Đàm Trung Phán

Những bài viết …..

ĐỜI ĐI DẠY TẠI CANADA – MỘT – Những năm đầu & Con đầu lòng

Đàm Trung Phán

(Lời người viết: Tất cả các nhân vật trong bài viết này và nhừng bài viết kế tiếp là có thật nhưng không đúng họ và tên)

Tháng 4 năm 1970, một hãng “Consulting Engineering firm” tại Canada đã cho tôi công việc đi kiếm mỏ tại Manitoba. Tôi rất mừng vì đã nằm dài ở nhà để đi kiếm việc cả mấy tháng trời. Ông kỹ sư trưởng (Chief Engineer) gọi điện thoại cho tôi, báo tin rằng tôi cần phải “đi shopping” với ông ta. Tôi ngây thơ hỏi:

– Đi shopping để mua gì, thưa ông?

– Để mua quần áo đặc biệt cho anh vì ở bên Manitoba có khi lạnh lắm!

– Lạnh đến bao nhiêu độ?

–  Trừ 500F, anh à.

Thú thực là chưa bao giờ tôi nghe nói đến -500 F, nhưng tôi biết lạnh lắm. Hai vợ chồng son mới lấy nhau được một năm và tôi đã hứa với vợ là hai đứa sẽ sang Canada lập nghiệp và luôn luôn ở bên nhau. Nay mỗi đứa mỗi nơi ở hai chỗ xa lạ và lúc đó tại thành phố Toronto chỉ mới có chừng 50 người Việt mà thôi. Nhìn thấy ánh mắt không vui của vợ, tôi đành phải viết thư không nhận cái job này mặc dù rằng tôi thừa biết kiếm được việc làm của một kỹ sư công chánh tại “miền đất hứa” này không phải là dễ.

May mắn thay, vài tháng sau, tôi được Centennial College, một Đại Học Cộng Đồng tại Toronto thuê tôi trông coi và dạy trong các phòng thí nghiệm của Ngành/Trường Công Chánh (Civil Engineering Technology Department) để rồi vài năm sau tôi sẽ trở thành một Giáo Sư thực thụ dạy các môn Công Chánh khác. Thực sự ra trong thâm tâm, tôi không bao giờ có ý định đi dạy học như thân phụ chúng tôi: lúc nào cũng phải lo soạn bài, chấm bài, cộng điểm…

Thôi thì, ít nhất bây giờ tôi cũng có công ăn việc làm, không còn phải nằm dài mà đọc báo, đi kiếm việc, nấu ăn và chờ vợ đi làm về rồi cùng nhau ngồi ăn nữa.

Ngày đầu tiên, tôi đến trường rất sớm và phải đợi trước cửa văn phòng của ông Chairman (Giáo Sư Trưởng Phòng) của Department. Bà thư ký già đến sau tôi vài phút. Sau khi tôi tự giới thiệu, bà biết tôi là ai ngay và trao cho tôi chìa khóa để vào phòng thí nghiệm của Department ở phía ngoài cái “main building” xây cất rất kiên cố (ngày xưa là nơi sản xuất súng đạn của Canada vào hồi Đại Chiến Thứ Hai). Và bàn giấy của tôi cùng với năm vị giáo sư khác lại ở trong một cái “portable” (căn nhà này có thể dời đi chỗ khác được).

 Thay vì làm việc trong văn phòng này, tôi vào ngay trong phòng thí nghiệm vật liệu xây cất (Construction Materials Lab) trước để bắt đầu làm việc. Sao mà nó bừa bộn đến thế!

Trong khi làm việc này, trong đầu tôi lại lóe ra rất nhiều việc khác cần phải thu xếp cho xong càng sớm càng tốt. Khoảng 10 giờ sáng, ông Chairman John McKnight xuất hiện và “welcome” tôi. Ông cho tôi biết phải làm cho xong những việc cần thiết nhất trước khi nhà trường bắt đầu dạy trong niên khóa mùa Thu (Fall Semester), chỉ hai tuần sau đó. Ông mang tôi sang cái “portable office” để giới thiệu với Ban Giảng Huấn của trường Công Chánh: Ông George Sand, ông Tom Transit, ông Sharad Kali, ông Thomas Skip (thay thế ông GS Don Kennedy đã kiếm được việc dạy học trong một college khác), ông Rick Chan để họ biết tôi sẽ giúp họ trong những môn học nào trong niên hai khóa Mùa Thu 1970 (Fall Semester) và Mùa Đông 1971 (Winter Semester). Tôi cảm thấy rất vui khi gặp các đồng sự đàn anh này và nhất là cái viễn vọng được cùng làm việc với họ, không những chỉ cho Mùa Thu năm đó mà còn từ năm này qua năm khác nữa. Trừ ông Tom Transit là một Địa Chánh Chuyên Nghiệp (Licensed Surveyor), các ông khác đều là Kỹ Sư Công Chánh Chuyên Nghiệp (Professional Engineers) có bằng hành nghề với nhiều năm kinh nghiệm đã đi làm tại Mỹ và Canada. Điều này làm tôi thích thú vô cùng vì tôi sẽ học hỏi được từ các vị đàn anh này không những trên phương diện dạy học mà còn trên phương diện nghề nghiệp về Công Chánh tại Bắc Mỹ nữa.

Để chuẩn bị dạy trong phòng thí nghiệm môn Soil Testings (Thử Đất Đá), chính tôi phải thực tập trước các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và đi kiếm các tất cả các dụng cụ xem chúng đang ở đâu để rồi chính tôi phải gom lại rồi cất trong một cái tủ sắt, rồi khóa lại trước khi niên khóa mùa thu bắt đầu. Tôi tốn khá nhiều thì giờ trong công việc này vì chẳng có ai có thể giúp tôi, ngoại trừ ông GS Don Kennedy nhưng nay đã chuyển sang một college khác!

Ngày đầu tiên đi vào phòng thí nghiệm để dạy, tôi nơm nớp, lo âu vô cùng: college mới, chưa hề đi dạy học bao giờ, nhỏ con nhất lớp so với các sinh viên Canadian phần lớn là da trắng to con, tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, nhỡ học trò hỏi tôi câu nào mà tôi không giải thích được, và nhỡ học trò mà quá ồn ào trong lớp thì tôi biết phải làm gì đây… Sau khi đã phát bài chỉ dẫn (laboratory hand out notes) cho sinh viên, tôi bắt đầu viết trên bảng đen những điều chính yếu họ phải làm trong ngày hôm đó. Trong khi tay phải thì viết bảng, tay trái bỏ trong túi quần vì tôi đang… run!

Lâu lâu tôi hỏi học trò có hiểu tôi nói gì không? Tôi đã nghe ông Sharad Kali cho biết mùa hè năm 1969, một ông giáo sư gốc Tàu đã bị sa thải vì nói tiếng Anh không vững và học trò không ưa ông ta làm cho tôi càng lo thêm.

Tuần đầu, rồi tuần thứ nhì qua đi mà tôi “vẫn chưa bị làm sao hết”. Tay trái của tôi ra khỏi túi quần lúc nào không hay… Hết run rồi!!! Hai tay bắt đầu vung vít để rồi còn… pha trò với học trò nữa.

Bắt đầu cảm thấy an tâm nhưng công việc vẫn còn quá nhiều và đêm nào tôi cũng còn phải ở lại trong phòng thí nghiệm để tự mình đi kiếm dụng cụ, và thực tập các phần thí nghiệm khác cho những tuần sau đó…Tôi lại còn phải tự mình viết ra cách sử dụng các dụng cụ, phần trình bày các con số dữ kiện (experimental data), cách trình bày các đồ thị (graphical plotting) cho sinh viên, rồi làm toán… để rồi còn nhờ bà thư ký già đánh máy dùm tôi… Sau đó, lại còn phải đọc lại các văn kiện đã được đánh máy để sửa lại những phần nào đánh máy sai hay tôi vẫn còn trình bày chưa thật rõ ràng. Cố phải viết cách làm thí nghiệm cho thật đúng để tránh cái vụ học trò phàn nàn vì họ hiểu lầm phần “lecture notes” của tôi. Lo nhất là phần “probation period” (thời kỳ “tập sự” trong hai năm đầu) của tôi đối với nhà trường. Ban Giảng Huấn và Ban Thâu Dụng Nhân Viên (Human Resources) của nhà trường có quyền “fire” (cho các giáo sư nghỉ việc) trong vòng hai năm đầu nếu các giáo sư (faculty) bị sinh viên than phiền về lối giảng dạy và cách cư sử của họ với sinh viên. Trong niên học mùa Thu và mùa Đông (Fall Semester , Winter Semester) người viết vẫn phải liên tục làm thí nghiệm, soạn bài cho hai môn Soil Testings (Thử Nghiệm Đất Đá), Cements and Concretes (Thử Nghiệm Xi Măng, Bê Tông, nghệ thuật trộn Bê Tông), rồi viết lại cách làm thí nghiệm rất tốn thì giờ, nhờ bà thư ký đánh máy, soát lại bài viết trước khi đem in.

Có nhiều đêm, tôi thường hay mơ ngủ trở về lại hồi còn đang đi làm cho chính quyền của tiểu bang New South Wales. Thật là vui: cả một tầng lầu chứa đầy các draftsmen (họa viên), các design engineers (kỹ sữ thiết kế) và các ông Sếp (bosses) cao cấp. Cứ 2 tuần một lần, chúng tôi được phát lương bằng tiền giấy, tiền xu và chúng tôi chung tiền để mua vé xổ số do Sydney Opera quản trị. Bao nhiêu người thường ước mơ trúng số độc đắc và cá nhân người viết cũng đã mơ ước để có dịp đi vòng quanh thế giới. Làm việc thật là nhàn hạ, không bị thôi thúc như khi đi làm tại Centennial College. Đã vậy, còn được trả lương cao so với vật giá bên Úc thời bấy giờ.

Cũng có đêm, tôi còn nằm mơ thấy đang hăng say làm việc trước khi đi ăn trưa tại Circular Quay, Sydney… Nhưng mơ vẫn chỉ là mơ mà sự thực là tôi đang phải phấn đấu triệt để, để mà còn sống sót trong hai năm đầu trong nghề dạy học. Fall Semester qua đi, tôi không bị sinh viên than phiền, mà tôi còn cảm thấy rất vui trong lớp với sinh viên nữa. Thầy trò bắt đầu đùa rỡn với nhau.

Sang đến Winter Semester 1971, tôi vẫn còn phải ngồi viết “lecture notes” cho phần thực tập trong lớp. Phần lý thuyết của môn “Cements and Concretes” vẫn do ông  Thomas Skip phụ trách dựa theo phần thực hành của tôi, giống như môn “Soil Testings” do ông ta và tôi đã phụ trách: ông dạy phần lý thuyết 2 tiếng cho cả lớp trong khi tôi dạy phần thực tập 2 tiếng trong 2 lần khác nhau mỗi tuần. Ông là một kỹ sư chuyên nghiệp về bộ môn Cầu Đường (Roads and Streets), ông được mướn để thay thế ông Don Kennedy đã đổi sang một college khác vì ông ta và ông Chair “không hợp tính” nhau.

Năm sau, Ông Thomas Skip xin nghỉ việc vì ông ta đã kiếm được việc làm với lương cao về Cầu Đường trong một hãng “Consulting Engineering firm” vào mùa hè năm 1972. Ông Chairmann John McKnight đã tự ý tuyển lựa ông Shaukat Alum đang học năm đầu của Ph.D về nghành Soil Mechanics tại Đại Học Toronto dể thay thế ông Thomas Skip. Đây là một lỗi lầm tai hại cho ông Chairman và cả Civil Department chúng tôi về sau này. Ông Ali rất thông minh, nhu mì nhưng không có kinh nghiệm nghề nghiệp ngoài đời cũng như về giảng dạy… Department của chúng tôi được mệnh danh là “Department of Immigrants” vì trong số tất cả có 7 “teaching staff” thì chỉ có ông McKnight và Tom Transit  là sinh quán tại Canada mà thôi.

Tuy rằng nền kinh tế của Canada bắt đầu đi xuống trong đầu thập niên 1970, các Colleges của tỉnh bang Ontario nhận được ngân sách rất hậu hỹ từ “Ministry of Colleges and Universities” (MCU – Bộ Đại Học và Đại Học Công Đồng). Trong 3 năm liên tục (1970, 1971, 1972), ngân quỹ để mua dụng cụ của trường Công Chánh chúng tôi còn chưa tiêu hết tiền. Cuối tháng Hai, ông Chairman thường nhắc tôi:

  • Department của mình còn dư khá nhiều tiền đó anh. Tôi nhờ anh kiếm thêm những dụng cụ để dạy các môn Statics (Tĩnh lực học trong ngành kỹ thuật), Applied Mechanics (Cơ học ứng dụng), Soil Testings (Thử đất đá), Soil Mechanics (Cơ học đất đá), Cements and Concretes Testing (Thử xi măng và bê tông), Hydraulics (Thủy động học)… Anh nhớ liên lạc với các công ty bán dụng cụ để lấy giá cả của các dụng cụ… Nếu anh thấy dụng cụ nào vừa ý anh, anh nộp ngay cái “order form” cho bà thư ký để đưa cho tôi ký ngay tức thì. Nếu mình không tiêu hết tiền năm nay, sang năm College sẽ giảm ngân quỹ của mình…”

Đầu năm 1974, tôi còn nhớ lần đầu tiên nhìn thấy mấy cái “hand held calculators” có cả sine, cosine… Trước đó, trong bộ môn Địa Chánh (Surveying), chúng tôi đã phải tự ý dùng cái “7 figure table for Trigonometry” để mà cộng- trừ- nhân- chia mỗi khi làm toán. Lúc đó, sau 2 giờ học và làm toán bằng cái slide rule (“máy tính” của dân Kỹ Sư) và tự ý phải làm cộng, trừ, nhân, chia, tôi thấy váng cái đầu. Nay nhờ có cái “hand held calculator” này, chúng tôi làm toán rất nhanh và chính xác, không còn đau đầu gì nữa, thoải mái vô cùng. Được ông Chair báo cho biết Department còn tiền, tôi đặt mua ngay 7 cái hand held calculators để ông Chairman và mỗi nhà giáo chúng tôi được một món quà quý trời cho này (a gift from God). Vui thú vô cùng nhất là khi chúng tôi cộng điếm cho sinh viên vào cuối học kỳ.

 Tôi làm quen được với một số các “salesmen” và nhờ vậy mà chúng tôi có đủ các loại “catalogues” để mua sắm đồ. Vật dụng nào thấy ưng ý, tôi hỏi các salesmen về giá cả ngay tức thì. Đôi khi họ còn đến đón tôi ngay tại College rồi đưa đến hãng của họ để tôi tìm hiểu thêm về các dụng cụ này nữa. Sau đó, tôi hỏi ý kiến của 5 vị giáo sư kia trước khi tôi quyết định. Nếu họ thuận, tôi chỉ cần điền vào cái “requisition form” rồi đưa ngay cho bà thư ký để ông Chairman ký. Thế là xong và đợi ngày máy móc được mang tới.

Sau khi đã “làm quen” với công việc nhà trường, tôi cảm thấy vui vẻ với đời sống hàng ngày mỗi khi đi làm. Cuộc sống trong những năm đầu của thập niên 1970 của cặp vợ chồng son chúng tôi thật là dễ chịu trên phương diện tài chánh vì cả vợ lẫn chồng cùng có công ăn, việc làm.

Đầu năm 1971, hai vợ chồng son đi mua một chiếc xe Ford Maverick 6 cylinders (tương đương như chiếc xe Toyota Camry bây giờ) màu xanh đậm. Sau khi trả thuế xong, giá tiền của chiếc xe là 3,200.00 Gia Kim. Xăng giá khoảng 9cents/1 lít. Tem gửi trong Canada mất khoảng 5 cents. Cặp vợ chồng son bắt đầu rủ nhau đi ăn cơm tàu để nhớ lại cái hồi mới tới Canada: cơm rau, cơm dưa 7 ngày một tuần. Mùa xuân 1972, đôi trẻ bắt đầu đi kiếm nhà và sẵn sàng có con đầu lòng vào mùa thu năm đó. Lúc bấy giờ, một căn nhà mới xây xong có 3 phòng ngủ, chỉ phải trả khoảng 40,000-45,000 Gia Kim (Canadian Dollars) tại một “subdivision” (khu nhà ở) mới của Toronto. Chúng tôi không dám mua nhà mới vì đường xe bus chưa đến các “subdivisions” này. Chúng tôi kiếm nhà cũ nhưng tiện đường đi xe bus. Thế rồi hai vợ chồng cùng ưng ý và mua một căn nhà xây khoảng 20 năm trước đó, tại vùng ngoại ô mang tên Scarborough. Chúng tôi thích nhất: nhà có 2 cây hoa anh đào Bắc Mỹ (North American cherry blossoms) màu đỏ đậm rất đẹp mà đằng sau vườn lại là khu đất “green belt” có đường giây điện cao thế và trong khu đó còn có một khu rừng nhỏ không có ai được phép xây cất. Nhà có 3 phòng ngủ, đất rộng 45ft x 125ft, khá khang trang và đôi uyên ương phải trả có 31,500.00 tiền Canadian hồi đó.

Khi viết những giòng chữ này, tôi ngồi làm một con tính nhẩm để so sánh vật giá của hồi năm 2022 với hồi năm 1972:

. Xăng: lên giá gấp 16 lần

. Xe hơi: lên giá gấp hơn 10 lần

. Nhà cửa: lên giá gấp 30 lần

. So sánh lương đi làm năm 2022 với năm 1972: lương của người đi làm năm 2022 được tăng khoảng 5 tới 6 lần nhưng mà lương càng cao, chính quyền đánh thuế càng nhiều. Tiền để dành sau khi trừ thuế càng ít đi thì làm sao mà người mới đi làm có thể mua nhà dễ dàng được, ngay cả nếu cả 2 vợ chồng cùng đi làm.

Hè năm 1972, tôi có bằng hành nghề Kỹ sư (Professional Engineer, P.Eng.) tại tỉnh bang Ontario vì tôi đã làm việc được 2 năm tại Canada. Phải cần có bằng hành nghề này, để lỡ sau này tôi phải đi kiếm việc làm Kỹ sư tại Toronto … cho chắc ăn!

Trong 3 năm đầu của tôi tại College, ông Chairman thường hay ghé vào cái “Soil Lab” để bàn với tôi những việc cần phải làm trong ngày. Thấy tôi mới mua xe, ông căn dặn tôi:

– Young Fellow, anh phải nhớ để một cái xẻng trong xe để xúc tuyết cùng với một vài thứ đồ hộp, đồ ăn khô không bị thiu, nước lạnh, một cái chăn, và quần áo lạnh để mặc thêm. Cần có nhiều giấy báo, sách cũ và bật lửa để đốt lên nếu mà xe của anh bị hỏng trong lúc mùa đông.

Những lúc rảnh, ông còn kể cho tôi nghe đời sống của ông khi ông hãy còn trẻ. Ông nói:

– Tôi thấy thương cho lớp tuổi của anh và của con trai lớn của tôi. So ra, lớp tuổi của tụi tôi sướng hơn các anh bây giờ rất nhiều. Tiền lương kỹ sư của tôi hồi đó khá cao, nhà rất rẻ, rất đẹp. Tiền xăng, tiền đồ ăn chẳng tốn gì nhiều cho lắm. Cả đời chỉ một mình tôi đi làm mà đời sống gia đình của tụi tôi rất sung túc.

Sau hơn một năm đi dạy, tôi cảm thấy vững bụng vì tôi không bị học trò làm khó dễ và không thấy ông Chair hay nhà trường than phiền gì hết. Tôi cảm thấy an tâm nhưng vẫn còn phải làm việc vất vả, nhất là phần soạn bài. Tôi phải cố gắng để mà làm cho đâu ra đó. Sinh viên phải tự cảm thấy họ học hành dễ dàng vì họ hiểu được hết phần bài vở theo lối dạy của tôi.  Qua được năm đầu, tôi thở phào.

Chương trình Công chánh (Civil program) của chúng tôi gồm có 2 bộ môn chính:

– Structures: Cấu trúc, thiết kế (design)

– Public works: Công trình xây cất và bảo trì của những dự án (project design and maintenance)

Chương trình học này có thể kéo dài

– 2 năm: cấp Cán sự (Technicians)

– 3 năm: cấp Cán sự cao cấp (Technologists)

Sau khi ra trường, sinh viên có thể gia nhập nghiệp đoàn (OACETT viết tắt từ chữ Ontario Association of Certified Engineering Technicians  and Technologists)

Năm đầu là năm “Common First year”, có nghĩa là năm  học chung cho tất cả các sinh viên của trường Công Chánh gồm có các môn: Toán, Vật Lý, Anh Văn, Thử Đất (Soil Testings), thử Xi Măng và Bê Tông (Cements and Concretes), Vẽ kỹ nghệ (Drafting), Thực Tập Địa Chánh ( Field Surveying), các môn Địa Chánh (Surveying), Công Chánh Đại Cương (Introduction to Civil Engineering Technology), Tĩnh Lực Học (Statics), Cơ Học Áp Dụng (Applied Mechanics)… trong hai niên khóa Mùa Thu và niên khóa Mùa Đông. Môn Toán do trường Toán (Math Department) dạy. Môn Vật Lý do trường Vật Lý (Physics Department) dạy. Môn Anh văn do trường Anh văn (English Department) dạy.

Suốt thập niên 1970-1980, các trường Cao Đẳng tại Ontario và nghiệp đoàn Giáo Sư (Faculty Association) chưa có quy luật rõ ràng mỗi giáo sư phải dạy bao nhiêu tiếng trong một tuần. Các môn như Anh Văn, Toán, các môn nhiệm ý (electives), nhà trường có thể bắt giáo sư dạy 30-40 sinh viên trong một lớp vì các sinh viên này không phải làm thí nghiệm. Lấy một thí dụ: Trong phòng thí nghiệm, môn thử Đất Đá (Soil Testings) và môn thử Xi Măng-Bê Tông (Cements & Concretes) , chúng tôi chỉ có thể dạy 16-20 sinh viên trong vòng 2 tiếng thực tập mà thôi vì chúng tôi không có đủ ngân sách để mua dụng cụ cho mỗi sinh viên. Chúng tôi phải chia ra nhóm (mỗi nhóm có 4 hay 5 sinh viên). Phần “general lecture” (phần đại cương) chúng tôi có thể dạy 30-50 sinh viên trong một lớp. Vì vậy, các môn học có phần thực tập, hầu như tốn tiền gấp đôi so với các môn học khác: không những College đã tốn tiền vì dạy ít sinh viên hơn trong một lớp so với các môn học khác mà còn phải mua dụng cụ và vật liệu để làm thí nghiệm nữa.

Cũng vì lý do này mà người viết đã phải “dậm chân tại chỗ” trong nhiều năm trên phương diện lương bổng… (Người viết bị ở thế kẹt vì số sinh viên trong Department quá ít ỏi, trong khi đó chúng tôi có tất cả 6 người trong ban giảng huấn kể cả ông Chair McKnight. Trên phương diện hành chánh (budgeting), ông Chair tự ý quyết định Phan Dam (PD)  là một “support staff” để trả tôi ít lương hơn so với các vị giáo sư kia trong khi PD còn dạy nhiều giờ hơn vài vị đàn anh nữa. Vì có rất nhiều vấn đề trong phạm vi phân chia giờ giấc cho các giáo sư không đồng đều cho nên năm 1984, tất cả các giáo sư của 22 trường trong tỉnh bang đã đình công trong 3 tuần lễ liền vì Nghiệp Đoàn Giáo Sư (Faculty Asociation) muốn các colleges phải cải tổ lại phần giờ giấc, mỗi “Lecture” có bao nhiêu sinh viên, mỗi “Laboratory session” có bao nhiêu học trò, giờ giấc chấm bài và soạn bài của mỗi giáo sư ra sao để tránh cài vụ “overwork” cho nhà giáo chúng tôi.

Giữa tháng 5, 1971, sau khi chúng tôi dạy xong niên khóa Mùa Đông (Winter semester), tôi thấy nhẹ nhõm vì đã bắt đầu làm quen với công việc và nhất là từ giữa tháng Năm cho tới đầu tháng Chín, các giáo sư không còn phải dạy học vì sinh viên đang nghỉ hè hay đi làm trong mùa hè. Tôi thấy đỡ vất vả hơn nhiều. Hai vợ chồng son chúng tôi lái xe đi thăm rất nhiều nơi, nhất là đi thăm Niagara Falls… Mùa Xuân quá đẹp, chúng tôi đi mua một cái “folding bicycle” (xe đạp có thể gấp lại được rồi bỏ vào thùng xe hơi để đi chơi xa). Tôi thích nhất là đi xe đạp để ngắm hoa, nhất là hoa anh đào đang nở trong vườn nhà người ta… Nhìn cảnh đẹp và người Canadians sống hạnh phúc, hai vợ chồng son thấy nhớ gia đình vì chúng tôi chưa hề biết mặt được gia đình bên nhà chồng và gia đình bên nhà vợ còn đang sống ở Vietnam…

Chúng tôi nghĩ ngay đến việc mua nhà và có con sớm để tự tạo hạnh phúc cho gia đình lứa đôi…

Hai vợ chồng đọc báo, đi xem những nhà đang xây, xem đường xe bus đi để lựa chọn nên mua nhà chỗ nào để sau này con cái, bố mẹ đi học, đi làm cho tiện.

Thằng cu ra đời, thật bụ bẫm, dễ thương. Cả bố lẫn mẹ vừa hạnh phúc mà lại vừa thương nhớ gia đình bên Việt Nam. Chỉ còn biết chụp hình đứa con đầu lòng để gửi về cho ông bà ngoại, ông nội và các anh chị em mà thôi.

Mỗi lần ẵm con, nhìn vào khuôn mặt ngây thơ của con, tôi thường nghĩ đến cha già đang mong ngóng tôi và muốn được xem mặt đứa cháu nội của cụ.

Nếu không có vụ di cư 1954, giờ này (năm 1972) có thể tôi đang là một Bác sĩ đang làm việc tại Hà Nội hay tại Pháp vì bố mẹ chúng tôi đã có nhà cửa, ruộng vườn tại Bắc Ninh và một căn nhà ở Hà Nội. Hai cụ có đủ tiền bạc để nuôi cho tôi ăn học cho đến nơi đến chốn. Tôi chỉ ước mong được đi học Y khoa để chữa bệnh cho người đời mà thôi. Vào Nam, hai cụ khánh kiệt, rồi mẹ tôi qua đời quá sớm để rồi tôi không có thể trở thành Bác sĩ vì thân phụ không những là một nhà giáo đã về hưu mà còn phải “gà trống nuôi con” nữa…

Bây giờ tôi đã có công ăn, việc làm, lại còn có con trai đầu lòng. Đây là lúc tôi có thể trả ơn cha già bằng cách giúp cụ, giúp em trai tôi tiếp tục giấc mộng Y Khoa của tôi. Phải đợi đến thập niên 1980, nhất là sau biến cố 30/4/1975, giấc mộng đó mới thành sự thực (giấc mộng Y Khoa của chú em út và của tôi) đã thành hình tại cái miền đất hứa, Canada đất lạnh tình nồng này.

Năm 1973, mẹ thằng cu bắt buộc phải đi làm trở lại. Ngày đầu tiên, hai vợ chồng mang con nhỏ đến cho bà giữ trẻ (baby sitter). Mẹ cháu phải lấy xe bus đi làm ngay. Tôi không thể bỏ đi làm ngay được vì còn nghe thấy tiếng con mình khóc nhiều quá. Rồi cũng phải lái xe đến trường, trong đầu chỉ có nghe thấy tiếng con mình vẫn còn đang khóc vì nhớ bố mẹ.

Rồi thời gian qua đi, mọi việc thấy bắt đầu ổn định. Công việc nhà trường không còn làm tôi quá phải bận bịu nữa. Và tôi bắt đầu thấy cái “phúc lợi” (fringe benefits) của cái “nghiệp” dạy học này: không phải đến trường đúng 8:30 sáng trừ khi tôi phải có lớp dạy quá sớm. Thường thì tôi phải vào lớp lúc 10:30 sáng, rất tiện cho việc đưa con đến nhà bà trông con (baby sitter). Lại còn hên nữa: chừng khoảng 3:30 chiều là tôi dạy xong. Đón con lúc 4:30 chiều để mẹ cháu đi subway rồi lấy xe bus về đến nhà trước khi thằng cu đói bụng và cho nó ăn. Khi nào thằng cu bị cảm, cúm, mẹ ở nhà với nó và bố về sớm để cả hai bố mẹ cùng trông con.

Khi thằng cu đã lớn, sau khi đã  xong học kỳ Mùa Đông, tôi không còn phải dạy cho đến tháng 9, tôi thường đến đón con sớm rồi chở con ra các công viên gần nhà để thằng cu ngồi ghế xích đu. Đây là những lúc mà tôi cảm nhận như mình đang sống trên thiên đàng. Rồi thằng cu bắt bố dẫn hắn ra các “Variety stores” (hiệu tạp hóa tại Toronto) để mua nước táo (apple juice) và kẹo bánh. Tối về thằng bé mách mẹ:

  • Bố hư quá vì Bố đã mua “apple juice” và kẹo cho con ăn. Bây giờ răng con đau, mẹ ơi!

Thế là ông Bố được trọng tài cho “thẻ đỏ”! … Oan ông địa!

Hai vợ chồng son cùng nhau dẫn con đi chơi rồi ghé vào hiệu Tàu ăn bữa cơm tối cùng với nhau. Đôi lúc, khi thấy một gia đình gồm có ông – bà, cha – mẹ cùng các con, cháu cùng đi ăn cơm trong hiệu cơm Tàu, tự nhiên người viết thèm khát có được cha già, em trai út và các anh chị em cùng đi ăn bữa cơm tối với chúng tôi… Buồn ơi, chào mi!

Ông Chairman của Department chúng tôi bắt đầu bị nhà trường làm khó dễ vì vấn đề “budget” (ngân quỹ): số học trò theo học (student enrolment) quá ít mà số giáo sư lại khá nhiều so với các department khác trong Phân Khoa Kỹ Thuật và các Phân Khoa khác.

Ông Chairman bèn “lên kế hoạch”: ông muốn con số sinh viên ghi tên học năm đầu lớn hơn nhiều trong khi vẫn giữ các giáo sư và dạy theo số giờ như thường lệ, Department của chúng tôi phải “recruit” (tuyển mộ) thêm nhiều sinh viên. Ông đến gặp riêng tôi:

– Này anh Pee Dee, tôi muốn mình có thêm môn môn Alphalts & Asphalt Concretes (Nhựa Đường trộn với đá & cát) và môn Non Destructive Testing (NDT – Thử các vật liệu nhưng không làm hỏng chúng). Trong khi đó Department của mình không thuê thêm nhân viên nữa. Tôi trao cho anh nhiệm vụ này.

Tôi hỏi dồn ông:

– Mấy lần trước, ông đã nổi nóng với tôi một cách vô lý. Lỗi là tại mấy vị “senior” của tôi. Ông phải nói với họ chứ, tại sao ông chỉ mang tôi ra mà hạch sách?

– Thì tôi đã nói với họ nhiều lần rồi, trước khi anh bắt đầu làm việc, nhưng họ có bao giờ nghe lời tôi đâu.

– Mà tại sao ông lại hay “dũa” tôi như vậy? Hai môn này rất mới mẻ. Một mình tôi làm, chịu sao nổi. Các ông kia đâu?

– Anh à, sở dĩ tôi “mài” anh bây giờ vì tôi thấy trong tương lai, anh sẽ còn làm được nhiều thứ khác cho Department mình lắm. Tôi không trông cậy gì được với mấy ông kia…

Tôi giải thích với ông John McKnight: môn Nhựa Đường (Asphalts, Asphaltic Concretes) rất sáng giá và tôi còn có thể liên lạc với Bộ Cầu Đường (Department of Highways), các hãng tư (private Consulting Engineering Firms), các hãng bán dụng cụ và nhờ các nhân viên của Thư Viện nhà trường đi kiếm các tài liệu dùm tôi. Bộ môn NDT liên quan đến phần Điện/Điện Tử (Electrical Engineering, Electronics), phần Vật Lý (Physics), quá rộng lớn, làm sao mà tôi có đủ “bản lãnh”…

Ông đồng ý nhưng ông đề nghị tôi nên đi dự các “meetings” về NDT dưới sự hướng dẫn của Tiến Sĩ Fred Sapienza, đang làm Chairman của Physics Department.  May thay, chương trình NDT này bị College từ chối vì vấn đề không có ngân quỹ để mua dụng cụ trong khi đó số sinh viên ghi tên lại ít ỏi.

Cả ông John McKnight và tôi cùng đồng ý: tôi sẽ được nguyên cả năm 1973 để lãnh trách nhiệm soạn thảo tài liệu giảng dạy (Course Outline) môn Asphalts and Asphalt Concretes, mua sắm dụng cụ, tự làm thí nghiệm, đi thăm các phòng thí nghiệm… Một khi mà tôi cảm thấy “khả thi” (feasible, ready), tôi phải báo tin cho ông Chairman biết ngay để ông làm các thủ tục với nhà trường trên phương diện ngân quỹ mua dụng cụ, và viết văn kiện về “Curriculum” (văn kiện giảng dạy môn học) để rồi cả ông Chair và tôi sẽ trình bầy trước “Curriculum Committee of the School of Engineering Technology” (Ủy Ban Học Trình của Phân Khoa Kỹ Thuật). Lại một lần nữa, công việc này làm tôi nao núng trên phương diện “content of the course outline” (nội dung giảng dạy của môn học), các tài liệu từ các cơ xưởng công chánh… trong khi các giáo sư đàn anh của tôi không những đã được an nhàn mà họ lại còn được trả lương cao hơn tôi. Đâu là “bình đẳng trên phương diện nghe nghiệp”? May mắn là tôi đã linh cảm thấy được cái “nghiệp đi dạy” của mình.

Trong thập niên 1980, cái “nghiệp” đã xuất hiện và tôi không còn “than khóc” gì nữa:  tôi chấp nhận  nó và cứ thế mà mình tiến bước … “Mind your own business”, như người Tây Phương thường nói.

Càng ngày tôi càng cảm thây vui vẻ mỗi khi bước chân vào lớp học và trò chuyện với sinh viên cũng như khi gia nhập những công việc ngoại khóa (extra curricular activities) tại Centennial College.

Chúng tôi chưa muốn kết thúc phần viết  về đời đi dậy này vì còn có rất nhiều các câu chuyện khác liên quan đến đời đi dạy sẽ được viết ra trong những bài viết kế tiếp.

Xin hẹn gặp lại…

Dec.25, 2022

Đàm Trung Phán

GS Công Chánh hồi hưu

Mississauga, Canada

9 responses to “ĐỜI ĐI DẠY TẠI CANADA – MỘT – Những năm đầu & Con đầu lòng

  1. Yên Sơn 05/01/2023 at 6:20 pm

    Ngày xưa còn dạy hữu lương
    Bi giờ mất dạy vô lương… chán phèo
    Nhưng Cụ Đàm ta không nghèo
    Cả ngày tự tại trông theo mây ngàn

    • dam trung phan 05/01/2023 at 6:52 pm

      Bác ơi, tôi đã thôi rồi,
      Quít nghề dạy học, xơi nước, ngồi chơi.
      Rảnh rỗi, ngồi viết thảnh thơi,
      Mùa đông Tuyết đến, chán ơi, lạnh lùng.
      Đôi lời, tôi viết… nung tung!!!
      ĐTP

      • Minh Phương 10/01/2023 at 8:54 pm

        Thưa Bác Ph.D
        Đọc hồi ký của Bác thật hồi họp nhưng so lại Bác chắc may mắn hơn nhiều dân tị nạn khác! hehehee.e.e.e
        Minh Phương.

        • dam trung phan 14/01/2023 at 4:27 am

          Thưa Bác Minh Phương:

          Hữu tình ta lại gặp ta,
          Bác váo đây viết, cửa nhà tôi vui.
          Nhớ vào thăm tiếp, Bác ui, tui mừng.
          He he…

          PD

          • Minh Phương 14/01/2023 at 5:44 am

            Thưa Bác Ph.D,
            Chuyện tự thuật của Bác chỉ nghe nói về con đầu lòng. Tui chờ Bác báo tin ăn đầy tháng con “cuối lòng” để vui cửa vui nhà! Hà hà hà h..à …à ..à…
            Minh Phương

          • dam trung phan 16/01/2023 at 7:22 pm

            Kính Bác ơi:

            Chuyện đó lâu rồi, hơn 50 năm về trước. Xin chờ dăm năm nữa, tui sẽ viết báo tin Bác ngày đầy tháng của… chắt nội đích tôn của tôi. Con cháu của tui sẽ nấu cháo cho cụ ông ĐTP cùng ăn với đại gia đình mà đỡ phải… nhai! Ha ha..

            HAPPY NEW YEAR!

            Chia!

            ĐTP

  2. Pingback: ĐỜI ĐI DẠY TẠI CANADA – MỘT – Những năm đầu & Con đầu lòng | Sầu Đông

  3. Quốc Chương 09/01/2023 at 4:35 pm

    Cám ơn chú đã chia sẻ những khó khăn và gian nan chú cô đã trải qua bước đầu, rồi đưa đến sự nghiệp thành công rực rỡ ở xứ lạ quê người. Có một điều cháu giống chú trong bước đầu là lái chiếc xe hơi Ford Maverick. Vợ của cháu cũng rất phục chú viết bài tiếng việt quá thông thạo, mạc dù đã rời khỏi Việt Nam đã lâu. Các cụ ngày xưa nói rất đúng 👍 “…. không giống lông cũng giống cánh.” Chắc ông giáo Tạo rất hài lòng nơi suối vàng khi thấy chú đã nối nghiệp ông thành công ngay cả ở xứ người.
    Cháu Quốc Chương

    • dam trung phan 09/01/2023 at 5:49 pm

      Cám ơn hai vợ chồng cháu đã vào đọc bài viết này. Chú nhớ ông và bà quá. Chú chẳng sợ chết gì hết vì biết đâu đó, mình còn có được “cái thế giới bên kia an tĩnh hơn thế giới bên này của con người trần tục”.

      Chúc hai cháu và gia đình an vui.

      Chú Phán

Đóng góp ý kiến

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Đàm Trung Phán

Những bài viết .....

VIETNAMESE HISTORY AND CULTURE RESEARCH INSTITUTE

Viện Nghiên Cứu Lịch Sử và Văn Hoá Việt Nam - Giấy Phép Hoạt Động C4286523 và EIN84-3284370

Mây Bắc Mỹ

Just for leisure!

Miomie

Drawing - Reading - Writing

Cuộc Sống

Niềm Tin Và Hy Vọng

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Hội Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Vietnamese Boat People Memorial Association

Việt Nam

Việt Nam

Kiếm tiền online

Kiếm tiền tại nhà hàng ngày . các cách kiếm tiền free online

Shop Mỹ Phẩm - Nước Hoa

Số 7, Lê Văn Thịnh,Bình Trưng Đông,Quận 2,HCM,Việt Nam.

Công phu Trà Đạo

Trà Đạo là một nghệ thuật đòi hỏi ít nhiều công phu

tranlucsaigon

Trăm năm trong cõi người ta...

Nhạc Nhẽo

Âm thanh.... trong ... Tịch mịch !!!

~~~~ Thơ Thẩn ~~~~

.....Chỗ Vơ Vẩn

Nguyễn Đàm Duy Trung's Blog

Trang Thơ Nguyễn Đàm Duy Trung