Đàm Trung Phán

Những bài viết …..

Tag Archives: Tâm Linh

CON TRÂU, CHẶNG ÐƯỜNG VÀ THƠ THIỀN

Đàm Trung Phán

Tôi mới kiếm ra được Bài Thơ “Chăn Trâu” mà những ai đi vào Thiền Ðịnh đã thường thấy hình con trâu “Thập Mục Ngưu Ðồ” sẽ thích đọc để mà suy ngẫm về ý nghĩa thế nào là trạng thái “Con Trâu” ( Tâm của mình ).

trau-zen

“ Thập Mục Ngưu Đồ “

Bài thơ “Con Trâu” gồm có 10 đoạn thơ do Y Sa phóng tác về “ Thập Mục Ngưu Đồ “ (10 tranh chăn trâu) của Thiền; không thấy tựa đề chung, nên tạm đặt là Chăn Trâu . 10 đoạn thơ này dựa vào bản thư họa do chính Y Sa thực hiện.

Tôi xin trích ra đây bài “Chăn Trâu” này với phần chú thích của một độc giả để quý vị thấy rõ nghĩa hơn.

Chăn Trâu

10 bài thơ nói đến 10 công năng tu tập. 10 giai đoạn Hành Thiền để được tĩnh tâm.

1. Tìm trâu

Đêm dài mỏi giấc chiêm bao
Vài con én nhỏ bay vào hư vô
Cuộc đi cuộc ỏ cuộc chờ
Hành nhân hiu hắt lững lờ nguồn cơn.

Người hành giải (tu thiền) bắt đầu muốn thiền là bắt đầu muốn tìm xem tâm mình ỏ đâu. Lúc này chỉ thấy hư vô và tâm thì lững lờ chưa định hướng.

2. Thấy dấu

Người về tìm dấu chân xưa
Chiều nghiêng cỏ dại rừng thưa lá vàng
Người về cuộc mộng vừa tan
Bờ khe lạnh bóng mây ngang lưng đồi.

Sau một thời gian tĩnh tâm thì thấy đươc chút ít, như thấy được dấu chân trâu (thoáng nhận ra tâm mình).
Người này thấy được bờ khe và bóng mây mà khi xưa mình mải lo chuyện khác không thấy.

3. Thấy trâu

Tàn phai mấy độ phai tàn
Ngẩn ngơ cát bụi vỡ tràn chân không
Giật mình ta cuộc trùng phùng
Phút giây hư thực vô cùng thực hư.

Nhận ra được bản chất của mình, thấy được tâm mình là tìm được con trâu (Trâu đây là Tâm mình)

4. Được trâu

Đón đưa nhau chẳng bến bờ
Có không hồ dễ đợi chờ buồn vui
Bước chân đi giữa cuộc đời
Dang tay níu mộng môi cười thơ ngây.

Thiền định rồi sẽ thấy tâm của mình. Mình đã nắm được tâm nên

“Đón đưa nhau chẳng bến bờ”

Coi như đã biết nhìn vào nội tâm, biết mình là ai.

5. Chăn trâu

Có chi thường với chẳng thường
Bước chân như vẫn bên đường chân như
Không phù du – có phù du
Trăm năm vệt khói sương mù những đâu.

Nắm giữ thân tâm làm một. Không còn phân biệt thường hay không thường, phù du hay không phù du. Coi như thành công trong việc hiểu mình và hiểu các pháp quanh mình. Nhìn thấy mọi sự đều giống nhau.

6. Cưỡi trâu về nhà

Ta cùng thả bóng cùng ta
Trời bao xa – đất bao xa dặm này
Sau gì đây – trước gì đây?
Âm thầm núi biếc non mây rộn ràng.

Nắm bắt được thân tâm thì ung dung, tự tại.
Thân và tâm là một không còn phải lo chăn dắt nữa

7. Quên trâu còn người

Gió ngát rừng hương trăng nở hoa
Trời cao lồng lộng mấy yên hà
Một mình ngồi lại bên sông vắng
Mặc khách giang hồ lặng lẽ qua

Không còn phải chú ý đến tâm vì đã kiểm soát được tâm.
Chuyện gì cũng mặc không vướng bận. Thấy mình tự do thong dong.

8. Người-trâu đều quên

Biển xanh qua mấy muôn trùng
Trăng soi hờ hững – thuyền không hững hờ
Gặp nhau là chút tình cờ
Em ra trường mộng bài thơ vô đề.

Thiền định đến lúc thấy mình và tâm không còn nữa.
Không lo đến tâm cũng không lo đến mình

”Em ra trường mộng bài thơ vô đề”.

9. Trở về nguồn cội

Mênh mông bóng núi chân ngày
Vu vơ sóng cả đùa mây giang đầu
Lung linh bóng nhạn qua cầu
Lững lờ con nước một màu xanh xanh.

Trở về với cội nguồn.
Không lo mình, không lo tâm
Mọi sự đêu dễ dàng, nhẹ nhàng như không

10. Thõng tay vào chợ

Bóng vờn trên ngọn tủ sinh
Gậy khua đầu gậy – giật mình thiên thu .

Từ đó hành giả có thể vào chốn đông người, thị phi mà không bị vướng mắc. Không sợ sanh tử. Đã chứng ngộ

Đây là 10 giai đoạn kiểm soát Tâm và hướng đến sự Tự Tại.
Có khi mình đạt đươc. Nhưng sau khi đạt được rồi không có nghĩa là mình như thế mãi mãi . Vẫn phải giữ giới để tâm được yên như vậy.

Nếu mình không giữ giới thì tâm sẽ động lại, coi như con trâu xổng chuồng lại di phá làng, mình lại phải đi tìm trâu như bài thơ thứ nhất.

XXXXX

Ðọc xong 10 đoạn thơ này, tôi xin mạn phép viết ra dưới đây những cảm nhận của cá nhân tôi về cuộc đời trong những chặng đường tôi đã đi qua. Xin tạm gọi bài viết này là

CON TRÂU, CHẶNG ÐƯỜNG VÀ THƠ THIỀN

Tôi cũng đã có “Cái Có” rồi trở thành “Cái Không” của vật chất và tinh thần. Có, Không, Không, Có …Tôi đi tìm một cái gì đó nhẹ nhàng, thanh khiết, an tĩnh ngay trên thế gian này. Tìm mà chưa thấy (hay chẳng bao giờ thấy?) cái mình muốn tìm. Tôi chỉ thấy một nỗi buồn khó tả và rất là “một mình” .

ĐỘC HÀNH

Một mình lặng lẽ
Ngồi nghe Kinh Phật.
Một mình sự thật
Theo ta vào đời.
Một mình sao rơi
Vào trong thế giới.
Một mình vời vợi
Ngóng đợi, ngóng trông.
Một đời lông bông
Ngóng trông chẳng thấy.
Cõi đời ai nấy
Bận rộn, lao đao.
Một mình đi dạo
Mặt đất, chân mây.
Một đời loay hoay
Đi tìm an lạc.

Dã tràng se cát
Lấp đổ biển đông.
Về trong cõi mộng
Ta tìm thấy ta.

Vô Không
September 1994

Tôi đi kiếm cái bình an cho tâm hồn bằng cách ngồi xuống đếm từng hơi thở của Vào Thiền để tập trung tư tưởng rồi nhẹ nhàng tránh được những động loạn trong tâm hồn:

THIỀN

Đêm khuya thanh vắng
Căn phòng im lặng
Ta ngồi ngay ngắn
Trên chiếc gối mềm
Đếm từng hơi thở .

Thế giới văn minh
Mặc cho quay cuồng
Thân ta tĩnh dưỡng
Trong khí thở vào.
Tình cảm rạt rào
Lắng theo hơi thở.
Cuộc đời đổ vỡ
Việc sở, việc nhà
Xin hãy trôi qua.
Hồn ta an tĩnh
Hiện tại là đây
Thở ra, hít vào.

Vô Không
April 1995

Có nhiêu đêm tôi đã không tài nào nhắm mắt mà ngủ được vì đầu óc tôi bị rối bời .
Tôi đã tự đặt rất nhiều câu hỏi “Tại sao?“ cho riêng tôi mà chẳng tự mình trả lời được. Tôi đã bị rằn vặt vì những gì đã xẩy ra cho tôi. Tôi đã bị lôi cuốn vào những “stress” của công việc hàng ngày. Than thở với ai mà làm sao người khác thấu hiểu? Thân xác mệt mỏi rồi tôi chợt ngộ ra là chính tôi đã tự vật lộn với sầu, lo, ai oán … của Tương Lai, Hiện Tại và Quá Khứ của mình:

CHÁNH NIỆM

Dĩ Vãng đã qua mình ta biết,
Tương Lai chưa đến có ai hay?
Hiện Tại bình tâm ta đối diện,
Định Mệnh rồi đây sẽ phô bầy.
Quẳng gánh buồn đi, ta thiền, thở,
Sầu, lo, oán, giận được ích chi!
Hồn ta an trú Kinh, Sách Phật,
Dĩ Vãng, Tương Lai: xin chào mi!

Vô Không
August 1994

Tôi bắt đầu cảm thấy “at ease with myself” và ít hỏi

“Tại sao lại xẩy ra cho tôi như vậy?” nữa

Chắc là tôi bắt đầu “Thấy Trâu” của tôi rồi?

Sau những lần Thiền Ðịnh nửa đêm về sáng, tôi ngủ rất ngon, có lẽ là vì tôi đã chấp nhận là “đời là như vậy” rồi . Tôi đã bình tĩnh “ngồi xem Ciné của cuộc đời mình” qua bài “Thấy Gì”:

THẤY GÌ

Tôi đi giữa giòng đời
Nghe tiếng nhiều người
Nói nói, cười cười.
Hầu như ai ai cũng sống vội?
Sâu thẳm từ đáy nội tâm
Tôi thấy
Trống vắng như một mầu tang.

Tôi lang thang
Trên đại lục trần gian
Để sống với cõi tục.
Tôi đã lớn lên
Sông sáo, nổi trôi
Với kiếp sống con người.
Bỗng chợt thấy trong tôi
Các khía cạnh cuộc đời
Lẫn lộn với cảm nghĩ riêng tư.

Bao nhiêu năm
Tôi đã lăn mình trong xã hội
Và đời sống văn minh máy móc.
Tôi đã cảm-nhận-thấy gì?

Thấy những người
Trần tục như tôi
Lăn mình như những hòn bi
Ít khi thực sự được nghỉ,
Ngày qua ngày vội vã,
Chứa chất đầy tham, sân, si!

Những đêm khuya tạm lãnh cuộc đời
Trong tĩnh lặng
Bằng thiền định hay giấc ngủ nhẹ nhàng,
Tôi thấy mình tôi
Chu du trong vũ trụ,
Bay trong không gian
Giữa các tinh thể
Nhiều sắc, nhiều mầu.
Tôi lơ lửng giữa bầu trời
Với trăng, gió và sao
Gặp cha, thăm mẹ
Và nhiều người đã qua đời
Hoàn toàn trong tĩnh lặng.

Du hành trong vũ trụ
Thật là thoải mái,
Khác xa với đời sống ban ngày!

Rồi buổi sáng thức giấc
Ngày qua ngày
Lại hụp lặn với đời sống quay cuồng
Và ban đêm quay trở về
Với thiền định, tĩnh lặng
Của riêng tôi.

Hoá ra …
Cuộc đời là như vậy!

Vô không
Tháng 11, 1997

Tôi thấy xung quanh tôi thiên hạ còn đang bị luôn cuốn vào những rằn vặt, ràng buộc, giận hờn, buồn phiền … mà ngay chính tôi cũng vẫn thường vướng mắc vào những tham, sân, si, hỷ, nộ, ái …Tôi đã “ghi lại vài dòng nhật ký” trong bài “Thân Tâm” dưới đây, như là một lời tự khuyên, tự cảnh tỉnh:

THÂN TÂM

Lắng tai nghe tiếng thở vào,
Thở ra khoan khoái, rạt rào niềm thương.
Chao ôi, nghiệp chướng, vô thường,
Cớ sao tâm động: buộc, vương chuyện đời?
Sân, si như sợi tơ trời,
Để cho lơ lửng, bận đời làm chi!
Trăm năm đời sống có gì,
Khi thân nằm xuống, hồn đi về nguồn!

Vô Không
June 1999

Một người bạn đã tặng tôi một cái cassette tape “Nhạc Kinh Tây Tạng” và trên xa lộ tới trường nơi tôi dậy, tôi bỏ tape lên nghe. Tôi nghe tiếng sáo, tiếng khánh, tiếng tụng kinh Tây Tạng … Tôi mơ hồ thấy tôi trở về một cõi xa xôi nào đó. Ở nơi này, đời sống không còn có những “stress”, buồn bực, tranh đua, lo nghĩ … nữa mà chỉ thấy một khoảng Không Gian lồng lộng tuyệt vời. Sau khi nghe cuốn băng này nhiều lần, tôi đã ghi xuống những cảm nghĩ thư thái nội tâm trong bài “Nhạc Kinh Tây Tạng” dưới đây:

NHẠC KINH
TÂY TẠNG

Nghe Kinh Tây Tạng
Hồn được trở về
Như một đứa trẻ
Từ lúc nằm nôi
Một cõi xa xôi
Ngồi trong lòng mẹ
Vỗ về âu yếm
Hồn tôi tan biến
Trong tiếng sáo chiều.

Tiếng Kinh đều đều
Hồn vào tâm thức
Nhạc Kinh Tây Tạng
Ru tôi rong chơi
Trong cánh đồng rộng
Với tiếng sáo chiều.

Nghe Kinh Tây Tạng
Tôi thấy gió thổi
Đời tôi thơi thới
Rong chơi biển khơi.

Nghe Kinh Tây Tạng
Trở về đồng hoang
Giã từ gian nan
Còn đâu ràng buộc.

Nhạc Kinh Tây Tạng
Ru tôi nằm yên
Thân này đã chết
Hồn tôi bay bổng
Về chốn bình an
Rời cõi trần gian
Nẻo về bên ấy.

Nghe Kinh Tây Tạng
Văng vẳng bên tai:
“Này này này nẻo về bên ấy,
Mang mang theo cái tâm an lành!”

Nguyễn Đàm Duy Trung
Cuối năm 2000

xxxx

Con Trâu của tôi đang ra đồng hoang để nhai cỏ. Cho dù sau này Con Trâu của tôi có bị Dê, Ngựa, Tuất, Hợi … tới húc hay khiêu chiến nó, Con Trâu này chỉ muốn đứng hóng gió, nhai cỏ, nghe tiếng sáo diều … Cùng lắm, thì Trâu này …sẽ húc lại một phen “giao hữu, thế thủ” mà thôi. Húc xong, Trâu sẽ bỏ đi nơi khác mà dong chơi. Trâu sợ bị “cái chạc buộc nó” lắm rồi.

Kẻ chăn châu sẽ cố gắng trông nom để cho Con Trâu nó sống trong đồng hoang rất là thoải mái mà thôi!

Ðàm Trung Phán
Mississauga
2003

THU VỀ GỢI NHỚ: ÂM DƯƠNG HAI CÕI

THU VỀ GỢI NHỚ: ÂM DƯƠNG HAI CÕI

 

                                    Đàm Trung Phán

Có những hôm như hôm nay, với lá vàng rớt rụng, với gió thu lành lạnh,với bầu trời xám ngắt…tôi nổi hứng ngồi xuống ghi lại đôi dòng cảm nghĩ. Tôi muốn kiếm nơi nào tĩnh lặng để “trở vào bên trong”, để tìm kiếm một cái gì đã làm tôi gợi nhớ một cõi xa xăm nào đó.

Có lẽ biến cố mất mẹ khi tôi còn trẻ đã làm tôi phải suy nghĩ, buồn phiền trong mấy chục năm qua, nhất là những năm khi tôi đang còn học trung học. Rồi cái buồn phiền này lại tái xuất hiện sau khi tôi đang ở tuổi 50. Cũng có lẽ trong lứa tuổi 50, tôi có thể nói rằng đây không phải là nỗi buồn phiền của tôi nữa mà thực ra nó là một động lực để bắt buộc tôi phải suy nghĩ và để tôi tự khám phá ngay từ “phía bên trong” của tôi.

Sau khi mẹ tôi qua đời -hồi còn học trung học – tôi thường nằm mơ thấy mẹ tôi ngồi trên giường bên cạnh tôi và cụ thường hay trò chuyện thăm hỏi tôi. Tỉnh giấc, khi nghĩ lại về giấc mơ, tôi cho rằng vì ba anh em trai chúng tôi sống với ông bố nghiêm khắc nên thân mẫu chúng tôi hay hiện về để an ủi, nhất là tôi trong những giấc mơ đó. Khi lên đại học, ở xa nhà, tôi không mơ thấy mẹ tôi nữa. Có lẽ vì lúc đó tôi phải quá bận rộn với việc học, nhất là đang phải phấn đấu với sự xáo trộn của hai nền văn hóa Á và Âu? Tôi bắt đầu mơ thấy lại mẹ tôi sau khi tôi đã trên 30 tuổi. Năm 1977, trong một giấc mơ, tôi nhìn thấy chị dâu tôi mặc quần áo đại tang – giống như ma vậy – đang đi về phía giường tôi. Tôi rất sợ, nhất là khi thấy chị nói: “Chú há miệng ra!” Giữa lúc hãi hùng đó, tôi chợt thấy hình bóng mẹ tôi đang đứng ngay bên cạnh tôi và cụ nói: “Em nó sợ quá rồi, xin chị đi ra chỗ khác dùm”. Cả đêm hôm đó tôi không ngủ tiếp được. Vài hôm sau tôi nhận được thư của anh cả tôi báo tin là anh chị và đứa con trai út đã vượt biên tới Thái Lan và đang sống tại trại tị nạn Songkhla. Anh tôi báo tin buồn là đứa con trai thứ hai của anh chị đã bị chết chìm trên đường vượt biên.

Đây là câu chuyện hãi hùng đầu tiên của tôi và tôi cảm-nhận-thấy rằng mẹ tôi vẫn thường hay “về thăm tôi” nhất là trong những lúc tôi gặp khó khăn trong cuộc đời.

Sau khi tôi đã trên 40 tuổi, tôi thuê thợ xây lại căn nhà cũ của chúng tôi. Hàng ngày tôi về trông coi toán thợ xây nhà, nhất là nơi bàn thờ để tưởng nhớ các cụ đã qua đời. Nơi này có đầy đủ ánh sáng và khá tĩnh mịch. Tôi thường hay lên nơi đó ngồi chấm bài và suy nghĩ về cuộc đời. Con trai út tôi cũng hay lên nơi đó, ngồi vào lòng tôi và bắt tôi phải cho cu cậu “chấm bài dùm bố”. Đây là những giây phút hạnh phúc của cha con chúng tôi. Tôi cũng thường chỉ cho cháu cách lậy Phật và xá bà nội của cháu.

Năm 1987, một hôm tôi nhìn thấy trên bàn thờ một bóng nến (thắp bằng điện) tự nhiên chập chờn không ngừng. Sau đó, bóng nến thứ hai cũng bắt đầu chớp. Tôi cho rằng chắc chúng sắp hỏng, cho nên tôi ra phố mua bóng đèn mới rồi về nhà thay cả hai cái bóng đèn cũ. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy cả hai bóng đèn đều chớp lia lịa như nhau. Tôi tắt đèn rồi bật lại “contact” điện nhưng cả hai bóng đèn vẫn tiếp tục chập chờn!

Tuần sau đó, tôi nhận được tin thân phụ của anh chị em chúng tôi (lúc đó đã 92 tuổi) đang đau nặng ở bên Dallas, Hoa Kỳ. Tôi bay qua Dallas để vào nhà thương thăm cụ. Thân phụ chúng tôi là một nhà Nho, ít khi biểu lộ tình cảm của cụ lắm (điều này cũng làm ba đứa con út của cụ “khô cằn” khi cụ bất đắc dĩ trở thành “gà trống nuôi con”). Tuy nhiên, sau khi tôi kể chuyện cho cụ nghe về hai cây nến bằng điện tiếp tục chập chờn, tôi thấy nước mắt cụ trào ra: cụ cho tôi biết khi mẹ già chúng tôi (vợ đầu của cụ) mất khi mới 26 tuổi, trong lúc đám ma, hai cây nến đặt bên cạnh quan tài thường hay vụt tắt. Cụ cho rằng đây là điềm gở cho đại gia đình chúng tôi. Chúng tôi lo thu xếp đưa cụ về lại Canada ngay sau đó và vài tháng sau cụ mất tại Montreal. Điều đặc biệt: sau hai tuần, hai cây nến điện không còn chớp nữa và chúng sáng lại như bình thường tại nhà tôi.

Đầu năm 1992, bà ngoại của hai con trai tôi, trong lúc cụ ở với chúng tôi, cụ đã chỉ dẫn cho tôi cách cúng tất niên trước khi sang năm mới. Cụ chỉ cho tôi cách sắp bàn thờ trong phòng ăn thông với phòng khách. Cụ cũng chỉ cho tôi cách khấn vái nữa. Sau khi thắp nến, đốt hương và khấn vái xong, tôi nằm dài trên “sofa” trong phòng khách, ngủ thiếp đi, giấc ngủ rất thoải mái. Trong lúc ngủ, tôi “nhìn thấy” bóng dáng một người đàn bà chít khăn mỏ quạ màu đen đang tiến tới tôi. Tôi không cảm thấy sợ hãi mà còn vui mừng nữa. Rồi tự nhiên tôi tỉnh ngủ và mở mắt. Chỉ tiếc một điều là tôi chưa có dịp để trò chuyện cùng người này được vì trong thân tâm, tôi cho rằng đây là mẹ của tôi đang về thăm tôi! Tôi rất ao ước được có dịp được “hỏi thăm mẹ tôi cho ra lẽ”!

Bà ngoại các cháu còn cho chúng tôi biết rằng cuối năm 1991, sau khi cụ bị té, ngã từ chân cầu thang xuống sàn nhà khi đi lên lầu hai. Cụ rất đau vì bị gẫy xương tay và trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, cụ thấy một bà Việt Nam chít khăn mỏ qụa, nói với cụ: “Bà cụ đã ngã đau lắm rồi, để tôi giúp bà cụ một tay đưa bà cụ lên gác vào phòng mà nằm nghỉ!”

Tôi linh cảm thấy rằng bà ViệtNamnày cũng chính là bà chít khăn mỏ qụạ đang tiến dần tới tôi mà tôi đã mô tả trên kia. Thân mẫu chúng tôi, lúc sinh thời cũng thường hay chít khăn mỏ quạ, nhất là khi còn ở Bắc Ninh trước biến cố 1954 khi gia đình chúng tôi di cư vào Nam.

Khi tôi đã trên 50 tuổi, tôi thực sự đi vào thiền định vào những lúc nửa đêm về sáng để tìm hiểu “thế nào là sống, thế nào là chết”, “ý nghiã của cuộc đời” và cũng để mà cố gắng xoa dịu những nỗi buồn phiền của cuộc đờì. Một người bạn đã giới thiệu tôi với chị C. vì chị vẫn thường hay ngồi thiền hàng ngày với hy vọng là chị ấy có thể chia sẻ với tôi nhiều hiện tượng mà chị ấy đã cảm-nhận-thấy trong những lúc thiền định.

Tôi gọi điện thoại cho chị C. theo lời dặn của anh bạn. Lúc đó tôi 53 tuổi và chị đã trên 65 tuổi. Chị là người miềnNam, gốc làm ruộng và ăn nói rất thật thà. Chị hỏi thăm tôi về gia cảnh và nhất là bố mẹ tôi. Khi chị hỏi tôi về mẹ tôi, tôi cảm thấy thương nhớ bà vô cùng và bỗng dưng tôi hứng đọc cho chị nghe bài thơ

HÌNH BÓNG MẸ TÔI

Mẹ tôi mất khi tôi mới vào Trung Hc. Hơn 30 năm sau, trong ngày cháu gái tôi lấy chồng, tôi thấy khuôn mặt  Mẹ hiện về trên nét mặt cháu vì hai Bà cháu quá giống nhau. Cả đêm hôm đó tôi thức trắng đêm với nước mắt. Tôi viết bài này để tặng người quá cố và các bà Mẹ Việt Nam.

 

Mẹ ơi, Mẹ sống trên trời,

Con tìm bóng Mẹ cả đời người con.

Mẹ con mình thiếu vuông tròn,

Dung nhan Mẹ hiện lên khuôn mặt này.

Mẹ thương con sống đắng cay,

Đôi mắt Mẹ hiện, con nay thấy rồi.

Con thấy làn tóc, làn môi,

Vầng trán, sống mũi, con ngồi ngắm đây.

Trên trời có nắng, có mây,

Thân con, hồn mẹ từ nay xum vầy.

Sau khi tôi đọc bài này xong, giọng chị C. đổi hẳn: một giọng nữ khác, xưng “Mẹ” với tôi và “nói chuyện” với tôi toàn bằng lời thơ. Rất tiếc là bà đọc thơ cho tôi quá nhanh và tôi đang bị “shocked” vì đây là một cuộc nói chuyện giữa “Mẹ và Con”. Tôi chỉ nhớ mang máng như sau: “Đây là mẹ đang nói chuyện với con. Đời con đang khổ cực. Con nên tu hành. Việc tu hành không những tốt cho con mà còn còn tốt cho những người thân của con nữa. Nhớ lời Mẹ dặn nghe con!” Tôi ngồi lắng nghe, nước mắt chảy quanh. Những dằn vặt trong tôi dường như được xoa dịu và tôi cảm thấy đời tôi không còn cô độc như ngày xưa nữa. Tôi đang say mê ngồi lắng nghe “lời mẹ ru”, bỗng nhiên thấy giọng chị C. trở lại bình thường. Tôi hỏi chị C:” Sao chị kỳ vậy? Bỗng dưng, tại sao chị lại đổi giọng như vậy?” Chị trả lời: “Giọng người kia là giọng của Diêu Trì Phật Mẫu đó, đâu phải là giọng của tôi! Cậu rất có phước mới được Diêu Trì Phật Mẫu về nói chuyện với cậu đó!”

Một người bạn già đã giải thích cho tôi biết rằng người Trung Hoa cho rằng Diêu Trì Phật Mẫu là Bà Mẹ của Thế Gian này, tương đương với Đức Mẹ Maria trong Thiên Chúa Giáo và Phật Bà Quan Âm trong Phật Giáo Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi vẫn bán tín, bán nghi cho rằng chính vong linh của mẹ tôi đã “nhập vào” thân xác của chị C. để bà có cơ hội nói chuyện trực tiếp với tôi để dặn dò, an ủi tôi – giống như hồi tôi còn nhỏ dại vậy!

Năm 2004, tình cờ vợ chồng chúng tôi được xem một video tape của người bà con về Việt Nam đi kiếm mộ người thân trong đó có đoạn gọi hồn qua cô đồng Mến tại Hà Nội. Vong linh của một người đã bị Việt Minh giết chết năm 1946 đã “về” nói chuyện với thân nhân qua lời nói của cô đồng. Vong linh cho người nhà biết thân xác đã được chôn tại đâu, và chôn ở độ sâu bao nhiêu mét. Gia đình đã thuê  người đi tìm xương cốt. Trong video có đoạn chiếu Ông Thầy cúng đi tìm mộ: ông ta lấy ra một cái que (giống như một chiếc đũa). Đầu cùn, ông cắm xuống đất, trên đầu nhọn, ông đặt một quả trứng sống. Vị trí đầu tiên, quả trứng rơi xuống đất. Ông cắm cái que vào một vị trí khác rồi lại đặt quả trứng lên. Thử vài lần, cuối cùng thì quả trứng không rơi nữa.

Quả Trứng Đặt Trên Đầu Đũa

Được sự thỏa thuận của Ông Bà Bác Sĩ Thú Y Vũ Trung Thân, tôi xin trích đăng đôi lời giới thiệu của Bác Sĩ Vũ Trung Thân về việc “Gọi Hồn” và đi kiếm mộ của người thân dưới đây:

“Tôi, Vũ Trung Thân hiện đang cư ngụ tại Canada, năm nay 78 tuổi, gốc người Hà Nội, tốt nghiệp ngành Khoa Học Thực Nghiệm ( Bác sĩ Thú Y) tại Pháp. Tôi đã làm việc 10 năm tại Saigon, 25 năm tại Pháp và đã nghỉ hưu từ năm 1998.

Tôi rời Hà Nội ngày 21/7/1954 (1 ngày sau khi hiệp định Genève được ký kết) và đã có dịp trở về thăm Hà Nội vào ngày 15/10/2003, sau hơn 49 năm xa nhà. Hai tháng sau đó, do lời mời của một chú em (con trai của chú  tôi), tôi đã tham dự một buổi ngồi đồng “Gọi Hồn” tại nhà chú em, với ý định là “lật tẩy” những trò bịp bợm của bọn “đồng cô, bóng cậu”. Nhưng những sự việc xẩy ra trong lúc “Gọi Hồn” và sau đó đã làm tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác mà lại rất đúng cho các anh chị em chúng tôi.

Tôi xin xác nhận: tài liệu Video về “Quả Trứng Đứng Trên Đầu Đũa” mà GS Đàm Trung Phán gửi tới Quý Vị là trung thực và đã được áp dụng để tìm mộ của 2 người thân của chúng tôi (Video này là do gia đình chúng tôi tự quay lấy):

1. Ngôi mộ của cụ Bà Tổ Cô (5 đời) nhũ danh HTC an táng tại thôn Ngọc Tân, xã Trần Hưng Đạo, huyện Chí Linh, Hải Dương. Cụ sinh năm 1836 và mất năm 1890.

2. Ngôi mộ của một người chú (Ông ĐQC, sinh viên Quốc Dân Đảng, trường Lục-Quân Trần Quốc Tuấn, tử trận ngày 12/5/1946 tại Đồi Thông, Yên Bái trong một trận phục kích của bộ đội Việt Minh (Chuyện này đã được cố Đại Tá Phạm văn Liễu kể lại trong cuốn “Trả Ta Sông Núi”)

Đi tìm mộ người thân gồm có hai giai đoạn: chúng tôi bắt đầu bằng những buổi ngồi đồng “Gọi Hồn” tại Hà Nội để được biết những vong linh nào muốn chúng tôi đi kiếm mộ, dời mộ …qua lời nói của cô đồng Mến. Sau đó, chúng tôi bắt đầu đi kiếm mộ với sự hỗ trợ của Thầy Truyền. Nếu Thầy Truyền tìm đúng vị trí của ngôi mộ với đúng xương cốt của thân nhân chúng tôi (với đúng ngày sinh, tháng đẻ và tên tuổi) trong lòng đất, ông thầy bắt đầu đặt quả trứng sống trên đầu một cái đũa nhọn được cắm thẳng đứng trên mặt đất. Nếu đúng vị trí, quả trứng sẽ nằm yên, không hề bị rơi xuống. Không đúng chỗ, quả trứng sẽ không bao giờ nằm trên đầu đũa nhọn.

Xin Quý Vị vào xem Video dưới đây do GS Đàm Trung Phán đưa lên Youtube:

http://www.youtube.com/watch?v=xioFVpmr8HU
(Tìm hài cốt của thân nhân tại Miền Bắc Việt Nam)

Chúng tôi đã thực sự tìm được hài cốt của 9 thân nhân trong trong 5 năm liền: 2003, 2004, 2005, 2006, 2007. “

Đào đất lên, gia đình đã tìm được xương cốt của người quá cố và đem chôn cất cẩn thận tại một nơi khác. Sau đó, gia đình lại gọi hồn qua cô đồng Mến và vong linh đã cho biết tất cả xương cốt đã được tìm thấy, chôn cất chu đáo và vong linh rất vui mừng đã được “có nhà mới khang trang hơn”!

Vợ chồng chúng tôi bắt đầu tin có thế giới bên kia và cũng muốn “thử thời vận” với vụ gọi hồn để chính mình thấy tận mắt những gì mà chúng tôi đang muốn tìm tòi.

Vợ chồng chúng tôi đã về ViệtNamvà mời cô đồng Mến lên Hà Nội để gọi hồn cho gia đình bên nội, bên ngoại của vợ chồng chúng tôi vào ngày 19/12/2005. Tôi đã tường thuật các chi tiết trong website dưới đây:

http://chimviet.free.fr/truyenky/damphan/caydaloicu/dtpn051.htm

(Cây Đa Lối Cũ, Gọi Hồn Người Xưa)

Xem Video :MỘT TRÍCH ÐOẠN VỀ GỌI HỒN

Và tôi cũng đã tìm hiểu về linh  hồn, vong linh qua khía cạnh của người Tây Phương. Xin mời quí vị vào đọc “Quan niệm Tây Phương về Tâm Linh trong Khoa Cận Tâm Lý Học”  trong “Blog” của Đàm Trung Phán.

https://damtrungphan.wordpress.com/

Thú thực rằng ngày xưa, tôi không tin rằng có thế giới bên kia nhưng sau khi chính bản thân tôi được chứng kiến, được cảm-nhận-thấy có một cái gì huyền bí của thế-giới-không vật chất (non-physical world), tôi dễ dàng cảm nhận hơn và tôi bắt đầu tin rằng có linh hồn và có thế giới bên kia. Cuộc tìm hiểu về thế giới bên kia của tôi sẽ còn theo tôi cho tới khi cái “thân tứ đại” của tôi nó “chết” thì tôi mới thôi tìm kiếm.

Đàm Trung Phán

Giáo sư Công Chánh Hồi Hưu

Mùa Thu Gợi Nhớ

Canada

Nov. 2011

QUAN NIỆM TÂY PHƯƠNG VỀ TÂM LINH TRONG KHOA CẬN TÂM-LÝ-HỌC Phần 3

Phần 3
Vong Hồn và Thế Giới Bên Kia.

2.0: GỌI HỒN, MA ÁM, HỒN MA XUẤT HIỆN, TÁI SINH, XUẤT HỒN, CHẾT ÐI RỒI SỐNG LẠI

Trong Phần 2, người viết đã đề cập đến những khả năng đặc biệt của tâm trí: Thần giao cách cảm (telepathy), nhìn thấy qua trí óc chứ không phải nhìn thấy qua đôi mắt trần gian (clairvoyance), nằm mơ thấy trước khi sự việc xẩy ra (precognition), thần lực của trí óc (psychokines), chữa bệnh bằng thần lực (psychic healing), bùa chú / phù thủy (black magic, sorcery). Trong bài viết Phần 3 này, tôi muốn đề cập đến đề tài liên quan tới Linh Hồn/Vong Hồn qua những tiết mục dưới đây:
• Giao tiếp với vong linh (Mediumship)
• Ma ám (Possession)
• Ma hiện hình (Apparition)
• Tái sinh (Reincarnation)
• Xuất hồn (Out- of – body experiences, OBE)
• Kinh nghiệm cận tử (Near-death experiences, NDE)

2.1 MEDIUMSHIP (GIAO TIẾP VỚI VONG LINH)

Nhà ngoại cảm (medium) có khả năng giao tiếp (contact) với vong hồn/vong linh của người chết (the dead), với các vị tiên (angels), với ma quỷ (demons). Nhà ngoại cảm đóng vai trò trung gian: chuyển lời đối thoại của các vong linh / vong hồn tới người trần tục mà phần lớn không có khả năng tâm linh giao tiếp được với thế giới bên kia.
Nhà ngoại cảm có thể nghe, chuyển lời nhắn, chuyển lời nói chuyện trực tiếp của các vong linh tới người trần gian. Nhà ngoại cảm cũng có thể cho vong linh “nhập hồn” (trance) để nói chuyện với người trần gian (sitters). Ðặc biệt là Cô Ðồng/ Ông Ðồng không biết vong hinh nói những gì. Nhà ngoại cảm đôi khi phải dùng dụng cụ để viết ra những gì mà vong linh muốn viết (psychography, automatic writing).
Có 2 thể loại “mediumship”:
• Thể loại liên quan tới phần trí óc, miệng lưỡi (mental mediumship).
• Thể loại liên quan tới phần hiện hình (physical mediumship)

2.1.1 Mental mediumship (Giao tiếp bằng trí óc, miệng lưỡi)

Nhà ngoại cảm (medium) và vong linh (spirits) có thể liên lạc với nhau (communicate) qua thần giao cách cảm (telepathy). Ngoài ra, nhà ngọai cảm còn có thể “nghe” (clairaudience), “nhìn thấy” (clairvoyance), “cảm nhận” được (clairsentience) những thông điệp (messages) của các vong linh. Nhà ngoại cảm kể lại cho người dự gọi hồn (sitter, recipient) những gì cô đồng/ ông đồng hiểu, nghe, nhìn thấy được từ các vong linh.
Trong lúc Gọi hồn, cầu hồn (trance, mediumship), Cô Đồng (trance medium) rất tỉnh táo khi giao tiếp với vong linh. Vong linh / vong hồn dùng trí óc, miệng lưỡi của nh à ngoại cảm để nói chuyện bằng cách chuyển các ý nghĩ (thoughts) của vong linh sang trí óc của nhà ngoại cảm. Cái ngã (ego) của Cô Đồng, thí dụ như thái độ kênh kiệu, lòng tức tối, giận hờn…của họ hầu như không còn nữa trong lúc gọi hồn để họ có thể dễ dàng giúp cho các vong hồn nói chuyện với người trần gian. Tuy nhiên Cô Đồng đôi lúc cũng có thể nói sai vì không thực sự hiểu đúng ý nghĩa của vong hồn. Dĩ nhiên là cũng có nhiều nh à ngoại cảm hay nói chuyện phịa để làm tiền thiên hạ.

2.1.2 Physical Mediumship (Giao tiếp bằng sự hiện hình của của tay chân, của đồ đạc ở vị trí lơ lửng, của tiếng động, của vật thể di động)

Nhờ khả năng, sức lực của Cô Đồng / Ông Đồng mà những hiện tượng hiện hình này có thể xẩy ra được. “Physical mediumship” thường được diễn ra trong một căn phòng khá tối (dimly lit room). Nhà ngoại cảm cần có một số dụng cụ như “kèn ma” (spirit trumpet), “tủ ma” (spirit cabinets) và “bàn nổi lơ lửng” (levitation tables). Sự hiện diện của một số đồ vật, chân tay người, cái bàn nổi lơ lửng là do năng lượng hay do chất “ectoplasm” tiết ra bởi nhà ngoại cảm. Chất “ectoplasm” này xuất phát từ cõi “Ether” (etheric plane), cõi vô hình (astral plane), cõi trí tuệ (mental plane) và cõi nguyên nhân (causal plane).
Các vong hồn hút ra (extracting) chất “ectoplasm” của những người đang có mặt ở trong phòng (không nhất thiết của nhà ngoại cảm) để tạo nên một cái hộp phát tiếng nói (voice-box). Nhờ cái hộp phát tiếng nói này mà các vong hồn có thể nói chuyện được.

2.1.3 Channeling (chuyển nhận dòng vong linh)

Trong vòng 50 năm của cuối thế kỷ 20 các nhà ngoại cảm tây phương đã tạo ra hai loại “gọi hồn”, “cầu hồn” sau đây:

2.1.3.1 Loại thứ nhất: nhà ngoại cảm có thể nói chuyện trực tiếp được với các vong hồn rồi họ nói lại cho những người gọi hồn biết các câu chuyện của người Phía Âm
2.1.3.2  Loại thứ hai: Cô Đồng / Ông Ðồng (channeler) ngồi gọi hồn / “vào đồng” (go into a trance) / “rời thân xác” (“leave their body”) trong lúc giao tiếp. Có nghĩa là vong hồn người Cõi Âm thật sự “nhập” vào nhà ngoại cảm (giống như bị ma ám vậy – spirit possession) và vong hồn nói chuyện thẳng với thân nhân trên Dương Thế. Một khi vong hồn đã thưc sự “nhập” vào người đồng cốt (channeler), giọng nói của người này có thể hoàn toàn thay đổi. Vong hồn có thể trả lời những câu hỏi của người đang có mặt ở đó, và cho họ biết tin tức về thế giới bên kia. Ðây là trường hợp “Gọi Hồn” mà chính tôi đã được tham dự và tôi đã mô tả trong loạt bài viết “Cây Ða Lối Cũ, Gọi Hồn Người Xưa” dưới đây:
http://chimviet.free.fr/truyenky/damphan/caydaloicu/dtpn052.htm
Nhà ngoại cảm nổi danh JZ Knight cho biết đã được nói chuyện với một người đã có “30 ngàn năm tuổi đời”.

2.2 MA ÁM (POSSESSION)

Trong nhiều nơi trên thế giới, cũng như qua nhiều tôn giáo khác nhau, hiện tượng ma ám / quỷ ám được coi như là người trần gian bị một hồn ma / hồn quỷ xâm nhập và hãm hại. Nạn nhân thường được coi như đang bị bệnh xáo trộn tâm thần (mental disorder). Người bị ma ám / quỷ ám có triệu chứng như mất trí (memory loss), mất bản tính (personality loss), hay dẫy dụa (convulsion), bị ngất xỉu (fainting) giống như sắp chết vậy. Có người có thể nói một sinh ngữ khác, đổi hẳn giọng nói, mất luôn cả cá tính của chính mình cho tới khi hồn ma / hồn quỷ bị trừ khử / đuổi đi (exorcism).
Hiện tượng ma ám / quỷ ám được nhắc tới trong đạo Gia Tô (Christianity), đạo Islam, đạo Phật, Haitian Voodoo, Wicka, và trong vùng Đông Nam Á cũng như trong nhiều nước tại Phi Châu.

2.3 HỒN MA HIỆN HÌNH (APPARITION)

Hiện tượng vong hồn hiện hình thường hay xẩy ra khi người trần gian vừa mới chợp mắt ngủ (hypnagogic) hay khi sắp sửa ngủ dậy (hypnopompic)
Hiện tượng vong hồn hiển linh được phân chia thành 4 trường hợp dưới đây:
– Vong hồn / hồn ma xuất hiện lúc người trần gian đang bị nguy cơ (Crisis apparition)
– Vong hồn / hồn ma xuất hiện vài năm sau khi chết (Post- mortem apparition)
– Người sắp chết thấy bóng ma hiện hình (Experimental / Death- bed apparition)
– Hồn ma lảng vảng (Haunting apparition)
– Hồn ma hiện hình ở ngay bên cạnh người còn sống (By-standing- type)

2.3.1 Crisis apparition (vong linh / hồn ma xuất hiện lúc người bị nguy cơ)

Chứng nhân (witness) của hiện tượng “crisis apparition” nhìn thấy được hình bóng của một người khác đang ở trong trường hợp nguy kịch (crisis) như tai nạn, bệnh tật (illness) hay đang gần lúc tử vong (threat of death).
Trong cuốn sách “The Gift” của tác giả Michael Schmicker, BS Sally Rhine Feather kể rằng (1):
Một bà mẹ và cô con gái 15 tuổi đã từ Washington D.C. bỏ sang California sinh sống và để lại ông bố già của bà ta đang đau nặng. Vài ngày sau, khi hai mẹ con bà ta bước vào phòng ăn, bà ta rất ngạc nhiên thấy ông bố già đang đứng ở đó:
– Ba ơi, làm sao mà ba đến đây được?
Ngay lúc bà ta nói, cô con gái rảo mắt nhìn quanh, cô ta cũng nhìn thấy bóng dáng của ông ngoại. Ông ngoại đang dang tay như thể chào đón và ban phước (blessing) cho hai mẹ con. Thế rồi, hình bóng ông ta biến mất và cả hai mẹ con mới chợt nhớ ra rằng ông già thực ra không ở trong nhà của họ tại California. Ngay sau đó, hai mẹ con bà ta nhận được tin ông cụ đã mất tại Washington DC .
Có 3 diều đặc biệt về câu chuyện này.
Chuyện thứ 1: Cả hai mẹ con đều cùng thấy hồn ma xuất hiện
Chuyện thứ 2: Hồn ma xuất hiện quá giống người thường làm bà ta đích thực tưởng rằng bà đã được gặp lại cha già, trái ngược hẳn với truyền thuyết cho rằng hồn ma chỉ xuất hiện mờ mờ, ảo ảo.
Chuyện thứ 3: Hồn ma nhận biết đuợc con gái và cháu ngoại , điều này chứng tỏ rằng hồn ma có phần nhận thức, phần thông minh (intelligence awareness) của nó.

2.3.2 Post- mortem apparition (vong linh hiện hình / hồn ma hiện hình sau khi người đã chết)

Nhà nghiên cứu (researcher) Dianne Arcangel đã mô tả (2):
Một bà mẹ khi dẫn chó đi qua bãi đậu xe, nơi mà Tommy (con trai của bà ta) đã đậu chiếc xe jeep của anh chàng trước khi bị hãm hại. Con chó bắt đầu sủa và kéo bà ta đi tiến tới. Ngẩng mặt nhìn lên, bà ta trông thấy một chàng trai mặc bộ đồ mầu xanh đứng trước mặt bà chừng mười mét. Bà ta không nhìn thấy rõ cho lắm vì đã không đeo kính lúc đó. Sau khi đã đeo kính, bà ta nhìn thấy rõ ràng Tommy đang đứng ở vỉa hè (sidewalk), tươi cười nhìn bà. Anh chàng đang mặc bộ đồ mầu xanh đã mua nhưng chưa hề có cơ hội để mặc trước khi bị giết chết. Bà ta gọi tên con trai và con chó (mà chính Tommy đã nuôi nó) lôi kéo bà ta chạy về phía anh chàng Tommy. Thế rồi hình bóng Tommy bắt đầu rẽ sang lối khác, lướt trên mặt đất vài phân . Mặc dù cả chủ lẫn chó cùng chạy nhanh nhưng họ không tài nào bắt kịp được anh chàng Tommy. Chạy được 3 dẫy phố, bà mẹ chẳng còn nhìn thấy hình bóng con trai của bà nữa vì nó đã bị che mất bởi đám học trò đang đi bộ trên hè phố. Hình bóng Tommy hoàn toàn biến mất.
Câu chuyện này có 2 điểm lý thú.
Điểm thứ 1: Cả người lẫn chó đều nhìn thấy hình bóng anh chàng Tommy, chứng tỏ rằng không phải là bà mẹ tưởng tượng trong đầu óc của bà ta.
Điểm thứ 2: Bà mẹ phải đeo kính vào mới nhìn thấy rõ, chứng tỏ rằng hiện tượng này là một hiện tượng quang học và phải nhìn bằng mắt mới thấy chứ không phải là hình bóng trong lúc tưởng tượng, hay hình bóng trong lúc mơ ngủ.

2.3.3 Death- bed / experimental apparition (Người sắp chết thấy bóng ma)

Nhiều bệnh nhân khi sắp qua đời kể rằng họ đã nhìn thấy hình bóng của nhiều người đã quá cố tại nhiều nơi chốn (chắc là liên quan tới đời sau khi chết – afterlife) của họ. Những câu chuyện này được ghi chép lại bởi một số bác sĩ và y tá đã chăm sóc cho bệnh nhân tại Hoa Kỳ và Ấn Độ trong thập niên 70.
Xin dẫn chứng một câu chuyện dưới đây (3) do một bà y tá kể lại cho hai Bác sĩ Kardis Osis và Erlendur Haraldsson ghi lại trong một tập hồ sơ gồm có 418 câu chuyện về hồn ma.
Một bà già 76 tuổi đã bị trụy tim mạch (heart attack) .Trí óc (consciousness) của bệnh nhân rất sáng suốt, bà ta chẳng uống thuốc mê (sedation), suốt đời bà ta cũng chẳng có bao giờ bị hôn mê (hullicinogenic history). Bà ta rất tươi vui và tin chắc rằng bà ấy sẽ khỏi bệnh rồi trở về nhà với con gái của bà ta vì cô con gái đang rất cần mẹ. Bỗng nhiên bà ta quơ tay và tươi cười nói với người y tá:
– Bà có thấy Charlie (ông chồng quá cố của bà già) đang đứng giơ tay chờ tôi không? Chẳng biết tại sao tôi lại chưa “về nhà” nhỉ!
Bà ta tả lại những gì đã thấy:
– Chỗ đó đẹp quá, đầy những hoa và nhạc, coi bộ bà không nghe thấy tiếng nhạc hay sao? Trời ơi, các bà có nhìn thấy ông chồng Charlie của tôi không?
Câu chuyện của bà già này chứng tỏ rằng bà ta rất tỉnh táo vì không uống thuốc an thần, và nhất là bà ta không bị hôn mê, bà ta biết là mình đang ở đâu và bình thản khi kể lại những gì bà ta đã thấy.
Rất nhiều các bệnh nhân khác cũng kể lại rằng họ đã nhìn thấy bóng ma của nhiều người đã chết đến chào hỏi, mời mọc, chỉ đường dẫn lối họ đi vào thế giới bên kia (afterlife).
Tác giả Dianne Arcangel, một mục sư trong nhà thương đã cho biết như sau (4):
“Tôi đã thường giúp đỡ rất nhiều người đang trong thời kỳ hấp hối. Họ thường cho hay họ đã thấy những bóng ma của họ hàng, bạn bè trong những lúc này. Không ai chết một mình đâu!”

2.3.4 Haunting (hồn ma lảng vảng)

Tại nhiều nơi, người ta thường thấy hình bóng lờ mờ, ánh sáng lơ lửng, đốm mây mờ ảo. Phần lớn có lẽ đây là những hiện tượng liên quan tới địa chất học (geophysical) và không liên quan tới vong hồn của người quá cố còn vương vấn với Cõi Trần.
Tuy nhiên có nhiều trường hợp, nhiều người đã tiếp tục nhìn thấy hồn ma hiện về tại nơi mà người chết đã từng sinh sống hay đã từng làm việc. Xin kể ra câu chuyện dưới đây (5):
Sau khi một gia đình dọn vào một căn nhà mới, cô bé Heidi Wyrick đã gặp một ông tên là “Con” và ông ta đã mời cô bé chơi đánh đu trên cái “swing”. Khi cô bé xin mẹ ra chơi đánh đu, bà mẹ hỏi về ông “Con”. Cô bé cho biết người ông ta “dính đầy máu”, bà mẹ rất lo sợ, cho rằng có lẽ ông ta là người đi bắt cóc con nít, thích hãm hại trẻ con (child molester). Cha mẹ của Heidi đã đi lùng kiếm ông “Con” nhưng không tìm thấy ông này. Sau đó ít lâu, cô bé Heidi lại kể chuyện đã gặp một người đàn ông tên là “Gordy” cũng thích chơi đánh đu (trên cái “swing”). Cha mẹ cô bé cho rằng con gái của họ thường hay tưởng tượng có nguời thích đến chơi với con mình. Rồi dần dà, cha mẹ cô bé mới biết rằng hai ông già “James Gordy” và “Con” cũng đã từng sinh sống trong khu phố đó nhiều năm về trước. Một cánh tay ông “Con” đã bị cắt đứt trong một tai nạn. Cô bé Heidi đã mô tả hai ông này khá đúng với hình chụp (photographs) của họ. Cô bé đã nhận định đúng hình ảnh của họ trong một lô các hình ảnh cũ.
Điều tra viên (investigator), BS William Roll, xác nhận rằng cô bé Heidi chẳng bao giờ có thể biết tông tích của hai ông già này trước khi cha mẹ cô ta kiếm ra được tông tích của họ.
Trong đề tài “Haunting” (hồn ma lảng vảng), khoa Cân Tâm Lý Học còn đề cập đến:

2.3.5 By-stander-type (hồn ma hiện hình ngay bên cạnh người trần gian).

Hồn ma không chỉ xuất hiện tại một địa danh nào đó, mà nó còn có thể xuất hiện gần ngay một người nào đó.
Năm 1995, BS Ian Stephenson (nay đã quá vãng) đã phỏng vấn một bác sĩ khác khi ông bác sĩ này đang trông nom bà mẹ vợ đang hôn mê và sắp qua đời. Ông ta kể rằng (6):
– Tôi đang ở bên cạnh giường bệnh của mẹ vợ tôi, chẳng có ai bên cạnh hết. Mẹ tôi đang bị khó thở và đang nhìn thấy rõ hình ảnh của ông GC đã qua đời (cha vợ của tôi) đứng ngay ở bên kia của cái giường. Ông ta đang giang tay và nói:
– Flora, tôi đang chờ bà đây!

Rồi bà chết ngay sau đó. Ông bác sĩ cho biết ông bố vợ của ông trông giống như “người trần mắt thịt” vậy nhưng chỉ nhìn thấy được từ phần bụng trở lên mà thôi vì phần dưới đã bị cái giường che mất. Vị bác sĩ còn cho biết là ông ta chỉ có dịp gặp người cha vợ 2, 3 lần trước khi ông ấy mất nhưng ông bác sĩ đã được xem rất nhiều hình ảnh của người bố vợ nên đã nhận diện rất dễ dàng. Không ngờ rằng ông ta đã nhìn thấy hình ông bố vợ trong lúc bà mẹ vợ sắp sửa qua đời.

Ông cho biết:

– Tuy rất ngạc nhiên nhưng tôi cũng cảm thấy được an ủi trong lúc đó.

Điều này cho chúng ta thấy rằng vị bác sĩ đã thấy hồn ma của ông bố vợ xuất hiện (apparition) ở ngay bên cạnh bà vợ trong lúc bà ta đang hấp hối. Ông ta đã là một nhân chứng (third- person- bystander) nhìn thấy bóng ma ở ngay bên cạnh giường bệnh (death- bed) của người đang hấp hối.

Trong vụ này có 3 điều đặc biệt:
– Thứ nhất, hồn ma hiện hình giống như “bằng da bằng thịt” (solid apparition)
– Thứ hai, hồn ma xuất hiện ở ngay bên cạnh giường bệnh lại là hồn ma của người trong gia đình (ông bố vợ).
– Thứ ba, ông bác sĩ cho biết ông ta đã nghe thấy hồn ma nói chuyện, chứng tỏ rằng hồn ma có phần anh linh / thông minh (intelligence) của nó .

2.4 Reincarnation (tái sinh)

Theo cuốn “Glossary of terms – Parapschycology” (danh từ chuyên môn về Cận Tâm Lý Học) của TS Michael Thalbourne:
Tái sinh (reincarnation) là một hình thức sống còn của phần hồn (human soul) hay phần cốt lõi (some aspect of self) sau khi thân xác đã “chết”. Phần này sẽ được tái sinh vào một thân xác mới và cứ như vậy được tiếp tục trong nhiều kiếp khác.

Hiện tượng Tái Sinh đã được bàn cãi sôi nổi trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tôn giáo. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nêu ra những phần chính yếu về Tái Sinh và hy vọng rằng trong những bài viết về sau này, chúng tôi còn có dịp trình bầy đề tài này qua tầm nhìn của nhiều tác giả Tây Phương khác.

Một trong những tác giả đã chứng minh hùng hồn Thuyết Tái Sinh một cách gián tiếp: đó là Bác Sĩ Tâm Thần Brian Weiss. Ông đã từng điều trị “bệnh tưởng” của rất nhiều bệnh nhân bằng cách thôi miên họ để đưa họ trở về nhiều tiền kiếp và từ đó, ông đã tìm ra nguyên nhân của “bệnh tưởng” trong kiếp hiện tại của bệnh nhân. Ông chỉ cần nhắn nhủ tâm thức của bệnh nhân trong lúc thôi miên hãy quên đi những cái đau đớn, sợ hãi … trong những tiền kiếp và hãy sống bình thản trong kiếp hiện tại. Bệnh nhân đã được “chữa lành bệnh” mà chẳng cần uống thuốc gì hết.
Ngoài ra Bác Sĩ Ian Stevenson đã khảo cứu hơn 40 năm về Tái Sinh. Ông đã viết 2 cuốn sách nổi tiếng: “Twenty Cases Suggestive of Reincarnation” (20 trường hợp điển hình về tái sinh) và “Reincarnation and Biology” (Tái Sinh và Sinh Vật Học).
Ông cho biết có nhiều trẻ em đã kể lại những kỷ niệm về tiền kiếp của chúng , đặc biệt chúng cho thấy những tì vết trên thân thể khi sinh ra đời (birthmarks), bắt nguồn từ tiền kiếp, gây ra hoặc bởi án mạng, hoặc bởi thân thể của bệnh nhân trước khi chết trong kiếp trước. Ông đã tóm lược như sau:

– 1. Trong nhiều trường hợp đặc biệt, một số người tin tưởng mạnh vào thuyết tái sinh, luân hồi, đã ước ao và đã được tái sinh vào một gia đình khá giả nào đó với hy vọng trong kiếp sau, họ sẽ được chăm lo chu đáo hơn kiếp trước.

– 2. Nguời đã chết về báo mộng cho một người đàn bà sắp có thai hay đã có thai biết rằng người đã chết sẽ được đầu thai làm con của người đàn bà đó. Đôi khi, họ hàng cũng được báo mộng về đứa bé được đầu thai rồi chính họ đã nói lại cho bà mẹ tương lai biết về vụ này. Hiện tượng đầu thai này khá thịnh hành tại Miến Điện và trong sắc tộc Da Đỏ tại tiểu bang Alaska.

– 3. Nhiều bộ lạc của vùng Tây Phi (West Africa) đã khắc những dấu vết trên thân xác người chết để dễ bề nhận diện khi người chết được tái sinh. Khi một hài nhi vừa mới ra đời, đứa bé được khám xem có mang tì vết gì của người đã quá vãng không. Phong tục này rất phổ biến trong nhóm thổ dân Da Đỏ Tlingit và thổ dân Igbos tại Nigeria.

– 4. Con nít trong lứa tuổi từ 2 đến 4 tuổi thường hay nói về tiền kiếp, sau đó hầu như chúng không còn nhớ được nữa.
Khi nói về tiền kiếp, con nít thường hay nói chuyện rất say mê và chan chứa tình thương yêu đến nỗi chúng không biết rõ “đời” nào là “đời” nào nữa. Có “đứa trẻ” còn nói: “Tôi có chồng và có con sống tại x,y,z”. Đặc biệt là chúng nhớ rất rõ nguyên nhân đã làm chúng qua đời trong kiếp trước.
Những đứa bé này thường chỉ yêu thương bố mẹ trong kiếp trước của chúng và chúng thường hay xin bố mẹ trong kiếp này cho phép chúng về sinh sống với bố mẹ trong kiếp trước của chúng .
Một đứa bé sinh ra tại Ấn Độ trong một gia đình hạ lưu mà kiếp trước nó đã sống trong một gia đình thượng lưu, đứa bé đã thấy rất khổ sở trong kiếp này vì phải sống trong một gia đình nghèo. Đứa bé đòi người lớn phải hầu hạ nó và nó không muốn ăn mặc quần áo loại rẻ tiền.

Trong 35% của những trường hợp mà BS Stevenson đã theo dõi, ông cho biết con nít tái sinh sau khi đã chết “bất đắc kỳ tử” (sudden death) thường hay sợ hãi vu vơ. Thí dụ như nếu kiếp trước chúng đã chết đuối, kiếp này chúng rất sợ khi ra đến chỗ nước sâu. Nếu kiếp trước chúng bị bắn chết, kiếp này chúng rất sợ hãi khi nghe tiếng súng nổ hay nghe thấy một tiếng động chát tai. Nếu kiếp trước chúng chết vì tai nạn trên đường đi, kiếp này chúng thấy sợ hãi mỗi khi phải đi đâu bằng xe cộ.
Nếu kiếp trước đứa bé sinh ra trong một phái tính trái với phái tính (sex / gender) trong kiếp này, đứa bé khó có thể “hội nhập” với phái tính trong kiếp này. Những trở ngại khi phải sống trong trạ ng thái “đổi phái tính” (sex/ gender change) có thể làm cho đứa trẻ dễ trở thành “đồng tình luyến ái” (homosexual) khi nó lớn lên. Kiếp trước mà là con gái và kiếp này đứa trẻ sinh ra làm con trai, đứa trẻ có thể đâm ra thích ăn mặc như con gái và thích chơi với con gái hơn là chơi với con trai.

Tuy nhiên nhiều khoa học gia Tây Phương không tin vào thuyết Tái Sinh. Khoa học gia Carl Sagan, đã đặt câu hỏi với Đức Đạt Lai Lạt Ma như sau:
– Ngài nghĩ ra sao nếu thuyết Nhân Quả bị khoa học tây phương chứng minh là sai?
Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời:
– Nếu khoa học chứng minh được rằng thuyết Tái Sinh là không đúng, Phật Giáo Tây Tạng sẽ hủy bỏ ngay thuyết Tái Sinh… Tuy nhiên sẽ rất là khó khăn để mà Quý Vị phản bác được thuyết Tái Sinh.

(The DaLai Latma answered: “If the science can disprove reincarnation, Tibetan Buddhism would abandon reincarnation… but it’s going to be mighty hard to disprove reincarnation”).

Xin mời quý vị vào đọc bài viết về tái sinh của vài vị tổng thống Hoa Kỳ trong website dưới đây:

http://www.near-death.com/experiences/reincarnation08.html#13

2.5 Out-of-body experiences (xuất hồn) và Near-death-experiences (cận tử/ chết đi rồi sống lại)

Kinh nghiệm lúc xuất hồn là kinh nghiệm lúc con người “nhìn/cảm nhận” thấy cảnh giới trần gian không phải bằng đôi mắt của con người và “nhìn thấy” từ một vị trí ở ngoài thân xác.

Lấy một thí dụ: một thân nhân của tôi, sau khi anh chàng bị xe tông lúc 11 tuổi đã kể cho tôi nghe cu cậu tự nhiên nhìn từ trên không (chừng vài thước) thấy thân thể anh chàng đang nằm sõng xoài trên mặt đường, trước mặt cái xe hơi. Nhiều đêm trong lúc ngồi thiền, chính tôi cũng đã từng nhìn thấy trong đầu, “nhìn thấy” từ trên cao nhiều cảnh thiên nhiên với những rừng, núi, sông ngòi.

Người đời có thể xuất hồn khi đang ngủ, khi đang ở trong trạng thái bất tỉnh (unconscious) vì đang uống thuốc hay đang trải qua một cuộc thí nghiệm của các nhà khoa học. Người này “nhìn” thấy (không bằng mắt) họ đang rời thân thể của họ và cũng “nhìn” thấy thân xác của họ đang nằm trên giường.

Trong trường hợp lúc cận tử (near-death experiences), phần “linh thân” (astral body) rời khỏi cái “thân tứ đại” (physical body) và phần “linh thân” có thể đi chu du trong linh giới (astral plane).

Nhiều nhà nghiên cứu tây phương trong khoa Cân-Tâm-Lý-Học đã và đang bàn cãi sôi nổi về những kinh nghiệm xuất hồn mà họ đã nghiên cứu được trong phòng thí nghiệm.

Nghiên cứu và tranh luận của các khoa học gia thì nhiều nhưng mà họ chưa đạt được kết quả nào khả quan liên quan tới linh hồn/vong hồn/ thuyết Tái Sinh, Luân Hồi… ngoại trừ trường hợp các kinh nghiệm lúc cận tử / kinh nghiệm của những người đã chết đi rồi sống lại mà chính họ đã kể lại cho các bác sĩ và y tá của họ nghe.

Phần lớn những bệnh nhân này cho biết linh hồn của họ đã đi qua đường hầm (tunnel) rất dài. Họ cảm thấy được đẩy đi rất thoải mái, với vận tốc càng ngày càng nhanh. Chẳng thấy có gió, có rung chuyển hay tiếng động nào. Chẳng thấy nôn nao mà chỉ thấy như đang trôi nổi trong thinh không. Rồi họ ra khỏi đường hầm với tốc độ ánh sáng (vận tốc cao nhất của người trần gian). Thế rồi họ thấy ánh sáng êm dịu mà họ chưa hề bao giờ được thấy, rất là sáng. Họ cảm thấy tràn ngập tình thương yêu và tình bạn bè. Thật là tuyệt diệu.

Ra khỏi đường hầm, ánh sáng chan hòa cả một bầu trời, đẹp không giấy bút nào diễn tả được. Họ cảm thấy họ là ánh sáng. Tất cả đều trở thành ánh sáng. Họ diễn tả ánh sáng đó là Thượng Đế, không có yếu tố thời gian trong ánh sáng, trong thiên đàng.

Diễn biến của một người chết vì tai nạn đã được mô tả như sau: mới đầu là đen tối, rồi người đó bị hút vào trong đường hầm, ở đầu kia đường hầm thấy có đốm ánh sáng, rồi họ phải đối diện với ánh sáng. Ánh sáng làm họ cảm thấy ấm cúng, đầy tình thương yêu và họ cảm thấy vui sướng. Ánh sáng hiện ngay trước mặt của họ và bắt đầu giao tiếp với họ qua ý nghĩ theo hiện tượng thần giao cách cảm (telepathy), trao đổi ý kiến với vận tốc còn nhanh hơn cả vận tốc ánh sáng nữa.
Ánh sáng “nói” với họ: “Anh/chị đang ở chỗ nào, điều kiện con người ra sao? Trước mắt anh/chị là ánh sáng. Anh/chị có thể hỏi bất cứ câu hỏi nào và sẽ được trả lời theo từng câu hỏi một.”

Người mới chết được cho biết họ có thể trở lại Cõi Trần hay ở lại “Cõi Bên Kia” nhưng trước khi họ chọn lựa, họ phải “xem cuốn phim” của chính đời họ trên cõi trần gian trước đã.
Tất cả các chi tiết đều được phơi bầy rất rõ ràng, tỉ mỉ. Thí dụ như, trong một quãng đời trần gian, người A đã gặp người B. “Cuốn phim dòng đời” cho thấy rõ tất cả những diễn biến, những tâm tư không những riêng của người A mà còn có những tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của người B nữa. Tất cả đều được “lột trần” không sót một chi tiết nào. Nói tóm lại, người vừa chết được xem lại hết những gì đã xẩy ra, đã có trong đầu của họ và của tất cả những người mà họ đã quen biết.
Người mới chết cảm nhận được hết những tình tiết của chính họ và họ cũng cảm nhận được tất cả những tình tiết của những người mà họ đã từng giao tiếp từ lúc còn nhỏ cho đến lúc họ chết. Ánh sáng ban cho người mới chết tình thương yêu vô điều kiện.

Ông Thomas Sawyer, một người đã thực sự chết (clinically dead) được 15 phút rồi sống lại đã trải qua những kinh nghiệm như tôi đã mô và ông ta có nhận xét như sau (7):

Con người có cơ hội để được cải tiến nhân cách/ nhân phẩm / bản chất con người (personality) qua những kiếp tái sinh, luân hồi. Mục đích là họ phải tự cải tiến bằng cách cải tiến mình là một linh hồn (soul), là một phần của Thượng Đế và cũng là phần toàn diện (the whole) của Thượng Ðế. Chẳng ai có thể thấy được hình bóng của phần cốt lõi toàn diện (the whole self), và cũng chẳng ai biết phần nhân cách của họ (their personality) liên quan như thế nào với phần linh hồn của họ. Nhờ thuyết Tái Sinh, họ có cơ hội để biến đổi phần bản chất, phần nhân cách của họ. Theo luật Tái Sinh, nhân cách con người thay đổi theo từng kiếp người một. Kiếp sau, phần nhân cách vẫn còn giữ được những đặc tính của nhiều kiếp trước. Nhân cách con người trong kiếp này không những bao gồm nhiều đức tính (xấu hay tốt) trong kiếp khác mà lại còn có phần nhân phẩm của các linh hồn khác nữa.

Khi con người đã đi vào cõi tâm linh (spirit realm) và nhận thấy rằng mình chưa học được nhiều thứ đáng lẽ họ đã phải học, họ tu bổ thêm phần nhân phẩm (personality) trong một thân thể khác và linh hồn của họ luôn luôn sống còn. Khi con người trở thành một người khác (personality) trong một thân thể khác, phần linh hồn vẫn chẳng hề thay đổi: chẳng lớn hơn, cũng chẳng bé hơn.

Xin quý vị đón đọc

Phần 4:
Những tiết mục khác trong khoa Cận-Tâm-Lý-Học và phần Đúc Kết.

Tài liệu tham khảo:
1.
(1), (2), (3), (4), (5), (6):
Apparitional Experiences: A Primer on Parapsychological Research and Perspectives:
http://publicparapsychology.blogspot.com/2009/11/apparitional-experiences-primer-on.html
2.
Parapsychology and Personal survival after Death:
http://www.xs4all.nl/~wichm/paraps.html

3.
Out-of-body experience:
http://en.wikipedia.org/wiki/Out-of-body_experiences

4.
Michael Thalbourne. Glossary of terms used in Parapsychology

5.
The Immediate Post Mortem Apparition: Two Ideas Concerning Ghosts of the Dearest Sort:
http://www.theavalonfoundation.org/docs/apparition.html
6. (7)
Thomas Sawyer’s Near-Death Experience
http://www.near-death.com/experiences/reincarnation03.html
Đàm Trung Phán
Giáo Sư Công Chánh hồi hưu
June 18, 2011
Mississauga, Canada

QUAN NIỆM TÂY PHƯƠNG VỀ TÂM LINH TRONG KHOA CẬN-TÂM-LÝ-HỌC (PARAPSYCHOLOGY) Phần 2

PHẦN 2:

KHẢ NĂNG ĐẶC BIỆT CỦA TÂM TRÍ (PSI CAPACITIES)

Tuy rằng tôi đã đọc được nhiều câu chuyện Phật Giáo liên quan tới linh hồn, vong linh, ma, quỷ, tái sinh, luân hồi…nhưng tôi chưa thực sự tin vào những hiện tượng này được. Có lẽ một phần vì trong cuộc đời tôi đã gặp nhiều cảnh “trông vậy mà không phải vậy”. Có lẽ một phần cũng vì tôi được đào tạo trong môi trường khoa học kỹ thuật: tôi chỉ tin được những gì tôi có thể tự kiểm chứng được mà thôi. Thú thực là trước khi gọi hồn tại Hà Nội vào cuối tháng 12 năm 2005, tôi vẫn “bán tín, bán nghi”. Vợ chồng tôi đi gọi hồn và tôi tham dự cũng là do phần hiếu kỳ: tôi muốn được mắt thấy tai nghe cách cúng vái, cuộc đối thoại giữa Cô Đồng (medium) được vong linh (spirit) của cõi Âm (âm phần) “nhập vào” rồi nói chuyện trực tiếp với chúng tôi (sitters).

Tôi tự quay video tất cả những đoạn “hồn về” với vẻ mặt và dáng điệu của Cô Đồng, nhất là những lúc “người Âm” nói chuyện với “người Dương” qua Cô Đồng. Rất may mắn là tôi đã thu âm khá rõ ràng những đoạn Cô Đồng nói chuyện với 6 người trong nhóm chúng tôi đang có mặt lúc đó. Trong số 22 người cõi Âm “về”, vẻ mặt và phần di động hai tay của Cô Đồng đều thay đổi theo từng vong linh một. Tôi đoán rằng, khi vong linh/ vong hồn (spirit) của người cõi Âm nhập vào Cô Đồng, phần “personality” (nhân cách) của vong linh đó đã ít nhiều thể hiện qua nét mặt Cô Đồng và qua những động tác hai tay của Cô Đồng.

Khi mẹ tôi và bà tổ cô của tôi “về”, vẻ mặt Cô Đồng rất bình thản, Cô Đồng ngồi an nhiên tự tại; có lẽ là vì hai vị này đã lìa trần lâu rồi (mẹ tôi mất năm 1955, lúc sinh thời mẹ tôi thường an nhiên và sẽ sàng. Bà tổ cô của tôi mất đã khoảng 100 năm) và đã tu lên được nhiều cấp cao? Khi anh tôi “về” (anh mất năm 1945 khi mới 6 tuổi), vẻ mặt Cô Đồng rất láu lỉnh nhất là khi Cô Đồng cười và những câu hỏi có tính cách trẻ con. Khi thân phụ tôi “về”, vẻ mặt Cô Đồng rất ưu tư, giống như khi cụ đang sống với tôi tại Canada trong thời kỳ 1975-1978. Thời buổi này, cụ đau buồn nhiều, nhất là mỗi khi nhớ tới gia đình của chị gái tôi và gia đình của anh trai tôi còn mắc kẹt tại Việt Nam. Khi vong hồn cụ nhắc tới hai con đứa trai tôi qua lời Cô Đồng, tôi cảm nhận được sự trìu mến của ông nội đối với hai đứa cháu trai của cụ.

Bốn vị trong cõi Âm này đã hỏi tôi nhiều điều rất riêng tư, ăn khớp với sắc mặt của Cô Đồng. Cô Đồng không thể nào đóng kịch được vì cô ta không thể biết những câu chuyện riêng tư của chúng tôi. Mà cho dù Cô Đồng có thể “phịa” được một vài câu chuyện hay đọc được những điều trong tâm thức của tôi, Cô Đồng cũng “không đủ bản lĩnh” để mà “đóng kịch” qua nét mặt và những cái vung tay, xoa mặt, gãi đầu được.

Từ đó, tôi suy đoán ra rằng vong linh/vong hồn của người quá vãng đã nhập vào đầu óc của Cô Đồng để “ăn khớp” (synchronize) với vẻ mặt và điệu bộ tay chân (Cô Đồng ngồi xếp vòng tròn). Sau nhiều lần suy nghĩ, tôi nghĩ ra giả thuyết này: Vong linh (hay Âm linh, vong hồn, spirit) của người cõi Âm có thể ví như là phần Mềm (software) của máy điện toán đã nhập vào thân xác của Cô Đồng (được ví như “phần cứng” của PC, vì cô ta có khả năng “mời mọc” vong linh đó). Có lẽ nhờ những khả năng thiên phú (thân xác và linh hồn; body, soul) của Cô Đồng hoạt động trong một khoảng tần số (frequency range) gần giống với khoảng tần số của phía Âm cho nên phần Mềm đã làm cho phần Cứng của máy điện toán chạy được. Nhờ vậy mà vong hồn (spirit) người Cõi Âm mới “về Cõi Trần” nói chuyện với người trần (sitter) qua thân xác Cô Đồng/ nhà ngoại cảm (medium) được.

Tôi cảm thấy vui thú khi đọc quan niệm của giáo sư Stephen Schiffer khi ông ví von về phần óc bên trái (phần “thức”) và phần óc bên phải (phần “vô thức”) giống như hai bộ phận phần Mềm (nhu liệu, software) và phần Cứng (hardware) làm máy điện toán chạy và làm việc như ý muốn của người viết “software” vậy. Ðiều này tôi đã trình bầy trong Phần 1.

Gần đây hai danh từ “ngoại cảm” (extra sensory perception, ESP) và “nhà ngoại cảm” (medium) thường hay được nhắc đến trong khoa Cận-Tâm-Lý-Học. Như vậy khoa Cận-Tâm-Lý-Học là gì và nó bao quát ra sao?

Cận-Tâm-Lý-Học là một bộ môn khảo sát về những sự việc bất bình thường (unusual/paranormal events) xẩy ra trong đời sống người cõi Dương (human experience).

Những diễn biến này liên quan tới khả năng tâm linh (psychic abilities), kinh nghiệm cận tử (do người chết đi, sống lại kể lại những kinh nghiệm khi đi vào “thế giới bên kia”, near-death experiences), xuất hồn (out-of-body experience), ma hiện hình (crisis apparition), tái sinh (reincarnation), trở về tiền kiếp qua thôi miên (regression memories), hồn ma (ghosts), đời sống sau khi chết (life afterdeath, hereafter).

Vì bộ môn Cận-Tâm-Lý-Học rất bao quát – liên quan tới Triết học, Toán học, Vật Lý học, Tâm Lý học, Sinh Vật học,… cho nên người viết xin mạn phép trình bầy nội dung của CTLH qua 3 khía cạnh chính dưới đây liên quan tới:

1.0 Khả năng tâm linh của con người (PSI capacities)
2.0 Vong hồn và kiếp sau (spirits, survival)
3.0 Những tiết mục khác (miscellaneous)

Mỗi đề mục trên lại có những chi tiết khác nhau. Trong phần viết sau đây, xin mạn phép để người viết trình bầy các danh từ tiếng Anh trước và phần tiếng Việt ở đằng sau để quý vị dễ phần tham khảo. Người viết đã gặp nhiều khó khăn trong phần tìm kiếm các danh từ chuyên môn trong Việt Ngữ tương đương với các danh từ Anh Ngữ trong ngành Cận-Tâm-Lý-Học.

1.0 KHẢ NĂNG TÂM TRÍ/TÂM LINH CON NGƯỜI (PSI capacities)

Khả năng Tâm Trí/Tâm Linh con người liên qua mật thiết tới phần Ngoại Cảm (extra sensory perception, ESP) và Thần Lực (Psychokinesis) mà tôi sẽ mô tả dưới đây:

1.1 Extra sensory perception (ESP, Ngoại Cảm, Giác Quan Thứ Sáu)

Con người ngoài 5 giác quan chính (nhìn, nghe, ngửi, sờ mó, nếm) còn có thêm giác quan thứ sáu được mệnh danh là giác quan ngoại cảm (extra sensory perception, ESP). Giác quan này được cảm nhận qua phần Trí Óc (mind). Ai cũng có phần ESP này, chỉ khác nhau là nó mạnh hay yếu mà thôi.

Nhờ khả năng ngoại cảm (ESP) này mà con người có thể có:

– Khả năng thần giao cách cảm (telepathy),
– Khả năng nhìn thấy trong đầu óc những sự việc ở xa và bị cách trở (tiếng Anh là clairvoyance),
– Khả năng mơ ngủ thấy trước những diễn biến trong tương lai (precognition).

1.1.1 Telepathy (Thần Giao Cách Cảm)

Đây là cách thông tin trực tiếp từ trí óc người gửi thông điệp tới trí óc người nhận thông điệp đó mà chẳng cần đến thư từ, điện thoại, internet….

Chính bản thân người viết cũng đã có kinh nghiệm về Thần Giao Cách Cảm (TGCC, Telepathy) như sau.

Năm 1977, trong một đêm khuya khi đang ngủ, tôi “nhìn” thấy chị dâu của tôi (vợ của anh cả chúng tôi) ăn mặc áo đại tang. Trong giấc mơ, tôi có cảm giác như đó là một bóng ma đang đi tới chỗ tôi đang nằm ngủ. “Bóng ma” nói với tôi:

– Chú há miệng ra để tôi cho chú ngậm thứ này!

Tôi sợ toát mồ hôi và bỗng đâu, tôi thấy mẹ tôi hiện ra, đứng ngay bên cạnh tôi và nói với “bóng ma”:

-Tôi xin chị ngưng ngay việc này. Em nó sợ quá rồi!

Tôi giật mình thức giấc và cả đêm hôm đó, tôi không tài nào ngủ tiếp được nữa. Vài hôm sau, tôi nhận được thư của anh chị tôi gửi từ bên trại Songkhla, Thái Lan báo tin cho tôi biết là đứa con trai thứ hai của anh chị (cháu trai của tôi) đã bị chết đuối trong một chuyến vượt biên. Gia đình anh chị tôi đang mong ngóng được đi định cư tại Bắc Mỹ và muốn nhờ vợ chồng chúng tôi bảo lãnh. Hóa ra gia đình anh chị cả của chúng tôi đang để tang cháu trai của tôi!

Năm 2004, khoảng sau 7 giờ tối một hôm Thứ Sáu, vợ chồng chúng tôi lái xe vào một cái “shopping plaza”. Vợ tôi (BN) vào một hiệu giầy để thăm hỏi cặp vợ chồng bạn đang bán giầy và tôi đi vào hiệu bán “computer” ngay bên cạnh. Tôi sẽ sang hiệu giầy để đón BN sau khi đã lấy “computer” mà tôi đã đặt mua từ buổi sáng hôm đó. Chẳng may khi vào bên trong hiệu bán PC, tôi “gặp nạn”: kẻ cướp đang ăn cướp tiền bạc và các máy “laptop”. Chúng trói tay, trói chân tôi và bịt miệng tôi bằng băng keo dán ống nước. Tôi là nhân vật thứ 6 bị chúng trói và bịt miệng. Khi sự việc mới xẩy ra, tôi cứ ngỡ rằng mình đang coi TV thấy anh chàng Ninja đang trói người (mà người đó lại là chính tôi!) Sau khi chúng đã bắt tôi nằm trên sàn của nhà vệ sinh, tôi mới “tỉnh ngủ” và cảm thấy rất lo âu, sợ hãi: nếu BN đợi lâu mà không thấy tôi đến đón, BN sẽ “lò dò” vào hiệu PC kiếm tôi. Dĩ nhiên là kẻ cướp sẽ trói tay vợ tôi cũng như chúng đã trói chúng tôi vậy. Khi trói tay BN, kẻ cướp sẽ thấy ngay cái nhẫn kim cương của nàng và chúng sẽ ăn cướp ngay cái nhẫn đắt tiền đó. BN sẽ to tiếng, phản kháng và đây là điều mà tôi lo sợ nhất. Kẻ cướp sẽ bạo hành với BN vì chúng đang ở trong thế “panick” (vội vã, lo sợ cảnh sát đến bất ngờ, tôi đã nghe chúng thúc dục nhau vơ vét cho nhanh trước khi cảnh sát ập tới). Nếu có điều gì xẩy ra cho BN, tôi sẽ “nhẩy vào vòng chiến” tuy rằng cả hai tay lẫn hai chân đều bị trói. Hai vợ chồng chúng tôi sẽ là nạn nhân trước tiên và có thể cả bọn chúng tôi còn lâm nạn nữa. Nghĩ vậy, tôi bèn thở ra hít vào vài phút (một lối “thiền” nhanh chóng) rồi nhắm mắt và nói trong đầu: “BN, anh đang bị bọn cướp trói chân tay trong hiệu bán “computer”. Em không nên sang kiếm anh làm gì, nguy hiểm lắm, cứ ở lại hiệu bên đó đi”. Tôi tiếp tục gửi tín hiệu này rất nhiều lần.

Rất may mắn là BN không hề xuất hiện trong hiệu bán PC. Sau này, vợ tôi cho biết là đã 3 lần nàng định sang kiếm tôi nhưng cả 3 lần đó, đứa con gái 4 tuổi (con của bạn chúng tôi) đều không cho bác đi vì “bác phải ở lại chơi với con”. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn thắc mắc về điều này. Lý do: Có phải là “telepathy” đã giúp chúng tôi không? Phải chăng là mẹ tôi đã “nghe” thấy lời cầu cứu (SOS) của tôi rồi bầy ra cái kế cho bé gái níu kéo BN ở lại chơi với nó? Tôi chỉ biết cám ơn Trời Phật, Thượng Đế đã giúp vợ chồng chúng tôi và 5 người bạn “đồng sàn (nhà)” thoát nạn, không ai bị thương tích gì. Và tôi bắt đầu thực sự để ý tới Thế Giới Tâm Linh từ sau vụ này.

1.1.2 Clairvoyance (nhìn thấy từ xa qua trí óc)

Nhờ năng khiếu này (từ giác quan thứ 6) mà con người có thể “nhìn thấy trong trí óc” những sự việc ở nơi xa, bị dấu kín và quá tầm nhìn của con mắt người đời.

Trong thập niên 60, khi tôi còn đang đi học tại Sydney, Úc Ðại Lợi, tôi đã đọc báo thấy một trường hợp đặc biệt. Cảnh sát Úc không tìm ra thi thể của nạn nhân trong một vụ án mạng. May nhờ có một “clairvoyant” sau khi nhìn và sờ mó vài vật dụng của nạn nhân đã cho cảnh sát biết xác của nạn nhân đã bị buộc vào tảng đá dưới nước tại một địa danh. Nhờ vậy mà cảnh sát đã tìm thấy xác của nạn nhân.

Ông Rich Anders (1) kể rằng bà Rosalinde Haller (một “clairvoyant” nổi tiếng của nước Đức) trong một cuộc phỏng vấn trên TV đã cho biết diễn biến và hậu qủa của trận bão tuyết ở miền Tây của nước Áo. Bà đã thấy thảm họa của các “avalanches” (tuyết lăn từ núi xuống thung lũng). Bà còn cho biết rằng thung lũng Paznaun sẽ bị nguy ngập và dân chúng vùng đó cần phải được di tản (evacuated) ngay lập tức. Dân chúng đã không di tản và trận “avalanche” đó đã giết hại 43 người.

Khoa Cận-Tâm-Lý-Học đã nghiên cứu nhiều về năng khiếu “clairvoyance” và danh từ “Clairvoyance” bây giờ đã được mệnh danh là “Remote Viewing” (Nhìn/Ngó thấy từ xa) trong khoa Cận-Tâm-Lý-Học.

1.1.3 Precognition (Mơ thấy trước)

Ai cũng có thể mơ thấy gì sẽ xẩy ra trong tương lai được, chẳng cần có năng khiếu gì hết. Chúng ta có thể mơ thấy một sự việc gì đó sắp sửa xẩy ra cho bạn bè, thân nhân hay cho chính bản thân mình. Bà vợ của tác giả Rich Anders (3) có một bà bạn tên là Heidi. Bà Heidi thường hay gọi điện thoại cho vợ chồng ông bà Rich Anders. Bà cho biết trong một giấc mơ, bà ta rất sợ hãi vì bà đã thấy một chiếc xe điện nghiến nát chân trái của một người đàn bà. Rồi bà tự nhiên nhận biết người đàn bà đó chính là mình (bà Heidi). Vài tuần sau, bà Heidi gọi điện thoại cho ông bà Anders từ nhà thương và bà Heidi cho hay bà đã bị xe cán và bị cưa chân trái đến tận đầu gối. Hóa ra, trong giấc mơ, bà Heidi đã thực sự nhìn thấy tai nạn của chính bà từ mấy hôm trước!

Một số thầy bói có thể “đoán quẻ” cho khách hàng qua lá trà (tea leaf), qua quả cầu thủy tinh (crystal ball)… vì họ có thể nhìn thấy các diễn biến trong tương lai của khách hàng. Tiếc rằng nhiều “thầy bói” thường hay “bói bịp” để moi tiền của thiên hạ, gây ảnh hưởng xấu cho bộ môn Cận-Tâm-Lý-Học.

1.2 Psychokinesis (Thần lực, sức mạnh phi thường của trí óc)

Có người có thể chú tâm nhìn vào một cái muỗng bằng kim loại và dùng thần lực của họ (psychokinesis hay telekinesis) để bẻ cong cái muỗng đó. Họ cũng có thể dùng Thần lực trong trí óc của họ để mà xê dịch cái muỗng đó từ chỗ này qua chỗ kia (2)

Thần lực cũng có thể làm tăng hay giảm nhiệt độ và Thần lực cũng có thể làm thay đổi các phản ứng hóa học nữa.

Có người cho rằng, thuở xưa khi người Ai Cập xây các kim tự tháp, một số các vị thần (gods) của người Ai Cập đã cùng chung sức dùng thần lực (spiritual energy trong dạng psychokinesis) để hoán chuyển những tảng đá nặng hàng ngàn ký lô thành những tảng đá nhẹ như bông gòn (weightless). Nhờ vậy mà các tảng đá nhẹ như bông gòn có thể trở nên lơ lửng (levitated) trong không gian rồi được di chuyển dễ dàng vào các vị trí của chúng trong các kim tự tháp. Sau đó các vị thần này đã chuyển đổi từ “thể bông gòn” sang thể nặng bình thường hàng ngàn cân của những tảng đá này.

Dĩ nhiên, đây chỉ là một giả thuyết mà thôi. Làm sao người Cõi Trần có thể tìm lại được những vị thần (gods) này để làm thí nghiệm và để mà chứng minh giả thuyết này? Tuy nhiên, đây cũng là một lối giải thích nghe ra cũng “vui tai” dựa theo khái niệm về “psychokinesis”!

1.2.1 Psychic Healing (Chữa bệnh bằng thần lực)

Chúa Jesus đã là một vị lang y tâm linh lỗi lạc (psychic healer). Tục truyền rằng Ngài chỉ cần sờ tay vào người đang bị bệnh cũng đủ để trị lành bệnh cho bệnh nhân. Ngài truyền năng lượng (sức lực siêu phàm) của Ngài đến người bệnh để trị những chứng bệnh nan y. Vì thần lực của người (realm of energies) không phụ thuộc vào yếu tố thời gian nên bệnh nhân có thể khỏi bệnh ngay tức thì.

Cầu nguyện cũng có sức mạnh để trị bệnh. Năng lượng thiêng liêng (spirit energies) của người cầu nguyện được truyền vào người đang bị bệnh và làm cho bệnh nhân được thêm năng lượng, thêm sức lực. Nhưng bệnh nhân cần phải nhận được đủ năng lượng, sức lực để mà lành bệnh. Vì vậy nếu một người bệnh mà được rất nhiều người cùng cầu nguyện, chúng ta chẳng ngạc nhiên khi thấy bệnh nhân được chữa lành bệnh. Những người ở thật xa nhưng cùng cầu nguyện cho bệnh nhân cũng hữu hiệu như những người ở gần bệnh nhân. Đây là một lối giải thích dựa theo ý niệm của “Psychokinesis hay Tele-Psycho-Kinesis”.

Tôi đã từng ngạc nhiên khi nhìn thấy rất nhiều chiếc nạng gỗ (wooden crutches) đã được bỏ lại tại nhà thờ St Joseph, vùng Montreal, Canada vì chủ nhân của chúng đã được lành bệnh và đi đứng mà không cần chống nạng nữa sau khi họ đã thành tâm đến nhà thờ đó cầu nguyện. Xin Quý Vị vào website dưới đây để biết thêm về phép lạ mầu nhiệm này, được giải thích theo phần Thần lực (Psychokinesis):

http://archives.cbc.ca/society/religion_spirituality/topics/1437/
(The Miracle on Mount Royal: 100 Years of St. Joseph’s Oratory)

1.2.2 Black magic/ Sorcery (Bùa Chú, Phù Thủy)

Psychokinesis cũng có phần không tốt của nó. Các phù thủy cũng có thể dùng thần lực để “ếm”, “bỏ bùa” nạn nhân. Mục đích là để hãm hại nạn nhân. Nạn nhân có thể bị đau đớn, bị giết, bị mất của, bị xui xẻo…

Nói tóm lại, tâm trí con người (PSI) ngoài phần thông minh và 5 giác quan còn có những khả năng đặc biệt mà tôi vừa nêu ra trong bài viết này.

Tài liệu tham khảo:

(1) Rich Anders.
http://www.world-mysteries.com/sci4.htm
(2) Robert Schoch.The parapsychology revolution, p8

3. Michael Thalbourne. Glossary of terms used in Parapsychology
4. V. George Mathew Parapsychology – Holigrative Psychology Institute – Thirvananthapuran

Xin đón đọc

Phần 3:
Vong Hồn và Thế Giới Bên Kia.

Đàm Trung Phán
Giáo Sư Công Chánh hồi hưu
May 17, 2011
Mississauga
phandam99@yahoo.com

QUAN NIỆM TÂY PHƯƠNG VỀ TÂM LINH TRONG KHOA CẬN-TÂM-LÝ-HỌC (PARAPSYCHOLOGY) Phần 1

Kiều rằng:“Những đấng tài hoa,
Thác là thể phách, còn là tinh anh.“
(Kiều, Nguyễn Du)

Lời nói đầu:

Sau khi viết xong loạt bài “Cây Đa Lối Cũ, Gọi Hồn Người Xưa”, người viết đã có dịp đọc thêm nhiều bài viết về Tâm Linh của các tác giả Tây Phương và Ðông Phương. Tôi đọc say mê vì có nhiều khoa học gia và nhà ngoại cảm Tây Phương đã mô tả một số hiện tượng khá giống với những gì tôi đã cảm nhận được khi đang thức cũng như khi đang ngủ.

Đây là một đề tài vừa rộng lớn, vừa mơ hồ vì còn nhiều vấn đề chưa có thể chứng minh một cách cụ thể được dựa theo nền tảng khoa học hiện tại của loài người. Tôi có cảm tưởng là mình giống như là một ông thầy bói mù đang sờ chân một con voi khổng lồ để mà “đoán quẻ” về hình dáng, kích thước và cuộc đời, số mạng của con voi đó.
Vì vậy mà cứ chần chờ trước khi viết loạt bài này về Tâm Linh

Dựa theo một số những kinh nghiệm tâm linh của chính bản thân và những gì mà tôi đã đọc được trong những tài liệu của phương Ðông và phương Tây về linh hồn, vong linh, cõi vô hình, tái sinh, luân hồi, gọi hồn… tôi mạo muội viết ra loạt bài này. Bài viết còn có nhiều thiếu sót, nhiều chỗ chưa hiểu rõ hay hiểu lầm… xin qúy vị rộng lòng thứ lỗi cho. Người viết sẽ rất hoan hỉ khi nhận được những ý kiến xây dựng của quý vị độc giả những mong học hỏi thêm được và để cải tiến bài này trong tương lai. Xin Quý Vị viết email về phandam@gmail.com cho người viết.

Xin cứ coi như đây là bài viết mở đầu để chúng ta cùng học hỏi thêm trong tương lai. Trong tinh thần “vạn sự khởi đầu nan”, xin mời quý vị vào đọc…

PHẦN 1:

TRÍ ÓC VÀ LINH HỒN

 

 Phần lớn chúng ta thường thắc mắc với câu hỏi:
“Linh hồn là gì? Làm sao ta ‘thấy’, ‘sờ mó’ được nó? Sau khi ta chết, ta sẽ ra sao?”

Quan niệm về “linh hồn”, “cái chết rất là trừu tượng, mơ hồ. Vì chúng ta không “thấy” và “sờ mó” được chúng, không làm thí nghiệm về “linh hồn” và “cái chết” một cách cụ thể cho nên chúng ta khó có thể tin được những điều mà sách vở, báo chí viết về chúng vì con người đã được nuôi nấng, giáo dục… dựa trên nền tảng của khoa học hiện tại. Hay cũng vì khoa học hiện tại hãy còn thiếu sót nhiều trong sự hiểu biết về những hiện tượng siêu hình, tâm linh?

Xin mạn phép bắt đầu bằng một vài định nghĩa căn bản dựa theo tự điển của vài từ ngữ thông dụng trước khi chúng ta đi vào chi tiết của khoa Cận-Tâm-Lý-Học (Parapsychology, Para có nghĩa là “gần giống/gần như”).

Tâm-Lý-Học (Psychology, viết tắt là TLH): Khoa học về trí óc (mind) và phẩm hạnh / tác phong con người (behaviour). Mục đích là để tìm hiểu về phẩm giá con người và những diễn biến của trí óc bằng những công cuộc khảo cứu nghiêm túc để đưa đến những nguyên lý và những trường hợp ngoại lệ.

Các nhà tâm lý học nghiên cứu về phần nhận thức tri giác (perception), khiếu nhận thức (cognition), lòng chuyên tâm (sự chuyên chú, tiếng Anh là attention), tình cảm hay cảm xúc (emotion), hiện tượng học (phenomenology), sự hứng khởi (motivation), chức năng của óc (brain functioning), nhân cách (personality), tác phong (behaviour), cách giao tiếp (interpersonal relationships) của con người.

Người viết xin đóng góp ý kiến thô thiển dưới đây:

Nhờ sự nghiên cứu sâu rộng và chứng minh dựa theo phương diện thuần lý (rational) mà các nhà Toán Học đã khám phá ra được nhiều quy luật (principle, theory), nhiều công thức thuần lý (rational formulas) thí dụ như các công thức Toán Học. Tuy nhiên trong lĩnh vực Khoa Học Ứng Dụng, Khoa Học Kỹ Thuật…. nhiều nhà nghiên cứu đã phải tốn công sức dùng cả phần lý trí lẫn phần trực giác (cảm nhận) nhậy bén để làm nhiều thí nghiệm và họ đã thành công kiếm ra được nhiều công thức phức tạp bao gồm nhiều yếu tố khác nhau mà thoạt đầu không có thể chứng minh trên phương diện thuần lý được. Những công thức này được mệnh danh là những công thức thực nghiệm (empirical formulas) – thay vì công thức thuần lý (rational formulas) – dựa theo phần hiểu biết qua cảm xúc. Các công thức thực nghiệm này đã được xác nhận là “hữu lý, hữu tình” trên phương diện phần thuần lý (rational, logical) cuả trí tuệ con người phân tích những hiện tượng thiên nhiên.

Nhiều hiện tượng tâm linh (như Gọi Hồn,Tìm Mồ Mả …), trên phương diện “thuần lý”, nghe ra có vẻ “phản khoa học” và khó mà giải thích được. Người viết cho rằng nền khoa học hiện đại còn thiếu sót nhiều hiểu biết, nhiều “quy luật” liên quan tới phần trí óc, linh hồn, thế giới tâm linh cho nên chúng ta đang “sờ chân con voi” để mà “đoán quẻ”, có khi còn phản bác nữa. Hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa, nhân loại sẽ tiến xa trong lĩnh vực siêu hình này để chúng ta có thể giải thích hay chứng minh được những hiện tượng tâm linh cho “hợp lý, hợp tình” dựa theo nền tảng khoa học mới mẻ này.

Khoa Tâm- Lý- Học đã cải tiến quan niệm về danh từ “Thông Minh” của con ngưòi. Thoạt đầu, Thông Minh chỉ được “nhìn” hay “hiểu” qua phương diện “đầu óc / trí khôn” (mind) rồi sau đó “Thông Minh” được bổ túc thêm trên phương diện “cảm xúc” (emotion) và gần đây, “Thông Minh” con người còn được nhìn nhận qua phần “Tâm Linh/ Luật Trời” (spirituality) nữa. Tôi muốn nói đến phần: Thông Minh về Trí Óc thiên về lý luận (Intelligence Quotient – IQ), Thông Minh về Cảm Xúc (Emotional Intelligence – EQ) và Thông Minh về Tâm Linh (Spiritual Intelligence – SP) mà tôi đã đề cập đến trong bài viết “Chữ Tâm Kia Mới Bằng Ba Chữ Tài”:

https://damtrungphan.wordpress.com/2012/01/02/ch%E1%BB%AF-tam-kia-m%E1%BB%9Bi-b%E1%BA%B1ng-ba-ch%E1%BB%AF-tai/

Nhân loại đã chứng kiến nhiều hiện tượng bí hiểm (mystic), thần kỳ (miraculous)… nghe ra rất là “phản khoa học”. Nhiều người không tin vào những hiện tượng này và cho rằng đó là phần “mê tín dị đoan” trong khi đó những hiện tượng lạ lùng, khó hiểu này vẫn tiếp tục xẩy ra cho nhiều người khác nhau khiến cho một số nhà khảo cứu (researchers) trong bộ môn Tâm Lý Học bắt đầu để ý tới và họ đã học hỏi và nghiên cứu thêm. Vì những hiện tượng lạ lùng này “chẳng giống ai” trong lĩnh vực “Tâm-Lý-Học” nên bộ môn Cận-Tâm-Lý-Học (CTLH, Parapsychology) được ra đời vào thập niên 1930. Thuở ban đầu, CTLH bị nhiều người không tin tưởng (nhất là các khoa học gia trong ngành Vật Lý thiên về thuần lý/pure logics) cho lắm, một phần cũng là vì nó liên quan tới phần bói toán, ngồi đồng, phù thủy… có tính cách dị đoan và làm tiền thiên hạ.

Tuy nhiên bộ môn CTLH, song song với TLH cùng với một số tôn giáo khác nhau, đã làm sáng tỏ một số vấn đề về linh hồn, chết đi về đâu, giác quan thứ sáu, tái sinh, luân hồi, thần thức …Theo GS Robert Schoch (1), trong thập niên 60, cơ quan tình báo CIA đã thúc dục chính phủ Hoa Kỳ chạy đua với Liên Sô về những nghiên cứu và áp dụng khoa Cận Tâm-Lý- Học  và từ đó, nhiều khoa học gia đã bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về tâm linh và  ngoại cảm (soul, spirit/spirits, psyche, psi, extra sensory perception hay ESP…).

Theo quan niệm đương thời của khoa học, phần Tâm Trí/ Đầu Óc (consciousness) của con người xuất phát từ những chức năng (functioning) của phần vật thể hữu hình (material) của con người: óc (brain), thân thể (“thân tứ đại” theo quan niệm Phật Gíáo, body) và hệ thống thần kinh (nervous systems) mệnh danh là phần Óc-Thân-Hệ Thống Thần Kinh (tiếng Anh viết tắt là BBNS).

Tâm Trí (Mind) của con người, mặc dù không ở thể rắn/cứng (solid) như những phần khác của cơ thể, nhưng nó được tạo ra bởi chức năng điện-hoá (electrochemical functioning) của BBNS và phần Tâm Trí/ Đầu Óc/ Thức vô hình (Consciousness) này.

Khi phần “thân xác” (body) “chết” (không tồn tại nữa), phần BBNS cũng bị hủy diệt và phần Tâm Trí/ Đầu Óc/ Thức (Consciousness) cũng không còn tồn tại nữa. Tuy nhiên, dựa theo những khảo cứu về những hiện tượng CTLH trong nhiều quốc gia với các nền văn hóa khác nhau (Tây Phương cũng như Đông Phương), phần Tâm Trí Vô Hình (Mind) của con người còn có thêm phần siêu hình không thật sự hoàn toàn giống như phần BBNS của thân xác. Có nghĩa là trong phần Tâm Trí Vô Hình này còn có sự hiện hữu của phần “Linh Trí /Vong Hồn” (spirit) nữa.

Phần “Linh Trí/ Vong Hồn” này không phụ thuộc vào chiều Không Gian (3 chiều: dài, rộng, ngang; theo Toán Học được mệnh danh là các chiều x, y, z) và chiều Thời Gian (t), vì vậy mà phần “LinhTrí Vô Hình/ Vong Hồn” sẽ vẫn còn tồn tại, sau khi cái “thân tứ đại” đã biến mất
trong không gian và thời gian (4 chiều/ dimensions: x,y,z,t ).

Theo nhà văn Rich Anders (2), trong mỗi con người, có hai loại Năng Lượng (Energy):

  1. Năng lượng của vật thể (NLVT, Energy of matter)
  2. Năng lượng đằng sau vật thể (NLĐSVT, Energy behind matter) mà tôn giáo mệnh danh là Năng Lượng Cõi Không (NLCK,
    Quantum Vacuum) hay Năng Lượng Tâm Linh (NLTL, Spiritual Energy).

NLVT xoay vòng từng giai đoạn khác nhau giữa trạng thái năng lượng và vật thể.

NLĐSVT/ NLTL rất khác với NLVT; nó hoàn toàn hiện hữu trong trạng thái năng lượng, và nó không phải lệ thuộc vào chiều (dimensions) không gian và thời gian.

Trong phạm vi năng lượng thuần túy này, NLTL có thể điều khiển được phần NLVT và hai phần Năng Lượng này có thể quyết định những gì sẽ xẩy ra trong trạng thái vật thể (matter phases) giống như phần phần mềm (nhu liệu, softwares) điều khiển phần cứng (hard ware) của máy điện toán vậy. (2A)

Ðể làm sáng tỏ khái niệm về danh từ “Năng Lượng”, xin lấy một thí dụ cụ thể: ta đang đói và mệt mỏi ngồi trong phòng khách. Một ý tưởng lóe ra trong đầu: ra tủ lạnh lấy đồ ăn, thức uống mà ăn uống cho đỡ đói. Phần “Ý nghĩ” (NLÐSVT) này ra lệnh cho phần “thân thể” (NLVT) để mà cái thân xác ta đi tới mở tủ lạnh lấy thức ăn, đồ uống rồi ta ngồi xuống ăn uống. Ăn xong, ngồi nghỉ một lát, ta thấy khỏe khoắn: không còn đói nữa và thân thể thấy bớt mệt. Tại sao vậy? Xin thưa: là vì cơ thể đã được bồi dưỡng thêm sinh lực (năng lượng, energy) từ đồ ăn, thức uống (physical matter). Ðồ ăn, thức uống đã được đổi dạng từ thể rắn/cứng (solid matter) sang thể năng lượng vô hình trong 4 chiều (x,y,z,t) của Cõi Trần.

Phần năng lượng tâm linh (NLTL, Spiritual Energy/Quantum Vacuum) trong con người lúc sinh thời luôn luôn ở trong trạng thái “sẵn sàng làm việc” và nếu không có sự chỉ huy của phần năng lượng tâm linh này, thân thể con người tự nó chẳng biết quyết định hay làm được gì hết. Từ đó, chúng ta có thể hợp lý, hợp tình mà cho rằng phần năng lượng tâm linh là cái “cốt lõi siêu hình/ vong linh”(spirit) của con người.

Giáo sư Triết Học Stephen Schiffer (3) cho rằng sự khác biệt giữa phần óc bên trái (phần “Thức”, Conscious) và phần óc bên phải (phần “Vô Thức”, Unconscious) được tạo ra giống như một cái máy điện toán sinh vật học vậy (biological computer).

Chúng ta có thể so sánh phần “Thức” của khối óc tương đương với phần “máy” (processor) và phần “trí nhớ” (memory) của máy điện toán; trong khi đó phần “Vô Thức” của khối óc tương đương với phần “cứng” (hard drive) / phần “chứa” (storage) của máy điện toán. (3A)

Như vậy, mỗi con người có 2 phần khác nhau trong trí óc (mind): Thức Vô Thức. Hai phần này sẽ tạo ra phần nhân cách (personality) của con người. Khi đứa trẻ mới sinh ra, đầu óc đứa bé hoàn toàn trong trắng (blank); dần dà khi nó khôn lớn, phần “Thức” và “Vô Thức” sẽ phá triển và tạo dựng ra năng khiếu con người (skills).

Phần “Vô Thức (unsconscious) của Trí Óc (mind) là phần “Vong Hồn /Vong Linh” (spirit) của con người và phần này chứa đựng tất cả những “di sản” (xấu và tốt, data) tích tụ từ các tiền kiếp (previous lifetime). Những“tài sản/ di sản” này gồm có những năng lượng tâm linh (spiritual energies) còn được mệnh danh là năng lượng cõi không (quantum vacuum) như tôi đã đề cập đến.

Mỗi lần phần não bộ “Thức” (não bộ bên trái) suy nghĩ hay dự tính một điều gì, phần não bộ “Vô Thức” (não bộ bên phải) đi kiếm dữ kiện (information) được chứa trong kho tàng Năng Lượng Tâm Linh và gửi ngay sang phần não bộ “Thức” bằng những cảm giác (feelings) và những hình ảnh (images). Câu trả lời được gửi đi ngay tức thì vì không có yếu tố thời gian (no time dimension) trong cảnh giới tâm linh (spiritual realm time dimension). Não bộ bên trái (phần “Thức”) có thể ví như là “Bộ Chỉ Huy” vậy.

Dựa theo quan niệm trên, trong khoa Cận Tâm-Lý-Học, chúng ta có thể định nghĩa “linh hồn”, “vong linh” và “ma” một cách giản dị như sau:

Linh hồn (soul) là phần “hồn” của người đang còn sống, gồm có phần “Thức” và phần “Vô Thức”.

Vong linh/Vong hồn (spirit): Khi con người qua đời, phần “Thức” của thân xác  bị hủy diệt nhưng phần “Vô Thức” vẫn còn tồn tại trong Thế Giới Bên Kia / Cõi Vô Hình/ Thế Giới Cõi Âm/ Âm Phần.

Phần “Vô Thức” này là “Vong Linh/Vong hồn” (spirit) của người quá cố.

Gọi Hồn/ Cầu Hồn/ Áp Vong/ Lên Ðồng (Mediumship, Channeling, Trance): Các nhà ngoại cảm (mediums, channelers) có khả năng ngoại cảm (Extra Sensory Perception, ESP) để “đón mời và đón nhận” vong linh của người quá cố về đối thoại (communicate) với người trần gian (sitter) đang muốn giao tiếp với “người” Cõi Âm (spirit).

Ma (Ghost): Thường thì các vong linh tồn tại trong thể khí (ether) nhưng khi vong linh có thể hiện hình (apparition) từ thể khí, người trần có thể nhìn thấy được mờ mờ, ảo ảo. Nhiều nhà ngoại cảm có khả năng đặc biệt nhìn thấy vong linh (clairvoyance), nghe được tiếng nói (clairaudience), cảm nhận được những xúc cảm (clairsentience) của vong linh trong Cõi Vô Hình.

Tài liệu tham khảo:

(1) TS Robert Schoch, Giáo sư về Ðịa Chất Học tại Boston University, Hoa Kỳ. Ông là tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách và các bài nghiên cứu về kim tự tháp, các nền văn minh cổ. Cuốn sách “The Parapsychology Revolution” của ông đã được nhiều người biết tới.

(2) Nhà văn Rich Anders sinh quán tại Áo Quốc. Ông theo học tại Rollins College, Florida, Hoa Kỳ và University of Viennạ, Áo quốc. Ông chuyên môn viết các đề tài thiên về thế giới hữu hình (physical world) và thế giới tâm linh (spiritual world). Ông là tác giả của những cuốn sách sau đây: The end of the world – Then what? ; God’s Ultimate Task; Kennedy Saga; Terror from Heaven.

(2A) www.world-mysteries.com/sci_4.htm

(3) Tiến Sĩ Stephen Schiffer, Giáo Sư Triết Học tại New York University. Ông thường hay viết về Triết học của Ngôn ngữ, Triết học của Trí óc, Vật Lý Siêu Hình (Metaphysics)

(3A) www.world-mysteries.com/sci_4.htm

Xin đón đọc

Phần 2:

Khả năng mầu nhiệm của Tâm Trí (Psi capacities)
Đàm Trung Phán
Giáo Sư Công Chánh hồi hưu
May 12, 2011
Mississauga, Canada
phandam@gmail.com

Đàm Trung Phán

Những bài viết .....

VIETNAMESE HISTORY AND CULTURE RESEARCH INSTITUTE

Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hoá Việt Nam - Giấy Phép Hoạt Động C4286523 và EIN84-3284370

Mây Bắc Mỹ

Just for leisure!

Miomie

Drawing - Reading - Writing

Cuộc Sống

Niềm Tin Và Hy Vọng

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Việt Nam

Việt Nam

Kiếm tiền online

Kiếm tiền tại nhà hàng ngày . các cách kiếm tiền free online

Shop Mỹ Phẩm - Nước Hoa

Số 7, Lê Văn Thịnh,Bình Trưng Đông,Quận 2,HCM,Việt Nam.

Công phu Trà Đạo

Trà Đạo là một nghệ thuật đòi hỏi ít nhiều công phu

tranlucsaigon

Trăm năm trong cõi người ta...

Nhạc Nhẽo

Âm thanh.... trong ... Tịch mịch !!!

~~~~ Thơ Thẩn ~~~~

.....Chỗ Vơ Vẩn

Nguyễn Đàm Duy Trung's Blog

Trang Thơ Nguyễn Đàm Duy Trung