Đàm Trung Phán

Những bài viết …..

Daily Archives: 19/02/2012

TÀ ÁO GIA LONG

Nhóm Gia Long Toronto đã tổ chức một Đêm Văn Nghệ mừng xuân Nhâm Thìn vào ngày Feb.4, 2012 tại thị chấn Mississauga (bên cạnh Toronto) trong một đêm đông lạnh giá bên ngoài nhưng trong sân khấu đầy tình đầm ấm của các chị em Gia Long, gia đình và thân hữu.

Xin kính mời Quý Netters vào xem vài Youtubes và đọc Tùy Bút của Lão Hư dưới đây:
GIA LONG TORONTO – LK LÊ UYÊN PHƯƠNG – BAN TỨ CA DÒNG MỰC CŨ
GIA LONG TORONTO MỪNG XUÂN 2012 -CON SÁO BẠC LIÊU
GIA LONG TORONTO MỪNG XUÂN 2012 – KHÔNG CÒN MÙA THU – KIM DUNG
GIA LONG TORONTO MỪNG XUÂN 2012 – BÀI CA HẠNH NGỘ

***
Tùy bút Lão Hư

Trường nữ trung học Gia Long là một trong những ngôi trường danh tiếng của miền Nam Việt Nam trước 1975. Biết như thế nhưng mãi đến đầu năm Nhâm Thìn 2012, nhân dịp đánh dấu 24 năm ngày thành lập nhóm Cựu Nữ Sinh Gia Long Toronto như là truyền thống của buổi hội ngộ đầu Xuân, tôi mới có dịp tiếp xúc với những chị nữ sinh Gia Long, nay đã thành mẹ, thành nội ngoại cả rồi. Thành ra khi tôi đến với họ, những cựu nữ sinh một thời hoa mộng đã không còn những cơn gió bão lúc xa quê, không còn mùi biển mặn lúc sướt mướt xuống tàu vượt biên, hay mùi mây trời khi đi đoàn tụ; họ cũng không còn mang theo những giọt nước mắt vắn dài trong nỗi nhớ thương, đau buồn, ray rứt, chua xót của con người bắt đầu một kiếp sống tha hương. Tất cả thời gian đã gột rửa không còn xót lại một dấu vết nào khi tôi đến với họ. Trái lại hôm đó, chị em nữ sinh Gia Long duyên dáng đã đến với tôi bằng lời chào đón, bằng miệng cười tươi tắn, bằng ánh mắt thân tình, bằng đôi tay dang rộng như muốn ôm lấy những ước mơ của thuở học trò vẫn còn đọng lại đâu đó trong không gian mênh mông hoặc ngay trong trái tim của người đối diện.


Có những buổi chiều như buổi chiều hôm ấy, dù trời mùa đông, không gian lại đầy nắng và chim bay khi tôi lái xe đến tham dự buổi họp mặt văn nghệ Gia Long năm 2012.

Trong cái không khí tưng bừng của buổi hội ngộ đã cho tôi một cảm nghĩ là… hình như sau ngày mất nước, những người con tha phương, sau rất nhiều năm, vì luôn hướng về quê mẹ đã nảy sinh cái tính cộng đồng rất cao. Chính cái cuộc gặp gỡ, gắn bó giữa người với người lại thường rơi vào những ngày lễ lạc, tết nhất. Đối với những người con xa xứ, hoặc mới đây, đối với những cựu nữ sinh Gia Long, cái từ hội ngộ là sự gặp lại mang ý nghĩa thật kỳ ngộ, là một niềm vui, một niềm kiêu hãnh, một hành xử rất văn hóa. Ở đó nam phụ lão ấu đều hân hoan tụ hội, y phục tươm tất, tay bắt mặt mừng, chuyện trò rôm rả, ăn uống no nê và hát những bài hát cũ mới xưa nay. Nơi hội ngộ thường là nhà hàng hay đại sảnh, ở đó lâu nay vẫn ồn ào bát đĩa, vẫn lao xao tiếng người, trông có cái gì đó có vẻ khá phàm tục. Nhưng khi được khoác lên cái ý nghĩa “hội ngộ” thì bốn-vách-tường-thương-mại kia lại biến thành một vật thể sống thực, ấm áp và sinh động. Những cái mà thường ngày ta gọi là vật chất và tinh thần, giàu và nghèo, đau khổ và hạnh phúc, niềm vui và nỗi buồn, đều được đồng nhất, hoan hỉ mà hòa tan vào cuộc họp mặt thân tình. Nơi nào cũng… chật những dáng người. Nơi nào cũng… chật những tiếng cười nói. Nơi nào cũng… tím những tà áo tím thướt tha, cái màu tím như muốn gợi lại một thời cắp sách đến trường với biết bao mộng mị trong veo, với phá phách và nông nổi.

Chính vì thế mà phần mở đầu của buổi hội ngộ Gia Long bao giờ cũng được các chị trong ban tổ chức ghi nhớ công ơn dạy dỗ của Thầy Cô. Họ tha thiết với những con người cũ đã mất đi, yêu mến quê cha đất tổ, vì thế, tuy lăn lộn trong lòng đô thị đầy ánh sáng phù phiếm, đầy cám dỗ của vật chất, của tiến hóa, của thời đại đầy dẫy những phi lý của A.Camus, của thời đại hiện sinh, hưởng thụ và buồn nôn của J.P.Sartre, nhưng mỗi khi nhúng tay vào công việc thì họ – chị em Gia Long và cả rể Gia Long đều vui vẻ nhận lấy trách nhiệm và tự kiêu hãnh khi chạm vào sự thành công.

Chương trình văn nghệ Gia Long phải công nhận là đặc sắc. Từ những bài hợp ca ngợi ca mùa xuân của các chị Gia Long cộng với sự góp mặt của rể Gia Long cho đến những màn múa lân, những vũ khúc truyền thống dân tộc của các thế hệ con cháu; từ những bài nhạc ngoại quốc kích động đến những khúc dân ca cải biên; từ những màn đơn ca, song ca, tứ ca đến v.v và v.v…, các anh các chị hát với tất cả tâm tình của một nghệ sĩ không chuyên nghiệp, song song với những say mê diễn đạt của các cháu thật xuất sắc.

Thưởng thức cung cách trình diễn qua những màn văn nghệ tôi có cảm tưởng như các anh các chị hết lòng nhắc nhớ về những kỷ niệm long lanh từ lâu vẫn đọng mãi trong lòng mà khi có dịp họ cần phải phát tiết bằng lời ca tiếng hát để thể hiện sự cảm kích của mình với bạn bè, với người thân và với tha nhân.

Tinh thần Gia Long thật phong phú. Họ dắt người nghe đi từ hoạt cảnh này qua trạng thái khác. Có những niềm vui như pháo nổ, như hoa xuân rực rỡ bên cạnh tiếng đàn, tiếng hợp ca (Đón Xuân). Có những nỗi đau dịu dàng của cuộc đời nghiêng theo bản tình ca đôi lứa (Bài Ca Hạnh Ngộ). Có bài nhẹ nhàng như lá thu rơi, chan chứa một triết lý nhân sinh (Không Còn Mùa Thu). Có câu dân ca miền Bắc hát vang cả cánh đồng về cái bền vững, trường tồn muôn đời là cái mối tình thủy chung của các cô gái mới chớm hẹn hò biết gửi gấm đôi câu thâm thúy, đậm đà cho người các cô thầm yêu (Gửi Anh). Có câu truyện tình dân gian miền sông nước Cửu Long buồn man mác, thấm thía và đẹp như ca dao. Họ gặp nhau, yêu nhau qua câu hò, tiếng hát rồi xa nhau như con sáo sang sông, mà hình như từ đó đến tận bây giờ con sáo vẫn còn bay bàng bạc qua sông, trong khi chiếc lồng vẫn để trống như thương nhớ một mối tình đã mất (Lý Con Sáo Bạc Liêu). Rồi Tứ ca Dòng Mực Cũ đã rót vào lòng người nghe những giai điệu lúc thênh thang, lúc khắc khoải với hơi thở và thịt da, với lỡ dở tình duyên dẫn đến một thực tại rã rời nhức mỏi làm lộ ra vùng lưu đày của đôi lứa (Vũng Lầy Của Chúng Ta). Còn, còn nhiều bài ca, còn nhiều tiếng hát thật nồng nàn và thật rộn ràng, tung hê, kích động như những thác lũ nghệ thuật xoáy sâu vào tiềm thức người thưởng ngoạn.


Nhìn chung điểm son trong cuộc hội ngộ Gia Long vừa qua vẫn là lòng bao dung vốn có thường trực trong mỗi con người Việt Nam thuần túy. Dù không có chân trong ban tổ chức nhưng cứ căn cứ theo sự thành công của buổi trình diễn rồi suy ra ai ai cũng biết ngay từ những ngày đầu hội họp, bàn thảo, sắp xếp công việc cho đến ngày kết thúc chương trình, những người bạn năm xưa lại có dịp gặp gỡ nhau, lại cùng chung vai gánh vác trách nhiệm, lại cùng cảm thông với sự nhọc nhằn để rồi càng quí mến nhau qua công việc được giao phó.

Viết đến đây không hiểu sao tôi lại liên tưởng đến đôi tay mềm mại và đôi vai gầy yếu của những người phụ nữ Việt Nam; đôi tay nhỏ nhắn mà nắm bắt được nét đẹp văn hoá trong khi đôi vai mảnh mai lại kĩu kịt đôi gánh thành công. Chính sự thành công đó làm đôi vai bỗng trở nên nhẹ tênh. Mà nếu nhìn bằng đôi mắt nghệ thuật thi ca và hội họa thì tôi có thể bị đắm đuối bởi cái đẹp quá đỗi đất trời.

LÃO HƯ

Đàm Trung Phán

Những bài viết .....

VIETNAMESE HISTORY AND CULTURE RESEARCH INSTITUTE

Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hoá Việt Nam - Giấy Phép Hoạt Động C4286523 và EIN84-3284370

Mây Bắc Mỹ

Just for leisure!

Miomie

Drawing - Reading - Writing

Cuộc Sống

Niềm Tin Và Hy Vọng

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Việt Nam

Việt Nam

Kiếm tiền online

Kiếm tiền tại nhà hàng ngày . các cách kiếm tiền free online

Shop Mỹ Phẩm - Nước Hoa

Số 7, Lê Văn Thịnh,Bình Trưng Đông,Quận 2,HCM,Việt Nam.

Công phu Trà Đạo

Trà Đạo là một nghệ thuật đòi hỏi ít nhiều công phu

tranlucsaigon

Trăm năm trong cõi người ta...

Nhạc Nhẽo

Âm thanh.... trong ... Tịch mịch !!!

~~~~ Thơ Thẩn ~~~~

.....Chỗ Vơ Vẩn

Nguyễn Đàm Duy Trung's Blog

Trang Thơ Nguyễn Đàm Duy Trung