Đàm Trung Phán

Những bài viết …..

ĐỜI ĐI DẠY TẠI CANADA – 3: BẨY CUỐN SỔ ĐIỂM

GS Đàm Trung Phán

Trong hai bài trước, người viết không nhớ rõ một vài điểm chính yếu. Cố bới móc ra trong đầu óc già nua mà không nhớ được nhiểu vì đã trên 50 năm, từ khi tôi bắt đầu đi dạy cho đến khi ngồi viết những dòng chữ này.

 Hôm nay, một buổi sáng đẹp trời, sau khi thức dậy, mới chợt nhớ ra là mình còn giữ lại vài cuốn sổ điểm mà tôi đã giữ kín dưới gầm giường.

Chỗ giấu tốt nhất của tôi là…dưới gầm giường vì rất sợ là “chính phủ tại gia”  nếu tìm thấy chúng, sẽ vứt chúng đi, với lý do là ”giữ làm gì cho nó chật nhà”! Bà đâu có biết: đó là cái của hồi môn của tôi, sau khi tôi đã … lên xe bông về nhà vợ!

Sau khi người viết đã may mắn kiếm được bẩy cuốn sổ điểm ngà ngọc này từ dưới gầm giường, Giáo Già (GG) bèn lấy khăn ướt rồi lau chùi bụi bậm thật kỹ lưỡng.

Trời đất quỷ thần ơi: GG dở từng trang đầu tiên của thời mới đi dạy. Trang đầu gồm có Niên Khóa Mùa Thu 1970 (Fall 1970 Semester) chứa đựng môn “Construction Materials – Soil Testings” (Vật liệu xây cất – Cách thử đất) với họ và tên, số ghi danh của sinh viên ở ngay trang đầu ở phía bên trái và tại trang hai ở phía bên phải là “Section 61”. Cột đầu tiên và những cột sau đó là điểm của từng bài “report”, sau đó là điểm số của test 1, test 2, final exam, rồi phần cộng điểm, và cột cuối cùng là “Final Grades”. Ôi chao, biết bao nhiêu là công sức của thầy & trò chúng tôi trong môn đó, trong một học kỳ (semester)!

 Đọc tên sinh viên mà chỉ còn lờ mờ nhớ mặt mà thôi. Có lắm người, Giáo Già nhà tôi chẳng còn nhớ hay biết mặt mũi họ như thế nào nữa.

Nhờ cuốn sổ điểm này mà GG mới biết mình đã dạy những môn gì trong nên khóa Mùa Thu và Mùa Đông trong 32 năm đi dạy… Đây thực sự là một “Book of records” của thời còn đi làm. Các cuốn sổ điểm này sẽ giúp cho tôi rất nhiều để viết ra những chi tiết về cuộc đời đi dạy trước khi tôi về hưu non ở tuổi 60.

Cũng nhờ cuốn sổ điềm này mà tôi nhớ là mình còn dạy môn “Construction Materials – Metals” cùng với ông Sharad Kaly và tôi chỉ dẫn cho học trò phần “Tention test” (Kéo dài miếng kim loại cho đến khi đứt), “Compression test” (Ép miếng kim loại), “Shear test” (cắt ngang miếng kim loại), Bending test (bẻ cong thanh kim loại)… Chúng tôi dùng một cái máy mang tên là “Universal Testing Machine“(UTM) cho những dịch vụ này. Khi tôi còn đang học năm Thứ Hai tại Đại học New South Wales bên Úc Đại Lợi, các phần thí nghiệm này, sinh viên chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi. Phần sử dụng cái máy UTM này, Giáo Út (GU) nhà tôi đã phải mất công thử nghiệm rất nhiều lần trước khi GU làm thí nghiệm cùng với học trò trong lớp. Tuy rằng mất thì giờ trước khi vào phòng thí nghiệm để dạy họ trò nhưng GU tôi lại có cái đam mê giúp học trò làm các thí nghiệm ở trong phòng thí nghiệm. Tất cả những “test specimens” để thử nghiệm bằng thép (steel), nhôm (aluminum), đồng (bronze), sắt cùn (cast iron), bằng gỗ khá đắt tiền (vì phải làm theo đúng tiêu chuẩn về kích thước và kim loại rất là tốn tiền) nhưng vì trường Công Chánh hồi đó đã có ngân quỹ hậu hĩnh cho các phòng thí nghiệm cho nên Giáo Út nhà tôi đã mua được rất nhiều các “specimens” rồi “để dành” vì sẽ dùng trong tương lai.

Hơn 50 năm nhìn lại về phần thử nghiệm về các vật dụng về xây cất, GG cảm thấy ấm lòng vì mình đã bỏ ra khá nhiều thì giờ để tự học rồi chỉ dẫn cho học trò trong trong ngành Cơ khí, ngành Điện, ngành Kiến trúc, ngành Công Chánh…. cách thử đất, đá, xi măng và bê tông, nhựa đường và bê tông nhựa đường (asphaltic concretes: nhựa đường trộn với đá) các kim loại, gỗ…So với các trường  khác, Centennial College của chúng tôi đã đi sâu vào ngành thứ nghiệm về sức chịu đựng của vật liệu xây cất (construction material testings) và nhờ vậy mà các sinh viên của department chúng tôi sau khi ra trường đã kiếm được việc khá dễ dàng.

 Nhờ có cuốn sổ điểm thứ nhất này, người viết mới nhớ lại là ông Mohammed Ali, già hơn tôi khoảng 2 tuổi gì đó, đã được nhà trường thuê dạy bán thời gian (part-time) trong Niên Khóa Mùa Đông 1971 vì ngành Công Chánh chúng tôi lúc đó đang cần có thêm giáo sư để cùng dạy với GU trong phòng thí nghiệm vật liệu.

Ngành Công Chánh chúng coi có “double intake” (có nghĩa là Civil Technology Department thu nhận sinh viên năm thứ nhất trong cả hai niên khóa Mùa Thu lẫn niên khóa Mùa Đông).

 Ngoài ra, môn Tĩnh Lực Học (Statics) còn lôi cuốn các sinh viên của ngành Điện (90-100 sinh viên), ngành Kiến Trúc (90-100 sinh viên) và ngành Công Chánh có khoảng từ 40 tới 60 sinh viên.

Cũng trong niên khóa Mùa Đông 1971, ông Chair JM của chúng tôi đã bổ nhiệm bà Margo Kenny dạy môn “Statics” và “Water Supply and Sewerage” (Nước uống và Nước Thải) trong trường Công Chánh.

Môn “Statics” bà Margo Kenny dạy phần lý thuyết (Lecture session) trong khi đó Giáo Út tôi dạy phần bài tập (Tutorial session).

Ngoài ra trong niên khóa Mùa Thu 1971, ông Chair John McKnight (JM) còn dạy phần lý thuyết môn Statics và  GU dạy phần bài tập và có vài lần Giáo Út phải dạy thế cho ông vì ông Chair JM phải đi họp bất tứ.

Trong khóa học MùaThu năm 1971, cũng nhờ cuốn sổ điểm này mà tôi thấy thích thú khi thấy môn học rất đặc biệt mà ông John McKnight đã cùng “teamwork” với GU để dạy môn “Analysis Methods” với một phần là Toán Áp Dụng (do GU dạy), một phần là Technical Writing (“Thesis / Technical Project” ra trường, do JM dạy) cho sinh viên học năm Thứ Ba (5th semester). Ông JM là người đề xướng và chấp thuận đề án cho sinh viên. GU là người theo dõi sinh viên và giúp sinh viên nhận vị Giáo sư nào làm “mentor/supervisor” cho các sinh viên theo học năm thú Ba (5th và 6th semester). GU cũng là người “Librarian” (Quản Thủ Thư Viện giữ lại các “Theses/ Technical projects” của những sinh viên “Technologits” đã ra trường sau 3 năm học với Department của chúng tôi). Tôi rất thích môn này, vì nó “hiện đại nhưng không…hại điện”. Ngoài ra, sinh viên còn cho tôi “đọc ké” rất nhiều tài liệu mới ra lò của ngành “Public works” nữa.

Đáng lý ra, các vị GS đàn anh của Giáo Út phải giữ vị trí này mới đúng nhưng vì họ … “lươi huyền” cho nên Giáo Út phải /được… lãnh hết. Tuy rằng GU phải “gồng gánh” nhưng không than thân, trách phận. Chính nhờ vậy mà sau đó, Giáo Út đã học thêm được nhiều điều mới lạ (up-to-date) trong ngành nghề và gíúp cho Giáo Út rất nhiều trong những năm về sau này, khi GU dạy những môn mới toanh: tự học rồi dạy lại cho học trò. Nhiều đêm GU cảm thấy đau cái bao tử vì phải lo nghĩ quá nhiều trong lúc đêm khuya thanh vắng: ngày hôm sau phải dạy sinh viên phần mình vửa mới học xong đêm hôm trước!

Giở cuốn sổ ra, Giảo Út mới giật mình: Khóa Học Mùa Thu năm 1973, ông Chair JM đã biệt phái GU sang dạy Physics 101 cùng với Dr. Henry White của Physics Dept. cho sinh viên năm thứ Hai ngành Công chánh (HW dạy lecture, PD dạy Lab và Tutorial). Đây là một “political move” (nước cờ của ông Chair JM): Civil Dept. không muốn mất sinh viên vì 1, 2 giáo sư trường Physics dạy rất cẩu thả trong khi đó, môn Vật Lý lại hay khó nhằn! Sinh viên Công Chánh đã học với GU trong năm thứ Nhất cho nên sẽ không ngại ngùng khi hỏi bài ông GS gốc Việt. Ngoài ra, ông Chair JM còn có hoài vọng muốn Phân Khoa Ký Thuật “ra lò” môn “Non Destructive Testing” (NDT) do Physics Dept. khởi xướng và GU sẽ là một thành viên trong bộ môn đó. Cuối cùng: môn NDT không “hot” cho lắm cho nên đã bị chìm xuồng luôn và 2 năm sau đó, ông Chair JM đã bị xuống chức; rồi ông biến dạng luôn…  Rất cám ơn tấm thịnh tình của ông JK. Giáo Út sau đó trở thành Giáo Già (GG) tiếp tục đi kiếm ông JK để cám ơn ông đã “grilled” (mài dũa) Giáo tôi để cho tôi có đủ “chưởng lực” trong 8 năm liên tiếp khi mà ông Giáo nhà tôi được College bổ nhiệm lên làm GS Trưởng Phòng của ngành Công Chánh. Sau đó, trở thành “Co – Founder” (Đồng Sáng Lập Viên) của ngành “Environmental Protection Technology (EPT, Bảo Vệ Môi Sinh)”, một ngành mới ra lò vào đầu thập niên 1990, và sau này đã thu hút một số đông các sinh viên đã có bằng B.A, B.Sc… Giáo Già đã được College giữ lại để dạy trong  ngành EPT này trong khi đó, mấy vị GS đàn anh của GU bị College cho về hưu non vì nhà trường không còn có “work load cho họ” sau khi ngành Công Chánh bị đóng cửa, thể theo lệnh của Bộ Đại Học và Đại Học Cộng Đồng váo năm 1996.

Giáo Già cảm thấy cần phải viết ra những lời tri ơn đến ông JM vì Giáo Già chưa có dịp để nói với ông JK khi ông còn sinh thời. Ông đã cho tôi cơ hội dạy học, đã chỉ dẫn và rèn luyện tôi để cho tôi có thể đương đầu với các khó khăn nghề nghiệp và nhất là ý chí để “sống còn với nghề nghiệp và đời sống riêng tư của tôi” trong những năm về sau tại College.

Nói tóm lại trong những năm 1970, 71, 72, và 73, trường Công Chánh chúng tôi có rất nhiều sinh viên để dạy cho đến năm 1974 khi ngành Điện tử cũng như các ngành khác bắt đầu thay đổi chương trình học để giảm số giờ dậy sinh viên từ 4 giờ xuống còn 3 giờ cho mỗi môn trong số 90 ngành nghề khác nhau được dạy trong Centennial College hồi đó. 

 Ngành Điện / Điện Tử đã bỏ luôn môn Statics để thay thế bằng một môn học khác thích hợp hơn. Vì lý do đó mà bà Margo Kenny được thuyên chuyển từ ngành Công Chánh sang ngành Kiến Trúc. Đây là một nước cờ rất hay vì bà Margo Kenny không được sinh viên ngành Công Chánh thích thú cho lắm với lối giảng dạy của bà trong môn “Nước Uống và Nước Thải (Water Supply and Sewerage)”, trong khi đó trường Công Chánh lại thừa giáo sư. Nhưng rồi bà cũng không ở lại lâu trong chức vụ giáo sư của bà tại trường Kiến Trúc.

Phần lớn các giáo sư trong phân khoa Khoa học và Kỹ thuật (School of  Engineering Technology and Science) rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy bà trở thành Khoa Trưởng của phân khoa Khoa học và Kỹ thuật để mau chóng thay thế ông Khoa trưởng Jack Pony sau khi ông ta bị mất chức. Dân nhà giáo chúng tôi, trong những lúc đi uống cà phê với nhau thường hay bàn cãi về thời sự thế giới, các phát minh mới trong khoa học, nền kinh tế của Canada … Một vị giáo sư trường Điện gốc người Áo đã có nhiều những nhận xét giống như là một triết gia đương thời vậy. Ông đã nói nhiều câu bất hủ lắm nhưng tôi chỉ nhớ được 2 câu dưới đây:

  1. “Those who can work, work. Those who cannot work, teach. Those who can’t teach, administer!”

2. Half of the time, I don’t know what I am talking about but that’s not the problem. The problem is: I don’t know which half!

 Ý ông muốn ám chỉ bà tân Khoa Trưởng. Mới nghe, tôi thấy ông ta nói có lý. Mãi về sau này, tôi mới nhận thấy bà Margo Kenny trở thành tân Khoa Trưởng là vì đó là một cái “political move” (quân cờ chính trị ) của College. Lý do là vì trong phân khoa kỹ thuật của chúng tôi, phần lớn các giáo sư đều là đàn ông. Bắt đầu từ giữa thập niên 1970 tại Canada đang có phong trào “bình đẳng trong nghề nghiệp ( employment equity)”. Khi đi xin việc, những ai là phụ nữ da màu, lại còn là tật nguyền mà đi xin việc, họ đều được “có giá” hơn phe đàn ông, nhất là đàn ông da trắng và khỏe mạnh. Ngoài ra trên phương diện thu nhận sinh viên (student enrolment), khi chúng tôi đến các trường trung học để nói chuyên với học trò Trung học trong 2 năm cuối, nhất là các học trò phái nữ, bà Kenny được các trường trung học trong thành phố Scarborough và Toronto rất trọng nể. Người viết rất tán thành việc này, nhất là trong lúc phân khoa của chúng tôi đang cần có thêm rất nhiều các nữ sinh viên ghi tên vào Phân Khoa Kỹ Thuật. Quả thực, sau năm 1974 (khi bà Kenny lên làm Khoa Trưởng), phân khoa của chúng tôi đã thu nhận (recruit)  được khá nhiều sinh viên, cả nam lẫn nữ. GU cảm thấy rất vui: bà Kenny gốc người Hung Gia Lợi, một người tỵ nạn Cộng Sản, chạy thóat khỏi chế độ cộng sản vào năm 1956 và bà rất thông cảm với các Thuyền Nhân Việt Nam. Trong Thập niên 1980, bà và Giáo Út nhà tôi đã cộng tác với nhau để thu nhận một số sinh viên Thuyền Nhân Việt Nam đã đứng tuổi. Chúng tôi sẽ viết thêm về câu chuyện này trong những chương về sau.

GU không những đã quen với đời sống đi dạy mà còn cảm thấy đam mê với nghề đi dạy nữa… Đang vui với đời đi dạy, bắt đầu từ tháng 4 năm 1975, đời sống của vợ chồng chúng tôi cũng như của khoảng 50 người Việt đang định cư tại Toronto bắt đầu… dậy sóng vì biến cố 30 tháng 4, năm 1975.

Đầu tháng 4 năm 1975, vợ chồng chúng tôi được đài truyền hình CBC phỏng vấn về chiến tranh Việt Nam đang đến thời kỳ kết thúc.

 Thế rồi, một số gia đình trong cái cộng đồng Việt Nam lèo tèo có chừng 50 người Việt đã được đài CBC TV nhắc nhở đến văn phòng của ông Bộ Trưởng Di Trú  Robert Andras để điền đơn bảo lãnh cho cha mẹ, anh chị em, và các cháu từ Việt Nam sang Canada trước ngày 30 tháng 04 năm 1975…Ai nấy đều lòng dạ bời bời.

Giữa Tháng Tư, 1975, bỗng ng đâu vợ chồng chúng tôi được một nhà thương ở Toronto gọi điện thoại mời đến nhà thương để họ vấn kế về cách nấu ăn Việt Nam và trông nom cho 50 cháu mồ côi Việt Nam mới bay từ Sài Gòn tới Toronto… Chúng tôi thấy rất thương cảm các cháu vì chúng thuộc lứa tuổi con trai đầu lòng của vợ chông chúng tôi!

Câu chuyện về các cháu mổ trẻ con mồ côi, xin mời quý vị vào đọc hai bài viết trong 2 links dưới đây:

Cuối tháng Tư năm 1975, một đêm khi tôi đang ngủ, thì bị điện thoại đánh thức dậy: telephone collect từ Clark Air Base, Phi Luật Tân. Đầu dây bên kia là anh Đàm Trung Pháp gọi tôi.  Hai anh em chúng tôi đã sống xa nhau đã hơn 16 năm: Pháp đi Mỹ, Phán đi Úc. Rồi Pháp về Việt Nam năm 1965 và Phán sang Canada năm 1969. Anh Pháp báo tin cho tôi biết gia đình anh đã đến Clark Air Base hôm 29 tháng 04 năm 1975. Vừa mừng vừa vui nhưng mà lại rất buồn vì đại gia đình của chúng tôi cũng như phần lớn các  gia đình Việt Nam khác còn đang bị nguy kịch ở Việt Nam.

Tôi thức trắng đêm đó, sau khi tắt điện thoại.  Vài hôm sau anh Pháp lại gọi điện thoại cho tôi và báo tin vui là đã gặp lại thân phụ và em trai út của chúng tôi tại Camp Pendleton, bên Mỹ. Vui thật đó, nhưng rối lại … buồn làm sao. Tôi không còn phải lo gì về vụ xin giấy định cư cho đại gia đình chúng tôi tại Canada nữa vì mọi người trong gia đình đã nhận được giấy bảo lãnh của tôi từ giữa tháng Tư năm1975 rồi. Bây giờ chỉ cần biết ai muốn ớ Mỹ và ai muốn đi Canada mà thôi.

Thân phụ chúng tôi, cụ Đàm Duy Tạo, lúc ở trại Pendleton đã 80 tuổi. Lúc đó, vì tuổi già sức yếu mà phải sống trong trại rất khó khăn cho nên cụ đã cùng gia đình anh chị Pháp được một gia đình người Mỹ bảo lãnh ra khỏi trại Pendleton và định cư tại Mỹ.

Tuy cụ có cái may được ra khỏi trại nhưng lại có cái rủi: cụ phải ở Mỹ gần một năm trời trong khi đó em trai út của chúng tôi đã bay sang Canada đoàn tụ với chúng tôi hồi tháng 6 năm 1975.

Thôi thì, tôi đã may mắn gặp được cha già, gia đình anh Pháp và chú em út Thang của chúng tôi. Khi tôi đi Úc năm 1961, chú mới 13 tuổi và khi gặp lại chú, chú đã 27 tuổi. Anh em gặp nhau tại Toronto thật là mừng mừng, tủi tủi. Nhưng tương lai còn mù mịt lắm!

https://photos.app.goo.gl/PZ6Xzt9R4j9N9moJA

Câu chuyện còn dài. Xin gặp lại quý vị trong bài viết tới.

Đàm Trung Phán

Giáo Sư Công Chánh hồi hưu

Toronto, Canada

Feb.28, 2023

2 responses to “ĐỜI ĐI DẠY TẠI CANADA – 3: BẨY CUỐN SỔ ĐIỂM

  1. Quốc Chương 06/03/2023 at 4:47 pm

    Những bài viết của chú thật là sống động và ghi lại được những giữ kiện thật quý giá cách đây mấy chục năm rồi. Không kém phần khôi hài ở phần mở đầu để thu hút đọc giả, như là “ …dưới gầm giường vì rất sợ là “chính phủ tại gia””. Đây cũng là một cách để exercise the brain with positive attitude/high standards cho những người lớn tuổi có trình độ học vấn cao. Chú thật là một người thầy đáng kính.
    Cháu Quốc Chương

Đóng góp ý kiến

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Đàm Trung Phán

Những bài viết .....

VIETNAMESE HISTORY AND CULTURE RESEARCH INSTITUTE

Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hoá Việt Nam - Giấy Phép Hoạt Động C4286523 và EIN84-3284370

Mây Bắc Mỹ

Just for leisure!

Miomie

Drawing - Reading - Writing

Cuộc Sống

Niềm Tin Và Hy Vọng

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Việt Nam

Việt Nam

Kiếm tiền online

Kiếm tiền tại nhà hàng ngày . các cách kiếm tiền free online

Shop Mỹ Phẩm - Nước Hoa

Số 7, Lê Văn Thịnh,Bình Trưng Đông,Quận 2,HCM,Việt Nam.

Công phu Trà Đạo

Trà Đạo là một nghệ thuật đòi hỏi ít nhiều công phu

tranlucsaigon

Trăm năm trong cõi người ta...

Nhạc Nhẽo

Âm thanh.... trong ... Tịch mịch !!!

~~~~ Thơ Thẩn ~~~~

.....Chỗ Vơ Vẩn

Nguyễn Đàm Duy Trung's Blog

Trang Thơ Nguyễn Đàm Duy Trung