữ hạ cố [下顧] và hạ tứ [下賜] đúng với ý nghĩa người ở dưới mả nói với người ở trên.

[45] Ném châu gieo vàng = Hai bài thơ Kiều đề ở gốc cây vịnh nàng Đạm Tiên, lời như vàng như ngọc tuôn ra.

[46] Hội chủ = Bà chủ hội đoạn trường. Chủ đoạn trường lấy nguồn gốc từ truyện một con vượn mẹ thấy con mình bị người bắn chết, nó ôm lấy thây con rồi kêu thảm thiết mà lăn ra chết ; khi người ta mổ nó ra thấy ruột nó đứt thành nhiều đoạn. Sau có nhà văn sĩ dùng nhóm chữ đoạn trường thanh (tiếng đứt ruột) mà đặt tên một cuốn sách ông ta viết. Bởi thế ông Nguyễn Du mới đặt tên truyện Kiều là Tiếng đứt ruột mới.

[47] Sổ đoạn trường = Cuốn sổ biên tên những người số mắc kiếp đoạn trường hoặc đã qua đời như Đạm Tiên, hoặc còn sống mà chưa gặp kiếp đoạn trường như Kiều.

[48] Quả kiếp nhân duyên [果 劫 因 緣]  Theo sách nhà Phật thì kiếp này mình được sung sướng hay phải khổ sở là cái quả báo của việc thiện hay ác mình đã làm kiếp trước. Bởi vậy, ta hay dùng chữ quả kiếp để nói sự khổ nhục là cái quả báo để chuộc lại tội ác mình đã làm kiếp trước. Câu Đạm Tiên nói này nghĩa là : Chúng ta chỉ là vì có cái nhân duyên cùng chung một kiếp quả báo với nhau mà được gặp nhau đây.

[49] Một hội một thuyền = Kẻ trước người sau chung một số kiếp trong hội đoạn trường, cũng như cùng đi với nhau trong một chiếc thuyền ở trên bến mê, đưa người đi trước, đón người đi sau.

[49a] Đầu đề 10 bài thơ mới ra đó là :

1. Tích đa tài [惜 多 才 = đáng tiếc cho mình sao lại nhiều tài].

2. Liên bạc mệnh [怜 薄 命 = thương mệnh bạc].

3. Bi kì lộ [悲 歧 路 = đau cực chỗ đường rẽ].

4. Ức cố nhân [億 故 人 = nhớ người cũ].

5. Niệm nô Kiều [念 奴 娇 = nghĩ thương phận con gái].

6. Ai thanh xuân [哀 青 春 = thương tuổi xuân xanh].

7. Ta kiển ngộ [嗟 騫 遇 = than bước long đong].

8. Khổ linh lạc [苦 零 洛 = khổ thân lưu lạc].

9. Mộng cố viên [夢 故 園 = mơ quê cũ].

10. Khốc tương tư [哭 相 思 = khóc nhớ nhau].

Mười đầu đề này tả đủ kiếp khổ đau của Kiều sau này.

[50] Câu thần = Câu thơ hay như có thần giúp mới làm được, gọi là thần cú [神句].

[51] Bút hoa [筆花] Lý Bạch xưa lúc trẻ mơ thấy cái bút ông đương viết bỗng mọc cái hoa đẹp, từ đó ông nảy tài làm thơ nổi tiếng khắp nước, nên người sau gọi bút người tài thơ là bút hoa.

[52] Khúc ngâm = Bài thơ, bài hát.

[53] Tú khẩu cẩm tâm [繡 口 錦 心] = lời thơ ở miệng ra đẹp như thêu hoa, ý thơ nghĩ ở trong lòng ra đẹp như dệt gấm.

[54] Tập đoạn trường = Tập thơ của những khách đoạn trường tả cảnh đau thương của mình đưa cho chủ hội đoạn trường.

[55] Lèo giải nhất Xem lời đính chính câu 210 bên trên.

[56] Lượng lự = Suy lường lo nghĩ. Bản nôm in là [量慮] (lượng lự). Các bản Kiều dịch lầm ra lưỡng lự, không đúng nghĩa ở chỗ này, vì lưỡng lự nghĩa là dùng dằng chưa biết theo đường nào trong hai đường, không hợp lý ở đây.

[57] Hoa trôi bèo giạt = Kiếp long đong khổ sở nay đây mai đó như hoa trôi theo dòng suối, bèo giạt theo luồng gió thổi.

[58] Lớp lớp sóng giồi = Chưa hết điều lo nọ, lại dồn đến điều lo kia như cánh bèo ở mặt sóng, hết làn sóng nọ đến làn sóng kia nhận chìm xuống.

[59] Giọng kiều = Giọng non trẻ của con gái. Nhiều bản quốc ngữ in là “giọng Kiều (nghĩa là giọng cô Kiều) thật mất cái ý hay của chữ giọng.

[60] Nhà huyên = Mẹ, do chữ huyên thất [萱室] dịch ra. Kinh Thi có câu [安 得 萱 草 言 樹 之 背 = yên đắc huyên thảo ngôn thụ chi bối = ước sao được cây cỏ huyên để trồng ở trước buồng hướng bắc (tức là buồng mẹ ở)]. Bởi vậy các văn sĩ sau mới gọi mẹ là huyên đường [萱 堂] (nhà huyên). Cỏ huyên giống cây huệ, lá hình lưỡi gươm, hoa 6 cánh màu vàng hay đỏ, ăn được, phơi khô gọi là kim châm. Cây huyên xanh suốt năm, nên người xưa trồng ở trước nhà mẹ ở để chúc mẹ khỏe mạnh luôn luôn.

[61] Mầu hoa lê hãy đầm đìa hạt mưa lấy điển tích từ bài Trường Hận Ca [長 恨 歌] của Bạch Cư Dị tả hình Dương Quý Phi ở cung tiên khóc khi thấy sứ giả của Minh Hoàng đến tìm [玉容 寂 寞 淚 闌 干 棃 花 一 枝 春 帶 雨 = ngọc dung tịch mịch lệ lan can, lê hoa nhất chi xuân đái vũ = mặt ngọc u buồn, nước mắt đầm đìa, như một cành hoa lê mang những giọt mưa xuân].

[62[Dưỡng sinh đôi nợ = Công lao cha sinh, mẹ dưỡng.

[63] Mộng triệu [夢 兆] = Điềm báo trong giấc mơ.

[64] Mộng ảo = Mơ ảo trong giấc mộng chẳng đáng tin.

[65] Mạch tương = Nguồn cơn tương tư Kim Trọng. Chữ mạch tương lấy điển từ câu thơ [君 在 湘 江 頭, 妾 在 湘 江 尾, 相 顧 不 相 見, 同 飲 湘 江 水 = quân tại Tương giang đầu, thiếp tại Tương giang vĩ, tương cố bất tương kiến, đồng ẩm Tương giang thủy = chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông Tương, trông nhau chẳng thấy nhau, cùng uống nước sông Tương”]. Dào mạch tương là giào giạt lòng nhớ ; nhiều bản Truyện Kiều giảng lầm chữ mạch tương là nước mắt khóc lấy điển ở truyện hai bà Nga Hoàng, Nữ Anh khóc vua Thuấn ở bờ sông Tương. Giảng thế thật không đúng trường hợp Kiều bây giờ, vì Kiều khi đó chỉ ao ước lấy được Kim Trọng để gỡ số bạc mệnh chứ đâu có khóc.

Diễn ra văn xuôi

Câu 133 và 134 = Ba chị em còn đang dùng dằng nữa muốn ở, nữa muốn về, thì bỗng nghe tiếng nhạc ngựa lại gần.

Câu 135 và 136 = Đưa mắt lên trông thì thấy một văn nhân buông lỏng tay cương cho ngựa đi thong thả trên đường rộng thẳng.

Câu 137 và 138 = Văn nhân vừa đi vừa ngắm cảnh, có vẻ ung dung. Lòng đầy cao hứng vịnh thơ, sau ngựa có mấy đứa nhỏ đi theo.

Câu 139 và 140 = Chàng cưỡi một con ngựa non sắc trắng ngần, và mặc áo nhuộm xanh da trời.

Câu 141 và 142 = Chị em vừa trông rõ mặt ở nẻo xa, thì người khách đó đã xuống ngựa tiến đến nơi nói truyện.

Câu 143 và 144 = Người khách lần lần đưa đôi giày thêu bước trên đường cỏ xanh, đi đến đâu đẹp lây cho cả vùng đến đấy, trông như cây ngọc quỳnh cành ngọc dao một lượt.

Câu 145 và 146 = Vương Quan vì quen mặt người khách thì chạy ra chào, còn hai cô gái thì e lệ, lánh mặt vào bụi hoa.

Câu 147 và 148 = Chàng khách này nguyên vẫn là người vùng quanh quẩn gần đó, chứ đâu xa lạ gì. Họ chàng là Kim, tên chàng là Trọng và vốn là một nhà dòng dõi trâm anh xưa nay.

Câu 149 và 150 = Chàng đã là con nhà nền nếp giàu có phúc hậu, lại nổi tiếng là bậc tài hoa, đã sẵn đất phát văn chương, lại được trời cho bản chất thông minh.

Câu 151 và 152 = Mặt mày đẹp đẽ nở nang, rõ có vẻ tài giỏi hơn người, trong lòng thì phóng khoáng nhã nhặn, mà bên ngoài thì rất hào hoa lịch sự.

Câu 153 và 154 = Chàng cùng ở một vùng với nhà họ Vương và là bạn chung đèn chung sách với Vương Quan.

Câu 155 và 156 = Chàng vẫn nghe tiếng đồn lừng lẫy là nhà họ Vương ở làng bên có gái cấm cung đẹp như hai cô họ Kiều ở đời Tam Quốc.

Câu 157 và 158 = Tuy ở gần một vùng mà sao buồng hai cô ngồi thêu thùa lại xa như cách sông cách núi, khiến chàng luống những mang lòng yêu dấu thầm kín, ước mong tha thiết.

Câu 159 và 160 = May sao nay tình cờ được gặp nhau trong cuộc đạp thanh đố lá này, thật là thỏa lòng tìm hoa của chàng.

Câu 161 và 162 = Nhác trông thấy bóng dáng hai cô ở nẻo xa, cô nào cũng tươi đẹp thanh tao, cô thì như hoa lan mùa xuân, cô thì như hoa cúc mùa thu, cô nào cũng một vẻ mặn mà tuyệt vời.

Câu 163 và 164 = Một bên là gái quốc sắc, một bên là trai thiên tài ; hai bên trông thấy nhau, trong lòng đã để ý đầy tình cảm với nhau ngay, chỉ còn e lệ chưa dám tỏ ra ngoài mặt với nhau thôi.

Câu 165 và 166 = Chàng thì chập chờn lúc như tỉnh, lúc như mê ; ngồi dốn mãi đó thì không tiện, làm mất tự do của hai cô, mà đứng dậy ra về thì nào có dứt được lòng tiếc rẻ.

Câu 167 và 168 = Bóng chiều xế thấp dần như thúc giục chàng về, làm cho chàng tăng dần cơn buồn tiếc. Khi chàng bất đắc dĩ lên ngựa ra về rồi, nàng đưa ngay mắt nghé theo nhìn chàng mãi.

Câu 169 và 170 = Nàng nhìn theo mãi cho đến lúc khách đã qua cầu khuất bóng rồi, chỉ còn ở dưới cầu thì dòng nước chảy trong veo, chẳng còn bóng khách nữa và ở đầu cầu thì mấy cành tơ liễu thướt tha trong bóng chiều hôm như buồn tiễn khách đi.

Câu 171 và 172 = Lúc Kiều về đến nhà rồi, thì mặt trời đã nằm gác ở trên núi phía tây và chuông chùa đã thỉnh hồi thu không làm lễ chiêu mộ.

Câu 173 và 174 = Mặt trăng đã nghiêng nghiêng dòm vào trong cửa sổ, ánh trăng thành những ánh vàng ở trên mặt nước, và bóng cây in xuống mặt sân.

Câu 175 và 176 = Cây hải đường trông như ngả ngọn sang nhà hàng xóm phía đông ; cành lá xanh non mùa xuân đầm đìa nặng trĩu những hạt sương rũ xuống như người la đà buồn ngủ đầu không ngóc lên được.

Câu 177 và 178 = Nàng ngồi một mình lặng lẽ ngắm trăng, trong lòng rộn rã tơi bời, lúc thì nghĩ chuyện gần như thương Đạm Tiên, như nhớ Kim Trọng, lúc lại nghĩ đến chuyện xa như lo số bạc mệnh, như mong lấy được Kim Trọng để nhờ phúc âm chồng mà gỡ khỏi số kiếp đó.

Câu 179 và 180 = Nghĩ đến Đạm Tiên, nàng than : Người mà bạc mệnh đến thế là cùng, cái đời phồn hoa của nàng thật là đời uổng phí đáng bỏ đi.

Câu 181 và 182 = Nghĩ đến Kim Trọng, nàng lo : Trời cho gặp gỡ nhau để làm chi vậy ? Chẳng biết sau này có nên vợ nên chồng không đây ?

Câu 183 và 184 = Nàng nghĩ ngổn ngang trăm mối trong lòng, rồi làm một bài thơ rất hay để tỏ tâm sự.

Câu 185 và 186 = Trăng lúc đó xuống thấp ngang trước mành, nàng ngồi một mình tựa lưng vào bực trấn song ghép hình chữ triện mà thiu thiu ngủ.

Câu 187 và 188 = Bỗng nàng thấy một cô gái trẻ, vừa có vẻ lịch sự tài hoa, vừa mơn mởn thanh tân rất đẹp.

Câu 189 và 190 = Mặt như in màu sương, thân như pha vẻ tuyết, lững đững đưa đôi gót sen, phảng phảng phất phất lúc như tiến lại gần, lúc như lảng đi xa.

Câu 191 và 192 – Nàng vội chạy ra đón rước và đon đả hỏi han : Tiên nữ ở đào nguyên đi đâu mà lại lạc lối vào đây ?

Câu 193 và 194 = Cô gái thưa : Chị em ta là chỗ thanh khí với nhau, mới gặp nhau lúc ban ngày mà giờ đã quên nhau rồi !

Câu 195 và 196 = Căn nhà nghèo lạnh của em ở mé bên bờ phía tây, gần một ngòi nước chảy mà bên trên có cầu bắc qua.

Câu 197 và 198 = Em cám ơn chị đã có lòng tử tế rất nhiều đoái hoài ngó xuống đến em, mấy bài thơ chị ban xuống cho em thật hay tinh những lời vàng tiếng ngọc vang ra.

Câu 199 và 200 = Em đã đưa lên cho bà chủ hội đoạn trường xem rõ và tra trong sổ đoạn trường thì ra cũng có tên chị.

Câu 201 và 202 = Ôi ta đành chịu vậy, âu đó cũng là nhân duyên của chị em ta chung một quả kiếp, thành ra vẫn là người trong một hội một thuyền với nhau, chẳng xa lạ gì !

Câu 203 và 204 = Này đây có 10 đầu bài thơ vừa mới ra, cần phải nhờ cái ngọn bút tinh hoa của chị vẽ vời nên những câu thơ thần tô điểm cho !

Câu 205 và 206 = Kiều vâng lĩnh nhận ngay 10 đầu đề và theo ý mỗi đầu đề làm thành một bài. Nàng cầm bút và đưa tay thơ tiên nàng ra mà viết luôn một hồi, chỉ trong chốc lát đủ cả mười bài.

Câu 207 và 208 = Đạm Tiên xem thơ nức nở khen thầm rồi nói : Thơ lời đẹp như hoa thêu, ý hay như gấm dệt, giá trị thật khác thường.

Câu 209 và 210 = Ví đem biên vào tập thơ đoạn trường, thì cái lèo giải nhất chắc là chị chẳng để ai tranh được !

Câu 211 và 212 = Trước thềm hoa cô khách đã trở bước ra đi, mà Kiều còn muốn nắm áo giữ lại để nói chuyện thêm nữa.

Câu 213 và 214 = Một cơn gió thổi lay động bức mành xịch một tiếng, nàng sực tỉnh ra mới biết là mình mơ ngủ.

Câu 215 và 216 = Nàng trông theo thì chẳng thấy cô khách mà hình như còn thoảng thấy mùi thơm vẫn quanh quất bên mình nàng.

Câu 217 và 218 = Rồi nàng vào nằm suy lường lo nghĩ một mình lúc canh khuya. Nàng nghĩ đến những nông nỗi trong bước đường xa sau này của mình và lo sợ lắm.

Câu 219 và 220 = Nàng lo nghĩ : Theo điềm mộng vừa rồi, thì rành rõ đời ta sẽ lưu lạc như hoa trôi theo giòng nước, như bèo giạt trước gió sóng. Đạm Tiên đã nói ta cũng có tên trong sổ đoạn trường như nàng, thì chắc ta cũng sống cuộc đời phồn hoa đầy đọa như nàng, chết không ai viếng mả như nàng, ta biết duyên phận ta chẳng ra gì thế thôi, nhưng biết gỡ sao khỏi được !

Câu 221 và 222 = Nàng càng nghĩ, lòng nàng càng cực cội, hết cơn nọ đến cơn kia, dồn dập như làn sóng mặt sông mặt biển ; mỗi cơn cực cội lại một cơn sụt sùi khóc theo.

Câu 223 và 224 = Giọng rền rĩ nỉ non của nàng ở trong mùng làm cho bà mẹ tỉnh dậy hỏi can cớ gì mà khóc.

Câu 225 và 226 = Bà hỏi : Cớ sao mà lại đêm khuya trằn trọc không ngủ lại giàn giụa nước mắt như cành hoa lê đầm đìa mưa xuân như vậy ?

Câu 227 và 228 = Nàng thưa rằng : Con còn trẻ tuổi ngây thơ, chưa báo đáp được công đức cha sinh mẹ dưỡng một chút mảy may nào.

Câu 229 và 230 = Vì ban ngày con thăm mả Đạm Tiên, vừa rồi con chợt ngủ đi, thấy Đạm Tiên báo mộng cho con biết ngay số phận của con sau này.

Câu 231 và 232 = Nàng kể rõ cho bà nghe : nào sổ đoạn trường là sổ thế nào mà nàng cũng có tên ở trong, nào là mười đầu đề thơ Đạm Tiên đưa nhờ nàng làm, và nàng làm như thế nào.

Câu 233 và 234 = Rồi nàng nói tiếp : Cứ theo mộng triệu đó mà suy đoán ra, thì số phận con mai sau thật chẳng ra gì !

Câu 235 và 236 = Vương bà khuyên dạy nàng rằng : Mơ mộng là điềm huyền ảo tin làm gì ! Rõ thật bỗng dưng mua não rước sầu vào thân, lạ quá.

Câu 237 và 238 = Nàng nghe lời mẹ khuyên giải thấp cao đủ lẽ cũng bớt lòng lo nghĩ, nhưng lại tiếp tục bồn chồn nghĩ đến cuộc tình duyên gặp gỡ, nhưng lo chẳng biết có nên chuyện gì không, để nàng nhờ chồng mà thoát khỏi kiếp đoạn trường.

Câu 239 và 240 = Nàng còn đương nghĩ vẩn vơ, thì trời đã sáng. Ngoài cửa sổ chim hoàng oanh đã hót như thỏ thẻ chuyện trò, mấy cành liễu ở khoảng nách tường đầu nhà đã thấy gió đưa phất phơ ở trước mành.

Câu 241 và 242 = Cảnh buổi sớm mùa xuân tuy đẹp vậy, nhưng lòng nàng nào có khuây ; cho đến lúc mặt trời đã cao hơn mái hiên chiếu bóng nghiêng xuống, nàng vẫn còn bận lòng nằm nghĩ tới mọi nỗi lo riêng trong lòng.

Những câu hay chữ có ý móc nối

Câu “cỏ non xanh tận chân trời” đã có ý móc nối với câu tả Kim Trọng “hài văn lần bước dặm xanh”, lại có ý làm tăng thêm vẻ thảm thê cho đoạn tả cảnh mả Đạm Tiên “sè sè nắm đất bên đường / dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh / rằng sao trong tiết thanh minh / mà đây hương khói vắng tanh thế mà ?”

Câu Đạm Tiên nói “mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng” ứng với việc Kiều đề thơ ở thân cây gần mả.

Những câu Kiều nói “dễ hay tình lại gặp tình … hữu tình ta lại gặp ta” có ý móc nối với câu Đạm Tiên nói “… thanh khí xưa nay… âu đành quả kiếp nhân duyên / cũng người một hội một thuyền đâu xa.”

Những câu tả phong tư, tài mạo, phong nhã, tài hoa, của Kim Trọng móc nối với câu Kiều nói sau này với Kim Trọng “…trộm liếc dung quang / chẳng sân ngọc bội, thì phường kim môn.”

Câu “ khách đà lên ngựa người còn nghé theo” móc nối khẩn thiết với câu tả lòng Kim Trọng nghĩ đến sau này “ví chăng duyên nợ ba sinh / thì chi đem thói khuynh thành trêu ngươi ?”

Mấy câu tả cảnh buổi chiều hôm đi tảo mộ về đều khéo mượn cảnh để ngầm tả nỗi lòng của Kiều.

Câu “mặt trời gác núi chiêng già thu không” bề ngoài thì thật khéo tả đúng cảnh buồn lúc chiều sắp tối, cái cảnh lúc mặt trời lặn dần xuống bên kia ngọn núi phía tây, trời tối sầm dần, đã như thu hết tinh thần vui tươi của vạn vật vào cõi u hồn, bên tai lại thủng thẳng vang lên từng tiếng chuông chùa với từng câu lanh lảnh niệm phật làm lễ chiêu mộ cô hồn. Trước cái cảnh ảm đạm ấy, người và vật đều lo tìm cảnh đoàn tụ để yên ủi tâm hồn hiu quạnh. Bởi vậy thơ Đường có hai câu này thật hay : • [何 時 最 是 思 君 处 = hà thì tối thị tư quân xứ = lúc nào là lúc nhớ anh nhất] • [日 入 斜 窗 晚 寺 鐘 = nhật nhập tà song vãn tự chung = đó là lúc nắng chiều vào trong cửa sổ lạnh vắng và tiếng chuông chùa đánh chiêu mộ]. Tác giả mượn ý câu dưới để tả cảnh buồn buổi chiều và ngầm mượn ý câu trên để tả nỗi lòng Kiều tưởng nhớ Kim Trọng.

Hai câu “hải đường lả ngọn đông lân / hạt sương trĩu nặng cành xuân la đà” lời văn thật hay, cảnh tả thật đẹp, nhất là ngụ ý càng thâm thúy. Bề ngoài thì hai câu này tả cảnh thật đẹp đẽ buồn lặng lúc chập tối hôm thanh minh : dưới bóng trăng thượng tuần, cây hải đường như lả ngọn về phía đông, những hạt sương xuân làm cho cành lá rũ lả xuống la đà trước cơn gió thoảng. Nhưng bên trong thỉ mỗi chữ ngụ một ý nghĩa ngầm rất thâm thúy, xin kể rõ như sau : “hải đường” ngụ ý nói Kiều buồn ngủ, hoa hải đường nở lâu hàng tháng, ngày nở nhưng đêm cụp lại gọi là hoa ngủ. Vua Minh Hoàng thấy Dương Quý Phi buổi sáng ngồi thiu thiu như buồn ngủ, mới nói đùa nàng “hoa hải đường đêm ngủ chưa đủ giấc sao ?” Ý ngầm buồn ngủ của chữ hải đường này móc nối với câu “tựa ngồi bên triện một mình hiu hiu” (có buồn ngủ rồi mới ngủ ngồi). “Ngả ngọn đông lân” ngụ ý nói Kiều tưởng nhớ Kim Trọng ; thế là Kiều không còn “tường đông ong bướm đi về mặc ai” nữa vì nàng đã ngả lòng về khách tường đông đó rồi. “Hạt sương trĩu nặng” ngụ ý nói Kiều khóc nước mắt lã chã ; chữ “hải đường” có hạt sương trĩu nặng này móc nối với câu “màu hoa lê hãy đầm đìa hạt mưa” ở dưới. “Cành xuân la đà” ngụ ý tả vẻ mặt kiều lo âu, ủ rũ mỏi mệt gượng ngồi ngắm cảnh cho khuây.

CHƯƠNG 07

     * * * * *

CÂU 243 ĐẾN CÂU 362

“Giong sầu đuổi bóng, nhờ của gặp người”

243. Cho hay là giống hữu tình, [1]
Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong. [2]

245. Chàng Kim từ lại thư song,
Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây. [3]
247. Sầu giong càng khắc càng chầy, [4]
Ba thu dón lại một ngày dài ghê. [5]
249. Mấy lần khóa kín phòng the, [6]
Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao. [7]
251. Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao, [8]
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.
253. Buồng văn hơi lạnh như đồng,
Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan. [9, 10]
255. Mành tương phân phất gió đàn, [11, 12]
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình. [13, 14]
257. Ví chăng duyên nợ ba sinh, [15]
Thì chi đem thói khuynh thành trêu ngươi. [16]
259. Bâng khuâng nhớ cảnh, nhớ người,
Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi. [17]
261. Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong vắt, thấy gì nữa đâu! [18]
263. Gió chiều như gợi cơn sầu,
Vi lô hiu hắt như màu kháy trêu. [19]
265. Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều, [20]
Xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang. [21]
267. Thâm nghiêm kín cổng cao tường,
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh. [22, 23]
269. Lơ thơ tơ liễu buông mành, 
Con oanh học nói trên cành mỉa mai. [24]
271. Mấy lần cửa đóng then cài,
Dẫy thềm hoa rụng, biết người ở đâu? [25]
273. Tần ngần đứng trót giờ lâu, [26]
Dạo quanh chợt thấy mé sau có nhà.
275. Là nhà Ngô Việt thương gia, [27]
Buồng không để đó, người xa chưa về.
277. Lấy điều du học hỏi thuê, [28]
Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang [29, 30]
279. Có cây, có đá sẵn sàng, [31]
 Có hiên Lãm Thúy, nét vàng chưa phai. [32]
281. Mừng thầm suy ý chữ bài, [33]
Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây.
283. Song hồ nửa khép cánh mây, [34, 35]
Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông. [36]
285. Tấc gang đồng khóa, nguồn phong, [37]
Tít mù nào thấy bóng hồng vào ra.
287. Nhẫn từ quán khách lân la, [38]
Tuần trăng thấm thoắt nay đà thèm hai. [39]
289. Cách tường phải buổi êm trời, [40]
Dưới đào dường thấy bóng người thướt tha.
291. Buông cầm, xốc áo, vội ra,
Hương còn thơm nức, người đà vắng tanh.
293. Lần theo tường gấm dạo quanh, [41]
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa.
295. Giơ tay cất lấy về nhà, [42]
Này trong khuê các đâu mà đến đây? [43]
297. Ngẫm âu người ấy báu này,
Chẳng duyên chưa dễ vào tay ai cầm!
299. Liền tay ngắm nghía biếng nằm,
 Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai.
301. Tan sương đã thấy bóng người,
Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ.
303. Sinh đà có ý đợi chờ,
Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng: [44]
305. Thoa này bắt được hư không, [45]
Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về? [46]
307. Tiếng Kiều nghe lọt bên kia: [47]
“Ơn lòng quân tử sá gì của rơi!

309. Chiếc thoa nào của mấy mươi [48]

Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao!” [49]

311. Sinh rằng: “Lân lý ra vào [50]

Gần đây, nào phải người nào xa xôi!

313. Được rầy nhờ chút thơm rơi

Kẻ đà thiểu não lòng người bấy nay.

315. Bấy lâu mới được một ngày

Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là!” [51, 52]

317. Vội về thêm lấy của nhà

Xuyến vàng đôi chiếc khăn là một vuông.

319. Bực mây dón bước ngọn tường, [53, 54]

Phải người hôm nọ rõ ràng chăng nhe?

321. Sượng sùng giữ ý rụt rè, [55]

Kẻ nhìn tận mặt người e cúi đầu.

323. Rằng: “Từ ngẫu nhĩ gặp nhau. [56] 
Thầm trông trộm nhớ bấy lâu đã chồn. [57]
325. Xương mai tính đã rũ mòn, [58]
Lần lừa ai biết hãy còn hôm nay! 
327. Tháng tròn như gởi cung mây, [59]
Trần trần một phận ấp cây đã liều! [60]
329. Tiện đây xin một hai điều, 
Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?” [61, 62] 
331. Ngần ngừ nàng mới thưa rằng: 
“Thói nhà băng tuyết, chất hằng phỉ phong, [63, 64]
333. Dù khi lá thắm chỉ hồng, [65, 66]
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha. 
335. Nặng lòng xót liễu vì hoa, 
Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa!” 
337. Sinh rằng: “Rày gió mai mưa, [67]
Ngày xuân đã dễ tình cờ mấy khi! 
339. Dù chăng xét tấm tình si, [68]
Thiệt đây mà có ích gì đến ai? 
341. Chút chi gắn bó một hai, 
Cho đành rồi sẽ liệu bài mối manh. 
343. Khuôn thiêng dù phụ tấc thành, [69] 
Cũng liều bỏ quá xuân xanh một đời. 
345. Lượng xuân dù quyết hẹp hòi, [70]
Công đeo đuổi chẳng thiệt thòi lắm ru!” 
347. Lặng nghe lời nói như ru, 
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng. [71, 72] 
349. Rằng: “Trong buổi mới lạ lùng, 
Nể lòng có lẽ cầm lòng cho đang! 
351. Đã lòng quân tử đa mang, 
Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung.” [73]
353. Được lời như cởi tấm lòng, 
Giở kim thoa với khăn hồng trao tay. [74]
355. Rằng: “Trăm năm cũng từ đây, [75]
Của tin gọi một chút này làm ghi. 
357. Sẵn tay bả quạt hoa quỳ, [76, 77]
Với cành thoa ấy tức thì đổi trao. 
359. Một lời gắn bó tất giao, [78]
Mái sau dường có xôn xao tiếng người. 
361. Vội vàng lá rụng hoa rơi, 
Chàng về viện sách, nàng dời lầu trang.

Đính chính và xác định

Câu 247: “Sầu giong càng khắc càng chầy”. Chữ giong đây nghĩa là buông thả cho chạy, như ta nói trâu giong bò dắt, giong cương cho ngựa chạy nhanh. Do đó, nghĩa cả câu là: chàng Kim không biết nén hãm lòng sầu nhớ Kiều cho khuây đi để ngủ, lại cứ buông thả mãi con ngựa sầu nhớ trong lòng ra và giong cho nó chạy đuổi theo bóng Kiều, những mong chóng sáng mà đi tìm nàng, thành ra lại càng thấy mỗi trống canh mỗi dài mãi ra. Câu này tác giả lấy ý ở câu thơ của thi sĩ Ngô Tư Kinh [ 愁 逐 漏 声 長 = sầu trục lậu thanh trường = ngồi mà thả lòng sầu cho đuổi thì giờ, thì càng thấy tiếng nước đồng hồ nhỏ giọt càng kéo dài thêm mãi]. Chữ “giong” nôm, nếu là chính mình đi (tự động từ) như giong mát, thì viết [𨀐] (= túc [足] + đông [冬]). Chữ giong này ít dùng nên ít người biết. Các nhà xuất bản Truyện Kiều không biết nghĩa chữ “sầu giong” là gì, nên đổi bừa câu này thành những câu ngô nghê vô nghĩa như: 

Sầu đông càng khắc càng chầy (đổi [𨀐] giong ra [冬] đông ).

Sầu đong càng khắc càng đầy (đổi giong [𨀐] ra đong [𣁲] , chầy ra đầy).

Sầu đong càng lắc càng đầy (đổi giong ra đong, khắc ra lắc).

Rõ  là câu rất hay, mà đổi bừa thành các câu rất dở.

Câu 250: “Bóng hồng liệu nẻo đi về chiêm bao” – Hai câu lục bát này lấy ý ở hai câu kết bài thơ của Từ An Trinh [徐安貞] đời Đường, tả tình thi sĩ đêm nghe cô gái nhà hàng xóm gẩy đàn tranh (chép cả bài ở dưới đây) và nghĩa là : Kim Trọng nghĩ rằng chắc Kiều cũng muốn gặp mình lắm –mà không sao được, nên đành khóa cửa đi ngủ (“mấy lần khóa kín phòng the”), để may ra mộng hồn đi, về được với mình (câu 250). Chữ “bóng hồng” ở câu 250 là mộng hồn của Kiều.

° [北 斗 横 天 夜 欲 闌 =bắc đẩu hoành thiên dạ dục lan = chòm sao Bắc đẩu đã ngang trời đêm đã sắp hết] ° [愁 人 倚 月 思 無 端  =sầu nhân ỷ nguyệt tứ vô đoan = người buồn sầu này ngồi tựa dưới trăng nghĩ vẩn vơ] ° [忽 聞 畫 閣 秦 筝 逸 =hốt văn họa các Tần tranh giật = Bỗng nghe trên lầu vẽ kia có tiếng đàn tranh vẳng lại] ° [知 是 隣 家 趙 女 彈 =tri thị lân gia Triệu nữ đàn = Ta biết đó là tiếng đàn cô gái nước Triệu nhà hàng xóm gảy] ° [曲 成 虚 憶 青 蛾 歛 =khúc thành hư ức thanh nga liễm = khúc đàn gẩy xong, ta đoán là lông mày cô nhíu lại] ° [調 急 遙 知 玉 指 寒 = điệu cấp dao tri ngọc chỉ hàn = điệu đàn mau gấp, ta biết là ngón tay nàng cóng rét] ° [銀 鑰 重 関 聽 未 闢 =ngân dược trùng quan thính vị tịch = khóa bạc ở hai lần cửa, ta chưa nghe tiếng mở] ° [不 如 眠 去 夢 中 看 =Bất như miên khứ mộng trung khan = gì bằng ngủ đi để gặp thấy nhau trong mộng vậy].

Vì chàng tưởng là hồn mộng Kiều sẽ tìm đến với chàng như vậy, nên khi chàng thấy “Mành tương phân phất gió đàn” chàng yên trí là hồn Kiều đến, nên chàng đốt hương để chào, pha trà để mời, thì thấy mùi hương cũng nồng như mùi thơm của nàng lúc chiều, và trà chàng uống cũng được Kiều mời mà hóa ra đậm đà khan lên những giọng tình tứ.

Câu “Bóng hồng liệu nẻo đi về chiêm bao” nghĩa rõ ràng như thế và khẩn thiết với hai câu “Mành tương phân phất gió đàn / hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình” như thế, mà sao phần nhiều các bản Kiều quốc ngữ lại đổi bóng hồng thành bụi hồng và phiên âm liệu nẻo  料裊 ra lẽo đẽo?  “Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao” nghĩa là gì? Thật vô nghĩa, vậy cần phải xác định, không nên để Truyện Kiều có những câu vô nghĩa như vậy.

Câu 258: Hai chữ “đem thói khuynh thành trêu ngươi” ở câu này, nhiều bản quốc ngữ in thành “những thói khuynh thành trêu ngươi” e vô nghĩa, vì khuynh thành làm gì có nhiều thói ?

Câu 264: Hai chữ kháy trêu ở câu này, nhiều bản quốc ngữ dịch ra là “khơi trêu” e không xác đáng, vì hai chữ khơi trêu chỉ có nghĩa là trêu người thôi, còn kháy trêu đã đúng âm với chữ nôm 慨 撩 (khái liêu) lại đúng ý nghĩa hơn: các ngọn lau sậy hình như chúng thấy chàng ngơ ngẩn tẽn tò, chúng bèn phất phơ tỏ ý chế nhạo trêu ghẹo chàng. Chữ kháy là có ý trêu đùa cho tức thẹn.

Câu 281: Bốn chữ suy ý chữ bài ở câu này, các chữ nôm đều khắc chữ suy [推] lầm ra chốn [准] , còn chữ ý [意] thì cũng đọc sai là ấy. Các bản quốc ngữ đều theo các bản nôm mà dịch lầm ra “Mừng thầm chốn ấy chữ bài” thành ra gần như vô nghĩa. Suy ý chữ bài nghĩa là suy ý chữ đề ở biển “lãm thúy hiên” (nơi mái hiên để ngồi chơi mà vơ bằng mắt lấy những cảnh hoa cỏ xanh đẹp). Nhưng chàng cho đó là “cái hiên để vơ lấy các cô Thúy.”

Câu 285: Bốn chữ động khóa nguồn phong [洞 鎖 源 封] nghĩa là cửa động thiên thai thì khóa lại, nguồn nước đào nguyên thì lấp đi. Nhiều bản nôm khắc chữ động [洞] làm chữ đồng [銅], người phiên âm trước không biết cứ theo chữ [銅] mà dịch là đồng, thành ra bắt buộc phải dịch câu này là “Tấc gang đồng tỏa nguyên phong” và giải nghĩa là: cái khóa đồng vẫn còn khóa kín nguyên vẹn như cũ (cho chữ  nguồn [源] là chữ nguyên [原]). Nên cần phải đính chính xác định lại cho rõ nghĩa, kẻo mất hết ý hay lời đẹp của câu này.

Câu 286: Tít mù nào thấy bóng hồng vào ra” – Tít mù nghĩa là xa xôi biệt thẳm, đối lại với chữ tấc gang là rất gần ở câu trên = chỉ gần gần thế mà thành ra xa xôi vô chừng. Nhiều bản quốc ngữ dịch lầm chữ tít mù ra tịt mù, nghe lời đã quê thô, nghĩa lại không đúng, không khẩn thiết với câu trên.

Câu 287: Chữ nhẫn” câu này, bản nôm viết là nhẫn [忍] , chớ không viết là nhận [認] . Chữ nhẫn nghĩa là tất cả, là hết sức kiên nhẫn mà chờ đợi. Nhiều bản quốc ngữ in là “nhận từ…”, kể ra cũng có nghĩa là tính ra từ …, nhưng lời không mạnh và ý không xác đáng bằng “nhẫn từ…”

Câu 295: “Giơ tay cất lấy về nhà” – Chữ cất câu này nghĩa là dùng tay sẽ sàng cẩn thận để nhấc lên cho khỏi gẫy khỏi rơi. Đặt chữ cất vào tình trạng đáng nâng niu âu yếm này thật hay vô cùng. Lắm bản Kiều đổi là “với lấy” thì thật hết ý vị tinh tế.

Câu 307: “Tiếng kiều nghe lọt bên kia” – Tiếng kiều đây là tiếng có giọng trong trẻo trẻ trung non mềm của con gái. Chữ kiều [嬌] đây nghĩa là non mềm. Nhiều bản in lầm chữ kiều này ra Kiều [翹] , cho nghĩa là tiếng nàng Kiều, đó là một sự lầm to, vì Kim Trọng khi ấy đã biết tiếng Kiều bao giờ mà nhận được là tiếng cô ta?

Câu 322: “Kẻ nhìn tận mặt, người e cúi đầu” – Hai chữ tận mặt câu này, nhiều bản in là rõ mặt, thế là sai quá. Vì chàng có nhìn tận mặt thì nàng mới phải e lệ cúi đầu, và phải cần nhìn tận mặt cho biết rõ ràng là người hôm nọ rồi mới dám ngỏ lời nói chuyện.

Câu 325: “Xương mai tính đã rũ mòn – Hai chữ rũ mòn đây cũng nghĩa như gầy mòn, nhưng rũ mòn xác đáng hơn vì ta thêm được ý mỏi mệt như câu thơ Đường mà tác giả đã dùng làm điển tích [梅 骨 瘦 難 支 = mai cốt sấu nan chi = vóc xương thanh lịch như cành mai, gầy quá đi như không đứng được].

Chú giải và dẫn điển

[1] Giống hữu tình = hạng người tài hoa. Sách nho có chỗ nói: Hạng thánh nhân thì không có tình, hạng ngu đần thì không biết tình là gì, chỉ có hạng người tài hoa mới là hạng người hữu tình. Bởi vậy người ta gọi bọn người tài hoa là [情 種 = tình chủng = giống đa tình]. Đây nói Kim Trọng, Thúy Kiều đều là tình chủng.

[2] Mối tơ mành = sợi tơ rất mỏng manh mà khó dứt đứt được; đó tức là sợi tơ tình, không trông thấy mà gỡ không ra, dứt không đứt được.

[3] Canh cánh = vương vít như gài bám vào lòng.

[4] Sầu giong: Xem lời đính chính câu 247 bên trên.

[5] Ba thu dón lại một ngày: Kinh Thi có câu  [ 一日不 見 如 三 秋 兮 = nhất nhật bất kiến như tam thu hề = một ngày không thấy mặt nhau, lâu bằng ba mùa thu]. Chữ dón nghĩa là rèn cái que sắt cho nhỏ lại và dài ra.

[6] Mấy lần khóa kín phòng the –“Mấy lần khóa kín” do bốn chữ “Ngân thược trùng quan”. Các bản quốc ngữ chép nhầm “mấy lần” ra “mấy tần” hoặc “mây Tần” thật vô nghĩa.

[7] Bóng hồng = hình bóng người con gái đẹp. Liệu nẻo = đoán chừng có lẽ bóng vía nàng sẽ tìm đến đây với ta, trong lúc nàng mơ ngủ.

[8] Đĩa dầu – Người ta đốt đèn bằng dầu hột, đổ dầu vào đĩa rồi thả bấc vào, để một đầu bấc hở trên miệng đĩa mà đốt.

[9] Trúc se ngọn thỏ – Bút viết chữ hán quản làm bằng ống trúc, ngòi làm bằng lông thỏ. Trúc se ngọn thỏ ý nói khi chàng muốn làm thơ, thì nghĩ không ra, hình như ngòi bút nó khô mực lại, viết không được.

[10] Phím loan = phím đàn hình đầu ngoài thường làm hình đầu chim phượng. Tơ chùng phím loan ý nói khi chàng muốn gẩy đàn cho khuây thì gẩy không ra tiếng, như dây đàn chùng cả đi.

[11,12] Mành tương = mành làm bằng những gióng trúc con, da có vân đồi mồi, tiện ra từng đoạn ngắn, rồi xâu lại thành từng dây dài mà treo nhiều dây rũ xuống thành bức mành che cửa. Khi gió thổi vào, tiếng trúc đụng nhau kêu xoang xoảng như tiếng đàn.

[13,14] Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình – Xem lời xác định câu 250 bên trên. Chàng Kim thấy gió đụng mành kêu cho là mộng hồn Kiều đến với mình, vội vàng đốt hương lên để mừng và pha trà để cùng uống, chàng thấy mùi hương thơm nồng ngậy lên những mùi chàng nhớ đã được ngửi lúc chiều và vị nước trà đậm đà quá như khan họng những giọng tình trước mặt nàng.

[15] Duyên nợ ba sinh = ba đời, ba kiếp; đôi tình nhân đã thề ước mà không lấy được nhau, thì phải trải qua ba đời lời thề ấy mới tan. Điển tích từ Tình sử: Lý Nguyên [李源] và Viên Trạch [圓 澤] yêu nhau tha thiết. Khi nàng Viên ốm nặng gần chết hẹn với chàng Lý 12 năm sau thì đến Hàng Châu gặp nhau. Lúc chàng đến Hàng Châu chỉ gặp thằng bé chăn trâu hát rằng:

(1) [三 生 石 上 舊 精 魂  = tam sinh thạch thượng cựu tinh hồn = tinh hồn trên đá ba sinh] (2) [賞 月 吟 風 不 要 言 =thưởng nguyệt ngâm phong bất yếu ngôn = thưởng trăng hát gió, kể tình nữa chi]  (3) [慚 愧 故 人 遠 相 訪 =tàm quý cố nhân viễn tương phỏng = thẹn mình gặp bạn cố tri] (4) [此 身 雖 異 性 長 存 =thử thân tuy dị tính trường tồn = thân này dù khác, tình kia vẫn còn] .

[16] Ví chăng duyên nợ ba sinh / làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi = nếu không có duyên nợ kiếp trước với nhau, thì làm gì nàng lại nhìn theo ta, như vậy để làm lòng ta vương vít. Điển lấy từ Tây Sương Ký: Khi Thôi Oanh Oanh thấy Trương Hồng vào, nàng vội tránh vào buồng, nhưng lại ngó lại nhìn chàng một cái, làm cho chàng say sưa và nghĩ:

[我 明 日透 骨 髓 相 思 病 纏 =Ngã minh nhật thấu cốt tủy, tương tư bệnh triền] 

[怎 當 她  臨 去 秋 波 那 一 轉 =Chẩm đương tha lâm khứ, thu ba ná nhất chuyển]

[我 便 鉄 石 人 也 意 惹 情 牽 =Ngã tiện thiết thạch nhân dã, ý nhạ tình khiên]

Ba câu trên có nghĩa = Ngày mai ta sẽ mắc bệnh tương tư thấm vào đến xương tủy. Ta chịu sao nổi cái khóe mắt của cô ta khi lánh đi, lại ngó lại liếc ta một cái. Ta dẫu có là người sắt đá cũng phải để ý vương tình.

[17] Kỳ ngộ = cuộc gặp gỡ lạ lùng tình cờ.

[18] Nước ngâm trong vắt ngụ ý nói chỉ thấy nước im lặng trong vắt chẳng có bóng ai như chiều hôm qua nữa.

[19] Kháy trêu = có ý đùa cợt trêu ghẹo cho tức, cho thẹn.

[20] Nhớ ít tưởng nhiều = thật ra chỉ nhớ có ít, nhưng vì cứ tưởng tượng thêm mãi ra, niềm nhớ mới tăng lên nhiều.

[21] Lam kiều = cầu Lam. Bùi Hàng [裴 航] đời Đường gặp cô tiên tên là Vân Kiều phu nhân, có cho chàng một bài thơ trong có câu [藍 橋 本 是 神 仙 窟 = Lam kiều bản thị thần tiên quật = Lam kiều là chỗ thần tiên ở]. Về sau, một hôm chàng đi qua cầu Lam vào một quán xin nước uống, gặp nàng tiên Vân Anh [雲 英] đẹp lắm. Chàng ước ao muốn lấy, bà mẹ nàng bảo nếu tìm được cái chầy ngọc để bà tán thuốc thì bà gả nàng cho. Khi chàng được một bà tiên cho chầy ngọc, đem lại nộp thì lấy được Vân Anh. Lam kiều đây chỉ nhà Thúy Kiều ở.

[22] Lá thắm – Đời vua Đường Huy Tông, Vu Hựu vớt được một cái lá ngô đồng màu đỏ từ ngòi nước ở trong cung vua chảy ra, trên lá có đề bài thơ hẹn ai bắt được lá này thì kiếp sau sẽ lấy làm chồng. Hựu quý lắm, về giữ cẩn thận, và cũng lấy cái lá ngô đỏ khác đề thơ họa lại, rồi lên đoạn ngòi trên cung vua mà thả xuống cho trôi vào. Sau có lệnh thải các cung nữ cho ra lấy chồng, Hựu lấy được cô họ Hàn và cả hai bên đều còn giữ đủ hai lá đề thơ.

[23] Chim xanh – Vua Hán Vũ Đế một hôm sắp đi chơi xa, bỗng thấy hai con chim xanh bay vào hành cung. Đông Phương Sóc tâu nhà vua chúng là sứ giả của bà Tây Vương Mẫu đưa tin báo trước. Được một lúc, quả nhiên bà đến thật.

[24] Mỉa mai = chê cười chế nhạo (sáng tìm Kiều như bị lau sậy trêu cười ở ngoài đồng ; trưa tìm Kiều thì như bị chim oanh cười chế ở trước cổng nhà Kiều).

[25] Dẫy = đầy. Ta cũng hay nói đầy dẫy.

[26] Trót giờ lâu = đứng trọn vẹn lâu một giờ.

[27] Ngô Việt thương gia = nhà buôn bán xa ở vùng đất Ngô đất Việt, là vùng phía đông nam nước Tàu. Từ Bắc Kinh xuống Ngô Việt xa lắm.

[28] Du học = từ xa đến đó ở trọ để học hành.

[29] Cặp sách = cái quang treo sách chữ nho, làm bằng gỗ, dưới có cái ván gỗ rộng độ 2 gang, dài độ 3 gang, 2 đầu có đục 2 cái lỗ để lùa 2 thanh gỗ lên làm thành cái quang để xếp 2 chồng sách vào. Khi ở nhà thì treo lên, khi đi đâu thì gánh cho tiện.

[30] Đề huề = dọn sách vở đồ đạc sang nhà trọ một cách đàng hoàng có ý cho ai cũng biết, để hòng đưa tin đến hai cô láng giềng rõ chuyện mình đến đó.

[31] Đá = cảnh núi non bộ chất đá ở giữa cái hồ con.

[32] Lãm thúy hiên [攬 臎 軒] – Xem lời đính chính câu 281 bên trên.

[33] Suy ý chữ bài – Xem lời đính chính câu 281 bên trên.

[34] Song hồ = cửa sổ, cánh có dán một thứ giấy phết dầu cho trong, ánh sáng có thể qua được.

[35] Cánh mây = cánh cửa ở trên gác cao.

[36] Tường đông = nhà phái nữ trú ngụ.

[37] Động khóa nguồn phong – Xem lời đính chính câu 285 bên trên.

[38] Nhẫn – Xem lời xác định câu 287 bên trên.

[39] Thèm haiThèm = sắp sửa. Thèm hai = sắp sửa được hai tháng rồi.

[40] Phải = bất kỳ gặp phải. Truyện Kiều có mấy chỗ chữ phải có ngụ ý thật ra là hữu tình mà làm ra như có vẻ vô tình mà xảy ra như vậy. Chữ phải trong câu “Buồng the phải buổi thong dong” dùng nghĩa này, để nói : gặp buổi tết đoan ngọ thong dong vắng khách nên Kiều vô ý tắm trần không đóng cửa, chứ thực ra Kiều dụng tâm làm ra vô ý để Thúc Sinh được nhìn rõ tấm thân thoát y của mình như một tòa thiên nhiên”, mục đích để cố kết lòng chàng hết sức ra tay cứu mình khỏi lầu xanh.

[41] Tường gấm = bức tường có đắp hình mây, hình triện nổi lên cho đẹp. Xem lời giải [53] về chữ bực mây bên dưới.

[42] Cất lấy = lấy tay sẽ nhấc cao cành hoa lên mà lấy ra một cách rất nhẹ nhàng, nâng niu để khỏi gãy, khỏi rơi.

[43] Khuê các = buồng trên gác, nơi đàn bà con gái ở rất lịch sự.

[44] Ướm lòng = thử nói để dò xét xem lòng nàng ra ý thế nào.

[45] Hư không = bỗng dưng.

[46] Hợp phố xưa kia thuộc về Giao châu (tên gọi nước Nam ta ngày trước), nay thuộc miền giáp biển tỉnh Quảng đông nước Tàu. Hồi bắc thuộc, quan Tầu tham nhũng bắt dân Hợp phố mò ngọc trai đem nộp, cho nên các loài trai có ngọc bỏ đi nơi khác hết. Sau có quan thứ sử là Mạnh Thưởng làm quan thanh liêm, loài ngọc trai lại trở về Hợp phố. Điển tích lấy từ câu [珠 還 合 浦 = châu hoàn Hợp phố = của quý của ai lại trả về người ấy].

[47] Tiếng kiều – Xem lời đính chính câu 307 bên trên.

[48] Nào của mấy mươi = có đáng giá bao nhiêu đâu.

[49] Trọng nghĩa khinh tài = lòng đứng đắn biết trọng điều nghĩa mà khinh của cải.

[50] Lân lý [隣 里] – Lân = hàng xóm. = làng.

[51] Gạn = hỏi tỉ mỉ rõ ràng mọi điều.

[52] Niềm tây = điều riêng tư trong lòng.

[53] Bực mây = những hình mây đắp nổi lên ở mặt tường gấm có thể dùng làm bực leo lên được. Có bản giải thích bực mây là bực vân thê [雲 梯] (thang mây) thật là lầm, vì vân thê là thứ thang để trèo lên ngó vào thành giặc, cao hàng 4 hay 5 mươi thước, phần dưới là cái bục cao có bốn bánh xe, nhiều người có thể đi kín ở dưới đẩy bục thang đi được. Trên bục dựng hai từng thang, mỗi từng cao 20 thước. Thang mây cao như thế, chứ đâu phải cái thang thường ta dùng.

[54] Dón bước = trèo một cách nhanh nhẹn.

[55] Sượng sùng = ngượng nghịu, e thẹn.

[56] Ngẫu nhĩ = tình cờ, bỗng dưng.

[57] Đã chồn = đã mỏi mệt lắm.

[58] Rũ mòn – Xem lời xác định câu 325 bên trên.

[59, 60] Tháng tròn như gửi cung mây / trần trần một mực ấp cây đã liều – Cung mây tức cung trăng ở trên mây, ý nói chỗ người đẹp ở như cô Hằng Nga trên cung trăng. Ấp cây là điển tích lấy từ ba chữ [守 株 人 = thủ châu nhân = người giữ gốc cây]. Xưa có anh thợ cầy ngồi nghỉ ở gốc cây, bỗng một con thỏ sợ chó săn, chạy đâm đầu vào gốc cây chết, anh ta bắt được. Từ hôm đó ngày nào anh ta cũng ra ngồi giữ gốc cây ấy để đợi bắt thỏ. Ý nói Kim Trọng bõ công hàng tháng để mong may ra được gặp Kiều.

[61] Đài gương cũng như lầu trang là tiếng tôn trọng gọi nơi đàn bà con gái cư ngụ. Đây là lời tôn trọng Kim Trọng dùng để gọi Kiều.

[62] Dấu bèo là tiếng Kim Trọng nói nhún, tự coi mình hèn mọn như bèo ở đâu trôi đến.

[63, 64] Thói nhà băng tuyết = nhà tôi vốn là nhà nề nếp đứng đắn. Chất hằng phỉ phong = nhún mình là một gái quê mùa biết giữ lễ nghĩa. Kinh Thi có câu [采 葑 采 菲 無 以 下 體 = thái phong, thái phỉ, vô dĩ hạ thể = hái rau phong, hái rau phỉ, chớ vì phần dưới cứng ăn không ngon mà bỏ]. Rau phỉ, rau phong ngọn gốc đều ăn được, nhưng phần gốc lúc già ăn không ngon, nên bị bỏ. Hàm ý của câu kinh Thi này = vợ chồng phải lấy nghĩa mà yêu nhau suốt đời, chớ có khi trẻ đẹp thì yêu, khi già xấu thì bỏ.

[65] Lá thắm – Xem lời giải [22] bên trên.

[66] Chỉ hồng = duyên vợ chồng, do điển tích Vi Cố như sau : Vi Cố [韋固] học giỏi đang kén vợ. Một hôm thấy ông cụ già ngồi dưới bóng cây giở một cuốn sách ra coi, bên mình có một túi chỉ đỏ. Cố hỏi sách gì, thì ông bảo “Tập sổ biên những cặp vợ chồng phải lấy nhau. Khi ta biên tên vợ chồng vào sổ này và lấy hai sợi chỉ hồng ở túi này mà se với nhau, thì dù hai bên giàu nghèo, sang hèn khác nhau thế nào, cũng phải lấy nhau thành vợ chồng.” Cố hỏi đùa ông cụ se tôi lấy ai, thì ông cụ chỉ vào đứa con gái rách rưới bẩn thỉu, mẹ đặt ngồi ở bờ ruộng để mẹ hái rau. Rồi ông cụ biên tên và lấy hai sợi chỉ se với nhau. Cố giận lắm, thuê người giết con bé, và yên trí là con bé đã chết rồi. Sau Cố long đong mãi không tìm được vợ, kết cục vẫn phải lấy người con gái có thẹo ở mang tai ; và nàng nói lúc bé bị tên giặc chém nhưng may không chết.

[67] Rầy gió mai mưa = việc đời thay đổi bất kỳ, nay may gặp nhau rồi sau đây không gặp được nữa.

[68] Dù chăng = nếu không.

[69] Khuôn thiêng = ông trời. Đây ám chỉ cha mẹ, để trả lời câu Kiều nói “nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.” Nhưng không dám nói thẳng là cha mẹ phụ lòng, e bất nhã, phải nói tránh ra là nếu trời phụ lòng.

[70] Lượng xuân = độ lượng rộng rãi bao dung mọi người, lấy ý từ câu [春 毓 海 涵 = xuân dục hải hàm = hơi xuân nuôi muôn vật, lòng biển chứa muôn sông]. Ý nói bụng dạ rộng rãi tử tế.

[71] Chiều xuân = lòng xuân, do hai chữ xuân tứ [春 思] hay xuân tình [春 情] dịch ra.

[72] Nét thu lấy ý từ hai chữ [秋 波 =thu ba = sóng mùa thu] nghĩa là ánh mắt nhìn có tình tứ.

[73] Tạc đá vàng = nhận lời một cách trịnh trọng như khắc vào bia đá biển vàng.

[74] Khăn hồng = chiếc khăn vuông gói đôi xuyến vàng.

[75] Trăm năm = sự kết duyên làm vợ chồng.

[76] Bả = lấy hai tay nâng mà đưa lên trao một cách trịnh trọng. Hai tay dâng chén rượu lên mời khách chữ Hán là bả tửu [把 酒].

[77] Quạt hoa quỳ = cái quạt giấy đẹp Kiều có vẽ hình hoa quỳ (một giống hoa sen thơm đẹp hướng dương) để tỏ lòng lúc nào cũng muốn ngưỡng mộ chàng. Bả quạt hoa quỳ = hai tay nâng chiếc quạt hoa quỳ lên mà dâng cho chàng làm kỷ niệm. Nhiều bản Kiều, vì người xuất bản không hiểu chữ bả nên đã đổi cả câu “Sẵn tay bả quạt hoa quỳ” ra là “Sẵn tay khăn gấm, quạt qùy” thật là vô vị thô lỗ. Họ không biết rằng quạt hoa quỳ và quạt quỳ khác nhau một trời một vực.  Quạt hoa quỳ như đã nói ở trên, đẹp quý và ý nhị biết bao nhiêu ; còn quạt quỳ (chữ nho gọi là bồ quỳ phiến [蒲葵 扇]) chỉ là cái quạt làm bằng tàu lá cây bồ quỳ (một loài lá gồi) cắt bỏ những tua lá ở chung quanh đi, hình thành cái quạt tròn tròn. Ai lại đem thứ quạt ấy tặng một tình nhân hào hoa như Kim Trọng bao giờ ? Lại còn chiếc khăn gấm đỏ nữa, ở đâu ra mà nói là sẵn tay ? Sau lại để đâu, suốt câu chuyện không thấy nói đến cái khăn gấm ấy chút nào nữa.

[78] Tất giaoTất [漆] = sơn. Giao [膠] = keo. Tất giao là hai thứ nhựa để gắn bó rất chắc. Ý nói Kim Kiều thề ước với nhau rất nghiêm trang.

Diễn ra văn xuôi

Câu 243, 244 = Thế mới biết đã là hạng người vào bực hữu tình, thì đố ai gỡ cho xong được cái mối tơ tình, dù nó rất mong manh.

Câu 245, 246 = Chàng Kim từ lúc về đến phòng học, lúc nào cũng canh cánh nghĩ đến Kiều, không muốn nghĩ đến chuyện gì khác cho khuây nỗi nhớ ấy đi.

Câu 247, 248 = Chàng không biết nén hãm lòng sầu nhớ để khuây ngủ đi, lại cứ tung thả mãi ra như giong cương cho con ngựa sầu nhờ nó đuổi theo thì giờ cho đêm chóng sáng. Nhưng càng thức càng mong thì những khắc canh càng thấy chậm chạp dài thêm mãi ra, rõ ràng đúng như câu trong Kinh Thi, tạm dịch : “Một ngày chẳng thấy mặt nhau / coi dài đằng đẵng khác nào ba thu.”

Câu 249, 250 = Chàng nghĩ giờ này nàng đã khóa kín cửa buồng để ngủ rồi, và có lẽ mộng hồn nàng đang tìm đường đi về đây với mình.

Câu 251, 252 = Chàng không sao nhắm mắt ngủ được. Lúc thì ngắm vầng trăng khuyết, lúc thì nhìn đĩa dầu đèn cạn dần. Lúc thì mặt chàng ngẩn ngơ tưởng nhớ đến mặt nàng, lúc thì lòng chàng bất ổn vì không biết lòng nàng có tưởng nhớ chàng, như chàng tưởng nhớ nàng không ?

Câu 253, 254 = Chàng cảm thấy phòng học chàng vắng lạnh như đồng. Chàng muốn viết thơ để tỏ tình nhớ mến, nhưng nghĩ không ra lời, ngọn bút lông chấm mực đã khô đi mà không viết được câu nào. Chàng muốn gẩy đàn để tỏ nỗi sầu mong, mà không sao gẩy được thành tiếng, như phím dây đàn sửa vặn thế nào cũng vẫn chùng mãi.

Câu 255, 256 = Bỗng hơi gió thoảng đến, làm cho những chuỗi suốt tre hoa ở bức mành cửa đụng nhau kêu như tiếng đàn ; cho là mộng hồn Kiều đến, chàng vội vàng đốt hương để chào đón và pha trà để mời cùng uống với nhau. Chàng thấy mùi khói hương nồng ngậy lên những mùi thơm như mùi nàng mà chàng còn nhớ thoang thoảng từ chiều hôm qua ; chén trà chàng uống ở trước mộng hồn Kiều, thấy vị trà thật đậm đà, thấm thía đầy giọng tình làm cho khan cả cổ họng chàng.

Câu 257, 258 = Chàng những lo không biết rồi ra có lấy được nàng không, nhưng chàng lại mừng lòng yên chí rằng nếu không có duyên nợ ba kiếp với nhau, thì làm sao mà nàng lại nghé mắt liếc theo chàng một cách tha thiết đằm thắm như trêu như ghẹo khi chàng lên ngựa ra về, làm cho chàng phải vương vít tâm tư như vậy ?

Câu 259, 260 = Lòng chàng lúc nào cũng buâng khuâng, nào là nhớ cảnh chiều qua, nào là nhớ mặt nàng, nào là nghĩ đến chỗ tình cờ may mắn gặp nhau. Thế là lúc sáng ra, chàng vội vàng đi ra chỗ đó với đầy lòng si tưởng.

Câu 261, 262 = Nhưng nào có thấy ai ở đó nữa đâu. Chỉ thấy bãi cỏ xanh rì vắng teo và ngòi nước trong veo lặng lẽ chảy, chẳng còn bóng ai chiếu xuống nữa.

Câu 263, 264 = Chàng đứng tần ngần đó mãi, bỗng thấy gió chiều thổi đến như khiêu gợi nỗi sầu và những ngọn lau sậy hiu hắt phất phơ như có vẻ trêu ghẹo chế nhạo chàng.

Câu 265, 266 = Riêng cái trò tương tư nó vẫn thế – nhớ thì ít, nhưng nghĩ đến người tình thì nhiều. Càng tưởng càng nhớ quá, chàng nghĩ rằng thế nào cũng phải đến tận nhà nàng thì mới gặp được nàng. Cũng như Bùi Hàng xưa có đến Lam kiều mới gặp được Vân Anh, chàng xăm xăm theo lối đi thẳng đến nhà Kiều.

Câu 267, 268 = Nhưng ôi ! Khi đến nơi, thì chỉ thấy tường cao ngất, cổng đóng kín, trông thật trang nghiêm thăm thẳm, đúng là hết cách nhắn đưa tin tức.

Câu 269, 270 = Trên ngọn tường thì có mấy cành liễu lơ thơ như mành che, và mấy con hoàng oanh đang líu lo học nói ở trên cành như có ý mỉa mai chế nhạo chàng.

Câu 271, 272 = Chàng nhòm qua khe cổng, thì chỉ thấy mấy lần cửa đóng gài then cẩn thận và hoa rụng đầy thềm mà chẳng thấy bóng ai.

Câu 273 đến 276 = Chàng đứng ngắm tần ngần suốt một giờ lâu rồi đi dạo quanh khu nhà, thì thấy mé sau khu nhà Kiều có nhà một người lái buôn xa ở mãi vùng Ngô Việt chưa về, nhà vẫn bỏ vắng, buồng không ai ở.

Câu 277, 278 = Chàng bèn mượn cớ là du học mà hỏi thuê, rồi đường hoàng thong thả mang túi đàn, mang cặp sách dọn đến ở.

Câu 279, 280 = Nơi nhà này có cây cảnh đẹp, có núi non bộ bằng đá, nhất là lại có mái hiên ngồi ngắm cảnh, biển đề là Lãm Thúy Hiên,” nét chữ thếp vàng còn chưa phai.

Câu 281, 282 = Chàng rất mừng, vì cứ suy ý ba chữ thếp vàng đề ở biển này mà đoán, thì chắc chàng và Kiều đã có duyên trời định từ ba kiếp xưa với nhau rồi. (Chàng suy luận ba chữ Lãm Thúy Hiên cũng có nghĩa “mái hiên để Kim (vàng) vơ (lãm) được Thúy (Kiều).” Xem lời chú giải [32] và lời đính chính câu 281 bên trên.

Câu 283, 284 = Từ ngày đến ở đây, ngày ngày chàng ngồi trong cửa sổ mở hé nửa cánh cửa ra mà ghé mắt trông sang phía tường nhà họ Vương.

Câu 285, 286 = Tuy chỉ gần trong gang tấc, nhưng rõ như động tiên khóa cửa, nguồn đào lấp lối, rõ gần mà hóa xa xôi tít mù, chẳng thấy bóng Kiều ra vào bao giờ.

Câu 287, 288 = Tính từ hôm chàng dọn đến ở nơi nhà thuê này, dần dà đã gần hai tuần trăng rồi.

Câu 289, 290 = Bỗng một hôm trời êm gió mát, tình cờ chàng thấy bên kia tường như có bóng người đi thướt tha dưới cây đào.

Câu 291, 292 = Chàng đương gẩy đàn, liền buông cây đàn xuống và vội vàng xốc áo chạy ra, thì người đã đi khỏi rồi, chỉ còn lại mùi nước hoa thơm phức.

Câu 293, 294 = Chàng đi men theo quanh bức tường gấm mà ngó xem, thì bỗng thấy một cành kim thoa vướng ở trên cành cây đào.

Câu 295, 296 = Chàng liền giơ tay lên, nhấc cao chiếc thoa lên mà lấy đem về. Chàng tự hỏi Cái của quý ở nơi khuê các này cớ sao mà lại đến đây ?

Câu 297, 298 = “Ngẫm coi, người đẹp sang như thế, mà của quý báu như vầy, nếu mà chẳng có duyên với nhau, thì sao lọt vào tay ta được ? ”

Câu 299, 300 = Rồi lúc nào chàng cũng cầm chiếc thoa trên tay mà ngắm nghía cho đến mãi tối đêm quên cả nằm ngủ, và lúc nào mùi hương trầm chiếc thoa chưa phai cũng thoảng bốc lên làm cho lòng chàng say mê ngửi mãi.

Câu 301, 302 = Ngày hôm sau trời mới mờ sáng, đã thấy bóng người quanh quẩn ra ý tìm tòi ở dưới gốc đào bên kia tường.

Câu 303, 304 = Chàng đã có ý đợi chờ, mới đứng cách mặt bên này bức tường mà đưa lời sang nói để ướm xem lòng người bên kia tỏ ra sao.

Câu 305, 306 = Chàng lên tiếng Mình bỗng tình cờ bắt được một cành kim thoa, muốn trả lại mà chẳng biết là của ai đây !”

Câu 307, 308 = Vừa dứt lời, thì chàng nghe có giọng nói trẻ trung đáng yêu thưa lại ngay rằng “Tôi rất cảm ơn lòng người quân tử chẳng sá gì chút của rơi mà mong trả lại. ”

Câu 309, 310 = Chiếc thoa của tôi nào có là của đáng mấy mươi đâu, nhưng tấm lòng trọng nghĩa khinh tài của người mới thật đáng quý, không biết bao nhiêu mà kể cho xiết được.

Câu 311, 312 = Biết đích xác ý Kiều rồi, chàng đáp lời Tôi đây vẫn là chỗ hàng xóm láng giềng, ra vào gần đây luôn luôn thôi, chứ nào phải người xa lạ gì đâu ! ”  

Câu 313, 314 = “Đã lâu lắm rồi, mãi đến hôm nay, mới nhờ chút của rơi này mà gặp được nhau, thật là đã làm rầu rĩ thiểu não lòng tôi lắm ! ”

Câu 315, 316 = “Vậy xin cô dừng chân đứng đợi một chút cho tôi được gạn hỏi cặn kẽ đôi câu cho hiểu lòng nhau.

Câu 317, 318 = Rồi chàng vội chạy về nhà lấy thêm đôi xuyến vàng và một vuông khăn là đỏ đem ra.

Câu 319, 320 = Chàng lanh lẹ sẽ ghé chân vào nét triện mây đắp nổi ở bức tường gấm làm bực mà trèo qua ngọn tường. Sang bên kia rồi, chàng nhận đúng rõ ràng là người hôm nọ.

Câu 321, 322 = Lúc mới, hai người còn sượng sùng giữ ý rụt rè, chàng thì đưa mắt nhìn tận mặt, nàng thì cúi đầu e thẹn.

Câu 323, 324 = Chàng nói Từ hôm bất kỳ gặp nhau, lòng tôi lúc nào cũng âm thầm mong cô, nhớ cô, rõ thật mệt nhọc quá. ”

Câu 325, 326 = “Người tôi vốn đã gầy như cành mai, lại vì mong nhớ mà hao mòn thêm, lắm lúc như muốn lả xuống. Nhưng may sao trời dun dủi còn có hôm nay được gặp nhau ở đây. ”

Câu 327, 328 = “Suốt cả tháng nay, lòng tôi lúc nào cũng như gửi ở bên cô, tuy không chắc được gặp cô nữa, nhưng tôi vẫn một mực liều thân giữ một niềm, chẳng khác gì anh thợ cày ngày ngày ra ngồi gốc cây mà đợi thỏ. ”

Câu 329, 330 = “Nay tiện đây tôi xin hỏi cô có lòng chiếu cố đến kẻ hèn này không ?”

Câu 331, 332 = Kiều thấy chàng hỏi câu hệ trọng quá, khiến lòng nàng rất ngẩn ngơ, mới thưa rằng “Gia đình tôi là một nhà nền nếp trong sạch, trang nghiêm, còn tôi là một gái quê mùa thật thà biết giữ lễ nghĩa. ”

Câu 333, 334 = “Dù có hẹn hò về cuộc tình duyên nữa, thì việc nên hay không nên, cũng phải tùy lòng cha mẹ định liệu. ”

Câu 335, 336 = “Chứ giờ đây vì lòng quân tử quá thương mến tôi mà hỏi tôi như vậy, thì tôi còn trẻ thơ quá, biết đâu mà dám thưa lại !”

Câu 337, 338 = Chàng đáp “Đành vậy, nhưng sự trời nay gió mai mưa, biến đổi khó liệu trước được, dễ đã mấy khi tình cờ gặp nhau vui như thế này. ”

Câu 339, 340 = “Nếu cô không xét soi thấu rõ tấm tình si của tôi, thì thiệt thòi cho tôi quá, mà chẳng ích gì cho ai cả. ” 

Câu 341, 342 = “Tôi chỉ xin cô gắn bó với tôi một lời trước thôi, cho tôi được đành lòng yên chí, rồi sau tôi sẽ xin liệu cách tìm người đi lại mối manh đường hoàng, cô chớ ngại. ”

Câu 343, 344 = “Một khi chúng ta đã gắn bó một lời với nhau rồi thì dù ông trời kia có phụ tấc lòng thành của chúng ta chăng nữa, chúng ta cũng đành liều bỏ qua cả cuộc đời xuân xanh của chúng ta, không lấy ai nữa. ”

Câu 345, 346 = “Còn như chính cái độ lượng bao dung của cô như độ lượng vui hòa mùa xuân bao dung cả muôn vật kia, nay nó lại quá hẹp hòi chẳng bao dung tôi, thì chả hóa ra thiệt thòi cho công đeo đuổi của tôi lắm ru !”

Câu 347, 348 = Nàng đứng im lặng nghe lời chàng êm ái như ru. Những lời êm ái như gió xuân đó dễ khiến lòng nàng mê say nao núng lộ ra khóe mắt ngại ngùng, e thẹn ở trước mặt chàng.

Câu 349, 350 = Rồi nàng ngập ngừng ngỏ lời thưa rằng Trong buổi gặp nhau mới mẻ ta còn lạ lùng nhau này mà để chàng phải nài gạn mãi, em nể lòng chàng lắm, không lẽ nào cầm lòng không nhận lời chàng được. ”

Câu 351, 352 = “Vậy em xin thưa, tấm lòng chàng quân tử đã đa mang đến em tha thiết như vậy, thì em xin trân trọng nhận lời sẽ kết nghĩa trăm năm thủy chung với chàng và xin giữ lời này lâu bền như tạc vào bia đá, khắc vào biển vàng.”

Câu 353, 354 = Được Kiều nhận lời, chàng thật hả hê, lòng như được cởi mở ra, liền giở cành kim thoa và gói khăn hồng bọc đôi xuyến vàng cẩn trọng trao tận tay Kiều.

Câu 355, 356 = Và nói “Cuộc trăm năm của đôi ta kể từ hôm nay, và tôi xin nàng nhận cho một chút của này làm kỷ niệm, ghi nhớ mãi mãi.”

Câu 357, 358 = Kiều cũng lấy chiếc quạt nàng có vẽ đóa hoa quỳ cầm sẵn ở tay, và chiếc thoa vừa nhận được, để vào hai bàn tay mà kính cẩn nâng lên ngang mặt trao dâng cho chàng, để đánh đổi lấy đôi xuyến vàng do chàng tặng.

Câu 359, 360 = Hai bên cùng trao lời thề hẹn gắn bó chặt chẽ như keo sơn với nhau vừa xong thì mé sau như có tiếng người xôn xao.

Câu 361, 362 = Thế là vội vàng chia tay nhau, chàng thì về thư phòng, nàng thì về lầu trang.

Những câu hay chữ có ý móc nối

“Cho hay là giống hữu tình / đố ai gỡ mối tơ mành cho xong” là câu rất hay để chuyển tiếp cuộc tương tư của Kiều với cuộc tương tư của Kim Trọng. Tác giả khéo dùng hai chữ “đố ai” vừa để khuyên người đời chớ có để lòng vướng vào mối tơ tình mong manh lúc mới mà rồi gỡ khó ra, vừa để khuyên đời chớ trách giống hữu tình vương vào lưới tình như Kim Trọng và Thúy Kiều, chỉ vì một cái “nghé theo” hay “nhác thấy” lúc đầu mà rồi khó gỡ.

“Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây” dùng ý móc nối với nhiều câu ở dưới. Vì chàng bâng khuâng nỗi nàng nên mới có sự giong sầu suốt đem dài mất ngủ, càng khắc càng chầy, hết ngắm vầng trăng khuyết lại ngắm đĩa dầu hao. Cũng vì thế mới có sự buồng văn lạnh lẽo, bút khô mực, đàn chùng dây ; mới có sự mơ tưởng mộng hồn nàng đến, đốt hương chào mừng, pha trà cùng uống ; rồi ngày hôm sau mới có sự vội vã ra nơi kỳ ngộ để bị nhìn lau sậy nó kháy trêu, lại xăm xăm đến Lam kiều để bị nghe chim oanh nó mỉa mai.

“Mấy lần khóa kín phòng the / bóng hồng liệu nẻo đi về chiêm bao” móc nối khẩn thiết với câu “Mành tương phân phất gió đàn / hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình” vì chàng Kim tưởng tượng như Kiều đã đóng cửa đi ngủ, cho mộng hồn được lại với chàng nên khi thấy gió làm bức mành tương kêu, chàng cho là mộng hồn Kiều đến thăm mình, nên chàng đốt hương pha trà đón tiếp.

Hai câu “Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu” và “Gió chiều như gợi cơn sầu” tả lòng Kim Trọng bâng khuâng nhớ Kiều, đối lại với hai câu : “Bóng tà như giục cơn buồn” và “Dưới cầu nước chảy trong veo” tả lòng Kiều bâng khuâng nhớ Kim Trọng.

Câu “Lơ thơ tơ liễu buông mành” ở trước nhà Kiều ngầm tả lòng Kim Trọng bực vì những cành liễu có thể che khuất bóng Kiều, đối lại với câu “Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha” ngầm tả lòng Kiều trách liễu hình như phất phơ đưa Kim Trọng đi để trêu nàng.

Ở câu “Gió đâu sịch bức mành mành” thì gió thổi mành làm cho Kiều đương mơ tỉnh dậy, mất bóng Đạm Tiên. Ở câu “Mành tương phân phất gió đàn” thì gió thổi mành làm cho Kim Trọng đương tỉnh hóa mơ như thấy mộng hồn Kiều. Ý văn trong hai ngữ cảnh lần lượt tả Kiều và Kim móc nối nhau một cách kỳ diệu.

Vẫn một cảnh “nước trong,” câu “Dưới dòng nước chảy trong veo” thì làm cho Kiều ngẩn ngơ vì không còn bóng chàng Kim cưỡi ngựa qua cầu nữa ; câu Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu” thì làm cho chàng Kim ngẩn ngơ vì không còn bóng Kiều chiếu xuống dưới nước như hôm qua nữa.

Hai chữ “làm chi” ở câu “Người đâu gặp gỡ làm chi thì tả lòng Kiều đương mừng bỗng lo ; hai chữ “thì chi” ở câu “Thì chi đem thói khuynh thành trêu ngươi” thì làm cho Kim Trọng đương lo hóa mừng.

Hai chữ nét vàng” ở câu “Có hiên Lãm Thúy nét vàng chưa phai mới đọc thì tưởng là thừa, chỉ đặt để lấy vần với câu trên, nhưng đâu phải thế – chính chữ vàng này là chữ rất quan trọng trong câu. Lãm Thúy Hiên mà thếp vàng, nói ngược lại có phải là Kim Lãm Thúy Hiên không ? Lời nói ngược này có hàm ý “đây là mái hiên nơi chàng họ Kim vơ được nàng Thúy” – một điềm tốt quá sự suy đoán của chàng Kim : chàng chỉ đoán lấy được Thúy chị, có ngờ đâu lấy được cả Thúy em !

CHƯƠNG 08

  * * * * *

CÂU 363 ĐẾN CÂU 452

“Vàng đá ân cần, tóc tơ căn dặn”

363. Từ phen đá biết tuổi vàng, [1]
Tình càng thấm thía dạ càng ngẩn ngơ. 
365. Sông Tương một dải nông sờ, [2]
Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia. 
367. Một tường tuyết ủm sương che, 
Tin xuân đâu dễ đi về cho năng. [3]
369. Lần lần ngày gió đêm trăng, 
Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua. [4]
371. Ngày vừa sinh nhật ngoại gia, [5]
Trên hai đường dưới nữa là hai em, [6]
373. Tưng bừng sắm sửa áo xiêm, 
Cần dưng một lễ quỳ đem tấc thành. [7]
375. Nhà lan thanh vắng một mình, [8]
Ngẫm cơ hội ngộ đã rành hôm nay. [9]
377. Thời trân thức thức sẵn bày, [10]
Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường. 
379. Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng, [11, 12]
Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông : 
381. Trách lòng hờ hững với lòng, 
Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu. [13]
383. Những là đắp nhớ đổi sầu, 
Tuyết sương nhuốm nửa mái đầu hoa râm. [14]
385. Nàng rằng : “Gió bắt mưa cầm, [15]
Đã cam tệ với tri âm bấy chầy. [16]
387. Vắng nhà được buổi hôm nay, 
Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng !” [17] 
389. Lần theo núi giả đi vòng, [18]
Cuối tường dường có nẻo thông mới rào. 
391. Xắn tay mở khóa động đào, [19]
Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên-thai. [20]
393. Mặt nhìn mặt càng thêm tươi, 
Bên lời vạn phúc bên lời hàn huyên. [21]
395. Sánh vai về chốn thư hiên, 
Góp lời phong nguyệt nặng nguyền non sông. [22]
397. Trên yên bút giá thi đồng, [23]
Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên. [24]
399. Phong sương được vẻ thiên nhiên, [25]
Mặn khen nét bút càng nhìn càng tươi. [26]
401. Sinh rằng : “Phác họa vừa rồi, [27]
Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa.” [28, 29] 
403. Tay tiên gió táp mưa sa, [30]

Khoảng trên dừng bút thảo và bốn câu.
405. Khen : “Tài nhả ngọc phun châu, [31]
Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này ! [32]
407. Kiếp tu xưa ví chưa dày,
Phúc nào nhắc được giá này cho ngang ?”
409. Nàng rằng : Trộm liếc dung quang, [33]
Chẳng sân bội ngọc cũng phường kim môn. [34]
411. Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay ? [35, 36]
413. Nhớ từ năm hãy thơ ngây,
Có người tướng sĩ đoán ngay một lời : [37]
415. “Anh hoa phát tiết ra ngoài, [38]
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.”
417. Trông người lại ngẫm đến ta,
Một dầy một mỏng biết là có nên ?
419. Sinh rằng : “Giải cấu là duyên,
Xưa nay nhân định thắng nhiên cũng nhiều. [39]
421. Ví dù giải kết đến điều, [40]
Thì đem vàng đá mà liều với thân ! [41]
423. Đủ điều trung khúc ân cần, [42]
Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng.
425. Ngày vui ngắn chẳng đầy gang,
Trông ra ác đã ngậm gương non đoài. [43]
427. Vắng nhà chẳng tiện ngồi dai,
Giã chàng nàng mới kíp dời song sa.
429. Đến nhà vừa thấy tin nhà,
Hai thân còn dở tiệc hoa chưa về.
431. Cửa ngoài vội rũ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
433. Nhặt thưa gương giọi đầu cành, [44]
Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu. [45]
435. Sinh vừa tựa án thiu thiu,
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê.
437. Tiếng sen sẽ động giấc hòe, [46, 47]
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần. [48]
439. Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần, [49]
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.
441. Nàng rằng : “Khoảng vắng đêm trường,
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa. [50]
443. Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao ?”
445. Vội mừng làm lễ rước vào,
Đài sen nối sáp song đào thêm hương. [51, 52]
447. Tiên thề cùng thảo một trương, [53, 54]
Tóc mây một món dao vàng chia đôi.
449. Vầng trăng vằng vặc giữa trời,
Đinh ninh hai mặt một lời song song.
451. Tóc tơ căn vặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương. [55]

Đính chính và xác định

Câu 367 : “Một tường tuyết ủm sương che” – Câu này nghĩa là chỉ có một bức tường phân cách hai người mà thôi, thế mà sao trông nó có vẻ nghiêm trang lạnh lùng như tuyết ủm, như sương che mù mịt hết lối thông tin tức. Chữ ủm câu này các bản kiều quốc ngữ bản thì in là “điểm” bản thì in là “trở” hay là “chở”. Đó là vì chữ “ủm” nôm viết là [黯 (ảm = tối, tiếng nôm ta đọc trạnh ra là ủm), sau vì khắc đi khắc lại khắc lầm [黯 (ủm) ra [點 (điểm). Tôi đã thấy có bản nôm in là [點 (điểm) như vậy. Các nhà xuất bản Kiều quốc ngữ sau, người thì theo nguyên bản nôm dịch là “tuyết điểm sương che”, người thì thấy “tuyết điểm” vô nghĩa, mới đổi là “tuyết trở sương che” hay “tuyết đón sương che” cho có nghĩa. Nhưng “tuyết điểm” vô nghĩa đã đành, mà trở che” hay “che đón”cũng không đúng nghĩa chỗ này, vì “che chở” có nghĩa là bênh vực, chứ không có nghĩa là che kín đường thông tin tức. Còn “trở che” thì không ai nói, người ta chỉ nói “ngăn trở, ngáng trở, hay cách trở” để tỏ ý ngăn cách. Vậy xin đính chính câu này là “Một tường tuyết ủm sương che cho thật đúng chữ, đúng nghĩa.

Câu 374 : “Cần dưng một lễ quý đem tất thành” – “Cần dưng” nghĩa đen là dưng một mớ rau cần, nghĩa bóng là nói khiêm dưng một lễ quê mùa đơn bạc. Hai chữ này lấy điển sách xưa nói có một người trồng được ruộng rau cần, mình ăn thấy ngon, mới mang một mớ to đi biếu quan ; quan ăn chê không ngon, người kia xấu hổ trở về. Sau người ta dùng chữ “cần” để nói khiêm về lễ vật quà cáp của mình cho ai. “Quỳ đem tấc thành” nghĩa là đem tỏ tấm lòng thành kính quý mến như hoa quỳ lúc nào cũng hướng về mặt trời. Tác giả dùng quỳ đem tấc thành” đối với “cần dưng một lễ” thật hay, thật trang trọng, nhưng nghĩa khó hiểu. Người sau không hiểu mới đổi là “biện dưng một lễ, xa đem tấc thành.”

Câu 376 : “Ngẫm cơ hội ngộ đã rành hôm nay – Chữ “rành” [火+亭] và chữ “đành” [停]các bản Kiều nôm thường khắc là “đành” [] cả. Suy xét thì chữ này ở câu này phải để là rành mới đúng nghĩa hơn.

Câu 378 : Chữ mé” và chữ “mái”, chữ nôm cùng viết là [𠃅]. Câu này các bản quốc ngữ in là “Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường” thật là sai nghĩa. Tường làm gì có mái, mà cho là tường có mái đi nữa, thì hóa ra Kiều dạo tới nhảy qua tường chăng ? Vậy nên phiên âm là “dạo ngay mé tường” mới đúng.

Câu 404 : Khoảng trên vẫy bút thảo và bốn câu – Sách Hán có câu [文 不 加 点 一 揮 而 就 = văn bất gia điểm nhất huy nhi tựu = văn không thêm chấm nào, một vẫy bút là xong] để tả thi tài của Hàm Đan Thuần 13 tuổi, vâng lệnh quan thảo bài bia kỷ niệm hiếu nữ Tào Nga. Những bản kiều quốc ngữ viết là “vẩy bút” hay “dừng bút” đều là không biết điển này mà sửa lại thành ra sai nghĩa cả. Bởi vậy cần phải đính chính và xác định lại cho đúng.

Chú giải và dẫn điển

[1] Đá biết tuổi vàng : Ý nói Kim Trọng đã gạn hỏi biết được lòng Kiều rồi, như thể dùng đá thử biết đích xác được vàng mấy tuổi. Trước kia người buôn vàng vẫn dùng một hòn đá màu đen để vạch thỏi vàng lên xem vết vàng ở mặt đá mà nhận biết tuổi vàng là bao nhiêu – vàng nguyên chất là vàng 10 tuổi ; càng pha nhiều đồng thì tuổi càng giảm đi, thí dụ nói vàng 7 tuổi là vàng có pha 3 phần đồng, chỉ có 7 phần là vàng.

[2] Sông Tương ….  cuối kia : Hai câu này lấy ý ở bài thơ trong Tình sử:

[君 在 湘 江 頭 = quân tại tương giang đầu = chàng thì ở khúc đầu sông tương]

[妾 在 湘 江 尾 = thiếp tại tương giang vĩ = thiếp thì ở đoạn cuối sông tương]

[相 顧 不 相 見 = tương cố bất tương kiến = cùng ngó nhau mà cùng chẳng thấy nhau]

[同 飲 湘 江 水 = đồng ẩm tương giang thủy = chúng ta cùng uống nước sông tương]

[3] Tin xuân = thư từ kể tâm tình thương nhớ nhau.

[4] Thưa hồng rậm lục : Thưa hồng = hoa đã ít đi. Rậm lục = lá cây đã mọc nhiều và màu xanh thẫm hơn. Lấy ý ở Tây Sương Ký [綠 暗 紅 稀 春 去 也 = lục ám hồng hi xuân khứ dã = lá cây màu xanh đã sẫm, hoa đỏ cây đã thưa, mùa xuân đã đi rồi].

[5] Sinh nhật ngoại gia = lễ sinh nhật nhà họ ngoại.

[6] Hai đường = cha mẹ. Chữ Hán là song đường [双 堂] ; nghiêm đường [嚴 堂] = cha, từ đường [慈 堂] = mẹ ; hay xuân đường [椿 堂] = cha, huyên đường [萱 堂] = mẹ]

[7] Cần dưng : Xem lời xác định câu 374 bên trên. Tấc thành = tấm lòng thành kính.

[8] Nhà lan = nhà có hoa lan thơm tho tao nhã.  Chữ Hán là lan thất [蘭 室].

[9] Hội ngộ [會 晤] = họp mặt truyện trò với nhau.

[10] Thì trân [时 珍] = những đồ ăn ngon quý trong mùa, như các thứ trái cây. Thức thức = thứ nọ thứ kia. Câu “Thì trân thức thức sẵn bày” này rất hay, và tác giả tả ý đề phòng tinh tế của Kiều. Trước khi sang hội ngộ với Kim Trọng, nàng sắp sửa việc nhà chu đáo để phòng khi cha mẹ về khỏi ngờ nàng bỏ nhà đi cả ngày. Nàng bày sẵn một bàn bánh trái để khi về, ai cũng tưởng nàng luôn luôn mong đợi cha mẹ và các em. Nhiều nhà chú thích truyện Kiều cho câu này là thừa, đáng bỏ, thật là sai lầm. Ông Nguyễn Khắc Hiếu thì cho là tác giả đặt câu này rồi quên không nói là để làm gì. Ông Trần Trọng Kim thì nói không biết Kiều bày những đồ thì trân đó để làm gì. Một ông Tàu dịch truyện Kiều diễn ra cuốn Thanh Tâm Tài Nhân thì nói là Kiều làm đồ uống rượu để đem sang nhà Kim Trọng, vì tục Tàu cuộc vui phải có đồ ăn uống. Ôi, cái nẻo thông phải rạch rào mới được lối đi, thì bưng qua sao được mâm thì trân thức thức sẵn bày ! Thật rất vô lý, chẳng khác gì ông Hiếu cho là tác giả bỏ quên mâm đó.

[11] Dắng = ho một tiếng để làm hiệu trước khi nói.

[12] Tiếng vàng = tiếng trong vang êm ái dễ nghe.

[13] Lửa hương = cái tình yêu đã thề với nhau, do ba chữ hương hỏa tình [香 火 情] dịch ra. Hương hỏa tình là tình khói lửa, vì lúc thề với nhau vẫn thường đốt hương mà cùng thề ở trước trời đất quỷ thần.

[14] Hoa râm : Ở Bắc Việt có cây râm, nhị hoa cái trắng cái đen, mọc thành chùm lẫn lộn nhau, nên người tóc dở bạc dở đen gọi là đầu hoa râm.

[15] Gió bắt mưa cầm : Lấy ý từ thơ của Tiền Khởi đời Đường [咫 尺 愁 風 雨 匡 庐 不 可 登 = chỉ xích sầu phong vũ Khuông Lư bất khả đăng = chỉ gần trong gang tấc thôi mà buồn vì mưa gió mà không lên được núi Khuông Lư].

[16] Cam = chịu lỗi. Tri âm = biết lòng nhau. Theo điển Bá Nha gẩy đàn, Chung Kỳ nghe tiếng đàn biết là Bá Nha nghĩ gì khi gẩy đàn. Bá Nha liền kết bạn với Chung Kỳ, gọi là bạn tri âm.

[17] Tạ lòng = tạ lỗi phụ lòng mong đợi nhau.

[18] Núi giả = núi chất bằng đá làm cảnh ở trong vườn.

[19] Động đào = cảnh tiên.

[20] Thiên thai = tên một ngọn núi ở tỉnh Chiết giang bên Tàu, phong cảnh rất đẹp. Tương truyền  đời nhà Hán có Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào núi Thiên thai hái thuốc thì gặp hai nàng tiên, lưu lại ở đó nửa năm rồi xin về thăm nhà. Khi về đến nhà thì ra đã được 7 đời người rồi !

[21] Vạn phúc [萬福] = lời đàn bà chào ai, tỏ ý chúc mừng. Hàn huyên [寒 暄] = lời đàn ông chào ai, tỏ ý hỏi thăm sức khỏe, lạnh (= hàn) hay ấm (= huyên) thế nào.

[22] Góp lời phong nguyệt có nghĩa đen là kể những câu thơ vịnh gió thưởng trăng, và nghĩa bóng là nói đến những chuyện tình tứ vui vẻ với nhau.

[23] Bút giá = cái giá để gác bút. Thi đồng = cái ống để đựng những bài văn, thơ viết vào giấy cuộn lại. Bút giá, thi đồng là hai thứ trang sức bày trên án thủ của một văn sĩ.

[24] Đạm thanh = lối vẽ bằng mực nhạt lỏng (thủy mạc). Tranh tùng = tranh vẽ cây thông.

[25] Phong sương = đã chịu nhiều phen gió bão to, sương tuyết lạnh. Người xưa quý cây thông vì nó đứng thẳng, cao, vững, lại chịu được sương tuyết mùa đông vẫn xanh tốt. Nó được ví như người quân tử khí khái thẳng thắn.

[26] Mặn khen = khen một cách nồng nhiệt.

[27] Phác họa = vẽ một cách thô sơ lấy hình đại khái, chưa tô điểm cẩn thận. Ý nói khiêm là vẽ thô vụng.

[28] Phẩm đề = đề một bài thơ phê vịnh khen ngợi khéo đẹp thế nào.

[29] Thêm hoa = làm cho đẹp thêm lên, như vẽ thêm hoa vào tấm gấm, lấy điển ở bốn chữ [錦 上 添 花 =cẩm thượng thiêm hoa = thêm hoa trên gấm].

[30] Gió táp mưa sa = đưa bút nhanh như gió và nét mực đi đến đâu như mưa tưới hoa đến đó.

[31] Nhả ngọc phun châu = ý thơ đã hay như nhả ngọc ở trong lòng ra, lời thơ lại đẹp như phun ngọc ở trong miệng ra.

[32] Nàng Ban Chiêu [班 昭] đời Hán, và ả Tạ Đạo Uẩn [蔡 道 醖] đời Tấn, đều là những tài nữ nổi tiếng thông minh ngay từ lúc nhỏ. Ban Chiêu được vua Hán vời vào cung dạy hoàng hậu và cung phi ; nàng vào đó tra khảo sách vở tiếp tục làm xong bộ sử của anh là Ban Cố. Nàng Tạ Đạo Uẩn thì bàn văn thơ khiến nhóm văn sĩ trứ danh phải phục.

[33] Dung quang = hình dạng với màu sắc và vẻ thông minh hiện ra ở mặt. Liếc dung quang = xem tướng mặt.

[34] Ngọc bội : Sách Lễ Ký có câu [君 子 佩 玉 = quân tử bội ngọc = người quân tử đeo ngọc] để tỏ ý phải giữ đức hạnh mình trong quý như ngọc. Sân ngọc bội là nơi những người đeo ngọc tức là nơi triều đình, vì các quan vào chầu vua đều có đeo ngọc trước bộ áo chầu. Kim môn : Vua Hán Vũ đế bắt được con ngựa thần, sai đúc tượng ngựa đồng để ở trước của cung Vị ương, gọi cửa đó là Kim mã môn hay là Kim môn (cửa ngựa vàng). Các quan học sĩ phải ngồi ở trong nhà gần Kim môn để đợi lệnh vua sai khiến. Phường Kim môn hàm ý hạng quan văn học giỏi.

[35] Khuôn xanh = khuôn thiêng = ông trời.

[36] Vuông tròn = cho được nên vợ nên chồng tử tế.

[37] Tướng sĩ [相 士] = thầy xem tướng người.

[38] Anh hoa phát tiết [英 華 發 洩] = vẻ thông minh tài hoa tiết lộ ra ngoài quá = tướng xấu, nhất là về phần con gái.

[39] Nhân định thắng thiên [人 定 勝 天] = người ta cứ quyết tâm mà làm cho kỳ được, thì có thể thắng được số trời].

[40] Giải [解] = gỡ ra. Kết [結] = nút oan nghiệp. Giải kết là lời đọc bùa ếm để gỡ ra những nút oan nghiệp cho khỏi gặp những tai vạ sau này. Tục ta xưa, trước khi nói một câu chẳng lành (thí dụ “chắc gì sẽ nên duyên”), thì thường nói ếm trước rằng nói giải kết đổ đi, nếu sau này có xảy ra sự ngang trái làm cho đôi ta không lấy được nhau, thì quyết giữ lòng bền vững như vàng đá mà liều bỏ một đời không lấy ai nữa.”

[41] Đem vàng đá mà liều lấy thân : Xem câu chú thich [40] bên trên. [42] Trung [衷] = những điều ở trong lòng. Khúc [曲] = những điều kín đáo chứa ở một nơi khuất khúc trong lòng. Trung khúc = những tâm sự rất thật.

[43] Ngậm gương non đoài = mặt trời đã lặn xuống bên kia dẫy núi phía tây. Lấy ý từ câu thơ cổ [西 山 欲 含 半 边 日 = tây sơn dục hàm bán biên nhật = núi phía tây muốn ngậm kín nửa vầng mặt trời].

[44] Gương giọi đầu cành lấy ý từ câu thơ cổ [月 明 才 上 柳 梢 頭 = nguyệt minh tài thượng liễu sao đầu = sáng trăng vừa mới lên tới ngọn cây liễu].

[45] Trướng huỳnh = màn đom đóm. Đời xưa Trác Dận [卓 胤] nhà nghèo không có tiền mua dầu đèn, phải bắt đom đóm làm đèn học đêm mà thành tài, cho nên người sau mới nói trướng huỳnh với ý nghĩa buồng học.

[46] Tiếng sen = tiếng chân Kiều đi. Đời Nam Bắc Triều, Đông Hôn Hầu, lúc còn làm vua nước Nam Tề, yêu nàng Phan Phi, giát vàng thành hình hoa sen ở nền buồng cho nàng đi lên, và cười nói “mỗi bước chân nàng đi sinh ra một hoa sen vàng.” Người sau mới dùng chữ sen vàng hay gót sen để chỉ chân đàn bà đi.

[47] Giấc hòe = giấc mơ ngủ. Truyện xưa kể Thuần Vu Phần [淳 于 焚] nằm ngủ ở gốc cây hòe, mơ thấy được vua vời làm phò mã, được phong làm chúa tể ở đất Nam Kha [南 柯] (cành phía nam). Chàng làm chúa vinh hiển hơn 20 năm, bỗng được tin cấp báo có con rồng vào phá kinh đô. Công chúa yêu cầu chàng về cứu vua, chàng giật mình tỉnh dậy thì thấy một con rắn lớn đương phá một cái tổ kiến to ở trên giữa ngọn cây, mà mình thì nằm ngủ ở dưới bóng cành phía nam. Chàng liền trèo lên đánh chết rắn để cứu đàn kiến. Văn sĩ sau lấy điển này mà gọi mơ ngủ là giấc hòe.

[48] Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần lấy ý từ hai câu thơ cổ [月 移 花 影 玉 人 來 = nguyệt di hoa ảnh ngọc nhân lai = trăng đưa bóng hoa và người mặt ngọc lại] • [月 移 梨 影 上 欄 杆 = nguyệt di lê ảnh thượng lan can = trăng đưa bóng hoa lê lên bức lan can].

[49] Đỉnh Giáp, Non Thần : Vua Tương Vương [襄王] nước Sở đi du lịch, đến dẫy thác Vu Hiệp [巫 峽] (ta thường đọc là Vu Giáp) ở sông Tràng Giang (tỉnh Tứ Xuyên) nằm mơ thấy một người đàn bà đẹp lại chơi. Vua hỏi là ai, thì nàng nói “Thiếp là gái thần ở đỉnh núi Vu Giáp này, sớm làm mây, tối làm mưa, sớm sớm tối tối lúc nào cũng ở dưới núi Dương Đài.” Non Thần tức là Vu Sơn, chỗ thần nữ này ở.

[50] Đánh đường = vừa đi vừa dò đường vì đêm tối.

[51] Đài sen = cây đèn bằng đồng hình hoa sen để cắm nến.

[52] Song đào là cái lư hương bằng đồng để đốt trầm hương, hình quả đào to, trên nắp có trổ lỗ thông khói giống hình cửa sổ có trấn song. Câu tả cây đèn lư hương này thật tài, thật hay, lời lẽ thật đẹp, hai vế đối thật chỉnh : đài sen đối với song đào, nối sáp đối với thêm hương. Ý lại rất đầy đủ, tả rõ được hình đèn hình lư rất đúng, rất đẹp, rất trang trọng lịch sự, đáng bày làm bàn thờ cúng thề. Chỉ nỗi lời đặt vắn tắt cầu kỳ nên “song đào” các bản Kiều đều giảng nghĩa sai lầm. Bản thì cho song đào là cửa sổ ngoài có trồng cây đào. Ôi, nếu là cửa sổ thì thêm hương vào đâu ? Bản của hai ông Kim và Kỷ thì đổi song đào thành lò đào vì có chữ đào lô [桃 炉], nhưng lại giảng đào lô là lò hương hình hoa đào ! Thật ra chỉ thấy lư hương đúc hình quả đào thì nhiều mà không thấy lư hương, đỉnh hương làm hình hoa đào bao giờ.

[53] Tiên thề = tờ văn tế viết lời thề.

[54] Thảo = viết.

[55] Chữ đồng ở đây thay cho thành ngữ đồng tâm kết [同 心 結]. Lễ xưa, khi trai gái thuận tình lấy nhau, thì bên trai đưa cho bên gái 2 giải lụa đẹp để cô gái kết một nút đẹp nối hai dải với nhau thành một dải dài giữa có nút “đồng tâm đó.

Diễn ra văn xuôi

Câu 363, 364 = Từ hôm hai bên đã hiểu thấu lòng nhau rồi, tình yêu nhau càng thấm thía, và lòng nhớ nhau càng tha thiết ngẩn ngơ.

Câu 365, 366 = Hai bên ở rất gần nhau, lúc nào cũng trông ngóng nhau mà không sao được thấy mặt nhau.

Câu 367, 368 = Chỉ có một bức tường xoàng thôi, mà sao trông nó thâm nghiêm lạnh lẽo như sương che tuyết ủm kín mít nhà nhau, chẳng sao năng đưa tin tức làm vui lòng nhau được.

Câu 369, 370 = Ngày ngày chỉ những lần lữa, ngày hóng gió, đêm ngắm trăng, thấm thoắt đã hết xuân sang hè, hoa cây thưa ít dần, lá cây mau rậm dần.

Câu 371 đến 374 = Một hôm gặp ngày có lễ mừng sinh nhật ở nhà bên ngoại Kiều, trên thì hai cha mẹ, dưới thì hai em, đều nhộn nhịp sắm sửa quần áo chỉnh tề và đem đồ lễ đi chúc mừng tỏ lòng kính mến.

Câu 375, 376 = Được hôm cả nhà đi vắng, Kiều ở nhà thảnh thơi có một mình ; nàng mừng lòng hôm nay rõ ràng là ngày được họp mặt truyện trò với chàng.

Câu 377, 378 = Khi cả nhà đi rồi, nàng liền dọn dẹp cửa nhà đồ đạc cho chỉnh tề và bày sẵn các thứ quà bánh hoa quả đương mùa lên bàn ăn, để phòng khi lên hội ngộ lâu quá, về không kịp bày để chào mời cha mẹ, và cũng để khỏi ai ngờ mình bỏ nhà đi cả buổi. Khi sắp sửa bày biện xong cả rồi, nàng mới đi ra nẻo mé tường nhanh thoăn thoắt.

Câu 379, 380 = Nàng đứng ở cách chòm hoa mà dắng lên một tiếng làm hiệu, thì thấy ở bên kia đã có chàng đứng đợi ở dưới gốc hoa.

Câu 381, 382 = Chàng sẽ tỏ lời trách yêu Sao mà lòng cô quá hững hờ với lòng tôi như vậy ? Sao mà nỡ để duyên hương lửa bỗng lạnh lùng đi bấy nhiêu lâu ?

Câu 383, 384 = “Làm cho tôi những đắp nhớ nọ lên nhớ kia, hết sầu này đến sầu nữa, đầu tóc tôi đã bị màu lạnh lùng sương tuyết đó nhuộm trắng một nửa, thành mái tóc hoa râm. ”

Câu 385, 386 = Nàng tươi cười xin lỗi Vì phải giữ gìn như mưa gió hãm chân, không sao qua lại gặp nhau được, xin đành chịu lỗi như tệ bạc với bạn tri âm bấy lâu.

Câu 387, 388 = “Hôm nay được dịp cả nhà đi vắng, phải vội vàng đem tấm lòng thành này sang tạ tấm lòng mong nhớ nhau của chàng. ”

Câu 389, 390 = Nàng mới đi vòng quanh hòn núi non bộ, thấy chỗ cuối tường hình như có lối thông qua sang bên kia mà mới rào lại.

Câu 391, 392 = Nàng bèn xắn tay áo cho gọn mở chỗ rào ra và rẽ rộng cỏ cả hai bên thì thấy rõ ngay lối đi sang ; nàng vui mừng quá, chẳng khác gì hai chàng Lưu, Nguyễn rẽ ra được đám mây mà thấy được lối vào thiên thai mà gặp tiên nữ.

Câu 393, 394 = Hai bên nhìn mặt nhau rất vui tươi, nàng chào chúc chàng được vạn phúc, chàng thì chào chúc nàng được an khang.

Câu 395, 396 = Chàng nàng đi ngang vai nhau về chỗ hiên đọc sách, vừa đi vừa góp những chuyện vịnh gió thưởng trăng cho vui, và nhắc lại những câu chỉ sông chỉ núi mà thề cho tình thêm nặng.

Câu 397, 398 = Trong hiên có cái án thư bày những giá bút và ống đựng những cuộn giấy chép văn thơ ; phía trên giá bút ống thơ có treo một bức tranh cây thông vẽ lối thủy mạc.

Câu 399, 400 = Bức tranh vẽ khéo rõ được vẻ già cứng tự nhiên như thật của cây thông đã trải qua nhiều năm sương gió. Nàng ngắm mãi và tỏ lời mặn mà khen nét vẽ rất khéo, càng nhìn càng thấy vẻ tươi đẹp ưa nhìn.

Câu 401, 402 = Chàng nói “Tranh này tôi mới vừa vẽ phác qua xong. Nhân tiện xin cô để một vài lời phẩm bình cho thêm đẹp, như gấm thêm hoa.”

Câu 403, 404 = Nàng nhận lời, và bàn tay đẹp nõn nà của nàng cầm bút vẫy múa một mạch, nhanh như gió táp mưa sa, thảo xong một bài thơ bốn câu ba vần ở trên bức tranh đó, lời thơ rất hay, chữ viết rất tốt.

Câu 405, 406 = Chàng rất thán phục, khen ngợi “Thật là tài nhả ngọc phun châu, dẫu nàng Ban, ả Tạ thuở xưa cũng chỉ tài đến thế này mà thôi.”

Câu 407, 408 = “Nếu kiếp trước tôi tu chưa được đầy đặn, thì kiếp này tôi lấy phúc đâu để mà cân được thăng bằng với tài to giá nặng của cô ?

Câu 409, 410 = Kiều đáp “Thiếp đã liếc trộm coi vẻ mặt chàng thấy tướng chàng rất tốt, nếu sau này không làm quan to chức trọng nơi triều đình, thì cũng thành bực văn thần nổi danh ở tòa Kim môn.”

Câu 411, 412 = Rồi nàng có vẻ lo buồn và nói tiếp Thiếp nghĩ đến cái số phận của thiếp chỉ mong manh như thể cánh chuồn, chẳng biết rồi ra trời có cho được vuông tròn duyên phận với chàng không ?”

Câu 413 đến 416 = Thiếp còn nhớ từ hồi thiếp còn trẻ thơ, có người thầy tướng đoán ngay tướng thiếp rằng : con gái mà bao nhiêu phần anh hoa phát tiết ra ngoài hết cả, xưa nay bao giờ cũng mệnh bạc, chỉ sống uổng đời tài hoa thôi.”

Câu 417, 418 = “Nay thiếp trông tướng phúc hậu của chàng, lại nghĩ đến tướng thiếp như vậy, thật là một dày một mỏng khác nhau, chẳng biết có nên vợ nên chồng được không ?”

Câu 419, 420 = Chàng nói để khuyên nàng cứ vững dạ chớ lo “Tình cờ ta được gặp nhau như thế này, chắc là có duyên rồi, vả lại từ xưa đến nay, nhiều cuộc người ta nhất định quyết chí làm, đã thắng được số trời định rồi.”

Câu 421, 422 = “Nói dại, giải kết đổ đi, nếu có xảy ra sự gì ngáng trở, thì ta cứ vững lòng cương quyết một niềm bền chắc như vàng như đá mà liều với thân cũng chẳng tiếc ngại gì cả.”

Câu 423, 424 = Hai bên bày tỏ tâm sự với nhau thật đủ điều và nhủ bảo nhau rất ân cần khẩn thiết, lòng xuân tươi vui phơi phới như cờ bay trước gió, rượu xuân mời nhau vui uống tàng tàng say say.

Câu 425, 426 = Ngày vui sao quá ngắn như chẳng đầy một gang tay, bỗng trông ra sân đã thấy mặt trời lặn xuống núi phía tây chỉ còn một nửa gương tròn.

Câu 427, 428 = Vì nhà vắng, ngồi mãi không tiện, nàng mới từ giã chàng ra về.

Câu 429 đến 432 = Nàng về đến nhà thì được tin ông bà còn dở tiệc chưa về. Nàng liền buông bức màn the ở cửa ngoài xuống, rồi một mình vội đi thẳng ra nẻo vườn lúc tối khuya.

Câu 433, 434 = Lúc đó trăng mới mọc, ánh sáng chiếu lên dần các cành cây chỗ mau chỗ thưa, nàng trông phía thư phòng chàng thì vẫn còn thấy ngọn đèn hắt hiu trước gió ở trong màn học.

Câu 435, 436 = Chàng còn ngồi tựa án thư, vừa mới thiu thiu buồn ngủ, dở tỉnh dở mê, thì tiếng chân Kiều làm cho chàng tỉnh dậy và thấy nàng ở trước bóng trăng tiến lại gần mình như cành hoa lê được bóng trăng đưa đến.

Câu 439, 440 = Chàng vẫn còn buâng khuâng như giấc mộng xuân, thấy nàng mà còn ngờ, như Sở tương vương thấy thần nữ núi Vu trong giấc mơ ngủ ở đỉnh non Giáp.

Câu 441 đến 444 = Thấy chàng tưởng là gặp mình trong giấc mộng, nàng có ý lo ngại là điềm gở, nàng mới nói “Trong giờ vắng vẻ khuya khoắt này, vì quý mến chàng quá, nên phải liều thân lần từng bước đường mà tìm lại nhau. Bây giờ thì thật là rõ mặt đôi ta lúc tỉnh. Nhưng ôi, chắc đâu lúc này chỉ là một giấc mơ ?”

Câu 445, 446 = Bấy giờ chàng mới thật sự tỉnh và mừng lắm, vội đứng dậy chào đón nàng vào, đốt thay cây nến khác ở trên cây đèn hình hoa sen, và bỏ thêm trầm đốt vào cái lư hương hình quả đào, nắp trổ hình cửa sổ.

Câu 447, 448 = Rồi hai người sắp sửa làm lễ thề với nhau, lấy giấy hoa tiên cùng viết một bài văn thề, lấy kéo cắt một món tóc trên mái đầu, chia làm đôi mỗi người giữ một nửa.

Câu 449, 450 = Lúc đó đã nữa đêm, vừng trăng giữa trời sáng vằng vặc. Hai người cùng ra sân lấy vừng trăng làm chứng cuộc thề, rồi hai miệng một lời cùng đọc.

Câu 451, 452 = Lời thề kể căn vặn tấc lòng từng ly từng tí và gắn bó mối duyên tơ tóc với nhau thật bền chặt, thề tạc một chữ “đồng” vào tận xương để kết nghĩa trăm năm với nhau.

Những câu hay chữ có ý móc nối


Câu 388 Kiều nói “Lấy lòng gọi chút ra đây tạ lòng” : Hai chữ lòng này ứng với hai chữ lòng ở câu 381 Kim nói “Trách lòng hờ hững với lòng.”

Câu 385 “Nàng rằng gió bắt mưa cầm / đã cam tệ với tri âm bấy chầy” để Kiều vừa trả lời vừa xin lỗi câu 386 Kim Trọng nói “Những là đắp nhớ đổi sầu / tuyết sương nhuộm nửa mái đầu hoa râm.”

Thi cảnh này thật là hay quá – lấy ý bóng bẩy gió mưa đáp lại ý bóng bẩy tuyết sương thật là thanh nhã tài tình và lấy cam tệ để giải khuây nỗi đắp nhớ đổi sầu thật là gọn gàng, đầy đủ tình tứ, hả được lòng nhau. Hai chữ “gió mưa” câu này còn có ý móc nối bóng bẩy với hai chữ “tuyết sương” ở câu 367 “Một tường tuyết ủm sương che.”

Trong câu 417 “Trông người lại ngẫm đến ta”, trông người thì ứng với trộm liếc dung quang,  ngẫm đến ta thì ứng với Nhớ từ năm hãy thơ ngây / có người tướng sĩ đoán ngay một lời.

Biết là có nên ở câu 418 “Một dầy một mỏng biết là có nên” nhắc lại ý lo nghĩ ở câu 412 “Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay.”

Đoạn tả Kiều vì ảnh hưởng hồn Đạm Tiên hiện ra gió cuốn cờ buổi chiều, mà tối ngồi tựa triện thiu thiu thấy hồn Đạm Tiên lại tưởng là người thật, lúc gió làm tỉnh dậy thì còn như ngửi thấy mùi hương thừa. Trái lại đoạn tả Kim Trọng vì ảnh hưởng ban ngày được hội ngộ với Kiều, tối đến ngồi tựa án mơ mơ màng màng như vẫn ngồi với Kiều, khi tiếng chân Kiều đi làm chàng tỉnh, thì chàng thấy Kiều thật lại tưởng là thấy mộng hồn nàng mà ngơ ngẩn nhìn. Tả hai cuộc ngủ ngồi thì giống nhau : Kiều thì vì ảnh hưởng làm cảm động mà ngủ, rồi lại gió làm tỉnh dậy. Kim thì vì ảnh hưởng Kiều làm say sưa mà ngủ, rồi lại tiếng chân Kiều đi làm tỉnh dậy. Nhưng sự mơ tưởng trong giấc mộng thì khác hẳn nhau. Kiều thì tưởng mơ là thật, khi tỉnh ra vẫn ngẩn ngơ tìm Đạm Tiên. Kim thì buâng khuâng biết là giấc mơ, nên tỉnh rồi thấy Kiều thật lại vẫn tưởng là bóng Kiều mơ. Kết cục giấc ngủ ngồi thiu thiu của nàng và giấc mơ màng ngủ ngồi của chàng đều báo điềm không hay cho Kiều, khiến nàng phải ngẫm nghĩ lo buồn.

Câu 433 “Nhặt thưa gương giọi đầu cành” rất khẩn thiết với đoạn trên. (1) Nó cho ta biết hôm đó là giữa tháng, tối trăng mới mọc ; lúc Kiều lại sang nhà Kim Trọng, thì bóng trăng chỉ mới soi chéo lên ngọn cây nên nàng phải đánh đường tìm hoa ở dưới bóng cây. (2) Lúc nàng lại đến nhà Kim Trọng, trăng còn ở sau lưng nàng, nên Kim Trọng thấy “Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.” (3) Lúc hai bên làm lễ thề là nửa đêm, trăng tròn đứng ở giữa trời. (4) Lúc gần sáng hôm sau thì trăng đã xế xuống ngang đầu mái nhà khi có gia đồng gọi cửa làm tan cuộc hội ngộ. (5) Lúc chàng lén sang từ giã Kiều để về đi hộ tang, thì trăng đã sắp lặn nhưng chàng còn kịp trỏ trăng mà nói “Trăng thề còn đó trơ trơ / dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.” Tác giả khéo tả đúng đủ vị trí mặt trăng từng giờ đêm rằm đó. Thế là từ tối đến sáng cái đêm hôm đó, sự biến chuyển to nhất giữa cuộc tình duyên Kim Kiều, mặt trăng đã chứng kiến tất cả các chi tiết từ cuộc đằm thắm vui tươi nhất cho đến cuộc tan rã buồn thương rồi hóa đau thương suốt đời.

CHƯƠNG 0

* * * * *

CÂU 453 ĐẾN CÂU 568

“Ngán khúc tiêu tao, trọng lời đoan chính”

453. Chén hà sánh giọng quỳnh tương, [1, 2]

Dải là hương lộn bình gương bóng lồng. [3, 4]

455. Sinh rằng: “Gió mát trăng trong,

Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.

457. Chày sương chưa nện cầu Lam, [5]

Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?” [6, 7]

459. Nàng rằng: “Hồng diệp xích thằng, [8]

Một lời cũng đã tiếng rằng tương tri.

461. Đừng điều nguyệt nọ hoa kia. [9]

Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai. ”

463. Rằng: “Nghe nổi tiếng cầm đài, [10]

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.” [11]

465. Thưa rằng: “Tiện kỹ sá chi, [12]

Đã lòng dạy đến dạy thì phải vâng. ”

467. Hiên sau treo sẵn cầm trăng, [13]

Vội vàng Sinh đã tay nâng ngang mày.

469. Nàng rằng: “Nghề mọn riêng tây, [14]

Làm chi cho bận lòng này lắm thân!”

471. So dần dây vũ dây văn, [15]

Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương. [16]

473. Khúc đâu Hán Sở chiến trường,

Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau. [17]

475. Khúc đâu Tư mã Phượng cầu, [18]

Nghe ra như oán như sầu phải chăng!

477. Kê khang này khúc Quảng lăng, [19]

Một rằng Lưu thủy hai rằng Hành vân. [20]

479. Quá quan này khúc Chiêu quân, [21, 22]

Nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia.

481. Trong như tiếng hạc bay qua,

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời. [23]

483. Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa. [24]

485. Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,

Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu. [25]

487. Khi tựa gối khi cúi đầu,

Khi vò chín khúc khi chau đôi mày. [26]

489. Rằng: “Hay thì thật là hay,

Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!

491. Lựa chi những bậc tiêu tao, [27]

Dột lòng mình lại nao nao lòng người?” [28]

493. Rằng: “Quen mất nết đi rồi,

Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao!

495. Lời vàng vâng lĩnh ý cao, [29]

Họa dần dần bớt chút nào được không. ”

497. Hoa hương càng tỏ thức hồng, [30]

Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu.

499. Sóng tình dường đã xiêu xiêu,

Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.

501. Thưa rằng: “Đừng lấy làm chơi, [31]

Dẽ cho thưa hết một lời đã nao! (32)

503. Vẻ chi một đóa yêu đào, [33]

Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh. [34]

505. Đã cho vào bậc bố kinh, [35]

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu. [36]

507. Ra tuồng trên bộc trong dâu, [37]

Thì con người ấy ai cầu làm chi!

509. Phải điều ăn xổi ở thì, [38]

Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày! [39]

511. Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,

Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương. [40]

513. Mây mưa đánh đổ đá vàng, [41]

Quá chiều nên đã chán chường yến anh.

515. Trong khi chắp cánh liền cành, [42]

Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.

517. Mái tây để lạnh hương nguyền, [43]

Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

519. Gieo thoi trước chẳng giữ giàng, [44]

Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai? [45]

521. Vội chi liễu ép hoa nài,

Còn thân ắt lại đền bồi có khi!”

523. Thấy lời đoan chính dễ nghe, [46]

Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân.

525. Bóng tàu vừa lạt vẻ ngân, [47]

Tin đâu đã thấy cửa ngăn gọi vào.

527. Nàng thì vội trở buồng thêu, [48]

Sinh thì dạo gót sân đào vội ra.

529. Cửa sài vừa ngỏ then hoa, [49]

Gia đồng vào gởi thư nhà mới sang. [50]

531. Đem tin thúc phụ từ đường, [51, 52]

Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề. [53]

533. Liêu dương cách trở sơn khê, [54]

Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang. [55]

535. Mảng tin xiết nỗi kinh hoàng,

Băng mình lẻn trước đài trang tự tình. [56]

537. Gót đầu mọi nỗi đinh ninh,

Nỗi nhà tang tóc nỗi mình xa xôi:

539. “Sự đâu chưa kịp đôi hồi, [57]

Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ,

541. Trăng thề còn đó trơ trơ,

Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.

543. Ngoài nghìn dặm chốc ba đông, [58]

Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy!

545. Gìn vàng giữ ngọc cho hay, [59]

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.”

547. Tai nghe ruột rối bời bời,

Nhịn ngừng nàng mới giãi lời trước sau: [60]

549. “Ông tơ gàn quải chi nhau,

Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi!

551. Cùng nhau trót đã nặng lời,

Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ! [61, 62]

553. Quản bao tháng đợi năm chờ,

Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm. [63]

555. Đã nguyền hai chữ đồng tâm,

Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai. [64]

557. Còn non còn nước còn dài,

Còn về còn nhớ đến người hôm nay!”

559. Dùng dằng chưa nỡ rời tay,

Vầng đông trông đã đứng ngay góc nhà.

561. Ngại ngùng một bước một xa,

Một lời trân trọng châu sa mấy hàng.

563. Buộc yên quảy gánh vội vàng, [65]

Mối sầu xẻ nửa bước đường chia hai. [66, 67]

565. Buồn trông phong cảnh quê người,

Đầu cành quyên nhặt cuối trời nhạn thưa. [68]

567. Não người cữ gió tuần mưa, [69]

Một ngày nặng gánh tương tư một ngày.

Đính chính và xác định

Câu 526 “Tin đâu đã thấy cửa ngăn gọi vào” – Chữ “gọi” câu này có bản Kiều in là “gõ” e không hợp ý nghĩa với chỗ này, vì cửa ngăn chỉ là thứ cửa làm tạm để phân cách địa giới bằng những thanh gỗ thưa thớt, làm gì có cánh gỗ tử tế mà gõ, chỉ đứng ngoài gọi thì rất dễ vì rất thoáng, trông rất rõ.

Câu 548 “Nhịn ngừng nàng mới giãi bầy trước sau” – “Nhịn ngừng” là nén lòng cảm động lo buồn muốn khóc của mình đi, để giãi bày rành rõ mọi điều và cũng để làm ra vẻ bình tĩnh mà yên ủi lòng chàng. Đặt chữ “nhịn ngừng” vào đây thật xác đáng thâm thúy tỏ được lòng Kiều vừa thương tình Kim Trọng, vừa lo buồn muốn khóc cho số phận trắc trở của mình. Những bản đổi chữ “nhịn ngừng” ra “ngập ngừng” thật là sai lầm vô nghĩa. Vậy xin xác định lại cho rõ. Lại có bản phiên âm lầm chữ “nhịn” ra “nhận” e vô nghĩa.

Câu 560 “Vừng đông trông đã đứng ngay góc nhà” = mặt trời đã mọc lên ngang với góc mái nhà. Những bản phiên âm chữ “góc” ra “nóc” e lầm quá, vì Kim Trọng lẻn sang với Kiều để báo tin và dặn dò mọi điều thì chỉ kịp ở nhà Kiều chốc lát rồi đi, có đâu dám ở lại lâu đến lúc “vừng đông trông đã đứng ngay nóc nhà” tức là lúc trời đã gần trưa rồi.

Chú giải và dẫn điển

[1] Chén hà = chén làm bằng thứ ngọc thạch hồng như mầu ráng buổi chiều lúc mặt trời sắp lặn. Chữ Hán là hà bôi [霞 杯]. = ráng . Bôi = chén.

[2] Quỳnh tương = rượu trong như ngọc quỳnh. Thơ Đường có câu [一 飲 琼 漿 百 感 催 = nhất ẩm quỳnh tương bách cảm thôi = một khi đã uống rượu trong như ngọc quỳnh thì lòng sinh trăm mối xúc cảm”].

[3] Giải là hương lộn – “Giải là” dịch từ chữ Hán [羅 帶 = la đái = những giải dây lưng bằng lụa rũ xuống ở trước người]. “Giải là hương lộn” = mùi thơm ở các giải dây lưng hai người lẫn lộn với nhau vì ngồi gần nhau.

[4] Bình gương bóng lồng – “Bình gương” dịch từ chữ Hán [銀 屏 = ngân bình = cánh bình phong bằng bạc đánh bóng có thể soi gương được]. Bình gương bóng lồng = bóng hai người chiếu chung nhau trong một tấm bình phong bằng bạc đánh bóng.

[5] Bùi Hàng [裴 航] đời Đường gặp cô tiên tên là Vân Kiều phu nhân, có cho chàng một bài thơ trong có câu [藍 橋 本 是 神 仙 窟 = Lam kiều bản thị thần tiên quật = Lam kiều là chỗ thần tiên ở]. Về sau, một hôm chàng đi qua cầu Lam (= Lam kiều), vào một quán xin nước uống, gặp nàng tiên Vân Anh [雲 英] đẹp lắm. Chàng ước ao muốn lấy, bà mẹ nàng bảo nếu tìm được cái chầy ngọc để bà tán thuốc thì bà gả nàng cho. Khi chàng được một bà tiên cho chầy ngọc, đem lại nộp thì lấy được Vân Anh. Lam kiều đây chỉ nhà Thúy Kiều ở.

[6] Lần khân = đòi hỏi nhiều, được cái nọ lại đòi cái kia.

[7] Sàm sỡ = không biết giữ lễ phép đứng đắn trong quan hệ giao tiếp nam và nữ.

[8] Hồng diệp xích thằng = lá thắm chỉ hồng. “Chỉ hồng” = duyên vợ chồng, do điển tích Vi Cố như sau : Vi Cố [韋固] học giỏi đang kén vợ. Một hôm thấy ông cụ già ngồi dưới bóng cây giở một cuốn sách ra coi, bên mình có một túi chỉ đỏ. Cố hỏi sách gì, thì ông bảo “Tập sổ biên những cặp vợ chồng phải lấy nhau. Khi ta biên tên vợ chồng vào sổ này và lấy hai sợi chỉ hồng ở túi này mà se với nhau, thì dù hai bên giàu nghèo, sang hèn khác nhau thế nào, cũng phải lấy nhau thành vợ chồng.” Cố hỏi đùa ông cụ se tôi lấy ai, thì ông cụ chỉ vào đứa con gái rách rưới bẩn thỉu, mẹ đặt ngồi ở bờ ruộng để mẹ hái rau. Rồi ông cụ biên tên và lấy hai sợi chỉ se với nhau. Cố giận lắm, thuê người giết con bé, và yên trí là con bé đã chết rồi. Sau Cố long đong mãi không tìm được vợ, kết cục vẫn phải lấy người con gái có thẹo ở mang tai. Nàng nói lúc bé bị tên giặc chém nhưng may không chết. Đây ý nói tuy chưa thành vợ chồng, nhưng đã có duyên định rồi, để trả lời câu “Chày sương chưa nện cầu Lam” mà Kim Trọng vừa nói ở trên.

[9] Đừng điều nguyệt nọ hoa kia = trừ điều hoa nguyệt ra, thì không còn tiếc điều gì để làm vui lòng nhau. Đây là vì Kiều hiểu lầm các chữ “lần khân, sàm sỡ” của Kim Trọng, mà tỏ ý nói để ngăn ngừa trước.

[10] Cầm đài là chữ ở Đường thi nói về lúc Tư Mã Tương Như ngồi gảy đàn quyến rũ được Trác Văn Quân. Người sau này dùng chữ cầm đài để gọi chỗ ngồi gảy đàn.

[11] Lắng tai Chung Kỳ = muốn được lắng tai nghe bạn gảy đàn. Theo điển Bá Nha gảy đàn, Chung Kỳ nghe tiếng đàn biết là Bá Nha đang nghĩ gì khi gảy đàn. Bá Nha liền kết bạn với Chung Kỳ, gọi là bạn tri âm (= biết lòng nhau).

[12] Tiện kỹ = nghề hèn mọn, chẳng đáng kể.

[13] Cầm trăng = cây đàn nguyệt.

[14] Nghề mọn = nghề chẳng đáng kể, tiếng nói khiêm nhường. Trong Liêu trai có câu [區 區 小 技 恐 負 良 琴 = khu khu tiểu kỹ khủng phụ lương cầm = nghề nhỏ mọn của tôi chỉ sợ phụ cây đàn tốt này].

[15] Dây vũ = dây to trên mặt đàn. Dây văn = dây nhỏ.

[16] Cung, thương, giốc, trủy, vũ = năm âm về âm nhạc xét theo giọng đục, trong, cao, thấp. “Cung” = âm đục thấp nhất, “thương” = âm đục thấp thứ hai, “giốc” = âm trung bình giữa trong đục cao thấp, “trủy” = âm trong cao bực nhì, “vũ” = âm trong cao nhất. Trong câu lục-bát “Trong như tiếng hạc bay qua / đục như nước suối mới sa nửa vời” thì trong là âm vũ, đục là âm cung.

[17] Tiếng sắt = tiếng sát phạt như tiếng gươm giáo đánh nhau trong chiến trường. Tiếng vàng = tiếng hòa dịu như tiếng chuông, tiếng lệnh bằng đồng đánh để thu quân.

[18] Tư Mã = Tư Mã Tương Như đời Hán. Phượng Cầu = khúc đàn Phượng Cầu Hoàng. Bài đàn này nói về một con phượng mới bay từ biển về, muốn tìm bạn hoàng (hoàng = phượng mái) mà mãi chưa được, lòng những buồn bã ước ao. Nó nghĩ nếu mà tìm được thì sẽ sát cánh nhau mà bay lượn chìm bổng trên trời cao, thật vui sướng biết bao. Khi Tương Như dự tiệc ở nhà đại phú hào Trác Vương Tôn, chàng gảy khúc đàn này thì quyến rũ được con gái Trác Vương Tôn là Trác Văn Quân. Nàng trốn đi theo chàng ngay đêm hôm đó ; nàng vừa trẻ đẹp vừa tài tình.

[19] Kê Khang [嵇 康] người đời nhà Ngụy, được thầy dạy khúc Quảng Lăng ngay từ lúc nhỏ, nên đàn rất hay. Có bản Kiều đổi các chữ Lưu Thủy [流 水] và Hành Vân [行 雲] ở câu 478 ra là Hoa Nhạc [華 岳] và Quy Vân [歸 雲] là hai bài nhạc ở trong khúc Quảng Lăng cho đúng nghĩa hơn. Nhưng tôi thấy đổi như vậy thật là câu nệ, không hiểu tác giả đặt hai chữ Lưu Thủy Hành Vân vào đây là hay lắm, một là để ứng với bốn chữ “lắng tai Chung Kỳ” ở trên, hai là ngầm báo điềm gở Kiều sẽ bị lưu lạc như nước chảy mây bay.

[20] Lưu Thủy Hành Vân  Sách Lã Thị Xuân Thu kể : Bá Nha ngồi gảy đàn, bụng nghĩ đến cảnh núi cao, Chung Kỳ ngồi nghe nói “Đàn gảy hay quá, tiếng nghe cao vòi vọi như núi Thái Sơn.” Lát sau, Bá Nha vừa gảy vừa nghĩ đến cảnh mây bay nước chảy, Tử Kỳ lại khen “Đàn gảy hay quá, tiếng nghe mông mênh nhẹ nhàng như nước chảy.” Khi Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha tháo đàn, cắt dây nói “Thiên hạ ai biết tiếng đàn của ta nữa mà gảy.” Người sau mới gọi mấy khúc đàn của Bá Nha gảy cho Tử Kỳ nghe là khúc Hành Vân và khúc Lưu Thủy.

[21, 22] Quá quan, Chiêu Quân. Chiêu Quân tên là Vương Tường [王 嬙] là một cung phi tài sắc vô song đời nhà Hán, bị họa sĩ Mao Diên Thọ báo thù bằng cách chấm một nốt ruồi ở dưới mắt là tướng sát phu, nên không được vua yêu, rồi lại bị gả cho chúa nước Hung Nô. Lúc chào vua ra đi, vua mới biết là Diên Thọ vẽ oan cho nàng, và tiếc lắm. Lúc qua cửa ải nàng nhớ vua, nhớ nhà quá, ngồi trên lưng ngựa gẩy một khúc đàn tì bà nghe rất buồn thảm. Người sau gọi khúc đàn đó là khúc Quá quan (qua cửa ải).

[23] Nước suối mới sa nửa vời = nước suối chảy từ trên cao xuống mới đến nửa chừng ở sườn núi nghe thành tiếng đục ồ ồ.

[24] Bốn câu tả tiếng đàn : Trong như … Đục như… Tiếng khoan … Tiếng mau… lấy ý ở bốn câu thơ tả tiếng đàn cầm như sau : (1) [初 疑 颯 颯 凉 風 動 = sơ nghi táp táp lương phong động = lúc mới ngờ là phảng phất như gió mát tới] (2) [又 似 瀟 瀟 暮 雨 零 = hựu tự tiêu tiêu mộ vũ linh = rồi lại nghe rầu rĩ như tiếng mưa buổi chiều tối] (3) [近 若 流 泉 来 碧 嶂 = cận nhược lưu toàn lai bích chương = lúc nghe gần như suối chẩy ồ ồ từ gành ngang trên trời biếc thẳm xuống] (4)) [遠 如 玄 鶴 下 青 冥 = viễn như huyền hạc hạ thanh manh = lúc lại nghe xa như tiếng hạc đen nhào vút từ trời xanh mờ xuống]. Sầm sập như trời đổ mưa mượn ý câu tả tiếng đàn tỳ bà trong bài Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị [大 絃 嘈 嘈 如 急 雨 = đại huyền tào tào như cấp vũ = tiếng dây to nghe ầm ầm như mưa dồn dập đổ xuống].

[25] Người ngồi đó = Kim Trọng ngồi ở chỗ vui thích như thế đó, mà cũng buồn ngơ ngẩn.

[26] Vò chín khúc = buồn rầu rối chín khúc ruột.

[27] Tiêu tao = buồn bã lo âu.                                                               

[28] Dột lòng (cũng nói là chột dạ) nghĩa là khi mình nghe thấy điều gì có ý báo điềm tai nạn cho mình, thì mình giật mình sinh lòng lo sợ. Khi Kiều gảy khúc bạc mệnh, chính Kiều nghe cũng dột lòng Kiều.

[29] Lời vàng = lời khuyên răn quý báu như vàng.

[30] Hoa hương càng tỏ thức hồngHoa hương = sắc đẹp như hoa, tài thơm như hương. Câu này có nghĩa là Kim Trọng càng gần Kiều thì càng thấy vẻ đẹp của tài sắc Kiều.

[31] Đừng lấy làm chơi = chớ coi việc đó là thường. Đây là lời Kiều cảnh báo, cản cái sóng tình lả lơi của Kim Trọng.

[32] Dẽ = hãy nén lòng bồng bột ấy xuống, đừng nóng nảy thế.

[33] Yêu đào – Kinh thi có câu [桃 之 夭 夭 = đào chi yêu yêu = cây đào lộc non rờn rờn] ý nói người con gái trẻ mơn mởn đến tuổi lấy chồng.

[34] Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh – Câu này không biết tác giả lấy điển từ đâu, còn ý nghĩa đại khái thì rất dễ hiểu = Kiều nói nhún trước là đâu dám ngăn cản như rào vườn hồng lại, không cho chim xanh vào, để sau đó giãi bày những lẽ không thể nào quá chiều nhau như thế được.

[35] Bố kinh = nói tắt bốn chữ [布 裙 荆 釵 = bố quần kinh thoa = quần bằng vải thường, thoa gài tóc bằng cành gai cây kinh]. Nàng Mạnh Quang [孟 光] là con gái một vị tướng quốc, lấy ẩn sĩ Lương Hồng [梁 鴻]. Lúc về nhà chồng bỏ hết quần áo gấm vóc và các đồ trang sức bằng vàng ngọc, mặc quần vải, gài thoa gai, theo chồng đi ẩn vui cảnh nghèo. Người sau dùng chữ bố kinh để nói người vợ hiền.

[36] Đạo tòng phu [從 夫] = đạo con gái ở với chồng. Trinh = tấm lòng bền vững giữ nghĩa trung thành với chồng mãi mãi của đàn bà.

[37] Trên bộc trong dâu do thành ngữ Hán “tang gian bộc thượng”  [桑 間 濮 上] dịch ra. Đời Xuân Thu, nước Vệ có đất tang gian và đất bộc thượng rất rậm rạp khuất khoắn, rất tiện cho trai gái họp riêng nhau, nên trai gái rất dâm đãng, có nhiều câu hát dâm tình hẹn hò nhau. Bởi vậy ta dùng thành ngữ trên bộc trong dâu để gọi loại trai gái lẳng lơ hư hỏng.

[38] Ăn xổi ở thì = chỉ ăn ở với nhau ít lâu rồi chán bỏ nhau. Ta nói “muối dưa, muối cà ăn xổi” là thái và muối một cách chóng được ăn, để ăn tạm vài ngày thì hết, vì để lâu không được.

[39] Tiết trăm năm = cuộc ăn ở với nhau đúng lễ nghĩa trong suốt đời.

[40] Thôi Trương Đời nhà Đường có nàng Thôi Oanh Oanh và chàng Trương Hồng là đôi trai gái tài mạo tuyệt vời ; họ gặp nhau ở chùa rồi tự tình với nhau ở hiên mái tây chùa. Sau Trương về kinh thi hội đỗ làm quan bỏ lơ Thôi, mặc dù Thôi vẫn thư từ tha thiết nhớ mong. Lúc Thôi đã lấy chồng rồi, Trương lấy cớ là anh họ ngoại đến thăm, ao ước muốn gặp mặt Thôi, nhưng Thôi không ra chào, chỉ đưa một bài thơ từ biệt. Trong bài thơ ấy có câu [為 郎 憔 悴 却 羞 郎 = vị lang tiều tụy khước tu lang = võ vàng vì anh lại xấu hổ, không dám thấy mặt anh].

[41] Đỉnh Giáp, Non Thần : Vua Tương Vương [襄 王] nước Sở đi du lịch, đến dẫy thác Vu Hiệp [巫 峽] ở sông Tràng Giang (tỉnh Tứ Xuyên) nằm mơ thấy một người đàn bà đẹp lại chơi. Vua hỏi là ai, thì nàng nói “Thiếp là gái thần ở đỉnh núi Vu này, sớm làm mây, tối làm mưa, sớm sớm tối tối lúc nào cũng ở dưới núi Dương Đài.” Non Thần tức là Vu Sơn, chỗ thần nữ này ở.

[42] Chắp cánh liền cành lấy ý của một câu rất hay trong bài Trường Hận Ca [在 天 願 作 比 翼 鳥 在 地 願 為 連 理 枝 = tại thiên nguyện tác tị dực điểu tại địa nguyện vi liên lí chi = trên trời thì xin làm đôi chim liền cánh, dưới đất thì xin làm đôi cây liền cành].

[43] Mái tây chữ Hán là Tây sương [西 廂] tức là chỗ Thôi Trương trước đã thề với nhau mà sau bỏ không giữ lời thề nữa.

[44] Gieo thoi – Tạ Côn trọ học vẫn dòm ngó một cô gái hàng xóm. Một hôm Côn thấy cô ta ngồi dệt vải một mình ở nhà, bèn sang định tán tỉnh thì bị cô gái ném cái thoi vào mặt gẫy mất mấy cái răng.

[45] Nên thẹn cùng chàng – Xem lời chú giải [40] bên trên.

[46] Đoan chính = ngay thẳng, đứng đắn.

[47] Bóng tàuTàu = phiến gỗ dài đỡ chân rui mái nhà ở phía trước, chỗ gần giọt ngói.

Câu này hàm ý mặt trăng tròn xế thấp lúc gần sáng.

[48] Buồng thêu = buồng phụ nữ ở, vì họ hay khâu vá thêu thùa trong đó.

[49] Cửa sài = cổng ở hàng rào trước sân, cánh làm bằng những thanh gỗ ghép dọc thưa thớt, thường gọi là cổng chông.

[50] Gia đồng = đứa ở trai trẻ tuổi.

[51] Thúc phụ [叔 父] = chú, em trai bố.

[52] Từ đường [辞 堂] = nghĩa đen là từ giã nhà bỏ đi, nghĩa bóng là chết. Còn chữ “từ đường” viết [祠堂] thì nghĩa là nhà thờ. Chết ta còn thường gọi là từ trần [辞 塵] (bỏ đời) thì thông thường hơn, nhưng đây vì ép vần nên gọi là từ đường.

[53] Lữ [旅] = quê người. Thấn [殯] = còn chôn tạm. Lữ thấn = còn quàn ở quê người. Tha hương = nơi làng khác, nơi quê người. Đề huề = vợ con còn bơ vơ nheo nhóc ở quê người, chứ không phải nghĩa là ung dung đông vui như khi ta nói “cảnh nhà ông này con cháu đề huề sung sướng quá.”

[54] Liêu Dương [遼 陽] = một tỉnh ở phía đông bắc nước Tàu.

[55] Hộ tang [護 䘮] = đi giúp đỡ trông coi mọi việc trong cuộc đưa đám ma từ nơi xa về quê quán.

[56] Lẻn = đi riêng một mình không để ai biết. Tự tình [敍 情] = kể lể tình cảnh.

[57] Đôi hồi = lo liệu bàn định mọi việc về chuyện mối manh sêu cưới.

[58] Chốc ba đông = một lát lâu bằng ba tháng buồn mùa đông (nếu giảng ba đông là ba mùa đông, tức là ba năm, e lâu quá).

[59] Gìn vàng giữ ngọc cho hay – Vàng ngọc đây tức là tấm thân quý báu như vàng như ngọc. Hai câu lục bát này là lời Kim Trọng khuyên Kiều là phải giữ mình cho vui vẻ khỏe mạnh để chàng ở xa được yên lòng. Câu này nghĩa lơ lửng rất hay, vừa khuyên nàng chớ nhớ thương chàng quá mà sinh ốm đau, vừa có ý khuyên nàng chớ vì xa chàng mà không giữ được tấm lòng vàng đá cho được trọn vẹn. Ý giữ mình cho được mạnh khỏe thì ứng với câu “Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy.” Ý giữ lòng cho được thủy chung thì ứng với câu “Trăng thề còn đó trơ trơ, dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng” của chàng.

[60] Nhịn ngừng – Xem lời xác định câu 548 bên trên.

[61] Thay mái tóc = đến lúc tuổi già, mái tóc đen hóa trắng.

[62] Dời lòng tơ = đổi lòng gắn bó lúc thề nguyền.

[63] Ăn gió nằm mưa tả cảnh khổ cực khi đi đường, lấy điển ở câu thơ cổ [露 宿 風 餐 六 百 里 = lộ túc phong san lục bách lý = nằm ngủ ở ngoài sương, phải ngồi ăn ở trước gió trong cuộc đi 600 trăm dặm đường]. Đây đổi chữ sương ra chữ mưa cho có vần, mà lại thêm ý vất vả hơn.

[64] Ôm cầm thuyền ai – Cổ thi có câu [漫 抱 琵 琶 过 過 別 船 = mạn bảo tỳ bà quá biệt thuyền = nỡ ôm đàn tỳ bà đi sang thuyền khác] để chê người đàn bà vì vắng chồng mà đi theo người khác. Câu thơ này lấy đỉển ở truyện ông Bạch Cư Dị kể trong bài Tỳ bà hành – đại khái nói ông đặt tiệc tiễn khách ở dưới thuyền, bỗng nghe thấy tiếng đàn tỳ bà gảy rất hay ở một chiếc thuyền gỗ gần đó ; ông đánh thuyền lại mời mãi mới được người đàn bà đó sang thuyền ông mà gảy, nghe rất não nùng. Người ấy kể bà vốn chơi đàn nổi tiếng ở kinh đô lúc tuổi trẻ, lúc luống tuổi cô đơn quá phải lấy một người lái buôn và thường phải ở một mình dưới thuyền. Ông thương cảm mới làm bài Tỳ bà hành để tặng bà.

[65] Buộc yên = đóng yên lên lưng ngựa.

[66] Mối sầu xẻ nửa = nỗi sầu như chia đôi, chàng một nửa, nàng một nửa, như sợi dây sầu cắt ra làm đôi mà chia cho nhau.

[67] Bước đường chia đôi = không nỡ đi, mỗi bước chỉ ngắn có một nửa, còn nửa nữa để lùi lại với nàng.

[68] Quyên nhặt = tiếng cuốc kêu mau. Nhạn thưa = tiếng chim sếu lạc đàn lẻ loi, kêu thưa thớt tiếng một. Câu 8 chữ này tả cảnh buồn khi chàng Kim đi đường, nghe tiếng cuốc kêu rồn rập ở trên cây thì nhớ nhà, nghe tiếng sếu lẻ loi kêu thưa thớt ở nẻo trời xa thì thương cảnh mình bơ vơ dọc đường.

[69] Cữ gió tuần mưa – Đối với người phải kiêng tránh nắng gió thì người ta gọi 7 ngày là một “cữ” và10 ngày là một “tuần. ” Về sau người ta dùng cữ tuần để nói sự kiêng nắng gió – như nói đàn bà đẻ là ở cữ, người lên đậu phải cấm cữ, thấy cổng nhà nào hay cửa buồng ai treo cành lá đa dứa để cấm cữ thì người lạ chớ vào. Câu Não người cữ gió tuần mưa này dùng chữ cữ và chữ tuần là kiêng như vậy. Nghĩa hai câu lục bát này nói Kim Trọng thương Kiều phải vì mình mà giữ gìn kiêng tránh mọi điều, không dám đi chơi bời tiêu khiển đâu, chỉ những âm thầm ngồi ở nhà để càng ngày càng nhớ mình khổ lòng thêm mãi.

Diễn ra văn xuôi

Câu 453, 454 = Hai người ngồi uống rượu với nhau, rượu đã ngon, chén lại đẹp, khi thì ngửi mùi thơm quần áo lẫn lộn với nhau, khi thì lại ngắm bóng ngồi bên nhau ở trong cánh bình phong bằng bạc đánh sáng như gương.

Câu 455 đến 458 = Sinh bỗng dè dặt nói “Đêm nay gió mát trăng trong, cảnh đẹp quá. Đã từ lâu tôi vẫn có một chút chưa được thỏa nổi lòng ao ước, nhưng vì chưa nên vợ nên chồng, sợ lần lừa đòi hỏi quá thành ra bờm sơm bất lịch sự.”

Câu 459, 460 = Kiều nói “Đôi ta tuy chưa cưới xin gì, nhưng tình duyên trời đã định như lá thắm chỉ hồng và đã có lời thề nguyền với nhau thành đôi bạn tương tri, đồng tâm thân mật rồi.

Câu 461, 462 = “Chỉ xin đừng nói đến truyện nguyệt nọ hoa kia vội. Ngoài truyện đó ra, thì thiếp chẳng dám tiếc chàng sự gì cả. Vậy có ao ước việc gì, xin chàng cứ nói.”

Câu 463, 464 = Sinh nói “Tôi nghe đồn cô gảy đàn hay đã nổi tiếng ở nơi cầm đài, nên vẫn ước ao được lắng đôi tai biết nghe đàn này mà thưởng thức tiếng đàn cô gảy.”

Câu 465, 466 = Kiều nói “Tưởng là gì ! Chứ đó chỉ là một nghề nhỏ mọn của thiếp thôi, có đáng kể vào đâu mà chàng phải trịnh trọng thế. Chàng đã bảo thì thiếp xin vâng lời ngay.”

Câu 467, 468 = Ở mái hiên sau có treo sẵn một cây đàn ; Sinh lấy ngay ra và hai tay nâng cây đàn ngang trán mà trao cho Kiều.

Câu 469, 470 = Kiều đón lấy cây đàn và nói “Nào có đáng kể gì cái nghề hèn mọn riêng của thiếp này, mà chàng làm quá trịnh trọng như thế, cho thiếp phải bận lòng nể chàng vô cùng !”

Câu 471, 472 = Rồi nàng ôm cây đàn, vặn lại các dây, so lựa dây to dây nhỏ cho đúng năm âm cung, thương, trủy, giốc, vũ, rồi bắt đầu gảy.

Câu 473, 474 = Có khúc nàng gảy ra giọng sát phạt rùng rợn như tiếng gươm giáo, chuông cồng chen nhau trong chiến trường Hán Sở.

Câu 475, 476 = Có khúc nàng gảy nghe ra giọng sầu, giọng oán như Tư Mã Tương Như gảy khúc Phượng Cầu Hoàng.

Câu 477, 478 = Có khúc nàng gảy tiếng hay như Kê Khang xưa gảy khúc Quảng Lăng, và có giọng mông mênh bát ngát như khúc Lưu Thủy, rồi lại như khúc Hành Vân của Bá Nha.

Câu 479, 480 = Có khúc nàng gảy nghe ra giọng thương nhớ thiết tha như Chiêu Quân gảy khúc Quá Quan.

Câu 481 đến 484 = Khi thì tiếng đàn nghe trong veo như tiếng hạc bay vèo qua trên đỉnh trời. Khi thì tiếng đàn nghe đục lầm như tiếng suối từ trên cao vút chảy xuống mới đến nửa chừng núi. Khi thì tiếng đàn nghe thong thả khoan hòa như làn gió mát hiu hiu thoảng đến. Khi thì tiếng đàn nghe dồn dập mau gấp như tiếng mưa tối sầm sập đổ xuống.

Câu 485, 486 = Nhưng tiếng đàn khi chìm khi bổng ấy hợp với bóng sáng ngọn đèn khi tỏ khi mờ, làm cho chàng ngồi chỗ vui thích như thế mà cũng hóa ra ngơ ngẩn buồn sầu.

Câu 487, 488 = Khi thì chàng tựa lưng lên chiếc gối xếp mà lắng tai nghe, khi thì chàng ngồi cúi đầu xuống mà ngẫm nghĩ, khi thì bồn chồn như vò rối chín khúc ruột, khi thì ủ ê buồn bực, cau có đôi lông mày.

Câu 489, 490 = Chàng nói “Kể hay thì hay thật, nhưng nghe ra có giọng đắng cay thế nào ấy ? ”

Câu 491, 492 = “Cô lựa làm gì những khúc đàn sầu não như vậy ? Chính tai cô nghe chắc lòng cô cũng thấy ảo não như có điều gì quái gở làm chột cả dạ cô, mà lại làm cho người nghe như tôi đây cũng phải nôn nao lo buồn.”

Câu 493, 494 = “Thiếp trót đã quen tay mất nết rồi, chỉ thích gảy những điệu sầu buồn như vậy. Âu đó cũng là tính trời sinh ra, người thích gảy điệu buồn tẻ, người thích gảy điệu vui vẻ, biết làm sao được. ”

Câu 495, 496 = “Nay được nghe những lời răn bảo đáng quý như vàng như ngọc này, thiếp xin vâng lĩnh cái ý hay cao ấy mà sửa đổi xem có bớt được chút nào không.”

Câu 497, 498 = Tiếp xúc lâu với Kiều, chàng càng nhận thấy vẻ đẹp lộng lẫy của mặt hoa nàng và vẻ quý của tài thơm tho như hương trời cho nàng, nên tình yêu của chàng lại càng nồng nàn hiện ra đầu mày cuối mắt, ngắm liếc nàng luôn.

Câu 499, 500 = Nàng nhận thấy sóng tình chàng đã bồng bột như muốn sa ngã và thấy thái độ chàng yêu quý âu yếm mình đã ra chiều lả lơi kém phần đứng đắn.

Câu 501, 502 = Nàng mới ngỏ lời can rằng “Xin chàng đừng coi thường sự phi lễ ấy như là một trò chơi mà không giữ gìn cho thiếp, hãy nén lòng bồng bột ấy xuống, để thiếp thưa rõ mấy lời chàng nghe đã nhé ! ”

Câu 503, 504 = “Tấm thân con gái của thiếp chẳng qua chỉ như một đóa hoa đào mơn mởn, nào có ra vẻ gì đáng kể mà dám ngăn cấm chàng không cho phạm đến, cũng như sao thiếp dám rào kín vườn hoa lại không cho chim xanh vào ? ”

Câu 505, 506 = “Nhưng chỉ vì chàng có ý định lấy thiếp làm một người vợ hiền giỏi lễ phép, thì bổn phận đầu tiên của thiếp đối với chồng là phải giữ tấm lòng trinh tiết cho thơm sạch trọn vẹn từ trước tới sau. ”

Câu 507, 508 = “Nếu nay thiếp bừa bãi như những hạng gái theo trai vào trong bãi dâu, bờ sông Bộc xưa kia, thì chàng còn lấy làm gì nữa. ”

Câu 509, 510 = “Chúng ta còn ăn ở với nhau lâu dài trăm năm chứ có phải đâu chỉ chung chạ chốc lát qua thì như muối dưa ăn xổi còn thừa bỏ đi. Bởi vậy thiếp không dám nỡ lòng đem cái danh tiết trăm năm đó bỏ đi trong một ngày một chốc. ”

Câu 511, 512 = “Thiếp nghĩ rằng, từ xưa đến nay, cuộc tình duyên gặp gỡ rõ xứng đôi vừa lứa lạ lùng, thật chẳng đôi nào đã đẹp bằng đôi nàng Thôi Oanh Oanh và chàng Trương Hồng. ”

Câu 513, 514 = “Ấy thế mà những cuộc mây mưa bừa bãi đã làm tan rã mất lời vàng đá thề bồi, rõ thật là nàng đã chiều lòng ước ao của chàng quá, để đến nổi lòng yêu đương của chàng thành ra chán chường, như đàn chim anh yến họp đấy tan đấy. ”

Câu 515, 516 = “Tại sao chàng chóng chán nàng vậy ? Là bởi vì trong khi chắp cánh liền cành, đầu gối tay ấp, ân ái say sưa, mà chàng đã có ý riêng coi rẻ là nàng kém lòng trinh tiết. ”

Câu 517, 518 = “Ôi ! Cái nén hương thề ở dưới mái hiên tây kia bị nguội lạnh đi, mà cái duyên đằm thắm lứa đôi này hóa ra bẽ bàng, có phải chỉ vì nàng đã quá chiều chàng không ? ”

Câu 519, 520 = “Tại nàng không biết giữ gìn từ trước như cô gái dệt cửi kia ném thoi vào mặt Tạ Côn, để sau đến nổi tuy nàng vàng võ ủ ê vì nhớ chàng Trương, mà khi được chàng tới thăm, hai bên vẫn tha thiết muốn gặp nhau, mà nàng quá hổ thẹn không dám ra trông mặt chàng. ”

Câu 521, 522 = “Bởi vậy thiếp xin chàng đừng ép liễu nài hoa vội. Còn duyên này, còn thân này, thì hẳn còn một lần chàng được đền bù mỹ mãn.”

Câu 523, 524 = Thấy Kiều nói những câu đứng đắn, lời lẽ dễ nghe, chàng càng thêm kính nể, thêm yêu quý nàng đủ mười phần.

Câu 525, 526 = Truyện trò với nhau mãi tới hồi gần sáng, vừng trăng nhạt bạc đã xuống đến ngang mực tàu nhà mái hiên, thì bỗng có tin từ ngoài cửa hàng rào gọi vào.

Câu 527, 528 = Nàng thì vội trở về buồng nàng, còn chàng thì vội đi qua sân luồn dưới mấy cây đào ra mở cửa.

Câu 529, 530 = Cửa vừa mở ra, thì đứa gia đồng đưa cho phong thư bên quê chàng vừa mới gửi sang cho chàng.

Câu 531, 532 = Chàng mở thư ra xem thì được tin thúc phụ chàng đã từ trần ở tỉnh Liêu Dương, hãy còn quàn tạm ở nơi đất khách đó, và tình cảnh vợ con thật nheo nhóc.

Câu 533, 534 = Vì đường xa xôi, núi sông cách trở, nên thân phụ chàng nhắn chàng phải cấp tốc về ngay để đi Liêu Dương trông coi giúp đỡ mọi việc đưa xác chú về.

Câu 535, 536 = Được tin này chàng rất kinh hoàng, vội vàng lẻn ngay sang lầu trang Kiều mà kể rõ sự tình cho nàng nghe.

Câu 537, 538 = Chàng đinh ninh kể cặn kẽ đủ đầu đuôi mọi nỗi thương đau trong lòng chàng, phần vì tang tóc ở trong gia đình, phần vì phải xa cách nàng ở nơi xa thẳm rất lâu.

Câu 539, 540 = Rồi chàng nói tiếp “Việc tang tóc xảy ra bất kỳ, làm cho việc hôn nhân chúng ta chưa kịp bàn định với nhau được chút nào, cả đến một lời mối manh trao duyên chính thức cũng chưa kịp làm cho đúng lễ.

Câu 541, 542 = “Tuy chưa có dạm hỏi gì thật như vậy, nhưng còn vừng trăng chứng tỏ cuộc thề nguyền của chúng ta kia, thì có lẽ đâu vì xa cách nhau mà lòng tôi dám hờ hững chút nào ! ”

Câu 543, 544 = “Tôi thấy nay ta càng xa cách nhau, thì lại càng mong nhớ nhau. Người ta nói xa nhau ngoài nghìn dặm, thì mỗi mỗi chốc lát mong nhớ nhau coi lâu bằng ba tháng mùa đông. Thế mà ta phải xa nhau ít ra là 6, 7 tháng thì lâu biết là bao nhiêu ! Mối sầu nhớ nhau này, chúng ta còn lâu lai quá lắm mới gỡ ra được. ”

Câu 545, 546 = “Trong khi xa nhớ nhau lâu lai như vậy, tôi xin cô nén lòng chờ đợi, khéo giữ tấm thân vàng ngọc cho tôi được yên lòng ở nơi xa xôi.” (Hai câu lục bát này mang hai ý nghĩa rất hay : vừa khuyên Kiều chớ nhớ buồn quá mà sinh đau ốm, vừa ngụ ý khuyên nàng chớ vì xa chàng mà thay lòng đổi dạ).

Câu 547, 548 = Kiều nghe chàng nói, ruột nàng bối rối tơi bời thương cảm, buồn lo đủ đường. Nhưng nàng phải cố nhịn mọi nỗi nức nở như muốn khóc, để chàng khỏi phải bận lòng về mình và để trình tỏ lời cho được rành rõ trước sau.

Câu 549, 550 = Nàng nói “Sao ông Tơ lại nỡ bỗng sinh sự quái ác làm ngáng trở cuộc tình duyên của chúng ta như vậy ? Chưa được sum họp vui vẻ đã phải chia lìa sầu nhớ ! ”

Câu 551, 552 = “Xin chàng chớ lo, chúng ta tuy chưa dạm hỏi gì nhưng đã nặng lời thề nguyền với nhau, thế là cũng đủ rồi. Dầu phải chờ đợi đến lúc bạc đầu, thiếp cũng xin quyết không đổi lòng thương mến chàng. ”

Câu 553, 554 = “Chàng khuyên thiếp phải giữ mình cho chàng được yên tâm, thiếp xin hết sức giữ gìn, chàng chớ lo ; dầu phải chờ đợi bao nhiêu năm tháng nữa thiếp cũng không quản ngại, chỉ nỗi thiếp khó dẹp được lòng thương chàng phải dãi gió dầm mưa trong mấy tháng trên đường hộ tang. Vậy thiếp cũng xin chàng cố giữ gìn cho được mạnh khỏe luôn. ”

Câu 555, 556 = “Và cũng xin chàng đừng lo, đã thề nguyền hai chữ đồng tâm với nhau, thì thiếp xin thề là quyết một lòng suốt đời không lấy ai nữa cho khỏi mang tiếng với đời. ”

Câu 557, 558 = “Thiếp xin chàng yên trí rằng trời cho sông núi còn lâu dài bao nhiêu thì tình nghĩa đôi ta còn lâu bền bấy nhiêu. Thiếp còn nhớ mãi mãi chàng là người thiếp từ giã hôm nay và mong chóng lại về gặp nhau.”

Câu 559, 560 = Hai bên còn đương dùng dằng chưa nỡ rời tay nhau thì trông ra ngoài sân thấy mặt trời đã đứng ở góc mái nhà rồi.

Câu 561, 562 = Thế là chàng trở ra về, lòng những ngại ngùng từng bước, bước đi bước nào là tiếc mất xa nhau thêm bước ấy, và mỗi lời ngoảnh lại trân trong dặn thêm nàng là hai hàng nước mắt nhỏ xuống theo lời.

Câu 563, 564 = Khi về tới nhà trọ, chàng thì vội vàng đóng yên ngựa, đứa gia đồng thì quảy gánh cùng ra đi. Mối sầu chàng như sẻ làm đôi, một nửa mang đi, một nửa để lại cho nàng ; mỗi bước đường chàng đi cũng như muốn chia làm đôi, một nửa tiến lên, một nửa muốn lùi lại với nàng.

Câu 565, 566 = Trên đường đi, chàng thấy phong cảnh quê người, cảnh nào cũng gợi cho chàng mối sầu thương, nghe thấy chim cuốc kêu mau mau ở trên cành cây thì chàng cảm thấy nhớ nhà ; nghe thấy tiếng sếu lẻ loi kêu thưa thớt tiếng một thì chàng cảm thương mình bơ vơ ở dọc đường.

Câu 567, 568 = Lại thêm nỗi lúc nào bụng chàng cũng thương Kiều phải vì chàng mà phải giữ mình ; mặc dù buồn bã, chẳng dám đi đâu cho khuây khỏa ; suốt tuần, suốt tháng chỉ rầu rĩ ở nhà như người đau ốm phải kiêng cữ gió mưa, mang gánh tương tư mỗi ngày mỗi nặng thêm.

Những câu hay chữ có ý móc nối

Trong đêm Kim Kiều hội ngộ, mặt trăng đã đóng một vai trò từ thủy chí chung : (1) Lúc mới mọc thì dẫn đường cho Kiều đi và đưa Kiều đến phòng văn Kim Trọng : “Nhặt thưa gương giọi đầu cành . . . Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần. ” (2) Lúc lên đỉnh đầu thì chứng quả cuộc thề nguyền : “Vừng trăng vằng vặc giữa trời / đinh ninh hai miệng một lời song song. ” (3) Lúc quá nửa đêm, trăng lại gây cao hứng cho chàng muốn nghe đàn : Sinh rằng “Gió mát trăng trong / bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.” (4) Rồi lúc gần sáng trăng đã xế tàn lại chứng kiến trước sau cuộc chia ly đau đớn và nhắc lại cuộc thề lần nữa : “Bóng tàu đã nhạt vẻ ngân / tin đâu đã thấy cửa ngăn gọi vào ” và “Trăng thề còn đó trơ trơ / dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng. ” Bởi trăng ghi một kỷ niệm sâu xa cho Kiều suốt cái đêm chan chứa đầy ái tình đằm thắm trọng quý này như vậy, nên trong bước lưu lạc sau này, biết bao nhiêu lần nàng đã : “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng / thấy trăng mà thẹn những lời non sông. ”

Những lời lẽ đối đáp giữa Kim Kiều trong cuộc hội ngộ này thật là đầy ý nghĩa sâu sắc, đầy tình tứ tế nhị, hô ứng đâu vào đấy, rất thân mật kín đáo, rất gọn gàng đầy đủ. Khi hai người đang “Chén hà sánh giọng quỳnh tương / giải là hương lộn, bình gương bóng lồng” thì chàng bỗng nói “…gió mát giăng trong / bấy lâu nay một chút lòng chưa cam / chầy sương chưa nện cầu Lam / sợ lần khần quá ra sàm sỡ chăng. ” Câu nói đột ngột ấy đã làm cho Kiều giật mình khiến nàng vội ngắt lời chàng và thưa ngay lại “… hồng diệp xích thằng / một lời cũng đã tiếng rằng tương tri ” (để trả lời hai câu “Chầy sương chưa nện . . . ra sàm sỡ chăng), và “Đừng điều nguyệt nọ hoa kia / ngoài ra ai có tiếc gì với ai ” (vừa để trả lời ý ngầm lửng lơ với chàng, vừa để khuyên chàng muốn gì cứ nói chớ ngại, xin vâng lời hết). Câu Kiều nói khiêm “… nghề mọn sá gì / đã lòng dạy đến, dạy thì phải vâng” trả lời một cách rất đích đáng với lời quá trịnh trọng của Kim “Rằng nghe nổi tiếng cầm đài / nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.” Câu “…nghề mọn riêng tây / làm chi cho bận lòng này lắm thân” cũng trả lời rất thích đáng với cử chỉ quá trịnh trọng của chàng là “tay nâng ngang mày. ”

Những câu Kim Trọng lúc sắp ra đi hộ tang nói với Kiều thật đầy đủ ý tứ, khuyên nhủ một cách rất tế nhị, kín đáo, vừa thân mật thiết tha, vừa lễ phép đúng đắn và lời Kiều thưa lại cũng đầy đủ ý tứ từng câu một, mà cũng rất thân thiết lễ độ. Câu chàng nói “Sự đâu chưa kịp đôi hồi / duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ ” hàm ý lo chưa dạm hỏi gì nàng có thể lấy người khác, thì nàng đáp “Cùng nhau trót đã nặng lời / dẫu thay mái tóc dám rời lòng tơ. ” Câu chàng nói “Trăng thề còn đó trơ trơ / dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng” khuyên nàng một cách bóng gió ý nhị, là phải giữ lời thề chặt chẽ như chàng, đừng có thưa thớt lòng vì xa cách. Để trả lời lại ý khuyên bóng gió ấy là câu nàng nói “Đã nguyền hai chữ đồng tâm / trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.” Câu chàng căn dặn “Gìn vàng giữ ngọc cho hay” lửng lơ với hai nghĩa : (1a) Phải giữ gìn tấm thân vàng ngọc cho khỏe, chớ buồn nhớ nhau quá mà sinh ốm ; (2a) Phải giữ gìn danh tiết cho bền trong như vàng ngọc. Lời đối đáp của Kiều thật đoan trang và quả quyết : (1b) “ Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm. ” (2b) “Đã nguyền hai chữ đồng tâm / trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai. ”

Chữ “đó” trong câu “Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu” thật hay, vì nó tả rất gọn rõ cái nơi đủ cảnh vui – trăng trong, gió mát, bạn đẹp, đàn hay – thế mà chàng phải ngẩn ngơ sầu, thì biết tiếng đàn nàng gảy có giọng như ngậm đắng nuốt cay khiến lòng chàng phải nao nao đến thế nào.

Hai chữ “tiêu tao” ở câu “So chi những khúc tiêu tao” gồm được cả ý nghĩa tả giọng sát phạt, sầu oán, nhớ thương ở các khúc, và giọng trong ít đục nhiều, thư nhàn ít, dồn dập nhiều ở các câu trên.

Câu “Dột lòng mình cũng nao nao lòng người” tả thật khéo tài nghe đàn của Kim Trọng, thật không thẹn với câu chàng nói “Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ” ở trên. Chàng chỉ nghe giọng đàn tiêu tao mà biết được điềm bạc mệnh của Kiều, khiến chàng phải vò chín khúc, cau đôi mày ngỏ lời cảnh báo nàng. Chữ “dẽ” ở câu “Dẽ cho thưa hết một lời đã nao” thật đã tả rõ được thái độ “lả lơi” của Kim Trọng ở câu trên và đủ sức mạnh vừa nghiêm trang mà vừa đứng đắn, vừa cương quyết mà êm đềm, để dẹp tan được sóng tình bồng bột, khiến chàng phải cảm phục, phải thêm yêu thêm kính.

Ý nghĩa thâm thúy của mấy câu tả tiếng đàn Kiều gảy trong đoạn này

Trong Truyện Kiều có hai đoạn tả “tiếng đàn” Kiều gảy cho Kim Trọng nghe. Chúng rất quan trọng mà tác giả đã tốn nhiều tâm tư đem tài nghệ viết ra – bên ngoài tuy tả tiếng đàn nhưng bên trong thật mượn tiếng đàn để vừa báo điềm biến chuyển vận mệnh đời Kiều (cũng là vận mệnh tác giả), vừa để than thở ngầm kín cho cuộc đời Kiều. Đó cũng là cuộc đời tác giả vui ít buồn nhiều, cuộc vui chỉ thoáng qua để làm cuộc buồn càng thêm nhớ tiếc thương đau mãi mãi. Dưới đây tôi xin phân giải từng câu trong đoạn tả tiếng đàn lần thứ nhất này để độc giả cùng suy xét.

(1) “Khúc đâu Hán Sở chiến trường / nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau” bên ngoài thì tả tiếng đàn có vẻ sát phạt như tiếng gươm giáo đâm chém (tiếng sắt), như chuông cồng thúc giục (tiếng vàng) ; nhưng ý bên trong thì báo điềm gia đình Kiều sắp bị lũ nách thước tay dao vào tàn phá (tiếng sắt) và trói đánh Vương ông để lấy vàng bạc (tiếng vàng).

(2) “Khúc đâu Tư Mã Phượng Cầu / nghe ra như oán như sầu phải chăng” bên ngoài thì tả tiếng đàn rất hay như tiếng đàn Tư Mã Tương Như gảy khúc Phượng Cầu Hoàng. Nhưng ý cốt yếu bên trong là ở bốn chữ “như oán như sầu” báo điềm Kim Kiều sẽ phải chia rẽ nhau và sẽ đem lòng sầu oán nhớ tiếc nhau mãi mãi rất thê thảm.

(3) “Kê Khang này khúc Quảng Lăng / một rằng Lưu Thủy hai rằng Hành Vân” bên ngoài thì chỉ nói tiếng đàn Kiều gảy rất hay chẳng kém gì tiếng đàn Kê Khang gảy khúc Quảng Lăng ; nhưng ý cốt yếu bên trong thì ở hai chữ “Lưu Thủy” và “Hành Vân” báo điềm Kiều sẽ bị lưu lạc như “nước chảy dưới suối”, như “mây bay trên trời” nay đây mai đó.

(4) “Quá quan này khúc Chiêu Quân / nửa phần luyến chúa, nửa phần tư gia” bên ngoài thì tả giọng đàn Kiều gảy nghe hay một cách thê thảm, giống như giọng đàn của bà Chiêu Quân ôm tỳ bà gảy khúc “Quá quan” khi qua cửa ải sang đất nước rợ Hồ. Nhưng ý cốt yếu bên trong thì bốn chữ “luyến chúa” và “tư gia” báo điềm Kiều sẽ phải bỏ nhà ra đi để phải nửa đời lúc nào lòng cũng đau đớn phần tiếc Kim Trọng, phần nhớ gia đình.

(5) “Trong như tiếng hạc bay qua / đục như tiếng suối nước sa nửa vời” thì bề ngoài chỉ tả tiếng đàn Kiều gảy khi thì trong như tiếng hạc kêu, khi thì đục như tiếng suối chảy. Nhưng ý cốt yếu bên trong thì ở hai chữ “bay qua” câu trên và ở bốn chữ “mới sa nửa vời” câu dưới để than thở cho quãng đời trong sạch của Kiều chỉ thoáng hệt như tiếng hạc bay qua, và quãng đời bẩn đục của nàng thì kéo dài mãi như tiếng ồ ồ nước suối đương sa xuống nửa vời mãi mãi không ngừng.

(6) “Tiếng khoan như gió thoảng ngoài / tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa” tả tiếng đàn Kiều gảy khi thì khoan thai như tiếng gió hiu hiu, khi thì mau gấp như tiếng mưa sầm sập. Nhưng ý cốt yếu bên trong là ở hai chữ “thoảng ngoài” câu trên và ba chữ “trời đổ mưa” câu dưới để than thở cho cuộc đời nàng lúc thư thả thì ít, chỉ như gió thoảng, còn lúc tai nạn thì dồn dập như trời gió bão đổ mưa sầm sập.

Tóm lại, từ các câu lục bát nêu trên thì bốn câu (1, 2, 3, 4) báo điềm đủ từng giai đoạn nửa đời bạc mệnh của Thúy Kiều, và hai câu (5, 6) thì tỏ lời than thở cho đời nàng hồi trong sạch thanh cao thì chỉ thoáng qua, mà hồi bẩn đục thì kéo dài mãi mãi, cảnh thư nhàn thì chỉ mong manh như gió thoảng, còn cảnh tai nạn dữ dội thì dồn dập xảy ra như trời gió mưa bão.

EXPOSING THE MYTH OF HO CHI MINH

EXPOSING THE MYTH OF HO CHI MINH

Author:Tran Gia Phung

Translator: Timothy Tran

English version, please click:

HO CHI MINH – EXPOSING the MYTH of HCM (Unicode)

 

To read  the Vietnamese version, please follow

Dưới đây là bài viết bằng tiếng Việt:

https://damtrungphan.wordpress.com/2017/02/24/huyen-thoai-ve-ho-chi-minh-gs-tran-gia-phung/

HUYỀN THOẠI VỀ NHÂN VẬT HỒ CHÍ MINH

 

 

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2017 & NĂM MỚI 2018 – GÌN VÀNG GIỮ NGỌC CHO TIẾNG VIỆT TRUYỀN THỐNG TẠI HẢI NGOẠI

 

 

 

Thân chúc Quý Vị và thân quyến một Giáng Sinh đầm ấm và một Năm Mới an vui, khỏe mạnh .

 

Xin mời đọc:

 

GÌN VÀNG GIỮ NGỌC

 

 

DIỄN-VĂN CHỦ-ĐỀ CỦA GIÁO-SƯ ĐÀM TRUNG PHÁP  TRONG LỄ KHAI-GIẢNG  KHÓA HUẤN-LUYỆN VÀ TU-NGHIỆP SƯ-PHẠM CÁC TRUNG-TÂM VIỆT-NGỮ NAM CALIFORNIA NGÀY 28-7-2017 TẠI LITTLE SAIGON.

 

Đau lòng phải giã biệt miền Nam khi cộng quân miền Bắc xâm chiếm cuối tháng 4 năm 1975, chúng ta mang theo được gì? Của cải, danh vọng, bà con thân thuộc, bạn bè thì không, nhưng chúng ta mang theo được văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam truyền thống ra hải ngoại với chúng ta. Sau hơn 40 năm tỵ nạn tại hải ngoại, chúng ta vẫn duy trì được văn hóa và ngôn ngữ đáng trân quý ấy. Các truyền thống văn hóa Việt thể hiện qua các lễ lạc như Tết Nguyên Đán, Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, Giỗ Hai Bà Trưng, Tết Trung Thu; các tập tục như quan, hôn, tang, tế, tinh thần tôn sư trọng đạo vẫn được thiết tha duy trì trong các cộng đồng Việt hải ngoại. Và tiếng Việt truyền thống – nơi  lưu giữ cái linh hồn, cái tinh hoa, cái bản sắc, cái tình tự dân tộc thắm thiết của chúng ta – vẫn còn nguyên vẹn.

 

 

Tiếng Việt chúng ta mang theo là thứ tiếng Việt đẹp đẽ, thanh lịch, trong sáng. Đó là thứ tiếng Việt của Truyện Kiều mà học giả Phạm Quỳnh hãnh diện gọi là tiếng ta. Đó cũng là thứ tiếng Việt của Tự Lực Văn Đoàn, của Vũ Hoàng Chương, của Đinh Hùng, của các hệ thống giáo dục, văn học, báo chí, chính trị, kinh tế thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975.

Điều rất đáng lo ngại là ngày nay, trong khi tiếng Việt truyền thống được chúng ta gìn vàng giữ ngọc với niềm tự hào ở hải ngoại, thì ở quê nhà nó đang bị thái hóa trầm trọng để phù hợp với lối sống vô liêm xỉ, thiếu đạo đức, mất hết tự ái dân tộc, gây ra bởi một chế độ phi nhân tàn bạo lấy súng đạn mà áp bức người dân bất hạnh.

Những đồng nghiệp tại trường Đại-Học Sư-Phạm Saigon của tôi bị kẹt lại sau 30-4-1975 kể lại chuyện đau lòng đầu tiên của họ khi “bên thắng cuộc” cho một “cán bộ giáo dục” và đoàn tùy tùng đến “tiếp quản” ngôi trường khả kính đã đào tạo nhiều ngàn giáo sư trung học đầy đủ khả năng và tư cách để phục vụ nền giáo dục nhân bản và khai phóng của Việt Nam Cộng Hòa. Lối xưng hô thô lỗ và cách đối xử kiêu căng hằn học của họ làm các cựu nhân viên giảng huấn (từ giảng viên cho đến giáo sư thực thụ) choáng váng. Tất cả bị gọi bằng “anh” hay “chị” và tất cả bị gọi là “giáo viên”. Vị giáo sư khoa trưởng bị đẩy ra khỏi văn phòng làm việc; câu châm ngôn Lương Sư Hưng Quốc sơn bằng chữ lớn trên bức tường gần cổng trường bị một lớp sơn mới quệt lên trên xóa hết tung tích.

Sau hơn 40 năm thái hóa, tiếng Việt bên quê nhà đã có thêm rất nhiều từ vựng mà chúng ta thấy thật “chướng tai” khi nghe nói và “gai mắt” khi thấy trong sách vở báo chí – với ý nghĩa chẳng trong sáng chút nào như được tuyên truyền. Từ vựng truyền thống đứng đắn chân phương bị thay thế bằng một thứ từ vựng ngô nghê, thô tục, cọc cằn, như  nhà hộ sinh trở thành “xưởng đẻ”; nữ quân nhân trở  thành “lính gái”; lạp xưởng trở thành “con sâu mỡ”.

Một số người thiện chí trong cộng đồng tỵ nạn chúng ta (như hai ông Đào Văn Bình và Trần Văn Giang) đã thu thập được khá nhiều từ vựng quái dị này và cảnh báo đồng hương hải ngoại.   Tác giả Đào Văn Bình đã cho lên Internet cuốn Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời rất hữu ích cho giáo giới chúng ta muốn bảo vệ tiếng Việt truyền thống tinh tuyền tại hải ngoại. Đó là những từ vựng, từ ngữ đã nhiễm độc mà chúng ta phải tránh, không thể truyền bá trong cộng đồng hải ngoại, nhất là trong các lớp dạy tiếng Việt truyền thống từ mẫu giáo cho đến trung học và đại học. Đây là vài từ vựng và câu nói “đổi đời” tiêu biểu tôi tìm thấy trong TĐTVĐĐ : “động vật hoang dã” (dã thú), “lao động nữ” (nữ công nhân), “động não” (suy nghĩ), “vô tư” (thản nhiên), “anh muốn khẩn trương quản lý đời em” (anh muốn cưới em ngay), và “lối chụp hình tự sướng” (cách chụp hình selfie).

Mức nhiễm độc của tiếng Việt đổi đời ngày càng đáng sợ – nó đã tràn sang cả đại tác phẩm Truyện Kiều của dân tộc Việt. Một báo động đỏ thực sự! Truyện Kiều mà học giả Phạm Quỳnh –trong ngày giỗ cụ Nguyễn Du linh đình năm 1924 tại Hà Nội – đã tôn vinh với câu nói trước anh linh tiền nhân rằng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn” đang bị phỉ báng và bức hại tại quê nhà. Khai pháo bởi ông kỹ sư cơ khí Đỗ Minh Xuân khi ông ta phổ biến cuốn sách có một tựa đề ngạo nghễ  “Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng” trong một cuộc hội thảo về Truyện Kiều tổ chức cuối năm 2012 tại khu di tích Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Trong “công trình” ấy, ông đã “sửa” khoảng 1.000 chỗ trong tổng số 3.524 câu thơ Truyện Kiều.

https://kimvankieu.wordpress.com/

     Tại sao ông kỹ sư cơ khí lại làm chuyện động trời như vậy? Đây là lý do tại sao ông quyết định sửa đại tác phẩm của thi hào Nguyễn Du: “Truyện Kiều không còn thịnh như trước, do rào cản điển tích, chữ Hán, từ cổ, từ địa phương – chữ nghĩa Truyện Kiều rườm rà, trùng lặp, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh.” Một công việc quái đản xưa nay chưa thấy như vậy mà lại được “anh hùng lao động” Vũ Khiêu – một học giả từng làm viện trưởng Viện xã hội học – khuyến khích và tán dương, với lời nói quả quyết  rằng sách này “là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều”.

 

Còn nhớ xưa kia, vua Tự Đức rất giỏi văn thơ mà chỉ dám nhuận sắc vài chỗ không đáng kể trong Truyện Kiều rồi cho in nó thành “bản kinh” phổ biến trong dân gian.  Chúng ta cùng xem vài thí dụ về nỗ lực sửa Truyện Kiều  kỳ dị, lệch lạc, ngớ ngẩn, đoán mò, làm tối ý nghĩa của ông Đỗ Minh Xuân [dựa vào bài viết sắc bén có tựa đề “Cười té ghế hay đau thắt lòng với chữ sửa Truyện Kiều” (khuyết danh tác giả) đăng tải trên Đời Sống Pháp Luật Online ngày 28-4-2014]:

  • Lạ gì bỉ sắc tư phong = “Mỗi người thứ có thứ không” [lời văn cục súc, quê mùa].
  • Thời trân thức thức sẵn bày = “Quả ngon thức thức xách tay” [một hành động thanh nhã, cao sang, dịu dàng trở thành một hành vi thô lỗ – như thể cô Kiều hái trái cây nhà mình, bỏ vào giỏ, rồi xách tay sang đưa cho Kim Trọng ăn].
  • Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch tương = “Chưa xong điều nghĩ đã chào vừng dương” [chứng tỏ sự dốt nát, đoán mò, không hiểu mạch tương nghĩa là nước mắtđã dào mạch tương nghĩa là nước mắt đã dào dạt ra].

Theo cái kiểu “sửa chữa” Truyện Kiều như hiện nay ở quê nhà thì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ không còn Truyện Kiều, dẫn đến chuyện không còn tiếng ta nữa, rồi bước kế tiếp là không còn nước ta nữa! Thi hào Nguyễn  Du và  học giả Phạm Quỳnh nơi cửu tuyền làm sao tránh khỏi  nỗi đoạn trường khi biết đến điều đau đớn này?

Bằng mọi giá, chúng ta phải biết rõ ranh giới giữa tiếng Việt truyền thống và tiếng Việt “đổi đời” tới mức thoái hóa bên quê nhà. Thứ tiếng Việt tồi tệ ấy không thể có chỗ đứng trong các lớp dạy tiếng Việt truyền thống tại hải ngoại ở mọi trình độ.

APPEL A TOUS LES ESPRITS DE JUSTICE ET DE LIBERTE, A TOUS LES DEMOCRATES ET ECOLOGISTES AUTHENTIQUES – S.O.S. VIETNAM

Đặng Phương Nghi

S.O.S. VIETNAM

En danger de génocide et d’annexion par la Chine !

 

Une annexion du Vietnam machiavéliquement programmée par la Chine avec la complicité du pouvoir communiste de Hanoi est en passe de se réaliser dans l’indifférence générale !

A la fin de la guerre frontalière sino-vietnamienne, menée par la Chine en représailles de l’intervention du Vietnam au Cambodge, qui dura non pas seulement quelques mois selon la version officielle, mais 10 ans (1979-1989) marqués par des atrocités inouïes de la part d’une armée de 620.000 chinois rasant tout sur leur passage (destruction de 4 villes et de villages entiers, massacre de tous leurs habitants enfants compris avec viol en réunion préalable des femmes)[i], les dirigeants de Hanoi aux abois devant la chute de l’empire soviétique, jusqu’alors leur allié, plutôt que de perdre leur pouvoir en se reconvertissant en démocrates comme en Europe de l’Est, préférèrent en 1990 aller à Canossa ou plus exactement à Chengdu faire allégeance à la Chine et lui offrir leur pays en échange de l’appui de Pékin, en vertu d’un traité secret dont la teneur succincte n’a été divulguée qu’en avril 2013 par des documents subtilisés au Service secret de la Défense nationale vietnamienne et remis au Foreign Policy Magazine par le général Hà Thanh Châu, après sa demande d’asile politique aux Etats-Unis[ii]. Selon ce traité, le pouvoir de Hanoi s’engage à la transformation progressive du Vietnam en province chinoise à l’instar du Tibet. L’évolution se fera en trois étapes de vingt ans chacune :

 

2000-2020 : le Vietnam devient province autonome,

2020-2040 : le Vietnam devient province dépendante,

2040-2060 : le Vietnam troque son nom pour Âu Lạc (du nom de deux anciennes ethnies vivant entre les deux pays) et sera soumis à l’administration du gouverneur du GuangZhou.

Les capitulards de 1990 se contentaient d’exécuter en plus nettement l’engagement de Hồ Chí Minh en retour de l’aide militaire accordée par Mao Zedong dans la 1ère guerre d’Indochine. Par la « Convention de coopération vietnamo-chinoise » signée le 12/6/1953 à GuangXi,  Hô promettait de faire désormais « fusionner le parti des travailleurs vietnamiens avec le parti communiste chinois » et de faire de « la république démocratique vietnamienne un élément de la république populaire chinoise »[iii].

 

Sous prétexte de coopération active avec le Grand frère du Nord, le processus de tibétisation  du Vietnam se déroula comme suit :

Mise au pas politique :  

–    En 1999 un traité sur la frontière terrestre stipule la cession de 900 km2[iv] (équivalents à 60% de la superficie de la province de Thái Bình) y compris la moitié de la cascade Bản Giốc et le poste Nam Quan, deux sites historiques chers au cœur des Vietnamiens.

–     En 2000 par un traité sur le golfe du Tonkin[v] le pouvoir de Hanoi cède à la Chine près de la moitié (44% ou 16000 km2) des eaux territoriales dans le golfe ainsi que la plage de Tục Lãm avec en plus le droit pour les Chinois d’exploiter économiquement les richesses naturelles du golfe dans la zone vietnamienne sous couvert de coopération. Ces deux accords sur les frontières ne sont en réalité que des textes d’application de trois traités signés par Hồ Chí Minh avec Pékin en 1957, 1961 et 1963[vi].

–     En 2013 dix résolutions sur la coopération permettent à Pékin de contrôler l’entière   politique du Vietnam. Des Chinois de Chine ou anciennement du Vietnam (ceux qui partirent en 1978) spécialement formés furent placés par le pouvoir chinois à divers postes de direction de tous les échelons dans toutes les institutions vietnamiennes, surtout dans la police et l’armée, jusqu’aux plus hautes charges de l’Etat : Actuellement, le président de la république Trần Đại Quang, le vice-premier ministre Hoàng Trung Hải considéré comme le bras droit de Pékin, le vice-président du Parlement Tô Huy Rứa et le ministre de la police Tô Lâm sont des chinois ou d’origine chinoise. De la sorte, les cadres et dignitaires à l’esprit rebelles à la sinisation sont vite repérés et mis hors d’état de nuire : Une vingtaine d’officiers haut-gradés connus pour leur hostilité à la Chine, dont le chef de l’Etat-major Đào Trọng Lịch et le commandant en chef de la 2e zone militaire Trần Tất Thanh, disparurent dans un « accident d’avion pour cause de brouillard » en mai 1998 ; plus récemment, en juillet 2016, trois mois à peine après sa nomination, le général Lê Xuân Duy, un autre commandant en chef de la même zone (très importante à cause de son voisinage avec la Chine et le Laos), héros de la guerre sino-vietnamienne de 1979, connut plutôt une « mort subite ».

–   En 2014 le traité sur un « projet de deux couloirs stratégiques » donne à la Chine le droit d’exploiter économiquement les six provinces frontalières (c’est-à-dire en fait la destruction de magnifiques forêts primaires du pays) et la région de Điện Biên, ainsi que l’établissement de deux couloirs stratégiques, Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng et Móng Cái – Hà Nội.

–     En janvier 2017, Nguyễn Phú Trọng, le secrétaire général du parti actuel est allé à Pékin signer 15 conventions promouvant une plus étroite coopération entre les deux pays, en particulier dans les domaines militaire, policier et culturel, laquelle coopération doit être comprise comme une plus grande sujétion, avec à terme l’incorporation de l’armée et la police vietnamiennes dans l’armée et la police chinoise[vii], c’est-à-dire la fin du Vietnam.

–    Quant à l’occupation des îles Paracel et Spratly par la Chine, le pouvoir de Hanoi l’entérine en quelque sorte car il réprime toute manifestation publique contre elle, et ne proteste guère ou très mollement devant les constructions et les forages que les Chinois y font[viii].

Tous ces traités furent suivis d’accords économiques permettant à Pékin d’envoyer en masse ses ressortissants sous couvert d’employés et d’ouvriers dans les endroits les plus stratégiques du Vietnam :

  • Accord pour deux entreprises conjointes (en fait chinoises car la majorité du capital vient de Chine) de bauxite installées sur le « toit » des Hauts Plateaux du Centre, d’où l’on peut dominer toute l’Indochine.
  • Accord pour l’exploitation par les Chinois des forêts primaires, ce qui revient à laisser la Chine détruire les plus belles ressources naturelles du Vietnam tout en lui permettant de contrôler des points les plus cruciaux du Nord du pays.
  • Permission aux entreprises chinoises de s’installer sur tout le littoral vietnamien, de Móng Cái à Cà Mau.
  • Possibilité pour les Chinois de fonder des villes chinoises dans tout le pays comme à Bình Dương, où la seule langue utilisée est le chinois et où les échanges se font en yuan chinois.
  • Permission aux ressortissants chinois de venir au Vietnam sans visa, de circuler et de s’installer librement au Vietnam où ils peuvent se marier avec des Vietnamiennes dont les enfants deviendront systématiquement chinois. Par contre, un visa est toujours exigé pour les Vietnamiens allant en Chine, et de nombreux quartiers chinois au Vietnam sont interdits aux Vietnamiens, même aux autorités publiques vietnamiennes.

La reconnaissance tacite de l’appartenance du Vietnam à la Chine se manifeste par l’adoption d’un drapeau chinois à 6 étoiles (une grande étoile entourée de 5 au lieu des 4 petites étoiles officielles) sur lequel le peuple vietnamien figure symboliquement comme un des peuples conquis à l’égal des peuples de la Mandchourie, de la Mongolie intérieure, du Tibet et du pays Ouighour. Ce drapeau chinois, apparu pour la première fois en 2011 en arrière-fond derrière une speakerine de la télévision officielle VTV suscita une telle interrogation indignée qu’il fut vite retiré ; on le revit pourtant en millier d’exemplaires agité par les écoliers vietnamiens pour l’accueil du vice-président chinois Xi Jinping en 2012. Face au tollé général, le gouvernement se contenta d’imputer le fait à une erreur technique des fabricants du drapeau (sic!). Ce qui n’a pas empêché ledit drapeau de figurer dans une salle de réunion de hauts-gradés vietnamiens et chinois à Lào Cai en 2015 et actuellement dans de nombreux commissariats.

D’ailleurs, le drapeau rouge avec une étoile jaune au milieu qui représente officiellement le Vietnam communiste que Hồ Chí Minh imposa au Vietnam n’est que l’emblème des jeunes pionniers communistes chinois[ix] (et non pas celui de la province de Fujian comme le prétend la rumeur). Additionné avec la forte probabilité que le fameux Hồ Chí Minh identifié avec le révolutionnaire vietnamien Nguyễn Tất Thành alias Nguyễn Ái Quốc est en fait un imposteur chinois, son sosie, dénommé Hu JiZhang (Hồ Tập Chương) alias Hu Guang (Hồ Quang), chargé par l’Internationale communiste de personnifier l’espion soviétique vietnamien après sa mort en 1932 dans les geôles de Hông Kông — d’après la révélation apportée dès 1946 par un auteur taiwanais, Wu ZhuoLiu (Ngô Trọc Lưu), dans un livre intitulé « Hồ Chí Minh » écrit en japonais,  confirmée en 1949 par un journal local du PCC, Gang Shan (Cương Sơn), réaffirmée nettement dans une biographie controversée sur « La moitié de la vie de Hồ Chí Minh » publiée par un autre universitaire taiwanais, Hu JunXiong (Hồ Tuấn Hùng) en 2008[x]–, ce trait en dit long sur la machination annexionniste des dirigeants chinois et leur détermination mûrie depuis très longtemps de conquérir le Vietnam.

Nul étonnement après cela à ce que les Chinois se comportent en maîtres arrogants, certains hauts dignitaires de Pékin ne se privant pas de traiter publiquement les dirigeants vietnamiens de « bâtards ingrats » quand Hanoi ose protester timidement contre l’un de leurs abus.

La soumission du Vietnam à la Chine se traduit par la répression violente de toute manifestation anti-chinoise (contre l’occupation des terres sur la frontière du Nord ; contre celle des îles Paracel et Spratly, traditionnellement vietnamiennes, convoitées par la plupart des pays de la région pour ses riches  gisements de pétrole représentant 25% des réserves mondiales, que la Chine a arrachées au Vietnam  par les armes en 1974 et en 1988 ; ou contre l’implantation des usines de bauxite dans une région particulièrement sensible du point de vue environnemental en 2009-2011, etc.) : des centaines de militants patriotes furent arrêtés, battus et mis en prison où beaucoup moururent par suite de mauvais traitements. Répression d’ailleurs toujours de mise, comme par exemple ces derniers mois envers les protestataires contre l’entreprise Formosa (taiwanaise par son nom et son siège en Formose, mais chinoise par son capital et donc sa gestion).

Sujétion culturelle :

L’expansion politique ne se conçoit guère sans influence culturelle, et pour Pékin, cette influence ne se comprend que par la sinisation du peuple conquis. Puisque les Vietnamiens sont destinés à fusionner dans le grand chaudron chinois, il faut effacer les traces d’antagonisme héréditaire chez eux et leur ôter en même temps la fierté de leur passé historique. C’est ainsi que Pékin imposa à Hanoi diverses mesures :

  • Faire oublier la vaillante résistance à l’armée chinoise dans la guerre de 1979-1989 : A l’indignation impuissante des anciens combattants, à la frontière nordique, Hanoi dut faire gratter sur la tombe des militaires vietnamiens morts pour la patrie tout ce qui a trait à cette guerre et à leur héroïsme. Par contre, des cimetières et monuments grandioses y furent édifiés en l’honneur des soldats chinois tombés au Vietnam. L’abondante publication hostile à la Chine durant la guerre disparut de la circulation et désormais les rares mentions de cette guerre dans les manuels d’histoire ne comportent guère plus de 11 lignes, si bien que les jeunes Vietnamiens ignorent jusqu’à son existence[xi]. Sur les annexions des terres frontalières comme des îles Paracel et Spratly et sur les exactions fréquentes de l’armée chinoise tels le mitraillage des bateaux de pêcheurs ou l’abattage des avions vietnamiens au large des eaux territoriales vietnamiennes dont la Chine s’est approprié la moitié, un silence radio est strictement observé.
  • Eviter la glorification des grands héros de l’histoire honorés pour leur lutte victorieuse contre l’envahisseur chinois. Il fut même question sous des prétextes oiseux de retirer leurs statues des lieux publics, mais le sujet trop sensible fut remis de côté et le pouvoir se contente de les déboulonner dans les habitations des particuliers (cas récent pour la statue du général Trần Hưng Đạo, grand vainqueur des Mongols, édifiée chez un habitant de la province de Lâm Đồng[xii]).
  • Aucune assimilation ne peut s’exercer sans adoption du langage. A l’inverse de l’anglais, langue très flexible et aisée à apprendre, malheureusement pour les ambitions hégémoniques de la Chine, la langue chinoise avec son écriture idéographique se prête mal à la propagation internationale et ne séduit guère les Vietnamiens. Si tu ne veux pas l’apprendre de ton plein gré, tu l’apprendras de force : des décrets furent donc arrêtés en fin 2016 pour imposer le chinois comme une première langue étrangère obligatoire au secondaire et pour introduire le chinois comme deuxième langue dès le primaire. Pour le moment, des émissions entièrement en chinois sont diffusées par la radio et la télévision vietnamiennes et même dans les programmes vietnamiens sont intercalées au milieu de la musique nationale des chansons chinoises.

Destruction de l’économie :

Hanoi comme Pékin devaient tenir secret le contenu du traité de 1990 par crainte de la révolte unanime des Vietnamiens, animés par suite des leçons de l’histoire d’une hostilité viscérale envers le grand voisin prédateur. Pour éviter d’avoir à faire face à 90 millions de résistants au moment de la proclamation officielle de l’annexion, et ne convoitant le Vietnam que pour ses richesses minières (en particulier bauxite et pétrole) et sa situation favorablement stratégique en Asie du Sud-Est, Pékin machina une véritable entreprise de génocide contre la population vietnamienne en vue d’un repeuplement par des Chinois, qui débuta aussitôt le traité signé. Devant la destruction méthodique de l’économie et l’empoisonnement parallèle de toutes leurs sources de vie, les jeunes Vietnamiens sont et seront poussés à émigrer, ceux qui restent seront réduits au fil des années à l’état de malades impotents et les enfants à venir destinés à naître chétifs ou difformes.

Destruction de l’agriculture :

Le Vietnam tire ses ressources principales d’une agriculture florissante qui occupe encore plus de la moitié de sa population, du produit de ses pêches, du tourisme, et aussi du pétrole (depuis 2000). La culture du riz nourricier pour lequel le Vietnam est encore jusqu’à peu le 2e producteur au monde et le 3e exportateur, fut donc la première cible de Pékin :

Le vaste delta du Mékong, grenier à riz du Vietnam, dépend des crues alluvionnaires annuelles qui lui assurent sa fertilité. Depuis la mise en activité d’une cascade de 6 barrages chinois dans le Yunnan en amont du Mékong (4 autres sont prévus, sans compter le projet de deux canaux qui détourneront dans les alentours l’eau du fleuve), en particulier les gigantesques barrages hydroélectriques de Xiaowan (capacité : 15 milliards de m3, 2010) et Nuozhadu (capacité : 23 milliards de m3, 2012), les autres pays qui vivent du Mékong assistent impuissants à la détérioration de leur économie fluviale. Ne pouvant s’en prendre au puissant chinois qui manipule les débits du fleuve à sa guise sans même prévenir les riverains et s’assoit sur les mises en garde la Commission régionale du Mékong dont il refuse de faire partie, ces pays préfèrent participer à la curée en construisant leurs propres barrages avec la bénédiction et l’apport financier de Pékin (11 prévus au Laos qui rêve d’être un grand pourvoyeur d’électricité pour la région, dont l’énorme Xayaburi sur le cours principal du fleuve, déjà en chantier ; 2 en projet au Cambodge et 2 autres en Thailande)[xiii].

Le Vietnam, en aval dans le delta ne peut que constater les dégâts : en butte à des sécheresses prolongées et des crues dévastatrices, les sols s’appauvrissent faute de sédiments et à cause entre autres de la salinisation due à l’augmentation de la température et la montée des eaux de mer ;  le niveau de l’eau douce baisse dangereusement jusqu’à parfois la pénurie  entraînant la chute des réserves de poissons ; avec le changement de température se multiplient les insectes et les champignons qui provoquent des maladies (développement de la dengue) et détruisent les récoltes[xiv]. A l’action des barrages, s’ajoute la destruction des mangroves surtout dans l’extrême sud pour y élever des crevettes à l’exportation, à l’instigation des entreprises de congélation de fruits de mer pour la plupart tenues par des Chinois. Sans les arbres pour fixer la terre, les côtes s’érodent et chaque année 500 ha disparaissent. Cà Mau bientôt n’aura plus la forme de pointe.

En conséquence la superficie des rizières se réduit, et leur rendement baisse de 15%  depuis une dizaine d’années ; la situation se dégrade si rapidement que l’on parle même de risque de famine dans les années à venir. Car paradoxalement, dans le Vietnam grand exportateur de riz, les habitants sont obligés souvent de manger du riz importé ; cela tient au fait  qu’une bonne partie (60%) des récoltes est préemptée par l’Etat qui  l’achète à très bas prix au producteur (3000 đ/kg au lieu de 4500 đ sur le marché), pour l’exportation. Où ? en priorité (40%) vers la Chine (au prix de 6000 đ), laquelle en échange du bon riz vietnamien revend à la population vietnamienne son propre riz de mauvaise qualité, parfois mélangé de grains en plastique appelé « faux riz » à un prix double ou triple (jusqu’à 30000 đ). Exploités et découragés par les mauvaises conditions de travail, chassés d’une terre devenue aride, un nombre grandissant de paysans abandonnent le métier, émigrent en ville ou dans les pays avoisinants, abandonnant la terre aux Chinois qui s’empressent de l’acquérir.

Décidés à s’emparer du maximum de terre pour leur colonisation de peuplement, les Chinois trouvent mille astuces plus diaboliques les unes que les autres pour ruiner les paysans récalcitrants et à les pousser à abandonner leur foyer. Leur subtile cruauté trouve en la petite paysannerie pauvre d’où cupide, ignorante et crédule une proie facile :

  • Des commerçants chinois voyageant par tout le pays repèrent les paysans en difficulté et proposent de leur acheter les quatre sabots de leur buffle au prix de l’animal, ce que les pauvres hères acceptent en pensant gagner double puisque l’animal tué pour leurs sabots pourra ensuite être vendu comme viande. Le buffle étant pour le paysan son instrument de travail, celui-ci disparu, il ne restera d’autre choix au paysan que l’acquiescement à n’importe quelle suggestion du chinois : combler sa rizière pour en faire une terre pour culture vivrière ou plantation d’arbustes en utilisant des fertilisants et pesticides chinois toxiques (qui ne respectent aucune des normes internationales) que lui vend à crédit le commerçant, lequel lui promet en retour de lui acheter à bon prix le produit de sa récolte ; promesse souvent tenue au moins la première année ; ensuite, sous des prétextes quelconques (ex. le produit en question n’est plus demandé) le commerçant ou un autre de ses congénères refuse l’achat du produit, lequel devra être bradé à vil prix par le paysan, trop heureux de pouvoir écouler rapidement des matières périssables. Le paysan finalement surendetté se voit obligé de céder sa terre au chinois ou à un de ses complices pour émigrer ailleurs.
  • Autre variante : là où la région prospère grâce à une certaine culture, le commerçant offre d’acheter toutes les feuilles du tubercule (par exemple le manioc) ou de la plante, ou aussi toutes les racines de la plante, à un prix bien supérieur à la récolte elle-même ; résultat, le tubercule ne peut se développer, la plante meurt et le paysan se trouve démuni de semence ou de plantule pour la prochaine saison ; de nouveau offre de vente d’engrais et de pesticides pour la plantation d’un fruit,  d’une fleur, etc. de très bon rapport, etc..  L’astuce de l’achat des racines a été utilisée pour la destruction des poivriers, une des richesses du Centre-Vietnam.
  • Toute une culture centenaire aux frontières du Cambodge, celle du palmier à sucre, est en train d’y être éradiquée « grâce » aux Chinois qui viennent proposer aux paysans d’acheter à prix fort des troncs de ce palmier ; coupés en deux le palmier ne peut que mourir et il n’est pas question d’en replanter car l’arbre ne produit qu’au bout d’une vingtaine d’années[xv].

La volonté destructrice chinoise n’a pas de borne : Les Chinois font courir le bruit qu’ils sont prêts à acheter très cher des tonnes et tonnes de blattes ou de sangsues à des fins médicales, aussitôt les pauvres paysans, petits et grands, négligent leur travail routinier pour s’adonner à la chasse des dites bêtes, voire à leur élevage ; comme d’habitude, l’achat est effectif en quelques endroits pendant un certain temps, puis les marchands chinois n’en veulent plus et les stockeurs de blattes ou sangsues se retrouvent avec d’énormes quantités de bêtes nuisibles qu’à défaut de pouvoir tout brûler ils rejettent dans la nature où elles endommagent l’environnement, ravagent le bétail et affectent les humains. Aux paysans un peu plus futés, des Chinois « experts » viennent conseiller une augmentation de revenu avec l’élevage d’une variété de bulot (pomacea), de homard d’eau douce (procambarus) ou de tortue rouge, dont la chair est en effet prisée. Or, ce sont trois espèces importées d’Amérique, terriblement invasives, qui ne tardent pas à envahir rizières, fleuves et lacs, canaux…, tuant la faune et la flore locale, en particulier les jeunes plants de riz à un degré tel que la FAO en est alarmée[xvi].

Mieux ou pire encore, des inconnus ont été surpris en train de jeter des bébés crocodiles dans le Mékong. Ce n’est peut-être qu’une rumeur, mais en février dernier, au vu et au su d’un millier de personnes, un bonze, « élu » même député, — connu pour avoir publiquement pris à partie Lý Thường Kiệt, le grand général vainqueur des Song dans une guerre pour la première fois offensive et non pas défensive en 1075, pour son « insolence » envers l’Empire, — certainement un agent chinois, a fait jeter dans le Fleuve rouge, sous couvert d’un rite de délivrance des âmes, dix tonnes de piranhas, de quoi infester tout le fleuve et y interdire désormais toute activité. Pouvez-vous imaginer un tel acte ? Devant l’indignation générale les autorités minimisent le fait en déclarant que les piranhas incriminés appartiennent à une variété inoffensive [xvii]!

Les plantations de café pour lequel le Vietnam est le 2e producteur du monde (et le 1er pour la variété robusta), ne subissent pas de destruction en règle de la part des Chinois, d’abord parce que c’est plutôt un produit d’exportation (seuls 5% servent à la consommation nationale) non indispensable à la vie de la population, ensuite parce qu’ils veulent s’en rendre maîtres : toujours à l’affût de la moindre occasion de rachat à rabais, ils comptent déjà sur la forte fluctuation du prix du café qui pousse à la ruine les planteurs incapables d’encaisser une chute brutale des cours (comme par exemple en 2012) pour ce faire.

Destruction des forêts, poumon du Vietnam :

Trente ans de guerre avec des bombardements massifs n’ont détruit que 16% (et non 60% comme le clame la propagande officielle) des forêts vietnamiennes d’après un calcul basé sur les chiffres souvent contradictoires donnés dans divers articles dont il ressort qu’en 1943 le Vietnam était boisé à 43%, (c’est-à-dire sur 140.000 km2, puisque la superficie totale du Vietnam est de 330.000 km2) et que de 1943 à 1973 les forêts détruites couvraient 22000 km2 ; mais 17 ans après la guerre (en 1990) la couverture en forêt n’est officiellement que de 92.000 km2, ce qui veut dire qu’en temps de paix 26.000 km2 de forêts ont été détruits, soit plus et plus vite qu’en temps de guerre. Et la déforestation continue, malgré un grand effort de reforestation depuis. En 2013, les forêts recouvrent 39% du territoire, mais 25% de ces forêts ne sont constitués que par un reboisement en essences peu ombrophiles et pauvres en diversité comme le pin et l’eucalyptus. De plus avec la déforestation vient l’érosion et la dégradation des sols nus dont 40% devient impropre à la culture[xviii].

Parmi les causes de la déforestation, la principale est certes la croissance démographique avec ses conséquences en besoin d’espace, de construction, de bois de chauffage (cuisine) et en développement agricole et industriel, mais le facteur le plus funeste est la destruction systématique des forêts par les exploitants chinois auxquels le pouvoir vietnamien a attribué la concession de milliers de km2 à la frontière du Nord et sur les hauts-plateaux du Centre[xix]. Ajoutez à cela le pillage organisé par les trafiquants de bois dont les chefs sont d’ordinaire des Chinois de mèche avec les autorités locales qui tirent de ce commerce illégal[xx] représentant la moitié du commerce du bois un profit de 2,5 milliards USD par an. La déforestation du Vietnam est d’autant plus déplorable que le ravage concerne des belles forêts pluviales, surtout des forêts primaires aussi rares que précieuses par leur biodiversité (elles abritent ou abritaient plus de mille espèces différentes, dont 8,2% endémiques et 3,4% protégées par l’ONU): de 10% (des forêts) encore en 1996, il n’en reste que 0,6% soit 80000  ha en 2012. En seulement une vingtaine d’années le régime communiste de Hanoi a ainsi réussi à dilapider le fabuleux héritage ancestral des forêts d’or (rừng vàng[xxi]).

Pollution de l’environnement :

Devant la pollution empoisonnant son propre pays, Pékin eut l’idée d’utiliser l’intoxication chimique  pour se débarrasser des Vietnamiens. Par des pressions politiques autant que financières, elle fit accepter par Hanoi l’implantation par tout le Vietnam de ses industries les plus polluantes. Déjà en 1990, après à la fin de la guerre sino-vietnamienne, de nombreux Chinois venus ou revenus au Vietnam se sont remis à faire du commerce et à ouvrir de petites entreprises en prenant des Vietnamiens d’abord comme prête-nom puis comme partenaire d’entreprise-conjointe. Même lorsqu’à partir de 2005 sont acceptées des entreprises 100% étrangères, sachant la méfiance des Vietnamiens envers la Chine, beaucoup d’entreprises 100% chinoises préfèrent se prétendre joint-ventures en s’alliant avec des cadres corrompus, et on peut dire qu’aujourd’hui la grande majorité des entreprises présentes au Vietnam ont des Chinois pour propriétaires[xxii].

Profitant de l’ignorance de la population et de la carence des lois vietnamiennes, les petites unités chinoises, comme celles des Vietnamiens eux-mêmes, il faut le reconnaître, rejetaient à gogo leurs déchets dans les fleuves au grand dam des riverains. Pour Pékin ce n’était pas assez, et le pouvoir chinois se détermina à passer à la vitesse supérieure. Alors que la Chine elle-même avait fermé toutes ses usines de bauxite pour cause de dégâts environnementaux, après de multiples pressions à partir de 2001, Pékin finit en 2007 par faire signer par le premier ministre Nguyễn Tấn Dũng l’accord pour un projet de 6 usines de bauxite sur une surface de 1800 km2 concédées, à exploiter en commun par les deux pays sur les Hauts plateaux du Centre, où se trouvent les troisièmes plus riches gisements de bauxite du monde[xxiii]. L’emplacement des deux premiers sites choisis, à DakNong et Lâm Đồng, une fois connu, suscita pour la première fois au Vietnam communiste une levée de protestation de scientifiques, d’intellectuels et de personnalités diverses (pétition de 2600 signatures) qui évoquaient des dangers considérables pour l’environnement et partant pour les hommes et la culture des théiers et caféiers dans les alentours, sans compter, comme le remarquent les militaires, le danger d’une installation de milliers de Chinois censés être ouvriers sur le « Toit de l’Indochine »[xxiv]. Le gouvernement passa outre, arrêta les meneurs de la révolte, les usines furent donc mises en construction en 2009 ; et l’on interdit au peuple de s’aventurer dans leur zone comme c’est devenu la règle pour toute grande entreprise chinoise.  Qu’en résulte-t-il ?  Pour implanter les usines on a sacrifié des milliers d’hectares de forêts primaires et de terres de plantation, provoquant la paupérisation des habitants (des montagnards sans défense), la pénurie d’eau douce dont une bonne partie est captée pour la fabrication de l’alumine, et le risque de déversement des boues rouges hors des deux fosses où elles sont stockées à l’air libre en cas de pluie diluvienne[xxv]. Et les travailleurs chinois y vivent toujours dans des quartiers réservés sans que l’on sache exactement leur nombre ni leur réelle fonction. Quant aux deux usines censées rapporter plein de devises au Vietnam, elles n’ont pas cessé d’être déficitaires[xxvi] au point qu’en 2016 le Ministère de l’industrie et du commerce a dû réclamer de l’aide gouvernementale pour remplacer les équipements chinois vieillots et inefficaces par des machines à la technologie plus avancée des autres pays.

Le summum de la duplicité et de l’inhumanité chinoise (jusqu’à présent au moins) comme de la complicité gouvernementale vietnamienne est atteint avec l’entreprise Formosa. En 2008, Pékin fit pression sur Hanoi pour que fût accordée à la Formosa Plastics group, une compagnie taiwanaise habituée des procès environnementaux, la permission d’implanter une aciérie dans la province de Hà Tĩnh au Centre Vietnam. Pour ce projet, le groupe constitua une filiale, la Hung Nghiep Formosa Ha Tinh Company, appelée simplement Formosa au Vietnam, dont les parts furent bientôt rachetées par des compagnies chinoises, ce qui fait en réalité d’elle une compagnie chinoise et non plus taiwanaise comme beaucoup encore le croient. En 2010, toujours par la concussion et l’intimidation, Formosa se fit obtenir la concession pour 70 ans de 3300 ha à Vũng Áng dans le district de Kỳ Anh, juste devant un port d’eau profonde de grande importance militaire puisque des bateaux de 50.000 DWT et des sous-marins peuvent s’y abriter. Outre cet énorme privilège (selon la loi vietnamienne en vigueur qui ne reconnaît pas la propriété foncière mais seulement l’utilisation de terrain, aucun particulier ou groupe au Vietnam ne peut se voir délivrer un permis d’utilisation dépassant 45 ans), Formosa bénéficia aussi d’une remise de taxe foncière et de taxe sur l’importation des marchandises, ce qui ne l’empêcha pas de pratiquer la fraude dans leur paiement (découverte en 2016) pour près de 300 millions de dollars, et du droit de développer les infrastructures à sa guise !

Malgré les protestations des habitants expropriés, l’usine fut mise en construction en 2012 et l’on vit surgir en 2015 sur son emplacement un immense complexe dont on peut avoir un aperçu en tapant sur Google map.

Le 6 avril 2016, alors que l’usine était à peine terminée, les habitants de Vũng Áng découvrirent sur leurs plages un nombre effrayant de poissons morts ; les jours suivants, jusqu’au 18 avril, le phénomène s’étendit sur les côtes du Centre, offrant le spectacle de kilomètres de poissons morts  estimés au nombre de plusieurs millions. Cette mort de la mer qui s’avérera être la plus grande catastrophe écologique jamais vue jusqu’ici, ne suscita d’abord aucune réaction des autorités. En cherchant la cause du désastre, des pêcheurs-plongeurs détectèrent des conduites provenant de Formosa qui crachaient des jets continuels d’un liquide étrangement rouge. Commencèrent alors des manifestations dans tout le pays contre la compagnie chinoise. Les autorités vietnamiennes ne se réveillèrent que 6 semaines après l’hécatombe pour parler de catastrophe et amener Formosa à accepter sa responsabilité. Mais au lieu de fermer aussitôt l’usine et d’ordonner une enquête sur les effets de la pollution, le gouvernement se contenta d’un dédommagement de 500 millions de dollars dont la somme dérisoire par rapport aux dommages causés n’est toujours pas distribuée aux victimes,  au point qu’on se demande si elle a été effectivement versée et dans ce cas empochée par qui. Or, selon les quelques scientifiques venus constater les dégâts, il faudra des dizaines d’années voire des siècles pour que la mer guérisse de ces millions de m3 de liquide remplis de métaux lourds et autres produits toxiques3f (plomb, mercure, cadmium, manganèse, phénol, cyanide, etc., selon un laboratoire indépendant des autorités) que Formosa rejetait et rejette dans ses eaux[xxvii]. Et ce n’est plus aujourd’hui les deux provinces avoisinantes de Formosa mais toutes les quatre provinces centrales (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế) qui sont touchées et la nappe des eaux rouges continue de s’étendre et commence à gagner les côtes méridionales. Pour survivre les pêcheurs essaient d’aller chercher du poisson au grand large où ils risquent d’être abattus par les pêcheurs armés chinois et la marine chinoise qui se sont appropriés la Mer orientale.

Comme si Formosa ne suffit pas, dans la même région, profitant de la saison des pluies, une vingtaine d’usines hydroélectriques détenues par les Chinois déversent sans crier gare l’eau de leur bassin sur la campagne environnante, détruisant les cultures et tuant plusieurs centaines de personnes. Ce genre d’inondations causées sciemment et souvent sans préavis par les usines hydroélectriques ont fini par susciter dans la population un sentiment de détestation envers les 7000 barrages qui produisent 40% de l’électricité nationale[xxviii], que Hanoi parsème dans tout le pays à l’imitation des Chinois en Chine.

Plus grave, en pleine tempête Formosa, pour se moquer du monde, les Chinois, sous leur faux nez, la compagnie vietnamienne Hoa Sen, se firent accorder la licence pour l’implantation d’une autre aciérie d’égale ampleur à Cà Ná, province de Ninh Thuận, dans le Sud du pays[xxix]. Si cette usine voit le jour et se met à rejeter ses déchets dans la mer comme celle du Centre, nul doute que toutes les provinces littorales vietnamiennes deviendront inhabitables pour ses autochtones et que l’économie maritime  s’effondrera complètement.

D’ailleurs, même sans Cà Ná, le reste du littoral vietnamien est déjà en voie de destruction avec, outre en maints endroits le raclage systématique du sable des plages par des entreprises légales et illégales pour la vente aux Chinois, le rejet direct dans la mer des déchets solides des multiples centrales thermiques à base de charbon en majorité chinoises (dont l’une fait partie du complexe Formosa), la plus grande et la plus polluante, celle de Vĩnh Tân 1 dans la province de Bình Thuận  étant de surcroît sise à côté d’une zone maritime protégée.

Pour parfaire la destruction du Sud, en 2008 les Chinois, via la compagnie Lee & Man, se firent accorder la construction d’une gigantesque papeterie devant produire 420 000 tonnes de papier par an sur le Sông Hậu, le grand fleuve nourricier du delta, au fi des protestations unanimes[xxx]. Cette usine qui entre en principe en fonction cette année tuera certainement le fleuve avec ses énormes quantités de rejets de soude et d’autres produits toxiques et ruineront riziculture comme aquaculture dans l’Ouest

A la différence d’autres entreprises étrangères, peu nocives, les entreprises chinoises installées sur tout le territoire vietnamien, sont toutes très polluantes par la nature de leurs produits et rejettent allègrement leurs déchets dans l’atmosphère, dans le sol comme dans les eaux. Lacs et rivières vietnamiens sont déjà noirâtres ou rougeâtres selon les substances qui s’y déposent. Le sol imprégné d’engrais et de pesticides contamine les récoltes. On soupçonne même la Chine d’exporter avec ou non l’agrément de Hanoi ses propres déchets toxiques au Vietnam où ils sont enfouis dans divers endroits du pays, sur la foi des témoignages de quelques complices repentis. D’ailleurs d’où Formosa tire-t-elle tant de déchets quand sur sa propre déclaration ses fourneaux ne sont pas tout à fait prêts avant 2017 ?  Quant à l’air, il ne tardera pas à être complètement irrespirable avec la mise en activité de 20 centrales thermiques à base de charbon disséminées dans le pays (un projet gouvernemental veut même élever ce chiffre de 20 à 80 centrales d’ici 2030) dont 15 appartiennent aux Chinois (directement ou indirectement par leur prêt du capital) lesquelles fonctionnent avec une technologie obsolète et des équipements hérités des centrales chinoises que Pékin veut fermer en Chine[xxxi]. Ce choix d’énergie fossile très polluante, provoquant brouillard et pluies acides, encouragé par Pékin, a été fait au détriment de l’énergie renouvelable, alors que le Vietnam, avec plus de 3000 km de côte venteuse accueillerait avantageusement des éoliennes.

 

Conséquences de la pollution :

La population vietnamienne a extrêmement peur maintenant pour sa santé. Outre l’air qu’elle respire, l’eau dont elle sert pour ses ablutions et sa lessive, tous ses aliments sont désormais susceptibles de l’empoisonner. Fruits et légumes sont non seulement bourrés de pesticides chinois fortement nuisibles mais aussi de produits chimiques chinois dangereux qui les grossissent ou prolongent leur fraîcheur apparente. D’ailleurs, depuis les traités sino-vietnamiens, les produits alimentaires importés de Chine envahissent les marchés vietnamiens et ils sont encore pire : il n’y a pas de semaine sans que les journaux ne rapportent des cas d’intoxication causée par l’un de ces produits, ou ne révèlent des cas de faux riz, de faux œufs, de fausses nouilles, de fausses viandes de faux café, etc. fabriqués tous avec des produits chimiques[xxxii]. Comment alors se protéger puisqu’il faut bien manger pour vivre ? Comment savoir si le fruit ou le légume que l’on mange n’est pas contaminé, si la viande que l’on savoure n’est pas trafiquée, si le poisson que l’on achète n’est pas bourré de métaux toxiques, si le nước mắm que l’on consomme n’est pas fabriqué à partir de ces poissons intoxiqués et si le sel que l’on utilise ne provient pas d’un littoral  pollué ? Le Vietnam est désormais un pays à forte quantité de cancéreux avec un nombre de morts par cancer estimé en 2015 par l’OMS sur la base des déclarations des hôpitaux vietnamiens à 350 par jour, et un nombre de 115 000 cas nouveaux par an, et on s’attend à ce que ces chiffres augmentent fortement après la catastrophe Formosa[xxxiii].

Cependant le gouvernement complice des pollueurs refuse de prendre des mesures sanitaires, repousse toute demande d’analyse de l’eau, interdisant même après Formosa aux médecins  d’examiner le sang des habitants des provinces du Centre par peur d’une exploitation par des « forces ennemies » (terme désignant les groupes d’opposants au régime). Les « génocideurs » de Pékin peuvent se frotter les mains. Le sud-ouest et le centre du Vietnam se vident peu à peu de leur population, poussée par la misère à émigrer à l’étranger sur l’incitation du gouvernement. Et la plupart de ces émigrants peu éduqués n’ont d’autre ressource que de rejoindre le lumpenprolétariat du pays d’accueil qui les reçoit mal et les méprise. Par ironie, à l’instar de Donald Trump, le premier ministre cambodgien a énoncé dernièrement le projet de construction d’un mur sur la frontière vietnamienne pour empêcher les Vietnamiens sans papier d’entrer au Cambodge ! Pendant ce temps viennent s’installer partout au Vietnam des milliers sinon déjà des millions de Chinois auxquels les autorités réservent les meilleurs emplacements, quitte à exproprier contre une indemnisation insignifiante les Vietnamiens qui y habitent depuis des générations, créant ainsi des collectifs de « dân oan » (victimes d’injustice) que l’on peut voir rassemblés autour de la capitale ou des préfectures pour réclamer une réparation qui ne sera jamais faite.

Menaces militaires :

A l’encontre des pays libres qui n’accueillent les entreprises étrangères que dans la perspective de procurer du travail à leurs citoyens, le gouvernement vietnamien souffre sans piper que les compagnies chinoises importent tout leur personnel au nombre de dizaines de milliers, voire bien plus, et se refusent à tout contrôle de la part de son administration. Entre également dans ce comportement de servilité/arrogance un souci de dissimulation d’une réalité bien plus inquiétante. Les terrains immenses concédés à la Chine pour leurs usines qui n’en nécessitent pas tant, situés de surcroit dans les positions les plus stratégiques du pays, protégés de barbelés et interdits aux Vietnamiens, fussent-ils des représentants de l’autorité publique, ne peuvent abriter que des complexes militaires dont le personnel se compose des soi-disant employés d’usines. Armements de toutes tailles passés par la frontière ouverte peuvent y être aisément camouflés, surtout si des tunnels y sont creusés. D’ailleurs, si l’on en croit la rumeur, les Chinois sont en train (ou ont fini) de construire en secret deux tunnels assez grands pour l’usage de tanks et de camions, pour relier la région des hauts-plateaux et le delta du Mékong[xxxiv].

Actuellement, en cas d’invasion armée, la Chine peut mouvoir à tout moment des régiments par le Nord-Vietnam dont la région frontalière et la baie du Tonkin sont déjà sous son contrôle, au Centre elle dispose des bases sur les Hauts plateaux aussi bien que sur la côte avec le port de Vũng Áng où peuvent entrer ses sous-marins et gros navires. Plus éloigné, le Sud sera atteint par des troupes descendues du Centre, et aussi par des avions partant des pistes d’atterrissage construits récemment sur les îles Paracel et Spratly volées au Vietnam. Si les intrigues en cours réussissent, la Chine se rendra bientôt maîtresse de plusieurs aéroports régionaux déficitaires qu’elle pourra transformer en aérodromes militaires.

Pour parfaire l’encerclement du Vietnam et empêcher tout approvisionnement en sa faveur par voie terrestre aussi bien que maritime, la Chine a noué une solide alliance avec le Laos et le Cambodge, lequel lui a même loué pour 90 ans une base navale dans le port de Sihanoukville d’où elle peut surveiller la mer du Sud. En cas de nécessité, par exemple d’intervention américaine, elle a déployé une rangée de missiles sol-air aux îles Paracel pointées où, sinon sur le Vietnam distant d’à peine une trentaine de km.

Tous ces préparatifs militaires ne font que concrétiser l’ambition belliqueuse de la Chine, ambition qu’elle n’a jamais dissimulée : sur le site web sina.com de l’armée chinoise les auteurs des articles publiés le 5/9/2008 puis le 20/12/2014 expliquent comment la Chine peut conquérir rapidement le Vietnam ! Mais, en bons disciples de Sun Zi et en amateurs du jeu de go, surtout après l’invasion ratée de 1979, les Chinois préfèrent n’utiliser la force qu’en dernier recours, après avoir étouffé l’adversaire. C’est ainsi que depuis des dizaines d’années la Chine a appliqué patiemment envers son petit voisin « la stratégie du vers à soie » qui vient à bout par grignotage d’un gros tas de feuilles de mûrier.

 

La population vietnamienne, prise entre le marteau chinois et l’enclume gouvernementale, préfère pour beaucoup vivre dans le déni ou le fatalisme. Mais les négateurs de la menace chinoise ne peuvent contester l’omniprésence des Chinois dans le pays, et depuis les fuites sur le traité de 1990, surtout depuis le développement de la technique « livestream » sur Facebook qui permet l’échange direct des informations, ils prennent conscience du danger imminent que le pouvoir communiste veut leur cacher. Pour leur part, les traîtres de l’appareil d’Etat, mis au parfum depuis longtemps, ne cherchent qu’à se constituer une fortune conséquente par racket et concussion, puis à la transférer à l’étranger par des moyens plus ou moins licites. Cependant que le Vietnam risque la faillite pour une dette actuelle de 117 milliards USD équivalant à 64% du PNB[xxxv] qu’il est incapable de payer (à l’échéance de juillet 2017 le service de la dette du Vietnam s’élève à 24% du budget national)[xxxvi], vu que les caisses du pays sont vides (en beaucoup d’endroits les fonctionnaires et les employés d’entreprise étatiques ne sont pas payés depuis des mois[xxxvii]), on estime à plus de 600 milliards USD l’argent volé au peuple des apparatchiks vietnamiens déposé aux Etats-Unis, et à plus de 200 milliards USD celui déposé par eux dans les banques suisses[xxxviii]. Tous ces félons communistes continuent d’abreuver le peuple de mensonges lénifiants pour leur vanter la douceur de vivre dans un Vietnam en marche vers la modernité, mais eux-mêmes prennent la précaution d’envoyer par avance leurs femmes et enfants dans les pays capitalistes, de préférence chez le plus « honni », les Etats-Unis. Les empêcheurs de tourner en rond, à savoir ceux qui assistent les victimes d’injustice, les « démocrates », les citoyens ouvertement hostiles au Parti ou à la Chine, sont tolérés pendant un certain temps pour faire croire à l’opinion internationale qu’ils vivent dans un pays libre, puis un beau jour ou plus souvent une belle nuit (comme c’est la coutume dans les dictatures) ils sont arrêtés, battus, emprisonnés, parfois tués. La police politique a ainsi kidnappé les démocrates les plus notoires pour les détenir on ne sait où, afin de décourager ceux qui sont tentés de participer à la manifestation générale du 5/3/2017[xxxix]; à Saigon, ceux qui ont eu le courage de manifester ont été durement réprimés, et à cette occasion ils ont découvert que les policiers les plus brutaux qui les battent cruellement sont en fait des Chinois.

Hormis la minorité des chiens de garde du régime, le peuple vietnamien refuse l’idée de tout rattachement à la Chine. Mais, trahi par ses propres dirigeants devenus « l’ennemi intérieur », comment pourra-t-il s’opposer au puissant « ennemi extérieur » quand viendra l’heure fatidique ? Le seul espoir pour le Vietnam de rester indépendant est un soulèvement général assez considérable pour renverser le pouvoir vendu de Hanoi et mettre à la place un gouvernement démocratique qui prendra à cœur les intérêts nationaux et saura nouer des alliances militaires avec les pays libres. Et cela avant un déploiement militaire chinois. Or, soumis depuis près d’un demi-siècle pour le Sud et d’un siècle pour le Nord, à l’un des plus féroces régimes politiques qui existent, les Vietnamiens ont perdu leur énergie et leur confiance en eux-mêmes. Pour se révolter, ils doivent vaincre la peur paralysante des foudres du régime qui leur est inculquée dès l’enfance.

Cependant le temps presse et nous ne pouvons assister sans réagir à la mort lente d’un peuple jadis fier et courageux. Vous tous les hommes et femmes de bonne volonté, épris de justice et de liberté, je vous adjure de vous pencher sur le drame du Vietnam ! Alertez l’opinion publique internationale pour contrer les menées annexionnistes de Pékin ! Spécialement ceux qui parmi vous avez, par vos vociférations contre la guerre du Vietnam dans les années 1960, contribué à pousser l’Amérique à l’abandon de la république du Sud-Vietnam pour la faire tomber dans les mains de la clique des sinistres assassins de Hanoi, prenez vos responsabilités et rachetez-vous en dénonçant aussi fort qu’autrefois la criminelle politique chinoise !  Montrez aux Vietnamiens qu’ils sont activement soutenus, et par la chaleur de votre sympathie communiquez-leur la flamme qui leur manque pour surmonter leur peur ! Aidez-les à reprendre leur droit de vivre libres dans un pays libre !

 

 

 

 

Paris, le 9/3/2017, version révisée le 19/4/2017

Đặng Phương Nghi

Archiviste-paléographe

Em : dpnghi@gmail.com

[i] Lire les rares mentions écrites de ces exactions de l’armée chinoise dans : WT news, NY Times viết gì về sự tàn bạo của TQ trong chiến tranh biên giới 1989 (http://www.vtc.vn/quoc-te/new-york-times-viet-ve-su-bao-tan-cua-trung-quoc-trong-chien-tranh-bien)  et Hùng Dũng, Trung Quốc ra lệnh hễ gặp người VN nào là giết hết, in Người Việt Ukraina, 18/2/2016 (http://nguoivietukraina.com/chien-tranh-bien-gioi-1979-tq-ra-lenh-gap-nguoi-vn-la-giet-het.nvu) .

 

[ii]Il existe un mystère sur l’article de Kerby Anderson Nguyên qui donne ces renseignements avec extraits des documents parce que le blog « hoilatraloi » qui l’a lancé le premier en juin 2013 est introuvable, mais l’article étant aussitôt diffusé, on peut le lire sur plusieurs sites vietnamiens qui l’ont repris intégralement. Il faut se rappeler qu’internet  est devenu le support de toutes sortes de manipulation et de désinformation, et qu’un effort d’analyse et de tri est exigé du lecteur s’il ne veut pas être trompé. Etant tombée moi-même dans le panneau du canular WikiLeak que j’ai cité dans la 1ère mouture de ce texte, par acquis de conscience j’ai dû consulter tous les documents disponibles sur le net concernant le fameux traité. Compte tenu du fait que ce qui est affirmé sur un document « secret » est par définition invérifiable et donc sujet à caution, on peut supposer au moins qu’il s’agit d’une fuite habilement maquillée par un haut responsable du parti mécontent, car le ton et le style des extraits semblent authentiques. Quoiqu’il en soit, en 2014 la rumeur a tellement enflé sur l’annexion du Vietnam en 2020 — surtout suite à la circulation de deux extraits l’attestant dans deux  journaux chinois, New China press et Global times, qui ne font que reprendre un communiqué publié après la conférence de 1990 dans le Quotidien de Sichouan (cf. partie 1 de la série d’articles de Huỳnh Tâm sur la conférence, éditée dans son blog où il cite l’original chinois : http://huynh-tam.blogspot.fr/201410/ly-bang-tiet-lo-hoi-nghi-thanh-o-1990.html#more : Hội nghị vừa kết thúc, nhật báo Tứ Xuyên loan tải một thông điệp của phái đoàn Việt Nam: “Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền trung ương tại Bắc Kinh như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây… Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên và cho Việt Nam thời gian 30 năm để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc!” [2] [2] (越南表示愿意接受作为中央政府在北京的一个自治区为中国的内蒙古,西藏,广西…中国方面同意接受并同意上述建议和越南为期30年的越南共产党解决必要加入中国民族的大家庭中的步骤!) — que de nombreuses voix se sont élevées pour réclamer la publication du traité, mais à la place de la transparence demandée, le pouvoir s’est contenté de laisser le Bureau central de la propagande du parti nier l’acte de trahison dans une longue explication du traité qui ne convainc personne. Depuis, de nombreuses confirmations par des cadres hauts placés fuitent via Youtube, dont par exemple celle certifiée par la fille d’un général (cf. https://www.youtube.com/watch?v=JpZai9CVl4I) .

 

[iii] Cf. article de Đặng Chí Hùng, Bằng chứng bán nước toàn diện của đảng cộng sản VN, dans le blog Sinicization of Indochina qui donne une copie de cet accord.( http://namviet.net/blog-hanhoa/?p=657#.WNaot7g8acM) : Giao ước có tên “Ghi nhớ hợp tác Việt Trung” – số hiệu (VT/GU- 0212) ký ngày 12/06/1953 tại Quảng Tây giữa Hồ và Mao như sau:“Trước tình hình quân đội thực dân Pháp đang củng cố xâm lược Việt Nam. Đảng cộng sản nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đảng Lao động Việt Nam dân chủ cộng hòa nhận thấy cần có sự tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau để giữ tình đoàn kết hai đảng, chính phủ và nhân dân hai nước như sau:

Điều 1: Chính phủ Trung Quốc sẽ đồng ý viện trợ vũ khí theo yêu cầu chi viện của quân đội nhân dân Việt Nam. Ngoài ra sẽ gửi các cố vấn, chuyên gia quân sự để giúp đỡ quân đội nhân dân Việt Nam.

Điều 2: Đảng Lao động do đồng chí Hồ Chí Minh lãnh đạo đồng ý sáp nhập đảng Lao Động Việt Nam là một bộ phận của đảng cộng sản Trung Quốc.

Điều 3: Hai bên thống nhất Việt Nam dân chủ cộng hòa là một bộ phận của cộng hòa nhân dân Trung Hoa với quy chế của một liên ban theo mô hình các quốc gia nằm trong Liên Bang Xô Viết (Phụ lục đính kèm).

 

Điều 4: Trước đảng và chính phủ hai nước cần tập trung đánh đuổi thực dân Pháp và giành lại chủ quyền lãnh thổ cho Việt Nam. Các bước tiếp theo của việc sáp nhập sẽ được chính thực thực thi kể từ ngày hôm nay 12/06/1953.

 

Điều 5: Chính phủ cộng hòa nhân dân Trung Hoa đồng ý cung cấp viện trợ kinh tế cho chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa theo thỏa thuận đã bàn giữa chủ tịch Mao Trạch Đông và chủ tịch Hồ Chí Minh (Phụ lục đính kèm).

 

….Ký tên: Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông”

 

[iv] Tant qu’il n’y a pas de vérification sur place avec cartes à l’appui, les chiffres sur la superficie cédée ne peuvent être qu’une estimation plus ou moins vraisemblable. Cependant, par une simple soustraction des données officielles sur la superficie totale du Vietnam avant et après 2000, on peut en tirer un chiffre valable. Ainsi il est reconnu par les géographes et les scientifiques du pouvoir actuel qu’en 1943 les forêts couvraient 43% de la superficie du pays et représentaient 14,3 millions d’ha, ce qui correspondait donc à une superficie totale de 33,262790 millions d’ha ou 332.627 km2 ; pour la superficie totale actuelle, aucun chiffre officiel n’est donné, mais dans l’ étude de : Will de Jong, Dô Dinh San et Tran Van Hung, Forest rehabilitation in Vietnam, faite à Hanoi en 2006, il est mentionné le chiffre de 331.210 km2 pour la superficie totale du pays, ce qui revient à une perte de 1.504 km2 !

 

[v] On peut avoir une idée sur la question des frontières en lisant l’article  du 6/11/2013 de Trương Nhân Tuấn,  Việt Nam có mất đất mất biển qua hai hiệp định phân định biên giới, dans le blog Những vấn đề Việt Nam : http://nhantuantruong.blogspot.fr/2013/11/viet-nam-co-mat-at-mat-bien-qua-hai.html .

 

[vi] Cf. partie 4 de la série d’articles de Huỳnh Tâm citée supra.

 

[vii] Comme signe de cette incorporation, en décembre 2009, le gouvernement vietnamien fit changer les modèles d’uniformes de l’armée vietnamienne. Et l’on s’aperçut qu’ils sont quasiment les copies de ceux de l’armée chinoise, la seule différence étant un galon sur le chapeau des Vietnamiens. Si une invasion de l’armée chinoise a lieu, comment le peuple pourra-t-il distinguer les ennemis des amis (si tant est que l’armée populaire VN reste amie !). Cf. l’article de Nguyễn Văn Tuấn, Liệu quân phục VN có made in China ? du 18/7/2011 in Vietinfo : http://m.vietinfo.eu/tu-lieu/lieu-quan-phuc-viet-nam-co-made-in-china.html .

 

[viii]Historiquement et traditionnellement les archipels des Paracel et Spratly font partie du Vietnam. Ces îles inoccupées et battues par le vent étaient ignorées de tous les autres pays, à l’exception du pouvoir royal vietnamien qui créa même au 18e siècle une patrouille maritime spéciale pour les surveiller. Au début du 20e siècle, la reconnaissance de leur position stratégique dans la maîtrise de la circulation maritime ainsi que leur richesse en guano commença à exciter l’appétit des pays voisins, en particulier de la Chine, cet appétit s’aiguisant de plus en plus avec la découverte d’importants gisements de pétrole et de gaz sous leurs eaux. En 1974, profitant du retrait des USA du conflit vietnamien, la Chine s’empara par la force des îles Paracel, puis en 1988 elle mit à profit sa guerre avec la Vietnam pour occuper, toujours par la force, les Spratly. Son audace était encouragée par une sorte de concession du pouvoir de Hanoi attestée dans une lettre à Zhou Enlai du premier ministre Phạm Văn Đồng datée de 1958, par laquelle le Vietnam reconnaît la souveraineté de la Chine dans une limite des eaux territoriales englobant les deux archipels. Ce document longtemps caché par Hanoi, fut divulgué par Pékin en 1980 dans une brochure de propagande anti-vietnamienne lors de la guerre frontalière, mais par peur de la réaction du peuple très attaché à ces îles, le pouvoir communiste vietnamien feint d’en ignorer l’existence puis en minimise la portée !   Ce qui explique qu’en mai 2014, lorsque l’arrivée d’une plate-forme de forage chinoise sur les eaux entourant ces îles donna lieu à de grandes manifestations anti-chinoises au Vietnam (cf. article : Des tensions qui poussent le Vietnam à s’allier avec un vieil ennemi, in Openmind, news, 12/07/2016 : https://www.opnminded.com/2014/11/07/nouveaux-lieux-paris-eko-monseigneur-club-phantom.html) ,  une émission en langue vietnamienne de la télévision pékinoise « Voix populaire » datée du 18/5/2014 répondit par ce communiqué : « … Nous accordons que les Paracel et Spratly et les côtes ( ?)  appartiennent au Vietnam, mais les communistes vietnamiens (représentés) par le premier ministre Phạm Văn Đồng ont signé une note diplomatique le 7/6/1958. La Chine possède tous les documents incontestables sur la région maritime et la Chine a le droit d’exploiter le pétrole et le gaz vietnamiens. Les communistes vietnamiens ne peuvent rien y faire. Vous tous, les dirigeants dans le bureau politique du parti communiste vietnamien, nous ne comprenons pas pour quelle raison vous ne proclamez pas à tout votre peuple que vous avez signé et reconnu que les Paracel, Spratly et les côtes ( ?) vietnamiennes sont sous la souveraineté de la Chine et laissez tout le ministère des affaires étrangères et toute la marine se tromper et continuer leur agression… Nous avons assez de forces prêtes à  écraser tous les bateaux de guerre vietnamiens, avec la puissance de la Chine nous vaincrons tout le Vietnam en seulement une heure. Nous nous emparerons des côtes vietnamiennes et nous prendrons tout ce que le Vietnam doit payer pour la leçon, comme en 1979. Vous, les dirigeants dans le bureau politique du parti communiste vietnamien, vous êtes des « mangeurs de bouillie qui pissent dans le bol », vous devez à la Chine une dette de plus de 870 milliards (de yuans ou de dollars?) à propos de la guerre de Điện Biên Phủ et la guerre contre les Etats-Unis. Et maintenant que vous avez remis les îles et la mer à la république populaire chinoise, rien ne justifie que vous ne le fassiez pas connaître publiquement à toute la population pour continuer à vous opposer à la Chine ; c’est là un acte effronté du Vietnam, nous le dénonçons catégoriquement et donnerons une leçon au Vietnam. » Il s’agit là d’un document précieux car pour la première fois on voit la Chine déclarer publiquement que les Paracels et Spratly appartiennent (du moins appartenaient auparavant) au Vietnam, alors qu’elle a toujours prétendu avec des preuves douteuses à l’appui que sa souveraineté sur ces îles date des temps historiques.   (https://www.youtube.com/watch?v=RCLlsvpRNhg)

[ix] Cf. Wikipédia en français dans l’article : drapeau de la république populaire de Chine. Jeunes pionniers de Chine (Grand Détachement). Quant au drapeau de Fujian (étoile jaune sur fond bleu et rouge) il a été choisi pour représenter le Mouvement de libération du Sud-Vietnam pendant la 2e guerre d’Indochine.

[x] La publication de la traduction du livre de Hồ Tuấn Hùng a suscité de nombreux articles et commentaires critiques. L’argumentation la plus solide à mes yeux est celle de Trần Việt Bắc, Hồ Chí Minh : Đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tôi (http://www.geocities.ws/xoathantuong/tvb_hcmdongchi.htm) .

 

[xi] Cf. Interview de Vũ Minh Giang, vice-président de l’association des sciences historiques, dans « Ghi nhận sự hy sinh của các liệt sĩ trong chiến tranh biên giới 1979 », in Báo mới,  16/2/2017(http://www.baomoi.com/ghi-nhan-su-hy-sinh-cua-cac-liet-si-trong-chien-tranh-bien-gioi-1979/c/21554895.epi) .

 

[xii] Cf. article dans RFA du 12/1/2017, Cưỡng chế tượng Trần Hưng Đạo tại tư gia là trái luật : http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-statue-inside-private-property-be-evicted-illegally-ha-01122017080011.html/ .

 

[xiii] Sur les barrages chinois, cf. entre autres : Jean-Paul Yacine, Controverses autour des barrages chinois sur le Mékong, in Question Chine 27/11/2011 (http://www.questionchine.net/controverses-autour-des-barrages-chinois-sur-le-mekong); Samuel Bollendorf, Le rapt du Mékong, sur son siteweb http://www.samuel-bollendorff.com/fr/le-rapt-du-mekong/ ; pour une vue plus scientifique, l’étude de : Michel Ho Ta Khanh, Le Vietnam et les aménagements hydrauliques dans le bassin versant du Mékong www.recherches-internationales.fr/RI98/RI98HoTaKhanh.pdf .

 

[xiv] Sur les conséquences des barrages, lire : Arnaud Vaulerin, Delta du Mékong, le triangle des inquiétudes, in (journal) Libération, 7/2/2016 (www.liberation.fr/planete/…/delta-du-mekong-le-triangle-des inquietudes_1431029) ; Arnaudet Lucie, Arnoux Marie, Derrien Allan, Schneider Maunoury Laure, Conséquences environnementales, sociales et politiques des barrages, Etude du cas du Mékong, ENS, Ceres-Erti, 2013 (www.environnement.ens.fr/IMG/Mekong.pdf) .

 

[xv] Les manœuvres des commerçants chinois sont si cruelles et tordues que beaucoup les attribuent à une rumeur malveillante. Malheureusement ce n’est que trop vrai. Il suffit de lire les articles récurrents des journaux vietnamiens du Vietnam, par ex. le très officiel « An ninh thủ đô » (Sécurité de la capitale) du 18/6/2015 (http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/muon-van-thu-doan-ban-cua-thuong-lai-trung-quoc-nhieu-loan-thi-truong-viet-nam/616728.antd) et de regarder les clips sur ce sujet, comme par exemple celui-ci https://www.youtube.com/watch?v=Nlsf6BrniVg.

 

[xvi] Sur l’introduction délibérée de ces élevages destructeurs, voir l’article de Lê Thọ dans le journal de Thừa Thiên du 6/7/2016 (http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/dan-bo-lua-trong-sen-bai-hoc-oc-buou-vang-lap-lai-3328574/), et celui de Ngọc Tài et Thành Nhân, Bất thường một dự án trồng sen, in Tuổi trẻ, 4/2/2017 (http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/dan-bo-lua-trong-sen-bai-hoc-oc-buou-vang-lap-lai-3328574/) .

 

[xvii] Cf. un des nombreux articles sur le sujet dans VT news du 10/2/2017 : (http://www.vtc.vn/xa-hoi/phong-sinh-ca-chim-trang-xuong-song-hong-nhieu-co-quan-chuc-nang-vao-cuoc-d302781.htm) .

 

[xviii] Sur la déforestation au Vietnam une étude sérieuse mais un peu datée : Yann Roche et Rodolphe de Koninck, Les enjeux de la déforestation au Vietnam, in Vertigo, vol.3, n°1, 4/2002 (https://vertigo.revues.org/4113) .

 

[xix] La concession des forêts aux exploitants chinois officiellement reconnue en 2014, date en fait depuis au moins 2010. Cf. la protestation publique en 2010 de deux vieux généraux, Đồng Sĩ Nguyên et Nguyễn Trọng Vĩnh contre la décision de 10 provinces « permettant à 10 entreprises étrangères de louer pour une longue durée les terres des forêts primaires afin d’y planter des forêts de matière première sur une superficie totale de 305.533 ha dont 264.000 ha reviennent à Hong Kong, Taiwan et la Chine, 87% de ces forêts se trouvant dans les importantes provinces frontalières… Les provinces qui vendent leurs forêts sont suicidaires et nuisent au pays, quant aux pays qui achètent nos forêts ils détruisent exprès notre pays et sèment cruellement et impitoyablement la catastrophe à notre population. » (http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2010/02/100222_forestation_projects.shtml)

 

[xx] Cf. Daniel Drollette Jr, A plague of deforestation sweeps across SEA, Yale environment 360, 20/5/2013 (http://e360.yale.edu/features/a_plague_of_deforestation_sweeps_across_southeast_asia) ;  Deforestation in Vietnam is condoned by authorities : official, in Thanh niên news, 11/4/2015 (http://www.thanhniennews.com/society/deforestation-in-vietnam-is-condoned-by-) .

 

[xxi] L’expression vietnamienne pour le précieux héritage ancestral est « rừng vàng biển bạc » = forêts d’or et mer d’argent. Les forêts ont quasiment disparu, quant à la mer, elle est à moitié morte depuis la catastrophe Formosa.

 

[xxii] Officiellement cependant la Chine n’est que le 2e investisseur au Vietnam. Cf. Le courrier du Vietnam, 16/3/2017 (http://lecourrier.vn/flux-dinvestissement-direct-chinois-au-vietnam/393651) .

 

[xxiii] Cf. Jean-Claude Pomonti, Le Vietnam, la Chine et la bauxite, in le monde diplomatique, 3/7/2009 (http://blog.mondediplo.net/2009-07-03-Le-Vietnam-la-Chine-et-la-bauxite) .

 

[xxiv] Les protestations contre ces usines de bauxite ont fait le sujet d’une thèse de doctorat : Jason Morris, The vietnamese bauxite mining controversy : the emergency of a new oppositional politics, University of California, Berkeley, 2013 (http://digitalassets.lib.berkeley.edu/etd/ucb/text/Morris_berkeley_0028E_14018.pdf) .

 

[xxv] Déjà la pollution causée par ces usines affecte la santé des habitants du coin. Cf. l’article de Tuệ Lâm,Vỡ đường ống nhà máy bauxite…  republié sur le site de Viet An group: http://www.vietan-enviro.com/vo-duong-ong-nha-may-bauxite-nguy-co-tham-hoa-moi-truong-giong-formosa-o-tay-nguyen/ .

 

[xxvi] Cf. After many years Vietnam authority, investor, still struggle to justify bauxite plants, in Thanh niên news, 7/4/2015 (http://www.thanhniennews.com/business/after-many-years-vietnam-authority-investor-still-struggle-to-justify-bauxite-plants-40660.html) .

 

[xxvii]Cf. Brian Hioe, Continued protests in Vietnam against Formosa steel, 10/14/2016, in New Bloom, 0ctobre 2016 (http://newbloommag.net/2016/10/14/formosa-steel-vietnam-october/) .

 

[xxviii] Cf. Prashanth Parameswaran, Vietnam may crack down on dam investors, in The diplomat, 3/1/2015 (http://thediplomat.com/2015/01/vietnam-may-crack-down-on-dam-investors/) . Le chiffre de 7000 barrages donné par l’auteur, qui doit comprendre aussi les petits barrages des particuliers, non répertoriés officiellement, dépasse de loin celui que l’on obtient en additionnant les projets d’unités hydroélectriques reconnus par la compagnie nationale d’électricité EVN : 888 unités en 2016, 1586 en 2030 – Cf. Phạm Thu Hương, Hố Hô và nghịch lý thủy điện nhỏ ở Viêt Nam, in CVD, 3/11/2016 (https://cvdvn.net/2016/11/03/ho-ho-va-nghich-ly-thuy-dien-nho-o-viet-nam/) .

 

[xxix] Cf. Revival plan for massive steel plant tests Vietnam after Formosa disaster in VNExpress, 14/9/2016 (http://e.vnexpress.net/news/news/revival-plan-for-massive-steel-plant-tests-vietnam-after-formosa) .

 

[xxx] Cf.Clip sur la pollution du fleuve Hậu qui mourra complètement après la mise en activité de la papeterie  : https://www.youtube.com/watch?v=KRqrGDnWkc8

 

[xxxi]Sur l’empoisonnement volontaire du Vietnam par les centrales thermiques, voir l’article de Lê Anh Hùng, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân và hiểm họa mất nước, publié dans la page Facebook de Chân trời mới media (https://www.facebook.com/chantroimoimedia/posts/901893309854222) .

 

[xxxii] Cf. ZS, 10 aliments en provenance de Chine remplis de plastique et cancérigènes, in Alnas, 2/11/2015 (http://www.alnas.fr/actualite/alimentation-sante/article/sante-10-aliments-en-provenance-de) ; Alain Sousa, Aliments chinois, faut-il en avoir peur ?, 5/12/2008, in Doctissimo nutrition (http://www.alnas.fr/actualite/alimentation-sante/article/sante-10-aliments-en-provenance-de) .

 

[xxxiii] Cf. article de Saigoneer du 7/4/2016 : Vietnam could have most cancer cases worldwide by 2020… (http://saigoneer.com/saigon-health/6714-vietnam-could-have-most-cancer-cases-worldw) .

 

[xxxiv] Cf. un clip de Jenny Trân : https://www.youtube.com/watch?v=wk7W2hihZg8 .                              .

 

[xxxv] Ces chiffres officiels sont très minimisés. D’après Vũ Quang Việt, un ancien chef du service des statistiques de l’Onu, la dette publique réelle du Vietnam s’élève à 431 milliards USD, chiffre comprenant à la fois la dette de l’Etat et celle des entreprises étatiques (324 milliards), équivalant à 210% du PNB ; cependant, de l’aveu même de la banque d’Etat les réserves en devises étrangères du pays ne montent qu’à 40 milliards USD, et chaque année le budget national est en déficit de 5 à 6% du PNB. Cf. article de Lê Dung/STBN, Không phải 62% GDP mà nợ công VN đang là 210% GDP, in Việt Nam thời báo, 20/2/2017 ( http://www.ijavn.org/2017/02/vntb-khong-phai-62-gdp-ma-no-cong-viet.html).

 

[xxxvi] Cf. article de Bích Diệp, World bank sẽ chấm dứt …, in Dân trí, 22/3/2016 (http://dantri.com.vn/kinh-doanh/world-bank-se-cham-dut-oda-uu-dai-voi-viet-nam-vao-nam-2017-20160322141524964.htm) .

 

[xxxvii] Par exemple, à la date du 19/3/2017, les 3700 employés du Service de l’irrigation de Hanoi ne sont toujours  pas payés depuis novembre 2016 (https://www.youtube.com/watch?v=xULH0b5ZfPg) .

 

[xxxviii] Ces chiffres sont vraisemblables vu les sommes de chaque fois plusieurs millions USD saisis chez des cadres  moyens corrompus que les autorités se décident à poursuivre, et surtout ils s’accordent avec les révélations de Poliburos.net en 2000 et d’un cadre de banque suisse en 2005 sur les sommes astronomiques déposées dans les banques étrangères. Cf. (https://hon-viet.co.uk/NT_VietNamCoKhoang700DangVienCoTaiSanTu100Den300TrieuDoLa.htm) . Cette évasion d’argent volé au peuple explique le tarissement des réserves en devises de l’Etat et l’épuisement de ses ressources.

 

[xxxix] L’appel à la manifestation générale est lancé par le R.P. Nguyễn Văn Lý, porte-parole d’un «Rassemblement des citoyens de la Nation » (Tập hợp quốc dân Việt) dont les autres membres veulent rester dans la clandestinité. C’est un appel pour une manifestation non pas ponctuelle, mais continuelle, tous les dimanches et jours de fête, jusqu’à ce que le nombre de manifestants se multiplie assez pour faire pression sur le pouvoir  et changer la donne. Jusqu’ici, l’appel est surtout suivi au Centre et au Sud, le Nord bouge encore peu.

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI: NGỮ-VỰNG TIẾNG VIỆT, GIÁO SƯ TRẦN NGỌC NINH

GIÁO SƯ ĐÀM TRUNG PHÁP

 

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

 

 

 

NGỮ-VỰNG TIẾNG VIỆT

GIÁO SƯ TRẦN NGỌC NINH

2017 / 688 trang / $40.00

Cơ Sở Xuất Bản Viện Việt Học

Điện thoại liên lạc: 714-775-2050

 

 

Hai lãnh vực cơ bản trong tiến trình thủ đắc một ngoại ngữ là ngữ phápngữ vựng. Nhưng nếu được hỏi lãnh vực nào hữu dụng hơn khi phải dùng một ngôn ngữ chưa thông thạo để giao dịch với người bản xứ thì có lẽ chẳng ai chọn ngữ pháp làm câu trả lời. Đã đành các luật lệ ngữ pháp là cần thiết để viết hay nói thứ tiếng đó cho chỉnh và làm người bản xứ hiểu ta rõ hơn, nhưng nếu chỉ thuộc lòng các quy luật ngữ pháp mà lại yếu kém về ngữ vựng thì nỗ lực giao dịch ấy khó lòng thành tựu được.

 

Thật vậy, câu nói “Vì tiếng Anh không khá, bạn tôi đã ba lần rớt bài thi vào quốc tịch Mỹ rồi” trong tiếng Anh (đúng ngữ pháp) là “Because his English is poor, my friend has failed the American citizenship test three times already”, nhưng câu (sai bét ngữ pháp và chính tả, với mức ngữ vựng tàm tạm – một thứ “broken English”) “He english no gut, my frend he no pass already three time test for become citizen of american” cũng có thể làm người dân Mỹ bản xứ cố gắng hiểu được, mặc dù họ thấy nó ngộ nghĩnh lạ thường.  Lại cũng có lúc người ta chỉ cần phát ngôn một hai chữ “đắc địa” cho hoàn cảnh cũng đủ làm cho người bản xứ hiểu mình. Nhớ lại trong dịp thăm viếng Tây Đức năm 1973, vì mải miết mua quà cho gia đình vào ngày chót chuyến đi nên tôi quên cả giờ giấc, suýt nữa thì lỡ chuyến bay về Saigon! Vội vàng leo lên một taxi, tôi quen miệng nói tiếng Anh với người tài xế yêu cầu ông đưa tôi ra phi trường, nhưng ông ta có vẻ không hiểu.  Mừng thay, khi tôi chỉ nói lên hai chữ tiếng Đức rất phổ thông cho “phi trường” và “làm ơn” là “Flughafen, bitte!” thì ông ta hiểu liền!

 

“Nhập tâm” ngữ vựng một ngoại ngữ là một thử thách lớn đòi hỏi học trò nhiều cố gắng kiên cường. Nhưng đền bù lại, khả năng đọc và viết sẽ thăng tiến theo tỷ lệ thuận với số lượng từ ngữ mà họ làm chủ được. Quan yếu như thế mà từ biết bao đời nay ngữ vựng thường được “dạy” bằng một lề lối cũ kỹ vừa làm học trò chán nản vừa chẳng mấy thành công. Lề lối lỗi thời ấy khuyến cáo học trò phải cố gắng học thuộc lòng nghĩa (meanings) cũng như chính tả (spellings) các chữ mới, nhưng không đả động gì tới thể loại (lexical categories), chức vụ ngữ pháp (syntactical functions), ngữ cảnh (contexts), cũng như kết hợp từ (collocations) là những đặc thù tối quan trọng của chúng. Những yếu tố này đáng lý ra thì phải được gây chú ý trong các thí dụ, các lời giải thích, các định nghĩa cho những chữ mới.

 

Công trình giáo khoa đồ sộ tựa đề NGỮ-VỰNG TIẾNG VIỆT (NVTV) của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh vừa được Viện Việt Học xuất bản năm nay (2017) đã mang đến cho tôi một ngạc nhiên sảng khoái. Triết lý giảng huấn căn cứ trên phát kiến của khoa ngôn ngữ học đương đại và nội dung phong phú vui tươi được trình bầy một cách tân kỳ của tác phẩm đã lấy được thiện cảm của tôi ngay từ những  trang đầu tiên của nó.  Thực vậy, trong ngót nửa thế kỷ chuyên nghiên cứu và giảng dạy educational linguistics (môn ngữ học dành cho các chương trình đào tạo giáo chức ngôn ngữ) tại Đại học Saigon và một số Đại học tại Texas, tôi chưa thấy một tài liệu giáo khoa giảng dạy ngữ vựng tiếng Việt (hay ngữ vựng một ngôn ngữ nào khác) được soạn thảo và trình bầy một cách khoa học, nhất quán, vui tươi, và thấm nhuần văn hóa dân tộc như tác phẩm giáo khoa NVTV của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh.

 

Nhận định đầu tiên của tôi về công trình giáo khoa này là thấy tác giả rất uyên bác của nó đã dựa vào những phát kiến của ngữ học và tâm lý học hiện đại hữu ích cho lãnh vực giáo dục ngôn ngữ. Quan trọng nhất là phát kiến về sự hiện hữu tiên thiên (innate existence) của cơ quan ngôn ngữ (language organ) và ngữ pháp hoàn vũ (universal grammar) trong não bộ loài người, do Noam Chomsky đề xướng vào năm 1965. Cái phát kiến làm sửng sốt học giới một thời của Chomsky đã được Stephen Krashen khai triển kỹ lưỡng, khoảng hai thập niên sau đó, để thành cốt lõi cho phương hướng tự nhiên (the natural approach) để giảng dạy ngôn ngữ. Nhấn mạnh sự khác biệt đáng kể giữa thủ đắc ngôn ngữ (language acquisition) và học tập ngôn ngữ (language learning) cùng với những đề nghị thực tiễn vui tươi cần thiết cho mục tiêu “thủ đắc”,  công trình của Krashen đã được tán thưởng và áp dụng từ đó đến nay. Phát kiến ấy của Chomsky cũng được Ken Goodman dùng làm kim chỉ nam cho phương hướng ngôn-ngữ-vẹn-toàn (the whole-language approach) mang lại thành công hàn lâm đáng kể cho Goodman, vào cùng thời gian với thành tựu của Krashen.

 

NVTV là một tin mừng cho các thầy cô và các em học sinh các lớp Việt ngữ đủ trình độ, trong hạn tuổi từ 5 đến 15. Công trình giáo khoa giảng dạy ngữ vựng Việt Nam quý vị đang có trong tay vừa được hoàn tất sau khá nhiều năm khổ công do lòng nhân ái thúc đẩy – labor of love trong Anh ngữ – của tác giả là một luồng sinh khí mới đầy hứa hẹn cho nỗ lực giảng dạy tiếng Việt ở hải ngoại, đặc biệt là tại các quốc gia sử dụng Anh ngữ.

 

Mặc dù tác giả đã khiêm tốn xác định công trình tâm huyết của ông “chỉ là một cái kho nhặt nhạnh, tồn trữ và sắp xếp, chứ không điển chế  ngôn ngữ hay văn tự” (trang 2), công trình này đã hiến cho giáo giới chúng ta một kho tài liệu khổng lồ để giúp phần thăng hoa cách giảng dạy ngữ vựng tiếng Việt cho tuổi trẻ thành một phương pháp nhân bản hấp dẫn với nhiều tiềm năng thành công rực rỡ.

 

Triết lý giáo dục ngày nay tại Hoa Kỳ nhắc nhở giáo giới rằng vai trò lý tưởng cho người đi học là vai trò của những nhà thám hiểm.  Vì vậy các nhà giáo cũng như các tài liệu giảng huấn phải cung cấp những phương tiện, những cơ hội tối ưu để thúc đẩy các nhà thám hiểm trẻ tuổi tự khám phá thêm ra những điều mới lạ trong cuộc hành trình học hỏi với nhiều lý thú và hưng phấn. Kinh nghiệm dạy học của bao thế hệ cũng xác nhận rằng tài liệu giáo huấn chỉ trở thành tuyệt hảo khi nó tổng hợp được tri thức của các bộ môn khác nhau nhưng cùng chuyên tâm vào một chủ đề (theme), vì sự hiểu biết phát triển mạnh nhất là khi nó được tiếp cận các kết nối tri thức (cognitive connections). Vì những lý do vừa kể, một bài học hữu hiệu mang lại lý thú cho học sinh phải là một đơn vị có chủ đề (thematic unit) được khai phá từ nhiều khía cạnh như văn học, toán học, khoa học, xã hội học, chính trị học, nếp sống đa văn hóa trong xã hội ngày nay, vân vân.

 

“Những tâm trí vĩ đại gặp nhau chăng,” tôi tự hỏi, vì những ưu điểm nêu trên hiện hữu đều đặn trong công trình của tác giả NVTV. Rất nhiều mục từ (mà tác giả gọi là “từ khóa” hay “key words”) sắp xếp theo thứ tự a/b/c trong sách là những đơn vị có chủ đề, trong đó các yếu tố văn cảnh, kết hợp từ, từ đồng nghĩa, các câu giải thích chủ đề qua các lãnh vực tri thức khác nhau, các ca dao tục ngữ, các câu trích dẫn từ đệ nhất thi phẩm Truyện Kiều và từ các tác phẩm văn chương Việt khác đã biến các mục từ ấy thành những bài học nho nhỏ với chủ đề hấp dẫn, giảng giải qua thứ tiếng Việt tự nhiên (natural, authentic Vietnamese). Những bài học nho nhỏ đó có mục tiêu gia tăng tri thức học trò qua môi giới “thủ đắc” (acquisition) tự nhiên và lý thú hơn là qua môi giới “học tập” (learning) buồn nản của lề lối cũ.

 

Văn cảnh (contexts, mà tác giả gọi là “đồng văn” trong sách) là những cơ hội thuận tiện cho “ngữ vựng chưa biết” xuất hiện trong các câu mà học sinh đã hiểu được gần hết ý nghĩa; trong những hoàn cảnh ngôn ngữ này, các cháu có thể suy đoán ra ý nghĩa đích thực của ngữ vựng chưa biết ấy. Chẳng hạn, trang 29 có liệt kê từ khóa ăn ảnh mà ý nghĩa có thể suy đoán dễ dàng (và lại được xác nhận bởi từ Anh ngữ tương đương viết kế bên là “photogenic”) qua câu thí dụ “Chị Lan ăn ảnh lắm: ở ngoài, chị cũng đẹp mà chụp ảnh thì hết xẩy.”  Trang 306 có liệt kê từ khóa kêu (to shout, scream, cry out) được dùng trong bốn ngữ cảnh khác nhau để giúp học sinh hiểu nghĩa dễ dàng; một trong bốn ngữ cảnh ấy là câu giải thích gọn gàng “Người ta kêu to tiếng là để cho người khác biết và để ý đến.”

 

Kết hợp từ (collocations) là những nhóm chữ thường đi với nhau theo một thứ tự nhất định, như “trời ơi / lớn như thổi / nước đổ lá khoai / chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng.” Dùng kết hợp từ thông thạo sẽ giúp chúng ta nói và viết ngôn ngữ đang học giống như người bản xứ. Vì thế chúng ta cần thuộc chúng để sử dụng trong những ngữ cảnh phù hợp. Hồi còn là một học sinh trung học, tôi đã bỏ nhiều thì giờ để nhập tâm những kết hợp của những động từ và tĩnh từ “đi với” các giới từ trong tiếng Anh như look up to / look down on  / proud of / angry with, và trong tiếng Pháp như commencer à / dépendre de / fier de / prêt à.

 

Tôi mở cuốn sách ra và lựa “cầu may” được từ khóa khang kiện / healthysự khang kiện / health (trang 316-317) để làm sáng tỏ thêm những nhận định của tôi ở trên về nó. Từ khóa này là một trong vô số “đơn vị có chủ đề” trong sách. Nó chứa đựng kiến thức của các lãnh vực khác nhau để có thể trở thành một bài học súc tích về sức khỏe rất bổ ích và thích thú, giúp cho những “nhà thám hiểm” trẻ tuổi gốc Việt gia tăng  kiến thức tổng quát đồng thời thăng hoa khả năng tiếng mẹ đẻ. Từ lãnh vực y học và sinh lý học là văn cảnh “Người bình thường, khỏe mạnh được coi là khang kiệnvà văn cảnh Sự khang kiện là trạng thái (state) dễ chịu (well being) bình thường về mặt tinh thần và sinh lý của một cá nhân.” Từ lãnh vực văn hóa là văn cảnh “Cha bảo từ xưa đến nay, khi ta chúc nhau thì hay nói chúng tôi xin chúc anh chị (ông bà / hai bác) khang kiện (mạnh khỏe / bình an khang cát)” và văn cảnh “Trong nền văn hóa của ta, đó là những ước mong chân thành có ý nghĩa nhất.” Và từ lãnh vực khoa học xã hội (social studies) là văn cảnh “Danh từ sự khang kiện được đề nghị để dịch chữ health, và cơ quan WHO (World Health Organization) được dịch là Tổ Chức Thế Giới về Sự Khang Kiện.  Sau cùng, cũng đáng kể là các kết hợp từ  phổ thông “từ trước đến nay / xin kính chúc / được đề nghị / được coi là” đã được dùng trong các ngữ cảnh phù hợp nhất.

 

Tuy chủ đích là để dạy ngữ vựng, cuốn sách không quên nhấn mạnh mối liên hệ giữa ngữ vựng và ngữ pháp, khiến tôi nhớ lại phương hướng ngôn-ngữ-vẹn-toàn (whole-language approach) do Ken Goodman khởi xướng với thành quả thuận lợi, để giúp học trò tiến bộ, trong cùng  một bài học, bốn khả năng có liên hệ mật thiết là (1) nghe hiểu (listening comprehension), (2) nói (speaking), (3) đọc (reading), và (4) viết (writing). Rất nhiều từ khóa trong sách chứa đựng đủ tài liệu để các thầy cô sẵn sàng dạy học trò cùng một lúc bốn khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt, như khuyến cáo sư phạm hữu hiệu (đã được thời gian chứng tỏ) của Goodman.

 

Sau hết, tôi xin ghi nhận thêm rằng ngữ pháp Việt truyền bá trong công trình này cũng tuyệt đối từ bỏ lối dạy quá lạc hậu là lấy cấu trúc tiếng Pháp làm khuôn mẫu để “ép” cấu trúc tiếng Việt vào trong đó một cách tức tưởi. Trong thời Pháp thuộc, một vài cá nhân quá ái mộ văn học Pháp đứng ra làm công việc phi lý này hẳn đã quên mất rằng trong khi tiếng Pháp thuộc ngữ hệ Ấn-Âu (Indo-European) và là một ngôn ngữ tổng hợp (synthetic) thì tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam-Á (Austro-Asiatic) và là một ngôn ngữ phân tích (analytic). Ngữ pháp Việt trong sách NVTV được giảng dạy qua khuôn khổ ngữ pháp hoàn vũ (universal grammar) đang được áp dụng trong nền giáo dục các nước tiền tiến nhất trên thế giới. Ngữ pháp hoàn vũ là cái lõi chung (common core) cho tất cả tiếng nói loài người, dựa vào các nguyên lý (principles) và bàng kế (parameters). Các nguyên lý chung (thí dụ như “Câu nào cũng phải có chủ từ”) thường được thể hiện qua các hình thức khác nhau gọi là bàng kế (thí dụ như bàng kế “tiếng Pháp bắt buộc câu nào cũng phải có chủ từ rõ rệt” so với bàng kế “tiếng Việt thường cho phép chủ từ vắng mặt hoặc hiểu ngầm”). Do đó, người nào thông thạo một ngoại ngữ tất nhiên phải hiểu thấu sự khác biệt giữa bàng kế tiếng mẹ đẻ và bàng kế ngoại ngữ đó. Giáo Sư Trần Ngọc Ninh đã phát hiện ra nhiều bàng kế đặc trưng (nhưng đôi khi cũng khá rắc rối) của ngôn ngữ chúng ta. Và ông đã rộng lượng chia xẻ những kiến thức khả tín mới nhất, nhờ vào đó mà chúng ta sẽ có ngày theo kịp những bước nhảy vọt ngoạn mục trong nỗ lực tìm hiểu những bàng kế đặc thù của mọi ngôn ngữ thế giới, qua khuôn khổ đáng tin cậy nhất của ngữ pháp hoàn vũ đương đại.

 

Tôi vô cùng hân hạnh và cảm kích được giới thiệu một công trình giáo dục ngôn ngữ thượng đẳng của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, một học giả kiệt xuất mà tôi đã ngưỡng mộ từ lâu.

 

TS Đàm Trung Pháp,

Professor of Linguistics Emeritus,

Texas Woman’s University.

 

TIẾC THƯƠNG KHUNG TRỜI ĐẠI HỌC SAIGON

HÈ 1976 TẠI SAN ANTONIO, TEXAS

Sau gần một năm trời như kẻ mất hồn –vì quá tiếc thương những tháng ngày hạnh phúc cũ– mà vẫn cố tìm cho ra một công việc làm văn phòng thì vào đầu hè 1976 tôi được tuyển làm chủ biên tài liệu huấn luyện (training modules editor) cho một công ty mới trúng thầu được khế ước dài hạn với Defense Language Institute của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Gia đình tôi gấp rút chuyển cư từ Georgia đến San Antonio, Texas để tôi nhận việc.

Công việc làm văn phòng nhẹ nhàng và phù hợp khả năng –với trách nhiệm “hiệu đính” (editing) và “đọc kỹ lần chót” (proofing) các tài liệu huấn luyện trước khi nộp cho nhà in –mà lợi tức cũng đủ mưu sinh cho gia đình. Đáng lý phải vui mừng chứ, vậy mà sao tôi vẫn xót xa tiếc thương khung trời đại học Saigon thân yêu của tôi đã bị bức tử vì quốc nạn 1975!

Nỗi luyến tiếc day dứt ấy đã thúc đẩy tôi tìm cách “trở lại nghề cũ” bằng mọi giá, mặc dù tôi biết rõ công việc dạy đại học toàn thời gian với hy vọng đạt được “tenure” (tựa như “vào chánh ngạch” để khó bị sa thải) thì rất khó kiếm. Tìm việc dạy đại học ở Mỹ là một cuộc tranh tài gắt gao giữa nhiều ứng viên, đúng như cảnh “một con cá nhảy bao người buông câu” ít hứa hẹn. Thôi thì đành nhẫn nại mà kiếm, khởi đầu bằng cách xin làm giảng viên (part-time lecturer) rất khiêm tốn ở một community college để lấy kinh nghiệm “dạy học tại Mỹ” mỗi khi phải chứng minh điều kiện ấy.

SAN ANTONIO COLLEGE

San Antonio College là trường đại học cộng đồng lớn nhất tiểu bang Texas có một campus rộng mênh mông trong trung tâm thành phố San Antonio, trên đại lộ huyết mạch San Pedro Avenue. Dân chúng ở đây gọi tắt tên trường này là “SAC” (phát âm như chữ “sack”). Để thực hiện bước đầu của giấc mơ “trở lại nghề cũ” tôi nhất quyết trở thành một “lecturer” khiêm tốn trong English department của San Antonio College gần  nhà.

HẠNH NGỘ ĐANG CHỜ

Tôi liên lạc bằng điện thoại vào văn phòng ban Anh văn của San Antonio College và được nói chuyện với vị trưởng ban. Tiến sĩ Roger Smith nhã nhặn lắm, và sau khi biết tôi từng du học tại Mỹ và dạy Anh văn ở Đại học Saigon, ông mời tôi đến gặp ông tại campus. Tôi như “mở cờ trong bụng” khi ông cho biết lục cá nguyệt mùa thu 1976 sắp tới ban Anh văn cần tuyển thêm một giảng viên (lecturer) buổi chiều để dạy lớp “English composition” cho các sinh viên năm thứ nhất. Ông còn căn dặn tôi nhớ mang theo “vita” và “transcripts” của các đại học Mỹ đã cấp phát văn bằng, khi tôi đến gặp ông và vị giám đốc các lớp buổi chiều (director of the evening division) vào chiều ngày hôm sau.

TỔ CHỨC VÀ MỤC TIÊU CỦA SAC   

Ngạc nhiên vì sao lại có cả một “evening division” tại SAC, tôi tìm hiểu qua cuốn niên giám của trường thì được biết số sinh viên đi học buổi chiều rất đông. Đại đa số các sinh viên buổi chiều là những người đã có công ăn việc làm ban ngày và do đó chỉ có thể đi học sau khi tan sở. Họ không còn trẻ trung như các cô cậu sinh viên vừa xong trung học là những người theo học các lớp ban ngày.

Sơ đồ tổ chức của trường đại học hai năm cấp phát văn bằng “associate” này khá chặt chẽ. Đứng đầu là vị viện trưởng (president). Viện trưởng được sự trợ tá của hai vị phó viện trưởng (vice presidents) phụ trách học vụ (academic affairs), sinh viên vụ (student affairs), cũng như của vị giám đốc thâu nhận sinh viên (director of admissions).  Dưới quyền vị phó viện trưởng học vụ là các khoa trưởng (deans) của các khoa nhân văn và khoa học (arts and sciences), giáo dục tiếp nối (continuing education), vân vân. Và phối trí việc giảng dạy các lớp học là nhiệm vụ chính của các trưởng ban (chairs) các bộ môn (departments).

Nhân viên giảng huấn toàn thời gian mang các tước vị từ thấp lên cao là assistant professor, associate professor, professor. Còn các nhân viên giảng huấn khác (đa số chỉ dạy một hay hai lớp mỗi khóa học buổi chiều) được gọi là lecturers. Tất cả đều phải có học vị master trở lên. Các lecturers chỉ được nhà trường trả tiền theo số lớp học phụ trách, không được bảo hiểm sức khỏe, không có văn phòng riêng, và trước mỗi khóa học mới phải ký lại hợp đồng dạy học (teaching contract) nếu nhà trường có nhu cầu dùng họ. Đó là cách để các đại học cộng đồng tiết kiệm ngân quỹ, cho nên trường nào cũng  sử dụng nhiều lecturers hơn là các giáo sư toàn thời gian.

THIỆN DUYÊN CÓ THẬT VÀ GẮN BÓ

Buổi chiều ngày hôm sau, Tiến sĩ Roger Smith dẫn tôi đi giới thiệu với Tiến sĩ William Brown (giám đốc các lớp buổi chiều) tại văn phòng của ông Brown. Cả hai người đều rất lịch sự và hòa nhã trong buổi “job interview” cấp kỳ ấy, một điều tôi ghi nhớ mãi đến tận ngày nay. Họ xem xét vita và transcripts của tôi từ hai Đại học Miami và Georgetown, và hỏi tôi về kinh nghiệm dạy học. Rồi sau khi tôi ký tên vào đơn xin việc để hoàn tất thủ tục tuyển dụng làm lecturer, họ đứng lên bắt tay cảm ơn tôi đã hợp tác với SAC, và cho biết trong khoảng một tuần nữa tôi sẽ nhận được hợp đồng dạy học (teaching contract) gửi về nơi tôi cư ngụ. Tiến sĩ Smith cũng không quên tặng tôi cuốn textbook để soạn học trình (syllabus) cho lớp.

Hạnh ngộ nói trên là khởi điểm của một “thiện duyên” đã gắn bó cuộc đời tỵ nạn của tôi với nền giáo dục đại học Texas. Gắn bó đó lần lượt dẫn tôi vào ban giảng huấn của San Antonio College (1976-1980), Texas Woman’s University (1981- 1992), University of Texas at Dallas (1993-1997), rồi cuối cùng trở lại ngôi trường yêu mến nhất của tôi là Texas Woman’s University để dạy học cho đến khi về hưu với tước vị danh dự “Professor of linguistics emeritus” (1998-2012).

LỚP ENGLISH COMPOSITION RA QUÂN

 

Tờ hợp đồng dạy học đầu tiên của tôi được gửi tới nhà y như lời họ hứa. Tôi không ngờ mức lương họ trả cho một lecturer lại khá như vậy. Mỗi lớp chỉ học một buổi chiều mỗi tuần trong lục cá nguyệt, tức là tôi phải dạy 15 buổi, mỗi buổi 3 tiếng đồng hồ. Chỉ làm việc 45 tiếng đồng hồ mà tôi được trả 875 Mỹ kim cho lớp ấy, tính ra là gần 20 Mỹ kim mỗi giờ. Thêm một ngạc nhiên thú vị, vì lúc ấy (1976) đồng Mỹ kim chưa bị “mất giá” như bây giờ (2017).

Lục cá nguyệt mùa thu 1976 khai giảng cuối tháng 8, và sinh viên học với tôi vào các ngày thứ ba mỗi tuần, bắt đầu từ 6 giờ chiều. Tôi đã soạn một học trình kỹ lưỡng cho lớp này, nắm vững nội dung cuốn textbook, và sẵn sàng “ra quân”! Buổi học đầu tiên cho tôi thấy San Antonio là một thành phố đa chủng tộc. Trong khoảng 25 sinh viên hiện diện thì hơn nửa thuộc sắc tộc Mễ tây cơ, số còn lại là người da trắng và đôi ba người da đen. Tôi tự giới thiệu qua loa và gửi lời chào mừng họ, trước bằng tiếng Anh và sau bằng tiếng Tây ban nha. Các sinh viên gốc Mễ tây cơ rất đỗi ngạc nhiên và lộ rõ niềm hân hoan vì tôi biết tiếng nói của họ!

Sau khi giải thích cho họ rõ mục tiêu của lớp và những trách nhiệm của họ trong khóa học, tôi chia xẻ với họ về quá trình dạy học của tôi tại Việt Nam cũng như công việc tôi đang làm ban ngày tại San Antonio. Phần thời giờ còn lại, tôi yêu cầu mọi người viết cho tôi một trang về cuộc đời của họ, để giúp tôi “làm quen” với họ. Tiện thể, đấy cũng là phương cách thực tế nhất để tôi lượng giá khả năng viết tiếng Anh của họ. Trước khi cho lớp ra về, tôi còn nhắc nhở họ chịu khó đi học đều đặn và đọc kỹ các chương trong textbook như đã ghi trong học trình. Buổi học đầu tiên thuận buồm xuôi gió. Khi đọc các trang sinh viên viết về cuộc đời họ thì tôi thấy khả năng viết tiếng Anh của họ không đồng đều chút nào. Vài ba người viết toàn hảo, đa số viết tạm được, và số còn lại viết dở lắm. Tôi biết là tôi sẽ phải để ý đến nhóm sau cùng này rất nhiều vì họ chưa nắm vững cú pháp và còn phạm nhiều lỗi chính tả. Qua những trang họ viết, tôi được biết họ làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Họ đều hy vọng khi tốt nghiệp SAC thì nghề nghiệp họ sẽ có cơ hội thăng tiến.

Kinh nghiệm một thập niên dạy Anh văn của tôi tại Đại Học Saigon đáng giá ngàn vàng! Bao nhiêu “tuyệt chiêu” tôi đều mang ra sử dụng để giúp sinh viên SAC tránh được những lỗi lầm tối kỵ trong khi viết luận văn, như dàn bài lỏng lẻo dẫn đến sự thiếu mạch lạc (lack of cohesion), các câu văn tràng giang không chịu ngừng nghỉ (run-on sentences) vì người viết chưa thạo cách chấm câu (punctuation), các câu cụt ngủn vì thiếu chủ từ hoặc động từ (fragments), lỗi cú pháp và chính tả (syntactical and spelling errors) gây ra vì cẩu thả, vân vân.

Quả thực, tôi đã dùng khá nhiều mực đỏ để chấm bài của họ. Sau khi trả lại các bài luận văn mà tôi đã chấm và sửa lỗi cho họ, tôi đều có phần tóm lược các lỗi chính và nhắc nhở họ cách tránh những “cạm bẫy” (pitfalls) ấy. Cuối khóa, tôi rất hài lòng với sự tiến bộ của học trò, và hãnh diện là không một người nào bị điểm “D” hay “F” trong lớp ra quân này của tôi.

NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH MỸ

Sau khi nộp bài thi cuối khóa cho tôi thì đa số sinh viên lặng lẽ ra về. Một vài người nói lời cảm ơn và khen ngợi lối dạy học vui tươi của tôi. Người cuối cùng lên nộp bài là một sinh viên Mỹ trắng đứng tuổi có khuôn mặt phong sương, luôn luôn ngồi ở một góc cuối lớp và chẳng bao giờ lên tiếng cả.

Một cách chậm chạp, ông ta nói với tôi: “Tiến sĩ Đàm ơi, trước khi chúng ta chia tay, tôi xin ông nhận lời tạ lỗi muộn màng của tôi. Thú thực, tôi không có cảm tình với ông chút nào lúc khóa học bắt đầu vì ông là người Việt. Tôi là một cựu chiến binh Mỹ phục vụ tại Việt Nam, có bạn bè và thân nhân chết trận bên ấy. Tôi cũng lầm to khi cho rằng một người ngoại quốc như ông thì không thể nào dạy người Mỹ chúng tôi viết luận văn bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi được.”

Quá ngỡ ngàng và xúc động, tôi vội đáp lời: “Ông Jones, ông không cần phải tạ lỗi gì với tôi đâu, tất cả chỉ là sự hiểu lầm mà thôi. Tuy nhiên, tôi rất xúc động vì những lời nói thành thực và tử tế của ông.” Chúng tôi bắt tay và chúc lành cho nhau khi giã từ. Trên đường đi bộ ra bãi đậu xe, tôi còn nghe văng vẳng bên tai những lời nói bộc trực ấy của ông Jones. Mắt tôi đã nhòa lệ lúc nào chẳng hay.

 

ĐÀM TRUNG PHÁP

Sơ thảo 2010 Texas

Cập nhật 2017 California

CHINH PHỤ NGÂM DIỄN NÔM: MỘT DỊCH PHẨM THẦN KỲ

Đàm Trung Pháp

 

Chinh Phụ Ngâm (征婦吟) bằng Hán văn của tác giả Đặng Trần Côn (1705-1745) viết theo lối “trường đoản cú” đã được diễn nôm (dịch sang Việt văn) bằng thể thơ “song thất lục bát” một cách thần kỳ. Tuy nhiên cho đến nay, giữa hai danh tài Đoàn Thị Điểm (1705-1749) và Phan Huy Ích (1751-1822), ai là người đích thực đã hoàn tất công trình diễn nôm này vẫn chưa ngã ngũ.

 

ƯU THẾ CỦA DỊCH PHẨM

 

Tuy là dịch phẩm từ một nguyên tác bằng chữ Hán, ta có thể nói không ngoa rằng bản Chinh Phụ Ngâm diễn nôm (tự hậu viết tắt CPNdn) là một tuyệt tác văn chương Việt Nam. Được chuyển ngữ siêu việt với nhiều yếu tố sáng tác sang tiếng Việt qua lối viết chữ nôm, CPNdn đã làm lu mờ danh tiếng nguyên tác viết bằng chữ Hán của tác giả Đặng Trần Côn, cũng được coi là một thi khúc thượng đẳng mà chủ đề là những lời than vãn của một thiếu phụ có chồng đi chinh chiến lâu ngày chưa về.

 

Ưu thế của CPNdn thực dễ hiểu, vì người diễn nôm đã dùng tiếng Việt cho người Việt đọc, với tất cả tinh túy của tiếng Việt. Có lẽ chẳng mấy ai bất đồng ý kiến với nhận định rằng thi ca chỉ có thể thực sự được tận hưởng qua ngôn ngữ mẹ đẻ của người thưởng lãm. Ưu thế này lại được tăng thêm bởi thể thơ song thất lục bát “mang âm hưởng quen thuộc của ca dao dân tộc, dễ đi sâu vào tâm hồn, vào cảm quan thẩm mỹ của đại chúng” [1] cộng với “cái giọng buồn buồn đều đặn như khêu gợi mong nhớ xa xôi có thể xem là rất thích hợp để diễn tả tâm hồn chinh phụ.” [2]

 

Thật vậy, tuy chữ Hán khi phát âm kiểu Hán Việt có nhiều từ vựng quen biết, nó vẫn là một “ngoại ngữ”– chẳng khác gì Anh ngữ đối với ta. Để minh chứng điều đó, ta chỉ cần lần lượt đọc lên một đoạn nguyên tác bằng Hán ngữ (từ câu 136 tới câu 141) của tác giả Đặng Trần Côn, phần dịch của học giả Huỳnh Sanh Thông sang Anh ngữ,[3] và phần chuyển sang Việt ngữ trong CPNdn :

 

Hán ngữ (Đặng Trần Côn)

憶 昔 与 君 相 別 時      Ức tích dữ quân tương biệt thì,

柳 條 猶 未 囀  黄鸝      Liễu điều do vị chuyển hoàng ly.

問 君 何 日 归                Vấn quân : Hà nhật quy?

君 約 杜 鹃 啼                Quân ước : Đỗ quyên đề.

杜 鹃 已 逐 黄 鸝 老      Đỗ quyên dĩ trục hoàng ly lão,

青 柳 楼 前 語 意 鴯      Thanh liễu lâu tiền ngữ ý nhi.

 

Anh ngữ (Huỳnh Sanh Thông)

No orioles yet on willows – you set out

and promised you’d come back when cuckoos sang.

Cuckoos have followed orioles grown old –

before the house some swallows chirp and peep.

 

Việt ngữ (diễn nôm)

Thuở lâm hành, oanh chưa dạn liễu,

Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca.

Nay quyên đã giục oanh già,

Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.

 

Trong phần còn lại của bài, người viết sẽ nhận diện và kiểm điểm các yếu tố có lẽ đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự thành công thần kỳ của người đã chuyển nguyên tác Chinh Phụ Ngâm bằng chữ Hán của tác giả Đặng Trần Côn sang tiếng Việt. Nỗ lực lượng giá các yếu tố quan trọng ấy sẽ tập trung vào từ tuyển pháp (cách lựa chọn từ ngữ) và tu từ pháp (cách sử dụng các biện pháp tu từ) qua một phối cảnh ngữ học.

 

TỪ TUYỂN PHÁP  (DICTION) [4]

 

Dịch giả có khả năng bỏ qua điển tích Hán mà vẫn giữ được ý chính của đoạn thơ chữ Hán. Trong buổi thảo luận (giữa người viết bài và nhà biên khảo Nguyễn Bá Triệu năm 2000 tại Dallas)[5] về tài năng chuyển ngữ của dịch giả, chúng tôi có nhắc đến đoạn thơ dịch từ câu (068) đến (071) – trong đó một điển tích cầu kỳ liên hệ đến khúc hát Mạch Thượng Tang, đến nàng La Phu xinh đẹp đang đứng hái dâu, và đến ông vua Triệu Vương đa tình – đã được khéo léo bỏ qua bằng cách thay nó với câu chuyển nôm (069) gọn gàng và êm ái :

 

Tương cố bất tương kiến   相 顧 不 相 見

(068) Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

Thanh thanh mạch thượng tang  青青 陌 上 桑

(069) Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

Mạch thượng tang, mạch thượng tang!   陌 上 桑 陌 上 桑

(070) Ngàn dâu xanh ngát một mầu

Thiếp ý, quân tâm, thùy đoản tràng?         妾 意 君 心 谁 短长

(071) Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

 

 

Cũng trong chiều hướng Việt hóa tối đa trong thơ dịch, người diễn nôm không đả động đến chữ兮 “hề” (một trợ ngữ từ có nghĩa là “vậy” hoặc “chứ”) đầy rẫy trong nguyên tác. Trong thí dụ dưới đây, hai câu Hán văn đều có chữ “hề” trong đó, nhưng dịch giả đã tránh né hai trợ ngữ từ “rất Hán” ấy khi diễn nôm :

 

Vọng vân khứ hề ! lang biệt thiếp  =  (051) Dấu chàng theo lớp mây đưa

Vọng sơn phụ hề ! thiếp tư lang  =  (052) Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà

 

 

Dịch giả có biệt tài sử dụng từ ngữ Việt chính xác cho mỗi văn cảnh (literary context) để “dịch” cùng một từ ngữ Hán, thí dụ như trong trường hợp từ kép điệp âm Hán văn du du (viết là攸 攸 và 悠 悠) được “dịch” thành ba từ điệp ngữ (reduplicants) “thăm thẳm” / “dặc dặc” / “đau đáu” cho ba văn cảnh khác nhau :

 

Du du bỉ thương hề, thùy tạo nhân  攸 攸 彼 苍兮谁造因

(003) Xanh kia thăm thẳm từng trên, (004) vì ai gây dựng cho nên nỗi này

 

Tống quân khứ hề, tâm du du   送 君 去 兮心 悠 悠

(027) Đưa chàng, lòng dặc dặc buồn

 

Ức quân du du hề, tứ hà khuy  憶 君 悠 悠 兮 思 何 窺

(249) Nỗi chàng đau đáu nào xong

 

Dịch giả cũng thường sử dụng các điệp ngữ đối xứng trong hai câu thơ nối tiếp nhau, khiến ý nghĩa của chúng được nhấn mạnh và nâng cao :

 

(368)  Lòng hứa quốc thắm son ngắt ngắt

(369)  Sức tí dân dường sắt trơ trơ

 

(401)  Sẽ rót vơi lần lần đòi chén

(402)  Sẽ ca dần ren rén từng liên

 

TU TỪ PHÁP (RHETORIC)

 

Các biện pháp tu từ (rhetorical devices) sử dụng nhiều trong CPNdn được trình bầy dưới đây qua phối cảnh ngữ học (linguistic perspective) với lý giải và thí dụ đi cùng. Ta sẽ thấy các biện pháp tu từ này –mặc dù một số trong đó có tính cách ước lệ (conventionalized) –  được dịch giả sử dụng hết sức ngoạn mục :

 

    Biền ngẫu (semantic and syntactic parallelism) là một biện pháp tu từ rất phổ cập trong thi ca Hán và Việt cổ điển. Biện pháp này lấy “đối” (trong hình thức cũng như trong nội dung) làm nguyên tắc cơ bản, tạo cho lời văn sự nhịp nhàng cân đối. Trong CPNdn, đa số các cặp câu thơ bẩy chữ (song thất) phản ánh lối văn biền ngẫu. Ký hiệu “< >” dưới đây đọc là “ đối với” :

 

(53-54) [Chàng thì đi] [cõi xa mưa gió] < > [Thiếp thì về] [buồng cũ chiếu chăn] 

 

(97-98) [Hồn tử sĩ] [gió] [ù ù] [thổi] < > [Mặt chinh phu] [trăng] [rõi rõi] [soi]

 

     Liên hoàn (enjambment) là thể thơ trong đó nhóm chữ cuối câu trên được nhắc lại thành nhóm chữ đầu câu dưới, mục đích để tiếp nối ý nghĩ chưa hết ở cuối câu trên :

 

(142-143) Gốc hoa tàn đã trải rêu xanh / Rêu xanh mấy lớp chung quanh

 

(146-147) Bức rèm thưa lần giải bóng dương / Bóng dương mấy buổi xuyên ngang

 

     Ví von (simile) là biện pháp tu từ thường được sử dụng để so sánh, với hiệu lực làm câu thơ thêm sinh động qua những hình ảnh ngoạn mục :

 

(039-040) Áo chàng đỏ tựa ráng pha / Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

 

(022) Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao

 

     Tương phản (contrast) có mục đích làm cho câu thơ thêm hiệu quả diễn đạt. Ký hiệu “ > < ” dưới đây đọc là “tương phản” :

 

(53-54) [Chàng thì đi] [cõi xa] [mưa gió] > < [Thiếp thì về] [buồng cũ] [chiếu chăn]

 

(177-178) [Trải mấy xuân] [tin đi tin lại] > < [Đến xuân này] [tin hãy vắng không]

 

     Biểu tượng (metaphor) là biện pháp thay tên một sự vật bằng tên một sự vật khác, với mục đích tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt ý thơ :

 

(136) Thuở lâm hành, oanh chưa dạn liễu,

 (137) Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca.

 (138) Nay quyên đã giục oanh già,

 (139) Ý nhi  lại gáy trước nhà líu lo.

 

Theo văn cảnh của bốn câu thơ trên (để nói về thời điểm trong năm) thì chim oanh là biểu tượng cho mùa xuân, chim quyên cho mùa hạ, và chim én (ý nhi) [6] cho mùa thu. Ba loại chim này đồng thời cũng được nhân cách hóa (personified).

 

     Đảo ngữ (inversion) là biện pháp tu từ cho đảo lộn vị thế xuất hiện thông thường trong một câu, tức là {chủ từ + động từ + túc từ} thành ra {túc từ + chủ từ + động từ} với mục đích nhấn mạnh ý diễn tả. Trong hai câu thơ dưới đây, chủ từ là “gió ” và “trăng”; động từ là “thổi ù ù” và “soi dõi dõi”; và túc từ là “hồn tử sĩ” và “mặt chinh phu”:

 

(97)“Hồn tử sĩ / gió / ù ù thổi” là đảo ngữ của câu với vị thế xuất hiện thông thường: “Gió / thổi ù ù / hồn tử sĩ”

 

(98)“Mặt chinh phu / trăng / dõi dõi soi” là đảo ngữ của câu với vị thế xuất hiện thông thường : “Trăng / soi dõi dõi / mặt chinh phu”

 

Điệp ngữ (repetition) là biện pháp tu từ cho lặp lại một từ ngữ, một nhóm chữ, hay cả câu để làm nổi bật ý và gây cảm xúc mạnh :

 

(254) Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi

 

(255) Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề

 

(225) Hoa giải nguyệt, nguyệt êm một tấm

(226) Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông,

(227) Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng,

(228) Trước hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đau

 

     Khuếch đại (hyperbole) là biện pháp có mục đích nhấn mạnh ý qua ngôn từ thậm xưng vượt quá xa sự thực :

 

(216) Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời

 

(203) Khắc giờ đằng đẵng như niên

 

     Cấu trúc đề-thuyết (topic-comment structure) rất phổ cập trong ngữ pháp Việt Nam. Trong cấu trúc này, yếu tốđề bắt đầu câu với một đề tài, theo sau là yếu tố thuyết để giải thích đề tài ấy. Biện pháp tu từ này làm cho lời thơ dễ hiểu, tựa như tiếng Việt nói (spoken Vietnamese) lúc bình thường :

 

(353) Kìa loài sâu (đề) / đôi đầu cùng sánh (thuyết)

 

(354) Nọ loài chim (đề) / chắp cánh cùng bay (thuyết)

 

(357) Ấy loài vật (đề) / tình duyên còn thế (thuyết)

 

(358) Sao kiếp người (đề) / nỡ để đấy đây (thuyết)

 

Câu hỏi tu từ (rhetorical question) là câu hỏi trống không – vì tác giả cố tình không cung cấp câu trả lời cho nó – cốt để gợi lên các nỗi băn khoăn, xót xa, trăn trở cho người đọc :

 

(99) Chinh phu tử sĩ mấy người ?

 

(100) Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn ?

 

TÂM TƯ NGƯỜI VIẾT  

 

Qua những nhận xét về cách lựa chọn quyền biến phi thường những từ ngữ phù hợp tối đa cho mỗi văn cảnh, và cách sử dụng xuất chúng các biện pháp tu từ nêu trên, người viết tự thấy mình chẳng quá lời chút nào khi nói rằng Chinh Phụ Ngâm diễn nôm là một công trình dịch thuật đã đạt tới mức thần kỳ. Dịch giả đã để lại cho hậu thế một tuyệt tác làm cho người đọc dễ nghĩ đến câu Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu của thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều.

 

ĐÀM TRUNG PHÁP    

15 tháng 3 năm 2017

Laguna Woods, CA

[1] Lê Hữu Mục và Phạm Thị Nhung (2001): Tiếng Nói Đoàn Thị Điểm trong Chinh Phụ Ngâm Khúc.

[2] Hà Như Chi (1951): Việt Nam Thi Văn Giảng Luận Toàn Tập.

[3] Huỳnh Sanh Thông (1996): An Anthology of Vietnamese Poems.

[4] Để phần nào giúp các độc giả sinh trưởng tại hải ngoại dễ theo dõi bài viết hơn, mỗi từ ngữ chuyên môn về văn học Việt sẽ có một từ ngữ tiếng Anh tương đương về ý nghĩa đi kèm.

[5] Đàm Trung Pháp (2000): “Giới Thiệu Chinh Phụ Ngâm Tập Chú” của nhà biên khảo Nguyễn Bá Triệu.

[6] Tự Điển Hán-Việt Nguyễn Quốc Hùng: “Ý nhi 意而 –Tên một loài chim, có thuyết bảo là chim yến” || Tự Điển Hán-Việt Thiều Chửu: “Ý nhi tức chim én” || Theo người viết, ngoài yếnén, còn có nhạn. Chúng đồng nghĩa.

HUYỀN THOẠI VỀ HỒ CHÍ MINH – GS TRẦN GIA PHỤNG + TỐ CÁO TÒA ĐẠI SỨ CSVN MƯU TOAN THÀNH LẬP HỘI HIỆP THƯƠNG CANADA – VIỆT NAM (CVS)

HUYỀN THOẠI VỀ NHÂN VẬT HỒ CHÍ MINH

Trần Gia Phụng

Lời nói đầu:

Được sự thỏa thuận của tác giả, chúng tôi xin giới thiệu tác phẩm HUYỀN THOẠI VỀ HỒ CHÍ MINH của GS Trần Gia Phụng. Trong bài viết này, tác giả Trần Gia Phụng chỉ muốn nêu lên những huyền thoại do tự nhân vật Hồ Chí Minh hay thuộc hạ dựng lên để “làm đẹp” cho nhân vật chính mà thôi.

Những huyền thoại được nêu ra trong những tiết mục sau đây:

  • Người cha
  • Trần Dân Tiên / Hồ Chí Minh
  • Đoàn kết dân tộc
  • Giải phóng dân tộc
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh
  • Lăng (tẩm) Hồ Chí Minh
  • Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới
  • Trộm Thơ / Đạo Văn
  • ….

Xin mời đọc:

Xin Quý Vị bấm mũi tên để mở bài viết về huyền thoại HCM:

huyen-thoai-hcm-2016-pdf

 

***

Cũng xin mời Quý Vị vào đọc:

Bài viết thêm về nhân vật Hồ Chí Minh và Hiệp Hội Canada Viet Society (CVS) của nhà báo Lâm Văn Bé.

 

Hồ Chí Minh hôm nay là đề tài của mọi chế giễu khinh miệt của Việt Nam và thế giới sau khi các tài liệu lịch sử và nhân chứng vạch trần trăm thứ tội ác. Nhưng Hồ Chí Minh cách đây nửa thế kỷ đã được các nhà viết sử và chính trị gia tôn sùng như bậc vĩ nhân và các trường đại học chồng chất các nghiên cứu, luận án về con người mà nửa thế kỷ sau khám phá ra chỉ là tên tội phạm.

Chính trong bối cảnh ấy, UNESCO, (United Nations Educational Scientific and Cultural Organisation), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hiệp Quốc, có trụ sở ở Paris, nhận văn thơ ngày 14/04/1987 của Võ Đông Giang, Chủ tịch Ủy Ban UNESCO Việt Nam đề nghị với UNESCO “ghi tên Hồ chủ tịch vào danh sách danh nhân thế giới” nhân ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990.

Đề nghị này được Đại hội đồng khóa 24 của UNESCO chấp thuận, lúc ấy dưới quyền của Tổng Giám Đốc Amadou Mahar M’Bow, một người Phi Châu thân Cộng Sản.

Được tin nầy, một số nhân sĩ ở Paris thành lập “Ủy Ban tố cáo tội ác Hồ Chí Minh” và đề cử Tiến sĩ Nguyễn văn Trần điều hợp cuộc tranh đấu phản đối quyết định của UNESCO.

Lý luận của Ủy Ban dựa trên 2 điểm: Hồ Chí Minh không phải là nhà văn hóa vì ông chỉ học đến lớp 3 tiểu học, không phải là nhà chính trị lôi lạc vì nếu nói là HCM có công đánh đuổi giặc Pháp nhưng lại có tội thiết lập một chế độ Cộng Sản độc tài. Chính phủ cộng sản có viện dẫn tác phẩm Ngục Trung Nhật Ký (Nhật ký trong tù) cho là của Hồ Chí Minh để chứng minh trình độ văn hóa, nhưng GS Lê Hữu Mục, trong một nghiên cứu tỉ mỉ dài 31 trang xác nhận Hồ Chí Minh không thể hay không phải là tác giả của quyển sách nầy. Sau đó, Đỗ Nam Hải, Đỗ Thông Minh cũng cùng có quan điểm như GS Mục. Không phải chỉ mạo nhận Ngục Trung Nhật Ký, mà Hồ Chí Minh còn mạo nhận cả các bài viết của nhóm Annam Yêu nước (Association des Patriotes annamites) của Nguyễn Thế Truyền khi ông bị đày ra Côn Đảo và các thành viên trong nhóm đã chết, gom lại để in thành “Hồ Chí Minh toàn tập”, chưa kể hành động gian xảo tự viết mà lấy tên khác để đánh bóng mình (Trần Dân Tiên. Những chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch).

Về năm sinh, theo ông Bùi Tín thì HCM khai 5 năm sinh khác nhau (1890 đến 1894) và ngày “19/05/1890 là một ngày giả”.

Với những dữ kiện như vậy, đâu thế nào UNESCO vinh danh một người gian dối.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy Ban, người Việt ở hải ngoại nhiều nơi biểu tình phản đối, có đến 20 000 bức thơ và kiến nghị gởi đến UNESCO. Ủy Ban cũng vận động với các giới chức văn hóa, chính trị Pháp nên được sự tham dự của Hội Cựu Chiến Binh Pháp, Hội những Người Bạn Đông Dương (ANAI) mà nhiều hội viên khi xưa là những cựu chiến binh thì nay là những dân biểu, yếu nhân trong chính quyền Pháp.

Trước áp lực của dư luận và sự ủng hộ của Quốc hội và chính phủ Pháp, UNESCO quyết định không thực hiện nghị quyết vinh danh Hồ Chí Minh bởi lẽ họ không thể hủy bỏ nghị quyết ấy, phải chờ đến đại hội đồng năm 1992 (5 năm mới họp một lần) mới hủy bỏ chính thức được.

Trả lời cuộc phỏng vấn của RFA, TS Nguyễn Văn Trần đã nói: Giám Đốc Đông Nam Á Sự Vụ lúc đó là một người Lào đã trả lời với chúng tôi rằng “Chúng tôi không có quyền hủy bỏ cái nghị quyết. Chúng tôi chỉ làm được một việc là không thi hành cái nghị quyết đó. Và chúng tôi thông báo cho ông biết rằng Thị Xã Paris không tham dự, Chính Phủ Pháp không tham dự, UNESCO không tham dự, và UNESCO không tổ chức cái lễ đó tại trụ sở UNESCO và cũng không thi hành cái nghị quyết là sẽ trợ cấp ngân khoản cho Hà Nội tổ chức tại Hà Nội”. Và họ thông báo thêm rằng Toà Đại Sứ Việt Nam ở Paris thuê 2 phòng ở trong trụ sở UNESCO để tổ chức. Lúc đó chúng tôi phản đối nên họ rút lại chỉ còn 1 phòng thôi.” (UNESCO có vinh danh HCM không? RFA ngày 19/05/2008)

Mặc dù Việt Cộng chỉ tổ chức văn nghệ vào ngày 19/05/1990 trong căn phòng mướn của UNESCO, chớ không có vinh danh gì cả, nhưng một số người chống cái quyết định nầy như Olivier Todd, Jean-François Revel, Trần Văn Tòng (anh của Trần Văn Bá) cũng đến chất vấn nhân viên thẩm quyền của UNESCO cho ra lẽ.

Tại Hà Nội, Ông Bùi Tín có đến tham dự buổi lễ vào sáng ngày 19-5-1990, và xác nhận cũng không có đại diện nào của UNESCO.

Như vậy, rõ ràng là UNESCO không có vinh danh Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa thế giới nhân ngày kỷ niêm 100 năm ngày sinh của ông vào năm 1990, nhưng các sách giáo khoa, báo chí và chánh quyền cộng sản vẫn nhắc nhở gian dối sự kiện nầy.

***

Theo thời gian, Hồ Chí Minh lần lượt hiện nguyên hình là một tên vô đạo như ấu dâm, đa dâm (6 bà vợ chính thức không kể các hộ lý), giết vợ, bỏ rơi con, độc tài, bất tài, hèn hạ đưa đất nước đến đại họa. Hồ Chí Minh là đề tài để cho mọi người dân Việt Nam trêu cợt, khinh bỉ, thậm chí có những ví von thô tục: đi thăm Lăng Bác có nghĩa là đi nhà cầu. Mặc dù vẫn biết Hồ Chí Minh hôm nay chỉ là cái xác hôi thúi và cái tư tưởng lạc hậu, nhưng các đảng viên cần đánh bóng làm thần tượng để núp bóng “học tập đạo đức của Bác” để tiếp tục tàn phá đất nước cho đến lúc diệt vong. Đối với khối Tây Phương, mặc dù có những liên lạc ngoai giao và kinh tế với Việt Nam, đa số các quốc gia nầy liệt VN vào loại quốc gia chậm tiến hay côn đồ bởi chánh sách cai trị bạo ngược, cực kỳ tham nhũng, và các nhà lãnh đạo ngu dốt chỉ biết bốc hốt và cúi đầu với kẻ thù. Sau 70 năm cai trị ở miền Bắc và 42 năm cai trị ở miền Nam với “thứ đạo đức của bác”, người dân phải học các thói hư tật xấu của bác và đảng để sinh tồn theo nguyên tắc “chính quyền nào, người dân này”, xã hội Việt Nam hôm nay đã rơi vào đáy tận cùng của phi đạo đức và phân cách giàu nghèo. Muốn vớt vát chút ít uy tín vào giờ thứ 25, Cộng Sản VN tìm dựa vào hơi hám của các đồng chí Đông Âu mà quốc gia sáng giá nhứt là Áo.

Tháng 8/2016, VN vận động với nhóm cộng sản trong hội Áo-Việt đề nghị Hội Đồng Thành phố Wien dựng một bức tượng Hồ Chí Minh trong công viên Donaupark, chi phí xây dựng do chính phủ VN đài thọ, Sở Công Viên của thành phố phụ trách chăm sóc, gìn giữ.

Nguồn tin trên được tiết lộ vào đầu năm 2017 đã tạo một luồng dư luận chống đối trong giới báo chí Áo và sự công phẫn của cộng đồng người Việt tị nạn ở Áo, Đức và thế giới. BS Hoàng Thị Mỹ Lâm, nhân danh Chủ tịch Liên Hội Người Việt tị nạn Cộng Hòa Liên Bang Đức đã viết thơ phản đối gởi chánh quyền Áo và kêu gọi cộng đồng người Việt thế giới ký kiến nghị đòi hỏi Thành phố Wien phải bãi bỏ dự án nầy.

Tờ báo Krone châm biếm: “Vô số tội phạm chiến tranh, hàng triệu người chết, tra tấn có hệ thống và khủng bố đẫm máu, bảng thành tích đầy xác người này rõ ràng là điều kiện lý tưởng để được vinh danh với một tượng đài ở thành phố Wien”, và bài báo trích lời của nữ ký giả trên tuần báo Falter: “thành phần 68 (phản chiến) trong cánh tả của Tòa Thị chính lại quên không nhắc đến những chiến dịch thanh trừng, những phát súng bắn vào gáy, những màn tra tấn ghê tởm nhất đối với những phi công Mỹ bị bắt hay những trại tù cải tạo cộng sản của Hồ Chí Minh”

Vera Lengfeld (cựu dân biểu liên bang Đức) trên Ef viết: “Vào tháng 10 năm nay một đài tưởng niệm tên độc tài và kẻ đại sát nhân Việt Nam Hồ Chí Minh sẽ được khánh thành tại công viên Donau ở Wien. Cán bộ công đoàn Marcus Strohmeier trong Hội đồng quản trị Hội Áo-Việt đã thành công trong việc vận động Tòa thị chính Wien cho dự án này.

Cuối cùng, công lý và chính nghĩa đã thắng.

Tờ Die Presse bản báo giấy ngày 24/02/2017 đăng bài “Đình chỉ trên đường mòn dẫn đến Tượng đài Hồ Chí Minh”, trong đó ký giả Erich Kocina viết: “hành phố Wien dừng dự án xây đài tưởng niệm nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam trong công viên Donau. Việt Nam muốn tặng Áo bức tượng nhưng sau những phản đối mãnh liệt, Toà Thị chính đã tạm thời đình chỉ”. Ký giả Erich Kocina tiếp: “Các báo viết về đề tài này đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ. Hôm thứ năm chính quyền thành phố đã bị sốc. Đài tưởng niệm cho một nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi không dễ dàng thuyết phục được ai. Hồ Chí Minh không phải là người có thanh danh tốt đẹp. Nhà lãnh đạo Cộng sản, chết năm 1969, bị tố cáo là tra tấn và giết các đối thủ chính trị”. (Diễn Đàn VN 21. Trần Việt dịch phổ biến trên Internet)

Tuy hai sự kiện trên xảy ra cách nhau 27 năm với những dữ kiện khác nhau nhưng có một điểm duy nhứt giống nhau, đó là sức mạnh của tiếng nói phản kháng. Nếu không có sự phản kháng của 20 000 người Việt tị nạn Việt Nam và những người Pháp binh vực cho công lý năm 1990 thì Hồ Chí Minh đã là một vĩ nhân. Nếu không có người Việt tị nạn khắp nơi cũng như những người bạn trong báo giới nước Áo, nước Đức lên tiếng đòi hỏi công lý vào năm 2017, tên đồ tể Hồ Chí Minh sẽ được đổi lốt là người hùng.

Cộng Sản có công an súng đạn, có nhà tù nhưng chúng không có chính nghĩa. Gaddafi cai trị bằng sắt máu ở Lybie hơn 40 năm, nào ai có ngờ, Gaddafi và đồng bọn đã phơi thây trên đường phố. Với niềm tin chính nghĩa, người dân sẽ đứng lên diệt độc tài để tìm quyền sống, đảng Cộng Sản VN sẽ nếm mùi của đảng Gaddafi một ngày gần đây. Giờ thứ 25 của chế độ cộng sản đã điểm khi hàng ngàn giáo dân ở Nghệ An và nhiều nơi khác đã nổi dậy bất chấp bị đánh đập, bỏ tù,

Nhắc đến Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng muốn nhắc đến một hiện tượng đang xảy ra tại Canada. Nếu sách vở báo chí viết ca tụng Hồ Chí Minh đang nằm móc meo trong các văn khổ và tôi ác của Hồ Chí Minh tiếp tục được phơi bày, thì tại Canada có một Việt kiều (cần phân biệt Việt Kiều với người Việt tị nạn) đến Montréal năm 1990 đê học cử nhân Thương mại ở đại học Concordia nhận thấy “trong bộ phim của một nhóm người Việt ở nước ngoài xuyên tạc về Hồ Chủ Tịch vì vậy năm 2009, tôi quyết định tập hợp những kết quả nghiên cứu về Hồ Chí Minh để ra mắt cuốn Hồ Chí Minh : Tâm và Tài (2010). Tôi thấy các tác giả phương Tây chưa thấy hết được về con người nhân văn của Hồ Chủ tịch… Sau đó tôi dành 3 năm tập trung nghiên cứu về vấn dề phát triển theo tư tưởng Hồ Chí Minh và cho ra mắt cuốn sách thứ hai: Hồ Chí Minh: Nhân văn và phát triển (2013)” (Nguyễn Đài Trang. Yêu quê hương, sẽ yêu tiếng Việt/báo Dân Trí).

Người sử gia ấy tên là Nguyễn Đài Trang, có thời là giáo sư Kế Toán ở Centennial College, tại Scarbourough, Toronto và là thành viên Hội Đồng Thương Mại Canada (Canada-Vietnam Trade Council), là cơ quan ngoại vi của Hiệp hội Canada-Vietnam (Canada-Vietnam Society CVS), là cơ quan ngoai vi của Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Canada. Bà Đài Trang hiện nay đang bao thầu việc xây dựng các CVS ở Canada, hiện đã có 4 CVS ở Toronto, Montréal, Ottawa, Vancouver.

Theo bản thông tin của CVS, Hiệp Hội Canada có 2 mục tiêu như sau:

– Xây dựng cộng đồng người Việt trên toàn Canada vững mạnh, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau hội nhập thành công vào xã hội Canada và duy trì, giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống của dân tộc.

– Thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực và quan nghệ hữu nghị nhân dân giữa hai nước Canada và Việt Nam.

CVS ra mắt hiệp hộì Ottawa ngày 26/04/2016.

“Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Canada Tô Anh Dũng cho biết do đặc thù lịch sử, từ nhiều năm nay chưa hình thành được một tổ chức chung của người Việt Nam tại Canada. Tuy nhiên, trong thời gian qua, trước nhu cầu thành lập hiệp hội chung, các hiệp hội, nhóm hội ở Canada đã liên kết với nhau và đứng ra thành lập CVS với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam”.

Cũng trong buổi lễ, Bà Đài Trang tuyên bố các CVS là đại diện cho 250 000 người Việt ở Canada.

Quả thực là lộng ngôn, gian dối và lừa đảo, bản chất cố hữu của người cộng sản. Trên thế giới, chưa có một quốc gia nào mà Tòa đại sứ ngang nhiên đứng ra lập hội để hỗ trợ cho các sinh hoạt của Tòa đại sứ. Tại Canada, 99% người Việt Nam là người tị nạn, không chấp nhận chế độ cộng sản, đã đến Canada lập nghiệp và là công dân của Canada. Người dân Canadiens gốc Việt không phải là kiều bào, và thật là khôi hài khi Tòa đại sứ Việt Nam Cộng Sản và Canada-Việtnam Society do tòa đại sứ nặn ra muốn xây dựng cộng đồng người “Việt trên toàn Canada sic)”. Chắc các các ông bà trong tòa sứ Việt Cộng và CVS biết rõ từ 42 năm nay, người Việt tị nạn tại Canada đã thành lập các Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tại những nơi có đông đảo người Việt tị nạn để liên kết những người không chấp nhận chế độ cộng sản cùng tái lập đời sống trong tự do, công bình và bác ái. Cùng với người Canadiens bản xứ, người Việt tị nạn đã trưởng thành trong văn hóa ứng xử, nhứt là sự tôn trọng nhân quyền. Người Việt tị nạn muốn xa lánh các hiệp hội cộng sản bởi lẽ trong các Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia hay các Liên Hội không có những người xuất khẩu lao động, hợp pháp và bất hợp pháp, những du sinh con cháu các cấp lãnh đạo và đại gia tham nhũng đi du hí ở các campus đại học để kiếm vợ, kiếm chồng, chuyển tài sản ăn cướp ra ngoại quốc, những công an giả dạng là tu nghiệp sinh để rù quến con cháu người tị nạn, những thương gia mánh mun trong đó có lẫn lộn dư đảng của nhóm Việt Kiều Đoàn Kết trước 1975 và các đai gia đổi dạng từ “cannabis farmer” (danh từ của người dân Vancouver chỉ người trồng cỏ), những người có visa du lịch trốn ở lại sau khi hết hạn rồi làm việc phi pháp. Trong các Cộng Đồng Quốc Gia cũng không có hạng người tị nạn mất lương tri, tuy là rất ít, đi đi về về VN du hí rồi trở cờ theo cộng sản, những ngụy trí thức tôn thờ cộng sản.

Người Việt Nam có câu: Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Biết được như vậy, nếu nhà ai nấy ở, hội ai nấy hoạt động, đừng quấy phá nhau, thì thế giới nầy không có chiến tranh, Việt Nam không có… cộng sản. Mà nếu không may có Cộng Sản Việt Nam rồi thì xin đừng xuất cảng thói hư tật xấu Việt Nam ra ngoại quốc, xấu hổ lắm!

25/02/2017

Lâm Văn Bé

***

Các youtubes của CĐVN Tự Do tố các các hoạt động của CSVN tại Canada:

https://www.youtube.com/watch?v=wxXMIX6mfiE

Hiệp hội Canada Việt Nam và những mưu đồ chia rẽ người Việt tại Canada

https://www.youtube.com/watch?v=19uMoreqTxQ

Cuộc Biểu Tình Chống Văn Hóa Vận tại Thành Phố Toronto 2017

https://www.youtube.com/watch?v=FOwO5-9tOSs

Canada biểu tinh chống csVN ngày 19 2 2017 tại Ottawa.

Đôi lời với nhóm Vietnamese Student Organization in Canada (VietSoc) và các em du học sinh – An address to the Visa students and members of the Vietnamese Student Organization group in Canada (VietSoc)

du-hoc-sinh-nen-hoc-33019570366_dd475810c0_o

Đôi lời với nhóm Vietnamese Student Organization in Canada (VietSoc) và các em du học sinh

Nguyễn Sỹ Thùy Ngân

Hiện nay có rất nhiều du học sinh từ VN sang, đây là một điều vui mừng vì càng nhiều em ra nước ngoài, thì các em càng có cơ hội học được nhiều về đời sống tự do, dân chủ và nhân quyền ở các tây phương để sau nầy đem về VN giúp cho người dân trong nước có được đời sống tự do, dân chủ và nhân quyền.

Hầu hết các em du học sinh đều ngoan hiền và chăm chỉ học hành, nhưng gần đây, có những em lập nhóm Vietnamese Student Organization in Canada (VietSoc). Việc thành lập nhóm nầy sẽ không có gì để nói, quá tốt nếu như các em chỉ đơn thuần tập hợp lại để chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau trong viêc học, tuy nhiên các em đã đi quá đà khi truyền bá những hình ảnh có lợi cho chế độ cộng sản như đăng lên facebook bộ phim do cộng sản VN làm ra nhằm đánh bóng hình ảnh VN theo kiểu một chiều đến thế giới, với mục đích gởi thông điệp VN đầy thành tựu, hòa bình, ổn định và phát triển, chứ tuyệt nhiên không nói tới, hay có bất cứ một hình ảnh nào về thực trạng VN hiện nay như cảnh dân oan không nhà, bịnh viện quá tải phải nằm tràn ra sân, phụ nữ VN bị bán làm nô lệ tình dục ra khắp năm châu….

Bên cạnh đó, nhóm VietSoc còn tổ chức ăn mừng sinh nhật và đăng tải hình tên đồ tể Hồ Chí Minh. Và nhóm VietSoc cũng đăng tải vinh danh “ký ức hào hùng ngày 30 tháng 4” với xe tăng cộng sản vào miền Nam, đăng tải ngày giổ tổ Hùng Vương cùng hiệp hội Canada Việt Nam với cờ Canada và cờ đỏ máu của cộng sảnVN.

Việc nhóm VietSoc tuyên truyền một chiều cho chế độ cộng sản VN đã làm tổn thương đến cộng đồng người Việt Tự Do tại Toronto.

Tháng 4 năm 2016 vừa qua, có em trong nhóm VietSoc đã lên tiếng vui mừng khi cộng sản VN ủng hộ để thành lập cái gọi là hiệp hội Canada Vietnam Society (CVS). Hội nầy là do cộng sản VN và tòa đại sứ cộng sản VN tại Ottawa lập ra với mục đích là để tiếm danh, tự xưng là đại diện cộng đồng Việt Canada và tuyên truyền một chiều cho cộng sản VN, việc nầy đang làm xáo trộn và gây tổn thương nghiêm trọng trong cộng đồng người Việt tự do. Và hành động tiếp theo của các em VietSoc là đăng tải, giới thiệu và rủ rê lôi kéo nhau tới một quán ăn, chỉ vì quán ăn nầy có biểu tượng hình cờ đỏ sao vàng.

Thiết nghĩ, nay các em đã có cơ hội sống trong môi trường tự do dân chủ và nhân quyền, nhìn được đúng bản chất của chế độ CS là bán nước hại dân, thì tại sao các em lại đang tâm tiếp tay tuyên truyền cho chế độ ác cộng VN như thê!?

Ngoài việc học ra, các em cũng nên học cách hòa nhập vào cộng đồng và học cách biết tôn trọng tự do, dân chủ, nhân quyền ở Canada, để các em thấy được dưới sự cai trị của đảng độc tài cộng sản VN thì người dân không có được những quyền căn bản của con người, như quyền được nhìn, được nghe, được nói vì mọi thông tin thật đều bị bưng bít, che đậy, còn lịch sử dân tộc thì bị xuyên tạc, bị ngụy tạo hoàn toàn.

Chỉ nêu ra đây một vài thí dụ điển hình để các em hiểu thêm về những cái quyền căn bản của con người đã bị khống chế dưới chế độ độc tài cộng VN như thế nào.

Nói về quyền được nhìn:

Thì các em và người dân trong nước chỉ nhìn được những hào nhoáng bên ngoài, như những tòa nhà đồ sộ, những sân golf thênh thang, chứ không được nhìn, được thấy, cộng sản VN đã dời mốc cột biên giới, hiến dâng đất đai của tổ tiên ta cho giặc Tàu, mở toang cửa khẩu cho Tàu cộng tự do tràn vào cư ngụ và chiếm đóng những vị trí then chốt chiến lược quan trọng trên toàn lãnh thổ VN.

Nói về quyền được nghe:
Thì các em và người dân trong nước, chỉ nghe được ngày càng có nhiều tượng đài nghìn tỷ, chứ không nghe được tiếng khóc xé lòng của những người mẹ có con lội sông đi học mỗi ngày bị nước cuốn trôi mất xác, hay tiếng khóc than của dân oan đang làm rúng động lòng người ở khắp nơi trên thế giới vì bị cướp nhà, cướp đất, phải sống cảnh màn trời chiếu đất, vất vưỡng đầu đường xó chợ, đói rách thảm thương, thế mà cộng sản VN lại làm lơ như không thấy, không nghe vì nhà của dân, chúng đã lấy, đất của dân, chúng đã cướp xong rồi.

Nói về quyền được nói:

Thì các em có biết, ngư dân trong nước chỉ được quyền lặng yên mà khóc, còn nếu như gào to, khóc lớn cùng nhau xuống đường kêu cứu khi con đường sống bị triệt, vì cá chết, môi trường biển bị nhiểm độc, bị tàn phá từ hóa chất của Formosa thảy ra, thì lập tức bị công an thẳng tay trấn áp, trù dập, mà truyền thông báo chí thì được lịnh làm ngơ không lên tiếng, nên tiếng kêu gào than khóc của ngư dân cũng bị tan nhanh theo gió, chỉ có cái đói nghèo là còn ở lại với ngư dân.

Nói về thông tin:

Thì các em và người dân trong nước chỉ nghe được thông tin một chiều không có thật, như nghe nhiều về 16 chữ vàng và 4 tốt của Việt Nam với Trung quốc, chứ không nghe được Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, biển, đảo Hoàng sa, Trường sa VN đã trao về tay giặc, từ lâu lắm rồi.

Nói về lich sử bị bưng bít, ngụy tạo:
Thì các em và người dân trong nước bị cộng sản VN nhồi sọ, tuyên truyền một chiều sai sự thật, để làm lợi cho chế độ, chúng ngụy tạo lịch sử để làm hình tượng tuyên truyền, dù Hồ Chí Minh có tên trong danh sách đồ tể quốc tế, là tên tội đồ của dân tộc vì đem chủ nghĩa cộng sản vào VN gây chiến tranh chia rẽ hai Miền Nam Bắc, dùng người Việt giết người Việt để dọn đường rước giặc vào nhà, và là người gây ra tội ác tày trời là giết mấy trăm ngàn người trong cải cách ruộng đất Miền Bắc, thảm sát Huế Tết Mậu Thân với những cuộc tàn sát đẫm máu, giết mấy ngàn người trong những mồ chôn tập thể, thế mà cộng sản VN lại biến Hồ Chí Minh thành anh hùng cứu nước thương dân, là cha già dân tộc.

Vì muốn củng cố cho chế độ được trường tồn, cộng sản VN đã ra sức tẩy não và đào luyện thế hệ trẻ sao cho được thuần phục và tuyệt đối trung thành với đảng, nên khẩu hiệu dưới đây được cộng sản VN thi hành triệt để :

“Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Đọc tới câu nầy các em phải hiểu, các em cũng chỉ là công cụ được cộng sản VN trồng, để phục vụ cho ác đảng của chúng mà thôi.

Đã tới lúc các em phải thức tỉnh, nhận diện bộ mặt thật của đảng cộng sản VN là một đảng cướp tội phạm hình sự, chúng đã thẳng tay cướp bóc, khủng bố, trấn áp người dân và tận tình vơ vét tài sản quốc gia để tẩu tán ra nước ngoài cho vợ con, dòng họ tha hồ tận hưởng.

Vận nước đã tới hồi nghiêng ngã, vì họa mất nước đã gần kề, cộng sản VN vì muốn củng cố chế độ mà chúng đang tâm bán nước, đưa dân tộc ta vào con đường nô lệ ngàn năm, nên cho dù các em sanh ra ở trong bất cứ gia đình nào, hay thuộc bất cứ thành phần nào của xã hội, và sống bất cứ nơi nào trên đất nước VN, thì hãy vì sự sống còn của tổ quốc mà góp một bàn tay với người dân trong nước để đòi cho được quyền làm người, và đòi cho được quyền bảo vệ quê hương.

Hãy luôn nhớ, đất nước VN có được tự do, dân chủ, công lý và nhân quyền hay không thì đó là do trách nhiệm của các em, cũng như vận mệnh của dân tộc, và sự tồn vong của đất nước đang nằm trong tay tuổi trẻ Việt Nam.

Chúng tôi những người Việt hải ngoại, luôn thương yêu và yểm trợ các em trên con đường làm nên lịch sử, đó là dẹp nội thù cộng sảnVN bán nước hại dân và diệt ngoại xâm để bảo vệ non sông.

du-hoc-sinh-phan-doi-33061374235_dfd11d2a07_o

Riêng các em trong nhóm VietSoc, nếu các em còn có trái tim biết thương dân tộc, thì nên ngừng ngay những việc đang làm và tránh xa ngay những tên cộng sản đang ra sức níu kéo những người nhẹ dạ và lợi dụng tuổi trẻ của các em vào mục đích tuyên truyền để đánh bóng cho chế độ tham nhũng, thối nát, hèn với giặc ác với dân đang trên đà tan rã.

Nguyễn Sỹ Thùy Ngân

Xin mời đọc về cuộc đời thật của Hồ Chín Minh trong bài viêt dưới đây của GS Trần Gia Phung:

https://damtrungphan.wordpress.com/2017/02/24/huyen-thoai-ve-ho-chi-minh-gs-tran-gia-phung/

***

Feb. 08, 2017

Bản dịch tiếng Anh:
Translated by: TIMOTHY TRAN

(Some Advices written for) An address to the Visa students and members of the Vietnamese Student Organization group in Canada (VietSoc)

Nguyễn Sỹ Thùy Ngân

It is reported of late that there are now many students coming from Viet-Nam, this is indeed quite exciting, as the more students going abroad, the more opportunity you (the Visa students) would have to learn more about a life in the West: a life of freedom, democracy and basic human rights to eventually bring about these values of freedom, democracy and human rights (home) to the Vietnamese People.

Most of these students are dilligent and intelligent (with good ethics/conduct) who study hard in school, but a few (sour apples) like to congregate, like to do things beyond the scope of a student, such as the members of the Vietnamese Student Organization groups in Canada (VietSoc). The recent establishment of this group is nothing to object, if it was meant to gather and share experiences, and help each other in learning, that would be a good thing. But the VietSoc members had gone too far when they form with the aim of spreading images in favour of the communist regime and post on Facebook propaganda film made by the Socialist republic of Vietnam (Communist Vietnam), with the purpose of sending false messages about a rosy Viet-Nam full of accomplishments, peace, stability and ever-developing. In actuality, the Film clip did not – at anytime – speak of about images of the true situations, such as the hardships of beggars and homeless citizens, overwhelmed and over-crowded hospitals (whereby the patients lay on mats along the corridors onto the streets), or painful scenes of Vietnamese women sold as sex slaves to many countries … Furthermore, VietSoc members posted and celebrated the birthday/anniversary of one blood-soaked totalitarian Ho-Chi-Minh. VietSoc had even published fond memories honoring the event of (1975) April 30th when communist tanks invaded the South (crashing the gate of the Presidential Palace), published on our sacred Hung Kings Ancestral Day/Anniversary along the CVS (Canadian Vietnamese Society in Canada) next to the Canadian flag and the red flag of the blood-thirst communist Viet-Nam.

The advocacy (unilateral) actions by VietSoc to polish communism/the communist regime are un-conscionable and irresponsible, and these actions had caused outrage and further hurt the free Vietnamese Communities in Toronto and across Canada.

In April 2016, a member of VietSoc had expressed happiness when the establishment of the so-called Canadian Vietnamese Society (CVS) in Canada by communist Viet-Nam. CVS was established with the helps of the communist Viet-Nam embassy in Ottawa and was created with the purposes (and attempts) to mis-represent the Vietnamese Canadian communities at large in Canada and to promote a one-sided propaganda in favour of communism, to cause disruption and serious harm to these free Vietnamese communities. Many members of VietSoc had published, introduced and enticed others to join them then to celebrate in a restaurant where the owner displayed the blood-red background with a centralized yellow star.

Let us reflect for a moment: now that these students have the opportunity to live in an open and free society (environment), having known all too well the oppressive and totalitarian nature of the Communist Viet-Nam regime, there is certainly (and absolutely) no reason – of any sort – for perpetuating propaganda for the evil communist regime – is there ? !

Whether you ( the members of VietSoc), are children born into wealthy families, or of red capitalists or of high-ranking officers of the communist regime, or are simply studying abroad under a certain sponsorship program, then, in addition to studying, it is strongly advisable that (you) these students should also (at least) learn how to integrate into the communities and learn to respect freedom, democracy and human rights in Canada. It is hoped that with the acceptance of these core (Canadian) values, these VietSoc students would at least see that the People of Viet-Nam do not get the fundamental human rights, such as the right to see, to hear, to speak/express freely of the real situation, where information were withheld, concealed (or falsified), and the Vietnamese national history is continually being distorted or fabricated altogether.

Here, we are only touching base on a few examples to expose our core Canadian values, of freedom and human rights, so one could see how living in a free society would be, as compared to living under the totalitarian regime of the socialist republic of Viet-Nam.

Speaking of the Right to See : These students and the People inside the country could only see (or were only allowed to see) those flashy massive buildings, those spacious golf courses, yet not allowed to witness the fact that communist Vietnam had moved the milestone column demarking the Viet-China border (in the North) and literally sold off ancestral land to the enemy, and opened the gate for China to reside and settle freely (and openly) by occupying the key geographical position which play a strategic importance all over the territory of Viet-Nam.

Speaking of the right to hear (or to be heard) : These students and the People inside the country could only hear a growing number of monuments costing by the trillions (of Vietnamese DONG), yet not to hear the heart-wrenching cries of mothers who have children going to school every day by swimming through high rivers and sometimes swept away not to be seen again, or the mourning cries of the petitioners that shake one’s heart all over the world because their house and land was raided and robbed by the regime and ending with a homeless life, wandering about aimlessly in hunger. Yet, the communist regime pretended not to hear these cries.

Speaking of the right to speak / expression : One must know, that local fishermen (and laymen) are entitled only to weep in silence, but if they so much as to voice or cry out, or march together down the road in demonstration, or ask for simple justice such as the right for compensation from (poisoned) dead fish (which is their livelihood) in toxic environment (devastated by Formosa chemical dumping), the police would immediately and ruthlessly suppress and oppress, while the state media are commanded to ignore or not to speak about. These cries of the fishermen will quickly fade, and in the end, only their poverty (misery) endures.

Speaking of information: The visa students and the People could be allowed only to hear a one-sided information, such as the propaganda of goodwill towards communist China (policy) about “The 16 golden actions and 4 good’s” of Vietnam toward China. Yet issues concerning the loss Ban-Gioc Waterfall, the loss of the Nam Quan Gate/Pass, the loss of the Paracels and Spratly islands of Viet-Nam to China hidden and forgotten by the State and News media long ago.

Speaking of History – of being falsified and fabricated: You (the students) and people in(side) the country were brain-washed (fooled) and indoctrinated by one-sided propaganda to further benefit (and perpetuate) the regime, the communists falsified history to make idols of mass murderers such as Ho-Chi-Minh and for bringing Communism into Viet-Nam, and for making heroes out of murderers during the Vietnam War, such as the killing of thousands of land owners during the Agricultural (Land Reform) Revolution (in the 1950’s) in North Vietnam, and the massacre of innocent victims during the (Mau-Than Jan 30, 1968 – Sep 23, 1968) TET OFFENSIVE (of Hue, Central Vietnam). These killing fields stand testimonial to the collective burial of many citizens, yet the Regime would make a hero out of Ho Chi Minh (for having saved the country and served as the father of the nation).

Because they want to reinforce their permanent totalitarian regime (ie: they want to hold onto power), the communists of Viet-Nam have tried to brain-wash and train the younger generation’s mind to be absolutely loyal to the Communist Party, by following the slogan strictly and by implementing the objectives: “To harvest a ten-year benefits, plant trees – but for a hundred years of benefits, plant humans”. However one would understand these issues, these VietSoc students are but tools planted by the communists of Vietnam, to eventually serve the evil Party only.

It is time for you, the VietSoc members-students, to wake up, and recognize the true nature of the Communist Party, a party of robbers and criminals, who had a free hand in looting, causing terror, and who had oppressed and plundered state assets only to hide and disperse abroad the state riches for their personal enjoyment and their wife and children.

Dear, O Dear (Vietnamese) visa students and members of VietSoc ! The Viet Nation is at a cross road, and the nation’s independence is at risk, the communist of Viet-Nam had put the Party’s interests above that of our Nation to strengthen its hold of powers and Regime, by selling out to the enemy (China) and thus putting our nation on the path to slavery of another thousand years. So, regardless of your background or birthplace or social upbringing, you should stand shoulder-to-shoulder with the Citizens in-country to demand the rights to live as humans, and the right to protect the Land.

Keep in mind, that whether or not Viet-Nam could obtain freedom, democracy, justice and human rights, the responsibilities will rest with you (and will be yours to bear), as well as the destiny of the (Viet-) Nation, and the survival of the Country is in your hands.

We are overseas Vietnamese (by origin and culture), who will always love and support the next generation of youths and students on the path to make history, to up root internal enemy – the dysfunctional and decaying Communist Party, and take back the right to defend the Land.

As to the members of VietSoc, if your still have in your heart some love for Viet-Nam, you must immediately stop these harmful activities and avoid Communist Party agents – who abuse your youth and energy – through their propaganda purposes: those who are coward when facing the enemy, yet viciously oppressive toward their own citizens.

Following is the real life of Ho Chi Minh in Vietnamese:

HUYỀN THOẠI VỀ HỒ CHÍ MINH – GS TRẦN GIA PHỤNG + TỐ CÁO TÒA ĐẠI SỨ CSVN MƯU TOAN THÀNH LẬP HỘI HIỆP THƯƠNG CANADA – VIỆT NAM (CVS)

LƯỢC THUẬT GIA PHẢ HỌ ĐÀM (Thận, Quang, Duy, Trung…) TỪ ĐẦU THẾ KỶ 14 ĐẾN THẬP NIÊN 1970

toc-pha-ho-dam

 

Lời mở đầu.

Người Việt chúng ta khi về già thường muốn tìm về cuội nguồn bằng cách đọc lại gia phả của giòng họ nhà mình. Năm 2011, anh em chúng tôi (Đàm Trung Pháp, Phán) may mắn đã được GS Đàm Quang Hưng tặng cho cuốn Đàm Thận Tộc Phả trong đó có ghi lại tên những người nam họ Đàm theo một thứ tự rất khoa học (theo cặp số đặc trưng). Việc tra tìm tên người (phái nam mà thôi, theo lối các cụ ngày xưa), giống như tra tụ điển vậy. Chúng tôi nhận thấy GS Đàm Quang Hưng (chi họ Đàm Quang ở Quảng Yên), thuộc thế hệ thứ 19, cùng thế hệ với nam giới Đàm Trung (con / cháu của thế hệ Đàm Duy và cha/chú/Bác của thế hệ Đàm Hiếu…) nhưng chi Đàm Quang thuộc chi trưởng cho nên GS Đàm Quang Hưng gọi anh chị em chúng tôi là các cô, các chú. Ngoài đời thì GS Hưng là vị Thầy kính mến của Đàm Trung Phán . Xin chân thành cám ơn GS Đàm Quang Hưng đã ưu ái trao tặng cho chú em / học trò của Thầy cuốn sách quý này.

 

Tháng 11, 2016 trong lúc tôi mở tất cả các hộc tủ để đi kiếm một cái hóa đơn (bill) mà chẳng thấy. Khi đóng cái hộc tủ cuối cùng, không tài nào tôi đẩy nó vào được, bèn phải kéo nó ra để quan sát tại sao. Hóa ra, ở phía bên trong tủ, trên sàn nhà, tôi thấy có rất nhiều giấy tờ. Kỳ lạ thay, tôi thấy một tập giấy viết tay, khổ dài (legal sized) : đây là bài viết về gia phả của giòng họ nhà chúng tôi bắt đầu từ thế kỷ 14 cho đến đời thứ 19 của họ Đàm (thập niên 1970). Tài liệu này đã được thân phụ chúng tôi, cụ Đàm Duy Tạo (*) , viết vào ngày 16/6/1974 khi cụ đã 79 tuổi, gần 1 năm trước khi cụ di tản sang Hoa Kỳ.

Tôi bàng hoàng ngồi đọc những giòng chữ thân thương đầy chân tình của người cha già viết cho đứa con đang sống xa nhà . Cha già chỉ sợ đứa con đang sỗng ở hải ngoại  không biết rõ về cội nguồn của mình. Cụ không quản khó khăn vì mắt đã mờ, tay đã run nhưng vẫn cố ngồi xuống viết cho tôi 14 trang giấy khổ dài (legal sized) , dùng kính “lúp” để viết và nhờ bạn tôi mang sang Canada đưa cho tôi. Tôi hoàn toàn không còn nhớ gì về lá thủ này vì tôi đã để quên nó trong cái hộc tủ đã quá lâu để rồi không còn biết gì về nó nữa. Tôi có cảm tưởng là Cụ không thục sự đã qua đời vì dường như Cụ luôn luôn ở bên cạnh tôi, nhất là trong những lúc tôi gặp buồn bực hay những khó khăn của cuộc đời.

Năm 2005, vọ chồng anh chị Đàm Trung Pháp và vợ chông tôi đã cùng nhau về thăm quê nội tại Bắc Ninh, Việt Nam và tôi đã chụp được nhiều tấm hình và nhất là đền  thờ của Quốc sư Đàm Thận Huy dưới đây:

dsc00048

Xin mời đọc bài viết về gia phả của cụ Đàm Duy Tạo (*) :

Họ Đàm nhà ta đến định cư tại làng Hương Mặc, tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, nước Đại Nam, kể đã lâu đời lắm, nhưng vì trải nhiều cuộc loạn ly, nên gia-phả thất lạc hoài và chỉ còn ghi chép lại được từ đời cụ Vô-Tâm, nghĩa là từ hồi  đầu thế kỷ thứ 14 đến nay. Cụ Vô-Tâm sống vào hồi biến loạn liên miên vì cuộc chiến tranh với giặc Minh của nhà Hồ, nhà Hậu Trần và nhà Lê. gia-pha-lang-me-x-dsc00031Bởi những cuộc binh biến kế tiếp, 2, 3 chục năm ấy mà gia-phả họ Đàm nhà ta mất hết cả, cho nên sự tích các Cụ từ xưa đến khi đó đều tiêu tán hoàn toàn. Vì vậy mà Tờ lược kê này đành lấy Cụ Vô-Tâm làm Thủy Tổ, và ghi là đời thứ I.

Đời thứ I.

Cụ ông hiệu Vô Tâm, húy (quên), Cụ bà hiệu Từ-Hạnh, họ, húy (đều quên). Hai cụ sống chừng vào hồi cuối Trần, đầu Lê (cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14). Có 2 con trai, ông con trưởng có đỗ Trung Khoa, con cháu suy vi, đến đời Gia Long thì thật hết. Ông con thứ hai là Cụ Minh Đạo.

Đời thứ II.

Cụ Ông hiệu là Minh Đạo, húy (quên) được truy tặng là Thái Bảo, Giáo Nghĩa Hầu. Cụ bà hiệu là Từ Ý, húy và họ (đều quên), được truy phong Thái Bảo, Liệt phu nhân.
Hai cụ được 2 con trai. Ông con trưởng tức là Cụ Tiết. Ông con thứ hai húy là Thận Giản, đỗ Hoàng-Giáp, làm quan đến Thượng thư, hiệu là Minh Huệ, không có con trai.

Đời thứ III.

gia-pha-dsc00038Cụ ông húy là Thận-Huy, hiệu là Mạc Trai, đỗ tiến sĩ triều vua Lê Thánh Tông, được vào Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, và được Vua Lê Thánh Tông khen là “Thiên hạ đệ nhất danh thi nhân”. Cụ làm quan đến Lễ Bộ Thượng Thư, được phong tước Lâm Xuyên Bá, Cụ khởi nghĩa đánh Mạc trong 4 năm (1522 – 26) không được, rồi uống thuốc độc chết, sau được phong là Tiết Nghĩa Đại Vương, thụy là Trung Hiến.

Cụ Bà họ Nghiêm, húy (quên) người làng Quan-Độ (gần làng Hương Mạc nhà ta), Cụ theo Cụ ông khởi nghĩa rồi mất trong quận, nên sau được phong là Hoàng Hậu Phi Nhân. Hai cụ đều được phong là Phúc Thần lập đền thờ ở làng.
Ông thứ 2 và ông thứ 4 đều mất tích, có lẽ vì trốn nhà Mạc. Ông thứ 3 húy là Uyên Lương đỗ Nho Sinh trúng thức (tức như Cử nhân sau này) làm Tả Tư Mạc, Thừa Chính Sư, tức là tổ chi Cụ Tả ngày nay (Bọn nhà Nha Di đều là con cháu Cụ Tả).

Đời thứ IV.

Cụ ông hiệu là Phúc Thiện, húy (quên) làm Tri phủ phủ Quốc Oai, khi nhà Lê mất, cụ bỏ về. Cụ bà, tên họ quê quán đều quên cả. Hai cụ được 1 con trai tức là Cụ Phúc Lương.

Đời Thứ V.

Cụ ông hiệu là Phúc Lương, húy (quên), Cụ thi đỗ hồi nhà Mạc, nhưng không ra làm quan, chỉ nhận hàm Ấm Thụ là Hiển Huệ đại phu.
Cụ bà họ Nguyễn người làng Hoa Thiều (làng Mộc). Hai cụ đwợc 2 con trai. Ông trưởng húy là Quang Tán đỗ Nho Sinh trúng thức, tức là tổ chi họ Đàm Quang ở Quảng Yên bây giờ. Ông thứ 2 tức là Cụ Phúc Trí.

Đời thứ VI.

Cụ Ông húy là Quang Tán, hiệu là Phúc Trí. Cụ Bà người Phù Khê, con gái ông Giám Sinh họ Quách. Họ này học giỏi đỗ rất nhiều đời Mạc và Hậu Lê. Hai cụ được 1 con trai là Cụ Trực An.

Đời thứ VII.  

Cụ ông húy là Hùng, tự là Quang Minh sinh năm Nhâm Thân 1592, mất năm 1634, vào ngày 21 tháng 7 năm Giáp Tuất. Sinh thời cụ được dân làng mến phục, là người hiền lành, đứng đắn, bầu làm Xã trưởng, sau được phong tặng hàm Thái Bảo, Lễ Bộ Tả Thị Lang. Cụ bà họ Đàm, húy là Quế (có chỗ nói là Khuê), người làng nhà, mất ngày 18 tháng 4 năm Mậu Thân 1668 thọ 67 tuổi. Cụ nội trợ giỏi, ở góa, khéo nuôi dậy con được thành đạt, nức tiếng hiền đức. Hai cụ được 1 con trai tức là Cụ Thuần Nhã.

Đời thứ VIII.

Cụ ông húy là Tung, tự là Lỗ Phu, hiệu là Thuần Nhã, sinh năm Giáp Tý 1624, đỗ thủ khoa thi Hương năm Bính Ngọ 1666, được lục dụng, bổ chức Giáo Thụ dạy Kinh Thư ở Quốc Tử Giám, sau được bổ làm Tri Phủ Kiến Sương. Cụ làm quan rất thanh liêm, dậy học nhiều người thành tài. Cụ mất ngày 17 tháng 3 năm Kỷ Mùi 1679, sau được phong tặng hàm Tham Chính, Đô Ngự Sử, Thái Bảo.  Cụ bà họ Nguyễn, hiệu Từ Tố, người làng Yên Phụ (gần làng Hương Mặc), con gái Ông Nguyễn Khắc Khoan và cháu ngoại Ông Lan Quận Công, Thượng thư Thái Phó Nguyễn Thật, cụ mất ngày 11 tháng 10 năm Kỷ Mão 1699. Cụ là người nhân từ, thích chuyện phúc đức. Hai cụ được 4 con trai. Ông trưởng tức là Cụ Quốc Sư hiệu Trung Vĩ. Ông thứ 2 là Trung Thứ hiệu là Cương Đoán, đỗ Nho sinh trúng thức, tức là tổ chi Ông Lý Thuyết, Ông Thê Huấn vừa rồi. Con cháu Cụ Trung Thứ này có nhiều ông học giỏi như Cụ Huyên Điện Bao tên Bình Cách, Cụ Quốc Tử Giám trợ giáo tên Đoan-Trọng. Ông thứ 3 hiệu là Phúc Dụ, đỗ Nho sinh trúng thức, tức là tổ chi Ông Lý Lô, Ông Đồ Ký vừa rồi. Ông thư 4: thất tryền.

Đời thứ IX.

Cụ húy là Công Hiệu, hiệu là Mai Hiên, thụy là Trung Vĩ. Cụ đõ Sĩ Vọng, trải làm các chức Huấn Đạo, Tri Huyện, Tri Phủ. Sau vì nổi tiếng liêm chính, cương quyết và học giỏi được chúa Trịnh cứ vào trông nom dậy học đích tằng tôn là Trịnh Cương, và được thăng lên nhiều chức to như Bồi Tụng, Thị Lang, Thượng Thư, Tri Trung thư giám, Thiếu bảo Quốc Lão. gia-pha-x-dsc00051Khi Trinh Cương được lên ngôi chúa, quyền vị của cụ thật cao tột đỉnh, nhưng nhà vẫn nghèo, chỉ có mấy mái nhà tranh thấp nhỏ. Khi Cụ mất, cụ được phong là Quốc Sư Đại Vương, cho nên con cháu sau này vẫn gọi vắn tắt là Cụ Quốc. Cụ sinh ngày 24 tháng 10 năm Nhâm Thìn 1652, mất ngày 2 tháng 5 năm Tân Sửu 1721. Cụ bà họ Nguyễn, hiệu Tỉnh Thuyên, nười làng Vân Điềm, dòng dõi Cụ Thái Phó Lan, Quận Công Nguuyễn Thật, sinh năm Quý Tỵ 1653, mất ngày 6 tháng 2 năm Giáp Thân 1704. gia-pha-bia-dam-quoc-su-xx-dsc00044Hai cụ được 2 con trai. Ông trưởng tức Cụ Vụ, hiệu Đôn Hậu. Ông thư 2 húy là Công Vị mất sớm, không con.

Đời thứ X.

Cụ Ông húy là Đình Khanh, tự là Như Gia, hiệu là Đôn Hậu, đỗ Nho Sinh Trúng Thức, chỉ làm quan đến chức Tư Vụ bộ Binh rồi xin về. Cụ mất ngày 6 tháng 11 năm Bính Ngọ 1726. Cụ bà họ Nguyễn, húy Chiêm, người xã Đông Dư, huyên Gia Lâm, mất ngày 13 tháng 6 năm Giáp Dần 1734, tên hiệu là Diệu Đức. Hai cụ được 2 con trai. Ông trưởng tức là Thận Du, đỗ Nho Sinh trúng thức, làm Tri huyện Đông Yên rồi về, tức là tổ chi Cụ Huyện bây giờ, các con cháu đạo vừa rồi rất đông, nhưng ông quen biết nhiều ông Tổng Bẩy, ông Phó Thám, chú Thu, chú Khải.

Đời thứ XI.

Cụ Ông húy Đình Dung, sau đổi là Thận Trưng, tự là Như Bảo, hiệu là Ôn Phác, sinh ngày 7 tháng 6 năm Đinh Sửu 1697, lấy hàm tập ấm được bổ chức Đồng Tri phủ phủ Lạng Giang và phủ Phú Bình, rồi xin về hưu, mất ngày 20 tháng 6 năm Bính Tý 1756.
Cụ Bà họ Nguyễn húy Trương, người làng Dương Húc, huyện Tiên Đa (gần Nội Duệ) là con gái nhỏ họ Tiến Sĩ Thượng Thư Nguyễn Đương Hồ, sinh ngày 15 tháng 7 năm Nhâm Ngọ 1702 và mất ngày 11 tháng 12 năm Bính Dần 1746.
Hai cụ có 4 con trai, và các bà vợ lẽ sinh được 2 trai nữa. Ông trưởng húy là Liêu, đỗ Nho Sinh trúng Thức, làm tri huyện Thanh Hà, con cháu chi này bây giờ hết cả rồi. Ông thứ 2 tức là Cụ Úy, hiệu Cương Mẫn. Ông thứ 3 tên là Thận Phó đỗ Tam Trường (Tú Tài), tức là tổ chi ông Tư Cổn, Năm Cổn, bây giờ có lẽ hết người rồi. Ông thứ 5 tên là Sứng, bây giờ con cháu suy đã lâu, chỉ còn bố con chú Cò Điệt và lũ bố con các chú Toàn, chú Khiêm. Ông thứ 6 húy là Khản, không có con trai.

Đời thứ XII.

Cụ Ông húy là Thận Nghi, hiệu là Cương Mẩn sinh năm Ất Tỵ 1725, đỗ Nho Sinh trúng thức năm 19 tuổi, vì cụ đỗ cao được bổ chức huyện Úy huyện Thọ Sương, nhưng chỉ làm quan ít lâu rồi xin về nghỉ, tính cụ phong lưu, phóng khoáng, thích chơi ngâm vịnh những thú phong cảnh đẹp nơi ruộng vườn cây cảnh. Cụ mất ngày 15 tháng 10 năm Mậu Tuất 1778, tên hiệu là Cương Mẫn.
Cụ bà họ Vũ, húy Loan, người làng Phùng Sá, huyện Thạch Thất, Sơn Tòng, con cụ Tiến Sĩ Vũ Đình Dụng là Đốc thị tỉnh Nghệ An, cụ sinh năm nào mất năm nào đều quên cả. Chỉ nhớ giỗ ngày 22 tháng Giêng. Hai cụ được 3 con trai, và cụ vợ lẽ được 2 con trai nữa. Ông con trưởng tức là Cụ Giáo Hiệu Hoẵng Nghị. Ông thứ 2 là Thân Cử, tức là tổ sinh bọn Ông Điền, và chú Trì, Hoãn vừa rồi là Tổ sinh bọn Ông Điền, và chú Trì, Hoãn vừa rồi. Ông thứ 3 tên là Đảng không con. Ông thứ 4 tên là Súy, nay hết con cháu rồi. Ông thứ 5 tên là Thận Cường, tứ là Tổ sinh ra các ông Tư Sóc, Trương Cánh, Ông Tỉnh, cá chú Cả Thiếu, chi các ông Tự, Biện Sự Đương Tinh, vừa rồi.

Đời XIII.

Cụ ông húy là Thận Vi, hiệu Hoàng Nghị sinh năm Đinh Sửu 1757, đỗ Nho Sinh trúng Thức năm 17 tuổi (khoa Giáp Ngọ 1774), vua Quang Trung bổ Cụ làm chức Thư Ký ở Cao Bằng, cụ đi làm được ít lâu thì cáo bịnh xin về. Cụ học giỏi chữ tốt, mất ngày 22 tháng 9 năm 70 tuổi.
Cụ bà họ Trần húy Nga, người làng Cao Đỉnh, huyện Từ Liêm, con Cụ Trần Hải Liễn làm Hình Bộ Viên Ngoại. Cụ mất ngày 3 tháng 10, năm sinh năm mất đều quên, chỉ biết cụ thọ 105 tuổi. Hai cụ được 3 con trai. Ông Trưởng, húy Thận Đức, tục gọi là Cụ Hàn, vì Tổng Trấn Bắc Thành hồi đó là Ông Nguyễn văn Thành chiêu tập các văn sĩ xứ Bắc làm mục khách goi là Văn Hàn, cụ được mời vào. Cụ Hàn tức là cụ sinh chi các ông Đồ Dưỡng, Đương Từ, Cả Cháu. Ông thứ 2 tức là cụ Đồ hiệu là tỉnh Oa. Ông thứ 3 tên là Hựu, sinh năm Bính Ngọ, đỗ cử nhân Khoa Đinh Mão đời Gia Long, đến cuối năm Đinh Mão đó thì mất ngày 26 tháng 12, không có con.

Đời thứ XIV.

Cụ Ông húy là Trí, sau đổi là Thận Trọng, sinh ngày 15 tháng 6 năm Qúy Mão 1783, đỗ Tú Tài Khoa Đinh Mão đời Gia Long. Vì Tú Tài khi đó quen gọi là Sinh Đỗ, nên vẫn gọi cụ là Cụ Đỗ. Cụ người linh lợi, mắt rất tinh, dậy con cháu rất nghiêm, lễ phép. Cụ mất ngày 5 tháng 9 năm Ât Sửu 1865. Cụ lấy Cụ Trẻ họ Nguyễn húy Giám Trước, hơn 10 năm sau mới lấy Cụ Già họ Nguyễn húy Liễn. Cụ Già người Vân Điềm, con cụ Tri Huyện Nguyễn… Cụ Trẻ người Xã Thanh Liệt, làng Quang, huyện Thanh Oai.
Cụ Già được 3 con trai. Ông Trưởng húy là Thận Dụng, đỗ Tú Tài tục gọi là Cụ Tú Quản, Cụ tài gồm Văn Vũ, đẫ được vua tôi Cai Vàng đón đi làm Quân Sư. Khi Cai Vàng thua chết, Cụ vì cớ là con cháu Cụ Tiết Nghĩa nên được tha. Con cháu cụ nay là chi Cụ Hậu Tảo bây giờ, có những các Ong Chất Miễu, Ông Hai Húc, Tư Kinh, Lý Sáu và chá anh BaĐương, anh Năm Triệu, anh Kính…v..v.. Ông thứ 2 húy là Mô sinh ra ông Đội Mỹ, các cháu là Ônh Vi, bà Giáo Miều, nay hết cả rồi. Ông thứ 3 húy là Đỉnh sinh ra Ônh Lý Thường, các con cháu cụ là bọn Ông Dị, Ông Cát, Ông Viêm. Cụ Trẻ được 1 con trai tức là Cụ Cử nhà ta.

Đời thứ XV.

Cụ Ông húy là Thận Cung, tự là Tư Đạo, hiệu là Lễ Hiên, sinh ngày 27 tháng 10 năm Đinh Sửu 1817, người cao lớn, mặt mày khôi ngô thanh tú, Cụ thông minh có tài học rộng chữ tốt, đỗ Cử nhân thứ 4 năm 25 tuổi, khoa Hội năm sau, cụ thi Hội đỗ thứ 5, nhưng Văn Kỳ thi Đình cụ rất hay mà bị vua xé quyển oan với quyển mấy người, thế là cụ chán sự đối đãi khinh rẻ của vua đối với học trò, cụ nhất định bỏ đường sĩ tiến, chỉ suốt đời chịu cảnh nghèo, đi dạy học ở vùng Sơn Tây, Vĩnh Yên và mất ngày 3 tháng 2 năm Canh Thân 1860. Cụ Bà họ Nguyễn húy Phước, người xã Xuân Lôi, tục gọi làng Dôi, huyên Võ Giòng, con Cụ Nguyễn Huy Bính, Cử Nhân, Đốc Học, sinh năm Kỷ Mão, và mất ngày 25 tháng 5 năm Bính Dần 1866. Hai cụ được 1 con trai, tức Cụ Cố nhà ta.

Đời thứ XVI.

Cụ ông húy là Vĩnh, tự là Bá Dự, sinh ngày 3 tháng 9 năm Nhâm Dần 1842. gia-pha-nghia-dia-x-dsc00026Cụ người cao lớn mạnh mẽ, mặt mày vui tươi, linh lợi, người trên phải yêu quí, tính tình khoáng đạt hào phóng, người dưới phải mến phục. Cụ không những hào hoa, lịch sự, lại còn khảng khái, cương trực, nên trên thì các quan to đều có lòng trọng nể, mà dưới thì cả đến bọn tướng giặc cũng một lòng kính phục, bởi vậy tuy sống vào đời loạn mà vẫn được ung dung. Cụ rất thông minh, nhưng lúc trẻ phải bỏ dở sự học vì gặp cảnh nhà nhiều tai biến và tang tóc, liên miên, nhất là cụ sớm mắc chứng run tay không cầm cầm được bút viết. Năm Thành Thái thứ 10 (1904) cụ được sinh phong hàm Hàn Lâm thị Giảng, mấy ông bạn Thượng thư, Tổng Đốc khuyên cụ ra làm quan thì được bổ Tri Phủ, nhưng cụ không ra. Cụ mất ngày 15 tháng 10 năm Bính Thìn 1916. Cụ lấy Cụ Bà trước họ Nguyễn húy Ý, người Thiết Bình, làng Ngườm, con quan Bố Chính Hà Nội Ngyễn Chu Thuật, được 2 con trai. Ông Trưởng húy Liêm, tức là Cụ Đốc. Ông thứ 2 húy Chuyên ( ông nội của Đàm Thị Đán, Đàm Trung Thao, Pháp, Phán, Thang), tục gọi là Cụ Chắt, Cụ Bà rất hiền đức, lễ phép, tuy con một vị quan lớn và giầu có, nhưng rất kính trọng nhà chồng. Cụ sinh ngày 2 tháng 9 năm Tân Sửu 1841 và mấtt ngày 15 tháng 5 năm Kỷ Tỵ 1869, hiệu là Thục Hạnh.

Cụ Bà Thục Hạnh mất được 5 năm thì Cụ Ông lấy Cụ Kế thất họ Chu húy Lọ (sau đổi là Thọ), người lành Thanh Liệt (làng Quang), huyện Thanh Oai, Tỉnh Hà Đông Ở gần Hà Nội. Cụ Kế mất ngày 6 tháng 2 năm Ât Mão 1915, hiệu là Hậu Trực, Cụ Kế chỉ được 3 con gái là Bà Viên tục gọi là Bà Giáo Từ, Bà Khương, Bà Đổi, tục gọi là Bà Ấm Nành. Bà Viên lấy Ông Đặng Vũ Chiểu, người Hành Thiện Nam Định, được 7 con trai là các chú Giục, Khiêm, Tiềm, Giỏi, Lượng, Vân, Tích. Bà Khương (Bà Cô Tổ/Bà Tổ Cô thường hay phù hộ cho ĐT Phán, xin xem bài viết về Gọi Hồn của ĐT Phán ** ) không lấy chồng mất năm 29 tuổi. Bà Đổi lấy ông Nguyễn Tiến Ân, tục gọi Ông Ấm Cần, người làng Hiệp Phù, làng Nành, con ông Tuần Phủ Nguyễn Tân, được 1 trai là chú Ứng và 3 con gái là các co Nga, Thanh (tục goi là Nghé) và Thuận (tức là cô Cả Cự).
Sau Cụ lại lấy thêm cô Hầu là bà Phạm thị Thủng được 4 con trai là các ông Hanh, Khánh, Kinh (tục gọi là ông Nhỡ), Thứ (tục gọi là ông Tít) và 2 con gái là bà Diễm, tục goi cô Trĩm và bà Gia, tục gọi cô Trĩm con. Bà Diễm lấy ông Lê Đình Phổ, người làng Thụy Lôi (tục gọi làng Nhội), nên còn tên là Bà Đồ Nhội. Bà Gia (trĩm con) lấy ông Nguyễn Châu, người Hiệp Phu, nên còn gọi là Bà Hai Châu.

Sau đây kể rõ các điều về các ông con trai cụ Bá Dự (cụ ông của Đàm Thị Đán, Đàm Trung Ba, Thao, Pháp, Phán, Thang) ghi thứ tự bằng số La mã).

  1. Ông Trưởng:

Húy là Liêm (trước là Bình), tự là Nguyên Lệ, hiệu là My Trang, sinh ngày 22 tnáng 12 năm Tân Dậu 1861. Cụ yếu nhưng rất thông minh, năm lên 10 mới bắt đầu học Tam Tự Kinh (quyển sách vỡ lòng học chữ nho lúc trước), mà năm 15 tuổi đã làm được thơ phú (2 lối văn vần rất khó làm), năm 19, 20 tuổi đã nổi tiếng văn hay. Năm 25 tuổi đỗ Cử Nhân khoa Bính Tuất 1886. Khoa thi Hội Kỷ Sửu 1889 cụ đỗ Á Nguyên kỳ thi Hội, nức tiếng về bài Phú Tam Hòe đường được 7 phân, là bài phú thi Hội hay nhất triều Nguyễn, văn kỳ thi Đình của cụ cũng rất hay đáng lẽ được đỗ đến Thám Hoa, Bảng Nhỡn, nhưng vì ở câu cuối bài văn sách cụ vô ý viết sót mất 1 chữ mà bị hỏng tuột. Năm sau cụ được bổ Giáo Thụ phủ Lý Nhân ở Hà Nam, cụ đã bỏ không thi Hội khoa Nhâm Thìn 1892. Đến khoa Hội Ất Dậu 1895, vì quan Thượng Thư Hoàng Côn, tiếc tài của cụ, khuyên cụ cố thi, cụ mới miễn cưỡng đi. Tuy cụ bỏ nghề văn chương đã lâu, mà khoa này cụ đỗ Tiến Sĩ vẫn dễ dàng lắm. Đỗ Tiến sĩ rồi, cụ xin ra Huế làm quan với Nam Triều, tuy quyền lợi thiệt hơn làm quan ở Bắc Kỳ nhiều, nhưng vì cụ tránh tiếng làm quan với Tây. Năm 1898 cụ được bổ Đốc Học Khánh Hòa. Năm 1906 cụ được đổi về Đốc Học Thanh Hóa. Mấy năm sau đó, phép thi ta đổi mới, bỏ cả thơ phú, kinh nghĩa, là 3 thứ văn quí nhất, cho nên cụ sinh lòng chán nản cho nền Hán học, sắp bị suy tàn, rồi cụ suy yếu dần và đến năm Kỷ Dậu 1909 thì cụ mất vào ngày 29 tháng 2 dư.
Cụ lấy cụ Bà họ Vũ, húy Thực, người làng Hoàng Mai, làng Mơ, con Cụ Tú Vũ như Trân, cháu  cụ Nghè Vũ như Phiên, sinh được 6 con là các ông bà: 1) Thị Hinh, tục gọi là Tú Thanh, vì lấy ông Tú Tài Nguyễn Trinh Đàn, người làng Hương Khê, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoa. 2) Duy Tập. 3) Duy Huyên. 4) Thị Phùng, tục gọi là Bà Sét, vì lấy ông Nguyễn Văn Ngọc, con thứ 3 Cụ Đốc học Nguyễn Nhiếp, người làng Thịnh Liệt, tụ gọi làng Sét. 5) Duy Hân. 6) Thị Nhã, tục gọi Cô  Bẩy, sau gọi Cô Giáo Ngọc, vì lấy ông Nguyễn Văn Ngọc, Thanh Tra tiểu học Bắc Kỳ hồi Pháp thuộc.

Hồi Giáo thụ ở Phú Lý, Cụ lại lấy cụ trẻ họ Nguyễn húy Huân, người làng Bạch San tỉnh Hà Nam, được 1 trai là Duy Trước và 1 con gái là Thị Chức, tục gọi cô Tư Tầu, vì lấy Ông Búc Tầu, con thứ tư Cụ Tuần Phú Bùi Bành ở làng Thịnh hệt.
Dưới đây kể rõ các ông con trai cụ Đốc và các cháu chắt:

A) Ông Duy Tập tự là Bá Canh (1888-1918), đỗ Tú Tài chữ nho, mất ngày 25 tháng 8 ta, lấy Bà Nguyễn Thị Nga ở Nội Duệ được 3 gái: Hạc, Cáp, Tích và 1 trai Tăng. Con trai Ông Tăng là Hiếu Cường, Hiếu Luyện, Hiếu Thiết…B) Ông Duy Huyên, tự là Thúc Hoa (1890-1945) làm Tuần Phủ, lấy bà Nguyễn thị Thi ở Nội Duệ được 9 con trai và 5 con gái là: Trung Trường, Trung Lãng, Trung Thiện, Trung Hào, Trung Đường, Trung Bảo, Trung Lưu, Trung Canh, Trung Đồn, Thị Hải, Thị Quan, Thị Dân, Thị Ninh, Thị Phú.
Ông lại lấy bà vợ lẽ là Nguyễn thị Tiểu dược 3 trai, 2 gái là Trung Phường, Trung Kiên, Trung Cố, Thị An, Thị Đoài.

Ông còn lấy cô hầu là Thị Thái, được 1 trai là Trung Giai.
Các lũ cháu nội là:
Thị Sơn, Thị Hà con anh Trường.
Hiếu Đoán, Hiếu Cẩn con anh Lãng.
Hiếu Chiến, Hiếu Thắng con anh Thiện, Hiếu Hùng, Hiếu Cường, Thị Vân, Thị Dung, Thị Mai, Thị Hạnh, các anh kia con Ông Tuần, đều ở Bắc cả, không biết con cái ra làm sao.

C) Ông Duy Hân tự là Thúc Cảnh, tục gọi ông Ba Hân (1894-1955), lấy bà Nguyễn thị Chuyên ở Nội Duệ, sinh 6 trai là Trung Thản, Trung Đê, Trung Thành, Trung Quân, Trung Kỳ, Trung Sách. Sau khi góa vợ, ông lấy thêm bà vợ lẽ ở Làng Sinh 1 trai là Trung Phụ và 2 gái là Thị Phong, Thị Quý.

Các cháu nội của Ông Ba Hân là:
Hiếu Trung, Thúy Anh, Trân Châu, Thị Ngà, Thị Thanh con anh Thản.
Hiếu Chinh con anh Đê
Hiếu Nhương, Thị Lê con anh Thành.
Hiếu Nhuệ con anh Quân.
Thị Dung, Thị Trà con anh Kỳ.
D) Ông Duy Trước, tự là Thúc Tiềm (1887-1969) tục gọi ông Giáo Sáu, lấy bà Nguyễn thị Thi người làng Đa Ngưu, huyện Văn Giang, Bắc Ninh, sinh 2 con trai và 6 con gái là: Thị Đông, Trung Tường, Thị Hương, Thị Thục, Thị Trinh, Thị Khiết, Thị Túc, Trung Chí.

Các cháu nội ông Giáo Sáu là:
Hiếu Phong, Hiếu Đức, Hiếu Dũng, Hiếu Hạnh, Hiếu Đạo, Thị… con anh Chí.
Các cháu ngoại Ông Giáo con các chị Thục, chị Trinh, chị Hương, chị Khiết, chị Túc, có đến mười mấy người, nhưng không nhớ tên.

2. Ông thứ 2 tức là Cụ Chắt ( Ông nội của Đàm Thị Đán, Đàm Trung Ba, Thao, Pháp, Phán, Thang): Xem đời XVII ở dưới

3. Ông thứ 3 tức là Cụ Cửu Hanh, vì Thủ-Bạ được thưởng hàm Cửu Phẩm, nên gọi là Ông Cửu, lấy bà Lê Thị Dậu ở Nhội (tức là em chồng bà Trĩm) sinh 4 trai và 3 gái là chú Vân, Toại, Sính, Tiêm và các cô Hấp, Cõn, Tường.
Chú Vân chết sớm, chưa vợ con.
Chú Toại lấy vợ họ Nguyễn ở Phù Khê, sinh Trung Tiêu, Trung Khiển.
Bốn chú này đều ở Bắc cả, không biết con cái còn ai nữa.
Cô Hấp không có con. Các con cô Cõn và cô Tường đều ở Bắc, nay quên cả tên.

4. Ông thứ 4 tên là Khánh, lấy vợ họ Nguyễn ở làng Ngọc Lôi (làng Lối, gần làng Me) được 3 trai và 1 gái là các chú Hưu, Khuếch, Phúc và cô Thanh.
Chú Hưu rất hiền lành, nhưng hồi năm 1949 người Pháp tấn công vào làng, bắt đi mất tích.
Chú Khuếch hiện (1974) làm đại úy ngành Cảnh sát ở Saigon, có vợ và nhiều con nhưng không biết tên.
Chú Phúc tục gọi chú Khoác, hiện (1974) làm trung sĩ ở Gia Định có vợ và 3 con gái, không biết tên.
Cô Thanh lấy chồng người làng Phù Ninh cùng huyện với làng Me, nay có vào Nam, chồng đã chết và có nhiều con, nhưng không hỏi tên.

5. Ông thứ 5 tên là Kinh, tục gọi ông Nhỡ lấy vợ người làng Vĩnh Phục (Yên Phong), Bắc Ninh, nay cả 2 ông bà đều đã chết, có 2 con trai là chú Hương, chú Đình đều ở Bắc và 4 con gái là cô Hà, cô Xuân, cô Thu, cô Chi. Cô Xuân hiện (1974) ở Saigon chồng là Đại Úy Hùng, và có 10 con trai gái đều đẹp đẽ khỏe mạnh, và đều quên cả tên.

6. Ông thứ 6 tên là Thứ, tục gọi ông Tít, lấy vợ ở làng Cói Hội phụ (1 làng văn học ở phủ Từ Xa), được 1 gái là cô Phú, và 1 trai là chú Hữu hiện nay (1974) đều ở Bắc cả, và được tin Ông Tít đã mất rồi.

Đời thứ XVII (Ông nội của Đàm Thị Đán, Đàm Trung Ba, Thao, Pháp, Phan, Thang…)

Cụ ông húy là Chuyên, tự là Tỉnh Giả, hiệu là Quả-Nghị, sinh ngày 28 tháng 3 năm Giáp Tý đời Tự Đức (1864) và mất ngày 19 tháng 10 năm Kỷ Tỵ 1929. Cụ rất thông minh và có trí nhớ lạ lùng, nhưng tiếc thay lên đậu hỏng mắt ngay từ lúc lên 7 tuổi. Cụ tuy thất học nhưng được nghe cụ Đốc dạy học ở nhà ít lâu, nên nghĩa lý chữ nho cụ hiểu nhiều và nhớ nhiều, nhất là những thơ và câu đối các quan mừng cụ Đốc giảng cho nghe, cụ đều nhớ, cả mãi đến khi gần mất, cụ đọc lại vẫn không lầm chữ nào. Cụ ăn ở trung hậu, nói năng khúc triết, phải lẽ, gặp việc khó xử, nhiều người phải ý cụ. Cụ có trí rắn rỏi quả quyết, lại có tài định liệu, điều khiển các công việc, tuy cụ xấu mắt, ngồi một chỗ, nhưng công việc trong nhà, trong họ phần nhiều do cụ chủ trương cất đặt và cụ đều quán xuyến đầu duôi, đâu vào đó cả. Khiếu tính toán và tài suy nghĩ mẹo mực về đường công nghệ của cụ cũng khó người bằng. Vì tài tính toán lại nhớ nhiều, kinh nghiêm nhiều nên những công việc làm nhà cửa, nghe kể kích thước rồi, cụ chỉ nhẩm trong nửa giờ là ra ngay số gỗ, gạch vôi ngói và công thợ. Mỗi khi Cụ Đốc nói chuyện với các quan bạn về tài trí thông minh của ông em, cụ thường tỏ vẻ thương tiếc nghậm ngùi. Cụ Đốc đi làm quan vắng, vẫn giao cho cụ phiên xử việc làng, đều được êm thắm cả, ai cũng vui theo. Cụ suốt đời làm ăn cần kiệm, có chí nuôi con cháu nối nghiệp học hành. Cụ thật là một tấm gương cần kiệm, khảng khái, trọng nghĩa, khinh tài.
Cụ bà họ Chu, tên Kim, người làng Thanh Liệt, dòng dõi vị đại nho Chu văn An đời Trần. Cụ sinh năm Giáp Tý 1864, mất đêm hôm ngày 27 tháng 10 năm…gia-pha-y-dsc00054 Cụ hiền lành thực thà, về làm bạn với cụ ông từ hồi 17 tuổi. Lúc mới về làm dâu, cụ vẫn ở với Cụ Kế ở Hà Nội (vì cụ là cháu gọi cụ Kế bằng cô con nhà chú). Sau cụ theo cụ ông về ở quê ngoại ở làng Ngườm với cụ Lớn Ngườm là bà Ngoại. Cụ Lớn thấy cháu dâu hiền ngoan, có lòng yêu lắm, nên sau cụ theo về Me cùng ở với hai vợ chồng cháu, cho mãi đến khi gần mất mới cáng cụ về mất ở nhà thờ cụ Lớn Ông ở Ngườm.
Hai cụ có 3 trai và 2 gái là: Duy Viễn, Duy Quỳ, Thị Tuyết, Duy Tạo và Thị Tề, kể theo thứ tự A B C D E dưới đây.
1.Duy Viễn, tự Cậu Chi, hiệu Cẩn Tín, sinh năm Quý Mùi 1883, mất ngày 25 tháng 5 năm Giáp Thân 1944. Ông tài hoa, văn hay, chữ tốt, vẽ khéo, nhưng tính lười, chậm, nên thi hỏng mãi. Ông lấy bà Ngô thị Lai con cụ Ngô văn Quí ở làng Lộc Hà, Phủ Từ, được 5 con gái là Thị Lưu, Thị Thước, Thị Bằng, Thị Hoàng,Thị Âu.
Thi Lưu, tục gọi chị Ba Thông, vì lấy cậu Đỗ quý Thông, con thứ 3 cụ Tú Tài Đỗ Trúc ở làng Mão Điền, Bắc Ninh, không con.
Thị Thước, tục gọi chị Cả Cói, lấy cậu Đỗ Ngọc Oánh ở làng Cói Thái Đường, được 1 trai là Đỗ ngọc Giao, cử nhân về Nhân Chủng học, hiện (1974) làm việc ở Saigon, con gái là Tiệp, chết lúc trẻ.
Thị Bằng, tục gọi là chị Hai Kiềm, lấy cậu Thẩm trọng Kiềm ở Cự Linh, Gia Lâm, không có con chết năm 1952.
Thị Hoàng, cũng lấy anh Ba Thông, được 4 gái là Uyển Như, Tố Như, Hảo Như và Diễ Như và 4 trai là Nam, Dân, Thiện,…
Thi Âu mất sớm, chưa có chồng.
2.Duy Quỳ, tự là Tử Trung, hiệu là Phác Trực, sinh năm Canh Dần 1890, mất ngày 17 tháng 7 năm Ất Dậu 1945. Ông làm ăn chăm chỉ, khóe những nghề thủ công, tính rất cương trực, được nhiều người tin cậy. Lấy bà Nguyễn thị Phức, người làng Dương Sơn (làng Trõ, cách làng Me độ 3 cây số), sinh được 3 trai là Trung Mộc, Trung Mạc, Trung Giang và 4 gái là Diếu, Minh, Quyên, Oanh.
Những cháu nội của Ông Duy Quỳ: Thị Phương, Thị Dung, Hiếu Nghiệp, Thị Phi, Hiếu Quyên, Hiếu Quả, Hiếu Cảo, Thị Loan (con anh Mộc), Thị Yến, Thị Hằng, Hiếu Bản, Hiếu Bảo, Hiếu Tông, Hiếu Long.

3.Thị Tuyết tức là Cô Tư Sét, lấy ông Tư Sét được 1 gái là Quyến.
4.Thị Tề, tục gọi cô Thừa, lấy ông Phan đình Tiến làm Thừc Phải, người làng Dặng Xá gần đô thành Bắc Ninh. Cô Tề được 2 trai là Đống, Tùng và 1 gái Thị Đào.

5. Đàm Duy Tạo (Thân phụ của Đàm Thị Đán, Đàm Trung Ba, Thao, Pháp, Phán, Thang)

Tạm Kết

Dưới đây xin chép lại bài thơ “Bài Hàng”, mỗi chữ là một chữ đệm (middle name) cho một đời (generation) của con trai giòng họ Đàm.

duy-trung-dsc00007                      duy-duy-tao-_-tho_維      忠        孝        傳         家

                       Duy   Trung   Hiếu   Truyền   Gia

                               尚        勉        思     繼      紹

                         Thượng  Miễn   Tư   Kế   Thiệu

                           

        善       衍    吉       慶         長

 Thiện   Diễn   Cát   Khánh   Trường

                           

                                先      德       有       光         耀

                            Tiên   Đức   Hữu   Quang   Diệu

Các chữ đệm này, với ý nghĩa của chúng, đã được diễn nôm trong bài thơ Bày Hàng dưới đây. Bài thơ này đã được khắc trong tấm bia đá mà chúng tôi đã may mắn chụp hình lại trong chuyến về thăm làng Hương Mặc năm 2005 .

DIỄN NÔM BÀI HÀNG

Nhà ta dòng dõi hiếu trung

Gắng công truyền nối dốc lòng chớ sai

Khéo ăn ở phúc lâu dài

Rõ ràng công đức mọi đời tổ tông

Đàm Duy Tạo

Có nghĩa là họ nhà ta đời nọ truyền cho tới đời kia chỉ có đạo trung hiếu. Ta mong rằng ai cũng nghĩ cách nối dõi cho xứng đáng. Ta phải khóe ăn ở theo đạo ấy thì mới được hưởng phúc lành lâu dài. Các công đức của tổ tiên nhờ đó sẽ được vẻ vang rực rỡ thêm.

 

Giải Thích:

<1>, <4>Hiệu hay Thụy là tên đặt lúc mất rồi để cúng.

<2> Húy là tên chính đặt từ lúc nhỏ.

<3> Truy phong hay truy tặng là chức tước vua Phong cho sau khi chết rồi.

<5> Ấm Thụ là quan hàm phong cho con cháu một quan to.

<6> Tự là tên đặt để gọi thường thay tên húy.

<7> Câu kết luận ấy là: Tố Ngã triều Liệt Thánh chỉ sở vi, “vô” phi Nghiêu Thuấn, Vũ Thang, Văn Vũ chi đạo giả. Nghĩa là: Xét lại các việc của các vua Triều ta làm không việc gì, là không phải đạo của các vua Nghiêu Thuấn, Vũ Thang, Văn Vũ vậy. Vì cụ bỏ sót chữ “Vô”, thành ra nghĩa ngược lại. Khen hóa chê. Đáng lẽ cụ bị tội to, nhưng vì văn hay lắm, nên được miễn nghị.

Trương Minh Ký, Sài Gòn

Ngày 16-6-1974

Đàm Duy Tạo

(* )     https://kimvankieu.wordpress.com/

(**)   http://chimviet.free.fr/truyenky/damphan/caydaloicu/dtpn051.htm

Đàm Trung Phán

Những bài viết .....

VIETNAMESE HISTORY AND CULTURE RESEARCH INSTITUTE

Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hoá Việt Nam - Giấy Phép Hoạt Động C4286523 và EIN84-3284370

Mây Bắc Mỹ

Just for leisure!

Miomie

Drawing - Reading - Writing

Cuộc Sống

Niềm Tin Và Hy Vọng

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Việt Nam

Việt Nam

Kiếm tiền online

Kiếm tiền tại nhà hàng ngày . các cách kiếm tiền free online

Shop Mỹ Phẩm - Nước Hoa

Số 7, Lê Văn Thịnh,Bình Trưng Đông,Quận 2,HCM,Việt Nam.

Công phu Trà Đạo

Trà Đạo là một nghệ thuật đòi hỏi ít nhiều công phu

tranlucsaigon

Trăm năm trong cõi người ta...

Nhạc Nhẽo

Âm thanh.... trong ... Tịch mịch !!!

~~~~ Thơ Thẩn ~~~~

.....Chỗ Vơ Vẩn

Nguyễn Đàm Duy Trung's Blog

Trang Thơ Nguyễn Đàm Duy Trung