Đàm Trung Phán

Những bài viết …..

Category Archives: Canada

KHI MÙA XUÂN ĐẾN

 

Đàm Trung Phán

 

Về đây với gió với đồi,

Ngồi dưới nắng ấm, thấy đời tươi vui.

https://photos.google.com/share/AF1QipPvprMeSUPwXj33a7fkOABntIKCoyzgQM9yuwUzWdcMhfG1yoJT_80Jns4UEsTavAkey=STVsenVTa3EzU2h0bVFrbF91Y3NWbnQyWHlwRkdB

(Hoa anh đào Nhật Bản tại Centennial Park, Toronto , May 7, 2018)

Bài viết này đã viết xong năm 2013, nhưng ngay sau đó, người viết phải bận bịu với vụ đi xin đất để xây Tượng Đài Thuyền Nhân tại Mississauga, Canada cho nên quên chưa đưa lên blog.

 

Nay xin trình làng “trễ còn hơn không”, xin Quý Vị thông cảm:

 

Cả hai tháng nay (tháng 5 và 6, 2013), vùng đại đô thị Toronto đang đi vào mùa Xuân. Tạm giã từ cái giá lạnh của mùa đông khắc nghiệt, ai nấy đều chỉ muốn đi ra ngoài trời để hưởng ánh nắng xuân ám áp và để hưởng khí trời trong sạch. Sau nhiều năm sống nơi “đất lạnh tình nồng”, người viết mới hiểu ý nghĩa của danh từ “spring fever” của dân Bắc Mỹ.

Trong những năm còn đi dậy, bắt đầu từ giữa tháng Tư, mỗi lần trời nắng to, thật khó khăn cho nhà giáo chúng tôi có thể giảng bài trong lớp được vì sinh viên chỉ muốn ra khỏi lớp, đi ra ngoài bãi cỏ thấy “frisbee” hay tán gẫu mà thôi. Một số giáo sư dậy các môn nhiệm ý cũng rất “chịu chơi”: mang học trò ra ngồi dưới bóng cây để giảng bài thao thao bất tuyệt. Giáo Già nhà tôi cảm thấy như đang lên cơn “sốt mùa xuân” (spring fever) vậy: còn quá nhiều bài vở cho học trò, mà giảng dậy ngoài trời thì không được vì chúng tôi cần phải có phấn-trắng-bảng- đen để vẽ hình thì học trò mới hiểu được bài giảng. Khi hết giờ giảng dậy, cả thầy lẫn trò đều bỏ ra ngoài trời hết.

 

Trong vòng 3 năm vừa qua, bắt đầu từ ngày 20 tháng 4, bạn bè chúng tôi thường hay theo dõi tin tức trong Internet để biết tình hình nụ hoa anh đào (sakura) trong công viên “High Park” của thành phố Toronto đã sắp ra hoa chưa. Tuy nhiên, khi nào trời nắng xuân ấm áp, một mình tôi tự lái xe thẳng lên High Park để “thăm hoa cho biết sự tình” và hưởng cái thú đi bộ trong công viên và bờ hồ. Mỗi lần đi như vậy, trong thùng xe tôi thường luôn để máy hình và 1, 2 cái bánh khúc do Nội Tướng “trao tay”. Tuy chưa có hoa nhưng vẫn chụp hình để có tài liệu về diễn biến của nụ hoa anh đào.

Hôm mùng 1 tháng 5 năm nay (2013), trời nắng ấm chi lạ, 3 dân về hưu chúng tôi bèn “bỏ nhà ra park ở”. Lúc này hoa anh đào đã bắt đầu nở ít nhiều và tôi tạm “chia tay” với cặp vợ chồng bạn vì người săn hình đang đi lạc vào chốn “đào nguyên”. Đến 5 giờ chiều, một số bạn “son trẻ” (còn đang đi làm ấy mà!) nhập bọn với chúng tôi. Lúc đó, người săn hình đã bắt đầu cảm thấy đau lưng, mỏi chân vì cái vụ “cúi, mống, còm lưng” vì săn hình rồi. Thế là người già ngồi tán gẫu trong khi các vị “trẻ tuổi” bắt đầu đi chụp hình. Gần 8 giờ tối, cả bọn chúng tôi kéo nhau đi ăn phở gần đó. Trời đất quỷ thần ơi, cả bọn ra về mà lòng dạ còn đang nở hoa (hoa anh đào Nhật Bản sakura ấy mà, chứ không phải “hoa phở” Việt Nam đâu).

 

Ngày nọ qua ngày kia, tôi tiếp tục cái thú đi bộ, đi chụp hình ở những nơi khác trong khi Nội Tướng còn mải đi du lịch Âu Châu. Tôi đã “báo cáo với thượng cấp” rằng : “Từ tháng 4 đến cuối tháng 6, xin Bà để cho Ông ở nhà giữ mãi mùa xuân Cà Ná với hoa nở, nhất là Hoa Anh Đào!”

 

Ban đêm còn bận đưa các hình và “video clips” vào máy điện toán để học hỏi từ những lỗi lầm khi chụp hình và quay video clips. Và cũng để xem những nơi nào, những loại hoa nào mà mình quên chưa “túm” được. Đại loại đã thu hình được: Hoa Anh Đào Nhật Bản (Sakura), Hoa Anh Đào Bắc Mỹ (Cherry Blossom), Hoa Cỏ Dại (Dandelion) nở vàng chói trong các thảm cỏ (vì chính quyền địa phương đã không cho dân chúng xit thuốc giết cỏ dại), Magnolia, Hoa Mai Bắc Mỹ (Forsythia), nụ và hoa cây Maple (cây Phong), Peony (Cẩm Chuớng), Tulip, Daffodil, Hoa Dại ….

 

Khi nào trời mưa hay ban đêm, người viết ngồi “edit” hình ảnh, video clips và phân loại chúng thành từng loại để tiện việc tìm kiếm chúng cho dễ mỗi khi ngồi xuống làm video trong tương lai.

 

Rất may mắn cho Giáo Già nhà tôi: một chàng bạn trẻ (đang cặp kê 6 bó) đã mua dùm cho tôi chiếc máy hình Panasonic-Lumix-LX7 rẻ được gần 60%. Đặc điểm của chiếc máy hình này (không phải SLR mà là “Point and shoot”): có thể bỏ túi được, với ống kính f1.4 của Leica. Tôi rung đùi, cười khà khà vì chiếc máy hình này rẻ mạt mà nó còn là một cái máy hình “ban đêm không mắt sáng hơn đèn” nữa. Tôi đã từng thất vọng với những máy hình (camera) khác vì trong lúc quay phim của những dạ tiệc, hình ra tối mò (trừ chiếc Panasonic Camcorder HDC-HS250). Từ lúc “mang nàng LX7 về dinh”, Giáo Già đã tự tạo ra những cảnh thật tối để quay “video clips”, thí dụ như: chui vào trong 1 cái tủ chứa quần áo (closet), để hé chút cửa cho có chút ánh sáng và quay video. Hình ảnh trong tủ cũng không đến nỗi tối mò. Từ ngày có thêm “cô nàng LX7”, Giáo Già nhà tôi lại đâm ra “có thêm một đứa con mọn nữa!”

 

Thế rồi, anh chàng “bạn trẻ tuổi 6 bó” còn cho tôi mượn một thứ đồ chơi mới nữa: máy hình “Fujifilm Finepix 3D” để chụp ảnh và quay Video hình nổi 3 chiều.

 

Tôi đành tạm gác việc viết lách sang một bên và mải mê chụp hình 3D, 2D (Three Dimentional, Two Dimensional) và quay video 3D, 2D bằng chiếc máy hình này. Điểm son của Finepix 3D : có 2 ống kính và khi xem hình ảnh và video clíp, chúng hiện nguyên hình nổi trong không gian 3 chiều. Đầu thập niên 90, sau khi đã trồng lan được hơn 5 năm, tôi đọc được một bài viết của Hội Lan Hoa Kỳ, thấy tác giả viết bài “Làm sao nhìn hoa lan nổi trong không gian 3 chiều” tôi đã ưng ý ngay. Sau khi đã đọc đi đọc lại bài viết, tôi đã thử chụp và xem hình hoa ra sao. Thấy hình hoa nổi bật, rất đẹp và thầm nghĩ: “Ôi chao, giá mà các số báo Playboy có hình “hoa nữ” như vậy, chắc rằng các độc giả đàn ông sẽ lác mắt hết!”

 

Kỹ thuật như sau: để một hoa lan trên bàn, làm một thanh gỗ, vạch một đường bút chì trên thanh gỗ và cắm 2 con vít trên thanh gỗ đó (khoảng cách giữa 2 con vít được tính sẵn dựa theo công thức trong bài viết).

 

Trước khi chụp hình, hoa lan được đặt ở vị trí của cái đỉnh của cái tam giác (hoa lan và 2 con vít). Khoảng cách gữa hoa lan và thanh gỗ, tuỳ theo mình muốn hình hoa to nhỏ ra sao.

 

Chụp hình như sau: để máy hình ngay chỗ đinh vít bên trái, “focus” cho thật rõ rồi chụp. Sau đó mang máy hình sang chỗ đinh vít bên phải rồi chụp (không cần “focus“ nữa). In ra 2 tấm hình này rồi ngồi xem chúng dưới 1 cái máy stereoscope (mà dân Công chánh, Địa chánh dùng trong Ngành Không Ảnh). Sẽ thấy hoa lan nổi bật trong không gian 3 chiều. Xem đã cái con mắt luôn.

 

Trước khi viết những dòng chữ này, tôi đã dùng Finepix 3D để chụp hình, quay video trong không gian 2 chiều và không gian 3 chiều, tiếc rằng không thể cho quý vị xem hình được, quý vị chỉ có thể xem 3D youtube với điều kiện quý vị phải có màn hình 3D.

 

Nói về 3D TV, tôi nhớ lại cách đây gần một tháng, “ông cố vấn Hai Tech” của tôi đã mời vợ chồng chúng tôi đến nhà “để anh chị xem video hình nổi 3 chiều”. Sau khi đã bật TV, bỏ 3D video vào lỗ cắm USB và mỗi người chúng tôi đeo cặp kính 3D (bây giờ phần “HiTech” hiện đại hơn mấy năm trước khá nhiều; không còn có bên mắt xanh, bên mắt đỏ như ngày xưa nữa. Cả hai mắt đều giống nhau và có mầu xanh đen như cái kính mát vậy. Phải ấn nút “On, Off” của kính mới thấy được phần hình nổi. Nhãn quan của “khán giả”có cảm giác như thấy một phần hình lồi ra khỏi màn hình của TV/ Monitor, đồng thời có phần hình thụt vào tít đằng sau của màn hình. Đôi lúc, trong vô thức, đầu tôi tự dưng né vội sang một bên vì lúc đó chiếc xe đua trên màn hình đang sắp sửa đâm vào người tôi.

 

Ngồi xem video 3 chiều làm tôi nhớ lại môn học “Không Ảnh“ (Air photogrammetry) mà chúng tôi đã học trong năm thứ 3 ngành công chánh tại Đại Học New South Wales, Úc Đại Lợi trong thập niên 1960. Qua cái stereoscope (mà tôi đã nói tới), chúng tôi đã nhìn thấy các xa lộ nổi bật trong nhãn quan và chúng tôi còn có thể làm nhiều con toán liên quan đến phần xây cất xa lộ.

 

Nội Tướng than “chóng mày chóng mặt, mỏi hai con mắt”. Riêng tôi, vẫn cứ dán hai con mắt ngồi xem cuốn video nổi 3 chiều “Avatar”

 

“Ông cố vấn Hai Tech“ đang cần “đồng minh cho chiến dịch Hai Tech” bèn cho tôi một cái “link” trên Internet để tôi có thể biết thêm chi tiết về cái TV/Monitor -3TTV, 27 ins của Samsung mà tôi đang muốn mua để thay cho cái “monitor-không-còn-hiện-đại”  nữa. Ngay buổi sáng hôm sau, “người hùng” (chưa đến nỗi khùng), bèn ghé thăm “ông Google trong xóm Google.com“) để tìm đường đi “xem mặt” nàng TV Samsung này. “Người (k)hùng thấy khá ưng ý, mà ưng ý nhất về phần giá cả vì cái Monitor 3DTV-HDTV này đang được bán đại hạ giá tại Canada Computer gần nhà tại hạ. Bèn lái xe tới hiệu để xem tình hình ra sao. May mắn thay, hiệu chỉ còn một cái cuối cùng, bèn chụp liền, đâu có sợ gì, vì mình có thể trả lại trong vòng 2 tuần cơ mà. Cả đêm hôm đó, tò mò, táy máy hoài mà sao máy nó không chạy; “người hùng muốn …khùng luôn!”

Bèn thở dài:

-Thôi chết rồi. Của giả là của ôi, của đầy nồi là của … Made in China!

 

Sáng sớm hôm sau, bèn vác nàng Samsung lại Canada Computer và nhờ dân “Customer Service” thử xem tại sao máy bị trục trặc. Anh chàng này cũng gặp khó khăn. Gần nửa tiếng sau mới tìm ra manh mối và chỉ cho tôi xem một video 3D ngay trên máy đó. Về đến nhà, sau khi lắp máy xong, tôi rung đùi ngồi xem video 3 chiều, nghe nhạc stereo, bèn nở một nụ cười khoan khoái và long trọng mời Nội Tướng ra xem. Sau khi thấy Nội tướng hoan hỉ, bèn tiếp tục ca ngợi cái màn hình mới: nào là nó vừa màn hình PC, vừa là TV 3 chiều (3D) vừa là Smart TV (để cho 2 cháu ngoại vào coi Youtube trực tiếp các video về Donal Duck, Tom and Jerry, vừa là để bà ngoại coi phim bộ tình cảm ướt át với hình ảnh High Definition của Đại Hàn…  Chưa bao giờ thấy mình ăn nói lưu loát như vậy với Nội Tướng. Thưa quý vị đó là pần….”Public Relations” mà tôi đã tự học (self taught) từ lâu rồi, mỗi lần không muốn “Xếp Bề Trên” mè nheo về sau.

 

Thế là người viết lại có một thú mới, đó là thú chụp hình 3D, làm video 3D và ngồi xem video 3D qua cái màn hình Samsung 3D mới ra lò. Ước gì Giáo Già Zìa Hiu có được 30 giờ trong một ngày!

 

Lưng đã mỏi, mắt bắt đầu thấy mờ (vì chưa đi mổ cataract), đường đạp xe về nhà còn xa. Xin hẹn quý vị trong bài tới vẫn trong chủ đề Mùa Xuân sang Hạ với phần “Hai Tếch” mà Giáo Già đang vừa chơi, vừa vật lộn với nó.

 

Đàm Trung Phán

Đầu tháng Bẩy, 2013

Missisauga, Canada

 

 

VẦNG TRĂNG VẰNG VẶC, AN NHIÊN, LẠNH BUỒN

Một đêm đầu tháng 12 năm 2017 khi hai vợ chồng chúng tôi đang ngồi ăn,  nhìn qua balcony về hướng đông,  tôi nhìn thấy ngay vầng trăng 16 to và tròn trong bầu trời rất lạnh với nhiều mây trắng, mây đen bay qua.

Những năm tháng về trước,  tôi cũng đã  từng thấy vầng trăng như vậy nhưng vào mùa hè,  mùa xuân và tôi đã định bụng lấy máy hình ra chụp và quay phim rồi lại bị bận cái nọ cái kia để rồi quên khuấy đi mất.

Kỳ nay,  đang cần ngắm trăng trăng tròn giữa tháng 12 nhất là vào mùa đông dưới bầu trời trong xanh lạnh buồn.  Đúng như cái bối cảnh trong nội tâm của tôi.  Bèn xin phép bà vợ cho ngừng ăn để tôi mang máy hình và cái monopod ra balcony chụp hình, không quên mặc quần áo cho thật ấm.

Vầng trăng ở một vị trí không quá cao, cũng không quá thấp mà lại không bị các nhà cao ốc che mất. Miên man vừa quay phim lại vừa chụp hình cùng một lúc.  Trong khi con mắt nhìn mặt trăng,  tôi thả hồn theo dõi vầng trăng với những đám mây trắng, mây đen đang trôi qua nhiều khi che lấp mất cả mặt trăng.  Tôi liên tưởng đến anh đang đi du lịch nhưng sẽ không bao giờ trở lại. Anh mới ra đi hai hôm trước.  Vợ chồng chúng tôi đã gặp anh và chị qua tình gia đình quen biết,  qua những câu chuyện tâm linh gọi hồn.  Anh luôn luôn vui vẻ và tôi yêu thích nhất cái tính khôi hài của anh.  Anh vừa là một người bạn vong niên anh lại vừa thân thương với tôi như một người anh ruột rất đặc biệt của tôi vậy.

Nhìn mây trắng, mây đen đang bay và che khuất Mặt Trăng,  tôi gửi hồn và chúc anh đang đi du lịch nhưng anh sẽ không bao giờ trở về lại Cõi Trần. Chụp hình cho đến khi mấy ngón tay lạnh cóng, tôi vào ăn tiếp.

Tối hôm đó, bèn kiếm vài bản nhạc liên quan đến Ánh Trăng nhất là để tiễn biệt anh vừa thoát khỏi cõi đời trần tục để trở về với Cõi Thiên Thu An Bình.  Có sinh và có tử.

Xin mời quý vị vào xem YouTube dưới đây:

https://www.youtube.com/watch?v=QbZrd2ftfrw

 

Thân chúc Quý Vị bình an, khỏe mạnh

 

Đàm Trung Phán.

Jan.9, 2018

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2017 & NĂM MỚI 2018 – GÌN VÀNG GIỮ NGỌC CHO TIẾNG VIỆT TRUYỀN THỐNG TẠI HẢI NGOẠI

 

 

 

Thân chúc Quý Vị và thân quyến một Giáng Sinh đầm ấm và một Năm Mới an vui, khỏe mạnh .

 

Xin mời đọc:

 

GÌN VÀNG GIỮ NGỌC

 

 

DIỄN-VĂN CHỦ-ĐỀ CỦA GIÁO-SƯ ĐÀM TRUNG PHÁP  TRONG LỄ KHAI-GIẢNG  KHÓA HUẤN-LUYỆN VÀ TU-NGHIỆP SƯ-PHẠM CÁC TRUNG-TÂM VIỆT-NGỮ NAM CALIFORNIA NGÀY 28-7-2017 TẠI LITTLE SAIGON.

 

Đau lòng phải giã biệt miền Nam khi cộng quân miền Bắc xâm chiếm cuối tháng 4 năm 1975, chúng ta mang theo được gì? Của cải, danh vọng, bà con thân thuộc, bạn bè thì không, nhưng chúng ta mang theo được văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam truyền thống ra hải ngoại với chúng ta. Sau hơn 40 năm tỵ nạn tại hải ngoại, chúng ta vẫn duy trì được văn hóa và ngôn ngữ đáng trân quý ấy. Các truyền thống văn hóa Việt thể hiện qua các lễ lạc như Tết Nguyên Đán, Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, Giỗ Hai Bà Trưng, Tết Trung Thu; các tập tục như quan, hôn, tang, tế, tinh thần tôn sư trọng đạo vẫn được thiết tha duy trì trong các cộng đồng Việt hải ngoại. Và tiếng Việt truyền thống – nơi  lưu giữ cái linh hồn, cái tinh hoa, cái bản sắc, cái tình tự dân tộc thắm thiết của chúng ta – vẫn còn nguyên vẹn.

 

 

Tiếng Việt chúng ta mang theo là thứ tiếng Việt đẹp đẽ, thanh lịch, trong sáng. Đó là thứ tiếng Việt của Truyện Kiều mà học giả Phạm Quỳnh hãnh diện gọi là tiếng ta. Đó cũng là thứ tiếng Việt của Tự Lực Văn Đoàn, của Vũ Hoàng Chương, của Đinh Hùng, của các hệ thống giáo dục, văn học, báo chí, chính trị, kinh tế thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975.

Điều rất đáng lo ngại là ngày nay, trong khi tiếng Việt truyền thống được chúng ta gìn vàng giữ ngọc với niềm tự hào ở hải ngoại, thì ở quê nhà nó đang bị thái hóa trầm trọng để phù hợp với lối sống vô liêm xỉ, thiếu đạo đức, mất hết tự ái dân tộc, gây ra bởi một chế độ phi nhân tàn bạo lấy súng đạn mà áp bức người dân bất hạnh.

Những đồng nghiệp tại trường Đại-Học Sư-Phạm Saigon của tôi bị kẹt lại sau 30-4-1975 kể lại chuyện đau lòng đầu tiên của họ khi “bên thắng cuộc” cho một “cán bộ giáo dục” và đoàn tùy tùng đến “tiếp quản” ngôi trường khả kính đã đào tạo nhiều ngàn giáo sư trung học đầy đủ khả năng và tư cách để phục vụ nền giáo dục nhân bản và khai phóng của Việt Nam Cộng Hòa. Lối xưng hô thô lỗ và cách đối xử kiêu căng hằn học của họ làm các cựu nhân viên giảng huấn (từ giảng viên cho đến giáo sư thực thụ) choáng váng. Tất cả bị gọi bằng “anh” hay “chị” và tất cả bị gọi là “giáo viên”. Vị giáo sư khoa trưởng bị đẩy ra khỏi văn phòng làm việc; câu châm ngôn Lương Sư Hưng Quốc sơn bằng chữ lớn trên bức tường gần cổng trường bị một lớp sơn mới quệt lên trên xóa hết tung tích.

Sau hơn 40 năm thái hóa, tiếng Việt bên quê nhà đã có thêm rất nhiều từ vựng mà chúng ta thấy thật “chướng tai” khi nghe nói và “gai mắt” khi thấy trong sách vở báo chí – với ý nghĩa chẳng trong sáng chút nào như được tuyên truyền. Từ vựng truyền thống đứng đắn chân phương bị thay thế bằng một thứ từ vựng ngô nghê, thô tục, cọc cằn, như  nhà hộ sinh trở thành “xưởng đẻ”; nữ quân nhân trở  thành “lính gái”; lạp xưởng trở thành “con sâu mỡ”.

Một số người thiện chí trong cộng đồng tỵ nạn chúng ta (như hai ông Đào Văn Bình và Trần Văn Giang) đã thu thập được khá nhiều từ vựng quái dị này và cảnh báo đồng hương hải ngoại.   Tác giả Đào Văn Bình đã cho lên Internet cuốn Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời rất hữu ích cho giáo giới chúng ta muốn bảo vệ tiếng Việt truyền thống tinh tuyền tại hải ngoại. Đó là những từ vựng, từ ngữ đã nhiễm độc mà chúng ta phải tránh, không thể truyền bá trong cộng đồng hải ngoại, nhất là trong các lớp dạy tiếng Việt truyền thống từ mẫu giáo cho đến trung học và đại học. Đây là vài từ vựng và câu nói “đổi đời” tiêu biểu tôi tìm thấy trong TĐTVĐĐ : “động vật hoang dã” (dã thú), “lao động nữ” (nữ công nhân), “động não” (suy nghĩ), “vô tư” (thản nhiên), “anh muốn khẩn trương quản lý đời em” (anh muốn cưới em ngay), và “lối chụp hình tự sướng” (cách chụp hình selfie).

Mức nhiễm độc của tiếng Việt đổi đời ngày càng đáng sợ – nó đã tràn sang cả đại tác phẩm Truyện Kiều của dân tộc Việt. Một báo động đỏ thực sự! Truyện Kiều mà học giả Phạm Quỳnh –trong ngày giỗ cụ Nguyễn Du linh đình năm 1924 tại Hà Nội – đã tôn vinh với câu nói trước anh linh tiền nhân rằng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn” đang bị phỉ báng và bức hại tại quê nhà. Khai pháo bởi ông kỹ sư cơ khí Đỗ Minh Xuân khi ông ta phổ biến cuốn sách có một tựa đề ngạo nghễ  “Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng” trong một cuộc hội thảo về Truyện Kiều tổ chức cuối năm 2012 tại khu di tích Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Trong “công trình” ấy, ông đã “sửa” khoảng 1.000 chỗ trong tổng số 3.524 câu thơ Truyện Kiều.

https://kimvankieu.wordpress.com/

     Tại sao ông kỹ sư cơ khí lại làm chuyện động trời như vậy? Đây là lý do tại sao ông quyết định sửa đại tác phẩm của thi hào Nguyễn Du: “Truyện Kiều không còn thịnh như trước, do rào cản điển tích, chữ Hán, từ cổ, từ địa phương – chữ nghĩa Truyện Kiều rườm rà, trùng lặp, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh.” Một công việc quái đản xưa nay chưa thấy như vậy mà lại được “anh hùng lao động” Vũ Khiêu – một học giả từng làm viện trưởng Viện xã hội học – khuyến khích và tán dương, với lời nói quả quyết  rằng sách này “là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều”.

 

Còn nhớ xưa kia, vua Tự Đức rất giỏi văn thơ mà chỉ dám nhuận sắc vài chỗ không đáng kể trong Truyện Kiều rồi cho in nó thành “bản kinh” phổ biến trong dân gian.  Chúng ta cùng xem vài thí dụ về nỗ lực sửa Truyện Kiều  kỳ dị, lệch lạc, ngớ ngẩn, đoán mò, làm tối ý nghĩa của ông Đỗ Minh Xuân [dựa vào bài viết sắc bén có tựa đề “Cười té ghế hay đau thắt lòng với chữ sửa Truyện Kiều” (khuyết danh tác giả) đăng tải trên Đời Sống Pháp Luật Online ngày 28-4-2014]:

  • Lạ gì bỉ sắc tư phong = “Mỗi người thứ có thứ không” [lời văn cục súc, quê mùa].
  • Thời trân thức thức sẵn bày = “Quả ngon thức thức xách tay” [một hành động thanh nhã, cao sang, dịu dàng trở thành một hành vi thô lỗ – như thể cô Kiều hái trái cây nhà mình, bỏ vào giỏ, rồi xách tay sang đưa cho Kim Trọng ăn].
  • Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch tương = “Chưa xong điều nghĩ đã chào vừng dương” [chứng tỏ sự dốt nát, đoán mò, không hiểu mạch tương nghĩa là nước mắtđã dào mạch tương nghĩa là nước mắt đã dào dạt ra].

Theo cái kiểu “sửa chữa” Truyện Kiều như hiện nay ở quê nhà thì chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ không còn Truyện Kiều, dẫn đến chuyện không còn tiếng ta nữa, rồi bước kế tiếp là không còn nước ta nữa! Thi hào Nguyễn  Du và  học giả Phạm Quỳnh nơi cửu tuyền làm sao tránh khỏi  nỗi đoạn trường khi biết đến điều đau đớn này?

Bằng mọi giá, chúng ta phải biết rõ ranh giới giữa tiếng Việt truyền thống và tiếng Việt “đổi đời” tới mức thoái hóa bên quê nhà. Thứ tiếng Việt tồi tệ ấy không thể có chỗ đứng trong các lớp dạy tiếng Việt truyền thống tại hải ngoại ở mọi trình độ.

CỘNG ĐỒNG VNCH DIỄN HÀNH NGÀY LỄ QUỐC KHÁNH CỦA CANADA – JULY 1, 2017 – TORONTO

 

Hôm July 1, 2017 – ngày Quốc Khánh của Canada – theo dự đoán thời tiết thì trời mưa nhưng thật may mắn, trời không mưa mà cũng chẳng nắng to, không lạnh mà cũng chẳng nóng! Riêng đối với Cộng Đồng VN quốc gia thì đây là một cơ hội ngàn vàng: phái nam và phái nữ mặc quốc phục rất là thoải mái. Mà còn có biết bao nhiêu là lá cờ vàng ba sọc đỏ với những cái nón lá dễ thương cội nguồn.

 

Trong các sắc dân tham dự cuộc diễn hành năm thứ 150 nhân ngày Lễ Quốc Khánh của Canada, số người Canada gốc Việt tham dự nhiều nhất. Ông Phó Nhòm cao tuổi chạy theo đoàn người muốn hụt hơi để bấm hình và quay Video không ngừng nghỉ.

 

Kính mời Quý Vị khắp năm châu vào xem hình ảnh rất Việt Nam tại nơi “xứ lạnh, tình nồng”, và Youtube với nhạc đệm Piano trong các trang mạng lưới toàn cầu dưới đây:

(VIETNAMESE CANADIAN COMMUNITY – CANADA’S 150th ANNIVERSARY)

 

http://thuduc-ontario.ca/Folder/canada-150/index.html

( Hình ảnh và Youtubes – Đặng Hoàng Sơn)

 

https://photos.google.com/share/AF1QipMv9q9bYI5syTXh4aHBA4rnAMb8pF0dHAgW8IZg4tKLiyHvPdaa1PQn4cK98_PqXg?key=S2hHWWJzQUNMczJUWWNIaU9LX1g0aEpPNnJqMGJn

( Hinh anh – Trần Thái Lực)

 

https://www.youtube.com/watch?v=TUmIy2gyPIo&feature=youtu.be

(VBSC-Canada 150th Birthday Parade Toronto – Nguyen Tan Hach)

 

https://photos.google.com/share/AF1QipNT9cVXZpfdETLDMALULTv_9LgkHSjKvuahwdWrx_-ksZIHH7dVdoEkiHyVbQ2hLQ?key=M0VBWHJNcGNvcFI4c1UtZ2w5NVBNR21iamVmU1Z3

(Dien hanh mung sinh nhat lan thu 150 cua Canada tai Toronto – July 1st, 2017 – Harry Nguyen)

 

https://photos.google.com/share/AF1QipO8GkipxDe4Jpo7vaTS_5FahFLSBCVs59K8EEAV7aLC3okYsI08AE2qeZY2PQgJHA?key=cWt6RzU3Z2dmTnpRNE14b2dEN0RsXzV5dUh3MHlR

(Vietnamese Community In The Parade of Nations, Celebrating Canada’s 150th Birthday – John Pham )

 

https://photos.google.com/share/AF1QipM4hHRzgIyrEyLdjDfsO0FYwr769qLPHNxQBt4Nh_YyaKiGj-kyn4CBFNsIstD4sQ?key=UWV6dUxQNy1MWTVvcDJ6SGZSVDh2UlJLd1Znb213

(Cựu SVSQ Thủ Đức Ontario.Happy 150th Birthday Canada – Diễn hành tại Mississauga

 

https://www.facebook.com/100010526945532/videos/467678290259732/

(Người Việt diễn hành trong ngày Quốc Khánh Canada 2017- Tuổi Hạc Ontario)

Enjoy!

ĐTP

BẢN TUYÊN CÁO CỦA LIÊN HỘI NGƯỜI VIỆT CANADA

BẢN TUYÊN CÁO

 

Liên Hội Người Việt Canada đại diện 11 hội thành viên trên toàn quốc Canada trân trọng tuyên cáo:

 

XÉT RẰNG:

  • Ngày 26 tháng 3, 2004, bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam ra nghị quyết 36
  • Ngày 5 tháng 4, 2016, thủ tướng chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tức nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam ra nghị quyết 27
  • Hai nghị quyết trên chủ đích/mưu đồ áp đặt thẩm quyền của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đối với người Việt định cư tại hải ngoại
  • Chủ đích/mưu đồ này hoàn toàn vi phạm công pháp quốc tế: mọi người Việt sinh sống tại bất cứ thuộc quốc gia nào, đã trở thành công dân của xứ sở mới đó. Đối với cộng đồng người Canada gốc Việt chúng ta khi được Canada cho hưởng qui chế tị nạn chính trị đều bị liệt vào hạng “vô tổ quốc” , và ngày nay chúng ta là công dân Canada không chấp nhận chế độ cộng sản tại Việt Nam và không phải là kiều dân của chế độ này.
  • Hai nghị quyết trên còn chỉ thị cho các cơ sở ngoại giao của họ tại ngoại quốc xâm nhập, lũng đoạn, khống chế các tổ chức cộng đồng người Canada gốc Việt Quốc Gia
  • Sứ Quán của họ tại Ottawa đã thành lập cái gọi là Hiệp Hội Canada Việt Nam (Canada Vietnam Society-CVS) vào tháng 2, 2016 và chính thức ra mắt vào tháng 4, 2016
  • Hiệp Hội Canada Vietnam (CVS), công cụ của chế độ cộng sản, đã mạo nhận là đại diện cho trên 200,000 người Canada gốc Việt tại Canada.

 

Nửa thế kỷ qua, chế độ cộng sản đã gây bao tang tóc cho người dân Việt tại hai miền qua cuộc cải cách ruộng đất giết hại gần 250,000 người dân vô tội. Khoảng hai triệu (2,000,000) người đã thiệt mạng trong cuộc xâm chiếm miền Nam Việt Nam của cộng sản miền Bắc. Hành Trình Tự Do hay Tháng Tư Đen 30-4-1975 của trên hai triệu người thì khoảng 1⁄4 (nửa triệu) đã bỏ mình không tới được bến bờ tư do. Đó là chưa kể khoảng 150,000 quân, dân chính phục vụ dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa bị chết trong các trại tù “cải tạo” của cộng sản. Tội ác tầy trời đó cộng đồng người Canada gốc Việt cũng như các cộng đồng người Viêt quốc gia khác trên toàn thế giới không thể tha thứ cho chế độ“ác với dân, hèn với giặc”, tham nhũng trên xương máu đồng bào ruôt thịt, Cộng đồng quốc giasẽ siết chặt hàng ngũ không để cho chúng và tay sai tác oai, tác quái, thực hiện ý đồ của chúng tại Canada nói riêng, và hải ngoại nói chung.

TUYÊN CÁO

Cộng đồng người Canada gốc Việt trên toàn quốc Canada chúng ta:

  • Phải sáng suốt nhận định rõ bộ mặt thật của Hiêp Hội Canada-Viêt Nam (Canada Vietnam Society – CVS) chỉ là công cụ của nhà cầm quyền cộng sản tạo ra để mưu toan phá hoại cộng đồng Người Việt Quốc Gia tại Canada.
  • Không gia nhập hay hoạt động trực tiếp hay gián tiếp cho Hiêp Hội này hoặc các cơ sở liên hệ.
  • Các cơ sở thương mại không hợp tác hay tài trợ cho Hiêp Hội và các cơ sở liên hệ.
  • Không tham dự các tổ chức văn nghệ giải trí của cộng sản hay thân cộng dùng các thành phần nghệ/ca sĩ đem từ VN qua trình diễn, trong đó có những cán bộ cộng sản như Thu Phương, Đàm Vĩnh Hưng… Tham gia đông đảo các cuộc biểu tình tẩy chay các buổi trình diễn này
  • Tích cực ủng hộ dự luật chế tài các thành phần tham nhũng S-226 của Thương Viện.
  • Người Việt Quốc Gia tại Canada và các thế hệ kế thừa minh định rằng Hiệp Hội Canada Việt Nam không có tư cách đại diện cho trên 200,000 tập thể người Canada gốc Viêt tại Canada.

 

Làm tại Toronto, Canada ngày 5 tháng 3 năm 2017

Liên Hội Người Việt Canada

Đàm Trung Phán

Những bài viết .....

VIETNAMESE HISTORY AND CULTURE RESEARCH INSTITUTE

Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hoá Việt Nam - Giấy Phép Hoạt Động C4286523 và EIN84-3284370

Mây Bắc Mỹ

Just for leisure!

Miomie

Drawing - Reading - Writing

Cuộc Sống

Niềm Tin Và Hy Vọng

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Việt Nam

Việt Nam

Kiếm tiền online

Kiếm tiền tại nhà hàng ngày . các cách kiếm tiền free online

Shop Mỹ Phẩm - Nước Hoa

Số 7, Lê Văn Thịnh,Bình Trưng Đông,Quận 2,HCM,Việt Nam.

Công phu Trà Đạo

Trà Đạo là một nghệ thuật đòi hỏi ít nhiều công phu

tranlucsaigon

Trăm năm trong cõi người ta...

Nhạc Nhẽo

Âm thanh.... trong ... Tịch mịch !!!

~~~~ Thơ Thẩn ~~~~

.....Chỗ Vơ Vẩn

Nguyễn Đàm Duy Trung's Blog

Trang Thơ Nguyễn Đàm Duy Trung