Đàm Trung Phán

Những bài viết …..

Monthly Archives: July 2016

ÐỜI ÐI HỌC, ÐỜI ÐI DẬY

 Đàm Trung Phán

Tran Luc Class of 1956

 Thời gian đi học và đi dậy học của tôi đã sấp sỉ nửa thế kỷ Có những lúc như hôm nay (1999), khi bầu trời muà đông Toronto u ám và chấm bài mỏi cả mắt, tôi muốn tìm về cái thời còn đi học và nhất là cái nghịch ngợm của tuổi học trò .

 

Tôi còn nhớ, hồi còn ba, bốn tuổi, tôi rất mê xem đốt pháo vào mấy ngày Tết tại làng quê tôi ở Bắc Ninh. Mê đến nỗi, sau dịp Tết, một hôm tôi bèn nghĩ ra cách đốt pháo bằng lối châm lửa vào mấy ngọn rơm trong bếp, giống như châm ngòi pháo vậy. Kết quả là cả một đống rơm to trong bếp cháy ra khói luôn. Mẹ tôi, mặc dù đang đau yếu, cũng phải cùng gia dình múc nước chữa lửa. Sau khi bị đòn, tôi còn bị mẹ mắng:

 

“Con hư lắm, thôi cho quách cho người Mõ trong làng cho rồi!”

 

Nghe vậy tôi càng khóc to, vì tủi thân hơn là vì bị đánh đau.

Tôi may mắn là có anh trai, anh P., hơn tôi có một tuổi. Hồi trẻ hai đứa giống nhau, nhiều người tưởng là anh em sinh đôi. Hai đứa chơi với nhau như bạn, có khi chí choé, vật nhau luôn! Ở nhà quê có cái thú là đi bắt dế mèn, phải là dế đực cơ. Hai anh em tôi bắt có khi được cả trăm con. Khi thuận hoà thì hai đứa cùng chung dế, khi giận nhau thì chia hai, y hệt như trong việc đổ vỡ của một cặp vợ chồng vậy! Hai anh em tôi cũng rất mê câu cá nhưng cha mẹ không cho, sợ bị ngã xuống ao chết đuối. Không được câu cá thì hai đứa đi câu nhái, câu cóc vậy. Không có tiền mua lưỡi câu, cần câu, hai đứa xin mẹ cái đanh ghim, uốn lại để làm lưỡi câu và sang nhà hàng xóm xin một thân cây trúc làm cần câu rồi xin mẹ thêm ít chỉ. Như vậy là có đủ đồ nghề rồi! Bắt thêm con ruồi đen hay ruồi nhặng nưã rồi đi kiếm nhái, cóc mà câu. Có hôm tôi lôi cả một con cóc to ra mà mổ, tụi tôi chơi trò “ông thầy thuốc tây”. Có lần bị cóc xịt nước vàng vào chân, chân nổi mụn, ngứa muốn chết. Vậy mà có bị đòn chăng nưã, chơi thì vẫn chơi!

 

Một cái thú nưã mà tôi không quên được: thú xem người ta hoạn lợn. Người hoạn lợn mang cái tròng vào chuồng lợn, kiếm con lợn đực, cho tròng vào một chân con lợn rồi lôi ra và… đem hoạn. Một hôm hai đứa kiếm được một cái tròng lợn bằng tre, cất biến đi một nơi. Khi không ai có nhà, hai đưá mở chuồng lợn, đi chân đất vào chuồng (đâu có sợ dơ!) Anh P. đuổi lợn, tôi dứng cầm tròng cho đến khi bắt được một chú lợn, lôi đi xung quanh vườn cho đến khi chân lợn bị trầy da. Kết quả là hai anh em lại bị đòn sau đó!

 

Khi anh em tôi lên 8, lên 9, hai đứa theo cha lên Phúc Yên để di học. Vì chỉ có ba cha con, cha tôi ở trọ cùng nhà với thầy Vinh là hiệu trưởng cuả trường Tề (thuộc phe Tây/Quốc Gia). Ban ngày thì mọi người ở trường, buổi chiều tối phải ra phố ở để tránh Việt Minh. Gia đình thầy Vinh lúc đó chỉ có chị Bích là con gái út, lớn hơn tụi tôi 2, 3 tuổi nên hai anh em tôi lại vẫn chơi với nhau như bạn. Cha tôi thường hay để tiền lương trong cái cặp da. Hai đứa mở cặp lấy đại 50 đồng đưa cho người tùy phái ở trường để uống nước ngọt crème soda và mua thuốc lá đều đều. Một hôm khi hai đứa đã ngủ say, cha tôi kiếm được thuốc lá trong cặp tụi tôi. Hai đứa bị đánh đòn và hỏi tội:

 

– Tại sao hai đưá hút thuốc lá?

 

Tôi nhanh trí, đánh liều trả lời:

 

– Thưa Bố, tại vì cầu tiêu nó hôi quá!

 

Câu trả lời chẳng hợp lý mà cũng chẳng hợp tình, hai đưá lại phải lãnh thêm vài cái roi nữa. Đến mùa vải, khi chim tu hú bắt đầu hót thì học trò cuả cha tôi có khi biếu thầy hàng thúng vải. Hai đưá tụi tôi tha hồ ăn, có khi tôi lên cơn sốt vì ăn vải quá nhiều. Chung quy cũng chỉ vì vắng mẹ mà thôi!

 

phan-phap- xx-Sau năm 1951, cả gia đình tôi được tái ngộ xum họp tại Hà Nội. Riêng tôi thì lại có những nỗi khổ khác. Cha tôi dậy trường nào, anh em tôi phải học trường đó. Các thầy dậy anh em tôi đều là bạn thân của cụ. Anh tôi học giỏi, các thầy rất thương. Tôi ở thế gọng kìm: học dốt thì khổ to khi thầy các đến thăm bố tôi, rồi lại còn phải “cạnh tranh” với anh tôi nữa cho nên tôi đã phải học chăm… bất đắc dĩ.

 

Mỗi tuần cụ thường bắt anh em tôi tập viết chính tả tiếng Pháp (dictée). Thú thật với các bạn, đây là một trong những cái khổ nhất cuả tôi, bây giờ mới dám nói ra. Anh tôi thường không phạm lỗi nào, còn tôi sơ sơ cũng phải 10 lỗi. Tôi biện minh với cụ:

 

– Tại vì anh ấy ra đời trước nên anh ấy giỏi hơn con!

 

Nói vậy chứ tôi vưà thấy tức, vưà thấy tủi, tại sao mình lại thua kém anh như vậy! Rồi tôi còn cái khổ nưã: cụ hay giảng chuyện Kiều, chữ Nho, Liêu Trai Chí Dị, Fables de La Fontaine cho hai đưá nghe. Anh tôi, vì bản chất văn chương nên nghe rất thích

thú. Còn tôi thì, chữ vào tai trái, chữ ra tai phải. Trong đầu còn mải nghĩ đến đánh bi, đánh đáo. Ban đêm cụ thường ngâm thơ Kiều và lâu lâu ngâm nga mấy bài hát Ả Đào, tôi lại phải nghe bất đắc dĩ. Nhiều đêm khuya, khi thức giấc, tôi thấy cha tôi còn ngồi chấm bài. Tôi thầm nghĩ: “Con sẽ không đi ngành dậy như Bố đâu. Con sẽ tránh xa ngành này, lúc nào cũng chỉ thấy sách, vở và chấm bài!” Ngờ đâu giòng đời đưa đẩy. Bây giờ mỗi khi nghe hát Quan Họ, Ả Đào, ngâm thơ Thúy Kiều, tôi thấy có cái gì thân thương, mang tôi trở lại cội nguồn. Và tôi đã đi dậy được 28 năm rồi. Tôi giống cha tôi còn hơn anh tôi nưã. Tôi tiếc là cụ đã qua đời không cho tôi có dịp trao đổi kinh nghiệm, nghề nghiệp, văn hoá Đông và  Tây với cụ. Nhưng không sao, cụ luôn luôn sống trong tôi vì tôi rất yêu cái nghề dậy học này, mặc dù lúc đầu không muốn dính dáng đến nó.

 

Tháng 7 năm 1954 gia đình tôi di cư vào Nam, vưà lúc tôi thi xong bằng Tiểu học tại Hà nội. Mùa thu năm ấy đi thi vào Đệ Thất. Lúc xem bảng, tôi chẳng thấy tên mình đâu.

 

– Thôi chết rồi, trượt vào trường công rồi. Anh P. đã đậu vào Đệ Thất Chu văn An năm ngoái, hồi còn ở ngoài Hà Nội. Biết nói gì với cụ bây giờ?

 

Đầu óc tôi thật hoang mang. Bỗng đâu anh P. reo lên:

 

– Mi ơi, mi đậu rồi này!

 

Anh tôi đưa tay chỉ tên tôi. Trời ơi, tôi đậu thật, thứ hạng khoảng 100 gì đó. Tôi nghĩ thầm:

 

– Thật hú vía!

 

Anh P. rất mừng cho tôi và sau dó, hai anh em đi học trường Trần Lục cho gần nhà. Năm Ðệ Thất tương đối là năm tôi ít “hoạt động” nhất vì vừa vào trung học, chưa quen lề lối nhà trường. Tôi ngồi hàng thứ hai và kết quả học rất khá.

 

Sang đến Đệ Lục, tôi ngồi tụt xuống hàng thứ tư để bắt đầu quấy phá cho dễ hơn .Trong giờ Anh văn, tôi được nghe mấy người bạn kể lại như sau:

 

–  Một học sinh VN mới học tiếng Anh, câu “DID THEY CUT?” hắn đọc theo tiếng Việt là: “Đít dây c…”. Bà mẹ đang ở trong bếp, nghe thấy vậy thì la hoảng lên: “Thì đi rửa đi, cho sạch con!”  Ngoài  ra còn giai thoại chia động từ “TO SING” và “DID I SING?” cũng lại đọc theo tiếng Việt là “Đít ai xinh?”. Bọn con trai trả lời lại: “DID CÔ SING?”

 

Năm Ðệ Ngũ và Ðệ Tứ thì tôi ngồi tụt xuống hàng cuối cùng, được mệnh danh là Xóm Nhà Lá. Tôi còn nhớ mấy ông “hàng xóm” cuả tôi là Trọng, Long, Lộc thường nói với tôi trước khi các thầy gọi tôi lên đọc bài:

 

– Nều thầy, cô mà có gọi tên tao, thì mày cứ nói là nó không có mặt nghe!

 

Mấy người bạn này thường chúi xuống dưới bàn để các thầy, cô không nhìn thấy. Sở dĩ tôi ngồi ở hàng cuối vì các tay yên hùng hay nhờ tôi gà bài cho và nhất là để tôi quấy phá cho dễ. Tôi còn nhớ, có một học sinh trong lớp tôi, vì không thuộc bài, bị thầy hỏi:

 

– Tại sao anh không thuộc bài?

 

Anh ta đáp:

 

– Vì thưa thầy, con mới vào.

 

Ông hàng xóm Long cuả tôi phụ hoạ:

 

– Thưa thầy, mới vào từ …đầu năm ạ!

 

Cả lớp tuy đang sợ thầy hỏi bài cũng phá lên cười.

 

Cũng theo thông lệ, khi vào Ðệ Nhất Chu văn An, tôi và Bùi công Tạo (học cùng với tôi từ Đệ Thất) cũng lại ngồi bàn chót cho vui cưả, vui nhà. Hồi đó trường Chu văn An ở ngay đằng sau trường Petrus Ký và lớp Ðệ Nhất A3 cuả chúng tôi ở ngay cạnh phòng các thầy giám thị. Một hôm trong giờ Vạn vật cuả thầy Nguyễn văn Đỉnh, có hai nữ sinh đi vào phòng Thầy Giám Thị. Cả lớp đều xôn xao. Anh chàng Ngọc, hàng xóm cuả tôi nằm sát gầm bàn, cúi nhìn sang phòng giám thị, qua kẽ hở giữa vách và sàn nhà. Hắn nói:

 

– Tụi mày ơi, đưa tao cái que để tao lấy đôi guốc!

 

Kết quả là ông hàng xóm cuả tôi đã ăn cắp được đôi guốc cuả nữ khách. Thầy Giám Thị, tôi quên mất tên rồi, sang lớp chúng tôi :

 

– Anh nào ăn cắp đôi guốc cuả cô nữ sinh phòng bên cạnh?

 

Một anh thản nhiên trả lời:

 

– Tụi con đang học Vạn Vật trong lớp, có ai sang phòng thầy đâu mà ăn cắp đôi guốc?

 

Giờ chơi hôm đó cả lớp vui cười hớn hở, chỉ ti cho nữ sinh kia phải đi chân đất ra về.

 

Năm Ðệ Nhất, tương đối các học sinh cũng đều lớn rồi, người trẻ nhất cũng đã 17 tuổi, nên giáo sư Trần bích Lan tức nhà thơ Nguyên Sa trong giờ Triết thường đọc thơ cho cả lớp nghe. Chúng tôi được nghe bài “Hôm Nay Nga Buồn Như Con Chó Ốm” và “Áo Nàng Vàng Anh Về Yêu Hoa Cúc”. Chính âm hưởng thơ mới này đã khơi mào cho tôi với những bài thơ tự do mà tôi bắt đầu viết vào thập niên 60 ở Úc và thập niên 90 khi tôi bắt đầu hiểu thế nào là đời và đạo.

 

Thầy Vũ khắc Khoan dậy Sử thường hay đi xích lô đến trường. Tuy dậy Sử, thầy cũng hay nói chuyện văn chương trong lớp. Thi cuối năm môn Sử cuả thầy, có gần 10 đưá tụi tôi được điểm cao nhất là 12/20. Thầy Lưu văn Minh dậy môn Pháp văn, tôi được nhất lớp về bài “Dissertation Littéraire”, tôi rất lấy làm hãnh diện với cha tôi vì thầy quen biết với cụ. Nét chữ cuả thầy Minh rất đẹp và tôi lấy đó làm khuôn mẫu cho nét chữ tôi về sau này sau khi tôi bắt đầu đi dậy. Trước khi tôi di du học, thầy đã đến thăm gia đình tôi và cho tôi một hộp kẹo. Thầy đã để lại cho tôi rất nhiều hình ảnh đẹp, nhất là cách thầy dậy trong lớp. Tôi đã hấp thụ được phong cách cuả thầy và đem áp dụng khi tôi trở thành giáo sư bất đắc dĩ tại Toronto, Canada vào năm 1970.

 

Khi tôi bắt đầu niên khoá 1962 tại đại học New South Wales tại Úc, tôi đã gặp một số đồng môn Chu văn An tại Sydney: các anh Cung Tiến, Trần lương Ngọc, Phạm chí Thành, Phạm ngọc Bích, Phạm đỗ Tuấn, Nguyễn hữu Minh (con thầy Tổng giám thị Nguyễn hữu Lãng), Lưu tiến Hiệp, Nguyễn đăng Thái, Đỗ duy Lâm (biệt hiệu Sheriff), Nguyễn ngọc Truyền, Nguyễn văn Ninh (cùng lớp Ðệ Nhất với tôi tại Chu Văn An)… Vì là lính mới tò te nên năm 1962 Nguyễn hữu Minh và tôi quyết dịnh ở nội trú để tiết kiệm thì giờ.

 

Ở nội trú, mỗi lần ăn cơm chiều, sinh viên phải mặc áo thụng đen (gown), trừ ngày cuối tuần. Minh và tôi mua chung một cái gown, chia phiên đi ăn, đứa ăn sớm, đứa ăn trễ. Khi nào kẹt thì đi mượn mấy đứa bạn Úc. Quy luật cuả College (tiếng Việt là cư xá, tiếng Bắc Mỹ là Residence) là phải mặc veston, thắt cravate trước khi mặc “gown”. Những hôm trời nóng, nhiều người mặc quần short và “gown”, làm tôi nhớ đến ông táo đi hia chẳng mặc quần. Không ai bắt lỗi được họ vì quy luật không nói đến quần ngắn, quần dài!

Những ai mới vào College đều được gọi là “Freshman”, mặc dù đã học năm thứ 2, 3, 4 trong đại học. Minh và tôi thường hay bị các quan “Senior” (“Freshman” phải gọi “Senior” là “Sir”!) sai đi pha trà, mang bánh mì về hầu các “quan”. Ngoài ra các “Freshman” còn phải thay nhau gác điện thoại cho cư xá, từ 6 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Khách gọi vào, sinh viên gác điện thoại phải đi đến phòng kiếm người cho khách nói chuyện. Một hôm tôi đang ăn trưa thì bị một “ngài Senior” gọi ra mắng mỏ:

 

– Hôm qua bạn gái ta gọi vào, tại sao mi lại gọi người khác ra nói chuyện với cô ta?

 

Tôi trả lời:

 

– Dạ thưa ngài, vì tôi nghe mang máng tên giống nhau quá.

 

Ngài “Senior” quát to:

 

– Bộ mi không biết tiếng Anh sao?

 

Tôi đáp lễ:

 

– Dạ thưa tiếng Anh nó có nhiều tên “Mắc” quá!

 

Mới qua chân ướt chân ráo có mấy tháng, cầm điện thoại lên là sợ rồi, còn bắt con nhà người ta nhận phone, tên tôi tiếng Anh phải là Mac Debt (Mắc Nợ) mới đúng! Đã vậy các “quan” senior còn hành bọn freshman chúng tôi hết cỡ nữa. Một hôm các “quan” bịt mắt bọn tôi lại, mang mỗi đứa vào một phòng riêng, bắt há miệng ra và bảo rằng tụi tôi phải nuốt con sâu, nếu không sẽ bị phạt tiếp. Khi mà các “quan” có quyền trong tay, bắt làm gì, chúng tôi phải làm vậy. Ừ, thì nuốt đại cho xong. Nuốt xong, các “quan” mở mắt cho freshman coi, hoá ra tụi tôi nuốt “spaghetti”. Cả bọn rũ ra cười. Đúng là nhất quỷ, nhì ma, thứ ba “Seniors”!

 

Australia- Friends-XX-MM_VOSACamping_1969_36Những muà hè, tôi thường phải đi làm xa, trong các công trường lớn như nhà máy điện, đập nước. Những ngày tháng này tôi học được rất nhiều tiếng chửi thề, tiếng lóng cuả Úc. Dưới ánh nắng chói chan của sa mạc, da tôi đen sậm gần như dân bản xứ. Mỗi lần được dịp về thăm bạn bè VN tại Sydney, mấy người bạn thân gọi tôi là “thằng Mán”. Khi “thằng Mán” về tỉnh là bạn bè tha hồ mà ké vì “thằng Mán” kiếm được thêm tiền khi đi làm xa. Xu hào rủng rỉnh, “thằng Mán”gọi taxi mời ba, bốn ông bạn vàng đi lên “downtown” ăn cơm tầu, xem ciné, hứng thì cho đi xem “striptease”. Chắc vì vậy mà bạn bè mong “thằng Mán” nó về như mong mẹ về chợ chăng?

 

Minh với tôi chỉ ở nội trú có hai năm vì đắt tiền và vì tụi tôi đã quen với đời sống sinh viên rồi. Tụi tôi dọn ra ở “flat” (bên Canada gọi là ở “apartment”) cho tiện việc tổ chức Hội Sinh Viên VN. Có đêm trời nóng vào cuối tuần, sinh viên con trai chỉ mặc quần xà lỏn ngồi đánh bài, bất thình lình có các cô tới thăm. Trong lúc… bối rối, mặc nhầm quần cuả nhau là chuyện thường tình! Tuy cả thành phố Sydney trong đầu thập niên 60 có cả thẩy chừng 20 sinh viên VN nhưng chúng tôi cũng hăng say tổ chức Tết, nhất là phải ra bằng được tờ báo xuân. Chúng tôi chia nhau đánh máy trên tờ “stencil” để quay “ronéo”. Cái “flat” cuả tôi cũng được chọn làm nơi in báo. Ai chưa đến phiên đánh máy thì ngồi đánh bài “Five Hundred” hay “Poker” cho nên cái flat lúc nào cũng có tiếng cười nói ồn ào như cái chợ vậy . Những flat cuả sinh viên VN còn là nơi tá túc cuả các bạn ở xa về thăm Sydney vào những dịp “term break”. Ban đêm, khi bước vào flat, tôi phải rất là thận trọng, đôi lần suýt dẫm lên thân mấy ông bạn vàng đang ngủ lăn ngủ lộn trên sàn nhà.

 

Buổi trưa khi mọi người đã thức giấc, cả bọn rủ nhau đi picnic, ăn cơm tầu, đi chơi bóng chuyền. Tụi tôi đã trở thành sinh viên, không nghịch ngợm như thời trung học nữa, cuộc sống thiên về đầu óc và lý tưởng hơn . Gặp nhau, chúng tôi thường nói chuyện thời sự VN và thế giới.

 

Rồi đời tôi đến chỗ rẽ và có những cái bất ngờ: tôi lập gia đình, sang Canada lập nghiệp và trở thành một nhà giáo hoàn toàn do số phận đưa đẩy. Lúc mới bước chân vào ngành dậy học – ngành Công chánh tại Centennial College – tôi có rất nhiều các bỡ ngỡ: Canada là xứ mới, chưa bao giờ tôi dậy học, học trò to con hơn tôi… Rồi tôi cũng quen đi nhưng những trò nghịch ngợm cuả sinh viên thì rất là khó mà đoán trước được.

StudentsAa_Winter 2002 026

Niên khoá 73-74 sinh viên năm thứ ba cuả ngành Công chánh được quyền sử dụng một lớp học portable hoàn toàn biệt lập với building chính cuả nhà trường. Một nữ giáo sư mới, khi bước chân vào lớp học này, gần té xỉu luôn vì mấy con chuột bạch sinh viên họ nuôi trong lớp, và nhất là các tranh khoả thân cuả Playboy được dán quanh tường, trần nhà và ngay trong cái đồng hồ cuả lớp học. Dĩ nhiên là sau đó nhà trường tảo thanh các vật dụng trên. Sinh viên bèn thả chuột ra sân trường, chuột chui vào dưới sàn cuả lớp học“portable” để làm tổ.

 

Năm 1977 phân khoa kỹ thuật cuả trường được dọn sang một campus mới, xung quanh có con suối rất nên thơ. Năm này, số sinh viên cuả trường Công chánh tự nhiên nhẩy vọt lên và cũng có những trò chơi rất là mới lạ. Tháng 10, 1978 một số sinh

viên Công chánh năm thứ hai rủ nhau đi dự “October Beer Festival”. Sau khi đã “chén chú chén anh”, họ rủ nhau về “mượn tạm” con bò bằng “fiberglass” cuả một hãng chuyên bán sữa . Con bò này to bằng con bò thật, được bắt đanh vít vào cái trụ bê tông, cao 3 mét trên mặt đất. Ấy vậy mà họ đẩy con bò xuống đất rồi khiêng lên xe “pick-up” chở vào trường . Không may bị cảnh sát rượt bắt trong trường. Anh chàng tài xế bị ra toà về tội lái xe khi say rượu và “ăn cắp” con bò. Ông chủ hãng sưã thương tình ra điều kiện với sinh viên:

 

– Các anh mà sửa được những chỗ fiberglass bị vỡ thì tôi không thưa kiện nưã.

 

Sinh viên đến văn phòng tôi năn nỉ:

 

– Thầy ơi, thầy cho tụi em mượn một phần phòng thí nghiệm vật liệu (Materials Laboratory) để sửa con bò nếu không thì nguy to!

 

Tôi trả lời:

 

– “Holy Cow”! Thôi được, cho các anh mượn, đã hết nghịch chưa, các “you”?

 

Sinh viên lớp này còn dành cho tôi những trò chơi đặc biệt khác. Có hôm trong giờ thực tập thử xi-măng, tôi tìm chẳng thấy một đôi găng tay nào, hỏi học trò, họ chỉ lên trần nhà: găng tay đã được bơm thành bong bóng treo lên trần . Cũng có hôm về tới nhà, giở cặp ra để chấm bài, tôi thấy một bàn tay nặn bằng xi-măng được sinh viên tặng lén tôi.

 

Năm 1980, sau giờ nghỉ tôi vào lớp học không tìm thấy cặp đâu, tôi hỏi sinh viên:

 

– Các anh các chị thấy cặp cuả tôi ở đâu, chỉ cho tôi biết!

 

– Thưa thầy, thầy cứ theo cái đường chỉ dẫn bằng giấy toilet thì sẽ tìm ra cái cặp cuả thầy!

 

Hoá ra bọn “nhất quỷ nhì ma” dấu cặp cuả tôi trong phòng vệ sinh đàn bà . Tôi phải nói khéo và nhờ một nữ sinh viên đi lấy cặp dùm trước khi tôi được yên ổn giảng bài tiếp trong lớp.

 

Ngày 1 tháng 4 một năm trong đầu thập niên 80, tôi cho sinh viên thi môn “Nước Uống và Nước Cống” (Water Supply and Sewerage). Trong khi chờ ở ngoài cửa lớp, sinh viên nói với tôi:

 

– Thôi thầy ơi, thầy đừng có vào lớp học hôm nay!

 

Tôi trả lời:

 

– Các “you” “chicken”, sợ thi chứ gì?

 

Sau khi tôi đã phát bài thi và học trò đã bắt đầu viết bài, bỗng nhiên cửa mở và một con khỉ đột bước vào lớp học. Tôi hoảng hồn nhưng rồi tôi thấy con khỉ tay cầm một đĩa cream và khúc khích cười. Con khỉ tiến tới gần tôi và cả lớp bỗng rú ra cười. Tôi định bụng:

 

– Chết rồi, đúng là ngày “April’s Fools”! Kỳ này thì mình chết với con khỉ này!

 

Con khỉ cầm điã cream đuổi theo tôi trong trận cười lăn lộn cuả bọn…”thứ ba học trò”. Vài phút sau mặt mũi tôi đầy cream và con khỉ hí hửng ra khỏi lớp giữa sự vui thú cuả sinh viên đang viết bài thi. Ngày hôm sau, khi gặp người sinh viên đóng vai con khỉ, tôi “hỏi tội” hắn:

 

– Tại sao “you” dám làm như vậy với tôi?

 

Hắn trả lời:

 

– Vì thầy hay nói với tụi em:”No turkey questions, please!” Thoạt đầu em quyên được 30 dollars cuả các sinh viên lớp thầy, định mua con gà tây sống rồi quăng vào lớp tặng thầy. Mua gà không được, em bèn đi thuê bộ đồ Khỉ Ðột này. Mà em thật dại dột thầy ơi, mặc nóng muốn xỉu luôn . Sau khi “thăm” thầy, em sang “thăm” thầy Tom Ransom trong lớp bên cạnh. Em đến vỗ vai thầy Tom, thầy thấy con khỉ, suýt ngất đi.

Em thật là dại dột, thầy ơi. Nếu thầy đó mà xỉu thì em chết mất. Dù sao chăng nữa em còn là Chủ Tịch sinh viên trường Contennial College!

 

Một hôm tôi đi uống cà phê cùng với một giáo sư đồng nghiệp, gặp ba, bốn sinh viên trong hành lang. Bọn họ tươi cười và nói với tôi:

 

– Number one teacher!

 

rồi rũ ra cười. Ông đồng sự bảo tôi:

 

– Anh thấy không, học trò gọi anh là ông thầy số dách đó, thích không?

 

Tôi trả lời:

 

– Ông đừng tưởng bở, chúng đang “chơi” tôi cái trò gì đây!

 

Sau đó cứ khi nào gặp tôi, mấy ông “quáí” này đều giơ tay chào “ông thầy số một” nhưng tôi vẫn chưa biết lý do tại sao họ gọi tôi như vậy. Một đêm sau khi chấm bài xong ở nhà, tôi kiếm cái gì ăn cho đỡ đói, vừa ăn vừa xem TV. Bỗng đâu tôi thấy thám tử Charlie Chan trên màn ảnh và ông gọi con:

 

– “Number two son” ra đây ta bảo!

 

Tôi mỉm cười thú vị:

 

– Hoá ra bọn “quái” gọi mình là Charlie Chan!

 

Sáng hôm sau, khi tôi đang mặc cái áo khoác ngoài để che khí lạnh muà thu và đang đi trong hành lang thì bọn “quỷ” lại tươi cười “chào đón”:

 

–  Good Morning, Number One teacher, Sir!

 

Tôi quay lại:

 

– Các anh để cho thám tử Charlie Chan yên thân, được không?

 

Cả bọn rũ ra cười và nói với tôi:

 

– Thầy biết ý tụi em rồi!

 

phan- Toronto StarTrong đời dậy học tôi còn được nếm mùi nhiều “trò chơi” khác và tôi cũng còn gặp được nhiều khuôn mặt thân thương cuả sinh viên cũng như gia đình họ. Những trò chơi “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, tôi sẽ nhớ suốt đời và tôi thường tự nhủ là:

 

“Đã mang máu nghịch (ngợm) vào thân

Cũng đừng trách lẫn (học) trò gần, (học) trò xa!”

 

Đối với riêng cá nhân tôi, tôi xin cảm ơn Trời Phật đã cho tôi một thời đi học và đi dậy thật là thú vị và phong phú.

 

Đàm Trung Phán

Tháng 12, 1998

(Trích từ  Đặc San  TV-CVA Toronto 1999 )

GIỚI THIỆU SÁCH NGỮ-VỰNG TIẾNG VIỆT CỦA GIÁO SƯ TRẦN NGỌC NINH

Hai lãnh vực cơ bản trong tiến trình thủ đắc một ngoại ngữ là ngữ pháp và ngữ

vựng. Nhưng nếu được hỏi lãnh vực nào hữu dụng hơn khi phải dùng một ngôn

ngữ chưa thông thạo để giao dịch với người bản xứ thì có lẽ chẳng ai chọn ngữ

pháp làm câu trả lời. Đã đành các luật lệ ngữ pháp là cần thiết để viết hay nói thứ

tiếng đó cho chỉnh và làm người bản xứ hiểu ta rõ hơn, nhưng nếu chỉ thuộc lòng

các quy luật ngữ pháp mà lại yếu kém về ngữ vựng thì nỗ lực giao dịch ấy khó

lòng thành tựu được. Thật vậy, câu nói “Bây giờ tôi phải đi nhà thờ” bằng Đức ngữ

(đúng ngữ pháp) là “Jetzt muss ich in die Kirche gehen,” nhưng câu (sai cả ngữ

pháp lẫn chính tả nhưng lại khá về ngữ vựng) “Jetzt ich muss gehen zu der kirche”

cũng có thể làm người dân Đức bản xứ hiểu được, mặc dù họ thấy nó trái tai và

ngây ngô sao đó. Lại cũng có lúc người ta chỉ cần phát ngôn một hai chữ “đắc địa”

cho hoàn cảnh cũng đủ làm cho người bản xứ hiểu mình. Nhớ lại trong dịp thăm

viếng Tây Đức năm 1973, vì mải miết mua quà cho gia đình vào ngày chót chuyến

đi nên tôi quên cả giờ giấc, suýt nữa thì lỡ chuyến bay về nước! Vội vàng leo lên

một taxi, tôi quen miệng nói tiếng Anh với người tài xế yêu cầu ông đưa tôi ra phi

trường, nhưng ông ta có vẻ không hiểu.  Mừng thay, khi tôi chỉ nói lên hai chữ

tiếng Đức rất phổ thông cho “phi trường” và “làm ơn” là “Flughafen, bitte!” thì

ông ta hiểu ngay!

 

“Nhập tâm” ngữ vựng một ngoại ngữ là một thử thách lớn đòi hỏi học trò nhiều cố

gắng kiên cường. Nhưng đền bù lại, khả năng đọc và viết sẽ thăng tiến theo tỷ lệ

  • thuận với số lượng từ ngữ mà họ làm chủ được. Quan yếu như thế mà từ biết bao

đời nay ngữ vựng thường được “dạy” bằng một lề lối cũ kỹ vừa làm học trò chán

nản vừa chẳng mấy thành công. Lề lối lỗi thời ấy khuyến cáo học trò phải cố gắng

học thuộc lòng nghĩa (meanings) cũng như chính tả (spellings) các chữ mới, nhưng

không đả động gì tới thể loại (lexical categories), chức vụ ngữ pháp (syntactical

functions), ngữ cảnh (contexts), cũng như kết hợp từ (collocations) là những đặc

thù tối quan trọng của chúng. Những yếu tố này đáng lý ra thì phải được gây chú ý

trong các thí dụ, các lời giải thích, các định nghĩa cho những chữ mới.

 

Công trình giáo khoa đồ sộ tựa đề Ngữ-Vựng Tiếng Việt (NVTV) của Giáo Sư

Trần Ngọc Ninh vừa được xuất bản năm nay (2016) bởi Viện Việt Học đã mang

đến cho tôi một ngạc nhiên sảng khoái. Triết lý giảng huấn căn cứ trên phát kiến

của khoa ngôn ngữ học đương đại và nội dung phong phú vui tươi được trình bầy

một cách tân kỳ của tác phẩm đã chiếm được thiện cảm của tôi ngay từ những

trang đầu tiên của nó.  Thực vậy, trong ngót nửa thế kỷ chuyên nghiên cứu và

giảng dạy educational linguistics (môn ngữ học dành cho các chương trình đào tạo

giáo chức ngôn ngữ) tại Đại học Saigon và một số Đại học tại Texas, tôi chưa thấy

một tài liệu giáo khoa giảng dạy ngữ vựng tiếng Việt (hay ngữ vựng một ngôn ngữ

nào khác) được soạn thảo và trình bầy một cách khoa học, nhất quán, vui tươi, và

thấm nhuần văn hóa dân tộc như tác phẩm giáo khoa NVTV của Giáo Sư Trần

Ngọc Ninh.

 

Nhận định đầu tiên của tôi về công trình giáo khoa này là thấy tác giả rất uyên bác

của nó đã dựa vào những phát kiến của ngữ học và tâm lý học hiện đại hữu ích cho

lãnh vực giáo dục ngôn ngữ. Quan trọng nhất là phát kiến về sự hiện hữu tiên thiên

(innate existence) của cơ quan ngôn ngữ (language organ) và ngữ pháp hoàn vũ

(universal grammar) trong não bộ loài người, do Noam Chomsky đề xướng vào năm 1965. Cái phát kiến làm sửng sốt học giới một thời của Chomsky đã được

Stephen Krashen khai triển kỹ lưỡng, khoảng hai thập niên sau đó, để thành cốt lõi

cho phương hướng tự nhiên (the natural approach) để giảng dạy ngôn ngữ. Nhấn

mạnh sự khác biệt đáng kể giữa thủ đắc ngôn ngữ (language acquisition) và học

tập ngôn ngữ (language learning) cùng với những đề nghị thực tiễn vui tươi cần

thiết cho mục tiêu “thủ đắc”,  công trình của Krashen đã được tán thưởng và áp

dụng từ đó đến nay. Phát kiến ấy của Chomsky cũng được Ken Goodman dùng làm

kim chỉ nam cho phương hướng ngôn-ngữ-vẹn-toàn (the whole-language

approach) mang lại thành công hàn lâm đáng kể cho Goodman, vào cùng thời gian

với thành tựu của Krashen.

 

NVTV là một tin mừng cho các thầy cô và các em học sinh các lớp Việt ngữ đủ

trình độ, trong hạn tuổi từ 5 đến 15 năm. Công trình giáo khoa giảng dạy ngữ vựng

Việt Nam quý vị đang có trong tay vừa được hoàn tất sau khá nhiều năm khổ công

do lòng nhân ái thúc đẩy – labor of love trong Anh ngữ — của tác giả là một luồng

sinh khí mới đầy hứa hẹn cho nỗ lực giảng dạy tiếng Việt ở hải ngoại, đặc biệt là

tại các quốc gia sử dụng Anh ngữ.

 

Mặc dù tác giả đã khiêm tốn xác định công trình tâm huyết của ông “chỉ là một cái

kho nhặt nhạnh, tồn trữ và sắp xếp, chứ không điển chế  ngôn ngữ hay văn tự”

(trang 2), công trình này đã hiến cho giáo giới chúng ta một kho tài liệu khổng lồ

để giúp phần thăng hoa cách giảng dạy ngữ vựng tiếng Việt cho tuổi trẻ thành một

phương pháp nhân bản hấp dẫn với nhiều tiềm năng thành công rực rỡ.

 

Triết lý giáo dục ngày nay tại Hoa Kỳ nhắc nhở giáo giới rằng vai trò lý tưởng cho

người đi học là vai trò của những thám hiểm gia.  Vì vậy các nhà giáo cũng như

các tài liệu giảng huấn phải cung cấp những phương tiện, những cơ hội tối ưu để

  • thúc đẩy các thám hiểm gia trẻ tuổi tự khám phá thêm ra những điều mới lạ trong

cuộc hành trình học hỏi với nhiều lý thú và hưng phấn. Kinh nghiệm dạy học của

bao thế hệ cũng xác nhận rằng tài liệu giáo huấn chỉ trở thành tuyệt hảo khi nó

tổng hợp được tri thức của các bộ môn khác nhau nhưng cùng chuyên tâm vào một

chủ đề (theme), vì sự hiểu biết phát triển mạnh nhất là khi nó được tiếp cận các kết

nối tri thức (cognitive connections). Vì những lý do vừa kể, một bài học hữu hiệu

mang lại lý thú cho học sinh phải là một đơn vị có chủ đề (thematic unit) được khai

phá từ nhiều khía cạnh như văn học, toán học, khoa học, xã hội học, chính trị học,

nếp sống đa văn hóa trong xã hội ngày nay, vân vân.

 

“Những tâm trí vĩ đại gặp nhau chăng,” tôi tự hỏi, vì những ưu điểm nêu trên hiện

hữu đều đặn trong công trình của tác giả NVTV. Rất nhiều mục từ (mà tác giả gọi

là “từ khóa” hay “key words”) sắp xếp theo thứ tự a/b/c trong sách là những đơn vị

có chủ đề, trong đó các yếu tố văn cảnh, kết hợp từ, từ đồng nghĩa, các câu giải

thích chủ đề qua các lãnh vực tri thức khác nhau, các ca dao tục ngữ, các câu trích

dẫn từ đệ nhất thi phẩm Truyện Kiều và từ các tác phẩm văn chương Việt khác đã

biến các mục từ ấy thành những bài học nho nhỏ với chủ đề hấp dẫn, giảng giải

qua thứ tiếng Việt tự nhiên (natural, authentic Vietnamese). Những bài học nho nhỏ

đó có mục tiêu gia tăng tri thức học trò qua môi giới “thủ đắc” (acquisition) tự

nhiên và lý thú hơn là qua môi giới “học tập” (learning) buồn nản của lề lối cũ.

 

Văn cảnh (contexts, mà tác giả gọi là “đồng văn” trong sách) là những cơ hội thuận

tiện cho “ngữ vựng chưa biết” xuất hiện trong các câu mà học sinh đã hiểu được

gần hết ý nghĩa; trong những hoàn cảnh ngôn ngữ này, các cháu có thể suy đoán ra

ý nghĩa đích thực của ngữ vựng chưa biết ấy. Chẳng hạn, trang 29 có liệt kê từ

khóa ăn ảnh mà ý nghĩa có thể suy đoán dễ dàng (và lại được xác nhận bởi từ Anh

ngữ tương đương viết kế bên là “photogenic”) qua câu thí dụ “Chị Lan ăn ảnh

lắm: ở ngoài, chị cũng đẹp mà chụp ảnh thì hết xẩy.”  Trang 306 có liệt kê từ khóa

kêu (to shout, scream, cry out) được dùng trong bốn ngữ cảnh khác nhau để giúp

học sinh hiểu nghĩa dễ dàng; một trong bốn ngữ cảnh ấy là câu giải thích gọn gàng

“Người ta kêu to tiếng là để cho người khác biết và để ý đến.”

Kết hợp từ (collocations) là những nhóm chữ thường đi với nhau theo một thứ tự

nhất định, như “trời ơi / lớn như thổi / nước đổ lá khoai / chưa đỗ ông nghè đã đe

hàng tổng.” Dùng kết hợp từ thông thạo sẽ giúp chúng ta nói và viết ngôn ngữ

đang học giống như người bản xứ. Vì thế chúng ta cần thuộc chúng để sử dụng

trong những ngữ cảnh phù hợp. Hồi còn là một học sinh trung học, tôi đã bỏ nhiều

thì giờ để nhập tâm những kết hợp của những động từ và tĩnh từ “đi với” các giới

từ trong tiếng Anh như look up to / look down on  / proud of / angry with, và trong

tiếng Pháp như commencer à / dépendre de / fier de / prêt à.

 

Tôi mở cuốn sách ra và lựa “cầu may” được từ khóa khang kiện/healthy và sự

khang kiện/health (trang 316-317) để làm sáng tỏ thêm những nhận định của tôi ở

trên về nó. Từ khóa này là một trong vô số “đơn vị có chủ đề” trong sách. Nó chứa

đựng kiến thức của các lãnh vực khác nhau để có thể trở thành một bài học súc tích

về sức khỏe rất bổ ích và thích thú, giúp cho những “thám hiểm gia” trẻ tuổi gốc

Việt gia tăng  kiến thức tổng quát đồng thời thăng hoa khả năng tiếng mẹ đẻ. Từ

lãnh vực y học và sinh lý học là văn cảnh “Người bình thường, khỏe mạnh được

coi là khang kiện” và văn cảnh “Sự khang kiện là trạng thái (state) dễ chịu (well

being) bình thường về mặt tinh thần và sinh lý của một cá nhân.” Từ lãnh vực văn

hóa là văn cảnh “Cha bảo từ xưa đến nay, khi ta chúc nhau thì hay nói chúng tôi

xin chúc anh chị (ông bà / hai bác) khang kiện (mạnh khỏe / bình an khang cát)”

và văn cảnh “Trong nền văn hóa của ta, đó là những ước mong chân thành có ý

nghĩa nhất.” Và từ lãnh vực khoa học xã hội (social studies) là văn cảnh “Danh từ sự khang kiện được đề nghị để dịch chữ health, và cơ quan WHO (World Health

Organization) được dịch là Tổ Chức Thế Giới về Sự Khang Kiện.  Sau cùng, cũng

đáng kể là các kết hợp từ  phổ thông “từ trước đến nay / xin kính chúc / được đề

nghị / được coi là” đã được dùng trong các ngữ cảnh phù hợp nhất.

Tuy chủ đích là để dạy ngữ vựng, cuốn sách không quên nhấn mạnh mối liên hệ

giữa ngữ vựng và ngữ pháp, khiến tôi nhớ lại phương hướng ngôn-ngữ-vẹn-toàn

(whole-language approach) do Ken Goodman khởi xướng với thành quả thuận lợi,

để giúp học trò tiến bộ, trong cùng  một bài học, bốn khả năng có liên hệ mật thiết

là (1) nghe hiểu (listening comprehension), (2) nói (speaking), (3) đọc (reading), và

(4) viết (writing). Rất nhiều từ khóa trong sách chứa đựng đủ tài liệu để các thầy cô

sẵn sàng dạy học trò cùng một lúc bốn khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt, như

khuyến cáo sư phạm hữu hiệu (đã được thời gian chứng tỏ) của Goodman.

Sau hết, tôi xin ghi nhận thêm rằng ngữ pháp Việt truyền bá trong công trình này

cũng tuyệt đối từ bỏ lối dạy quá lạc hậu là lấy cấu trúc tiếng Pháp làm khuôn mẫu

để “ép” cấu trúc tiếng Việt vào trong đó một cách tức tưởi. Trong thời Pháp thuộc,

một vài cá nhân quá ái mộ văn học Pháp đứng ra làm công việc phi lý này hẳn đã

quên mất rằng trong khi tiếng Pháp thuộc ngữ hệ Ấn-Âu (Indo-European) và là

một ngôn ngữ tổng hợp (synthetic) thì tiếng Việt thuộc ngữ hệ Nam-Á (Austro-

Asiatic) và là một ngôn ngữ phân tích (analytic). Ngữ pháp Việt trong sách NVTV

được giảng dạy qua lăng kính ngữ pháp hoàn vũ (universal grammar) đang được

áp dụng trong nền giáo dục các nước tiền tiến nhất trên thế giới. Ngữ pháp hoàn vũ

là cái lõi chung (common core) cho tất cả tiếng nói loài người, dựa vào các nguyên

lý (principles) và bàng kế (parameters). Các nguyên lý chung (thí dụ như “Câu nào

cũng phải có chủ từ”) thường được thể hiện qua các hình thức khác nhau gọi là

bàng kế (thí dụ như bàng kế “tiếng Pháp bắt buộc câu nào cũng phải có chủ từ rõ rệt” so với bàng kế “tiếng Việt thường cho phép chủ từ vắng mặt hoặc hiểu

ngầm”). Do đó, người nào thông thạo một ngoại ngữ tất nhiên phải hiểu thấu sự

khác biệt giữa bàng kế tiếng mẹ đẻ và bàng kế ngoại ngữ đó. Giáo Sư Trần Ngọc

Ninh đã phát hiện ra nhiều bàng kế đặc trưng (nhưng đôi khi cũng khá rắc rối) của

ngôn ngữ chúng ta. Và ông đã rộng lượng chia xẻ những kiến thức khả tín mới

nhất, nhờ vào đó mà chúng ta sẽ có ngày theo kịp những bước nhảy vọt ngoạn mục

trong nỗ lực tìm hiểu những bàng kế đặc thù của mọi ngôn ngữ thế giới, qua lăng

kính đáng tin cậy nhất của ngữ pháp hoàn vũ đương đại.

Tôi vô cùng hân hạnh và cảm kích được giới thiệu một công trình giáo dục ngôn

ngữ thượng đẳng của Giáo Sư Trần Ngọc Ninh, một học giả kiệt xuất mà tôi đã

ngưỡng mộ từ lâu.

 

Tiến Sĩ Đàm Trung Pháp

Professor of Linguistics Emeritus

Texas Woman’s University

Cố Vấn Viện Việt Học

Đàm Trung Phán

Những bài viết .....

VIETNAMESE HISTORY AND CULTURE RESEARCH INSTITUTE

Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hoá Việt Nam - Giấy Phép Hoạt Động C4286523 và EIN84-3284370

Mây Bắc Mỹ

Just for leisure!

Miomie

Drawing - Reading - Writing

Cuộc Sống

Niềm Tin Và Hy Vọng

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Việt Nam

Việt Nam

Kiếm tiền online

Kiếm tiền tại nhà hàng ngày . các cách kiếm tiền free online

Shop Mỹ Phẩm - Nước Hoa

Số 7, Lê Văn Thịnh,Bình Trưng Đông,Quận 2,HCM,Việt Nam.

Công phu Trà Đạo

Trà Đạo là một nghệ thuật đòi hỏi ít nhiều công phu

tranlucsaigon

Trăm năm trong cõi người ta...

Nhạc Nhẽo

Âm thanh.... trong ... Tịch mịch !!!

~~~~ Thơ Thẩn ~~~~

.....Chỗ Vơ Vẩn

Nguyễn Đàm Duy Trung's Blog

Trang Thơ Nguyễn Đàm Duy Trung