Đàm Trung Phán

Những bài viết …..

Tag Archives: Mùa Thu

MÙA THU CUỘC ĐỜI

 

Đàm Trung Phán

Tôi vừa đi tản bộ về. Hai hôm nay, trời bắt đầu có cái se lạnh của Mùa Thu Băc Mỹ. Trời vẫn còn nắng to nhưng vào đầu Tháng Chín, không còn cái oi bức của Mùa Hè nữa. Mũi tôi bắt đầu thấy ngưa ngứa, khó chịu. Đó là “triệu chứng” của Mùa Thu miền Ontario của Canada. Nhưng tôi lại rất “mê” cái lành lạnh, buồn buồn của Mùa Thu. Nhất là được thảnh thơi đi bộ để đối diện với chính tôi.

 Đã bao năm nay rồi, tôi đã ghiền cái thú đi bộ này. Đi để cho bắp thịt làm việc. Đi để hưởng cái khí trong lành của Thiên Nhiên. Đi để cho đầu óc tạm ngưng những việc suy nghĩ tào lao. Đi để cho Thân và Tâm tôi trở về với nhau.

Sáng hôm qua, khi tôi đang ngồi trước Computer, thì H., bạn tôi gọi điện thoại:

– Ê, mi ra gặp ta tại tiệm Cà Phê, ta đang chờ đây này! Bỏ ngay cái computer đi nghe cha nội, ra ngay đây tán gẫu cho đỡ mất thì giờ! 

Hai đứa tụi tôi hay “hẹn” nhau đi uống cà phê như vậy và rất thân nhau, tuy mới quen nhau 2, 3 năm mà thôi. Chả là H. ngày xưa học cùng trường CVA với tôi, nhưng học sau tôi vài năm. Hắn đã từng dậy Toán tại VN và đã từng vào tù, ra khám tại VN sau năm 75. Giữa thập niên 80, hai cha con vượt biên và trốn thoát sang Canada. Bỏ nghề dậy học và mở tiệm chụp và rửa hình để bảo lãnh cho gia đình qua Canada lập nghiệp. Hắn và tôi có nhiều điểm giống nhau. Ở cái tuổi tóc đã đổi mầu, hai đứa hay kể truyện Đời Đi Học và Đời Đi Dậy cho nhau nghe. Một trong những đề tài lý thú của hắn vẫn là chuyện của các nàng, mà phải là chuyện ngày xửa ngày xưa cơ, chuyện trước khi hắn đi lấy vợ!

Hóa ra là, sau khi đã vào hoàng hôn cuộc đời ở tuổi “Tri Thiên Mệnh”, con người thường hay nghĩ về những truyện ngày xưa. Tôi cũng là một trong những người này, thường hay tán gẫu với bạn bè về những ngày còn mài đũng quần trên ghế nhà trường. Thế mà giờ đây tôi cũng đã sắp được về hưu non.

Tôi đã chuẩn bị cho việc về hưu từ năm 2000. Nào là giúp nhà trường thuê tạm một Giáo Sư, hy vọng là ông này về sau sẽ là người kế vị tôi, để mà tôi cùng dậy và chỉ dẫn những ngóc ngách của những môn mà tôi đã từng dậy. Nào là bắt đầu duyệt qua tất cả các hồ sơ học trò còn sót lại và liên quan tới các môn tôi đã dậy họ. Nào là xem lại các Memos của College, các thư từ của các Công Kỹ nghệ đã viết cho tôi để mà có thể tìm cách trao lại cho người thừa kế của tôi sau khi đã thực sự về hưu. Nào là coi lại tất cả các sách Giáo Khoa mà nhà trường đã mua cho hay do các nhà xuất bản đã biếu để mà “dùng thử”: cuốn nào cho Thư Viện nhà trường, cuốn nào trao lại cho Department, cuốn nào tặng cho các sinh viên đã ra trường, cuốn nào tôi thực sự muốn giừ lại để tra khảo sau khi tôi về hưu. Nào là tôi duyệt lại tất cả các dụng cụ trong phòng Thí Nghiệm Thử Ðất, Ðo Ðường để tôi có thể viết Memo cho Ông Chairperson những dụng cụ nào cần phải đem đi sửa, những thứ nào cần phải mua thêm … Nói tóm lại, trong hai năm qua, tôi cũng khá bận và đôi lúc cảm thấy mình đang lãng đãng đi vào Mùa Thu Cuộc Ðời với nghề nghiệp.

Tôi đã thở phào sau khi nộp xong điểm (Grades) của học trò cho nhà trường sau khi khoá học Mùa Ðông 2002 (Winter Semester) thực sự chấm dứt vào đầu tháng 5, 2002. Tôi khoan khoái nhận thấy là từ nay tôi không còn phải còm lưng ra mà chấm bài đến độ có lúc mắt đỏ ngầu như bị chó dại cắn vì tôi phải đọc quá nhiều “Reports”, các con số của những bài “Assignments” và bài thi trong một thời gian quá ngắn ngủi trước khi chúng tôi phải vào điểm trong hệ thống Computer của nhà trường. Thôi nhé, từ nay xin giã từ cái “hyper feelings” mỗi lần trước khi tôi đi vào lớp học, nào là phải kiểm điểm bài dậy ra sao, các “Assignments” cũ đã chấm xong chưa, các “Assignments” mới đã có sẵn chưa, cái “Lectures” này có theo kịp cái “Schedule” của “Course Outline” không, còn bao lâu nữa thì sinh viên phải thi “Test” hay “Exam”. Xin giã từ vụ lái xe trên xa lộ 401 vào những lúc cao điểm của buổi sáng, buổi chiều. Ðã nhiều lần tôi đã phải lo cuống cuồng là tôi sẽ không vào lớp kịp trước 8 giờ rưỡi sáng, vì bị kẹt xe trên xa lộ và như vậy, học trò sẽ viện cớ trách tôi “Tại vì Thầy đến trễ nên tụi em mới bỏ ra về !”. Cũng xin giã từ những buổi họp nghe Ông Phụ Tá Khoa Trưởng báo tin là “Department” của chúng tôi đã tiêu tiền quá mức của “Budget” mà nhà trường đã cho phép, hậu quả là “Department” “có thể” bị đóng cửa, nghe chẳng vui tai tí nào cả.

Nói tóm lại, bắt đầu từ Mùa Xuân năm nay (2002), tôi cảm thấy con thuyền chuyên chở đời tôi đã thuận buồm suôi gió đưa mình vào bến mơ thực sự của cuộc đời. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng và tránh được khá nhiều vướng bận với “nợ nần đời cơm áo”!

Mùa hè năm nay đã đánh dấu một kỷ nguyên mới cho tôi. Ðầu tháng Sáu, con trai Út của tôi ra ÐạI Học và đã đậu rất cao khi ra trường. Tôi đã mờ lệ khi thấy Út lên lĩnh Huy Chương Vàng trong buổi lễ ra trường. Ðã nhiều năm, khi phải sống xa Út những ngày Út còn học Trung Học, tôi đã hằng cầu xin Trời Phật phù hộ độ trì cho hai con trai của tôi, nhất là Út. Kết quả việc học của Út còn hơn hẳn những điều mà tôi đã mong chờ. Tôi còn có tin vui nữa, chả là trong Muà Ðông năm nay, tôi đã có dịp góp ý cùng con trai lớn của tôi cho ngày đám cưới của hắn vào đầu mùa Thu năm 2002. Ðây cũng là dịp mà cha con tôi nói truyện nhiều hơn với nhau, so với những năm tháng trước, khi cha con tôi mỗi người ở một nơi! Như vậy là chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ thành Ông Nội, được bồng cháu mà chẳng phải nai lưng ra mà nuôi nấng cháu. Hạnh phúc thay!

Cuối tháng Sáu, Bích Nga và tôi được hưởng cả một tuần đi du lịch hoàn toàn vui vẻ và được trở về với những hình ảnh của thuở học trò xa xôi ngày xưa vì cả bọn chúng tôi gồm 15 người cùng bay sang Dominican Republic đi nghỉ hè. Ban ngày, chúng tôi cùng nhau đi tắm biển, chụp hình, nhất là chụp hình hoa Phượng Vĩ, nằm tán dóc dưới hàng dừa trên bãi biển kể cho nhau nghe những kỷ niệm của tuổi học trò. Ban đêm, rủ nhau đi bộ dọc theo bờ biển dưới ánh trăng để nghe sóng biển vỗ vào bờ, đâu đây có vị muối mằn mặn trên môi do gió biển thổi tới. Sao mà giống những ngày còn ở Việt Nam của thời học trò xa xưa quá!

Riêng tôi, trong lúc nghỉ hè, lâu lâu tôi cũng còn vào trường để tiếp tục thu dọn đồ đạc, sách vở, giấy tờ để mang về nhà. Tôi cũng còn phải dự các buổi họp của ủy ban tuyển chọn vị giáo sư kế vị tôi, sau khi tôi thực sự về hưu. Vui buồn sáo trộn.

Mãn hè xong, tôi trở lại trường cùng các Giáo Sư khác, tôi không còn có những cảm giác cồn cào như những năm trước nữa nhưng càng cận ngày, tôi càng cảm thấy nao nao một nỗi buồn. Trong suốt quãng đời dậy học, sách vở đã là người bạn đồng hành của tôi. Bây giờ là lúc tôi thực sự mang sách giáo khoa đi phân phát cho từng nơi như tôi đã hoạch định. Tự nhiên tôi thấy buồn phải xa sách vở, mặc dù tôi biết là tôi phải vui mới đúng. Tôi sẽ nhớ sách vở trong những đêm khuya viết “Lecture Notes” và dở các trang giấy trong lớp học, sẽ nhớ những khuôn mặt thân thương của học trò về sau này. Tôi sẽ nhớ những tiếng cười của học trò và của chính tôi trong lớp. Tôi nhớ những dòng chữ mà tôi đã mà tôi đã hằng viết trên bảng đen trong suốt 32 năm qua.

 Như một động tác tự nhiên, tôi gom lại tất cả 7 cuốn sổ điểm chứa đựng tất cả các tên của sinh viên và điểm của từng bài “Assignment, Report, Test và Exam”. Ðọc tên học trò mà có nhiều trường hợp tôi không thể nhớ được khuôn mặt nữa. Nhưng những trang giấy này của Sổ Ðiểm đã đánh dấu những chặng đường mà tôi đã đi qua. Học trò tôi giờ đây có người đã về hưu, có người đã qua đời, và có người đã làm ăn rất khá giả. Trước mặt tôi, chỉ còn là những “Student Names” và những “Student Numbers”, đánh dấu một thời đã qua, văng vẳng đâu đây là tiếng họ và tôi cười nói trong lớp học, nhất là trong những giờ thực tập!

Tôi cũng cất kỹ cuốn “Album” với nhiều hình ảnh học trò trong những ngày lễ ra trường, trong lớp học, hay trong những lần đi “Field Trip”. Cuốn “Album” này, tôi đã bắt đầu bỏ hình vào từ giữa thập niên 70. Ðây thực sự là một cuốn sổ kỷ niệm, nhưng rất tiếc là tôi không có hình của từng sinh viên mà tôi đã dậy trong những năm qua!

“Hành trang” của tôi mỗi khi vào lớp học là các tờ “Lecture Notes”,  “Transparencies”, “Text Books” , “Manuals” và tôi cũng luôn luôn mang theo phấn đủ mọi mầu, bút mầu, “calculators” , “stapler”… mà tôi chứa trong một cái túi vải đeo lủng lẳng trên vai. Ðã có nhiều lần bọn “nhất quỷ nhì ma” đã thường dấu cái “briefcase” hay cái túi vải này trong giờ ra chơi (break time), mục đích là để “bug” bắt tôi phải năn nỉ hỏi xem họ dấu ở đâu, chọc tôi chơi cho ……đỡ buồn! Cái túi vải này đã luôn luôn đi cạnh tôi, chứng kiến rất nhiều cái vui trong lớp học, cho nên tôi không tài nào “bỏ quên ngưòi bạn vui tính” này được. Tôi đã cẩn thận cất kỹ túi vải với các “dụng cụ hành nghề” vào trong một hộp giấy, cùng với các giấy tờ khác, mang ra xe đem về nhà để làm kỷ niệm.

Bắt đầu từ Tháng Năm, 2002 tôi cũng đã có dịp gặp các giáo sư đồng sự, các nhân viên khác trong trường để chào từng người trước khi tôi thực sự giã biệt. Hầu như tất cả các nhân viên trong trường đều muốn được về hưu non để đưọc đi du lịch đó đây. Một số sinh viên đã gặp riêng tôi và cố gắng thuyết phục tôi:

– Thầy ơi, Thầy ở lại thêm một năm nữa được không? Vì tụi em đang học năm Thứ Hai, sau khi thầy dậy em học xong năm thứ Ba lúc đó tụi em ra trường và Thầy về hưu, thật là “perfect” cho Thầy và tụi em, được không, thưa Thầy?

Nghe học trò nói, tôi thấy bịn rịn, nhưng cũng tự biết là rồi sang năm sau đó, sẽ cũng có học trò đến thương thuyết với tôi như vậy mà thôi!

Tuy có những nỗi buồn nhẹ như tơ trời mấy tháng trước khi về hưu, nhưng trong hai tuần đầu của Tháng Chín năm nay, tôi đã bận bịu sửa soạn đám cưới cho M., con trai đầu lòng của tôi. Thích nhất là tôi được ra phi trường đón họ hàng bên nội của chú rể từ Hoa Kỳ sang dự tiệc cưới. Mỗi một chuyến bay tới phi trường Pearson là một niềm vui cho tôi. Ðại gia đình chúng tôi đã có cái may mắn được đoàn tụ đầy đủ để làm giỗ Ông Bà Nội của Chú rể đêm hôm trước ngày cưới của cháu Bà. Anh chị em và con cháu chúng tôi tha hồ mà ăn nói vui đùa với nhau, thừa biết là tre già thì lại có măng mọc – giống như anh chị em chúng tôi đã là những móc nối còn lại với đời của cha mẹ chúng tôi vậy. Về hưu, có nghĩa là năm nay tôi đã may mắn thấy hai con trai tôi đã hoàn toàn khôn lớn, đã học hành thành tài và thôi nhé, từ đây tôi không còn phải lo về việc học hành cho chúng nữa. Tự nhiên tôi liên tưởng tới Thúy Kiều ngày xưa đã được nước sông Tiền Ðường gột rửa cho kiếp sống ba đào. Tôi cũng thấy tôi đã trút ra được hết những xót xa thương con đến nỗi tôi lo sợ chúng sẽ không nên người được, trong những năm tháng tôi bó buộc phải sống xa con.

Sau tuần đám cưới của M, tôi đã được đi dự buổi tiệc Tiễn Thầy Về Hưu do Hội Ái Hữu Sinh Viên Việt Nam Centennial College tổ chức. Tôi đã có dịp gặp một số anh chị em đã ra trường trong thập niên 80, cũng như rất nhiều các anh chị em cựu sinh viên và sinh viên khác. Tôi đã từng tham dự các sinh hoạt sinh viên của Hội kể từ ngày thành lập Hội vào năm 1985. Tôi đã hứa với anh chị em là tuy tôi về hưu với việc dậy học nhưng sẽ không về hưu với các sinh hoạt của Hội. Tôi thấy thật là vui mừng và vinh dự cho tôi khi thấy chúng tôi còn giữ được tình Thầy Trò Việt Nam ở ngay thành phố Toronto, xa Việt Nam hàng ngàn dặm. Ðây là một món quà tinh thần mà Trời đã ban cho tôi trong lúc xế chiều của cuộc đời.

Tôi luôn luôn thấy Mùa Thu rất là quyến rũ. Tôi mê cái se lạnh, lá Thu đổi mầu, Mùa Tựu Trường và nhất là những giờ thực tập Field Surveying (Ðịa chánh) trong sân trường trong Niên Khóa Mùa Thu. Cuối Thu sang Ðông, tôi thấy ngài ngại. Riêng tôi, Mùa Thu Cuộc Ðời đã chuyển những cái Ðộng của đời tôi sang cái Tĩnh của Nội Tâm. Tôi đã chứng kiến tận mắt tất cả các buồn vui cuộc đời. Trong cái Tĩnh của đời tôi, tôi thấy được đền bù. Tôi liên tưởng rồi đây Bích Nga và tôi sẽ luôn luôn đi với nhau đến tận cuối cuộc đời. Nhẹ nhàng và đẹp như lá Mùa Thu vậy.

Ðàm Trung Phán

Tháng Mười, 2002

Mississauga

Đàm Trung Phán

Những bài viết .....

VIETNAMESE HISTORY AND CULTURE RESEARCH INSTITUTE

Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hoá Việt Nam - Giấy Phép Hoạt Động C4286523 và EIN84-3284370

Mây Bắc Mỹ

Just for leisure!

Miomie

Drawing - Reading - Writing

Cuộc Sống

Niềm Tin Và Hy Vọng

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Việt Nam

Việt Nam

Kiếm tiền online

Kiếm tiền tại nhà hàng ngày . các cách kiếm tiền free online

Shop Mỹ Phẩm - Nước Hoa

Số 7, Lê Văn Thịnh,Bình Trưng Đông,Quận 2,HCM,Việt Nam.

Công phu Trà Đạo

Trà Đạo là một nghệ thuật đòi hỏi ít nhiều công phu

tranlucsaigon

Trăm năm trong cõi người ta...

Nhạc Nhẽo

Âm thanh.... trong ... Tịch mịch !!!

~~~~ Thơ Thẩn ~~~~

.....Chỗ Vơ Vẩn

Nguyễn Đàm Duy Trung's Blog

Trang Thơ Nguyễn Đàm Duy Trung