Đàm Trung Phán

Những bài viết …..

Daily Archives: 18/06/2016

VŨ VÔ KIỀM TỎA NĂNG LƯU KHÁCH *

 

Tiến sĩ Đàm Trung Pháp

Professor of Linguistics Emeritus                                                                               Texas Woman’s University

 

Để đánh dấu thời điểm bước qua tuổi “cổ lai hy” cách đây ít lâu, tôi ngồi đọc lại cuốn Gia Phả Họ Đàm, Hương Mặc, Bắc Ninh với lòng kính cẩn. Cuốn sách  hoàn tất năm 1953 này là kết quả một nỗ lực làm việc nghiêm túc xuyên qua nhiều thế hệ, cho tôi thấy người xưa thiết tha gắn bó với dòng họ và quê quán của mình biết bao nhiêu! Khởi thủy là cuốn Đàm Thị Gia Kê do cụ Quốc sư Đàm Công Hiệu soạn năm 1718 bằng chữ nho, khi cụ làm thượng thư bộ lễ thời Vĩnh Thịnh triều Lê. Gần hai thế kỷ sau, cụ nghè Đàm Liêm mới bổ khuyết và cập nhật cuốn gia phả ấy vào năm 1909, khi cụ làm đốc học tỉnh Thanh Hóa. Năm 1939, để giúp những người không đọc được chữ nho, thứ nam cụ nghè Liêm là ông tuần phủ Đàm Duy Huyên đã dịch cuốn sách sang chữ quốc ngữ. Năm 1953, ông thân sinh của tôi là Đàm Duy Tạo (em thúc bá của ông tuần Huyên) bổ khuyết và san nhuận bản văn. Sau cùng, vào năm 1955, người anh thúc bá Đàm Trung Mộc của tôi đã cho đánh máy cuốn gia phả này để phân phối cho các gia đình trong họ đã di cư vào Nam sau hiệp định Genève 1954.

Tôi hân hạnh được đóng góp đôi chút vào nội dung Đặc San Xuân Nhâm Thìn 2012 của Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California bằng cách thuật lại cuộc đời của một vị thủy tổ của tôi, trong đó có câu chuyện cụ kén rể trong đám môn sinh của cụ tại đất Bắc Ninh, dựa vào cuốn gia phả họ Đàm nêu trên.

Cụ Đàm Thận Huy (1463-1526) là người thông minh, khí khái, làm thơ phú rất tài, ý cao lời đẹp. Vua Lê Thánh Tông đã phải khen cụ, một vì sao sáng trong Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, là “thiên hạ đệ nhất danh thi nhân.”  Cụ đỗ hương cống năm 1486 và tiến sĩ năm 1490. Sau khi làm thượng thư nhiều bộ, năm 1518 cụ được thăng thiếu bảo và mời  giảng sách dạy vua học.

Năm 1522, Mạc Đăng Dung tiếm bức, Vua Chiêu Tông trốn ra Mộng Sơn thuộc tỉnh Sơn Tây để cầu quân cần vương. Cụ Đàm Thận Huy, bấy giờ đã trí sĩ, nhận được huyết chiêu của vua bèn cùng một số người thân tín mộ được hơn sáu ngàn quân dựng cờ khởi nghĩa đánh Mạc. Lúc mới, cụ thắng mấy trận nhỏ. Ít lâu sau, Đăng Dung tiến đại binh, chia làm 6 toán, thay phiên đánh dồn dập luôn mấy ngày. Quân cụ tan vỡ cả, phải lui lên thủ hiểm ở Thọ Thành thuộc tỉnh Bắc Giang. Cuối cùng, cụ từ tạ các bạn nghĩa, giải tán quân sĩ, và viết thư tuyệt mệnh gửi cho con, cháu. Ngày mồng ba tháng tám năm bính tuất (1526), cụ ngoảnh mặt về hướng Lam Sơn khóc lễ rồi uống thuốc độc tự tử, thọ 64 tuổi. Năm sau, Đăng Dung mới cướp hẳn ngôi vua Lê. Vì cảm phục cụ là người trung nghĩa, Đăng Dung cho rước hài cốt về chôn ở quê cụ là làng Hương Mặc, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, và ban sắc phong tước hầu cho cụ. Nhưng sắc phong ấy khi rước về gần đến làng Hương Mặc thì bỗng bùng lửa cháy mất; mọi người kinh hãi, cho là hồn cụ thiêng không thèm nhận sắc phong của nhà Mạc. Năm 1666, Vua Lê Huyền Tông phong cụ là Tiết Nghĩa Đại Vương và lập đền thờ tại làng. Từ đó cụ được gọi là “Cụ Tiết.”

Cụ bà họ Nghiêm, người làng Quan Độ, cách làng Hương Mặc khoảng một cây số. Cụ là em gái của tiến sĩ Nghiêm Ích Khiêm, đồng khoa với cụ Đàm Thận Huy. Khi vinh quy, cụ Khiêm bảo cụ Huy rằng “Ông chưa có vợ, mà cô em tôi hiền lành lắm; ông bằng lòng lấy thì tôi xin gả.” Cụ Huy cười nói “Xin vâng,” thế là cưới ngay. Khi cụ ông khởi nghĩa đánh Mạc, cụ bà cũng đi theo.

Hai cụ được bốn ông con trai và bốn bà con gái. Bà con gái lớn tên là Thúy, lấy ông bảng nhãn Nguyễn Chiêu Huấn, học trò cụ Tiết. Ông Huấn người huyện Yên Phong, làm quan đến chức trung thư. Lúc trước cụ Tiết bà muốn gả bà Thúy cho ông Nguyễn Giản Thanh diện mạo khôi ngô và cũng là cư dân Hương Mặc, nhưng chuyện đó không thành, như giai thoại dưới đây giải thích:

Một hôm, buổi giảng sách đã xong, trời mưa học trò không về được. Cụ Tiết bèn ra câu sau này cho các học trò đối:

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách                                                                        (Mưa không có then khóa mà giữ được khách ở lại)

Ông Thanh ứng khẩu đối rằng:

Sắc bất ba đào dị nịch nhân                                                                                 (Sắc đẹp chẳng có sóng cồn nhưng dễ đắm đuối người)

Ông Huấn thì đối rằng:

Nguyệt tự loan cung bất xạ nhân  

(Mặt trăng giống như cung dương lên mà chẳng bắn ai)

Cụ Tiết cho câu của ông Thanh là hay hơn, nhưng ghét có ý lẳng lơ lãng mạn. Vì cụ thích câu của ông Huấn có ý trung hậu, cụ mới gả bà Thúy cho ông học trò hiền lành này. Đến khoa thi, ông Thanh đỗ trạng nguyên, ăn khao hơn một tháng trời. Thấy cụ Tiết bà hối tiếc mãi, cụ ông bảo rằng “Anh này đỗ trạng nguyên thì anh kia rồi cũng phải đỗ bảng nhãn. Tuy kém hơn, nhưng bụng nó trung hậu, con cháu chắc sẽ khá hơn nhiều.” Sau khoa thi kế tiếp, lúc cụ Tiết đang tắm ngoài ao thì nghe tin con rể Huấn vừa đỗ tiến sĩ. Cụ không kịp mặc quần áo, cứ thế chạy tồng ngồng về nhà để nói lớn với cụ bà rằng “Huấn nó cũng đỗ ông nghè rồi đấy!” Đến khi xướng danh, quả nhiên ông Huấn đỗ bảng nhãn, đúng như lời cụ đoán. Và cũng như lời cụ đoán, về sau con cháu ông bảng nhãn Nguyễn Chiêu Huấn hưng thịnh hơn con cháu ông trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh nhiều.

*Đăng trong Đăc San Xuân Nhâm Thìn 2012                                                                                 của Hội Đồng Hương Bắc Ninh Nam California

Ngày Từ Phụ Nhớ Nghiêm Đường

Đàm Trung Pháp

Father’s Day 1996

 

Nếu còn sống, cha tôi năm nay (1996) vừa tròn 100 tuổi. Từ ngày cụ khuất núi 8 năm nay ở tuổi 92, tôi đã mất đi một nơi nương tựa tình cảm vô bờ. Khi cụ đã gần cửu tuần, sức khỏe sa sút, tôi xin cha tôi một đôi câu đối chữ Hán để treo trong phòng làm việc. Cụ vui vẻ tự mài mực Tầu, cắt hai miếng giấy đỏ dài, miệng lẩm nhẩm những lời sắp viết. Tay trái cầm kính “lúp” và tay phải cụ xoay xoay ngọn bút lông ưng ý nhất. Cụ viết chậm lắm và nét chữ đã run.

 

Qua phong thái một nhà nho nghiêm túc trọn đời, cụ giải thích tận tường ý nghĩa từng chữ, rồi ý nghĩa trọn vẹn cả hai vế câu đối, lấy từ một bài thơ của Trình Hiệu đời nhà Tống, cho tôi nghe. Ý nghĩa đôi câu đối là một lời khuyên nhủ, đặc biệt hơn tất cả biết bao nhiêu lời khuyên khác mà cụ đã dành cho tôi từ tấm bé cho đến lúc ấy tôi đang đi vào lứa tuổi “tri thiên mệnh”:

 

萬物静觀皆自得

Vạn vật tĩnh quan giai tự đắc

 

四時皆興與人同

Tứ thời giai hứng dữ nhân đồng

 

Câu trên có nghĩa “Hãy bình thản quan sát để mà thấy mọi vật đều tự đâu vào đó” và câu dưới có nghĩa “Khắp bốn mùa hãy tìm hứng thú mà giao hảo với đồng loại.” *

 

Đối với tôi, đôi câu đối chữ Hán đó là một lời khuyên thành khẩn nhất của một người cha già dành cho một người con trai mà cụ hết sức yêu thương. Đó cũng là triết lý cuộc đời của chính cụ, một con người can đảm, bình thản, đã chấp nhận cuộc đời mà mệnh trời đã định. Một người đã sinh bất phùng thời để không có cơ may trở thành ông nghè, ông cống. Một người đã hai lần góa vợ để hai lần gà trống nuôi con. Và khổ đau hơn nữa, một người đã phải bỏ mồ mả tổ tiên ngoài Bắc để vào Nam năm 60 tuổi và bỏ cả quê hương sang đất khách năm đã 80!

 

 

o o o o o o o

 

 

* Một vị quen biết ông cụ tôi ở Saigon và về sau trở thành văn hữu thân thiết của tôi tại Texas là Bác sĩ Lê Văn Lân. Ông đã dịch hai câu ấy thực hay và sát nghĩa như sau:

 

Lặng nhìn vạn vật an bài cả

Bốn mùa hứng khoái với nhân gian

Đàm Trung Phán

Những bài viết .....

VIETNAMESE HISTORY AND CULTURE RESEARCH INSTITUTE

Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hoá Việt Nam - Giấy Phép Hoạt Động C4286523 và EIN84-3284370

Mây Bắc Mỹ

Just for leisure!

Miomie

Drawing - Reading - Writing

Cuộc Sống

Niềm Tin Và Hy Vọng

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Việt Nam

Việt Nam

Kiếm tiền online

Kiếm tiền tại nhà hàng ngày . các cách kiếm tiền free online

Shop Mỹ Phẩm - Nước Hoa

Số 7, Lê Văn Thịnh,Bình Trưng Đông,Quận 2,HCM,Việt Nam.

Công phu Trà Đạo

Trà Đạo là một nghệ thuật đòi hỏi ít nhiều công phu

tranlucsaigon

Trăm năm trong cõi người ta...

Nhạc Nhẽo

Âm thanh.... trong ... Tịch mịch !!!

~~~~ Thơ Thẩn ~~~~

.....Chỗ Vơ Vẩn

Nguyễn Đàm Duy Trung's Blog

Trang Thơ Nguyễn Đàm Duy Trung